Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

BẬU GIEO TIẾNG DỮ

    Bậu Gieo Tiếng Dữ

LƯU NHƠN NGHĨA

Tôi có thói quen viết nhật ký và hồi ký, viết từ những năm còn đi học, ngồi đâu viết đó, cố moi trong trí nhớ những mảnh vụn tạp nhạp của cuộc đời quá khứ, để một mình đọc. Những mảnh vụn tiền hậu bất nhất, nhớ đâu viết đó, rời rạc. Viết để tiếc nhớ và nguyền rủa cái thằng tôi với những lỗi lầm không thể tha thứ được.
Không rõ cái nghiệt ngã nào mà tôi sinh ra đúng thời đó, đúng vùng đó, và ghét cay đắng những người cùng thời , vì họ vừa nghèo vừa mang đủ thứ bịnh tật trong người.
Thuở đó vào năm 1950, học sinh được nghỉ thứ năm và chủ nhật. Thay vì rong chơi tôi bị bắt ngồi chong ngóc giữ tiệm. Tôi ngồi như trời trồng, chịu đựng cực hình nên xem khách như kẻ thù, nhứt là những người Miên từ trong từ trong sóc ra chợ. Họ nhẫn nại lựa cái lưỡi cày trong cà ròn cả buổi, làm tôi mất kiên nhẫn ngay từ đầu. Lựa rồi trả giá, rồi đưa tiền rách, không lấy thì miệng eo éo cắt ùm chai(tiền vậy mà không xài). Ông bà già tôi lúc nào cũng có cách giải quyết ổn thỏa, còn tôi chỉ lập đi lập lại một câu , tâu tâu, cách tin mà đom, cách rô mà ngay ( đi đi, mua một cái lựa một ngày). Miệng tôi thì lầm bầm: đồ chết đốt.
Buổi sáng đó, tôi đang bực dọc thì có một người Miên bước vào nhìn chăm chăm cái thùng kiếng. Ông ta mở cái thùng kiếng, tẩn mẩn cái hộp nhôm dùng đựng thuốc gồi. Trong thùng kiếng có bốn cái hộp nhôm. Ông ta táy máy, lựa chọn, ngắm nghía, mặt ngẩn ra. Thời đó thuốc lá chưa thông dụng, thuốc gồi thường được gói trong giấy nhựt trình hay lá chuối khô, có được hộp nhôm đựng thuốc gồi là quý lắm. Người Miên đó mặc áo bà ba đen, quần xà lỏn, đi chân đất gót chân nứt nẻ, mặt ghẻ dán một dề bình lịch trông ghê tởm. Lựa chán, ý chừng không tiền, nên bỏ đi ra. Tôi vào kêu ông già tôi ra, đề quyết ông ta ăn cắp cái hộp nhôm (đã không tiền còn mò mẩm làm tôi phải mắc công coi chừng!). Ông ta nhăn nhó, lộn túi ra, ông già tôi nhìn thùng kiếng, còn nguyên bốn cái hộp nhôm xếp khít khao. Hỏi lý do tôi trả lời cộc lốc: Thằng thổ ưa ăn cắp!. (Thật ra ông chỉ có tội bắt tôi phải dòm chừng). Người Miên tỏ ra bất mãn nhưng nhịn nhục, tay gải đầu bét bét đi ra.
Tôi rời quê ra tỉnh học năm 11 tuổi, quay lưng bỏ quên quê cha đất tổ, rẻ rúng người đồng hương, lên mặt vì ta ở thị thành văn minh. Tôi quên mất cái hộp nhôm và gương mặt nhăn nhó của người Miên năm 1950. Câu chuyện đó không để lại một dấu vết nào trong trí nhớ của tôi.
Khoảng 37 năm sau, ngày 24 tháng 6 năm 1987, câu chuyện lập lại với vài chi tiết trùng hợp hay hay. Lần này không phải là hộp thuốc nhôm rẻ tiền, dùng đựng thuốc gồi hôi rình, mà là câu chuyện bắt đầu bằng hộp thuốc pipe Exclusive Royal của Hòa Lan thơm mùi rượu.
Buổi sáng kể trên, dậy trễ, tôi vào tiệm bánh mì ở khu phố Pforzheim ăn sáng và uống tách cà phê cho qua cơn ghiền. Sờ túi thấy hết thuốc, tôi vào siêu thị Horten gần đó mua một hộp thuốc. Vai đeo cái cặp da cũ (vật bất khả ly thân), tôi đi nửa mơ nửa tỉnh trong đám người bương chải, gió thổi áo mưa ngắn xốc xếch phùng phình. Tinh thần và thể xác kiệt quệ sau ca đêm làm ở hãng cưa, phải xếp hàng chờ, tôi mất kiên nhẫn bỏ ra, nhưng bị cơn ghiền hành hạ, tôi trở vào mua cho được hộp thuốc.
Ra khỏi siêu thị, đi lếch thếch định tìm băng ghế trống ngồi hút vài cối. Ðang đi tôi chợt cảm thấy cái bóng từ sau choàng qua vai tôi, trước mắt tôi là một tấm thẻ nhỏ, dính gọn trong lòng bàn tay rộng vừa đủ chỗ cho tôi thấy, đồng thời một giọng nói ôn hòa nhỏ nhẹ: Thưa Ông, tôi là Detektiv siêu thị Horten, xin ông cho tôi thi hành nhiệm vụ của tôi, xin ông cảm phiền. Giọng nói vừa ôn tồn vừa đầy uy quyền đủ để tôi nghe, từ ngữ dùng rất tế nhị diễn tả cuộc điều tra bắt trộm. Tôi chợt tỉnh, bước song song với hắn vào căn phòng nhỏ bên hông tiệm. Hắn bật đèn, kéo ghế mời tôi ngồi, nhã nhặn xin tôi tự tay mở cặp cho hắn xem. Tôi tự tin, lôi ra quyển nhật ký màu đỏ và hộp thuốc pipe Exclusive Royal của Hòa Lan. Hắn nhỏ nhẹ xin coi biên lai, gương mặt hắn tự nhiên thân thiện, như đang tiếp khách quý. Tấm biên lai tôi vò trong túi áo khoác còn đó, may mắn làm sao,nếu mất tấm biên lai, thì chuyện gì sẽ xãy ra ? ,. Hắn đứng dậy nhũn nhặn cám ơn, xin lỗi rối rít, chúc tôi được một ngày vui. Diễn tiến từ đầu tới cuối không đầy năm phút.
Tôi bình thản bước ra, tâm lý thăng bằng, cơn ghiền đã qua, trở lại chính siêu thị Horten lên lầu uống cà phê. Tôi nhắp tách cà phê nóng và thổi làn thuốc thơm ướp rượu. Sau bao năm bầm dập, tình cảm chai lì, biến cố vừa qua không làm tôi xao xuyến, sợ sệt hay nổi giận. Tôi dở cuốn nhật ký ghi vài hàng về biến cố, mới khám phá ra gần 3500 trang nhật ký tạp nhạp không có chuyện hộp thuốc gồi năm 1950. Tôi cắm cúi viết sợ quên mất câu chuyện đáng suy gẫm và khám phá hai điều vô lý.
Trong thùng kiếng ở tiệm ông già tôi, chỉ có bốn hộp thiếc sắp khít khao, lúc người Miên đi ra còn bốn hộp, tôi có ác ý vu oan cho y, chỉ vì y là người Miên, là thằng thổ, đồ chết đốt đáng ghét. Ðể đáp lại, người Miên kia nhịn nhục, gải đầu nhăn nhó bước đi. Mà dù có giận, y làm gì được tôi lúc đó? Tôi là dân chợ, y là dân sóc mẹt! Ðó là điều vô lý thứ nhất xảy ra năm 1950 tại chợ Xà Tón.
Trong siêu thị Horten ở Pforheim, Tây Ðức, thuốc lá và diêm để trong tủ kiếng đóng kín, chỉ có nhân viên bán hàng đứng sau quầy mới lấy được thuốc bán cho khách hàng và thu tiền ngay. Tủ thuốc để ngay chỗ cửa ra vào, khách mua trả tiền ngay tại quầy, chứ không cần qua cửa tính tiền. Tôi chỉ trở vào mua một hộp thuốc và trở ra chớ không đi ngang bất cứ kệ bày hàng hóa nào mà tên Detektiv lại nghi tôi ăn cắp. Hắn không xét tôi như Ông già tôi xét người Miên kia, nhưng hắn làm tôi tự tay mở cặp ra trình cho hắn. Tôi đoan quyết người Miên kia ăn cắp, tên detektiv chỉ thi hành phận sự. Tại sao hắn nghi tôi? Vì tôi là dân da vàng ở một xứ nghèo qua? Ðó là điều vô lý thứ hai!
Hai điều vô lý trùng hợp khá thú vị, chỉ có chi tiết đảo ngược. Năm 1950, tôi là chủ từ của động từ nghi oan, ông già người Miên là túc từ trực tiếp của động từ trên, từ cái hộp thuốc nhôm. Ngày 24 tháng 6/87, tên Detektiv Ðức là chủ từ của động từ nghi oan, tôi là túc từ trực tiếp, từ hộp thuốc pipe Exclusive Royal. Tên Detektiv và hộp thuốc nhắc tôi nhớ lại chính cái thằng tôi với cái hộp thuốc nhôm ngày trước. Tôi gieo tiếng dữ cho người Miên kia, tưởng đã qua, cho qua luôn. Nào ngờ bây giờ tôi bị thằng Detektiv gieo tiếng dữ lại. Tôi đã gieo tiếng dữ 37 năm trước, 37 năm sau gặt lại. Vậy là huề nhe!
Tôi ngồi nhấp cà phê, vừa bập bập cái pipe, vừa suy gẫm sự đời, vừa loay hoay viết lại câu chuyện trong tập hồi ký này.
Viết đến đây đã quá nửa đêm rồi, cơn mưa dông và cơn sốt nhổ răng làm tôi nhớ những ác nghiệp đã gieo, tự nhiên nước mắt chảy một mình, khi vừa nhớ lại năm 1952, thằng bạn cùng xóm và tôi hè nhau ăn hiếp một thằng bé Miên ở đường Bảo Hộ Thoại, gần thành lính trạm kiểm soát Châu Ðốc.
Bọn tôi dấu xe đạp nó mượn của ai đó, nó sợ cuống cuồng, khóc tức tưởi khi khám phá ra bọn tôi dấu xe nó. Bọn tôi hăm dọa đánh nó, anh nó là lính tình cờ chạy ngang can ra. Thái độ quân tử và hiền lành của anh lính đó, làm tôi cảm phục cả đời. Mà thôi, tôi cũng gặt rồi. Năm 1962, mua cái Puch mới chạy được một vài tuần thì bị mất cắp, phải đạp xe đạp đi học thêm vài năm nữa. Còn bao nhiêu ác nghiệp gieo trong kiếp này nhớ không hết, biết chừng nào gặt cho xong. Lần nhận nước con chồn dưới sông khiến nó chết đi sống lại nhiều lần, lấy làm khoái chí! Mấy mươi năm cái mũi tôi sụt sùi! Lần lấy báng súng dộng vô mặt một thanh niên để tóc dài chạy xe Honda ầm ĩ trên đường Nguyễn Huệ. Hai hàm răng của tôi nhức nhối mấy tuần nay!
Tấm biên lai đề rõ ràng siêu thị Horten giá 6.75 Ðức Mã đề ngày 24 tháng 6 năm 87, là chứng chỉ tốt nghiệp khóa Nhân Quả nhãn tiền của tôi.

Lời Móc hậu: Trong mấy năm lưu lạc trong Nam, tôi vốn là bạn học cùng cỡ với ông Minh Quang. Tuy nhiên về mặt văn chương chưa bao giờ tôi thấy ông chứng tỏ gì là có triển vọng thành một văn tài mai hậu! Vốn là gốc đàng ngoài nên tôi cũng có ý khinh thường khả năng văn chương của người đàng trong, nhất là trong mấy thi văn đoàn tuổi học trò, chưa bao giờ nghe thấy tên ông. Ví như người đàng ngoài chắc không ai có tên nhơn nghĩa, mà phải kêu nhân nghĩa cho có vẻ...hán học. Tôi còn nghi ông là người Minh Hương hay biết đâu là đầu gà đít vịt! Thế nhưng đời tôi với ông có nhiều điểm trùng hợp khá lạ lùng. Trừ cái việc ông thi rớt nhiều lần nên mất...hôn thê, chúng tôi lớn lên học Văn Khoa và Sư Phạm, hoạt động trong đoàn Sinh Viên Phật Tử trong những năm 63. Năm 1973 tôi đi du học, năm sau ông cũng lẽo đẽo theo sau ở một nước sát nách. Thỉnh thoảng gặp nhau ở Trung Tâm Quãng Ðức, chúng tôi chỉ mỉm cười chào. Mấy mươi năm sau tình cờ đất khách gặp nhau, ông đưa cho tôi tập truyện ngắn đăng rãi rác trong các tập san Phật giáo nước ngoài. Cái thằng cha Minh Hương mà cũng viết văn! Nhưng khi đọc các truyện ngắn của Ông, khi cười khúc khích, khi cười ục ục, khi hà hà, khi khoái quá thì cười hặc hặc. Hiện nay có nhiều người xưng là nhà văn miền Nam rặt, đưa ra những nhân vật ểnh ẹo như cô Bảy cầu Bông, cô Ba cầu Muối. Nhưng nhân vật của họ son phấn lem luốt quá, xem một hồi thì thấy...ghê ghê. Ðọc Minh Quang tôi nghĩ đến Sơn Nam trong Hương Rừng Cà Mau. Ðọc Mối Tình Quốc Văn Giáo Khoa Thư, tôi cười bò lăn bò càng, thật khoái tỉ. Ðọc Minh Quang cũng vậy. Bây giờ thì tôi quá ân hận về cái thái độ mục hạ vô nhân của mình ngày trước. Phải chi lúc đó tôi biết kính Bồ Tát Thường Bất Khinh, tôi sẽ nói: Tôi không dám khinh ông, ông là nhà văn sẽ thành. Và tôi cũng đã gặt cho cái ác nghiệp mà tôi đã gieo hồi còn học trung học đối với Minh Quang: Tôi tốn gần hai tiếng đồng hồ để đánh máy bài đoản văn này để kịp đăng Chuyển Luân. Vậy là huề nhe bồ!

Quán Như

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét