ĐƯỜNG ĐI CHÂU
ĐỐC
NGUYỄN VĂN HẦU
Sáng mồng ba tết – Cù
Lao Ông Chưởng -
Nguyễn Hữu Cảnh – Đông
Xuyên và Long Xuyên – Từ Long Xuyên đến Châu Đốc
Tinh sương
mồng ba tết, anh em tề tựu đủ mặt tại Chợ Mới. Mỗi người đều có mang theo hành
lý khá nhiều vì cuộc hành trình định sẽ kéo dài độ trên 10 ngày. Gặp tôi, anh
Khanh vồn vả:
-Mãi đợi anh từ 6 giờ kém 5. Sao, xe
đã có sẵn rồi chứ?
-Vâng, xe đã có sẵn nhưng chực tại
Long Xuyên. Hôm nọ tôi quên nói cho anh biết. Chúng ta phải đi tàu sang
đó.
Từ đây sang
Long Xuyên bao xa?
-26 cây số.
-Thế ra ở đây không có
xe?
-Không. Đường bị phá hỏng từ mấy năm
nay, quãng Chưng Đùng, Sóc Chét nhà cửa bỏ hoang, bắc An Hòa chưa tái lập, xe
hơi không đi được đâu. A! tàu đã xúp lê rồi kia, chúng ta hãy mau chân xuống cho
kịp chuyến.
óóó
Chiếc Nguyễn
Trung hôm đó đông nghẹt hành khách, chúng tôi ngồi nhom lại một góc để dễ chuyện
trò.
Nước xuôi tàu
mạnh, lướt vùng vụt trên sông, bỏ lại đàng sau những đợt sóng trập trùng trắng
dã, đập tung vào hai bên bờ. Nhìn về phía trước, nhà cửa san sát, mọc chen chúc
giữa vườn tược cây cối xanh um. Ánh thái dương dâng lên lừng lững, nhuộm đỏ
những mái trường, mái đình ở đầu doi thêm rực rỡ bên cạnh những hàng sao mượt
lá. Khung cảnh trong càng ngoạn mục. Anh Khanh buộc miệng:
-Ở đây là đâu mà đẹp quá
nhỉ?
-Lại quên mất rồi! Chợ Mới chứ còn
đâu nữa!
-Ừ, đã biết là Chợ Mới, nhưng sông
này là gì và làng mạc hai bên bờ gọi là gì vậy?
-Hữu ngạn, xã Kiến An; tả ngạn, xã
Long Điền; còn con sông nầy là sông ông Chưởng. Cù Lao Ông Chưởng đang hiện rõ
trước mặt chúng ta kìa.
Anh Khanh ngạc
nhiên:
-Đây là Ông Chưởng? Thế ra câu ca
dao:
Ba phen quạ nói với
diều,
Cù Lao Ông Chưởng còn
nhiều cá tôm.
Là chỉ về chốn
nấy sao?
-Giỏi lắm. Xa quê mà không quên gốc,
đáng khen cho anh một điểm son. Đây chính thật là Cù Lao Ông Chưởng trong ca dao
đó.
-Nhưng sao cá tôm không thấy
?
-Thấy lắm chớ, chỉ tại anh không ra
chợ. Bây giờ người ở đông đúc, ghe tàu qua lại quá nhiều làm cá tôm cũng ít hơn
ngày trước đôi phần, tuy vậy vào tháng 9 tháng 10 âm lịch, chúng trên đồng tràn
xuống thiếu gì, và giá bán cũng rẻ mạt.
Kìa anh hãy
trông vào bờ, một miệng chày đang kéo lên, cá nhảy tung trắng
xóa.
*
* *
Khanh chăm chú
nhìn một ngư phủ gở cá trong lòng chài bỏ vào xuồng cho đến khi tàu chạy khuất
dạng mới xoay sang hỏi tôi:
-Tại sao người ta gọi Cù Lao Ông
Chưởng, anh? Ông Chưởng nào mà học sử tôi không hề thấy có nói
tới?
Lỗi tại chương
trình giáo khoa không ghi, chứ thật ra Ông Chưởng là người có công đầu trong
việc khai thác miền nam nầy.
Anh hãy kể lai
lịch Ông Chưởng cho anh em nghe đi.
-Ông Chưởng tức người ta gọi tắc là
chức quan chưởng cơ. Ông được phong tước Lễ Thành Hầu, tên thật Nguyễn Hữu Cảnh.
Vốn là cháu đời thứ 9 của Nguyễn Trãi và là con của Nguyễn Hữu Dật, ông theo phò
chúa Nguyễn Phúc Chu lập được công lớn trong việc trinh phạt Chiêm Thành lần
cuối cùng năm 1692. Sáu năm sau, ông vào kinh lược đất Đồng Nai, đem được hơn
bốn chục ngàn dân từ Ngủ Quảng vào khai hoang. Thời ấy Đồng Nai còn là rừng sâu
nước độc, dân cư quá ít, một phần người Thổ (1) và một phần người Minh Hương ở
xen lộn với người Việt, vậy mà ông nổ lực làm việc trong một năm thì lập được
làng xã doanh huyện, thiết lập bộ đinh và kiểm soát được dân
số.
-Thế thì miền Hậu Giang hồi này chắc
còn bỏ hoang và chổ mà ta đang đi đây vẫn còn là nơi thịnh trị của hùm thiêng
rắn độc?
-Ít người ở chứ không nhất thiết bỏ
hoang đâu. Đây đó thỉnh thoảng cũng có một vài sóc Thổ dựng lên hoặc năm bảy lều
tranh của người Việt, và người Minh Hương nhen nhúm. Bởi vậy mới có chuyện người
Thổ hợp nhau đánh đuổi người Việt và người Minh Hương, và chuyện đó dần dần biến
thành chuyện lớn, khiến ông Nguyễn Hữu Cảnh phải cứ đại binh vào
dẹp.
-Trận giặc đó xảy ra trong năm nào
vậy anh?
-Mùa xuân năm 1700 thì binh Nguyễn
Hữu Cảnh tới Vĩnh Long. Sau khi cho đắp ở đây một chiến lũy, ông đuổi giặc tận
Nam Vang. Vua Cao Miên hoảng vía phải hàng ông không điều kiện. Ông phủ dụ họ
rồi rút quân về đóng tại cù lao này, chỗ chúng ta xuống tàu hồi
nãy.
Nhưng chỉ nghỉ
binh được ít ngày thì ông bị cảm nặng, thổ huyết giữa bữu tiệc khao binh trong
ngày tết Đoan ngọ rồi mấy hôm sau ông mất. Nhân dân nhớ ơn lớn của ông mới lập
đền thờ và gọi nơi đây là cù lao Ông Chưởng (1).
Nghĩ mà thán
phục công đức của người xưa. Phải có chí và nhiều can đảm mới dám vào đây thời
đó phải không các anh?
*
* *
Mãi say mê câu
chuyện mà tàu đã cập bến Long Xuyên. Anh
Ba, đầu ngã màu muối tiêu nhưng sức vóc mạnh khỏe, đã lái chiếc xe díp đậu trực
sẵn trên bờ.
Chúng tôi mang
hành lý lên xe rồi cho xe chạy chậm chậm vòng theo các nẽo đường trong châu
thành cho anh Khanh và anh Hà biết
qua.
Quang cảnh nhộp nhịp của tỉnh lỵ này vào buổi
sángtuy có vẻ vui mắt nhưng không che dấu hết được những gì mang tính chất tàn
phá của chiến tranh. Một bức tường đổ, vài gian nhà bị cháy sém, đã nhắc lại một
thời qua đầy khủng khiếp. Chúng tôi ghé vào một quán cà phê để tìm món điểm
tâm.
Trong khi chờ
thức ăn, anh Trình chỉ lên một bức tranh đẹp treo trên tường có mấy dòng chữ Hán
đề tặng chủ nhân, hỏi tôi:
-Tại sao người Tàu gọi ở đây là Đông
Xuyên mà không viết Long Xuyên như chúng ta, anh? Và tại sao lại có hai danh từ
để cùng chỉ một nơi vậy?
-Đông Xuyên là tên huyện, có trước;
còn Long Xuyên là tên tỉnh, có sau. Huyện Đông Xuyên do triều đình cắt đặt, còn
tỉnh Long Xuyên thì bởi người Pháp chia ra. Người Tàu quen theo tên huyện, cứ
viết như thế.
-Thế huyện Đông Xuyên chịu hệ thống
ở đâu và đến bao giờ mới đổi ra tỉnh?
-Đời Minh Mạng, lúc Nam Kỳ được chia
thành “lục tỉnh”, Đông Xuyên là một huyện của phủ Tân Thành, tỉnh An Giang (1).
Năm 1867, người Pháp chia sáu tỉnh ra thành 24 hạt và sau đó bớt lại còn 20 tỉnh
thì Long Xuyên trở thành một tỉnh của miền nam.
-Như vậy An Giang ngày trước gồm cả
Long Xuyên, Châu Đốc?
-Không chỉ gồm Long Xuyên, Châu Đốc
mà có cả vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ và Sa Đéc nữa; vị trí rộng
lắm.
Riêng Long
Xuyên bây giờ đã được thu hẹp lại, diện tích của nó chỉ còn được 261090 ha,
nhưng dân số trái lại đông đúc hơn xưa (1).
-Hồi còn là huyện, chắc phong cảnh
Đông Xuyên tiêu điều và thành phố chẳng có gì?
-Dĩ nhiên, Mãi đến hồi pháp tới,
miền này còn hoang vu nhiều chỗ. Nhà ở thưa, muỗi đỉa, rùa rắn nhiều. Cả đến tại
châu thành, ban đêm cũng có rắn bò nhung nhúc và muỗi kêu như gió thổi. Một cô
vợ trẻ của một viên chủ tỉnh Tây, giữa ban ngày sợ muỗi đốt, phải giăng mùng
ngồi nói chuyện. Ghê chưa!
Nhưng Đông
Xuyên nổi tiếng về hai đặc điểm: trai chuộng lễ giáo, gái giồi công hạnh. Những
chàng trai hai huyện (Đông Xuyên và Phong Phú) đi khai khẩn miệt Rạch Giá, Cà
Mau, rất dễ dàng kiếm vợ và những cô gái vùng nầy (trai Nhân Ái, gái Long Xuyên)
lại thường được các chàng trai mọi nơi đưa nhau đến để rắp ranh bắn
sẻ.
*
* *
Nắng buổi mai
xuống nhiều, đã thấy nóng, chúng tôi trả tiền cho chủ quán rồi lên xe. Tôi hỏi
anh Khanh:
-Anh vừa có dịp thăm qua nhiều nơi
trong nước, vậy khi quan sát một lược vùng nầy, anh có thể cho chúng tôi biết
đại khái cảm tưởng của anh.
Khanh nhanh nhẩu trả lời ngay như
chưa cần suy nghĩ:
-So với vài tỉnh miền Trung và miền
Nam mà tôi có dịp thăm viếng gần đây, tôi thấy Long Xuyên yên ổn nhất: người
đông như kiến, phố cũng nguyên vẹn và sự lưu thông cũng dễ dàng. Không như nhiều
nơi dinh thự bị đổ nát, dân chúng hồi đông chưa hồi cư, người đi lại rất ít và
mỗi khi vào châu thành thường bị tra xét gắt gao. Gặp Tây, họ sợ lắm lét như sợ
gặp ma quỷ.
-Thế anh có muốn ở đây
không?
-Thích lắm.
-Thích thì về đây mà dạy học với
chúng tôi. Học trò đây ngoan, khí hậu đây lành và các đài hoa biết nói ở đây
cũng không thiếu.
Tất cả đồng
cười.
Xe lướt nhanh trên đường nhựa, phút
chốc rời khỏi thành lỵ. Con đường dài đen nhánh, thẳng băng hiện ra trước mắt
chúng tôi như một vóc lãnh Tân Châu khổng lồ trải phơi trên một sân
rộng.
Hai bên đường, mùi rạ mới bốc lên
thơm phức. Phía tây, cánh đồng vàng ngập nắng, trông vàng tươi, trải liền tận
chân trời. Về hướng đông, xa xa, vài rặng cây xanh đứng thu hình bên bờ sông,
dấn thân lên nền trời, báo hiệu những làng mạc, thôn ấp lẻ
tẻ.
Từ Long Xuyên tới Châu Đốc, đường 54
cây số. Ngoài ngã ba Tri Tôn – Châu Đốc, chúng tôi phải trãi qua kinh Cây Dương,
kinh Vịnh Tre, rạch Cần Thảo và nhiều lạch ngòi nhỏ khác. Những sông ngạch chi
chít ở miền này chảy vào đồng Láng Linh, đồng bảy thưa và riêng vài kinh lớn, ăn
thông từ Hậu Giang tới Hà Tiên, Rạch Giá. Hằng chúng đem vô sô mầu mỡ vào để vun
bón cho ruộng đồng và tẩy sạch chất muối, chất phèn sau những mùa nước
lụt.
Mười hai gời trưa thì tới Châu Đốc.
Chúng tôi vào chợ mua vài món cần thiết rồi tìm đến một nhà
quen.
_______________________________
(1) Vào tháng 4 tháng 5
dl.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét