NUÔI RẼ*
Springfield, cuối đông 2005
Phong-Hưng Lưu-Nhơn-Nghĩa
Ông Tà Nghét ngồi dựa vách trước nhà, trên chiếc chõng tre. Ông chớp mắt nhìn, đôi mắt vô hồn không buồn chú ý đến mấy đứa cháu đang chạy lăng xăng trước sân. Tiếng gà vỗ cánh gáy trong sân không làm ông động đậy. Đứng nhìn ông từ xa, người ta dễ lầm ông với bức tượng trong đền Đế Thiên Đế Thích, nhứt là khuôn mặt của ông.
Suốt cuộc đời bình dị, làm ruộng quần quật nuôi bầy con, ông chứng kiến biết bao sự thay đổi từ lúc còn là thằng bé chăn bò tới giờ. Thế giới chung quanh ông tiến quá nhanh, nhịp sống mới hết sức vội vã tràn vào sóc, ông bị bỏ bơ vơ trong thế giới xa vời cũ rích. Ông đăm đăm nhìn những ngôi tháp cổ trong sân chùa Préa Theat dọc theo dãy xala bằng cây sao, nơi tổ tiên ông và rồi sẽ đến ông sẽ gởi tro cốt.
* * * * *
* * *
Nhà Pù Nghét đi bộ đến giếng nước Nòl Tô không xa. Nhà sàn, vách ván cây sao, cột cũng bằng cây sao cứng như đá, một người ôm không giáp cây cột. Nhà lợp lá, có thang lên từng trên. Mùa mưa nước cũng không ngập vùng này, nhưng nhà nào cũng cất cao, bên trên ở, bên dưới để cày, bừa, vật dụng, tránh chuột, rắn hay thú dữ. Sóc Ô Thôm chỉ có nhà sàn, trừ xóm người Chanh (người Tàu) ở xóm Tà Păng Flúc, đất thuộc về ông Cai Tổng Tà Ul – Xóm Tà Păng Flúc mới có sau này, trước năm 1945 có chưa tới mười gia đình nghèo ở xa tới lập nghiệp – ở đâu có khói có lửa là có người Tàu. Cái sóc trong hóc núi trước khi Tây tới đào kinh, đâu có đường xá như ngày nay, muốn tới phải đi bộ băng đồng cỏ ún ngập nước, vậy mà trước đó mấy đời đã có người Chanh tới sinh sống. Ngày nay, nghĩa là ngày ông Tà Nghét còn nhỏ, có nhiều người Miên rặc họ Lâm, họ Trương ở đã mấy đời không ai nhớ. Ai ở sóc này cũng sống bằng nghề ruộng rẫy trực tiếp hay gián tiếp. Mỗi năm làm ruộng sáu tháng, cá tép có sẵn dưới ruộng, dưới bàu, cần thì bắt lên làm mắm ăn mãn năm.
Ông Cai Tổng Tà Ul không làm ruộng (oai hơn ông Tỉnh trưởng ngày nay), chỉ cho mướn ruộng, cho vay lúa đầu mùa, càng ngày càng giàu. Nhà nào cũng có đèn dầu lửa, loại thùng dầu 20 lít hiệu con gà mua ở chợ Xà Tón lúc Tây đổ bộ. Phụ nữ có nghề nuôi tằm, dệt xà-rông tơ, may áo. Tới mùa kéo tơ, buổi sáng ngoài chợ bán cả rổ nhộng, mua về xào hay làm gỏi, ăn béo ngậy. Hai nhu cầu ăn no mặc ấm được giải quyết dễ dàng, chẳng những không thiếu mà còn dư ăn, nên các sòng bông dụ ồn ào, số người say rượu đếm không hết, nhứt là vào những mùa lễ lạc ở chùa Préa Theat.
Đất ông Cai Tổng Tà Ul rộng mênh mông, nên ông cho dân Chanh cất nhà ở tạm thời, không ai phản đối. Dân Chanh trắng và đẹp, có khi đổi thành họ Miên. Gái Chanh mà lai Miên thì thôi khỏi nói về sắc đẹp “đầu gà đít vịt” - các cô này đương nhiên thành phu nhân các nhà quyền quý, thành người Miên da trắng.
Dân Chanh ở xóm nhà Tà Păng Flúc cung cấp các dịch vụ dân sóc chưa bao giờ nghĩ tới, đó là việc buôn bán đổi chác, tiểu công nghệ về bánh trái. Dân Sóc chỉ biết ăn chứ chưa biết làm bánh lọt, bánh hỏi, bánh xôi nước, hủ tiếu khô hay nấu nướng các món ăn cho đám cưới.
Dân Chanh đi bộ từ hai, ba giờ sáng ra chợ Xà Tón mua các loại hàng hóa thông dụng về sóc đổi lúa hay bán lại. Trước năm 1945, hàng hóa như dầu lửa, rượu trắng, bánh kẹo, đường muối, nhang đèn, đuốc dầu chai ... còn là những món cần mà hiếm. Dân sóc cũng lạ, nhiều người có xe bò, ra chợ mua chở về bán tiện lợi mà không thấy ai làm nên người Chanh mới có cơ hội sống được.
Sự hiện diện đóng góp của người Chanh vì vậy trở nên hết sức cần thiết vào thời điểm đó, nếu dân sóc biết đi guốc là người Chanh hết đất sống. Dân Sóc sống và hưởng thụ sau mùa gặt, sống thảnh thơi, không lẽ mua cục đá lửa, vài cây đuốc Nam Vang, thẻ nhang cúng chùa ông Sãi, lại phải mất công ra chợ, đi về mất cả ngày ? Cần thúng hủ tíu khô thì đội thúng đầy lúa tới nhà người Chanh đổi, “pên tâu pên mo” - đầy đi đầy lại, công bình mà, thúng hủ tíu khô cộng với công bằng thúng lúa dẻ dặt.
* * * * *
* * *
Thời đó À Nghét còn là chú tiểu Col Sóc ở chùa Préat Theat. Sóc buồn hiu, đêm không trăng tối mịt mù, xa xa mới có căn nhà sàn, trước mặt là ruộng lúa mông quạnh, sau lưng là núi, còn rừng tre, nhiều ác thú. Măng là món ăn thay rau rác. Ban đêm, khi cần di chuyển, người ta đốt đuốc tẩm dầu chai soi đường.
Sóc có tên là Ô Thôm, “Ô” là cái lạch nước, “Thôm” là lớn. Có nhiều Ô chảy qua Sóc, Sóc này có cái Ô lớn nên có địa danh này, mấu chốt địa lý khỏi lầm với các Ô khác như Ô Tăng Răng, Ô Tà Mít. Nước suối từ núi Tô quanh năm đổ xuống mấy cái Ô chưa đủ nước thành sông.
Col Sóc Nghét chơi dọc theo Ô, bắt cá, bắt cua, nước Ô sạch, trong, mát lạnh, uống được. Nghét có người bạn Chanh cùng tuổi là Cảo Kía (chó con). Nghét tự do chạy chơi khắp vùng, tha hồ bắn chim, bắt rùa, cúm núm về nuôi. Đêm trăng sáng, Nghét chạy chơi quanh chùa, chán thì về ngủ, không bị la rầy. Cảo Kía con nhà buôn bán trong tiệm chạp phô nhỏ, suốt ngày bị giữ ở nhà, đêm đóng cửa ngủ sớm. Gia đình Cảo Kía nằm dọc theo Ô Tà Tưng, xóm Tà Pan Fluc, cùng xóm với những người Chanh khác. Nhà Cảo Kía cột tre, vách và mái lá, mới cất sơ sài, đâu có ai muốn ở đời trong Sóc này. Chệt Khên, thím Xẩm làm việc cật lực như những người Miên trắng tay khác. Từ 3 giờ sáng Chệt Khên gánh thổ sản địa phương ra chợ Xà Tón bán, hai cần xé gừng, trái cây, khoai, chuối, dừa. Trưa đứng bóng, Chệt Khên gánh hàng hóa chợ về đổi, tối mịt mới về tới nhà cầm chén cơm. Thím Xẩm quán xuyến việc buôn bán ở nhà. Cảo Kía thiếu cái tự do của A Nghét, nó thèm được nô đùa thỏa thích như những đứa trẻ con Miên khác. Cuộc đời ấu thơ của Cảo Kía bị đóng khung trong căn nhà lá vừa là tiệm chạp phô.
Tuy ở cùng Sóc, cá mắm giống nhau, nhưng cách nấu ăn khác. Nghét suốt đời chỉ ăn cơm với mắm, canh xiêm lo, canh mít, canh thốt nốt, bánh gói, bánh ống, bánh thốt nốt, đói thì cái gì ăn cũng ngon. Cảo Kía được ăn món nấu kiểu Tàu, canh dưa cải, xải pấu (củ cải muối), tàu hũ. Tháng 8 có bánh Trung thu, bánh Tào xa pía (bánh nhưn đậu xanh). Cảo Kía cho À Nghét nửa cái bánh quai chèo dòn rụm, đổi lấy mấy con rùa nắp và con chim áo già, chim dồng dộc. Nghét được nhai bánh dòn rụm lần đầu. Tình bạn nẩy nở giữa Cảo Kía và À Nghét qua cái bánh quai chèo và con chim áo già, giống như Pù Pai, cha Nghét, đổi thúng lúa lấy bịch muối của Chệt Khên.
* * * * *
* * *
Năm 1945, nạn Cáp Duồng xảy ra khắp miền Nam nơi có nhiều Sóc Miên. Ngọn gió độc này thổi tới các Sóc mẹt cô lập dưới chân núi Tô, núi Tà Pạ, núi Nam Vi thì tan mất. Chuyện Cáp Duồng nghe nói lúc đó găng lắm, nghe nói chết ở đâu kìa, chứ Sóc này dân chỉ theo đuôi cho có lệ. Mấy gia đình gốc Chanh có xuôi gia với ông Cai Tổng Tà Ul thì ai dám động tới. Gia đình khác đều được lối xóm ơn nghĩa chở che, dấu diếm. Đặc biệt gia đình Củ Búl được chính Lục Cru dẫn đi bộ công khai từ Ô Thôm ra Xà Tón an toàn. Lục Cru đi đầu, gia đình Củ Búl đi giữa, mấy ông lục áo vàng khác đi hai bên suốt đoạn đường 12 cây số. Dân Miên ít nhất còn giữ giới không sát sanh trước những chiếc áo vàng từ bi, không làm đổ một giọt máu.
Xóm Tà Pan Fluc không còn gia đình người Chanh nào từ đó. Nói cho cùng, đó là cơ may. Họ dọn ra chợ Xà Tón, bà Xẩm và con là Củ Khì ra chợ ở phố ba từng, có xe hàng, ai cũng đều khá và giàu hơn khi rời nơi tạm bợ này. Từ đấy chính những người Miên phải đội thổ sản ra chợ bán rồi tìm chính những người Chanh gốc ở xóm Tà Pan Fluc mua hàng và làm giàu cho họ.
Mỗi lần À Nghét chạy ngang xóm Chanh chỉ thấy nền nhà trống, không hiểu Cáp Duồng là gì, nhưng thèm bánh quai chèo và bánh bía ngọt.
Cảo Kía theo gia đình ra chợ lập nghiệp, được đi học, tập buôn bán, quên mất con sáo, con cưởng, con lọ nồi Sóc xưa.
À Nghét bắt đầu biết chăn bò, cắt cỏ, lớn lên được cha mẹ chia cho căn nhà sàn và mười công ruộng Tà Lấp. À Nghét thành Pù Nghét, cưới vợ, sinh bầy con sáu đứa, cứ bao nhiêu lúa đủ ăn, gặp năm lúa háp thì vay lúa ăn đầu mùa, nợ chồng nợ, nghèo càng nghèo.
* * * * *
* * *
Pù Nghét vác cày về nhà chờ cơm trưa. Lo quá, năm nay mưa trễ, ruộng trên khô chờ nước. Biết làm sao.
Pù Nghét đứng tránh đường cho chiếc xe Mobylette chạy qua. Anh Chệt trắng mập ngừng xe ngạc nhiên: “Nghét, mày nhớ tao không?” Pù Nghét há hốc: “Cảo Kía” Hai người kéo tay nhau vô nhà mừng rỡ, bỏ mặc chiếc xe lôi bên ngoài hàng rào và mấy con heo kêu eng éc trên xe.
Cảo Kía bây giờ đã lớn, bỏ tên “chó con” thành Chệt Kía. À Nghét bây giờ là Pù Nghét, chú Nghét. Gia đình Chệt Kía còn mang ơn gia đình Pù Nghét chở che thoát nạn cáp duồng thời trước. Hai người bạn nói chuyện huyên thuyên bằng tiếng Miên như thời còn chạy rong chơi xóm Tà Păng Fluc. “Mầy làm gì ăn bây giờ Nghét?” “Mày sao khá quá vậy Kía? Có xe mobylette kéo xe lôi chở heo!” Hai người đi lòng vòng khu đất nhà Pù Nghét. Chệt Kía bỗng nghiêm nét mặt lắc đầu thương bạn nghèo.
- “Nghét, miếng vườn sau nhà mày rộng, sao mày không nuôi bò, nuôi heo. Nuôi bò làm ruộng, khỏi mướn bò, nuôi heo bỏ ống.
- “Dớ, tao làm ruộng, đủ lúa ăn là phước, có năm háp còn đi vay, con một bầy lo cho nó ăn còn không kịp, tiền đâu sắm bò cày.”
- “Tao thấy mày nghèo, nghe tao, tao chỉ cho mầy ăn với người ta. Chỗ ơn nghĩa cũ. Mầy dở quá, để tao tính cho. Bây giờ khoan nói, mày cất cái chuồng bò dưới nhà mày, cái chuồng heo sau nhà, rồi tao sẽ nói chuyện.
* * * * *
* * *
Chệt Kía đạp chiếc xe mobylette nổ máy, mừng thầm, thêm mối làm ăn. Chệt Kía vô Sóc hàng ngày, lúc đầu mua heo, gà ra chợ bỏ mối. Dần dần cho dân Sóc nuôi rẽ gà, heo, bò. Gần năm năm nay, cứ chiếc xe mobylette kéo thùng xe lôi ngày ngày chở vài chục con gà, năm bảy con heo con về chợ, chưa kể mỗi năm bắt bò con, lúc đầu ít, sau càng nhiều, nợ chồng nợ, tiền đẻ ra tiền.
Pù Nghét mừng gặp lại bạn tốt bụng, vợ chồng con cái Pù Nghét mơ ước nhiều hơn Chệt Kía. Pù Nghét đẽo đục cả nửa tháng mới xong cái chuồng bò dưới sàn nhà đang ở, vừa làm vừa tưởng tượng, cười một mình, như sắp sửa đổ lúa vô bồ. Nghèo thì đầu óc u tối. Ruộng thì nhiều, từ đời ông bà cha mẹ, mỗi đời để lại chia mánh mung, mới có hai đời gia đình Pù Nghét còn vỏn vẹn chưa tới mười công đất, con thì đông mà đất thì không đẻ thêm đất. Mực nước ruộng xuống thấp thấy rõ, cá tép chim cò biến đâu hết, thú rừng thưa dần, đất đai mỏi mòn, cây cối già lão.
Pù Nghét hạ được cây vông đồng vừa ý trong cánh rừng thưa dưới chân núi Cô Tô, mấy cha con thay phiên khiêng mất cả hai ngày mới về tới nhà. Pù Nghét phải muợn tiền ra chợ mua cưa, bào, búa, xẻ khúc vông đẽo ba cái máng heo mất thêm mấy ngày nữa. Cái máng heo phải dài, Pù Nghét lo xa, muốn heo đẻ nhiều, mau lớn. Gỗ vông mềm, cưa xẻ cũng dễ, nhưng phải khoét lòng máng cho đều, nạo cho sạch, đốt cho hết dâm bào. Máng cao quá, heo con chồm không tới, máng thấp quá, cơm heo đổ ra ngoài uổng phí. Mấy đứa con nhỏ đòi nuôi gà, Pù Nghét lại lui cui đốn tre tầm vông, mua lá lợp chuồng, lên dàn lót ổ cho gà. Lợi đâu chưa thấy, chỉ thấy công của bỏ ra bộn, chờ ngày thâu lại trong tương lai, nghĩa là vài năm nữa, biết lấy vốn lại, có lời hay cụt vốn. Bao nhiêu vốn liếng đổ hết vô ba cái chuồng bò, chuồng heo, chuồng gà. Vợ chồng Pù Nghét và đám con nghèo nên mơ mộng đơn giản, tính xa hay buôn bán mù tịt, chỉ cày cấy, cuối mùa gặt bán lúa ăn, mất mùa đi mượn lúa, chạy quanh vòng lẩn quẩn, dù có dư dả, cúng chùa làm phước cũng xong.
* * * * *
* * *
Chệt Kía đi quanh trong chuồng bò quan sát, vỗ mạnh vách chuồng bằng tre mở. Chệt không còn vẻ mặt thân thiện như mấy lần trước, đây là vấn đề làm ăn, liên quan đến việc sinh lợi, bạn là bạn, tiền là tiền. Pù Nghét đi sau lo âu, sợ Chệt Kía đổi ý. Chệt Kía quay lại nói “Mầy đóng cho kín ba mặt vách, chừa vách hở về hướng Nam, mùa đông gió bấc bò lạnh. Nhớ biểu con mầy đầm nền cho thiệt cứng, sợ mưa đất ướt, móng bò bị lở. Cửa chuồng vậy là chắc rồi.” Pù Nghét nói thêm: “Thằng Xít con tao ngủ trong chuồng, gần cửa canh, nhà có chó mà, không mất bò đâu mà sợ. Xóm này không ai ăn trộm đâu.” Chệt Kía lại bước vô chuồng heo, gật đầu rồi đi về phía chuồng gà “Ê Nghét, tối phải thả chó, coi chừng chồn bắt gà nghe.” Chuồng gà dành cho đám con Pù Nghét, mỗi đứa nuôi vài con, gầy đàn, bán trứng. Ì Phi, vợ Pù Nghét, nao nức chờ bầy heo đẻ vài lứa, nuôi lớn, bán và làm thịt heo đãi đám cưới con gái lớn. Bầy heo thuộc về Ì Phi. Pù Nghét lời nhứt, có đôi bò làm ruộng , rồi bò đẻ, sẽ chia, rồi sẽ có bò riêng làm ruộng. Rồi bò lại đẻ, nhà sẽ có bầy bò, đất nhà sàn rộng, cất chuồng thêm, rồi heo đẻ từng bầy, lúc nhúc trong chuồng, gà đẻ từng bầy, gà trống gáy te te, gà mái dẫn con bươi đất túc túc gọi con nghe vui tai. Sáng nghe gà gáy, heo kêu đói, bò ủm mo về chuồng buổi chiều. Khói xơ dừa hun muỗi cho bò bên dưới nhà sàn thơm thơm. Gia đình mang ơn Chệt Kía. “Dớ, à Kía chen là o né” (À Kía tốt quá). Pù Nghét vừa nói vừa thổi khói thuốc vấn.
* * * * *
* * *
Chệt Kía đêm đó về bàn với vợ, hể hả: “ Trúng thêm mối khác nữa rồi! Thằng Nghét thiệt thà, có ruộng, đất nhà nó rộng, con đông, chắc nó không dám giựt đâu mà sợ. Tháng sau quá (tôi) vô sóc coi chừng mấy người nuôi rẽ khác. Quá vô bắt hai con bò cái của thằng Xai, bốn năm con heo con của bà Nen, bầy gà giò của con thằng Tút, vừa đủ giao hết cho thằng Nghét nuôi, khỏi chở về mất công, không cần bỏ vốn ra mua. Tiền đẻ ra tiền, bò heo đẻ ra bò heo, hà hà! ”
Chệt Kía bắt heo trong Sóc cho nuôi rẽ, cho vay tiền lúa đầu mùa. Lúc đầu cho nuôi heo, nuôi gà, sau có vốn, mua bò con cho nuôi rẽ. Sóc nào cũng có người nghèo lãnh nuôi rẽ hay vay lúa của Chệt Kía.
Khi Chệt Kía dẫn đôi bò con, bốn con heo nái nhỏ, chục con gà mái, thêm con gà trống tới giao cho Pù Nghét, cả nhà sướng run người, ai lo chuyện nấy.Pù Nghét nắm sợi dây vàm kéo bò vô chuồng, hốt từng bụm lúa cho gà ăn. Trước khi về, Chệt Kía dặn :“Nuôi cho kỹ nghe, bò heo đẻ mau lắm, giàu có mấy hồi, nuôi rẽ mau giàu lắm.”
Gia đình pù Nghét vui nhộn lên, sân nhà buổi sáng nghe gà gáy, heo ột ệt trong chuồng, thằng Xít hãnh diện dẫn bò ra đồng ăn cỏ, chiều đuổi bò về, trên vai còn thêm gánh cỏ nặng cho bò ăn đêm. Trọng tâm là đôi bò con, ngày ngày ngoài cắt cỏ, dọn chuồng, còn phải gánh nước tắm bò, cạo móng, chuốt sừng, đêm thì đốt bẹ dừa un muỗi, ngủ canh trộm. Người Miên ảnh hưởng một phần đạo Bà la môn Ấn Độ, có lòng thương bò, cũng có thờ thần Bò trong những ngôi đền, huống chi bò giúp việc cày bừa, kéo xe, cộ lúa.
Ì Phi như nuôi thêm bốn đứa con. Buổi sang dậy sớm nấu cháo heo, hạ cây chuối con, xắt chuối, đăm chuối, trộn cám. Sau giờ cơm trưa, Ì Phi xách những thùng thiếc nhỏ đi lấy cơm heo. Ì Phi biết điều lắm, những thùng cơm heo mới luôn luôn được rửa sạch khi đổi lấy thùng cơm heo ở nhà người ta. Ì Phi còn dọn dẹp cho sạch bếp nhà người ta để lấy lòng họ.
Xách thùng cơm heo về nấu với chuối cây giã nát, trộn cám, nhìn bầy heo con táp bập bập trong máng thấy vui vui. Heo ăn xong, rửa máng, dọn chuồng, tắm heo thì đã gần xế trưa.
Mấy đứa nhỏ ra đồng đào trùn, bắt dế, mót lúa nuôi gà. Gà tơ mà bọn nó cứ rình kiếm trứng trong ổ. Buổi sáng chúng phóng xuống giường ngay khi nghe gà nhà gáy thi với gà rừng từ núi Tô vọng lại.
Vui nhứt là về đêm, gia đình con cái Pù Nghét ngồi ăn cơm dưa, mắm, vừa thưởng thức mùi khói un muỗi và tiếng kêu của bầy gia súc. Vài ngày Chệt Kía ghé thăm, thỉnh thoảng ở lại ăn cơm trưa, uống nước dừa.
* * * * *
* * *
Hơn năm sau, cả năm mệt nhọc vì cỏ cho bò, vì cơm cám cho heo, hai con bò bắt đầu tập tễnh kéo cày, Pù Nghét nhẹ hẳn tiền mướn bò cày. Quen cực từ nhỏ, cha con Pù Nghét đã quen nghèo, việc chăn bò cắt cỏ là chuyện bình thường của nhà nông, họ thương hai con bò như chính con mình, đặt tên cho bò con “Thôm” con Tút. Đám cỏ ruộng khô không đủ, họ thay phiên đi xa dần về chân núi Tô, bò đã khá lớn, bốn gánh cỏ ăn vài đêm là hết. Hồi xưa, ruộng còn bỏ hoang, cỏ đầy đồng, lùa bò ra đồng trống bao la, thằng chăn rảnh rang bắn chim, rong chơi. Nay mới biết, đất còn chưa đủ làm ruộng, cỏ mọc lún phún trên các bờ mẫu. Đâu có phải chỉ riêng Pù Nghét nuôi bò rẽ, ai cũng nuôi, mạnh ai nấy tranh cắt cỏ được bao nhiêu hay bấy nhiêu, đôi vai Pù Nghét cũng như đôi vai những người nghèo càng ngày càng oằn xuống dưới những gánh cỏ xa tít từ chân núi Tô về nhà.
Mấy đứa con đầu, thằng Xít bắt đầu nghỉ học lo cho đôi bò có cỏ, lo giúp đỡ cha cày ruộng. Trời còn thương Pù Nghét, bò khỏe mạnh, con siêng năng, dành dụm mua được chiếc xe bò cũ kéo cỏ, đỡ nhọc nhằn hơn. Hơn năm nay làm việc vất vả, có được chiếc xe bò và hai con bò cày ruộng, đó là lời tiền mướn bò. Sau đó, bò sẽ đẻ lứa đầu. Như giao kết, hai con bò đầu và hai con bò con đầu cũng thuộc về chủ là Chệt Kía, đợt bò đẻ thứ hai sẽ thuộc về Pù Nghét, chờ từ lúc lãnh bò nuôi rẽ tới khi có bò con là khoảng ba năm. Từ đó, đợt bò đẻ kế thuộc về chủ, đợt bò đẻ sau thuộc về người nuôi, luân phiên như vậy, ai cũng sẽ giàu. Đó là lý thuyết, đó là ước mơ. Sau mười năm, nếu bò đầu tiên đẻ đều, mỗi bên sẽ có tám con bò, chưa kể con cháu, chít chắt của hai con bò đầu tiên. Cả cánh đồng đám ruộng mười công đất của Pù Nghét sẽ có một bầy bò, Pù Nghét sẽ sắm thêm ruộng, cất thêm nhà – Lý thuyết và ước mơ được gia đình Pù Nghét ấp ủ quên lúc vất vả tắm bò cẩn thận, Pù Nghét chưa bao giờ săn sóc con mình như săn sóc bò.
Từ đầu năm cặp bò xà co (bò tơ) đã lớn, bò vẫn chưa có dấu hiệu cho ra đời con bò con. Chờ lâu sinh bực bội, bao nhiêu lo âu bực tức trút lên đầu mấy đứa con, lỗi chúng nó ham chơi, cắt cỏ không đủ cho bò ăn. Cắt được bốn gánh trần thân, vừa đi xa, vừa đi sớm tranh giành cỏ với người khác. Suốt ngày suốt đêm, cứ bò với cỏ, cỏ với bò.
* * * * *
* * *
Chệt Kía ghé thăm bò heo Pù Nghét thường hơn: bạn xưa, gặp bữa ăn cơm, Chệt Kía tự nhiên. Có khi ổ gà đang ấp, Ì Phi luộc trứng gà lộn đãi chủ bò, khi Chệt Kía về, mấy đứa con mới dám la bải hoải. Bầy gà ấp vừa lớn, giao phân nửa gà tơ, gà giò cho Chệt Kía. Nhiều nhà trong Sóc nuôi rẽ cho Chệt Kía, không riêng Sóc này, còn Sóc Xla Đom, Sóc Chè Ên, Sóc Tà Pò … nên mỗi ngày Chệt Kía đều chở đầy xe lôi gà về chợ giao cho bạn hàng bán.
Chệt Kía đi từ Sóc này qua Sóc khác coi chừng coi đỗi. Heo nái vừa lớn, phải kiếm heo tốt bỏ nọc, phải biết ngày heo nái đẻ. Nhiều khi chủ heo không có mặt, túng quá, người nuôi rẽ dám bắt heo con bán rồi vô sòng bông dụ nướng sạch tiền. Chủ heo hỏi thì họ nói heo bịnh chết, không lẽ cắt thịt trừ. Cha mắng con cũng vì bò, mẹ chửi con gái cũng vì heo, mấy đứa nhỏ đánh lộn nhau cũng vì gà. Mà bò, gà, heo của thiên hạ, của Chệt Kía ở ngoài chợ, Chệt Kía có thấy có nghe đâu.
Ban ngày thả bò ra đồng phải có đứa chăn, rủi bò chạy lạc mất, ai dám cho nuôi rẽ lần sau. Cực nhứt là thằng Chóc, thay anh nó ngủ ngay trong chuồng bò, thở sặc sụa vì khói un muỗi. Thằng Chóc cũng như anh nó, cứ trông cho có con bò nghé riêng của nhà cỡi cho sướng, cỡi bò Chệt Kía chưa đã thèm.
Niềm vui đầu tiên khi thằng Xil thấy vú hai con bò cái đã căng sữa, biếng cày, ngày được cỡi bò nhà sẽ gần hơn. Khi hai con bò nghé dứt sữa, Chệt Kía dẫn đi ngay, hai con bò nghé là đủ vốn, còn hai con bò cái là lời. Lứa bò năm sau sẽ thuộc về Pù Nghét, năm nay thì chưa, ừ, chờ đã hai năm, còn một năm nữa đâu có lâu. Hy vọng đi! Chệt Kía dặn Pù Nghét cho bò ăn, dặn thêm lúa cho có sữa, nhưng không nhắc ai trả tiền mua lúa. Hết bò rồi tới heo, Ì Phi mới thấm thía, khám phá ra việc nuôi heo rẽ hình như chỉ lời lóm chút đỉnh, so với công lao bỏ ra thì không đáng, nhưng không nuôi thì làm gì bây giờ, ngồi không thấy khó chịu.
Cơm heo ngày càng ít, có khi chủ nhà không dư được lon sữa bò cơm thừa cá cặn. Đi lấy cơm heo mười mấy căn nhà, cả buổi trưa nấu chưa được nửa “trả” cơm heo, phải mua cám thêm.Mấy bụi chuối sau nhà đốn gần hết để xắt nuôi heo, hạ một cây chuối con là mất một quày chuối. Giá tấm cám lên, tiền dành dụm gói trong khăn “chàn tắm” khẻ lâu cũng cạn.
Sau ba năm vất vả, bốn con heo đẻ trước sau được bầy heo con mười bảy con. Cả nhà, nhứt là con gái lớn, mừng cuống quit, nhìn bầy heo như chuột xạ bú mẹ, Chệt Kía ghé thật đúng lúc chia vui với gia đình Pù Nghét “Đó, mầy thấy chưa Nghét, không giúp thì thôi, tao giúp ai, người đó khá hết thẩy! Nhớ mua cám cho heo mẹ ăn mau lợi sức nghe”.
* * * * *
* * *
Vài tháng sau, như đã giao hẹn, Chệt Kía cầm sổ tính. Ba con heo đầu là công trả cho chủ heo giống bỏ nọc. Mười bảy con, trừ ba con, còn mười bốn con, chia hai, mỗi bên bảy con, gọn quá, chẵn chòi.
Chệt Kía bắt mười con heo con trói bốn chân bỏ lên xe lôi. Ì Phi và đứa con gái lớn nhìn theo, nghe heo kêu eng éc dưới cơn nắng đổ lửa mà thương, mà nhớ lúc tắm heo, lúc cho heo ăn, như rứt ruột con mình.
Trở lại chuồng heo, Ì Phi nhìn bốn con heo nái nằm, công lao nuôi mấy năm, vẫn thuộc về Chệt Kía. Hai năm vất vả, bây giờ mới dư được bảy con heo con, bằng cườm chưn, mỗi con nặng chừng ba ký thịt. Ì Phi thở dài, thôi ráng nuôi tiếp tục, năm tới heo mẹ lại đẻ bốn lứa khác, lứa heo con này sẽ lớn, bán làm của hồi môn cưới chồng cho con gái, trễ rồi, nó đã 20 tuổi. Tội nghiệp con quá, lại phải chờ.
Tiếng heo kêu đói trong chuồng làm Ì Phi hết buồn, lại tắm heo, xắt chuối, nấu cám, lấy cơm heo. Sang năm bầy heo sẽ lớn lên. Pù Nghét sẽ có hai con bò con, rồi bò con sẽ lớn lên, nhà giàu thêm, cất nhà rộng thêm cho con có chỗ ngủ. Thằng Xil, thằng Chóc, thằng Bai sẽ có bò riêng, sắm thêm ruộng bên miệt Tà Lấp, buổi tối ăn cơm sẽ có thịt heo, Đôn Tà có gà luộc cúng. Giấc mơ Ì O giống giấc mơ Pù Nghét.
* * * * *
* * *
Ngoài việc cho nuôi rẽ, Chệt Kía còn cho tiền lúa đầu mùa, cho vay, tới mùa gặt Chệt Kía mang bao tới góp, làm ăn cũng vất vả, nhờ ngay thẳng nên trời cho. Cũng gặp năm hạn, lúa lép, kẹt vốn cho vay, phải đợi tới mùa sau. Có năm vài con bò xà co, heo con lăn ra chết, bán thịt vẫn còn lỗ. Bù qua sớt lại, ăn xài các cuộc, tiền vô tiền ra, vài năm cất thêm từng lầu.
Từ chiếc xe đạp đòn dông, chở từng tạ lúa, chục con gà, vài con heo nuôi rẽ, rồi lên xe mobylette kéo xe lôi, rồi Lambrette ba bánh, rồi xe Daihatsu, vợ chồng Chệt Kía tự khen mình làm phước giúp đỡ dân nghèo trong Sóc chung quanh quận. Vào các dịp lễ Cho Snăm Mây (tết Miên), Đôn Tà, Thơ Bun (làm phước) Chệt kía đều cúng chùa, cho người nuôi rẽ ký đường, cân lạp xường, gói mì xụa, họ mừng, cho lại bánh tét, bánh ít, trái cây. Dù sao gia đình Chệt Kía cũng được ăn thịt heo, thịt bò, thịt gà.
Người lãnh nuôi như Pù Nghét, nếu gặp may, chịu khó chờ đợi, cũng có cặp bò làm ruộng, bầy heo như bỏ ống, bầy gà cho con nít, chỉ bỏ công, Chệt Kía bỏ của.
* * * * *
* * *
Nghề nào cũng vậy, có lúc thịnh lúc suy, chỉ thấy suy chứ chưa thấy thịnh. Chiến tranh kéo dài, gia tăng, thuế trong thuế ngoài, vùng núi Tô không còn an toàn, mìn bẫy, pháo kích, còn cỏ đâu cho bò ăn. Đời sống càng lúc càng khó khăn, chưa đến đỗi đói, nhưng ít ai còn cơm dư cho heo ăn. Chệt Kía nhanh trí đổi nghề, bán bò heo, mua máy cày, cày mướn, có lợi hơn bò, chiều đem máy cày về quận an toàn. Pù Nghét chưa kịp có đôi bò cày ruộng. Chệt Kía không dám vô Sóc, buôn bán luôn ở ngoài chợ, an bình: túc tâu, tà pu nâu (xuồng đi, bến ở), người đi khỏe ru, người ở lại lãnh họa ban đêm, pháo kích, đóng thuế hai đầu.
* * * * *
* * *
Chớp mắt mà mấy chục năm, ai cũng già hết. Pù Nghét lên Tà Nghét (Ông Nghét), vợ là Ì Phi lên “Dơi” Phi (bà Phi), con cháu cả bầy mà đất không nở thêm cho rộng chỗ để chúng nó ở.
Năm nay hạn, nghèo quá, cái gì cũng mắc, lên giá. Tuần lễ sau Thanh Minh là Chô Snăm Mây (vô năm ăn Tết), Tà Nghét được thơ trên xã kêu đi lãnh quà, 10 lí lô gạo, ký muối i-ốt. Có gia đình Việt kiều gốc ở chợ, chở năm trăm phần quà nhờ Hội Chữ Thập Đỏ phát cho các hộ nghèo. Tà Nghét đứng xếp hàng lãnh gạo muối. Mấy người thơ bun làm phước đứng bên xe chở gạo, họ còn quá trẻ, tuổi con cháu Tà Nghét.
Lúc lãnh gạo muối xong, Tà Nghét tò mò hỏi: “Chau col à na nưng?” (Cháu con ai vậy?) -“Pa Kía” (Ba Kía). Tà Nghét nghe tên quen quen, nghe ở đâu lâu rồi, già cái gì cũng mau quên.
- Pa Kía à ? Ở đâu vậy?
- Pa tôi lúc trước tiệm Phước Lợi ở ngoài chợ. Ổng dặn tôi về Ô Thôm thí gạo thơ bun.
- Sao biết Ô Thôm mà thơ bun ?
- Pa tôi nói hồi xưa gốc gác ổng ở Ô Thôm, ổng cho tiền lúa, cho nuôi rẽ. Ổng nói làm nghề cho vay tội lắm, ăn chận ăn bớt của người nghèo. Ổng còn nói cho nuôi bò, nuôi heo rẽ ác lắm, mình làm giàu mà người ta không đủ ăn. Ác lắm! Ổng dặn tôi về mua gạo bố thí làm phước cho ổng bớt tội.
- Phải Cảo Kía không? Tà Nghét cắt ngang câu chuyện.
- Phải, sao Ta biết Pa tôi?
- Nó ở đâu bây giờ?
- Pa tôi được bảo lãnh đi Canada.
Tà Nghét ôm bịch gạo muối như ôm cứng người bạn xưa, hai chân run lên cầm cập, bương bả về nhà, la lớn vô tai Dơi Phi điếc nghễnh ngãng.
- Mè Âu ơi ! Cảo Kía thơ bun. Hồi đó nó cho mình nuôi bò, nuôi heo rẽ, bây giờ nó dặn con nó thơ bun cho người nghèo, cho gạo cho muối. Trời Phật thương nó, vợ con nó ở ngoại quốc hết. Cầu cho nó mạnh giỏi. Xa Thút, Xa Thút !
Chú thích: Nuôi “rẻ”, nuôi “ghẻ” hay nuôi “rẽ”
Có người nói nuôi rẻ vì không cần tiền vốn mua bò heo, sau khi bò heo có con, họ được hưởng. Tôi chưa từng nghe người già nào nói : “nuôi rẻ” (âm /r/)
* Một ông xứ tôi, sinh năm 1923, nói “nuôi ghẻ”, vì nuôi bò heo của người khác, không phải là chủ, nên nuôi bò heo như con ghẻ, không phải con ruột.
* Một bà, năm nay 86 tuổi, gốc Chợ Mới, Ba Răng Đốc Vàng, thuộc tỉnh long Xuyên, nói “nuôi ghẻ” . Dân miền Chợ Mới thời trước khi phát âm, âm /r/ thành âm /j/ “cá rô bỏ vô rổ” thành “cá dô bỏ vô dổ”. Nhưng họ có âm /g/ “ghẻ”, nếu muốn nói “nuôi rẻ”, họ sẽ nói “nuôi dẻ”.
* Dân Sóc Trăng, Rạch Giá, Trà Vinh, âm /r/ thành âm /g/, “cá rô” thành “cá gô”, nhưng họ có âm /j/.
Vì đi học, phát âm theo sách vở, tôi đọc “nuôi rẻ”, nhưng chưa chắc ý nghĩa đúng. Vậy “nuôi rẻ” hay “nuôi ghẻ”, tôi chưa giải thích được.
* Việt Nam Tân Tự điển (Minh họa), tác giả Thanh Nghị, do một nhà xuất bản trong nước ấn hành năm 1991, trang 221 có viết “cấy rẽ (repiquer pour partager la recolte): cấy rồi về sau chia lại mùa màng”. Ở đây, chữ rẽ mang dấu ngã.
Trang 1121: RẼ: chia, tách: xem tiếng Chia rẽ, làm rẽ, đường rẽ. Trang 793: Làm rẽ: làm ruộng chia phần huê lợi.
* Mè Âu ơi! = Má Ba ơi! (tán thán tự)
|
Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013
NUÔI RẼ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét