Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

MẬT ƠI

  Mật ơi !


LƯU NHƠN NGHĨA

* Tặng Trương Văn Tấn
(Scheldegg)

Tỉnh tôi trú ngụ là một hòn đảo xa xôi, ít ai nghe tiếng, ở Nam Bán Cầu. Tiếng là thủ đô, nhờ vị trí giao thông thuận lợi, dân số hơn trăm ngàn sống rải rác trên đồi, lưng chừng đồi, thung lũng dọc theo bờ biển. Bốn mùa gió biển Nam Thái Bình Dương thổi về như bão, thành phố có biệt danh ‘Windy Wellington’. Nếp sống dân tứ xứ phẳng lặng và hiền hòa, cuối tuần, phố xá vắng vẻ, khó tìm người ngoài đường, quán rượu mở cửa từ 10 giờ sáng tới 10:30 tối, chủ nhựt đóng cửa, dịp lễ cuối tuần càng hoang vắng hơn.

Cuối năm đó, vào dịp Giáng Sinh, ai cũng về quê đoàn tụ gia đình, ăn Tết Dương lịch. Hai vợ chồng Ấn Ðộ, vợ gốc Anh, mướn chung nhà, gấu ó nhau ỏm tỏi, vợ mắng chồng say rượu, chồng than thở bên vợ kỳ thị màu da. Cải nhau chán rồi cũng khăn gói về quê vợ, bỏ tôi một mình nằm co ro buồn tênh trong căn nhà rộng thênh thang, trống trải. Quán rượu vắng bạn bè, uống một mình, lúc ra về nơm nớp lo sợ đám công lộ hăm he rình rập, muốn đọc sách thì lại thiếu kiên nhẫn. Túng quẩn, tôi đến nhà cô bạn gốc Ái Nhỉ Lan, xin theo cô về quê ăn tết. Cô nghiêm trang trả lời:
‘Không, anh chàng Á châu luộm thuộm kia, tôi thấy anh cả tháng chưa giặt tấm vải trải giường ngủ, cha mẹ tôi khó chia sẻ cái thói quen không lấy gì đáng khuyến khích đó’.
‘Tốt hơn là anh đừng quấy rầy tôi!’
Vừa nói, nàng nguây nguẩy vào bếp.

Tôi ngơ ngác hỏi vói theo, bây giờ mới thấy vô duyên:
‘Ờ ! Vậy là người ta phải giặt vải trải giường sao?’

Tôi tiu nghỉu về nhà, ra sau vườn nằm cô đơn dưới tàng cây hạt dẻ, nhìn lên thảm trời xanh trong. Bên đồi kia, bãi biển vắng, hải âu bay lượn tìm cá biển. Bên vườn nhà bên cạnh, mấy con chim ‘TUI’ đậu trên cành hoa Kowhai, hoa hình cái chuông màu đỏ như phượng. Con chim Tui hút nhụy hoa Kowhai, say nhụy, bay vụt lên say sưa hót cao vút, vỡ không gian trong vắt. Tiếng nhạc dập dồn lẫn tiếng cười rộn rã từ nhà hàng xóm bên đường vọng qua, ai cũng lo hưởng hạnh phúc vội vã.

Cơn ngột ngạt thần kinh đột ngột dựng tôi dậy, phút giây ấy nếu có người bạn bên cạnh an ủi, tâm sự, pha trò, chắc dễ chịu lắm.

Tôi vội vã thu xếp ít hành trang vào túi đeo lưng, đặt lên xe gắn máy, chuẩn bị đi xa, xa cái không khí chán ngấy này.

Cô bạn láng giềng giở cửa sổ lên, hỏi:
‘Anh sắp làm cuộc hành trình dài thú vị hả?’

Tôi đùa bỡn:
‘Tôi đi tìm hạnh phúc, cô thích đi tìm hạnh phúc không?’

-         Ở đâu? Cô tò mò hỏi.
-         Trên yên sau xe tôi đây!

Tới lượt cổ pha trò:
‘Cám ơn, tôi muốn sống tới năm 2050, anh hãy xuống địa ngục tìm hạnh phúc với quỷ sứ!’ Cô hạ sầm cửa sổ xuống.



Lên xe mà chưa biết đi đâu, chỉ có hai hướng duy nhất. Về nam phải qua phà mất 4 tiếng, chưa biết giờ nào có phà, chỉ còn hướng bắc, chạy quốc lộ phía đông tránh mặt trời xế trưa.

Cuộc hành trình kéo dài gần hai tiếng, thèm tách cà phê đen cho thỏa mãn cơn ghiền. Các quán cà phê dọc theo quốc lộ hoàn toàn đóng cửa vào dịp lễ, tôi bắt đầu ngất ngưỡng như người ghiền á phiện. Bên trái, biển xanh bao la, hải đảo xanh non cây cỏ, bên phải đồi xanh cỏ, đồi núi hùng vĩ cũng màu xanh lấm tấm điểm những con trừu trắng gặm cỏ, tôi thưởng thức nếp thanh bình, ngày như đêm, không lo mìn bẫy, hầm chông mã tấu, dù muốn tìm phút lo âu cũng không có, xe hư, sẽ có người dừng lại sửa hộ (đúng luật xa lộ), người mệt, có thể ghé bất cứ nông trại nào tìm chỗ nghỉ ngơi, được đãi ăn sáng, được mời ở lại. Khi hứng chí, khoảng đường vắng, siết ga, xe vọt chồm lên, thỏa tính ngang tàng say mê tốc độ. Gặp nơi nào phong cảnh hữu tình, dừng lại, xuống khe suối dọc theo vách núi cao sừng sững, khoát nước, vớt cụm bèo xanh mơn mởn, tâm trí thảnh thơi tưởng mình đang đứng trước con rạch cùng ở quê nhà.

Nắng hè bảng lảng trên đồi xanh, lúc nhảy nhót trên dốc thoai thoải, trong óc tôi lởn vởn tách cà phê nóng đen bốc hơi thơm thoang thoảng, xứ này còn quá nhiều khuyết điểm cần hoàn chỉnh cấp thời, gần trăm đoạn đường mà không thỏa mãn cho tôi được tách cà phê đen.

Cơn ghiền đưa tôi về không khí quán cà phê ở VN, ly cà phê đen đục, rẻ tiền, lợn cợn cặn cáu, nóng phỏng lưỡi, nhấp một ngụm thấm qua vị giác lên khứu giác, xuống ấm cả phổi tim, thơ thới quên nghèo. Óc tưởng tượng chưa đủ mạnh dằn cơn ghiền hành hạ, nước mắt tuôn từng hồi, gió phần phật khó xua đuổi cơn buồn ngủ lập lờ.

Ði mãi mới tìm được quán bên đường thiên lý, sân quán vắng người, chừng chục chiếc xe Jeep và mấy con ngựa cao lớn yên cương sẵn đứng cựa quậy. Khách là những chủ nông trại chăn nuôi quanh vùng. Trong quán chưa đến hai mươi người. Tôi vừa bước vào, quán đang ồn chợt im lặng, họ đặt ly xuống bàn, trố mắt ngạc nhiên nhìn tôi. Tôi tháo bao tay, áo quần da và nón mô tô đặt đầy trên ghế bành, đi thẳng đến quày rượu, tìm vị trí của bình nấu nước pha cà phê, lại thất vọng. Tôi hầm hầm gọi một bình nước chanh rót ra ly uống. Tiếng ồ đồng loạt làm tôi giật mình. Họ cầm ly đi về phía tôi, những con gấu đủ loại, vạm vỡ xoay sở chậm chạp, thở phì phò, ngực lông lá như dã nhân, nói chuyện trong cổ họng. Tôi uống vừa cạn bình nước chanh, một anh nông dân, râu tóc che hết cả mặt, trừ đôi mắt, phục phịch di chuyển cái thân nặng nề, xô vai tôi. Trọng lượng và nội lực cánh tay hắn đủ xô tôi ngã bật vô tường.

Hắn cười nói huênh hoang:
‘Ê, bạn ở đâu tới?’

Mùi beer, thịt trừu nồng nực, giọng nói ồm ộp, ‘Ê, người bạn hoạn quan đẩm máu kia, (Hey, man, you bloody eunuch) ở quán rượu không có lệ uống nước chanh nghe chưa?

-         Vậy sao họ bán nước chanh? Tôi hỏi lại.
-         Nước chanh để pha với rượu mạnh!
-         Tôi khát nước. Tôi trả lời.
-         Khát nước thì uống beer!

Hắn lè nhè, ‘Bạn biết không, tụi tui thích bạn lắm, dù tụi tui chửi thề. Còn cái bọn dân biểu đảng lao động nghe, nó nói giỏi hơn nó làm, nó gạt gẫm người ta, rồi giải thích sai lầm cũng hợp lý. Ðảng đó vay mượn ngân hàng ngoại quốc cả mấy tỉ dollars để tài trợ cho bọn thất nghiệp và bọn công nhân, công chức lười biếng. Bọn đó lý luận là nông dân chúng tôi lợi tức cao, phải đánh thuế cao hơn cho hợp lý’.

- ‘Này, anh đừng có bôi bác’ - tôi góp ý, ‘nông dân các anh có làm việc cực khổ dơ bẩn như vậy ở hãng xưởng không? Sáng 9 giờ các anh tụ tập quán rượu tới chiều, tự do muốn làm gì thì làm!’

