Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

XU-U-UM

"Xu-u-um"


Phong-Hưng Lưu-Nhơn-Nghĩa


Khu nhà từ ngả tư đường vô Chưn Phnum là xóm cuối cùng nối dài tới bờ ruộng trên của quận lỵ hẻo lánh nầy. Không biết phải gọi là xóm gì, đường gì, không ai buồn đặt tên cho dễ nhớ. Chánh quyền địa phương xưa là ông Phủ, ông Huyện, sau đổi thành Quận, đều là gốc Miên, mấy ổng làm sao biết tên các danh nhân Việt Nam mà đặt tên đường.

Nếu tò mò đi vào xóm nhìn trên cửa nhà có tấm bảng nhỏ vẽ tay "Liên gia số... Khóm số..., khách quen cũng chịu thua, phải hỏi tên người thì mới biết.

Xóm chen chúc đủ hạng người, làm đủ thứ nghề. Nhà nào trước sân có cần-xé rau, dưa leo, bí rợ, có thể họ làm rẫy mang về bán, hoặc vào Sóc mua bán đồ hàng bông. Nhà nào có mấy con bò đứng nhơi rơm, mùi "ách-cô" (1) un khói thúi thúi thơm thơm quen thuộc, biết là chủ nhà nuôi bò hay lái bò. Vài nhà bề ngoài có vẻ vô công rỗi việc, nhưng họ giàu ít ai biết, đó là mấy người chuyên vô Sóc Miên ở Tà Pò, Sóc Tiết, Sla-đom cho tiền lúa, cho nuôi bò rẻ, nuôi heo rẻ. Họ bỏ tiền mua bò con, heo con gởi trong Sóc, người Miên có ruộng đất nuôi chia lời, dĩ nhiên chủ có nuôi rẻ, chia nhiều hơn, người nuôi cực đã đành, nhưng có bò làm ruộng, dân bòn-ca (2) không biết lường công, có đủ "nhăm bai phật xạ" (3) là vui rồi.

Lọt vào hẻm theo con đường đất, sâu vô trong, thường nghe tiếng gà gáy, đó là xóm nuôi gà nòi, chờ đem vô trường gà cáp độ. Lại có nhà để mấy cái khạp da bò (4) đựng nước mưa, trong khạp có xác mía để nuôi lăng quăng cho cá thia thia ăn, đó là dân đá cá.

Trời nắng còn đỡ, mùa mưa nước ngập tới mắt cá chưn. Nghề nào trong xóm nầy xem ra khó khá nổi, nuôi heo, nuôi bò rẻ có khi bị xộ, bò heo chết thì cụt vốn, cho tiền lúa, tới tới mùa lúa háp thì chửi trừ, làm rẫy khi trúng khi thất, đá gà, đá cá là loại cờ bạc, nghề không mấy lương thiện, nhưng không phải bất lương, chỉ làm phiền lòng các bà vợ.

Lỡ kể thì kể cho hết, nhà nào giắt bao bố trong nhà biết là nhà đó cho tiền lúa, cho một lời hai! Đầu mùa dân làm ruộng trên không đủ vốn mua hột giống, phân bón, thiếu ăn, phải tìm chủ cho tiền lúa, lấy tiền mặt, trả bằng lúa. Tới mùa gặt, chủ cho tiền lúa ra ngay ngoài đồng góp lúa tại chỗ, để trễ không có lợi. Ai cũng chê nghề ác đức, nếu họ ác đức thì đừng tới họ để hỏi tiền lúa, họ "đâu có ép nài ai lấy tiền lúa đâu mà than phiền".

Nghĩ hoài mà không ra, mấy thế hệ qua, trước ngày Tây, Ma-rốc đổ bộ, già thì chết, con cháu tấn lên thay, mặt mũi giống cha mẹ ông bà, tiếp tục nghèo mà có ai đói khát bao giờ đâu.

*

*     *

Chú Sáu Tý là một "khả tích kỳ nhân" xóm nầy, nhà chú khuất hẳn trong đám nhà lá, khó nhận ra, bên cạnh nhà ông Tà Bu làm nghề cúng giải bịnh tà. Người chú cao lỏng khỏng, tóc dài, râu lởm chởm, nước da và màu áo Pyjama chú mặc hằng ngày có cùng màu với cánh cửa liếp lá. Buổi trưa nằm trên chõng tre trước nhà, tinh mắt lắm mới nhìn thấy chú, như con thằn lằn mốc mốc đeo trên tường xi-măng.

Thím Sáu dậy khi con gà nhạn vỗ cánh gáy sáng, khi ông Năm Hui dẫn nó đi quầng sương trên bãi cỏ. Thím ôm đống quần áo ra giếng, nhúm lửa để nấu áo quần. Thím lục trong túi áo quần xem có tiền bạc giấy tờ gì không, thường chỉ có giấy tờ rác rến, tiền chưa bao giờ có, rồi bắt đầu chà đồ tới đứng bóng, những thau áo quần sắp dài theo giếng nước thấy ngộp. Nhằm hôm gió bấc cuối năm, trong người bần thần mà vẫn cố giặt cho hết chừng ấy áo quần, thím hơi tủi thân "dù cho mẹ chồng ác nhơn như mụ Tào Thị, mẹ ghẻ của Nghi Xuân Tấn Lực trong tuồng Phạm Công Cúc Hoa, chắc cũng không bắt con dâu làm cực hơn tui".

Nước sôi sùng sục, thím vớt áo quần nấu bằng hai cây đũa bếp lớn bỏ vô thau nước lạnh, rồi bỏ đồ khác vào nấu tiếp. Thím ngồi chồm hổm, nhúng áo quần cho nguội, chà xà-bông mạnh tay trên cổ áo hoặc lưng quần, chà nhẹ cục xà-bông trên phần nào ít dơ để tiết kiệm xà-bông. Áo quần bỏ giặt được đánh dấu trên lai quần hay vạt áo để dễ nhận ra. Dù đã kiểm soát túi áo quần trước, nhưng lâu lâu cũng bị kim tây bỏ quên đâm đầu ngón tay, đau thấu trời xanh, máu đỏ thau nước, chưa kể vò nhằm những bộ nút kim loại gồ ghề thốn tay. Hôm nay phải dùng tới bàn chải đánh sạch bộ quân phục trên quận đưa xuống. Đồ nhà binh túi ơi là túi, vốn đã nặng, ngâm nước lại càng nặng thêm, túi chứa đầy nước, mỗi lần nhúng nước xả, thím ngồi xuống đứng dậy liên tục như tập thể thao, xả nước ba bốn lượt mới sạch xà-bông. Vắt cho khô nước, kéo bừng bựt áo quần ước cho thẳng, khi ủi sẽ nhẹ tay hơn. Áo trắng có khi cần hồ dương, thím xé một miếng dương giấy bỏ vô thau quậy đều nhúng áo vào cho đều, mới lộn bề trái ra ngoài, mang ra phơi trên những cây sào tre, chỉ có sào tre mới chịu nổi những bộ đồ nhà binh nặng, dây chỉ căng làm áo có lằn và dễ bị sét dính áo quần. Gặp hôm nào có mấy chục bộ đồ trên quận đưa xuống một lần, thím phải giặt thật gấp, mấy ngày nữa có cuộc lễ, diễn hành, mưa gió gì cũng phải giao cho đúng hẹn. Tiền bạc sao cũng được, tính sau, người ta để yên cho mình tiếp tục làm ăn, nhứt là họ nhắm mắt cho chú Sáu đi mây về gió, không làm khó dễ gì là phước rồi. Mấy bộ đồ nhà binh nầy, biết đâu được, lần tới sẽ rách nát, nói chi đến người mặc nó. Tiền công hỏi ai, thôi coi như tiền phúng điếu. Bình thường, ai có dám bỏ giặt ủi, ắt phải khá, đều thanh toán sòng phẳng, chỉ có nghèo mới giựt nhà giàu, chứ nhà giàu ai lại giựt công của người nghèo như vợ chồng chú Sáu, tiền công có là bao mà giựt cho mang tiếng.

Đừng tưởng chú Sáu tầm thường mà lầm à! Chú thím quan trọng mà ít ai biết. Chỉ cần phơi hai hàng áo quần nhà binh là có "người" báo cáo cho "ở trong" biết, là có tiệc tùng, ở Tỉnh vô, ở Vùng xuống, nên chuẩn bị phục kích hay tránh đụng lớn.Chuyện nầy nói nghe qua rồi bỏ, nói đi nói lại không có lợi.

Thím vẫn quần quật với áo quần, mấy ngày tới, ngày lành tháng tốt, đám cưới liên  miên, họ vui, mình có việc làm có tiền. Quần tây, áo sơ-mi, pyjama giặt nhẹ tay, nhưng phải cẩn thận, nhiều chiếc áo cũ, bị sờn rồi rách cổ áo, lưng áo nhiều mồ hôi dễ mục, lỡ làm rách khó ăn khó nói, thím thường nghe những câu nói mát "cái áo, cái quần bận cả chục năm nay không rách", gặp trường hợp nầy, thím chỉ dám trả lời một mình với chồng "10 năm áo rách là phải rồi". Thím vò thật nhẹ, bọt xà-bông như bong bóng trong thau bay lên rồi vỡ trong không khí, sợ nhứt là cây viết nguyên tử bỏ quên trong túi áo trắng, lỡ tay, viết gẫy, màu xanh màu đỏ bám vô áo, dù có thuốc tẩy cũng không sạch được, chỉ còn có nước đi năn nỉ trừ thôi, chứ tiền đâu may áo mới thường cho chủ. Nói là nói vậy, chứ thím Sáu đã kinh nghiệm nhiều năm, sơ sót hoài thì ai dám tới bỏ giặt. Ít nhứt nửa năm mới giặt được bộ đồ lớn, thời đó, mặc áo sơ-mi trắng, pyjama đi ăn tiệc là sang rồi, loại đồ lớn chỉ có hai bộ, nếu không kể áo bốn túi của ông Phán Cu Ton, ông Cai Tổng Ta-Ul. Đó là hai cái áo bành-tô của ông Hội Đồng Kết và ông Đốc Nâu già, áo có một hàng nút đồng, bốn túi, mỗi túi thêm một nút đồng, cổ cao, bên trong vai áo độn vải dầy cộm nước rút vào đó phơi lâu khô. Ông Hội Đồng và ông Đốc Nâu may cái áo đó từ khi ông được Tây phong chức Hội Đồng và lúc ông Đốc Nâu đậu Certificat đổi về đây dạy Cours Élémentaire đầu tiên. Ông Hội Đồng thường mặc áo bành-tô màu xanh nhạt, quần lãnh đen, thắt dây nịt bạc. Ông Đốc Nâu mỗi lần tới tiệm giặt đều nói tiếng Tây "Vous lavez les vêtements hả?". Chú thím Sáu không học tiếng Tây, nhưng hiểu điều ông muốn nói giặt ủi chớ gì?, nên khi giao áo, ông Đốc gật đầu "Bon, bon!" rất vừa ý.

Giặt tới trưa đứng bóng, hai tay thím khô vì xà-bông, áo quần dù vén khéo tới đâu cũng ướt sũng nước và xà-bông, hai bàn tay khô hết chất nhờn, mỗi lần đếm tiền phải thấm nước miếng.

Làm nghề giặt ủi là làm dâu trăm họ, dâu của mấy ông già chồng, đàn bà đâu có đi đám cưới, hội họp gì quan trọng mà chưng diện, mà bày đặt ủi với giặt, cũng như dân bòn-ca, đi chân đất, quần cành tăng (5), quần cheo (6) vải đen, vải ú, áo phá-lấu (7) vải thô, mặc đi làm ruộng vợ họ giặt, họ còn chưa biết chú Sáu làm nghề gì nữa.


Thời đó, trước 1950, quận chưa có nhà máy đèn, chỉ có chủ tiệm may lớn mới có bàn ủi than. Còn các chủ tiệm dù giàu có, ăn mặc giản dị, ở nhà mặc áo thun lá, ra đường mới xỏ cái áo sơ-mi vô, về nhà cởi ra, áo cũng không cần ủi, nên chưa có nhu cầu; lại nữa, mua cái bàn ủi, cả năm xài vài lần không xứng đáng đồng tiền, các bà vợ hay đứa ở chưa quen sử dụng, than tro bay tứ tung cháy lốm đốm, lọ nghẹ dính mền, áo quần, có khi bàn ủi nóng quá, cháy một mảng, tiêu cái áo. Nhờ vậy mà chú thím Sáu còn sống được, nếu như ngày nay, văn minh, có điện, ai cũng có tủ lạnh, máy giặt, bàn ủi điện, người ta biết dùng thứ đó thì tiệm giặt ủi chú thím Sáu dẹp sớm.

Chú thím Sáu là đôi vợ chồng rất xứng đôi, tuy hai người là hai thái cực. Chú Sáu thì ốm yếu, thím Sáu người chắc nịch, hai tay gân guốc, nhanh nhẹn vì cả đời vất vả nuôi cái ông tiên nho nhỏ trong nhà. Một tên bợm nhậu, rình mò tới sào phơi áo quần định chôm vài cái bán uống rượu, bị thím Sáu bắt gặp tại trận, gã mới mở miệng chối beo bẻo, thì đã bị thím tát một cú "rờ-que" làm sưng má và trặc gân cổ, phải kêu thằng Xum tới đấm bóp và chữa mấy ngày chưa hết.

Ngày ngày, chú Sáu luôn luôn có lệ dậy trễ hơn thím Sáu. Khi chiếc xe Lam tài nhứt chạy vô Sóc ở Ngả Tư bắt đầu nổ máy cành cạch, chú Sáu mới chống tay ngồi dậy đốt đèn dầu phộng ngay trong mùng, ngọn đèn leo lét nóng dần làm ấm và thơm không khí trong mùng, chú tiêm một điếu, nằm dài ra kéo một ngao, nuốt cả khói thơm và giữ cho nó thật lâu trong người, nhựa càng ngày càng mắc, lại khó mua, khói luồn trong mạch máu, thớ thịt ấm ấm, đê mê, chú rút cổ, cử động hai vai. Để da thịt, tóc tai, áo quần, mùng mền chiếu gối được ướp bằng chất thơm, phải tiết kiệm và không thể phí phạm khói, chú nằm nướng thêm cho đã, nói chơi nếu rủi có pháo kích, người nhà không lôi chú xuống hầm chắc chú cũng nằm lì trong mùng, đã là tiên, làm sao chết bậy được.

Khi chuyến xe Lam cuối cùng rời bến, chú Sáu mới dậy, thật sảng khoái, khói tan dần trong nhà, còn lảng đảng mùi thơm nhè nhẹ.

Chú Sáu rửa mặt xong, lấy cái khăn choàng tắm chà khắp mình mẩy. Cái khăn rằn vải thô thích hợp cho việc làm sạch cáu ghét trên người chú, xong, chú quấn khăn quanh cổ, để khi cần dùng tiếp.

Căn nhà lá nhỏ, vách ván, ẩm ướt suốt năm. Chú Sáu uống ly trà đậm, thêm điếu thuốc mới đủ hứng khởi bắt đầu ngay công việc. Tất cả đã được chuẩn bị sẵn, đâu ra đó. Cái lò than hồng nóng nực, thím Sáu đốt sẵn, mấy cái bàn ủi gang nướng trên cái vỉ lò. Trên cái bàn lớn kê sát tường, chỗ làm việc được sắp xếp thứ tự. Bên tay trái trên cái ghế đẩu là ca nước lạnh, bên tay phải là lò than nướng bàn ủi, trên bàn là một miếng bố tời cắt ra từ bao gạo chỉ xanh, miếng vải ka-ki xám và cái mền phẳng lì như miếng ván bào láng, nhiều vết cháy nhạt hay đậm đen, lổ chổ vì bàn ủi. Sau lưng chú là bộ ván ngựa, những đống quần áo được xếp thự tự, cái nào giao trước thì ủi liền.

Trong nghề mới biết, ủi quần vải ka-ki dầy trước, cần thật nóng mới thẳng và hết nếp nhăn, áo nylon ủi sau cùng, khi bàn ủi bớt nóng. Nếu sơ suất dễ bị cháy, cháy áo còn hơn cháy da mình và cháy túi. Con ngựa chạy đường dài rủi may cũng phải vấp. Thằng con ông Đội trong đồn thời Tây hăm đốt nhà chú, khi chú lỡ ủi cháy cái quần vải Tropical duy nhứt mới may của nó, vải Tropical mới có lần đầu, xui là vào cuối năm, thợ may làm sao tìm được loại vải hiếm có để may bắt thường cho nó mặc ăn Tết, chú thím Sáu mất ăn mất ngủ sợ thầy Đội tới nhà mời lên bót.

Năm nào cũng vậy, cuối năm, áo quần ủi chất cao trên bộ ván ngựa, thấy hết muốn làm, biết chừng nào mới ủi hết đống áo quần đó; nhứt là lúc thiếu cơm đen, tay chân uể oải, đầu óc lơ mơ.

Việc đã làm thành thói quen, quen tay, không cần suy nghĩ, cứ bao nhiêu động tác trở đi trở lại. Khi lò than nướng bàn ủi đỏ hồng, hết khói lên, bàn ủi cũng vừa đủ nóng, nóng quá ủi dễ cháy, nguội quá ủi không hết nếp nhăn và không có "li", khói bám bàn ủi có thể làm dơ áo quần.Tất cả đều được tiên liệu. Động tác đầu tiên là với tay lấy ca nước súc miệng rộc rộc cho sạch thức ăn còn dính trong kẽ răng. (Lúc mới vô nghề, vừa ăn cơm với cá kho xong, quên động tác cần thiết đầu tiên nầy, chú phun một bãi nước miếng pha nước mắm lên áo). Sau đó, chú ngậm một ngụm nước, phùng má, cầm hai cái cổ áo, giũ một cái, qua đầu sang trái, rồi sang phải vừa phun đều cho đủ ướt cổ áo, hớp thêm ngụm nước, ngước lên phun phì phì vừa cúi đầu xuống, như gật đầu, đủ ướt sương sương vạt áo và lưng áo. Đặt áo trên bàn, chú với lấy miếng vải quấn quai bàn ủi nhúng vô thau nước lạnh cho dịu lại, chà bàn ủi trên miếng bố-tời cho sạch tro bụi than, đẩy bàn ủi trên miếng vải dầy xem có cháy xém không, rồi mới bắt đầu ủi cổ áo, tay áo, hai vạt áo, lưng áo, máng áo lên giá cho nguội để chiều xếp lại đi giao, xếp thế nào giống như cái áo bán đựng trong hộp, không có nếp nhăn.

Năm qua tháng lại, có mấy lúc thảnh thơi, thảnh thơi thì thiếu thốn, thiếu nhựa. Nghề giặt ủi dù không bị cạnh tranh, cũng giống các nghề khác, lên xuống bất thường, có khi còn bị đào thải như mấy anh nài nuôi tượng chở khách, mấy anh đánh xe ngựa chở đồ hàng bông bị xe Lam, xe đò cướp khách. Làm ruộng làm thầy lên xuống có mùa. Mùa nóng nực, khí trời độc địa sau trận mưa, hơi nước bốc lên, con nít ấm đầu, tiệm thuốc bắc Vạn Trường Xuân và Bảo An Xương khấm khá, mấy ông thầy Tàu cười ha hả, vừa tán thuốc trong cối, tiếng len ken nghe vui tai.

Tháng cuối năm, người giặt ủi cực ơi là cực; những tháng ra giêng, hay tháng mưa dầm, ngồi chờ người mang áo quần tới mỏi mắt, cũng như các tiệm may không nghe tiếng đạp máy. Sau mùa gặt, đám cưới đám hỏi liền liền, ngày lành tháng tốt, tân hôn vu qui, giặt ủi suốt ngày đêm, thuốc đầy đủ, chú Sáu mặt tỉnh táo hồng hào ra.

Cái nghề tạm bợ, không đáng trọng cũng không ai khinh, không cách gì phát đạt như chủ tiệm may, tiệm tạp hóa. Thỉnh thoảng, ngồi uống trà rảnh rang, chú Sáu cũng tìm ra chút lý do để hãnh diện, khỏa lấp cái nghèo. "Muốn đi ăn đám cưới coi cho được phải bận quần áo tôi ủi à! Ông Hội Đồng, ông Đốc Nâu khen tui ủi khéo như thợ ở bên Tây". Chú Tư Ngọ hỏi móc: "Ông Hội Đồng, ông Đốc Nâu có đi bên Tây hồi nào mà biết bên Tây?". Chú Sáu không thèm nghe, tiếp tục: "Tôi từng giặt ủi cho mấy ông Tây hồi xưa, áo veston, áo Ba-đờ-xuya, áo măng-sết, áo có cầu vai màu đỏ màu xanh khó ủi lắm. Xứ nầy ai hơn tui, anh chỉ coi?". Chú Tư Ngọ vuốt đuôi: "Phải rồi, xứ nầy anh hạng nhứt, có ai làm nghề nầy ngoài anh đâu".

Chú Sáu chứng kiến nổi trôi theo bao nhiêu sự thay đổi vải vóc, thời trang từ thời Tây tới giờ, nhắc lại thời cũ, ông Cai Tổng Tà-Ul ăn mặc ra sao chưa chắc có người nhớ, chú nhớ vì lâu lâu ông Cai Tổng đi xe con cóc từ Ô Thôm ra bỏ giặt mấy cái áo lớn để đi dự đấu xảo ở Ta Keo. Thời năm một ngàn chín trăm oảnh tẹt, dân thường mặc áo bà ba đen, các chú mặc áo Tiều có nút thắt, dân thầy chú thì mặc quần Short trắng hay quần dài trắng ống rộng, vải may hết khổ, áo măng-sết, đeo soi mát, đội nón nỉ, đi giày sandal, dắt xe máy đầm, sang trọng biết chừng nào. Ủi quần tây nầy phải bàn ủi thật nóng, phải giũ hết bụi cát đóng trong lai quần. Dần dần đồ Tây thay thế đồ bà ba, áo Tiều, quần cheo, chỉ có mấy ông đạo núi Cấm và dân theo đạo Hiếu Nghĩa ở Ba Chúc còn mặc bà ba đen, bới tóc, quấn khăn. Hầu hết dân chợ mặc đồ Tây. Năm đó, nghe đâu khoảng năm 1945-47, có loại vải nhập cảng bên Tây, màu nâu lợt, hai bên rìa vải dệt màu đỏ, trắng, xanh, thợ may tiết kiệm không cần cắt bỏ, vì phần vải đó nằm ở lai quần, xếp vô trong may, khỏi đột chỉ, không ai thấy. Vậy mà Việt Minh họ biết, ai mặc quần vải nầy là Việt gian, có cớ "lên núi cho mò tôm", vì rìa vải là lá cờ tam sắc của Tây. Oan ưng có giải bày cũng đã muộn. Chú Sáu cũng biết người nào ưa mặc vải nầy (mấy ông Thầy Ký chớ ai). Lúc đó chú Sáu còn trẻ, theo Thanh Niên Tiền Phong, cũng vác gậy đi "Một, hai, hai một, Tây đốt nhà hổng còn cây cột", Chú đã báo cáo cho bên trong, công lớn lắm, mà sau nầy Cách Mạng vô không tặng cho chú cái huy chương nào, còn hăm he chú về chuyện cái bàn đèn.
Cái quần Tây dài ống rộng màu trắng ngự trị lâu nhứt, sau đó quần Short mất thay thế bằng quần màu:

"Thanh niên mới chải đầu láng bóng
Chải cánh chim lóng nhóng chốn ca lâu
Áo dài tay xúng xính chiếc quần màu
Giày bóng lọng ngồi trên xe máy mới
Sống trong nước nhà đầy lửa khói
Dòng máu người đỏ ối khắp giang sơn ..."

Sau đó, chú Sáu Tý chứng kiến thêm cái cảnh đổi đời, Tây rút đi rồi, mất luôn cái quần Short, thay bằng quần ống túm theo kiểu phim cao-bồi nhập cảng kiểu bên Mỹ.

Người lớn quen mắt với quần ống rộng, thấy thanh niên chạy theo "mốt" mới, tức điên lên, hăm he, chửi, bọn nó cũng không nghe, mỗi lần ủi quần nầy, lúc đầu vải ka-ki, rồi vải "Sakine", làm bằng lông vịt, rách một lỗ là khó vá, nó rách toạt ra luôn, chú vừa ủi vừa lầm thầm:

Vật chất văn minh quá cỡ rồi
Thanh niên ăn mặc kiểu cao-bồi
Áo thòng quần xệ coi kỳ cục
Đầu tém, chân túm dễ tức cười"

Ai thay đổi mặc ai, vợ chồng chú bon chen làm gì, chú chỉ biết áo quần nào dễ ủi là chú chịu. Quần hai "li" xuôi hay hai "li" ngược mỗi lần ủi phải mất công xếp "li", mới kéo ngay để ủi, rồi còn ủi lai quần. Loại quần "xăng li", không có lai, ủi tuột luốt, tiết kiệm mấy phút, vài phút không bao lâu, nhưng nếu ủi chừng ba mươi cái thì sẽ thấy thời giờ là quý.

Chú Sáu cầm bàn ủi đã mấy mươi năm, qua bao nhiêu loại vải, bao nhiêu kiểu áo quần, mỗi lần kể nghe bắt mệt. Vải "ga-bạc-đin", vải "popeline", vải lụa lèo mịn may đồ mát ủi nhẹ tay, vải "nylon", vải "nin phăng", vải "tuýt-xo", nhiều lắm. Cơ trời đi trên vải vóc và kiểu áo quần. Chú sống cả đời với vải vóc áo quần, đủ kiểu, đủ màu. Mỗi lần ủi áo quần vải mới ra, chú ước ao bâng quơ có một bộ mặc như người ta, buồn tủi, vì sắm không nổi, Ước mơ ngắn ngủi chấm dứt, khi treo bộ đồ vừa ủi lên, lấy cái khác ủi tiếp.

Áo quần vải vóc đổi thay thật nhanh sau nầy như những cuộc thay đổi chánh trị, khi chú kiệt sức vì có tuổi, lại giậm chân tại chỗ, không cách gì phát lên được, như mấy người thợ hớt tóc, đè đầu đè cổ thiên hạ mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Hễ người ta càng tiến bộ thì chú càng lùi.Nhà máy đèn bắt đầu chạy đều, có điện ban đêm, nhiều người biết xài bàn ủi điện, chú Sáu lui vào bóng tối, vất vả hơn nhiều!

Bất cứ ai ở xứ nầy đều no cơm ấm áo đã nhiều đời, tuy không giàu, người ăn xin cũng đủ cơm đủ cá ăn, đêm đêm phì phà điếu thuốc vấn, tay phe phẩy quạt muỗi, ngồi trước dãy phố có Radio nghe ké cải lương.

Gia đình chú Sáu sở dĩ nghèo vì chú mang bịnh ghiền. Thuốc phiện (ít ai nhắc tới) tuy bị cấm lâu rồi, từ khi Tây về nước, chú vẫn có nhựa đấp đổi, thuốc mua bán ở đâu, qua ngả nào, chỉ có người đồng nghề cộng nghiệp mới biết. Dân ghiền xứ nầy chưa tới mười người, hầu hết là đàn ông, trừ gia đình ông chủ tiệm bánh, họ thuộc thế hệ chú Sáu. Họ từng sống qua thời bình tịnh, còn Tây, tiệm hút có ba-tăng (9), không cần sắm bàn đèn cho tốn kém. Tới cữ thì cứ tự nhiên đến tiệm hút, nằm dài trên giường, có người tiêm sẵn, kéo một ngao ro ro cho đã, xong trả tiền, ra về, hút đầy đủ thì mập mạp hồng hào, khỏe người tỉnh táo.

Nếu Tây không về nước, chắc chú Sáu Tý sống bình thường không tệ như ngày nay. Nhưng Tây bỏ đi, có lịnh cấm hút, mới có tình trạng lén lút, lén lút thì nhựa lên giá, người tiêu thụ như chú mới cực, phải bớt lượng thuốc, tiết kiệm luôn thuốc sái, khói thuốc, trăm bề khốn khổ, nhưng có đấp đổi còn hơn không.

Khi chú lớn tuổi, sức yếu hẳn thì có cuộc đổi đời lần nữa. Thuốc đã khan hiếm, thân chủ bỏ giặt ủi ngày trước, bây giờ bị phá sản, Cách Mạng vào, cơm còn lo chưa đủ, nói chi tới mặc đẹp mà giặt ủi. Giếng nước còn đó, mực nước sâu hơn, thấy thím Sáu phải buộc thêm cho dây gàu dài ra. Mấy cái thau giặt quần áo chồng lại để bên giường chung với bàn ủi, mền ủi xếp lại làm gối, lò than biến thành lò nướng bánh chuối bán chiều. Thím Sáu chuyển sang nghề bán cháo ban ngày, bánh chuối nướng ban đêm, vừa đủ cơm ngày hai bữa, quên mất món nhựa cho ông tiên trong nhà.

*

*     *

Chú Sáu vặn mình, xương kêu rôm rốp, miệng há toang hoát, hàm dưới xiêu vẹo không hả thêm được, người run bần bật. Chút chút lại cong mình như con tôm búng ngược trên giường, chiếu trơn như thoa mỡ, trong nhà tối âm âm, cái mùng trĩu nặng ban ngày giắt lên, ban đêm hạ xuống, vải mùng còn vương vương mùi khói thơm. Chú lăn lộn một hồi lâu, rồi giẫy giụa, rồi ngáp. Người chú gầy xọp hẳn đi, cáu ghét đóng từng vòng trên cổ, chú vốn sợ nước.

Trong nhà, nhắc thêm tủi, con cái ra riêng tự lo chưa xong, chỉ còn lại người đàn bà duy nhứt chịu đựng kiên nhẫn săn sóc chú. Thím vất vả quá sức chịu đựng, thím cũng đâu còn trẻ gì, nhịn nhục tới chừng nào?, thím lầm bầm: "Ráng chịu đi, biểu cai mà không chịu, thời buổi nầy, gạo mua còn không có tiền, dư đâu nuôi người ghiền".

Chú Sáu càng làm dữ, ai cũng hèn nhát lúc Cách Mạng vào, mọi người im thin thít, không ai dám hó hé, chỉ có chú đủ can đảm, dám quậy, dám la hét đập giường đập chiếu, nguyền rủa ai làm chú khổ sở như vầy. Lúc tỉnh lại, chú thều thào "Kêu thằng Xum lại, kêu thằng Xum cho mau, cho mau, cho mau" chú giận lắm rồi nghe. Thím Sáu vừa gói bánh vừa bực tức, trả lời: "Người Miên bị đuổi đi hết rồi, thằng Xum thằng Xê nào còn ở đây mà kêu!". Bỗng thím đứng dậy đi xay xảy vô nhà, vả chan chát trên lưng chú Sáu: "Ừ, mà thằng cha già dịch nầy lớn tật dữ a! Cơm còn chưa đủ "dọng" (10) mà còn đòi nầy kia, còn kêu thằng Xum đấm bóp nữa, muốn thì đi vô Chưn Phnum (11) kêu nó! Liệu hồn à!". Thím Sáu đã nư giận, bưng thúng bánh ra chợ, bỏ chú nằm chèo queo.

*

*     *

Chú Sáu há hốc, nước dãi chảy ướt gối, chú giật nẩy người lên, rớt từ trên giường xuống đất, thân mình run như điện giựt, mắt láo liêng, lạc thần, quơ tay loạn xạ quật mấy cái bàn ủi và chồng thau ngã ngổn ngang, miệng mếu, thoi thóp, cổ khò khè như bị đờm chận "Xu-u-um" rồi lịm dần, cánh tay còn vướng cái bàn ủi.

Bầu trời xanh trong bao la, không khí tinh khiết mát lành, chú Sáu lướt đi thong dong giữa hai hàng quần áo ủi thẳng, quần áo đủ màu sắc như cờ xí rực rỡ phất phới vẫy chào.


Chú thích:

(1)     ách-cô = phân bò.

(2)     bòn ca = dân Miên

(3)     nhăm bai phật xạ = ăn cơm uống rượu

(4)     khạp da bò = khạp dày, cao độ 60cm, đường kính độ 30cm

(5)     quần cành tăng = quần ngắn, ráp bằng 3 miếng, không sợ rách đáy.

(6)     quần cheo = quần dài quá gối, ráp bằng nhiều miếng vải, ngồi xếp mon trong chùa không bị rách đáy và rộng rãi.

(7)     áo phá lấu = như áo lá đơn giản.

(8)     xăng li = (sans pli) không có đường nếp.

(9)     ba-tăng = môn bài.

(10)  dọng = ăn

(11)  Chưn Phnum = vô chân núi, lúc họ chết chôn ở núi Chưn Phnun. Vô Chưn Phnum nghĩa là chết.Ồ

58
Viên Giác số 137 Tháng 10 Năm 2003

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét