Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

CA DAO

Ca dao
Lưu Nhơn Nghĩa  
Lúc bà già còn sinh tiền, tôi ưa hỏi những câu hát ru em ngày còn nhỏ thưòng nghe. Tôi sưu tầm làm tài liệu ngâm nga, gặp ở đâu tôi cũng chép. Nhiều người bạn hiểu lầm, tưởng tôi mê thơ, họ chép cho tôi thơ họ sáng tác, hoặc chép trong sách ra những câu ai cũng biết. thời Trung học. Tôi có viết thư về VN nhờ bạn bè sưu tầm ca dao. Tôi nhấn mạnh là các câu chưa in trong sách, (nếu có trong sách thì tôi đã đọc hết rồi ), mục đích tìm ca dao chưa từng nghe, nhưng chỉ nhận toàn những câu trong sách giáo khoa thời Trung học, có cả những câu tuyên truyền hoặc câu nói của các nhà lãnh đạo. Nhiều đứa còn chê tôi lẩn thẩn nhảm nhí. Tôi hỏi một ông Huề thượng các câu đối thời xưa, ông hiểu lầm rằng tôi nhờ ông viết câu đối thờ, ông hỏi cần thì ông “tự đặt “ cho, cứ nhắc đi nhắc lại mà ông không chịu hiểu, tôi muốn câu đối cổ truyền xưa, chứ nói như ông, tôi đặt còn hay hơn ông, ai nhờ ông cho mệt.
Sách giáo khoa trước 1975 về ca dao thường do người Bắc viết. Hình như các vị nầy sống ở tỉnh thành, nên họ ghi những câu rất thông dụng, không có gì đặc biệt . Họ không biết hoặc không tha thiết về nguồn ca dao miền Trung, miền Nam. Chính học sinh miền Nam cũng quên bẳng đi rằng trong Nam cũng có cả một kho tàng vô cùng phong phú về ca dao như ru em, hò đối đáp trên sông, vì mỗi người nông dân đều có khả năng hát hò mà không cần lập lại câu của người khác. Khi làm luận văn, học sinh đều trích ca dao miền Bắc. Rất ít sách vở đề cập ca dao miền Nam. Dân tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Việt văn, ra trường đổi về quê, có nhiều cơ hội sưa tập, mà chưa thấy ai làm chuyện nầy.
Năm 1963, cuốn “ Hương rừng Cà Mau “ của Sơn Nam lần đầu tiên nhắc nếp sống miền Nam, thêm vài câu hò trong các chuyện ngắn gây hứng thú mới cho dân miền nam. Những câu hát ru em đã mất theo các bà mẹ quê nằm đưa võng ru em buổi trưa, được thay thế bằng radio rồi TV, tân nhạc. Bà mẹ VN gốc thành thị, chừng 60 tuổi ngày nay, ít ai biết ru con bằng ca dao. Một bà hát theo Cải lương như thiệt, “Ví dầu cầu ván đóng đinh, Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi, Khó đi mẹ dắt con đi, Con đi trường học mẹ đi trường đời. “ Hai câu đầu là ca dao, hai câu sau là chế thêm, rồi tưỡng thiệt, nghe phát ghét. Lâu lâu, khi rượu vào lời ra, tôi cũng dám ngạo mạng châm chọc giới văn chương, “ ai đọc bất cứ câu đầu nào trong ca dao mìền Nam, nếu tôi đọc không được câu kế, xin uống ly rượu phạt. “ Họ tranh nhau đọc, “ Nhà Bè nước chảy…”, Trong đầm gì đẹp bằng sen ..”
Lâu lắm rồi, chị Tư gì tôi quên mất tên, ở xóm kho dầu, vất vả nuôi chồng bịnh cho tới lành. Người xứ khác tới xứ tôi hay bị chanh nước, đúng ra là bịnh sốt rét, bụng lớn, eo nhỏ, mặt bủng, hay bị hành nóng lạnh, trời nóng mà đắp mền run rên hù hù. Anh lành bịnh, đi lính dân vệ, gác cầu, vướng với cô bơi xuồng bán cá, anh mang cô vô đồn ở, cấm bà vợ cũ vô đồn. Trưa trưa, nghe người vợ cũ đưa võng vừa hát ru con vừa chửi anh chồng bạc bẻo, “Ầu ơ, ví dầu, khi nào anh bỏng anh beo (chị không có học văn chưong Đại học văn khoa hay Đại học Sư Phạm mà dùng chữ ‘ bỏng beo ‘ nghe đả quá, thằng cha bị chanh nước bụng lớn phì ra, màu xám xám, bụng chỉ chưá nước óc ách)  Ai vô đây chạy chửa cho anh, hả?. Con vợ già xấu nè. " Ầu ơ, chớ tay nâng chén thuốc, chớ tay " nâng chén thuốc khi anh nằm trên giường, anh nhớ không?." Con vợ già cúi thấp người xuống, hai tay trang trọng nâng chén thuốccòn nóng vừa uống, ngọt ngào," uống đi anh, uống cho mau mạnh".Thuốc Nam đắng dàn trời, thuốc còn pha thêm dây cóc, ngữi thấy mùi đã thấy sợ muốn ói. Uống xong chén thuốc, vợ già cần thận hơn, đã dành sẵn miếng muối chanh cho anh ngậm khỏi bị nôn mửa, tay nâng chén thuốc còn đèo muối chanh, phu thê chi tình, thâm trọng làm sao. " Ầu ơ, chớ bây giờ anh mạnh anh lành, ầu ơ, chớ anh theo cái con đ. chó đó, chớ anh đành bỏ tôi."

Dân sống dọc theo kinh Tri Tôn cất nhà sàn tránh mùa nước lên, lão già bơi xuồng ngang xóm, nghe tiếng nước tỏm tỏm từ trên phía sau nhà. Không phải nước vo gạo, không phải nước rửa chén, vậy là nước gì chảy kìa. Lão già say sưa, " Hồn thơ lai láng," ( nóitheo văn chuơng thi sĩ, ), xuất khẩu thành thơ, "Nuớc chảy re re, con cá he nó đ.e e è con cá sặc."  Cái tiếng " đè " nó kéo dài lên xuống trầm bỗng theo tiếng chèo đập nước vang xa bên bờ kinh vắng. Lão cụt hứng không tiếp tục ngâm hay hò cho trọn câu, ý lão chờ câu trả lời. Xuồng bơi đã xa khỏi xóm, tiếng nước chảy đã ngưng, lão già quỷ quái còn nghe câu hò oang oát, bổ túc cho tròn câu thơ lục bát, " Dịch vật  thằng cha già _ _ ( xin thay bằng chữ " sanh tật " cho đỡ thô tục) nói trây. "

Đầu bờ kinh, ghe xuồng đậu san sát, thường phải đi nhờ trên đòn dày ghe khác, đậu gần nhau bất tiện chổ đó, gần nhau trước lạ sau quen, có khi sanh chuyện bực mình. Anh lái bên nầy, nhơn lúc mụ vợ lên chợ mua trầu, đang trò chuyện với cô lái bên kia, " A, con cò nó mổ con lươn ". Con cò gặp con lươn thì mổ ăn, đâu có gì lạ mà thằng quỷ nhỏ trong ghe lại hát cho ồn. " Bớ chị ghe lườn..., muốn tía tôi không ?". Hát kỳ cục vậy kìa, tao là tía mầy thây kệ tao chớ, khai ra làm gì cho người ta nghi tao có vợ, thằng mắc dịch ?." Tía tôi lịch sự lịch sàng; cái lưng mốc thích cái đầu chôm bôm ". Khen cái gì lạ vậy?, lịch sự lịch sàng thì phải rồi, còn cái lưng mốc thích, tao đã giấu cái lưng loang lổ lông ben, ai biểu mầy khai, còn cái đầu chôm bôm, mầy khoe cha mầy như vậy nghe được không ? Ai dạy mầy hát tầm bậy tầm bạ vậy?, con mẹ mầy dạy phải không?. Thứ đồ con mất dạy.


Bà già tôi có đọc cho tôi nghe bài gì không biết.

Nầy hàng thật tốt là hàng Nhựt Bổn
Nấu cơm xôm xổm, đi chợ " mài dưa "(?)
Đội nón hai sườn là quân bỏ Huế
Bắt ngựa mà tế, bắt trẻ chăn trâu
Cò bay tới đâu, cò không vú
Chú bắt được năm con
Con nào tốt, chú để chú nuôi
Con nào cụt đuôi cho tôi nướng
Ra công làm mướn, sáu bảy quan tiền
Gió đưa trăng, trăng đưa gió
Người đưa lại, tấm lá buôn (?)thằng Dét(?)
Anh đưa em về Sa Đéc bán buôn
Con gái hữu duyên, đồng tiền hữu xạ
Con gái đất nầy, bợi ngợi trâm anh

Tôi có hỏi mà bà không biết, nếu ai biết
ý nghĩa cùng góp ý cho hoàn chỉnh .
Ca dao xứ tôi vậy đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét