Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

TRƯỜNG HỌC XỨ XÀ TÓN

Trường Học Xứ Xà Tón
Lưu Nhơn Nghĩa

Ở bịnh viện về hôm qua. Cuối năm, hết thuốc chửa, cho về, 2 tuần sau trở lại, đầu vẫn còn nặng. Hà hà, vậy là còn đi rong mùa nghĩ Hè, còn kiếm tiền lai rai.   Đêm đêm nằm nhớ trường cũ, hứng chí viết về trường mình học.   Tôi ngồi gỏ được bao nhiêu hay bấy nhiêu, biết ngày nào đi chơi xa không bao giờ trở lại.
Tôi là đứa học trò duy nhứt thuộc thế hệ lớp Ba năm 1952 tại trường Đình, Tri Tôn, Châu Đốc, còn hứng thú, cơ hội kể lại cho người quê tôi khi trà dư tửu hậu.   Xin viết lại những gì thấy hay nghe kể lại, mức độ chính xác không cao lắm.   Người lớn tuổi xứ tôi già, lẫn lộn, đi gần hết rồi.  
Nghe kể lại, bà già tôi sinh năm 1918, học lớp Năm (lớp 1 ) ở Ô Thôm ( Ô Lâm ).   Chỉ có lớp 1 thôi.   Củ Tư tôi sinh 1916, có ra Tri Tôn học tiếp, ông Đốc Nâu dạy.   Ông xã Sóc dạy ở Ô Lâm, sau bị giết.   Các Sóc khác như Lương Phi, Xla Đom, Tà Pò, Sóc Tiết không biết có trường không.   Trường Việt lúc đầu nghe nói ở sau Nhà thương cũ, bên hông Chi Khu trước 1975, bây giờ là Trụ sở Đãng bộ, ngày nay không còn dấu vết.   Thầy Huỳnh văn Rớt và cô Nho dạy.   Năm tôi chừng 4 tuổi , 1945 ( thấy có trường tại ngôi Đình ) thầy Khá dạy.  
Tại Chùa Trên, có trường Việt Miên, hình như dạy chữ Việt và Pháp, không biết có dạy chữ Miên không.   Giáo viên : Thầy Kul, thầy Xét, thầy Hoạnh, thầy Dưng.   Hầu hết học sinh gốc Miên, có tới lớp Nhứt, giáo viên đầy đủ.   Ông Đốc Nâu về hưu khoảng năm 1951-52.   Thuở đó nghe nói chương trình Pháp, nhưng lấy đâu đủ giáo viên giảng bằng tiếng Pháp?, giáo viên chỉ có trình độ Tiểu học.   Mỗi kỳ Hè, giáo viên ra Châu Đốc học bổ túc thêm.   Các thầy gốc Miên hay Miên lai Tàu, nghe nói đánh dữ lắm, già Đổi, già Quan, già Hạnh lên lớp Nhì đập bàn ầm ầm, bị thầy Xét đánh nhăn mặt bỏ học luôn.   Học sinh trường Miên giỏi tiếng Phắp lắm, un deux trois quatre liền miệng.  
Năm 1963, gặp lại Ngứt, gốc trường Chùa Trên, Diplômé, đang là đốc công Trường Tiền ở Nam Vang về chơi, uy lắm, cả xóm ông Hội Đồng Mau tụ lại xem mặt nó, chiêm ngưỡng.   Bà con nó mời tôi đến chơi, nó nói nó không rành tiếng Việt, tôi không rành tiếng Miên.   Chú nó lên tiếng, " Vậy thì nói tiếng Tây".   Nó xổ tiếng Tây rôm rốp.   Mặt nào mặt nấy như thách đố tôi.   Bạn bè lâu gặp lại chưa kịp mừng, làm trò gì vậy ?.   Bà con nó ngồi quanh thán phục, tôi chưa bắt kịp ý nó, đành ngồi lỳ chịu trận, đỏ mặt tía tai, bà con nó thích thú lắm, dàn cảnh hạ tên " Nghỉ Khùng " học Sài Gòn cho sướng.  
Tôi đành im miệng lắng nghe.   À, té ra mầy nói tiếng Tây Fransais à la Cambodgienne, loại tiếng Tây coloniale.   Mầy sẽ đụng thứ tiếng Tây Fransais literaire của Faculté des Lettres.   Cứ tiếp tục nói tiếng Tây đi, nói tiếng Việt làm gì.   Từ đó về sau, bà con Ngứt không mời tôi tới nhà chơi khi nó về Xà Tón.  
Người Hoa có trường Tiều và trường Phước Kiến, khi dạy khi nghỉ, nên tôi chỉ học thời gian ngắn rồi đổi qua trường Đình.  
Ngôi trường Đình có khá lâu, Người sinh năm 1922 đã học trường nầy.   Tôi nghĩ, tất cả các trường học đều bắt đầu sau năm 1906, vì chợ cất năm đó, sau khi Tây đào kinh.  
Ngôi Đình khá rộng, quay mặt về hướng Đông, nền cao độ 1m, lót gạch Tàu, song thưa bằng gổ cây sao mát mẻ, cửa hai bên hông, lên bằng bực thang.   Trước đình là sân rộng, có vài cây dương, cây cột cờ và miếu Thổ thần, ít khi chào cờ.   Trong đình chia làm 3 phần, phía trong thờ Thần hoàng, chung quanh xây gạch, cửa đóng kín nên tối tăm, chỉ mở vào dịp Kỳ Yên.   Phần giửa và phần trước làm lớp học.   Cửa phía Bắc là chổ bán quà sáng, chỉ có khoai mì chan tương, trưa có cà rem cây, chưa có nước đá bào như ngoài chợ.   Thường chúng tôi mua đồ ăn ngoài chợ, cũng gần đó, trứng chim cò luộc, khoai lang dương ngọc, bánh tầm, trứng trăn, củ co, hột sen nấu...., ngoài chợ nhiều đồ ăn hơn.  
Năm tôi học lớp Năm ( Đồng Ấu, lớp 1 ngày nay ), trường Đình chỉ có lớp Ba cao nhứt, học xong nghỉ, thời chú bác tôi.   Năm 1949, chỉ có một thầy giáo duy nhứt coi cả 3 lớp, Năm, Tư, Ba.   Ông chép " i, u, ư, a ă â, e ê y" trên bảng rồi chạy lên lớp Tư dạy, rồi lên lớp Ba, mạnh ai nấy học, rồi cũng xong, sau ra trường làm lơ xe đò, buôn bán, làm ruộng, đủ xài.  
Thầy tôi, thầy Chấp thường mặc áo ba túi, quần dài, mang sandal hay giày bố trắng.   Thầy người gầy, đáng cũng dữ, cây roi mây đầu có củ đánh trên đầu u thành cục, nhưng quất vô chưn thì đau lắm, thầy đánh chừng 5 hay 6 roi thì ngưng.   Thầy rất bận cho cả chương trình 3 lớp.   Năm thầy dạy lớp Ba, có thêm cô giáo Ni dạy lớp Năm, thầy Trang Thuận dạy lớp Tư, rảnh rang nên hầu như ít đứa bị đòn.  
Không nhớ tôi thôi học trường Tiều năm nào, thời loại lạc, có khi ra Mỹ Đức học tư ở Miễu Điền, rồi về học trường Đình.   Ngày ngày xách cái bảng đá tới trường, học đúp không biết bao nhiêu năm, lên lớp, biết đọc biết viết hồi nào cứ đầu năm vô lớp ngồi, lớn có nhỏ có, mùa ruộng bọn ngoài kinh nghỉ bộn.   Tôi chỉ biết không bao giờ làm được bài toán cộng, trừ, nói gì tới toán nhơn, chia.   Lớp Tư, thầy chép mấy bài toán trên bảng, xong chạy qua lớp khác, xong kêu đứa giỏi lên sửa.  
Sửa xong mang lên cho thầy chấm.   Trước khi làm, mấy đứa giỏi nhìn tôi, tình nguyện làm giùm, giờ chơi trả tiền, hay đến nhà hốt nắm lười ươi hột é cho.   Vừa hối lộ vừa run, nó mét là no đòn.   Toán tôi cứ 10 điểm từ năm nầy sang năm khác.   Lần duy nhứt thầy chợt nhớ tôi, hại thật, tôi ngồi lỳ tôi chổ, đòn tơi tả.   Thằng anh họ cũng bị, may quá, về nhà nếu khai hai đứa bị đòn hết, nhưng chính nó ngu, bị thằng Tây Lèo chọc tức khai tứ tung, vừa bị đòn vừa bị Xà Phớp xách tai, nhục ơi là nhục.   Tôi không bao giờ quên trận đòn ở nhà, cười không nổi.   Trường học và gia đình là địa ngục.  Thời đi dạy, chưa một lần tôi nặng lời với học sinh, chỉ la đứa học trò nhà nghèo lại lười, "Thi rớt đi lính khổ lắm nghe Oai".  Chưa hết, thấy Xa Phớp như gà thấy cáo, lẩn tránh khi thấy nó ngoài chợ ngồi bán bánh với chị nó.  Hôm sau, thầy lại kêu tôi lên làm toán, thầy có vẻ nhẹ nhàng,cả lớp theo dõi, phép lạ, tôi làm tỉnh bơ.  Từ đó hết nợ, đở bị nạn hối lộ.   Nói cho ngay, thầy có dạy cách làm toán hồi nào đâu.   Sau nầy ra Châu Đốc, học kém, đội sổ.  

Y phục.

Học sinh chưa có đồng phục, áo ngắn, aó thun lá, quần xà lỏn, ít đội nón, chân đất, phải nói là hầu hết ở dơ. Có năm thầy bắt tất cả hớt carê như trọc, sợ chí rận. Con gái mặc bà ba, quần đen, tóc bum bê, lớn thì kẹp. Ít thấy ai đội nón  

Học cụ. 

Viết ngòi lá tre, bình mực tím, viết chì, gôm, tập vở ngày nay ở Pháp còn sử dụng. Lớp Năm có tấm bảng đá, miếng giẻ lau bảng, vài viên phấn trắng, kéo, bún để dán thủ công. Tấm bảng có nhiếu công dụng, có khi bọn tôi vẻ hình chằn tinh, xe máy ( xe đạp ) giải trí.. Bàn học dài, ngồi sát nhau, chật như nêm, hay có cái nạn lay quay làm đổ mực ướt áo về ăn đòn. Mấy đứa lớn, có được cây viết calô (viết máy )  

Các môn học. 

Nghe nói ở tỉnh có chương trình Pháp, quê tôi, thầy ngạch trợ giáo, dạy tiếng Việt hoàn toàn, chỉ tên môn học còn bằng tiếng Pháp. Écriture ( tập viết ), dessin ( vẻ ), travail ( thủ công ), đề ngày bằng tiếng Pháp,Tây còn nhiều. Mấy bà bán hàng ngoài chợ cũng biết đếm tiếng Tây. Chánh tả bằng tiếng Việt, lấy trong mấy cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư, chỉ có ba cuốn nầy thôi, ngoài ra không có cuốn nào khác. Nhà sách củ Chón chỉ bán dụng cụ học sinh. Chúng tôi chỉ học thuộc lòng bài Ám đọc, còn các môn khá thì miễn, nên không có thói quen học bài ban đêm, ra Châu Đốc te tua cái vụ học thuộc lòng. Năm tôi học lớp Ba, thầy chép bài trên bảng, kêu đứa giỏi sửa bài, chấm điểm, buổi học chiều chép bài Cách trí hay Sử ký, Địa lý là xong. Việc làm nhẹ nhàng, thầy ít đánh học trò, còn chừng 25 đứa. Sau năm nầy, nghỉ học, tôi là đứa duy nhứt bị đày đi học tiếp ở Châu Đốc. Mãi đến năm 1955 mới có lớp Nhì ( lớp 4 ), ông Đốc Nhàn dạy.  

Giải trí. 

Giờ chơi, bọn tôi chơi sau đình, sân rộng trước nhà Việc, có vài cây me bóng mát. Con gái chơi chiền chiền, bún hột me nước, nhảy dây, cò cò. Con trai chơi u ấp, đẻo dây thun, bắn đạn cu li, thẩy lổ lạc, bắn tràm. Đồ chơi không có ngoài cái kèn quấn bằng lá chuối.  
Trong xóm, bọn nó có bạn chơi, thả diều, ngoài ra có thú, chim, cá, rùa, sóc, nhen, lọ nồi, khỉ, trăn, chim áo già, dồng dộc, manh manh, gà tre, gà nòi, cá thia thia... Mùa mưa, bắt con rầy kẹp hai cánh cứng nó trên xe làm bằng dây chì, hai cánh mềm quạt cho xe chạy. Nhà tôi chật chội, tôi kéo cái xe làm bằng hộp thức ăn của của lính Pháp chạy quanh nhà, để mấy trái cân làm khách bộ hiền, trí tưởng tượng tôi phong phú (?). Lâu lâu có gánh cải lương tới hát, học trò nghe, chép lại, hát theo, như bài "Nổi lòng chinh phụ", hát hoài không chán. Trong xóm có khi bọn nó lập gánh cải lương hát cho con nít coi.  

Bạn bè.

Thời đó chưa hạn chế tuổi tác, ai học trể vẫn phải bắt đầu học lớp chót, tuổi tác học sinh chênh lệch trong lớp. Học sinh nghèo ngoài kinh đi học trể, mùa lúa ở nhà tiếp việc đồng áng, xong việc vô học lại, việc hiếp đáp nhau không tránh khỏi. Tôi là nạn nhân các vụ làm tiền, vì thể chất yếu đuối, nhác, mà hể bọn nó tới nhà mắng vốn là tôi chết đòn, nên tôi biết thân, nhịn tối đa. Đòn ở trường sợ, đòn nhà cũng dữ, khi bị hiếp đáp, tôi lăng tránh xa, không bao giờ biết phản ứng, bị gạt cũng im luôn cho yên thân, không có khả năng tấn công, đụng chuyện là tôi tránh trước, nhờ vậy an toàn khi ra Châu Đốc. Có lần lẻo đẻo theo đàn anh, già G. , bạn học. Anh em cải lộn với người cảnh sát, thời đó học sinh lên lắm, không sợ cảnh sát. Nhiên chửi thề om xòm. Ông cò cảnh sát chạy qua, ổng cảnh cáo Nhiên, " Nè, cảnh sát không phải để cho mấy thầy chửi nghe, mời thầy nầy về bót " Nhiên xanh mặt. Liêm (con bác xă Thơi ) can nhỏ với ông cò, nó kêu bằng bác, quen lớn, Liêm đã trưởng thành, biết giải quyết vấn đề. Ông cò bỏ qua. Tôi ngứa miệng vuốt đuôi, " Tại mình chửi thề quá ", già G. trút cơn giận lên tôi, " Thôi ông nhác quá thì ông đi về đi ".Giá G, cháu ông Đốc P. còn chổ dựa, tôi tứ cố vô thân, đụng chuyện ai vô đây chịu. Nhờ nhúc nhác mà sống tới ngày nay, chỉ hơi " mát mát ". năm đi giử an ninh Sai Gon mùa bầu cử, tôi nổi cơn dám chận xe Mercedes nghị sĩ Trần trung Dung, xét trong cóp xe rồi mới cho đi. Gặp mấy ngày không được tắm, ngứa ngáy, chận xe anh chàng tóc dài, không nhớ anh ta nói gì, tôi để anh một bá súng sưng mặt, bây giờ mỗi khi đau răng, hối hận nhớ anh ta. Già G, gan quá, anh hùng, sau nầy đi làm tà lọt .  
Nhưng có đám con lính Quốc gia trên thành thì không ai dám đụng, bọn nó không ăn hiếp mình là may rồi. Nói cho ngay đi, bọn nó hiền, ít chơi chung, bọn tôi nhịn nhục, có đứa nịnh hót bọn con lính. Thầy không bao giờ đánh bọn con lính, bọn nó hiền không phá phách, học bình thường.  
Xứ tôi không có thiên tài và mỹ nhân.  
Thế hệ lớp Ba năm 1952 chỉ có tôi bị đày ra Châu Đốc tiếp tục học lớp Nhì. Cơm tháng có 200 đồng mà ai cũng than không tiền, học chi cho nhiều, ở nhà làm ăn với người ta. Vài năm sau, có vài người ra học, không đi tới đâu, vì học trể, thiếu thốn. Hai đứa bạn Ch. và Thạnh nghỉ ở nhà. Lúc học Trung học, đang ngồi thơ thẩn trước nhà, ông Tích, ông già Ch. đi ngang hỏi tôi học tới đâu. Ổng trừng trừng, đôi mắt tóe lửa, gây gắt," Sao hổng rủ thằng Ch. đi học với ". Giả mắng tôi vô lý. Sau nầy, Ch., Thạnh ra học Bán Công, thi hoài không đậu Tú Tài. Ch. đi sĩ quan, Đại uý như ai, về quê ăn Tết, đi ngang nhà, mời Đại uý vô chơi, Đ/uý không trả lời, hoàn cảnh và giai cấp ảnh hưởng tình bạn học cũ. Thạnh, Trung sĩ Chi khu có lòng đối với riêng tôi, không hiếp đáp tôi như khi còn đi học. Mỗi lần về quê, Thạnh đều mặc quân phục ghé nhà tôi sớm, dẫn tôi đi ăn bánh hỏi uống cà phê sáng. Tôi trả tiền, chuyện bình thường, trong quận, quen được Thạnh dân trong Chi Khu đâu phải dễ, nhứt là xưng hô mầy tao thì ai làm khó dễ mình. Thạnh hỏi tôi giấy Tình trạng hợp lệ quân dịch, tôi thú thật không có. Sau nầy mới hiểu,Thạnh có thiện chí bảo vệ tôi tới cùng, dặn khi ai bắt bớ, nhớ chạy ngay lên Chi khu cho nó biết, nó sẽ tìm cách lảnh tôi ra. Cám ơn bạn tốt, nhớ nhau là quý. Anh họ tôi làm Trưởng phòng trong Chi Cảnh sát, ông Trưởng chi học khoá Thủ Đức sau tôi, Thiếu uý L. Trưởng ban Nhân dân tự vệ sau tôi nhiều khoá, đã nhận đều đều cặp rượu Martial của ông già tôi. Quận trưởng nhận đủ hội chết rồi, ai hơi đâu bắt bớ tôi cho mệt. Tôi không có giấy Tình trạng hợp lệ quân dịch, chỉ có Chứng chỉ tại ngũ và Căn cước quân nhân. Tội quá đi Thạnh ơi. Cám ơn lòng tốt. Còn nhớ những tên bạn học cũ, Chùn, Nghĩa ( Trần ), Ân, Có, Đục hủ tiếu, Đực thợ bạc, Huỳnh, Lái, Bờ, Bực, No, Thành, Tiếu. Con gái chỉ nhớ Sang, Mách, Cà Tâm, Cà Chanh, Là Hón, Cúc, Cú Hìa, Xà Phớp, Tây, Chót, Thạnh, già Long, Đổi, Thuỷ, già Quang, Hỏm, ...  
Cuối năm 2000, lầu đầu về xứ, ngôi Đình, trường cũ đã mất, bạn bè mất cũng nhiều, địa điểm ngày nay là Công viên. Mọi người vất vả bán buôn tranh sống. Tôi là bóng ma đứng chăm chăm tìm ai ? Gió lồng lộng thổi tan kỹ niệm trường xưa, rác rến và túi nylon lếch thếch bay trên Công viên rộng tênh.  

Brisbane, 5 giờ sáng, ngày 1 tháng 10 Năm 2006.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét