Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

CHIẾC LÁ

 Bạn bè thân mến.

               Ngồi coi mấy tấm hình bạn Nghị gửi,thấy mấy bạn uống cafe,rồi đấu hót với nhau xôm tụ quá,nếu có mặt,chắc tui sẽ tám với các bạn thiệt rôm rả,khỏi mất công ngồi gõ lọc cọc cho con mắt tăng độ,rồi có khả năng giống thơ của Bùi Giáng...Còn hai con mắt khóc người một con...
                Tới đây xin tám lòng vòng một chút,Khóc người một con là sao ? Có hai ý khác nhau. Theo nhạc sĩ Trịnh công Sơn thì đó là khóc bằng một con mắt...
                 Còn hai con mắt khóc người một con...
                 Còn hai con mắt một con khóc người...
                 Con mắt còn lại nhìn một thành hai.
      Còn theo thi sĩ Bùi Giáng lại là khóc người đàn bà đã có một con...
                 Bỏ người yêu bỏ bóng ma
                 Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
                 Bây giờ riêng đối diện tôi...
                 Còn hai con mắt khóc người một con...
      Cái vụ đàn bà một con này, thiết nghĩ đối với anh em ta, e là  cũng không nắm chắc tình hình rõ lắm,ngoại trừ ai đó có vô hệ yêu gái một con rồi thì mới rành. Xưa nay vẫn nghe câu.Gái một con đắm đuối như cá chuối. ( cá chuối là cá lóc đó mấy nị,mồi bắt dữ lắm,hấp bầu nhậu hay ăn cơm đều không có cữ ) Gái một con trông mòn con mắt,hay so sánh dễ hiểu, gái một con như thuốc ngon nửa điếu.. Hồi nào giờ chưa quen ai là gái một con,nên tui chưa biết hấp dẫn thế nào ? Ngon lành ra sao ? Nhưng riêng cái vụ thuốc ngon nửa điếu,tui cũng như các bạn đã từng hút thuốc, chắc đều thống nhất chung, hai chữ : hết xẩy.
                 Còn với bạn nào,hai cái kể trên đều chưa biết,nay muốn biết cảm giác hết xẩy là tới đâu,thì tui khuyên nên chọn cái hút thuốc,nó an toàn hơn là quen người một con,vì bá vào là họa nhỏ đi trước,họa lớn theo sau,hai họa đụng nhau...Rầm...lúc đó nhạc nổi lên: Đêm nay trăng sáng quá em ơi...Là lúc đó đã ra bờ đê nằm ,nên mới thấy trăng tròn và sáng lung linh hơn lúc nằm nhà cũ với vợ cũ nơi phố chợ,ngổn ngang ống khói,khuất che tầm nhìn.
          Xin lỗi,tui có tật hay nói linh tinh, gặp đâu xáp đó,xin trở về cái ý mà tui muốn xẻ chia cùng các bạn. 
         Vừa đọc bài báo bạn Danh gửi có tên : Đằng sau những nụ cười.Tựa của cuốn sách ca sĩ Khánh Ly viết,tâm sự về những gì vui buồn,rắc rối, mà giọng hát liêu trai đã trải qua.Những mảng màu thương nhớ...Nhiều thăng trầm trong suốt hành trình...gì gì đó,nhà văn mà,nên người ta viết lời giới thiệu rất bài bản, hay lắm.Đọc tới đâu, chữ nghĩa sáng ngời,rạng rỡ tới đấy.Miễn khen phò mã tốt áo,ở đây tui chỉ xin nói tới khía cạnh khác.
           Ở phần thay lời tựa,chị già Khánh Ly,tui gọi là chị già,vì năm nay,tính ra,chị cũng từ 70 ăn lên,vào hàng xưa nay hiếm,chị có viết một câu...một câu mà lâu lắm rồi mới thấy có người viết lại,câu đó như sau :
    - Tôi vốn hèn mọn như cỏ dại,chữ nghĩa không đầy một cái lá.
            Một cái lá...Vậy theo các bạn,cụ thể đây là lá gì ? Lá nó to hay nhỏ ? To là to bao nhiêu ? Nhỏ là nhỏ bao nhiêu ? mà chữ nghĩa không đầy ? Chắc chắn không phải là lá diêu bông trong thơ ca.Xin trích nguyên văn thơ của thi sĩ Hoàng Cầm,người tạo ra lá diêu bông bay khắp bốn phương trời.Một thi sĩ nổi tiếng có cuộc đời được xếp vào hàng chiếu trên của LBXR,viết tắt của lên bờ xuống ruộng.
              Chị bảo
              Đứa nào tìm được lá diêu bông
              Từ nay ta gọi là chồng
       Vì  lá diêu bông nó thuộc dạng phong thần diễn nghĩa,nghĩa là hoang đường,dùng để dụ mấy đứa giai mới lớn,chưa biết lượng sức mình,cứ đi tìm chị để ...yêu chị,nhớ chị...Yêu cho biết bao đêm dài...Yêu cho biết khổ đau...để rồi sau này biết trúng quả lừa đậm,đau thấu trời.
               Ngày cưới chị
               Em tìm thấy lá
               Chị cười xe chỉ ấm trôn kim...
          Lạ lắm, Ngày cưới,chị cười,có xe chỉ,còn ấm trôn kim..Chữ nghĩa bác học,khó hiểu quá.Chỉ hiểu lơ mơ là : Thôi rồi Lượm ơi,chuyện đã xong,chị nay ấm chỗ rồi,em về tập đàn đáy,hát chầu văn,cho tăng thêm tính thê lương em nhá.Đừng kiếm lá nữa,hổng có đâu.
              Nhưng thôi,quay trở lại câu: Chữ nghĩa không đầy một chiếc lá.
             Lá mít,không phải đâu,mân mó nhựa ra tay,làm sao đè viết, khắc chữ vô đó được,nếu lá mít,thì viết thẳng ra chữ nghĩa không đầy chiếc lá mít,việc gì phải lửng lơ con cá vàng ? lá mít ? không đâu,tui nghĩ,chưa chính xác.
             Theo cái sự biết vô cùng giới hạn của tui thì lá này xuất xứ ở Bắc bộ,văn thi sĩ ở ngoải hay đưa lá này vào thơ văn,chứ dân Nam bộ không xài tới,lá này phải là lá đa...Bạn nào vào những năm 70 của thế kỷ trước,có đọc qua tuần báo trào phúng Con Ong của ký giả Thương Sinh,còn có tên khác nổi đình nổi đám hơn là Duyên Anh,hay báo Đời của nhà văn Chu Tử,hẳn còn nhớ cái lá này.Các bạn sẽ thấy đặc sệt giọng bắc kỳ qua bài thơ giới thiệu lá đa sau đây,đã được đăng nhiều lần trên hai tờ báo đó.
         Sáng giăng suông em tưởng tối trời.
         Em ngồi,em để sự đời em ra
         Sự đời như cái lá đa
         Đen như mõm chó...chém cha sự đời
    Ngoài ra nó còn được dịch qua Háng dăng rất hay ( xin lỗi,xứ tui phát âm chữ hán không được,người hán toàn đọc là người háng không cái một ) Mấy thầy nho giỏi chữ dịch ra,để cùng nhau ngồi uống trà,vỗ đùi ngâm nga,lên bổng xuống trầm,mà không sợ bu nó hay mẹ đĩ nhà mình nghe,rồi nói mình ngâm thơ rác với thơ bẩn.Rất tiếc trí nhớ tui kém quá,không nhớ hai câu đầu,chỉ nhớ hai câu kết như thế này: 
          Thế sự như đa diệp
           Hắc như khuyển khẩu,trảm phụ thế sự
      Trảm phụ thế sự,chém cha sự đời,nghe khí thế quá phải không các bạn ? Nhưng ! Xin lỗi,chưa biết đứa nào chém đứa nào à.
      Thông thường khi có chuyện xảy ra,người ta hay nói xấu nhau như : Thằng đó học hành có ra gì,chữ nghĩa chưa đầy một chiếc lá...Hoặc chửi nhau : Mày chữ nghĩa chưa đầy một chiếc lá mà bày đặt nói tinh nói tướng...Chính chị già Khánh Ly khi nói điều đó,chị cũng nói luôn chị là người ... ít học.
        Đọc đến đây,tui lại nghĩ khác.Chị già là người bắc rặc,mà người bắc là tài nói xa nói gần và hay chơi chữ...ít học nó khác với học ít chứ ? phải không các bạn ? Chúng ta qua đọc báo,được biết lúc gần đây, chị già chắc bị sao La Hầu chiếu hay sao ? Nên anh hùng bàn phím chửi chị cũng hơi bị nhiều,nước ngoài chửi,trong nước cũng hùa vô chửi.Mà chửi vì chuyện gì tui cũng không quan tâm chi.Vì đó là chuyện cá nhân,chuyện của bá tánh.Chỉ ngậm ngùi cho... thế sự, là có người chắc... học ít,nên không biết văn hóa là cái giống chi, chửi chị quá ư tục tĩu,lời lẽ cộc cằn,thô bỉ.Tui không muốn nhắc ở đây,sợ bẩn mắt các bạn. Nhưng đa phần đều nói khóe,nói cạnh chị ,chữ nghĩa hổng có bao nhiêu..
         Vậy còn những người tài cao học rộng,chữ nghĩa chất trong thùng này thùng kia nhóc hết thì sao...Thì đây :
                 Văn chương chữ nghĩa bề bề
                 Thần đồ... ám ảnh,cũng mê mẩn đời.
           Vì đây là chữ của dân bắc,sợ dân nam không hiểu,nên có người nói huỵch tẹt luôn.
                  Thần lờ...ám ảnh,cũng mê mẩn đời.
             Mấy cái này không phải tui nghĩ ra đâu.Mà là trích trong truyện cười dân gian hồi xưa đó các bạn.Một anh giỏi chữ cãi lộn với chị nhà quê,cãi không lại,tức quá,anh chửi...hạng người chữ nghĩa không đầy một cái lá,và chị ít học đáp lại bằng hai câu thơ tuyệt cú mèo ở trên.Đúng là hết xẩy.
              Về chữ đồ,đây là tiếng vùng miền,ngày xưa xài nhiều,bây giờ cũng ít thấy,nên câu thơ dưới đây, người ngoài bắc cười hỉ hả,vò đầu, vuốt râu,xuýt xoa khen hay.Còn dân nam,đọc qua,nói không hiểu sao tụi bắc này nó cuời được ? Chắc chưa uống thuốc. 
                      Chưa đi chưa biết Đồ Sơn
                      Đi rồi mới biết còn thua đồ nhà
                      Đồ nhà tuy cũ tuy già
                      Nhưng mà đồ thiệt,không là đồ sơn.
                Nói thiệt,nếu không biết chữ đồ khác âm,nhưng đồng nghĩa với chữ lờ,thì có đọc qua mấy câu thơ này,cả anh nam lẫn anh bắc,đều giơ cánh tay lên,vừa đọc vừa chọt vô nách,ba ngày cũng chưa được cái nhếch mép hù con nít,chứ đừng nói chi tới cười.
               Thêm một ví dụ nữa về chữ đồ,đây là một câu đối rất chỉnh,chỉnh từng centimetre,và cũng rất đểu,đểu đến chóng mặt.
                       Mồm nhà quan có gang có thép
                       Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm.
                 So sánh miệng quan với cái lima con nhà nghèo,có sắc màu đen thủi đen thui,thật là hỗn,hỗn quá thể...Không có cái xỏ lá ba que nào hơn cái xỏ lá này...Chết điếng dòng họ nhà quan.
                Còn trong nam, chữ đồ nghĩa là đồ,thế thôi,chứ không xa xôi,ám chỉ đồ là thứ nằm sâu trong lòng...quần chúng nữ... như ở ngoải. Bởi dị biệt như vậy,nên lúc trước,tui có nghe kể câu chuyện oái ăm về ngôn ngữ này xảy ra ở địa chỉ kinh B.Rạch Giá.Nơi có nhiều đồng bào ri cư,năm 54,sống gần gũi với dân địa phương.
             Trời chạng vạng tối,một anh nam bước tới nhà chị bắc kế bên,Chị bắc hỏi.
                - Anh đi đâu thế ?
                -Tui qua kiếm chị .
                - Có chuyện gì không ?
                - Vợ tui nó bỏ tui,nó xách đồ nó theo,kẹt quá,tui qua mượn đồ chị xài đỡ.
     Rầm,rầm,xoẹt,chị bắc rút ngay cây đòn gánh, phang anh nam chạy tối mắt tối mũi.
                 - Cha tiên nhân bố mày,cái thằng dở hơi kia,sao mày dám nói chuyện khốn nạn với bà như thế hả...?
     Chạy chết mẹ mà anh nam kia vẫn không biết vì sao mình bị rượt,tính qua mượn cái võng nằm đỡ mỏi lưng,vì có cái võng một trong nhà,con vợ cũ nó xách đi hồi nào không hay,chưa kịp nói hết đã bị ăn đòn gánh tới tấp.Né không kịp cũng dám có vé đi đoàn tụ với ông bà.
                 Cà kê dê ngỗng quá,trở lại chuyện tụi mình đi.
                 Năm 1972 là năm chúng ta ra trường,từ giã Thầy Cô,bạn bè,để chuẩn bị mỗi người một cuộc sống mới,một môi trường học tập mới.Chắc các bạn vẫn còn nhớ niên khóa 65/72 chúng ta tổ chức bữa tiệc chia tay rất trọng thể,nếu tui nhớ không lầm là tại quán " Tre " Tên quán có thể không trúng,nhưng quán chắc chắn ở đường Đinh tiên Hoàng,Đa Kao.Và quán này,chủ nhân không ai khác là chị già Khánh Ly. 
                  Sau khi ăn,uống,hát và nghe hát,rửa mắt,bình chọn sắc đẹp,là nhan sắc của những cô gái đại diện các trường bạn tới dự đó mà.Đứa chấm thiên nga,đứa phê cá sấu...Có cãi qua cãi lại để bảo vệ con mắt thẩm mỹ của mình,hấp dẫn lắm.Nói của đáng tội,có đất đai làm chứng,ngày xưa chúng mình học từ bé tới nhớn, toàn là củ cải với nhau không,hẻo quá,nên bây giờ gặp được vài cô nữ sinh hiện diện trước mặt,nói thiệt.Chả cần đẹp xấu.Cũng quá là mèo thấy mỡ.Thằng nào thằng nấy khoe mẽ như gà trống,sửa áo rồi nắn quần, kiểm tra lần cuối,coi có lệch pha chỗ nào không,nếu có thì sửa cho ngay ngắn lại,rồi mới tự tin bước ra...
                  Kết quả cũng chẳng được cái giải rút gì,chỉ được cái vui và thơ ngây hồn nhiên,y chang thơ Xuân Diệu.
                  Vậy đó tự nhiên mà họ lớn
                  Tuổi hai mươi chợt đến có ai ngờ.
           Cuối cùng chúng ta kéo nhau ra chụp hình kỷ niệm,từng lớp,từng nhóm bạn với nhau,tươi xanh,trong trẻo,chưa lấm tí cát bụi trần ai nào.Những tấm hình mà giờ này,bạn nào còn giữ được,thật đúng là siêu quý...đúng tên của nó là hình tư liệu...
            Chia tay ra về, lặng lẽ dắt chiếc PC cọc cạch,Khi ra gần tới cổng,liếc qua bên trái, tui chợt thấy chị già Khánh Ly.Chị đứng ngay giữa cửa của căn phòng gần quán cafe,mặc áo dài,khoanh tay,mỉm cười,lặng lẽ đứng nhìn,lặng lẽ gật đầu chào lại những bạn nào đang đi gần đó chào chị.
              Đó là lần đầu tiên tui thấy chị...Chỉ thế thôi,nhưng trong lòng tui đã mến chị...Có lẽ là do cử chỉ lịch sự và nhã nhặn của chị đã gửi đến những người bạn của tui,qua cái gật đầu đáp lễ xã giao.Với tui.Chị là người hiểu biết.Vậy thôi.
              Tôi vốn hèn mọn như cỏ dại.Chị già có biết ? Cỏ dại mừng biết bao nhiêu khi nghe chị nói như thế...
              Cùng các bạn của tui.
              Cũng lê thê lắm rồi,tạm ngưng đi,hẹn lần sau,nếu có gì vui,tui lại tám tiếp với các bạn...Còn hai con mắt...
  
                               Đức Thi.
                 
               
            
         

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

SINH NHỰT


                    Hôm nay sinh nhựt của tui
           Thiệt lòng mà nói tệ hơn ngày thường
                     Sáng sớm trời đã hầm hầm
            Đến trưa, chắc cu sắc cú ngồi phơi rốn lồi
                    Đến chiều bảo đảm có giông
            Không giông ngoài phố,cũng giông trong nhà
                    Bạn bè chuẩn bị tới nghe
            Uống say một bữa,cho thành bão luôn
                                  Rồi...tới đâu thì...tới.



             Đức Thi.

MẦN THƠ

           
                    Hôm nay sinh nhựt của tui
           Thiệt lòng mà nói không vui không buồn
                    Rảnh ngồi nghĩ tới nghĩ lui
            Cám ơn Trời Đất cho tui tuổi này
                    Bấm tay tính được sáu hai
            Vậy là cũng có đường vô hạng già
                    Già này chắc loại già xưa
             Người ưa thì ít,người không ưa hà rầm
                              -----------------
                    Tui thời già tóc già râu
              Nhưng riêng chuyện nhậu, quyết chưa chịu già
                     Nam vô tửu như kỳ vô phong
              Đàn ông không rượu,xụi lơ cán cờ
                     Rượu thì bởi gạo mà ra
              Giúp ta sung sức giúp ta yêu người
                     Huyết áp luôn chuẩn không cao
              Lượng đường vừa phải thấy mà phát ham
                     Xương khớp cọp cũng phải ghen
              Tay chưn lanh lẹ,chụp quơ suốt tuần
                     Để rồi theo bước bạn hiền
               Cầu lông ta nện mỗi ngày không tha
                      Dẻo dai luyện tập thể hình
               Chống lên bụp xuống cứng gân sáu giờ
                      Hay là học bạn phương xa
               Là lơi,săn sóc,mượt mà dạy chim
                      Thú chơi tao nhã gió tai ( không sợ tai bay vạ gió )
               Chồng mê vợ thích,cả nhà all right
                                 ---------------
                       Hôm nay sinh nhựt của tui
               Thiệt lòng mà nói,y chang mọi ngày
                       Khác chăng có một chút này
                Đợi khi chiều tới,tui khui một thùng
                       Cùng vài bạn hữu anh em
                Chúc mừng sức khỏe,uống cho say tình
                        Uống cho sảng khoái tinh thần
                Yêu đời,yêu cả người đời xẹt ngang
                        Tới đây quả thiệt tức cười
                 Bởi có chữ xẹt,thiệt là đúng ghê
                         Thơ gì lãng xẹt,lãng òm
                 Thơ gì hổng có chút lào nâng nâng
                          Thơ gì quá giống hò vè
                  Ngồi xem chớ hiểu thiệt là u mê
                           Tui đọc còn thấy dễ quê
                  Vậy mà cũng có...người coi nãy giờ
                                        Kha..kha..kha
                                
                     

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

NHỚ VỀ ...NƠI CHỐN CŨ

Bạn bè thân mến.
     Hôm nay tui muốn kể cho mấy bạn nghe vài câu chuyện nho nhỏ về xứ Bạc Liêu.Nơi mà thời trai tui đã sống ở đó được hơn 2 năm.Nên ít nhiều cũng có những tình cảm và kỷ niệm nơi xứ sở độc đáo này.Sở dĩ có ý tưởng trên vì mới rồi ngồi coi tivi,thấy một cô ca sĩ hát bài về Bạc Liêu mà trật lất quá,vừa nghe vừa cười cho cái sự ngây ngô của mấy anh thợ nhạc sửa lời trớt quớt,qua đó bất chợt một dĩ vãng đẹp đẽ của ngày xa xưa chợt về,nên ngồi nhớ lại kể cho bạn bè nghe,khi mô nó có chợt đi,mình cũng không nuối tiếc...Vì đã kịp kể cho mấy bạn nghe rồi.
      Cô ca sĩ hát như thế này :
 -  Bạc Liêu là xứ quê mùa...Dưới sông cá chốt...Trên bờ Triều Châu...Câu hát trong bài Bạc liêu hoài cổ.
       Hát như thế là sai nhiều lắm,câu gốc của nó là đây :
 -  Bạc liêu là xứ cơ cầu...Dưới sông cá chốt...trên bờ Triều Châu.Theo tự điển giải thích thì cơ cầu là chữ cũ.Có nghĩa là nghiệt ngã,hiểm độc,khổ cực,thiếu thốn...Nói như vậy mới rõ ràng là xứ Bạc Liêu,chứ vào thời đó ở miền Tây,chỗ nào mà chẳng quê mùa ?Ở cái xứ cơ cầu như vậy thì từ hồi xa xưa có ai dám tới ở ? Chỉ người Triều Châu chạy loạn cùng Mạc Cửu,theo đường Rạch Giá xuống  là nhiều hơn ai hết thảy,nhiều đến nỗi có câu ví rất ác chiến là dưới sông cá chốt...trên bờ Triều Châu...Nó ác đến nỗi cụ già học giả Vương hồng Sển,sanh đẻ tại Sóc Trăng,láng giềng với Bạc Liêu,cũng là người có lai gốc Triều Châu,đã phải thốt lên rằng...Ai mà ví ác nhơn ác đức vậy nè trời...Vậy nó ác chỗ nào...xin thưa .
    Con cá chốt nó thích ăn gì nhứt ? Cái thứ chủ yếu khoái khẩu của nó Mỹ gọi là shit...Pháp gọi là caca...còn ta...xin lỗi trước..gọi là cứt.Đến đây các bạn đã biết thế nào là ác rồi chứ ? Bản thân tui đã từng thấy cá chốt nghẹt một khúc sông luôn mỗi khi sáng sớm...là lúc mấy đứa nhi đồng í ới gọi nhau ra bờ sông thả mìn đón bình minh...Chào ngày mới.So sánh người Tiều với loại cá chuyên sực caca như vậy,thì quả thực ông bà ngày xưa cũng quá ư là hiểm độc và nghiệt khẩu vô cùng.Vậy mà bây giờ có người đặt thành bài ca,nghe cũng du dương,lai láng,trữ tình,tha thiết,có tính quê hương cao đáo để.
    Đây tui đang nói về thời năm nẳm.Trong lúc trà dư tửu hậu,tui có hỏi người địa phương,mấy cụ lão thành nói theo lời kể của ông bà họ để lại.Dưới sông cá chốt nhiều như thế nào thì người Tiều trên bờ cũng nhiều như thế đấy.Vậy giá trị con cá chốt lúc bấy giờ ra sao...xin thưa lúc đó thực phẩm nhóc nhen,con người chưa đông,nên ít ai chịu ngồi đó mà ăn cá chốt.Chứ đừng nói chi làm mắm cá chốt để dành lúc trời nắng...cực ăn như ngày nay.Chỉ cần một người,và chừng một giờ ném lưới thôi,là đã có cả thùng thiếc cá ...Và số cá này,họ cũng không rảnh để làm món cá chốt kho nghệ như em của ngày hôm nay để rồi được đẩy lên thành hàng đặc sản của xứ Bạc.Đơn giản là lúc bấy giờ chẳng ai thèm ăn.Vậy cá nhiều như vậy họ làm gì đây ? Xin trả lời mai mốt anh về là họ đem bán cho những chủ vườn nhãn để làm phân cho gốc nhãn.Những vườn nhãn dài cả chục cây số dọc theo bờ biển.Nhãn hột tiêu Bạc Liêu nổi tiếng ngon,ngọt cũng một phần là nhờ cá chốt ủ gốc cộng với thổ nhưỡng đặc biệt nơi đây.Vậy thì so sánh người Tiều giống như loài cá rẻ tiền không có giá trị cao chỉ dùng để làm phân thôi.Thiết nghĩ,về mặt ngôn ngữ,ta cũng thấy dân Bạc Liêu cố cựu cũng là những tay giang hồ hiểm ác chứ không phải chơi.
    Nói về Bạc Liêu không thể không nhắc tới công tử Bạc Liêu,đương thời được gọi là cậu Ba Huy,còn được biết tới tên Hắc công tử nổi danh.Tui đã từng sải những bước dài trên những sở ruộng của cậu Ba Huy,nơi mà không phải ai là dân Bạc Liêu cũng có thể đặt chân tới được,vì đó là vùng chiến sự vô cùng ác liệt,phải nói là cò bay thẳng cánh,ngút ngàn con mắt,nhưng lúc đó chỉ dành cho cỏ mọc.Cũng trong bài ca đó có câu : Nghe danh công tử Bạc Liêu...Lấy tiền nấu trứng ...tỏ ra mình giàu...Về truyện này cụ Sển kể lại rất hay...Cụ có gặp cậu Ba Huy ở SG,lúc này cậu Ba già và hết tiền rồi.Cụ hỏi về giai thoại lấy tiền nấu trứng có không...? Cậu Ba trả lời...Tao chơi là chơi bất kể,tiền bạc đâu có sá chi...Nhưng tao đâu có khùng mà làm chuyện tầm bậy,mày nghĩ coi bao nhiêu tiền mới nấu sôi nồi nước,chứ đừng nói chi tới trứng...Tại chúng ghét tao, nên chúng phao tin tào lao cho thêm nhiều người ghét...Theo cụ Sển thì cụ tin lời nói cậu Ba Huy là thực...vì cụ Sển biết cậu Ba Huy còn có biệt danh là công tử kẹo...móc hộp quẹt hút thuốc làm rớt tấm giấy 5 đồng, còn mò kiếm tá lả giữa rạp hát nói chi tới đốt tiền lấy le...So kè với Bạch công tử.Với lại hồi đó cậu Ba hay có tật cho gái tiền búa xua lúc mới quen,xong một thời gian,biết có bao nhiêu nút ruồi rồi,thế nào cũng xài ngón đểu( chữ của cụ Sển )giả đò thua me,kiếm bài cào gỡ,tìm cách mượn tiền,hay mượn lại vòng vàng,nhẫn hột đã cho bảnh lúc trước,mang vô tiệm cầm đồ, số tiền đó dĩ nhiên cậu không bao giờ trả...Và cậu cũng lánh mặt luôn trên chiếc xe hơi 8 máy,mà cả miền nam lúc bấy giờ chỉ có cậu và thống đốc Nam kỳ sở hữu,ngày chạy mấy trăm cây số ngàn,có giỏi lội bộ theo mà bắt ( chữ cụ Sển )Theo lối nói bây giờ là cậu Ba đã đổi sang tên Hàn Quốc là Chơi Xong Dông.Nên em út biết tật,hốt tiền cậu Ba xong là tìm sách học cho thuộc bài " tẩu mã " Người như vậy làm sao dám mang tiền mình đi đốt ? Học giả kết luận.
   Trên đây là những gì tui biết được qua sách cụ Sển để lại.Kể mấy bạn nghe để biết thêm một vài thông tin thú vị.Còn đúng sai ra sao tui không biết,nên không dám bàn tới.
   Lúc ở Bạc Liêu tui để ý.Hình như dân ở đây tuy không nói ra,nhưng có vẻ hài lòng vì mình là dân Bạc Liêu,xứ của công tử.Nên tánh ăn chơi cũng có vẻ thoải mái lắm,làm gì cũng hơi nhuốm màu anh chị,thả giàn...Giữa dân Sóc Trăng và Bạc Liêu không ưa nhau vì câu nói hơi lố của dân Bạc Liêu sau đây.
         - Bạc Liêu ăn cá bỏ đầu
         - Sóc Trăng lượm lại,xỏ xâu đem về.
   Qua câu này ta cũng thấy vẻ hơi lớn lối của dân Bạc Liêu. Cũng vì câu nói trên, đã có những cuộc đánh nhau rất kịch tính giữa thanh niên hai tỉnh lúc trước,mỗi khi có dịp gặp nhau.Như những sự kiện thể thao chẳng hạn,nhất là đá banh.Thật chẳng hay ho gì.
    Về ẩm thực,Bạc Liêu có một đặc sản ít thấy nơi nào có.Vì giáp biển,nên có món gạch cua rất hấp dẫn.Còn nhớ năm nào,tui và ba người bạn bước vô một quán ăn của người Tiều.Kêu một dĩa gạch cua nhậu sơ khởi...Đất đai ơi,thằng tửng người Tiều,có nghĩa là thằng nhỏ,nó khệ nệ hai tay bưng ra một dĩa hột xoài muốn bự hơn nó.Toàn là gạch cua không ,chẳng pha trộn một món đệm nào khác.Không biết bao nhiêu là ký cua mới được dĩa gạch này ? Xào theo lối Tiều,béo béo,thơm thơm,ngậy ngậy,nhưng ăn lại không ngán,lấy muỗng xúc cho vô chén,chan một chút tương ớt xí muội.Để vô miệng thấy phao,tự động tan,nuốt gọn.Nhấp một ngụm rượu Ngũ gia Bì,phải chơi nguyên ly xây chừng mới thấy cái đờ a đa ngã đã..Tính kêu nhiều món,nhưng chỉ nội dĩa mồi đó thôi đã chới với,cộng thêm hai hũ Ngũ gia Bì.Tui còn nhớ rõ,trên đường băng sân bay Bạc Liêu hôm đó,có bốn ca sĩ giọng rè hát vang bài ca thịnh hành lúc bấy giờ...Tout l'amour que c'est pour toi...là la la...lá la là...rồi lại tout l'amour...ầm ầm trong đêm thanh vắng.Ôi...kỷ niệm...
   Ở Bạc Liêu có một quận tên là Vĩnh Châu.Tui có ở đây một thời gian,bây giờ Vĩnh Châu thuộc về Sóc Trăng.Nơi nổi tiếng về trồng hành.Ngày xưa tui ở không thấy ai trồng hành mà mù mắt.Bây giờ hổng biết tiến bộ xài thuốc ra sao mà con người ta thành hiệp sĩ quá nhiều.Thật là tội nghiệp.Xứ này độc đáo ở chỗ là người ta giao tiếp với nhau bằng 3 thứ tiếng.Việt,Miên,Tiều...Vì có 3 sắc dân ở chung với nhau rất là đặc biệt...Nếu người Việt nói tiếng Việt,người Miên nói tiếng Miên,còn người Tiều nói tiếng Tiều thì đâu có gì đặc biệt.Họ đặc biệt ở chỗ là nói chồng chéo cả 3 ngôn ngữ với nhau,Vừa Việt,vừa Miên và Tiều chêm vô.Mới nghe ai cũng rất lạ lùng.Nhưng dân ở đây đều hiểu,và đều xài thoải mái cái ngôn ngữ lạ kỳ này...Vô chợ Vĩnh Châu là nghe đều trời một tiếng như vậy.Rất tiếc là tui ít chịu học hỏi,nên không nhớ nhiều,chỉ ghi ra thí dụ nhỏ như sau :
 -  Bữa nay tâu na hà ý ?......Tâu na là tiếng Miên...Ý là tiếng Tiều,nghĩa là dì .Dịch là bữa nay dì đi đâu vậy ?
 -  Tâu tê thăm chừng a Nứng bịnh à ..Tâu tê là Miên...a nứng là anh rể tiếng Tiều....Đi chợ thăm chừng anh rể bị bịnh.
     Vậy đó,họ nói như thế mới là độc đáo có một không hai.Mới nghe cũng lùng bùng lỗ tai lắm chứ nào chơi.Và đặc biệt nhất là con gái...chu choa các bạn ơi...theo tiếng địa phương là đầu gà đít vịt,con gái lai...tuyệt vời.Tiếc cho các bạn thời trai không có dịp để ghé nơi này,để chiêm ngưỡng những tinh hoa của đất trời,những báu vật của thiên nhiên,mà công lớn thuộc về các anh,các chị,các hia,các chế,các bòong,Việt,Tiều,Miên,nhiệt tình trong quan hệ sản xuất,vui vẻ hợp tác đúc ra.Đẹp mặn mòi,đẹp với dáng chắc khỏe chứ không ẻo lả như dân đô thị.Cụ Vương hồng Sển có nói quê ông thường khuyên con trai nên lấy vợ lai,vì lấy vợ lai sẽ không bị đau lưng.Còn tại sao không đau lưng thì ông không giải thích được.Câu này là tui chép nguyên văn của Cụ,chứ tui không có thêm bớt chữ nào...Đẹp...đẹp lắm..Ban ngày các cô gái đẹp không có xuất hiện đâu,họ luôn ở trong nhà hoặc ngoài rẫy...Chỉ đến khi có lễ hội,ta mới giật mình.Ở đâu ra mà như những thí sinh đi dự thi hoa hậu thể thao thế này.Nói có Thổ Địa làm chứng,vì có mối rồi nên tui đành chịu phép.Vì xứ này ăn là ăn thiệt chứ không có chuyện ăn chơi,ăn tráng miệng.Nên tui chỉ dám đứng ngắm và chắt lưỡi hít hà.Xin đừng tưởng dễ vô,những cô gái đó rất nghiêm trang,không dễ gì mà nói chuyện được với họ nếu không có sự cho phép của gia đình.Nó làm cho tui liên tưởng tới cảnh Michael tới xứ Corleone ở Sicily, gặp người vợ đầu tiên Apolinaire trong phim Bố Già vậy.Và cũng tại đây,lần đầu tiên trong đời,thằng cựu học sinh trường trung học Hồ Ngọc Cẩn,tỉnh Gia Định là tui, được ăn món vịt nấu chanh muối trứ danh của người Tiều...Ngon không thể tả...ngon cho tới tận bây giờ..
    Nói là nói về con gái đẹp thôi,hạng ưu với tối ưu,còn bình với bình thứ thì gặp hà rầm,con gái đẹp thời nào cũng giống nhau ở chữ chảnh...Mà tui thì tui luôn khoái con gái chảnh...Chút xíu nữa tui sẽ nói thế nào là gái đẹp trong mắt con trai Pồ Lé..Bạc Liêu tiếng Tiều gọi là Pồ Lé đó.
    Ta đi tiếp tới vùng Giá Rai,nơi có cánh đồng Nọc Nạn nổi tiếng giáp Cà Mau.Có một lần dẫn đại đội hành quân,đang đi cặp bờ sông thì có lịnh tiểu đoàn đưa xuống là " bẻ cổ" tức có nghĩa là vượt sông,thông thường là tự túc tìm phương tiện,vì đây là đột xuất,gặp ghe thì ngoắc ghe,gặp xuồng thì xuống xuồng.Hôm đó ngoắc được khá nhiều ghe,gom lại hết để rồi qua sông một lượt,trong đó có cái ghe hơi trộng trộng,chạy máy dầu F6.Nguyên tiểu đội trong ban chỉ huy bước xuống.Trên ghe là hai chị em.Khi mũi ghe được xô ra,ghe bắt đầu lướt mới để ý.Đây là ghe đi bán cá.có mấy thùng bằng tôn gò đựng cá nằm dọc theo khoang ghe.Cô em còn nhỏ cầm mũi,cô chị cầm lái coi ngộ gái quá,nhưng nét mặt không được vui,mà vui sao được,đang chạy ngon trớn bị ép vô chở lính là nực trong mình rồi,nhưng không dám nói ra.Ngồi kế thằng cầm máy truyền tin là anh trung sĩ trẻ...Rớt tú tài anh đi trung sĩ mà...Tui thì lo chăm chú nhìn về bên kia và phía dưới khúc sông,nơi mình sắp cập bến,coi có động tĩnh gì không,nào dám để ý chuyện chi...nhưng chàng trung sĩ thì rảnh,nên mở lời..
  - Cô ơi,xin lỗi cô thứ mấy ?
  - Thứ ba...
  - Cô Ba đi đâu đây ?
  - Đi chợ...
  - Cô Ba đi chợ làm gì sớm vậy ? Suy nghĩ hơi lâu chàng trai mới tung ra được câu hỏi.
   - Bán cá...
   - Cô Ba bán cá gì  ?...Giọng chàng trung sĩ cũng hơi nản vì thấy cô gái không mặn mà bắt chuyện,còn anh em trong đơn vị lại đang mím chi cười. 
      Đang chăm chú theo dõi địa hình,nhưng tai tui vẫn không bỏ sót lời đối thoại nào. Bỗng tui giật mình như nghe tiếng mìn nổ,tiếng cô gái trả lời.
    - Cá Sạo...Cả ghe cười rần rần...
  Anh chàng trung sĩ quê Bình Dương mất bình tĩnh,giọng lắp bắp,giận quá mất khôn rồi..
   - Tôi..tôi ..hỏi cô đàng hoàng,cô...cô..không muốn nói thì thôi...sao...sao cô lại chửi tôi xạo...Cô coi chừng tôi nghe.
    Thoáng thấy một chút sợ hãi nơi cô gái,tui phải can thiệp,cố nén cười nhưng không kìm được,tui đành vừa cười vừa nói.
    - Thanh,em làm gì lớn tiếng hăm he vậy ? Em hỏi gì người ta trả lời cái đó,con gái ở quê người ta ngại tiếp xúc với người lạ,chứ đâu nhiều lời như con gái ở chợ.Còn xứ này có con cá sạo chứ sao không.Tại em không biết nên em hiểu lầm người ta...Muốn biết cá Sạo ra sao,lúc nào rảnh ra chợ Giá Rai,hỏi người bán cá,người ta chỉ cho...Thôi,xin lỗi và cám ơn người ta cho quá giang đi...Sắp tới bờ rồi...( Còn các bạn,ai muốn biết cá Sạo ra sao xin hỏi bác Gù )
     Ghe cặp cái doi đất,lính tráng lên hết rồi,tui quay lại,và đây là hình ảnh tui nhớ mãi không quên.Chống mũi ghe trở lui ,hai chị em cô gái cười quá trời là cười trong tiếng nổ của máy Yama F6.Tiếng cười ngặt nghẽo,trong trẻo hồn nhiên của những cô gái Bạc Liêu dạn dày mưa nắng.Coi sóng gió cuộc đời nhẹ như chiếc lá.Bình tĩnh trong hoàn cảnh để biến chàng trung sĩ của tui thành anh hề bất đắc dĩ.Cám ơn em đã cho tui những tiếng cười mà dư âm còn mãi tới bây giờ...Ôi...nhớ sao là nhớ.
      Cuối cùng mời các bạn nghe mấy câu hò rất có duyên của con trai xứ cơ cầu này như sau :
           Hò ơ...Người Bạc Liêu đẹp thì nhờ lụa.
           Lúa Đồng Tháp tốt thì nhờ phân.  
           Thật ra chỉ đúng có một phần.
            Chớ... con gái Bạc Liêu thì phải...
            Hò ơ...Con gái Bạc Liêu phải... ở trần mới xinh 
                                  ----------
            Hò ơ...Ai về ghé miệt Bạc Liêu.
            Con gái ở đó nở nang khác thường.
            Mỗi khi mặc áo hở lườn...Hò ơ...
            Cụ già ngó thấy...thì hết đường đi luôn..
                                   -----------
             Hò ơ...Thò tay anh ngắt cọng ngò
             Thấy em thay áo,anh giả đò ngó lơ.
              Bên ngoài giả bộ thờ ơ...Hò ơ...
              Nước miếng anh chảy...Nãy giờ em biết không...
    
     Bây giờ xế bóng,tóc bạc rồi tóc hói.Rửa mặt thì lâu,gội đầu thì chóng.Nước miếng còn đâu nữa mà chảy em ơi.
     Chúc các bạn của tui luôn vui vẻ,yêu đời,yêu người...Yêu như chưa bao giờ được yêu thì càng tốt....

      Đức Thi.