Hắn dằn ly beer xuống bàn, phân bua, ‘Sáng 5 giờ tôi dậy, lo cho bầy chó ăn, rồi mở chuồng, thả chó lùa trừu lên đồi, vừa gắn máy vắt sữa bò, cho bò ăn tới 9 giờ sáng, tắt máy vắt sữa, đi rãi phân v.v... cắt cỏ cuốn lại phơi, dành cho mùa đông. Bạn biết, hôm nay lễ Giáng Sinh, những con bò tôi vẫn cho sữa, vẫn ăn cỏ. Cái bọn Quốc hội thật vô dụng, kỳ bầu cử tới tôi bầu cho đảng Bảo thủ. Càng nói hắn càng hăng tiết, bạn bè chung quanh hổ trợ bằng những tràng cười hô hố. Hắn lại tò mò hỏi:
-         ‘Xứ anh nông dân theo đảng nào?’
Tôi ấp úng, ‘tùy theo họ!’
-         ‘Lượng thịt và lông trừu, thịt bò xứ anh xuất cảng đi đâu?’
-         ‘Dạ xứ tôi thuộc khí hậu nhiệt đới, ít nuôi trừu!’
Hắn tròn xoe mắt,
-         ‘Thế thực phẩm chánh là gì?’
-         ‘Gạo, thịt cá và rau cải!’
-         ‘Có ăn thịt rắn không?’ Hắn nheo mắt.
-         ‘Dạ không!’
-         ‘Lượng sản xuất gạo trên mỗi mẫu Anh là bao nhiêu?’ Hắn hỏi dồn.
-         ‘Dạ tôi cũng không nhớ’.

Hắn lộ vẻ bực mình, ‘Hỏi cái gì anh cũng không biết, hay anh không ưa cuộc đối thoại với bọn tôi?’ ‘Uống beer đi!’
-         ‘Dạ không, cám ơn anh, tôi phải lái xe đi xa, mùa Giáng Sinh, nhân viên công lộ
thường xuyên cảnh cáo là họ sẽ không nhân nhượng bất cứ ai lái xe trong máu chứa quá số lượng qui định nồng độ của chất lên men’.

Hắn chửi thề, ‘Bọn công lộ lãnh lương để phát giấy phạt. Bạn ở xứ này lâu chưa?’
-         ‘Dạ, được hơn 5 năm!’
-         ‘Bạn thích theo tôn giáo bọn tôi chưa?’ Hắn nhướng mắt hóm hỉnh.
-         ‘Dạ, tôn giáo nào?’
-         ‘Ở xứ này có ba thứ tôn giáo thông dụng nhất, bia, dã cầu và cá ngựa. Bạn chọn thứ
nào, chọn cả ba cũng không sao!’ Hắn lại đưa ly bia ngang mày, giả vờ làm phép thánh.

Tôi chưa bắt kịp trò đùa nên thờ ơ trả lời: ‘Dạ chưa biết!’

Mãy người đứng gần thấy tôi ngây ngô, họ phá lên cười thích thú, cười bằng miệng, bằng râu, bằng bụng phệ chứa nước bia và mở trừu.

Quán càng nhộn nhịp, họ bàn tán sôi nổi về giá thịt trừu xuất cảng qua Trung đông đang có chiến tranh Iran - Iraq bị ngưng trệ, bọn Nhựt bản đánh cá trong vùng biển này mà do dự chưa chịu nhập cảng thịt bò và len đủ số lượng như đã thỏa hiệp ký kết, số thực phẩm sữa bị thặng dư, bọn công đoàn thay nhau đình công. Họ kết án chính phủ, quốc hội bất lực, làm quốc gia mất thăng bằng cán cân tài chánh, nông dân bị bớt tài trợ ...

Một lão già ục ịch, bô bô, đưa ngón tay cái lên, ‘Ta mà làm thủ tướng hả, tỷ số thất nghiệp là zéro; bọn quốc hội nó bận việc ngủ gục’.

Những nông dân đều là những chính trị gia, kinh tế gia lỗi lạc, tiếc là họ lo bận bịu cho bầy trừu và vắt sữa bò, chưa có dịp mang sở trường ra thi thố, nên hàng năm có hàng chục ngàn trừu già bị giết bỏ, cả triệu lít sữa đổ xuống suối vì thị trường ối đọng. Họ dằn cơn bực dọc bằng ly bia lạnh, đầu run run gật gật.

Tiếng cười nói rộn ràng bị giọng nói lớn và uy quyền của anh chủ quán làm giảm bớt cường độ, đèn tắt một góc phòng.

‘Cám ơn quý vị, cám ơn quý vị, đã mười giờ rưỡi rồi, hẹn ngày mai, tạm biệt quý vị, chúc quý vị ngủ ngon’.

Mọi người nốc vội ngụm bia cuối cùng, lảo đảo đi ra, kẻ mở máy xe, người lên ngựa về nông trại, rải rác ở các thung lũng chung quanh.

Tôi cũng phải lên xe, gió đêm mát mẻ thổi từ biển lồng lộng, xe chao bềnh bồng, cơn mỏi mệt đè trên mí mắt.

Gió lồng biển Nam Thái Bình Dương bao la ánh sao Nam cực thành một vùng lấp lánh kim cương, ai có người yêu cứ nhờ bầy chim hải âu ra biển nhặt về làm quà cưới. Càng lúc tôi càng thoát khỏi sự lúng túng trong xã hội quá nhiều ước lệ và chi tiết, quá tầm hiểu biết của khối óc khô héo như thỏi đất sét bị cơn buồn ngủ đè nặng.

Ngang qua một làng nhỏ bên quốc lộ, đèn lấp lánh trên những cây thông Giáng Sinh, trước cửa một căn nhà, một đôi vợ chồng già ngồi tựa bên nhau âu yếm.

Tôi vừa xuống xe, ông bà bước ra chào niềm nở. Tôi hỏi chỗ nghỉ qua đêm, ông bà vồn vã mời vào nhà. Bà già giục giã, ‘Cởi nón và áo, vào uống tách cà phê cho ấm đi chú em’.

Ông cụ lui cui đẩy xe vào nhà xe. Tôi quen với lòng hiếu khách ở đây nên tự nhiên bước vào phòng khách. Sau khi tự giới thiệu tên họ, ông hỏi, ‘Chú em uống trà hay cà phê’.

Cơn ghiền cà phê làm giọng nói tôi run rẩy:
-         ‘Dạ, cho tôi xin tách cà phê đen’.

Ông thân mật hỏi, ‘Chú em ăn tối chưa?’
-         ‘Dạ, cám ơn ông, tôi chỉ thèm cà phê’.

Mùi cà phê thơm tuyệt diệu, tôi tỉnh táo, bắt đầu hàn huyên. Ông nói, ‘Chú em hãy xem như ở nhà, nhà này dư hai phòng, tôi giữ nhà cho con gái tôi đi du lịch xa’. Thích thú là tôi khám phá ông bà cũng cư ngụ ở tỉnh tôi đang ở cách nhau không xa.

Cuộc đối thoại được kéo dài nhờ bình cà phê mới, câu chuyện tiếp tục đến gần nửa đêm, ông Buchenan dẫn tôi vào phòng ngủ, giường nệm trắng, tôi sợ sạch sẽ và ngăn nắp, nên lấy túi ngủ nằm trên sàn nhà, như tên chăn trừu ngủ trong lâu đài.

Sáng hôm sau, tôi dậy khá sớm, vào phòng khách đã thấy ông Buchenan ăn mặc đàng hoàng như công chức sắp sửa đi làm. Ông vào bếp dọn bàn, chiên trứng, nướng bánh mì chuẩn bị bữa điểm tâm. Bà đã dậy nhưng còn trang điểm. Tấm trải bàn màu xanh nhạt, bốn góc thêu những đóa hoa hồng. Trên bàn bày ba bộ dĩa và dao nỉa bạc, bên cạnh ba cái khăn hồng xếp thành ba đóa hoa xinh xắn.

Trong mỗi dĩa có hai trứng chiên thật khéo và mấy miếng thịt heo muối chiên, cuốn gọn, xếp thật đẹp mắt, không một giọt mỡ dư thừa nào đọng trong dĩa. Giữa bàn là một bình hoa tươi mát mới hái trong vườn, ông chủ sửa lại nhánh hoa, bưng bình cà phê, bình sữa, lọ đường để sẵn, mời tôi ngồi. Ông trịnh trọng ngồi vào bàn, sửa kiếng và cà vạt, hai tay chống trên bàn chờ đợi.

Bà đã trang điểm xong, vừa bước ra khỏi phòng, ông Buchanan, kéo ghế nhẹ nhàng cho bà, vừa cười âu yếm, ‘Mừng em buổi sáng, Mật ơi, em dùng tách trà nhá!’ (Morning, Honey, Would you like a cup of tea?).

Chúng tôi lại chào nhau, bà nũng nịu ngồi bên ông bắt đầu ăn sáng, gật đầu nhè nhẹ với ông, ‘Món heo muối chiên (bacon) anh chiên ‘thật là’ tuyệt diệu, cưng ơi, cưng là người chiên trứng khéo nhất thế giới, phải không chàng thanh niên?’, bà quay sang tôi hỏi.
- ‘Dạ, thật là tuyệt diệu, chưa bao giờ tôi có bữa ăn sáng ngon như hôm nay!’ Tôi nghĩ thầm, ‘thịt heo muối mặn thấy bà nội’.

Sau bữa ăn sáng, ông bà dẫn tôi đi dạo vườn hoa sau nhà, tỉ mỉ giảng cho tôi đặc tính các loài hoa, ông nâng niu ve vuốt những đóa hoa xương rồng xinh xắn. Mắt nhìn, tai nghe, nhưng đầu óc tôi nặng chĩu những lo âu ngày mai, nhớ thương cái quá khứ ở quê cũ, kìa, bông súng nằm trên mặt nước thanh bình, thân cây nằm cuốn dưới mặt nước mát. Tôi không góp ý được gì trong câu chuyện ông bà, tôi đi tìm hạnh phúc, thấy được hạnh phúc của người, họ say sưa hưởng hạnh phúc, riêng tôi đắm chìm trong cơn mơ ban ngày.

Ông bà dắt tay nhau đi chầm chậm lên đồi thoai thoải, trò chuyện, tán tĩnh âu yếm như họ còn ở tuổi thanh xuân. Ông nhắc khéo bà, ‘Mật ơi, em còn nhớ một buổi đầu mình dắt nhau đi dạo anh hái hoa heather giắt trên tóc vàng óng ả của em đó!

Bà gật đầu nhè nhẹ, đôi mắt xanh trong suốt, như chứa chan nước hồ xanh, ‘Em nhớ, vì thế nên em đặt tên đứa con gái lớn mình là Heather đó’.

Ông tiếp tục, ‘Mật ơi! Em có trí nhớ tốt quá, Heather, con gái mình đẹp như em lúc còn trẻ phải không?’

Họ ngồi xuống thảm cỏ, tự nhiên, ông vuốt ve tóc bà, bà dựa đầu trên vai ông.

Cơn nắng sáng ấm áp, bà mặc y trang màu trắng tinh khiết, nón vành rộng, cổ đeo chuỗi ngọc trai, gương mặt đầy đặn, phúc hậu, những nét nhăn tuổi già không che hết nét đẹp thời hoa niên. Ông mặc y phục trắng, cà vạt nâu sẫm như lúc ông đi đánh Golf, đôi mắt tinh anh, thân thể còn vững chải. Hai vợ chồng già như đôi tiên ông tiên bà đang hưởng phong vị nơi non bồng nước nhược.

Ông bà tế nhị gián tiếp tìm hiểu hoàn cảnh tôi, ý muốn giúp đỡ nếu có thể.

***

Dĩa thịt trừu và khoai tây tán được ông bà dọn lên thơm nghi ngút. Cơn giông bất chợt dai dẳng góp phần ấm cúng cho bữa ăn tối bên ngọn nến trắng.

Ông Buchanan khen vợ:
‘Ừ, món salad lần nào em làm cũng dòn và tươi, món trừu hầm, ăn mãi mà vẫn thích!’ Tôi cũng bắt chước khen lấy lòng bà:
‘Ngon tuyệt, thưa bà!’

Tôi hối hận đã khiếm nhã, khen cho có lệ, thật ra bữa ăn tối hôm đó với không khí đầm ấm, thân tình, mới gặp lần đầu mà được đối đãi như bạn thâm giao, còn từ ngữ nào hay hơn chữ ‘Tuyệt diệu’ để diễn tả?

Sau đó, bà mang ra ba miếng bánh ngọt tráng miệng. Ông suýt xoa khen:
‘Eo ôi! Cái bánh này vợ tôi làm với cả tấm lòng’ (with loving care). Miếng bánh , sữa, chocolate, trên mặt bánh cái bông hồng nhỏ bằng kem trông rất mỹ thuật, chứa toàn chất bổ dưỡng.

Vừa ăn vừa nhớ vẩn , nhớ câu ‘muối mặn gừng cay’, nhớ ‘dưa leo chấm với cá kèo, cha mẹ tôi nghèo tôi học Normal’.

Bên ngoài mưa vần vũ, lành lạnh, sau bữa ăn tối, chúng tôi ngồi trong phòng khách uống cà phê. Ông bà khuyên tôi cứ ở lại chơi, tôi ngồi  phờ nhìn qua khung cửa, nước mưa chảy từng dòng ngoằn ngoèo như nước mắt. Ông bà nhạy cảm, thấy tôi lơ đãng, bắt đầu lả vả câu chuyện. Ðêm càng khuya, câu chuyện càng lý thú êm đềm, như liều thuốc chửa bệnh tâm thần hiệu nghiệm. Câu chuyện bắt đầu bằng bức ảnh phóng đại trên tường, một thiếu nữ độ 16 tuổi đẹp như nàng tiên thanh khiết, tôi tưởng đó là bức ảnh con bà, nhìn kỹ mới biết người trong ảnh là chính bà.

Ông vuốt tóc bà, mỉm cười tình tứ, hôn nhẹ trên trán bà. Bà bắt đầu kể chuyện, giọng bà ấm áp dễ cảm người nghe chuyện.

‘Chú em à, ngày xưa còn bé, tôi được cha mẹ nuông chiều vì tôi là con một. Thời đi học tôi thích vẽ tranh thủy mạc. Năm tôi được giải thưởng toàn trường, giáo sư hội họa khuyến khích tôi thành nghệ sĩ. Nhưng cha tôi muốn tôi học xong làm việc ở quày bán vé xelửa, thế chỗ ông, vừa vặn lúc ông ấy về hưu.

Năm tôi học lớp 10, tranh tôi được chọn để triển lãm hội họa tỉnh nhà, bán gây quỹ cho ban nghệ thuật trường tôi đang học.

Hôm ấy vào ngày làm việc, nên vắng người đến xem tranh, có một thanh niên đẹp trai vào phòng triển lãm. Chàng xem từng bức tranh vẽ, vẻ mặt say sưa thưởng ngoạn, quên mất chung quanh, có vẻ bực tức vì tranh nào cũng có người đặt mua cả’.

Bà kể đến đây, ông Buchanan không dằn được, xen vào góp lời với bà:
‘Ừ, mật ơi! Bức tranh tỉnh vật mấy trái đào trong dĩa đó, nhìn những trái đào chín mọng, lưỡi anh thấy ngọt lịm vị của trái đào, em có để ý không?’

‘Có chứ’, bà nũng nịu.

‘À, bức tranh em chỉ vẽ một phần của cành cây, chim oanh đậu trên cành hoa, mật ơi! Anh ngắm tranh, anh nghe tiếng chim oanh véo von, mũi anh thưởng thức hương hoa tràn ngập bầu không khí. Mật ơi! Bức tranh đồng cỏ đó, buổi xế trưa, ánh nắng hanh vàng nhuộm đồi cỏ xanh mơn mởn, một phần đồng cỏ bị đồi che ánh nắng, anh thấy bóng nắng ngã dần về phía tây, anh sợ mặt trời sẽ khuất sau đồi, mấy con trừu tung tăng chạy trên đồi. Mật ơi, bức tranh linh động chan hòa hạnh phúc phải không em?’

‘À, mật ơi! Bức tranh ‘vách núi đá’ đó, sóng vỗ vào ghềnh đá lởm chởm của bãi biển Hokitika, tạo cho anh cảm giác rờn rợn khi đi tắm biển vùng đó vào ngày biển động. Anh thưởng thức từng bức tranh và cuối cùng, mật ơi, em là bức tranh đứng bên bức tranh cuối cùng đẹp tuyệt vời làm anh ngây ngất!’

Nghe ông bà Buchanan kể chuyện tình cảm, tôi khen thầm, ối ôi ông bà kể chuyện và tán tĩnh nhau hay quá. Bà sửa lại thế ngồi, hăng hái tiếp tục,

‘Ðộ mấy ngày sau cuộc triển lãm, sau buổi cơm tối, cha tôi gọi tôi vào phòng, vẻ mặt nghiêm trang và lo lắng, đưa cho tôi một gói quà, nói:
‘Nầy con, nghe cha nói. Buổi trưa này, có một thanh niên tên Buchanan tới nhờ cha trao lại cho con một món quà. Nầy con, nếu con thích tiếp tục tìm hiểu, con mới được mở quà, vì chàng thanh niên đó rất nghiêm trang.’

Tôi trả lời cha tôi, sau phút ngập ngừng:
‘Dạ, con muốn tìm hiểu.’

Từ đó mỗi chiều thứ sáu, chàng thanh niên tên Alex Buchanan quá giang xe đều đặn tới thăm tôi suốt quảng đường gần 80 km.

Cha mẹ tôi rất vừa ý tư cách chàng.

‘À, mật ơi’ ông tiếp chuyện cho bà nghỉ lấy hứng, có hôm anh quá giang xe, vì mệt nên ngủ quên trên xe, lại quá giang trở lại, đêm đó gần 7 giờ đêm mới đến, em lo âu giận hờn, em nhớ không?’

Bà lim dim, ‘Chàng chiều chuộng tôi, tôi giận chàng về sự chiều chuộng quá độ. Chàng học xong, xin đổi về tỉnh tôi làm thư ký Bưu điện và chú em ơi, 42 năm hạnh phúc!’

Giọng bà chân thành, cảm động như chính bà đang sống đang thở cái không khí hạnh phúc trong veo, không gợn một thoáng buồn ...

Ông vuốt ve bà, ‘Mật ơi, mấy đứa con gái mình đều có gia đình hạnh phúc, mấy đứa cháu mình, bé Judith, bé Patricia, bé Jason đều bụ bẩm dễ thương quá!’

Bình cà phê mới làm đậm đà câu chuyện, tôi ngồi nghe, mơ ước được cuộc đời suông sẽ như đôi vợ chồng già này, tuổi cao mà còn khỏe mạnh, thong dong hưởng nhàn trong quốc gia thanh bình.

Tôi vẫn nhìn những bức tranh bà ký tên treo trên tường. Bức tranh nào cũng ngập tràn màu sắc hạnh phúc. Tâm hồn nghệ sĩ bà pha với màu sắc, bắt vệt mây trắng trên bầu trời xanh, thả mây vào bay trong tranh, mây vẫn còn bay chưa chịu dừng trong tranh bà, nhờ ngọn gió nhẹ qua cánh đồng cỏ. Bức tranh ‘cánh đồng lúa mì’ vào cuối thu, màu lúa vàng ngập đồng, tôi liên tưởng tới những ổ bánh mì nóng dòn, một đời no ấm dư thừa. Chất liệu trong tranh bà là cỏ xanh, hoa thắm, sữa ngọt. Càng ngắm tranh bà, người thưởng ngoạn dù buồn bực, cũng được chia xẻ ít nhiều hạnh phúc.

‘Anh có thích hội họa không?’ Bà cụ hỏi.
‘Thưa bà , tôi có học vẽ tranh thủy mạc như môn học chỉ mới bắt đầu học vẽ và chấm dứt sau khóa học’.
- ‘À, hay quá, vậy anh có triển lãm tranh ở đâu?’ Mắt bà sáng lên, chực sẵn sàng thảo luận về môn hội họa.

Tôi nửa đùa nửa thật, trả lời:
‘Thưa bà, tâm hồn bà trong sáng, may mắn hạnh phúc suốt đời, tranh bà phản ảnh sự thanh thản, màu sắc tươi non. Còn tôi chưa làm chủ được màu sắc và cọ vẽ, đề tài nghèo nàn nên bối cảnh tranh tôi giống màu trời xám của mùa đông, đại khái chiếc nón sắt bị lủng nằm trong vườn chuối, sợi kẽm gai còn sót lại sau khi trại quân dời đi.’

Bà tỏ ra rất quan tâm, ‘Sao buồn quá vậy chú em?’

‘Thưa bà, trong đầu tôi quanh quẩn chỉ có bấy nhiêu thôi’. Ông cụ lại hỏi, ‘Bức tranh nào anh đắc ý nhất kể cho chúng tôi nghe đi!’.
‘Thưa ông bà, bức tranh tôi đắc ý nhất, bối cảnh là bầu trời màu xám, vệt mây cuối cùng tan ở phương tây, giòng sông chảy về phía đông. Con chim nhạn đơn lẻ bay về phía nam, con chim hồng  vơ bay về hướng bắc’.

Bà chậm nước mắt. Tôi ngạc nhiên,
‘Thưa bà, suốt đời hạnh phúc chắc chưa bao giờ bà biết khóc?’

Bà cải chính, ‘Ờ, chú em lầm rồi, xưa tôi cũng khổ lắm chứ, lúc chưa cưới nhau, chiều thứ sáu nào Alex về trễ tôi khóc sụt sùi, và chiều chủ nhật, Alex phải trở lại trường, ôi, buồn chết được, chú em à!’

Ông lại có cơ hội an ủi bà, ‘thôi em, chuyện đã qua! Tuần sau về lại Wellington, chú em cho tôi xem bức tranh ý nhị đó nghe!’

Bà lại hỏi tôi, ‘Ồ! Sao thê thiết quá vậy chú em? Sao chú em tô xám bầu trời xanh? Sao chú em nỡ bắt chim hồng bay về phương Bắc, xua nhạn bay về phương Nam? Rồi đuổi vệt mây buồn bay về phương Tây, ép dòng sông trôi về phương Ðông? Làm chim hồng và nhạn xa lìa nhau, mây nước bị ngăn cách, làm chi ngang trái vậy chú em?’

‘Thưa bà, tôi là con chim nhạn cô đơn, người là con chim hồng, tôi là đám mây trôi, người là giòng nước chảy. Nhạn đâu có muốn xa hồng, mây có vui gì xa nước? Tôi muốn nhắc tới tâm trạng người bị xa cách quê hương, theo câu thơ cổ:
Cô nhạn Nam phi, hồng Bắc khứ,
Nhàn vân Tây tán, thủy Ðông lưu.

‘Chú em ơi! Chú em cho tôi xem bức tranh lúc về Wellington tuần tới nghe, tôi sẽ chắp cánh cho chim nhạn và hồng bay chung hướng, tôi mang vệt mây phiêu bồng về với giòng nước. Tôi xóa màu xám cho bầu trời xanh trong.’

‘Thưa bà, tiếc quá, lúc tôi treo bức tranh trong phòng khách, vợ chồng người bạn ở chung nó gở bỏ, vì sợ hư bức tường mới sơn’. Tôi cười xòa cho bầu không khí bớt căng thẳng.

Chúng tôi hẹn gặp nhau, tôi lúi húi lấy sổ ghi địa chỉ và số điện thoại ông bà, trong sổ có bức thư rớt xuống ghế. Bà nhanh nhẩu nhặt đưa cho tôi hỏi:
-         Thư VN hả?
-         Dạ!
-         Của gia đình phải không?
-         Dạ, của bạn cũ.
-         Bạn gái hả? Bà cười hóm hỉnh.
-         Dạ bạn cũ, chứ không phải bạn gái, cô ấy tìm được địa chỉ tôi mới viết thư thăm hỏi.
-         Chú em có gia đình chưa?
-         Dạ chưa!
-         Sao vậy?
-         Dạ tôi đang chạy đi tìm hạnh phúc, hạnh phúc tôi là vệt mây tan ở phía Tây như vừa kể!

Ông cụ cười tủm tỉm, ‘Chà, chú em lãng mạn mà mỉa mai cay đắng quá vậy, chú em thật có tâm hồn và dáng dấp nghệ sĩ lắm.’

Sợ ông bà quá lời khen làm nổ tung cái thùng rổng kêu to, nên tôi ngăn lại:
‘Thưa, ông nói đúng, tôi có dáng dấp nghệ sĩ, nhưng đó là bề ngoài, thực sự tôi đang làm bếp rau nhà hàng. Cái dáng dấp nghệ sĩ ông khen đó, thực ra tôi không có thói quen giặt áo quần thường xuyên.’

Bà cụ có vẻ sốt ruột,
‘Này, chú em đã nghe chúng tôi kể, bây giờ tới lượt chú em kể, chúng tôi đợi đây! Chúng tôi rất lưu tâm vì sao chú em cứ hài hước và cay cú!’

‘Thưa bà, nếu ông bà thích và chịu khó kiên nhẫn, nghe câu chuyện chán ngấy, tôi xin kể’

‘Khoan đã, chờ tôi pha bình cà phê mới!’ Bà nhanh nhẩu vào bếp nấu nước pha cà phê. Tôi bắt đầu câu chuyện qua tách cà phê nóng.

‘Ngày xưa, từ lúc còn nhỏ tôi chỉ ham chơi, trời lại tặng cho tôi đầu óc ngu tối. Tôi không biết tại sao tôi có thể chơi túc cầu hay bơi lội dưới sông suốt ngày không chút mỏi mệt, nhưng vào lớp thì cơn buồn ngủ kéo trì mắt tôi. Nghe tiếng chuông tan trường thì tôi tỉnh táo và có thể tiếp tục nô đùa ngay. Suốt thời gian đi học, luôn luôn học trường nam, cùng xóm không có được một cô gái trạc tuổi làm đối tượng mơ mộng. Gia đình tôi thất vọng về sự lận đận thi cử của tôi nên không ai muốn nhắc tên tôi mà không kèm theosự bực bội.’
‘Cuối cùng rồi cũng học chung với nữ sinh, cùng lứa tuổi mà tôi chậm chạp hơn bạn bè, chỉ biết phòng học, thư viện, và con đường từ nhà tới trường.’

‘Cậu bé chăm học thật!’ Ông Buchanan gật gù khen.

‘Thưa ông bà, siêng năng mà chậm hiểu, bi thảm là chỗ đó.’
‘Quanh tôi, bạn bè có vóc dáng thư sinh thanh nhã, ăn nói chững chạc, trưởng thành, khéo léo cư xử. Ai cũng có bạn gái áo dài tha thướt, nón lá che nửa mặt hoa, sánh bước theo hàng me, hoặc ngồi giải khát các tiệm cà phê sang trọng.’

‘Cả năm học, tôi như bóng ma ở trường, không ai chú ý đến sự hiện diện của tôi, mà tôi cũng không giao thiệp đậm đà với ai. Vào phòng học, tôi thu mình ngồi ở cuối phòng, không tham gia bất cứ sinh hoạt nào ở trường, tôi đâu có tài năng gì để đóng góp.’

‘Mỗi buổi trưa, tôi luôn luôn ngồi trên bậc thềm sau lớp học, dưới bóng mát giàn bông giấy đỏ, cầm mẫu bán mì ăn trưa. Thường ít khi ai ngồi chỗ này, vì lá bông giấy rụng đầy khoảng đất, ai cũng ra quán giải lao hoặc vào rạp ciné có máy lạnh nghỉ trưa, nếu lười về nhà và chiều lại có giờ học. Một hôm, có thiếu nữ chung trường đến đấy tìm chỗ ngồi đối diện, thấy tôi nàng tủm tỉm cười lịch sự, thay cho câu chào hỏi.’

‘Cô ấy muốn tán tỉnh chú em phải không?’

‘Không, thưa bà, cô ấy chỉ tìm chỗ nghỉ trưa, vì phòng học trường không có quạt máy. Tôi vừa ăn vừa cặm cụi lật xấp bài vở lem luốc, tra nghĩa ghi chép ...’

‘Sau đó quen mặt, mỗi lần gặp cô tự nhiên cười chào bằng đôi mắt long lanh. Mãi rồi cũng quen nhau, ông bà ơi, cô ấy có khả năng ứng đối hoa mỹ lắm. Tôi thì ngôn ngữ vụng về, đầu óc chỉ muốn đi làm, sắm xe vận tải chở hàng mướn, mỗi lần mở miệng như có gì ngăn ở cổ, ngập ngừng, khép nép.’

‘Xế trưa, dưới bóng râm giàn bông giấy đầy gai góc, nàng lật xấp bài thơ chữ Nôm trong tác phẩm ‘Ngọa Long Cương ngâm’. Tiếng đọc thơ lanh lãnh xuyên qua hoa lá buổi trưa:
‘Nhân tài tuy khắp đời dùng,
Kẻ đua tới Ngụy, người đành sang Ngô,
Nam Dương có sĩ ẩn nho ...’

‘Ðọc câu cuối cùng, cô đưa mắt sắc sảo tinh nghịch liếc tôi, ngụ ý tôi là kẻ sĩ đang chờ thời, ẩn nhẫn. Lúc ấy, tôi đang ngồi trên bực thềm, dựa lưng lên cột, tư thế nửa ngồi nửa nằm, loại dài lưng tốn vải, đang cuộn tròn xấp tác phẩm ‘Sơ kính tân trang’ như hàn sĩ đọc sách. Ông bà Buchanan ơi, chỉ vì cái liếc kia mà tôi điêu đứng bao lâu rồi.’

‘Sau đó, cứ giờ trưa không hẹn mà gặp, giàn bông giấy chứng kiến, phe phẩy lá ghẹo trêu.’

‘Vào dịp lễ, cô trao cho tôi một bức thư trong có giấy vẽ một thiếu nữ nước mắt đầm đìa, dưới có câu: ‘Nhứt nhựt bất kiến như tam thu hề’. Cô nhờ tôi sửa mấy nét chữ Hán cho đúng cách. Sau đó nhờ tôi dạy cách viết, viết không trái cựa, dịch mấy chữ tối nghĩa. Một phút lạc lòng, tim dậy men, tôi chép tặng lại hai câu thơ:
‘Cố niên đông vọng lộ man man,
Song tủ long chung lệ bất càng’

‘Hai năm tình cảm nẩy nở qua sách vở thơ thẩn. Những chiều mưa tối trời, tôi theo xe bus đưa cô về tận nhà mới yên lòng. Hứa hẹn nhau sẽ đổi về tỉnh lẻ, sống đơn sơ, xây dựng dần dần. Tôi bôn ba làm việc thêm, dành dụm đưa cho cô ấy mua sẵn chiếc xe gắn máy, vật dụng cần thiết làm phương tiện sau này. Suốt thời gian thân thiết, tôi chưa khám phá điều oan trái.’

‘Sao oan trái?’ Bà Buchanan xen vào, ‘Cô ấy đẹp nên nhiều người tán tỉnh?’

‘Thưa ông bà Buchanan, vì tôi thiếu óc quan sát, cô ấy chủ động. Ý kiến bạn bè không đủ cho tôi đề phòng, tôi sống trong cái hạnh phúc tạm bợ. Bạn bè cho rằng cô ấy đủ tật xấu, tôi xem điều đó là ưu điểm. Tôi chỉ biết học hành, đi làm để cung phụng cho cô ấy. Ở Sàigòn nhiều năm mà chưa biết quán ăn đặc biệt của người sành điệu, cô thường phàn nàn tôi chưa biết ‘savoir-vivre’, chưa biết ‘gentil’. Chiều theo ý cô, tôi học thói quen trưởng giả, đưa nàng vào nhà hành sang trọng. Nàng thực tình, tự nhiên, mỗi lần vào nhà hàng, không ngượng ngùng e lệ như những người cùng lứa. Chỉ có bạn bè xấu miệng cứ mỉa mai cái tánh quá tự nhiên của nàng, mỗi dịp tiệc tất niên, những dĩa thức ăn trước mặt nàng vơi đi rất nhanh, nàng xỉa răng, bỉm miệng chê các cô khác ‘hypocrite’.’

‘Tình cảm lãng mạn ban đầu biến thành thói quen thường nhựt gặp nhau buổi sáng điểm tâm, rồi ăn trưa, ăn chiều, rồi đưa nàng về.’

‘Chú em quanh co mãi, tôi hỏi cô ấy đẹp lắm không?’

‘Thưa ông bà, bạn bè tôi cho rằng cô tệ nhứt trường, mắt to tròng trắng nhiều hơn tròng đen, người bội bạc, làn da đen nâu nên có mỹ danh ‘Fulbro’, đặc tính đa tình ... Tôi không so đo nhan sắc, vả lại, tôi xuất thân nhà quê, khó so bì với thị dân, ý nghĩ yên phận, thụ động, nên né tránh chú ý đến nhan sắc.’

‘Một buổi trưa hai đứa đang thơ thẩn bước dưới hàng me râm mát trước trường, mắt Hạnh buồn bả, nhìn thẳng vào mắt tôi, hỏi bất ngờ, ‘Anh hãy nhìn mắt em, có gì không vừa ý?’
-         ‘Ờ, ờ! Anh không biết!’

Nàng lả lơi nói, ‘Anh à, gương mặt em mủm mỉm, phúc hậu, chỉ có cái mũi gãy là khuyết điểm duy nhất, đi với anh, bạn bè anh đàm tiếu, anh nghĩ sao?’

Tôi ấm ớ chưa tìm được câu trả lời, nàng đã quyết định,
‘Anh à, có một bác sĩ mới học được nghề giải phẫu thẩm mỹ, em định đến đó sửa cho sống mũi cao hơn, anh nghĩ phải không?’ Nàng đề nghị phân tích kết luận, giọng nói, ánh mắt là liều thuốc làm tê liệt thần kinh tôi, u ám đến độ không tìm được lý luận phản đối hoặc trì hoãn cuộc giải phẫu.

Suốt mấy tháng tôi lo tài chánh, bán vài cái máy chưa dùng, vay mượn bạn bè ít nhiều để Hạnh sửa khuyết điểm, làm đẹp cho đời.

Tôi thiếu óc thẩm mỹ, nên mức độ chiêm ngưỡng thấp hơn Hạnh. Nàng hãnh diện và rất thú vị tuyên bố đã qua HongKong giải phẫu. Sau đó, Hạnh thường xuất hiện trong các buổi họp mặt, nàng cảm thấy mình là trung tâm của sự chú ý. Thỉnh thoảng nàng lấy gương soi, rồi mỉm cười. Cái mũi cao được bạn bè tặng cho biệt hiệu ‘Bombay’. Tình cảm nàng cởi mở hơn, thích lân la chuyện trò với ai sắp thi học bổng du học, hoặc thăm hỏi vồn vả với các sinh viên y khoa, dược khoa.

Tôi lẻo đẻo theo Hạnh như tên cận vệ, có trách nhiệm thanh toán với nhà hàng, lấy vé ciné và vé các dạ hội.

Năm học cuối cùng, tôi báo tin gia đình về chuyện tương lai, gia đình tôi không cản trở. Một buổi chiều, tôi sửa soạn nổ máy xe đưa nàng về, chợt thấy nàng đang đứng trầm ngâm với Cảnh, học cùng trường, bọn tôi biết nhau nhiều. Tôi kiên nhẫn ngồi chờ, điều làm tôi ngạc nhiên tột độ, bà Buchanan ơi! Nàng theo anh chàng đó ra bến xe bus về, vì cả hai cùng cư ngụ chung một cư xá ngoại ô. Vừa đi nàng vừa ném đôi mắt buồn thảm về phía tôi.

Hôm sau nàng đến xin lỗi, phân trần vì bị Cảnh, anh bạn cũ tán tỉnh. Ngày xưa họ yêu nhau, nhưng vì lý do nào đó họ xa nhau, bây giờ Cảnh ngõ ý trở lại. Hạnh xác định tình cảm nàng đối với tôi vẫn như xưa. Tôi tin Hạnh ngay. Chỉ có người bạn gái Hạnh nhắc khéo, ‘Anh hãy xem chuyện tình cảm như cơn ác mộng!’ Lời khuyên tế nhị chưa đủ gây tỉnh táo khỏi cơn mê muội.

Từ đấy Hạnh khéo léo chiều chuộng tha thiết, nàng là một kịch sĩ tài ba mà tôi là khán giả dễ tính. Hạnh cũng tế nhị cho thấy tình cảm nàng bị phân hóa, tuy nàng chọn tôi là đối tượng chính. Tôi vô tình không khám phá được sự sắp xếp thời giờ thích hợp hôm đi với tôi, hôm đi với Cảnh. Lần chót, tôi được tin Hạnh và Cảnh dẫn nhau đi xa cả tuần, gặp lại, cả ba ngồi nghiêm trang góc sân trường. Lần này, biết không dấu diếm được, Cảnh bảo Hạnh:
‘Em hãy nói thẳng, em chọn ai’, Cảnh liếc tôi, nghiêm nghị, ‘không có áp lực nào bắt em phải dối lòng!’

Hạnh tha thiết nhìn cả hai, ‘Thôi, hai anh hãy quên em đi!’

Cảnh nhấn mạnh, ‘Hạnh nói Hạnh chọn tao!’

Tôi rơi vào khoảng không, chới với như người chết đuối, cách đây một tuần còn mặn nồng, sao đổi thay mau quá.

Cuối cùng Hạnh xác định nàng chọn Cảnh, nàng khinh khỉnh chê tôi không tế nhị, trẻ con, nàng đã có nơi rồi mà tôi còn đeo đuổi, vừa nói vừa gằn giọng, ‘Anh hiểu rõ chưa?’.

Tinh thần tôi rối loạn, lắp bắp không ra tiếng. Tôi bỏ ra về, đi lang thang một mình. Từ đó, tôi lơ là việc học hành, hàng ngày, thấy Cảnh và Hạnh sánh vai nhau như đôi chim ríu rít, tôi càng nản chí thêm. Ngày ngày sau giờ học, tôi tránh đi ngang giàn bông giấy. Bạn bè trêu ghẹo, khuyên nhũ, khuyên tôi cố học cho xong năm cuối cùng, bọn nó xác nhận tôi may mắn vừa thoát một tai nạn. Tôi thường tìm quán cà phê xưa hai đứa thường ngồi, mua gói thuốc lá, nhâm nhi ly cà phê để tìm hơi hướng tình cảm xưa, cho đỡ xót xa. Hai năm theo đuổi ảo ảnh bèo bọt, tập ‘Vũ trung tùy bút’, tập ‘Quân trung từ mệnh tập’, tác phẩm ‘Sơ kính tân trang’, quyển ‘Cổ văn quan chỉ’, sách vở lý thuyết nhà trường, sĩ khí nho gia không giúp tôi nhận rõ giả chân của tình đời trắng đen nắng sớm mưa chiều.

Tôi tập tểnh phì phào thuốc lá, trầm ngâm, nhấp cà phê đen. Khói thuốc lá gây cơn ho khành khạch và tách cà phê đắng thấm thía tình đời làm tôi sa sút tinh thần. Ngồi quán ủ rũ như con vượn lìa cây. Ngày ngày lại chịu đựng vẻ mặt đắc chí của Cảnh, vẻ mặt kênh kiệu, nhí nhảnh của Hạnh, càng tránh càng gặp. Tôi muốn tránh tất cả, giận cá chém thớt, hận thù luôn môn học tôi say mê chỉ vì phút bốc đồng tình cảm. Giá Hạnh không phụ rẫy tôi, tôi vẫn theo Việt Hán, tôi sẽ là tên giáo nghèo ở VN. Chính thái độ nàng làm tôi bỏ môn học đó, tôi đổi sang trường khác, chọn môn khác, nên ngày nay mới có duyên gặp ông bà, kể cho ông bà nghe câu chuyện lạt lẽo.

Tuy ngoài mặt tôi dứt khoát, sao đó tôi vẫn tiếp tục lảng vảng đến trường cũ để gặp mặt Hạnh.

Một thằng tây lai học chung trường, chỉ quen mà không thân, thấy tôi đứng lờ đờ trước cửa lớp Hạnh, nó trừng trừng mắt nhìn,
Eh! C’est la merle!

Nó vừa nạt tôi, nện gót giày lộc cộc, búng điếu thuốc lá ra xa.

Giọng nói nó có uy mãnh phá tan cơn u mê, cất bỏ gánh nặng trong tâm hồn tôi. Tôi khám phá sự buồn bực chỉ là trạng thái danh dự bị xúc phạm. Con tằm cắn đứt kén, thấy được ánh sáng, được chắp cánh thành bướm nhởn nhơ bay lượn. Lúc ấy, tôi đang gậm nhấm bài thơ nàng tặng:
‘Giấc mộng ngày nao vắng bóng anh,
Mắt em vương nắng giải hoang thành.

Tôi phá lên cười thích thú. Mắt em to trắng bạc như vôi, thi vị hóa thành nắng giải hoang thành, cành hoa lá ngọc, màu trắng hoa xoan, ôi lời hứa hẹn chỉ có trong thơ nhạc. Tôi cảm thấy nhẹ nhỏm, khoái trá, vội vã lên xe cho về kịp giờ học. Vào lớp khá trễ, lão Prof-Klotz đang giảng thấy tôi bước vô, lão chỉ cho tôi viên phấn rơi dưới đất giọng nghiêm trang trừng mắt, ‘Ði xuống lượm nó lên’, tay lão chỉ lên bảng, môi nhếch hàng râu rậm, ‘và mang lên đồi’.

Cả lớp cười ầm ỉ, ngửa nghiêng, tôi ngượng ngạo vào chỗ ngồi, tưởng lão Klotz giận tôi về tội đi trễ. Sau mấy phút mới biết lão Prof đang giảng tác phẩm ‘Nét chữ màu đỏ tươi’ (The Scarlet letter), bối cảnh thời Hoa Kỳ chưa lập quốc, một thiếu phụ tên Herster đã có chồng, lại dan díu với lão mục sư sinh ra được đứa con gái tên Pearl. Mẹ con Herster phải đứng trên bục gỗ giữa chợ, chính lão mục sư khốn khổ kia đại diện cộng đồng phải buộc tội bà, lão hò hét, ‘hãy khai tên nó ra, tên đáng phỉ nhổ đó!’. Herster im lìm chịu đựng cộng đồng ‘bắt nàng mang chữ A trên áo (nghĩa là kẻ ngoại dâm= Adulteress). Nàng tự thêu chữ A màu đỏ tươi trên ngực áo, nét chữ kỹ xảo. Nàng sống nhẫn nhục nuôi con, cư xử thân thiện và giúp đỡ người thiếu kém, không oán hận; thời gian qua, người ta quên chữ A có nghĩa là ngoại dâm, hay chữ A có nghĩa là thiên thần (Angel), một hình phạt hay sự kính yêu.

Một đêm, lão mục sư lén gặp Herster trên bục gỗ, nơi nàng bị xã hội chung quanh bắt đứng chịu sự phỉ nhổ. Lão mục sư thương bé Pearl, buồn rầu đứng với bé Pearl trên bục gỗ, Pearl chợt hỏi: ‘Thưa ngài, ngài đủ can đãm đứng với mẹ con tôi ở đây vào buổi sáng mai không?’. Lão không trả lời, lỡ đánh rớt cây thánh giá, lão bảo Pearl xuống nhặt lên, Pearl trã lời: ‘Hãy xuống nhặt nó lên!’, giống thời Chúa Jesus bị quân đội Roman bắt tự nhặt thánh giá. Sự trùng hợp và óc hài hước đúng lúc của lão Klotz hóa giải hoàn toàn mối hận tình của tôi.

Từ đó tôi ít ghé lại trường Hạnh học, vì trường tôi đang học thuộc phụ cận Chợ lớn nên tôi chuyển địa bàn giải trí và làm việc về đó. Sau biến cố, tôi được bồi hoàn bằng những may mắn, nhờ việc làm thêm, khỏa lấp thời giờ trống trải.

Vắng tôi, Hạnh không tìm được ai theo đuổi chiêm ngưỡng để nàng lấy đó làm hãnh diện. Nàng lửng lơ ghé thăm tôi, viết thư an ủi, ngụ ý nàng có thể xoay chiều tình cảm, tôi không có phản ứng gì. Sau giờ học, tôi còn bài vở, việc làm, bổ hàng hóa cho gia đình, hết thời giờ dành cho tình cảm, cho ‘bướm hoa tơ tóc’, như nàng thường nói. Tình yêu như cánh bướm nhởn nhơ, tới gần nó bay xa, như bèo bọt chạm tới thì tan vỡ.

Hạnh bị bịnh tự kỷ trung tâm, tưởng ai cũng theo đuổi nàng xem nàng như thần tượng. Các sinh viên con chủ hãng sắp du học, các sinh viên y khoa, dược khoa đâu không thấy. Bạn bè xa lánh vì tính kiêu căng và sắc đẹp nàng có hiệu lực làm bạn bè xa lánh. Tệ hại hơn, là Cảnh tuy rất xứng đôi vừa lứa, chiều chuộng nàng tế nhị, nhưng thiếu khả năng thực tế để thỏa mãn cái ‘savoir vivre’ và cái sành điệu của nàng ở các tiệm ăn. Cảnh có tâm hồn của triết gia hướng thượng, xem nhẹ bạc tiền, nên có đêm thua bạc trọn tháng tiền cơm, sáng hôm sau chàng vẫn tỉnh táo dẫn Hạnh đi ăn sáng để Hạnh chi tiền, được Hạnh khen ‘con người idéaliste’, ngược lại tính ‘materialiste’ của tôi.

Nhưng có điều lạ, hình như Cảnh không biết hoặc làm lơ, là Hạnh biết rất rõ thời khóa biểu giải trí của tôi, nhứt là những dịp tiệc tùng, dù ở đâu nàng cũng điều tra ra, hăng hái tham dự vì nàng sợ tôi cô độc giữa đám đông.

‘Em sẽ làm cho anh ngạc nhiên, tình cảm em đâu có gì thay đổi, em là người trọng thuở ban đầu! Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Nàng thở dài nhè nhẹ, chờ đợi một phản ứng sung sướng biết ơn của tôi đối với sự ban bố tình cảm này. Nàng không giận hờn dù nhận được vẻ mặt nhăn nhó của tôi.

Chỉ có lần duy nhất nàng điều tra sai giờ. Sáng hôm đó, bọn tôi gồm mấy người bạn thân, hẹn nhau đi ăn sáng ở khu Chợ lớn, tiệm ăn ở góc phố này ít ai biết. Bọn tôi ăn điểm tâm xong, vừa bước xuống lầu, gặp ngay Hạnh, nàng không bỏ lỡ cơ hội, ‘Kìa, anh đi đâu vậy? Thi cử ra sao? Tiểu đăng khoa rồi, đại đăng khoa nghe anh! Ráng nghe anh (bao giờ nàng cũng khuyến khích tôi). Hôm nào thi, cho em biết, em sẽ chờ anh trước trường để nghe anh báo tin vui’. Nàng nói liên tục, không dư khoảng trống cho tôi đính chánh. Ðó là sự khôi hài cuối cùng nàng tặng tôi. Tôi trả lời, ‘Cám ơn chị, tôi thi xong rồi!’.

Có kết quả vào vấn đáp chưa? Anh đừng lo lắng lắm, thất keo này bày keo khác’.

‘Dạ cám ơn, tôi xong hết rồi chị’. Thấy nàng lải nhải dông dài, tôi chỉ trả lời vắn tắt, thờ ơ. Nàng ngước nhìn tôi, mắt long lanh, đứng sát vào người tôi nũng nịu:
‘Em đã dặn dò anh từ trước, mỗi khi có thi cử phải cho em biết, để em chia xẻ niềm lo âu, anh thờ ơ với em quá, chính vậy mà ‘không hợp’ đãy’. Nàng nhấn mạnh chữ ‘không hợp’ tỏ vẻ nghiêm trọng lắm. ‘Năm tới em sẽ tìm đến lo cho anh, anh không cần thông báo ngày thi’.

Mấy đứa bạn tôi có vẻ nóng nảy chờ đợi, nàng thấy tôi bồn chồn, lên giọng khuyên nhũ, ‘Anh cứ bạn bè, không lo cho em, bởi vậy em ‘sợ’ anh đãy!’, nàng chuyển sang giọng đe dọa.

Tôi trả lời, ‘Dạ, chị đừng bận tâm lắm cho tôi, tôi không còn thi cử gì nữa, bọn tôi vừa nhận danh sách nhiệm sở sáng này’.

Hạnh cụt hứng, đứng sát vào tôi, nũng nịu, ‘Vậy là anh phải khao một chầu ở Chợ củ bây giờ nghe’,
Hoa cù hồng phấn nữ
Tranh khán lục y lang

Nàng nhắc hình ảnh thời xa xưa, có những thiếu nữ phấn hồng tranh nhau xem mặt anh chàng mặc áo lụa vua ban, vừa trúng cách cử nhân kỳ thi hương.

Tiếng xe gắn máy nổ ầm ì, giục giã, bạn bè đã mang kiến, đội mũ sẵn sàng. Tôi cắt đứt câu chuyện, lễ độ nói:
‘Chị để lần khác, bọn tôi phải đi thăm ba tỉnh Long An, Mỹ Tho, Kiến Hòa gấp rút, để quan sát sinh hoạt ba tỉnh đó, tháng sau chọn nhiệm sở. Chiều nay phải về tới Sàigòn trước 7 giờ tối, sợ trễ đường về mất an ninh’.

Hạnh định dặn dò thêm, tôi đã lên xe rồ máy chạy.

Sau đó đổi về tỉnh nhỏ, mấy cô bạn sợ tôi buồn chuyện đám cưới Cảnh và Hạnh, họ thường an ủi. Tôi đùa:
‘Nợ ai người ấy trả!’

Cảnh và Hạnh sống thiếu thốn do bài bạc rượu chè. Cuộc tình thơ mộng ngày xưa không thích hợp thực tế cho sự tạo dựng gia đình có đông con.

Mắt bà Buchanan quả có chút cảm thông, ông choàng khăn cho bà. Bà lim dim lắc đầu nhìn ra ngoài, nước mưa đục mờ cửa kính. Bà lại hỏi, ‘Sau đó chú em có gặp lại cô ấy thường không?’

Dạ, tôi có gặp lại, kể cũng khá lý thú. Lúc ấy, vì tình hình chiến sự căng thẳng, tôi bị động viên. Một buổi xế trưa, trên đường về trại quân, chúng tôi đi bộ ngang một vùng chợ ven đô thị. Nơi đó người ta dựng những tấm lều, che bằng đủ thứ vải thô, thấp và kín đáo, họ bán rượu và thức nhấm cho khách dọc theo xa lộ. Thay vì đi vòng bên hông chợ, chúng tôi lười đi xa nên đi len lỏi xuyên qua khu này cho đỡ mệt, nhìn thiên hạ hưởng thụ, chen chúc cười cợt quanh bàn rượu thấp lè tè. Tôi đi sau, chợt nghe tiếng cải vã và xin lỗi của anh bạn đồng đội đi đầu. Lúc đi ngang chỗ cải vã, tôi tò mò muốn biết việc gì đã xảy ra, thấy một viên Trung úy ôm một thiếu phụ, uống ực ly bia, đặt ly mạnh xuống bàn, bực tức. Thiếu phụ ăn mặc hở hang, mặt sừng sộ, đang dùng khăn tay lau khô vạt áo dài đỏ, bốn mắt nhìn nhau, người thiếu phụ đó là Hạnh, son phấn diêm dúa trơ trẻn, chàng Trung úy đó không phải là Cảnh. Tôi tiếp tục theo đoàn quân ra bãi, chờ xe chở về trại. Ở bãi tập họp, bọn tôi mới biết chuyện ồn ào xảy ra do anh bạn đồng đội vô ý, lúc đi ngang bàn Hạnh, cây lưỡi lê giắt bên hông vướng nhằm ly lave trên bàn đổ ướt vạt áo Hạnh. Hắn chống tay hai bên sườn nhăn nhó, phân trần, ‘Tôi đã xin lỗi, là cái lưỡi lê dài vướng ngã ly lave chớ không cố ý, vậy mà cha Trung úy và con mẹ đó sừng sộ, ướt vạt áo mà như lửa cháy nhà!’

Tôi cười góp chuyện, ‘Ê, phải mấy trái lựu đạn anh đeo trước ngực đó, vướng cái bàn, rồi sút chốt, chắc bả không có thì giờ sừng sộ!’

***

Mấy năm sau, cũng vào dịp ngẫu nhiên, ngày tôi được biệt phái về nhiệm sở cũ, tôi đón xe Lam đến Trung tâm 3 quản trị làm thủ tục xuất ngũ. Trên chuyến xe Lam chật chội, tôi ngồi đối diện với một thiếu phụ tóc ngắn, áo màu đỏ choét, phấn son dầy mặt, dáng mệt mỏi, thân mình lắc lư theo xe. Nhíp xe và thùng xe kẽo kẹt đay nghiến, tiếng máy nổ giận dữ một phần vì sức nặng tấm thân bồ tượng của bà. Tư thế ngồi hớ hênh bề xề, buông thả, choán gần hai chỗ ngồi. Nắng, hơi ẩm, và mùi mồ hôi khách trên xe xông nồng nực không làm tôi mất cảm giác khoan khoái, nghĩ chuyện tương lai, màu xanh mạ non trong những mẫu ruộng màu mỡ, bên nội dành sẵn miếng vườn cây trái mát mẻ có chim kêu, gà gáy sáng, chiếc xe hàng chở nông phẩm đi giao, tôi tự mỉm cười với giấc mơ xây sự nghiệp.

Thiếu phụ mở mắt trao tráo nhìn tôi, đôi mắt trắng bạc, gương mặt đen thâm phấn son che không hết dấu vết. Bà lấy tay che một bên mặt nhăn nhó, lộ vẻ đau đớn khó chịu, miệng mấp máy, tiếng máy xe nổ ầm ì nên tôi không nghe bà ấy nói gì. Lúc xe ngừng, tôi vội vã xuống xe, thiếu phụ cũng lật đật xuống theo. Tôi vừa đi vừa chạy như ma đuổi, hôm ấy là ngày cuối trong tuần lễ, tôi phải hoàn tất thủ tục tốn nhiều thì giờ, không muốn kéo dài đến thứ hai. Thiếu phụ cũng theo tôi gấp rút, gọi tên, tôi giựt mình,
‘Gặp lại anh, em chưa kịp mừng, trên xe hỏi anh không trả lời, bây giờ chạy trốn em sao?’

Tôi ngơ ngác, đầu óc đang lo việc riêng, chưa định thần để nhận ra bà ấy. Bà ấy lanh trí, nhăn mặt cười, ‘Hạnh nè, anh chóng quên quá!’

‘À, à! Tôi la lớn, tốc độ đi bộ giảm lại, tuy vậy Hạnh cũng vất vã mới theo kịp. Tôi đã nhận ra Hạnh và nét quen thuộc xưa, gương mặt, đôi mắt, sống mũi giải phẫu ‘Bombay’ làm tôi điêu đứng bao lâu, bây giờ hiện thành bà già gần 50 tuổi, dù Hạnh lớn hơn tôi có 2 tuổi, chưa tới 30. Hạnh xoa bàn tay trên má, lúc nói chuyện, tôi thấy có vết máu đọng trong các kẻ răng. Nàng quay đi, kéo miếng bông đỏ máu trong miệng ném xuống lề đường, rồi lấy miếng bông khác trám vào hàm răng trên, Hạnh vừa ở phòng nha sĩ ra. Tôi cảm thấy bất nhẫn, nhưng tìm chưa được lời an ủi - Hạnh vừa đi vừa than con cái đông, Cảnh mãi mê bài bạc, nàng chịu trăm bề đắng cay. Hạnh khoe có một bác sĩ đang đeo đuổi nàng, nàng nghiêm nghị, ‘chưa quyết định bỏ chồng’, bác sĩ rất nể nang nàng. Nàng biện bạch liên tục như mê sảng.

Tới Trung tâm quản trị, tôi đưa giấy trình cho anh lính gác, nàng chưa kịp kết luận câu chuyện với đầy đủ chi tiết nguyên nhân xa gần, trực tiếp hoặc gián tiếp được kết thành chuỗi những câu chuyện vụn vặt rời rạc có thể kéo dài vô tận.

Khoảng gần nửa giờ, xong thủ tục, tôi ra khỏi cổng trại, thấy Hạnh vẫn đứng chờ. Tôi vô tình bước đi vùn vụt, Hạnh khó khăn mới theo kịp tôi ra bến xe Lam, buột miệng:
‘Anh đi chậm lại, anh có số vất vả vì đi mau, em lo ngại cho anh!’

Tôi không tìm hiểu lý do Hạnh theo tôi, lả vả trả lời, ‘Quen rồi chị à, trong quân ngũ, hơn nữa tôi phải ra nha nhân viên nộp hồ sơ để làm lương bổng cho xong buổi chiều nay, tôi còn có tuần lễ nghỉ phép cuối cùng phải về thăm gia đình’.

Vừa ra khỏi cổng Bộ Giáo dục, sau khi hoàn tất hồ sơ, tôi nhẹ nhỏm, thì gặp ngay Hạnh đứng chờ, như bà chủ nợ đón con nợ. Nàng ngỏ ý muốn ghé tiệm ‘giải khát’ để thảo luận, tìm lại kỷ niệm xưa, giải quyết vấn đề có lợi cho tôi. Hạnh nhắc thời ‘lá me rắc nhớ trên hè phố’, thời ‘áo màu thưa bóng nắng thưa hương’, thời ‘em cố làm cho hờn giận qua, hôm nao hội ý nắng sang nhà’ ...

‘Tôi quên hết chuyện cũ rồi, thưa chị, tiếng súng, tiếng pháo kích hằng đêm cướp mất bản chất mơ mộng trong người tôi, bây giờ tôi chỉ muốn yên thân, cái thuở vụng dại thời đi học đã qua, chị đã có gia đình con cái, nhắc làm gì?’

Nàng im lìm, bước nhanh, tự nhiên lái tôi vào một nhà hàng, ngày trước cả hai thường là thực khách trung thành. Cẩn thận hơn, nàng kéo ghế ấn tôi ngồi xuống rồi ngồi sát bên cạnh thay vì đối diện.

Anh bồi mang thực đơn đến, nàng tự nhiên như ngày trước, mở thực đơn, nhìn chăm chú, miệng nói liên tục:
‘Anh cứ gọi, em không đói’.
‘Tôi cũng không thấy đói, chị’.

Mắt Hạnh sáng lên chăm chú, lay quay tìm các món ăn trên thực đơn.
‘Không’, nàng không nài nỉ, ‘Anh phải ăn cái gì chớ, chiều rồi, anh xanh xao hơn thời đi học, phải bồi bổ’.

Tôi rút thuốc lá hút, dững dưng, nếp sống quân nhân làm tôi khỏe mạnh hơn xưa gấp bội, cười thầm cho cái nhận xét theo tiểu thuyết của bà kịch sĩ già ngồi bên cạnh.

Hạnh đã tìm được món nàng thích, nhoẻn miệng tươi cười:
‘Anh ăn tôm lăn bột chiên nhé, đồ biển ăn tốt răng, món bò nướng chanh nè, anh cần bồi bổ thời gian kham khổ. Em khao anh’.

Nàng không cần tôi đồng ý hay không, đưa trả lại thực đơn cho anh bồi, bắt đầu nói, ‘Gặp lại anh, một sự tình cờ may mắn, lúc trước em hiểu lầm, bây giờ hối hận thấy thương anh vô hạn. Em thấy ở anh, con người cao thượng và tài giỏi hơn Cảnh, nó chỉ biết nói và đánh bài, rượu chè. Em ghen tị với người có diễm phúc làm vợ anh, tương lai anh định làm gì? Nghe bạn bè nói anh hùn hạp mua xe vận tải, chắc chắn anh sẽ giàu to. Còn anh muốn xuất ngoại du học, chắc chắn với khả năng, anh dư sức’. Nàng vồn vã hỏi tôi và liên tục trả lời giùm tôi. Hạnh vừa nói vừa che miệng thỉnh thoảng ngừng để uống ừng ực ly nước cam vắt.

Anh bồi vừa mang hai dĩa thức ăn đến. Nàng nhanh nhẩu gắp con tôm bỏ vào chén tôi, ‘Ăn đi anh, cho em được săn sóc anh, ít khi có cơ hội như chiều nay!’

Miệng nói, tay gắp nhẹ nhàng, Hạnh nhai ngấu nghiến, thỉnh thoảng lấy tay xoa bên má chỗ răng đau, miệng nhắc tôi ‘Ăn đi anh, đồ ăn nguội!’, nhai không kịp nuốt.

Tôi ngồi nhâm nhi ly bia và phì phà thuốc lá. Hạnh vẫn xem tôi như con trừu 6 năm trước, sắp xếp mọi việc, tôi chỉ có thi hành. Nàng ngồi ăn rao ráo, cái ‘savoir vivre’ của nàng là như vậy. Tôi bình tĩnh ngồi quan sát, không đổ quạu nao núng như ngày đầu thấy Hạnh và Cảnh sóng vai cười cười nói nói, cũng không thấy thất thế như lúc hai đứa thay nhau ‘giảng’ cho tôi bài học xử thế ngày nào. Nhìn nàng cắm cúi thưởng thức hai dĩa thức ăn, nhai ngồm ngoàm, tôi chỉ muốn bật cười ‘Tái ông thất mã’. Giá tôi cưới Hạnh, vẫn học trường cũ, lúc bị động viên sẽ không được hưởng qui chế biệt phái, lại vất vả nuôi một bà mập có thể xơi hai dĩa thức ăn mà còn thòm thèm. Mặc cảm tự ti nhờ vậy nhẹ bớt. Nếu Cảnh có bắt gặp, hắn sẽ làm gì tôi? Tôi đủ khả năng bảo hắn về dạy vợ hắn, đừng đeo theo làm ô nhiễm cái không khí tự do của tôi, suốt buổi chiều.

Hạnh ăn xong, hỏi tôi ăn thêm gì không. Tôi có ăn miếng nào đâu, được dịp đùa làm nàng sợ hãi, tôi nghiêm nghị nói:
‘Vừa được biệt phái về, người bạn đầu tiên tôi gặp là chị, duyên bèo nước của người quân nhân sống nay chết mai. Cám ơn chị mất nhiều thì giờ đãi tôi buổi ăn thịnh soạn, chiều rồi, tôi phải về’.

Tôi đứng dậy, đội mũ, tinh nghịch giơ tay chào kiểu nhà binh.

Hạnh luống cuống, chụp tay tôi ấp úng:
‘Chết, em quên cái bóp tiền ở nhà!’

Tôi nhìn vào mắt nàng, cười. Hạnh đứng dậy đeo bóp lên vai, giả vờ vào toilet, tôi gọi anh bồi, trả tiền rồi ra khỏi quán.

Hạnh lẽo đẽo đi bên cạnh tôi, đèn thành phố vừa sáng, 6 năm trước, trên đường phố này có tên thất tình cô đơn đếm bước như người điên vừa trốn khỏi dưỡng trí viện.

Hạnh lại bắt đầu câu chuyện, những mẫu chuyện gia đình, khúc chiết, tiền hậu bất nhất, chỉ làm tôi tốn thuốc lá. Nàng lại thay đổi đề tài, gây hứng thú, tôi nhận xét thấy nàng lái tôi đi xăm xăm về phía hàng quán bán đồ ngọt ban đêm, sau cả tiếng đồng hồ đi quanh quẩn.

Tôi không tiếc buổi giải lao với Hạnh, nhưng tưởng tượng mấy đứa con Hạnh ở nhà biết có ai săn sóc, nếu Cảnh bận đi ngồi sòng bạc, tội cho mấy đứa nhỏ biết bao. Tôi đang thèm dạo chơi thong thả, hưởng không khí tự do, sau đó về nghỉ để hôm sau dậy sớm, ra xa cảng về quê. Tôi nhứt quyết đi thẳng ra bến xe bus, nàng rẽ về phía khu bán chè, rồi miễn cưỡng trở lại theo tôi đến bến xe. Nàng ôm bóp lững lờ đôi mắt liều lĩnh, không chịu lên xe, vẻ mặt lầm lì như sắp nằm vạ, tôi không nỡ bỏ đi.

Bất ngờ, có toán quân cảnh đi tuần tiểu, thấy tôi mặc quân phục, đến hỏi giấy phép, xem xong họ trả lại. Sẵn dịp, tôi theo toán quân cảnh, khi đi khuất, tôi rẽ đường khác ra về.

Sau đó nàng ghé nhà trọ tôi nhiều lần, lần nào tôi cũng vắng nhà, nàng để lại mảnh giấy dặn dò, cần gặp tôi về vấn đề ‘khẩn thiết’.



Ðêm khuya, ông bà Buchanan thở dài, tôi ngừng câu chuyện cá nhân vô vị. Bà Buchanan buồn rầu,’Tội nghiệp chú em, câu chuyện tình không đoạn cuối!’

‘À, ông bà Buchanan ơi, cái thư bà vừa hỏi đó là của Hạnh, Hạnh tìm ra địa chỉ tôi qua người bạn thân’. Bà Buchanan rụt rè hỏi, ‘Thư viết gì đó?’

‘Thưa bà, đó thật là bức thư khẩn cấp, Hạnh than đời sống chật vật quá. Cái mũi nàng hơn 12 năm bắt đầu bị nhiễm trùng, làm hàm răng trên của nàng bị hư tất cả. Muốn đi bác sĩ giải phẫu mà không có tiền. Nàng nhờ tôi tìm bác sĩ tai mắt mũi họng xem có loại thuốc mạnh, mua gởi cho nàng. Bà có biết ở nhà thuốc nào bán trụ sinh không cần toa bác sĩ, để tôi mua gởi cho nàng không?’

Bà Buchanan la lớn:
‘Chú em thật là ngốc, không có người dược sĩ nào ở đây dám làm điều bất hợp pháp đó. Thôi khuya rồi, chúng ta đi nghỉ’

Sáng hôm sau, sau bữa điểm tâm, tôi soạn đồ đạc, sửa lại giường gối cho ngay thẳng chuẩn bị ra về.

Ông bà Buchanan còn ngồi tại bàn. Ông trịnh trọng mang kính trắng, lấy quyển sổ lật từng trang, vừa bấm máy tính, ghi ghi, chép chép. Bà cũng mang kính ngồi bên theo dõi.

Ông Buchanan ngừng tính, mỉm cười.
‘Mật ơi! Kỳ Giáng Sinh và Tết Dương lịch này anh chi dụng cho thiệp Giáng Sinh và quà cáp tất cả là 69 dollars 40 cents. Còn em chi bao nhiêu?’

Bà Buchanan lật sổ, bấm máy tính một lúc, cẩn thận trả lời, ‘Em mua tem để gởi tất cả là 41 dollars 50 cents’.

Ông Buchanan sửa lại kính, mỉm cười bấm máy tính, ‘À, mật ơi, em thiếu anh 13 dollars 95 cents’.

Bà mở bóp đếm tiền trả đủ cho ông, những đồng xu kêu lách cách trên mặt bàn.

Ông cất tiền vào bóp, ‘Cám ơn em. Mật ơi, chút nữa mình qua trại ông bà Norton xem vườn hoa hồng của ông thiệt hại thế nào sau cơn mưa lớn hôm qua!’

Tôi chân thành cảm tạ ông bà trước khi từ giã. Ông bà không giữ tôi lại, vì biết hai ngày sau tôi phải đi làm, hẹn tuần sau đó sẽ gặp nhau ở cùng tỉnh.

‘Tốt, ông dặn dò, chú em đi xe gắn máy cho cẩn thận, hôm nay đài khí tượng loan báo sẽ có cơn gió lốc ở hẻm núi giữa Masterton và Upper HuttTuần sau gặp lại nghe chú em!’

Ông bà vẫy tay chào, ông dẫn bà trở lại, tôi nghe thoang thoáng, ‘Mật ơi, mưa gió suốt đêm qua mà những đóa hồng vẫn còn nguyên không bị rụng, thật là tuyệt diệu!’

Liếc kính chiếu hậu, tôi thấy ông bà lụm cụm dắt nhau lên đồi.

***
WellingtonNew Zealand
Những ngày nóng cuối năm 1980

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét