Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

CHIẾC LÁ

 Bạn bè thân mến.

               Ngồi coi mấy tấm hình bạn Nghị gửi,thấy mấy bạn uống cafe,rồi đấu hót với nhau xôm tụ quá,nếu có mặt,chắc tui sẽ tám với các bạn thiệt rôm rả,khỏi mất công ngồi gõ lọc cọc cho con mắt tăng độ,rồi có khả năng giống thơ của Bùi Giáng...Còn hai con mắt khóc người một con...
                Tới đây xin tám lòng vòng một chút,Khóc người một con là sao ? Có hai ý khác nhau. Theo nhạc sĩ Trịnh công Sơn thì đó là khóc bằng một con mắt...
                 Còn hai con mắt khóc người một con...
                 Còn hai con mắt một con khóc người...
                 Con mắt còn lại nhìn một thành hai.
      Còn theo thi sĩ Bùi Giáng lại là khóc người đàn bà đã có một con...
                 Bỏ người yêu bỏ bóng ma
                 Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
                 Bây giờ riêng đối diện tôi...
                 Còn hai con mắt khóc người một con...
      Cái vụ đàn bà một con này, thiết nghĩ đối với anh em ta, e là  cũng không nắm chắc tình hình rõ lắm,ngoại trừ ai đó có vô hệ yêu gái một con rồi thì mới rành. Xưa nay vẫn nghe câu.Gái một con đắm đuối như cá chuối. ( cá chuối là cá lóc đó mấy nị,mồi bắt dữ lắm,hấp bầu nhậu hay ăn cơm đều không có cữ ) Gái một con trông mòn con mắt,hay so sánh dễ hiểu, gái một con như thuốc ngon nửa điếu.. Hồi nào giờ chưa quen ai là gái một con,nên tui chưa biết hấp dẫn thế nào ? Ngon lành ra sao ? Nhưng riêng cái vụ thuốc ngon nửa điếu,tui cũng như các bạn đã từng hút thuốc, chắc đều thống nhất chung, hai chữ : hết xẩy.
                 Còn với bạn nào,hai cái kể trên đều chưa biết,nay muốn biết cảm giác hết xẩy là tới đâu,thì tui khuyên nên chọn cái hút thuốc,nó an toàn hơn là quen người một con,vì bá vào là họa nhỏ đi trước,họa lớn theo sau,hai họa đụng nhau...Rầm...lúc đó nhạc nổi lên: Đêm nay trăng sáng quá em ơi...Là lúc đó đã ra bờ đê nằm ,nên mới thấy trăng tròn và sáng lung linh hơn lúc nằm nhà cũ với vợ cũ nơi phố chợ,ngổn ngang ống khói,khuất che tầm nhìn.
          Xin lỗi,tui có tật hay nói linh tinh, gặp đâu xáp đó,xin trở về cái ý mà tui muốn xẻ chia cùng các bạn. 
         Vừa đọc bài báo bạn Danh gửi có tên : Đằng sau những nụ cười.Tựa của cuốn sách ca sĩ Khánh Ly viết,tâm sự về những gì vui buồn,rắc rối, mà giọng hát liêu trai đã trải qua.Những mảng màu thương nhớ...Nhiều thăng trầm trong suốt hành trình...gì gì đó,nhà văn mà,nên người ta viết lời giới thiệu rất bài bản, hay lắm.Đọc tới đâu, chữ nghĩa sáng ngời,rạng rỡ tới đấy.Miễn khen phò mã tốt áo,ở đây tui chỉ xin nói tới khía cạnh khác.
           Ở phần thay lời tựa,chị già Khánh Ly,tui gọi là chị già,vì năm nay,tính ra,chị cũng từ 70 ăn lên,vào hàng xưa nay hiếm,chị có viết một câu...một câu mà lâu lắm rồi mới thấy có người viết lại,câu đó như sau :
    - Tôi vốn hèn mọn như cỏ dại,chữ nghĩa không đầy một cái lá.
            Một cái lá...Vậy theo các bạn,cụ thể đây là lá gì ? Lá nó to hay nhỏ ? To là to bao nhiêu ? Nhỏ là nhỏ bao nhiêu ? mà chữ nghĩa không đầy ? Chắc chắn không phải là lá diêu bông trong thơ ca.Xin trích nguyên văn thơ của thi sĩ Hoàng Cầm,người tạo ra lá diêu bông bay khắp bốn phương trời.Một thi sĩ nổi tiếng có cuộc đời được xếp vào hàng chiếu trên của LBXR,viết tắt của lên bờ xuống ruộng.
              Chị bảo
              Đứa nào tìm được lá diêu bông
              Từ nay ta gọi là chồng
       Vì  lá diêu bông nó thuộc dạng phong thần diễn nghĩa,nghĩa là hoang đường,dùng để dụ mấy đứa giai mới lớn,chưa biết lượng sức mình,cứ đi tìm chị để ...yêu chị,nhớ chị...Yêu cho biết bao đêm dài...Yêu cho biết khổ đau...để rồi sau này biết trúng quả lừa đậm,đau thấu trời.
               Ngày cưới chị
               Em tìm thấy lá
               Chị cười xe chỉ ấm trôn kim...
          Lạ lắm, Ngày cưới,chị cười,có xe chỉ,còn ấm trôn kim..Chữ nghĩa bác học,khó hiểu quá.Chỉ hiểu lơ mơ là : Thôi rồi Lượm ơi,chuyện đã xong,chị nay ấm chỗ rồi,em về tập đàn đáy,hát chầu văn,cho tăng thêm tính thê lương em nhá.Đừng kiếm lá nữa,hổng có đâu.
              Nhưng thôi,quay trở lại câu: Chữ nghĩa không đầy một chiếc lá.
             Lá mít,không phải đâu,mân mó nhựa ra tay,làm sao đè viết, khắc chữ vô đó được,nếu lá mít,thì viết thẳng ra chữ nghĩa không đầy chiếc lá mít,việc gì phải lửng lơ con cá vàng ? lá mít ? không đâu,tui nghĩ,chưa chính xác.
             Theo cái sự biết vô cùng giới hạn của tui thì lá này xuất xứ ở Bắc bộ,văn thi sĩ ở ngoải hay đưa lá này vào thơ văn,chứ dân Nam bộ không xài tới,lá này phải là lá đa...Bạn nào vào những năm 70 của thế kỷ trước,có đọc qua tuần báo trào phúng Con Ong của ký giả Thương Sinh,còn có tên khác nổi đình nổi đám hơn là Duyên Anh,hay báo Đời của nhà văn Chu Tử,hẳn còn nhớ cái lá này.Các bạn sẽ thấy đặc sệt giọng bắc kỳ qua bài thơ giới thiệu lá đa sau đây,đã được đăng nhiều lần trên hai tờ báo đó.
         Sáng giăng suông em tưởng tối trời.
         Em ngồi,em để sự đời em ra
         Sự đời như cái lá đa
         Đen như mõm chó...chém cha sự đời
    Ngoài ra nó còn được dịch qua Háng dăng rất hay ( xin lỗi,xứ tui phát âm chữ hán không được,người hán toàn đọc là người háng không cái một ) Mấy thầy nho giỏi chữ dịch ra,để cùng nhau ngồi uống trà,vỗ đùi ngâm nga,lên bổng xuống trầm,mà không sợ bu nó hay mẹ đĩ nhà mình nghe,rồi nói mình ngâm thơ rác với thơ bẩn.Rất tiếc trí nhớ tui kém quá,không nhớ hai câu đầu,chỉ nhớ hai câu kết như thế này: 
          Thế sự như đa diệp
           Hắc như khuyển khẩu,trảm phụ thế sự
      Trảm phụ thế sự,chém cha sự đời,nghe khí thế quá phải không các bạn ? Nhưng ! Xin lỗi,chưa biết đứa nào chém đứa nào à.
      Thông thường khi có chuyện xảy ra,người ta hay nói xấu nhau như : Thằng đó học hành có ra gì,chữ nghĩa chưa đầy một chiếc lá...Hoặc chửi nhau : Mày chữ nghĩa chưa đầy một chiếc lá mà bày đặt nói tinh nói tướng...Chính chị già Khánh Ly khi nói điều đó,chị cũng nói luôn chị là người ... ít học.
        Đọc đến đây,tui lại nghĩ khác.Chị già là người bắc rặc,mà người bắc là tài nói xa nói gần và hay chơi chữ...ít học nó khác với học ít chứ ? phải không các bạn ? Chúng ta qua đọc báo,được biết lúc gần đây, chị già chắc bị sao La Hầu chiếu hay sao ? Nên anh hùng bàn phím chửi chị cũng hơi bị nhiều,nước ngoài chửi,trong nước cũng hùa vô chửi.Mà chửi vì chuyện gì tui cũng không quan tâm chi.Vì đó là chuyện cá nhân,chuyện của bá tánh.Chỉ ngậm ngùi cho... thế sự, là có người chắc... học ít,nên không biết văn hóa là cái giống chi, chửi chị quá ư tục tĩu,lời lẽ cộc cằn,thô bỉ.Tui không muốn nhắc ở đây,sợ bẩn mắt các bạn. Nhưng đa phần đều nói khóe,nói cạnh chị ,chữ nghĩa hổng có bao nhiêu..
         Vậy còn những người tài cao học rộng,chữ nghĩa chất trong thùng này thùng kia nhóc hết thì sao...Thì đây :
                 Văn chương chữ nghĩa bề bề
                 Thần đồ... ám ảnh,cũng mê mẩn đời.
           Vì đây là chữ của dân bắc,sợ dân nam không hiểu,nên có người nói huỵch tẹt luôn.
                  Thần lờ...ám ảnh,cũng mê mẩn đời.
             Mấy cái này không phải tui nghĩ ra đâu.Mà là trích trong truyện cười dân gian hồi xưa đó các bạn.Một anh giỏi chữ cãi lộn với chị nhà quê,cãi không lại,tức quá,anh chửi...hạng người chữ nghĩa không đầy một cái lá,và chị ít học đáp lại bằng hai câu thơ tuyệt cú mèo ở trên.Đúng là hết xẩy.
              Về chữ đồ,đây là tiếng vùng miền,ngày xưa xài nhiều,bây giờ cũng ít thấy,nên câu thơ dưới đây, người ngoài bắc cười hỉ hả,vò đầu, vuốt râu,xuýt xoa khen hay.Còn dân nam,đọc qua,nói không hiểu sao tụi bắc này nó cuời được ? Chắc chưa uống thuốc. 
                      Chưa đi chưa biết Đồ Sơn
                      Đi rồi mới biết còn thua đồ nhà
                      Đồ nhà tuy cũ tuy già
                      Nhưng mà đồ thiệt,không là đồ sơn.
                Nói thiệt,nếu không biết chữ đồ khác âm,nhưng đồng nghĩa với chữ lờ,thì có đọc qua mấy câu thơ này,cả anh nam lẫn anh bắc,đều giơ cánh tay lên,vừa đọc vừa chọt vô nách,ba ngày cũng chưa được cái nhếch mép hù con nít,chứ đừng nói chi tới cười.
               Thêm một ví dụ nữa về chữ đồ,đây là một câu đối rất chỉnh,chỉnh từng centimetre,và cũng rất đểu,đểu đến chóng mặt.
                       Mồm nhà quan có gang có thép
                       Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm.
                 So sánh miệng quan với cái lima con nhà nghèo,có sắc màu đen thủi đen thui,thật là hỗn,hỗn quá thể...Không có cái xỏ lá ba que nào hơn cái xỏ lá này...Chết điếng dòng họ nhà quan.
                Còn trong nam, chữ đồ nghĩa là đồ,thế thôi,chứ không xa xôi,ám chỉ đồ là thứ nằm sâu trong lòng...quần chúng nữ... như ở ngoải. Bởi dị biệt như vậy,nên lúc trước,tui có nghe kể câu chuyện oái ăm về ngôn ngữ này xảy ra ở địa chỉ kinh B.Rạch Giá.Nơi có nhiều đồng bào ri cư,năm 54,sống gần gũi với dân địa phương.
             Trời chạng vạng tối,một anh nam bước tới nhà chị bắc kế bên,Chị bắc hỏi.
                - Anh đi đâu thế ?
                -Tui qua kiếm chị .
                - Có chuyện gì không ?
                - Vợ tui nó bỏ tui,nó xách đồ nó theo,kẹt quá,tui qua mượn đồ chị xài đỡ.
     Rầm,rầm,xoẹt,chị bắc rút ngay cây đòn gánh, phang anh nam chạy tối mắt tối mũi.
                 - Cha tiên nhân bố mày,cái thằng dở hơi kia,sao mày dám nói chuyện khốn nạn với bà như thế hả...?
     Chạy chết mẹ mà anh nam kia vẫn không biết vì sao mình bị rượt,tính qua mượn cái võng nằm đỡ mỏi lưng,vì có cái võng một trong nhà,con vợ cũ nó xách đi hồi nào không hay,chưa kịp nói hết đã bị ăn đòn gánh tới tấp.Né không kịp cũng dám có vé đi đoàn tụ với ông bà.
                 Cà kê dê ngỗng quá,trở lại chuyện tụi mình đi.
                 Năm 1972 là năm chúng ta ra trường,từ giã Thầy Cô,bạn bè,để chuẩn bị mỗi người một cuộc sống mới,một môi trường học tập mới.Chắc các bạn vẫn còn nhớ niên khóa 65/72 chúng ta tổ chức bữa tiệc chia tay rất trọng thể,nếu tui nhớ không lầm là tại quán " Tre " Tên quán có thể không trúng,nhưng quán chắc chắn ở đường Đinh tiên Hoàng,Đa Kao.Và quán này,chủ nhân không ai khác là chị già Khánh Ly. 
                  Sau khi ăn,uống,hát và nghe hát,rửa mắt,bình chọn sắc đẹp,là nhan sắc của những cô gái đại diện các trường bạn tới dự đó mà.Đứa chấm thiên nga,đứa phê cá sấu...Có cãi qua cãi lại để bảo vệ con mắt thẩm mỹ của mình,hấp dẫn lắm.Nói của đáng tội,có đất đai làm chứng,ngày xưa chúng mình học từ bé tới nhớn, toàn là củ cải với nhau không,hẻo quá,nên bây giờ gặp được vài cô nữ sinh hiện diện trước mặt,nói thiệt.Chả cần đẹp xấu.Cũng quá là mèo thấy mỡ.Thằng nào thằng nấy khoe mẽ như gà trống,sửa áo rồi nắn quần, kiểm tra lần cuối,coi có lệch pha chỗ nào không,nếu có thì sửa cho ngay ngắn lại,rồi mới tự tin bước ra...
                  Kết quả cũng chẳng được cái giải rút gì,chỉ được cái vui và thơ ngây hồn nhiên,y chang thơ Xuân Diệu.
                  Vậy đó tự nhiên mà họ lớn
                  Tuổi hai mươi chợt đến có ai ngờ.
           Cuối cùng chúng ta kéo nhau ra chụp hình kỷ niệm,từng lớp,từng nhóm bạn với nhau,tươi xanh,trong trẻo,chưa lấm tí cát bụi trần ai nào.Những tấm hình mà giờ này,bạn nào còn giữ được,thật đúng là siêu quý...đúng tên của nó là hình tư liệu...
            Chia tay ra về, lặng lẽ dắt chiếc PC cọc cạch,Khi ra gần tới cổng,liếc qua bên trái, tui chợt thấy chị già Khánh Ly.Chị đứng ngay giữa cửa của căn phòng gần quán cafe,mặc áo dài,khoanh tay,mỉm cười,lặng lẽ đứng nhìn,lặng lẽ gật đầu chào lại những bạn nào đang đi gần đó chào chị.
              Đó là lần đầu tiên tui thấy chị...Chỉ thế thôi,nhưng trong lòng tui đã mến chị...Có lẽ là do cử chỉ lịch sự và nhã nhặn của chị đã gửi đến những người bạn của tui,qua cái gật đầu đáp lễ xã giao.Với tui.Chị là người hiểu biết.Vậy thôi.
              Tôi vốn hèn mọn như cỏ dại.Chị già có biết ? Cỏ dại mừng biết bao nhiêu khi nghe chị nói như thế...
              Cùng các bạn của tui.
              Cũng lê thê lắm rồi,tạm ngưng đi,hẹn lần sau,nếu có gì vui,tui lại tám tiếp với các bạn...Còn hai con mắt...
  
                               Đức Thi.
                 
               
            
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét