Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

NHỚ VỀ ...NƠI CHỐN CŨ

Bạn bè thân mến.
     Hôm nay tui muốn kể cho mấy bạn nghe vài câu chuyện nho nhỏ về xứ Bạc Liêu.Nơi mà thời trai tui đã sống ở đó được hơn 2 năm.Nên ít nhiều cũng có những tình cảm và kỷ niệm nơi xứ sở độc đáo này.Sở dĩ có ý tưởng trên vì mới rồi ngồi coi tivi,thấy một cô ca sĩ hát bài về Bạc Liêu mà trật lất quá,vừa nghe vừa cười cho cái sự ngây ngô của mấy anh thợ nhạc sửa lời trớt quớt,qua đó bất chợt một dĩ vãng đẹp đẽ của ngày xa xưa chợt về,nên ngồi nhớ lại kể cho bạn bè nghe,khi mô nó có chợt đi,mình cũng không nuối tiếc...Vì đã kịp kể cho mấy bạn nghe rồi.
      Cô ca sĩ hát như thế này :
 -  Bạc Liêu là xứ quê mùa...Dưới sông cá chốt...Trên bờ Triều Châu...Câu hát trong bài Bạc liêu hoài cổ.
       Hát như thế là sai nhiều lắm,câu gốc của nó là đây :
 -  Bạc liêu là xứ cơ cầu...Dưới sông cá chốt...trên bờ Triều Châu.Theo tự điển giải thích thì cơ cầu là chữ cũ.Có nghĩa là nghiệt ngã,hiểm độc,khổ cực,thiếu thốn...Nói như vậy mới rõ ràng là xứ Bạc Liêu,chứ vào thời đó ở miền Tây,chỗ nào mà chẳng quê mùa ?Ở cái xứ cơ cầu như vậy thì từ hồi xa xưa có ai dám tới ở ? Chỉ người Triều Châu chạy loạn cùng Mạc Cửu,theo đường Rạch Giá xuống  là nhiều hơn ai hết thảy,nhiều đến nỗi có câu ví rất ác chiến là dưới sông cá chốt...trên bờ Triều Châu...Nó ác đến nỗi cụ già học giả Vương hồng Sển,sanh đẻ tại Sóc Trăng,láng giềng với Bạc Liêu,cũng là người có lai gốc Triều Châu,đã phải thốt lên rằng...Ai mà ví ác nhơn ác đức vậy nè trời...Vậy nó ác chỗ nào...xin thưa .
    Con cá chốt nó thích ăn gì nhứt ? Cái thứ chủ yếu khoái khẩu của nó Mỹ gọi là shit...Pháp gọi là caca...còn ta...xin lỗi trước..gọi là cứt.Đến đây các bạn đã biết thế nào là ác rồi chứ ? Bản thân tui đã từng thấy cá chốt nghẹt một khúc sông luôn mỗi khi sáng sớm...là lúc mấy đứa nhi đồng í ới gọi nhau ra bờ sông thả mìn đón bình minh...Chào ngày mới.So sánh người Tiều với loại cá chuyên sực caca như vậy,thì quả thực ông bà ngày xưa cũng quá ư là hiểm độc và nghiệt khẩu vô cùng.Vậy mà bây giờ có người đặt thành bài ca,nghe cũng du dương,lai láng,trữ tình,tha thiết,có tính quê hương cao đáo để.
    Đây tui đang nói về thời năm nẳm.Trong lúc trà dư tửu hậu,tui có hỏi người địa phương,mấy cụ lão thành nói theo lời kể của ông bà họ để lại.Dưới sông cá chốt nhiều như thế nào thì người Tiều trên bờ cũng nhiều như thế đấy.Vậy giá trị con cá chốt lúc bấy giờ ra sao...xin thưa lúc đó thực phẩm nhóc nhen,con người chưa đông,nên ít ai chịu ngồi đó mà ăn cá chốt.Chứ đừng nói chi làm mắm cá chốt để dành lúc trời nắng...cực ăn như ngày nay.Chỉ cần một người,và chừng một giờ ném lưới thôi,là đã có cả thùng thiếc cá ...Và số cá này,họ cũng không rảnh để làm món cá chốt kho nghệ như em của ngày hôm nay để rồi được đẩy lên thành hàng đặc sản của xứ Bạc.Đơn giản là lúc bấy giờ chẳng ai thèm ăn.Vậy cá nhiều như vậy họ làm gì đây ? Xin trả lời mai mốt anh về là họ đem bán cho những chủ vườn nhãn để làm phân cho gốc nhãn.Những vườn nhãn dài cả chục cây số dọc theo bờ biển.Nhãn hột tiêu Bạc Liêu nổi tiếng ngon,ngọt cũng một phần là nhờ cá chốt ủ gốc cộng với thổ nhưỡng đặc biệt nơi đây.Vậy thì so sánh người Tiều giống như loài cá rẻ tiền không có giá trị cao chỉ dùng để làm phân thôi.Thiết nghĩ,về mặt ngôn ngữ,ta cũng thấy dân Bạc Liêu cố cựu cũng là những tay giang hồ hiểm ác chứ không phải chơi.
    Nói về Bạc Liêu không thể không nhắc tới công tử Bạc Liêu,đương thời được gọi là cậu Ba Huy,còn được biết tới tên Hắc công tử nổi danh.Tui đã từng sải những bước dài trên những sở ruộng của cậu Ba Huy,nơi mà không phải ai là dân Bạc Liêu cũng có thể đặt chân tới được,vì đó là vùng chiến sự vô cùng ác liệt,phải nói là cò bay thẳng cánh,ngút ngàn con mắt,nhưng lúc đó chỉ dành cho cỏ mọc.Cũng trong bài ca đó có câu : Nghe danh công tử Bạc Liêu...Lấy tiền nấu trứng ...tỏ ra mình giàu...Về truyện này cụ Sển kể lại rất hay...Cụ có gặp cậu Ba Huy ở SG,lúc này cậu Ba già và hết tiền rồi.Cụ hỏi về giai thoại lấy tiền nấu trứng có không...? Cậu Ba trả lời...Tao chơi là chơi bất kể,tiền bạc đâu có sá chi...Nhưng tao đâu có khùng mà làm chuyện tầm bậy,mày nghĩ coi bao nhiêu tiền mới nấu sôi nồi nước,chứ đừng nói chi tới trứng...Tại chúng ghét tao, nên chúng phao tin tào lao cho thêm nhiều người ghét...Theo cụ Sển thì cụ tin lời nói cậu Ba Huy là thực...vì cụ Sển biết cậu Ba Huy còn có biệt danh là công tử kẹo...móc hộp quẹt hút thuốc làm rớt tấm giấy 5 đồng, còn mò kiếm tá lả giữa rạp hát nói chi tới đốt tiền lấy le...So kè với Bạch công tử.Với lại hồi đó cậu Ba hay có tật cho gái tiền búa xua lúc mới quen,xong một thời gian,biết có bao nhiêu nút ruồi rồi,thế nào cũng xài ngón đểu( chữ của cụ Sển )giả đò thua me,kiếm bài cào gỡ,tìm cách mượn tiền,hay mượn lại vòng vàng,nhẫn hột đã cho bảnh lúc trước,mang vô tiệm cầm đồ, số tiền đó dĩ nhiên cậu không bao giờ trả...Và cậu cũng lánh mặt luôn trên chiếc xe hơi 8 máy,mà cả miền nam lúc bấy giờ chỉ có cậu và thống đốc Nam kỳ sở hữu,ngày chạy mấy trăm cây số ngàn,có giỏi lội bộ theo mà bắt ( chữ cụ Sển )Theo lối nói bây giờ là cậu Ba đã đổi sang tên Hàn Quốc là Chơi Xong Dông.Nên em út biết tật,hốt tiền cậu Ba xong là tìm sách học cho thuộc bài " tẩu mã " Người như vậy làm sao dám mang tiền mình đi đốt ? Học giả kết luận.
   Trên đây là những gì tui biết được qua sách cụ Sển để lại.Kể mấy bạn nghe để biết thêm một vài thông tin thú vị.Còn đúng sai ra sao tui không biết,nên không dám bàn tới.
   Lúc ở Bạc Liêu tui để ý.Hình như dân ở đây tuy không nói ra,nhưng có vẻ hài lòng vì mình là dân Bạc Liêu,xứ của công tử.Nên tánh ăn chơi cũng có vẻ thoải mái lắm,làm gì cũng hơi nhuốm màu anh chị,thả giàn...Giữa dân Sóc Trăng và Bạc Liêu không ưa nhau vì câu nói hơi lố của dân Bạc Liêu sau đây.
         - Bạc Liêu ăn cá bỏ đầu
         - Sóc Trăng lượm lại,xỏ xâu đem về.
   Qua câu này ta cũng thấy vẻ hơi lớn lối của dân Bạc Liêu. Cũng vì câu nói trên, đã có những cuộc đánh nhau rất kịch tính giữa thanh niên hai tỉnh lúc trước,mỗi khi có dịp gặp nhau.Như những sự kiện thể thao chẳng hạn,nhất là đá banh.Thật chẳng hay ho gì.
    Về ẩm thực,Bạc Liêu có một đặc sản ít thấy nơi nào có.Vì giáp biển,nên có món gạch cua rất hấp dẫn.Còn nhớ năm nào,tui và ba người bạn bước vô một quán ăn của người Tiều.Kêu một dĩa gạch cua nhậu sơ khởi...Đất đai ơi,thằng tửng người Tiều,có nghĩa là thằng nhỏ,nó khệ nệ hai tay bưng ra một dĩa hột xoài muốn bự hơn nó.Toàn là gạch cua không ,chẳng pha trộn một món đệm nào khác.Không biết bao nhiêu là ký cua mới được dĩa gạch này ? Xào theo lối Tiều,béo béo,thơm thơm,ngậy ngậy,nhưng ăn lại không ngán,lấy muỗng xúc cho vô chén,chan một chút tương ớt xí muội.Để vô miệng thấy phao,tự động tan,nuốt gọn.Nhấp một ngụm rượu Ngũ gia Bì,phải chơi nguyên ly xây chừng mới thấy cái đờ a đa ngã đã..Tính kêu nhiều món,nhưng chỉ nội dĩa mồi đó thôi đã chới với,cộng thêm hai hũ Ngũ gia Bì.Tui còn nhớ rõ,trên đường băng sân bay Bạc Liêu hôm đó,có bốn ca sĩ giọng rè hát vang bài ca thịnh hành lúc bấy giờ...Tout l'amour que c'est pour toi...là la la...lá la là...rồi lại tout l'amour...ầm ầm trong đêm thanh vắng.Ôi...kỷ niệm...
   Ở Bạc Liêu có một quận tên là Vĩnh Châu.Tui có ở đây một thời gian,bây giờ Vĩnh Châu thuộc về Sóc Trăng.Nơi nổi tiếng về trồng hành.Ngày xưa tui ở không thấy ai trồng hành mà mù mắt.Bây giờ hổng biết tiến bộ xài thuốc ra sao mà con người ta thành hiệp sĩ quá nhiều.Thật là tội nghiệp.Xứ này độc đáo ở chỗ là người ta giao tiếp với nhau bằng 3 thứ tiếng.Việt,Miên,Tiều...Vì có 3 sắc dân ở chung với nhau rất là đặc biệt...Nếu người Việt nói tiếng Việt,người Miên nói tiếng Miên,còn người Tiều nói tiếng Tiều thì đâu có gì đặc biệt.Họ đặc biệt ở chỗ là nói chồng chéo cả 3 ngôn ngữ với nhau,Vừa Việt,vừa Miên và Tiều chêm vô.Mới nghe ai cũng rất lạ lùng.Nhưng dân ở đây đều hiểu,và đều xài thoải mái cái ngôn ngữ lạ kỳ này...Vô chợ Vĩnh Châu là nghe đều trời một tiếng như vậy.Rất tiếc là tui ít chịu học hỏi,nên không nhớ nhiều,chỉ ghi ra thí dụ nhỏ như sau :
 -  Bữa nay tâu na hà ý ?......Tâu na là tiếng Miên...Ý là tiếng Tiều,nghĩa là dì .Dịch là bữa nay dì đi đâu vậy ?
 -  Tâu tê thăm chừng a Nứng bịnh à ..Tâu tê là Miên...a nứng là anh rể tiếng Tiều....Đi chợ thăm chừng anh rể bị bịnh.
     Vậy đó,họ nói như thế mới là độc đáo có một không hai.Mới nghe cũng lùng bùng lỗ tai lắm chứ nào chơi.Và đặc biệt nhất là con gái...chu choa các bạn ơi...theo tiếng địa phương là đầu gà đít vịt,con gái lai...tuyệt vời.Tiếc cho các bạn thời trai không có dịp để ghé nơi này,để chiêm ngưỡng những tinh hoa của đất trời,những báu vật của thiên nhiên,mà công lớn thuộc về các anh,các chị,các hia,các chế,các bòong,Việt,Tiều,Miên,nhiệt tình trong quan hệ sản xuất,vui vẻ hợp tác đúc ra.Đẹp mặn mòi,đẹp với dáng chắc khỏe chứ không ẻo lả như dân đô thị.Cụ Vương hồng Sển có nói quê ông thường khuyên con trai nên lấy vợ lai,vì lấy vợ lai sẽ không bị đau lưng.Còn tại sao không đau lưng thì ông không giải thích được.Câu này là tui chép nguyên văn của Cụ,chứ tui không có thêm bớt chữ nào...Đẹp...đẹp lắm..Ban ngày các cô gái đẹp không có xuất hiện đâu,họ luôn ở trong nhà hoặc ngoài rẫy...Chỉ đến khi có lễ hội,ta mới giật mình.Ở đâu ra mà như những thí sinh đi dự thi hoa hậu thể thao thế này.Nói có Thổ Địa làm chứng,vì có mối rồi nên tui đành chịu phép.Vì xứ này ăn là ăn thiệt chứ không có chuyện ăn chơi,ăn tráng miệng.Nên tui chỉ dám đứng ngắm và chắt lưỡi hít hà.Xin đừng tưởng dễ vô,những cô gái đó rất nghiêm trang,không dễ gì mà nói chuyện được với họ nếu không có sự cho phép của gia đình.Nó làm cho tui liên tưởng tới cảnh Michael tới xứ Corleone ở Sicily, gặp người vợ đầu tiên Apolinaire trong phim Bố Già vậy.Và cũng tại đây,lần đầu tiên trong đời,thằng cựu học sinh trường trung học Hồ Ngọc Cẩn,tỉnh Gia Định là tui, được ăn món vịt nấu chanh muối trứ danh của người Tiều...Ngon không thể tả...ngon cho tới tận bây giờ..
    Nói là nói về con gái đẹp thôi,hạng ưu với tối ưu,còn bình với bình thứ thì gặp hà rầm,con gái đẹp thời nào cũng giống nhau ở chữ chảnh...Mà tui thì tui luôn khoái con gái chảnh...Chút xíu nữa tui sẽ nói thế nào là gái đẹp trong mắt con trai Pồ Lé..Bạc Liêu tiếng Tiều gọi là Pồ Lé đó.
    Ta đi tiếp tới vùng Giá Rai,nơi có cánh đồng Nọc Nạn nổi tiếng giáp Cà Mau.Có một lần dẫn đại đội hành quân,đang đi cặp bờ sông thì có lịnh tiểu đoàn đưa xuống là " bẻ cổ" tức có nghĩa là vượt sông,thông thường là tự túc tìm phương tiện,vì đây là đột xuất,gặp ghe thì ngoắc ghe,gặp xuồng thì xuống xuồng.Hôm đó ngoắc được khá nhiều ghe,gom lại hết để rồi qua sông một lượt,trong đó có cái ghe hơi trộng trộng,chạy máy dầu F6.Nguyên tiểu đội trong ban chỉ huy bước xuống.Trên ghe là hai chị em.Khi mũi ghe được xô ra,ghe bắt đầu lướt mới để ý.Đây là ghe đi bán cá.có mấy thùng bằng tôn gò đựng cá nằm dọc theo khoang ghe.Cô em còn nhỏ cầm mũi,cô chị cầm lái coi ngộ gái quá,nhưng nét mặt không được vui,mà vui sao được,đang chạy ngon trớn bị ép vô chở lính là nực trong mình rồi,nhưng không dám nói ra.Ngồi kế thằng cầm máy truyền tin là anh trung sĩ trẻ...Rớt tú tài anh đi trung sĩ mà...Tui thì lo chăm chú nhìn về bên kia và phía dưới khúc sông,nơi mình sắp cập bến,coi có động tĩnh gì không,nào dám để ý chuyện chi...nhưng chàng trung sĩ thì rảnh,nên mở lời..
  - Cô ơi,xin lỗi cô thứ mấy ?
  - Thứ ba...
  - Cô Ba đi đâu đây ?
  - Đi chợ...
  - Cô Ba đi chợ làm gì sớm vậy ? Suy nghĩ hơi lâu chàng trai mới tung ra được câu hỏi.
   - Bán cá...
   - Cô Ba bán cá gì  ?...Giọng chàng trung sĩ cũng hơi nản vì thấy cô gái không mặn mà bắt chuyện,còn anh em trong đơn vị lại đang mím chi cười. 
      Đang chăm chú theo dõi địa hình,nhưng tai tui vẫn không bỏ sót lời đối thoại nào. Bỗng tui giật mình như nghe tiếng mìn nổ,tiếng cô gái trả lời.
    - Cá Sạo...Cả ghe cười rần rần...
  Anh chàng trung sĩ quê Bình Dương mất bình tĩnh,giọng lắp bắp,giận quá mất khôn rồi..
   - Tôi..tôi ..hỏi cô đàng hoàng,cô...cô..không muốn nói thì thôi...sao...sao cô lại chửi tôi xạo...Cô coi chừng tôi nghe.
    Thoáng thấy một chút sợ hãi nơi cô gái,tui phải can thiệp,cố nén cười nhưng không kìm được,tui đành vừa cười vừa nói.
    - Thanh,em làm gì lớn tiếng hăm he vậy ? Em hỏi gì người ta trả lời cái đó,con gái ở quê người ta ngại tiếp xúc với người lạ,chứ đâu nhiều lời như con gái ở chợ.Còn xứ này có con cá sạo chứ sao không.Tại em không biết nên em hiểu lầm người ta...Muốn biết cá Sạo ra sao,lúc nào rảnh ra chợ Giá Rai,hỏi người bán cá,người ta chỉ cho...Thôi,xin lỗi và cám ơn người ta cho quá giang đi...Sắp tới bờ rồi...( Còn các bạn,ai muốn biết cá Sạo ra sao xin hỏi bác Gù )
     Ghe cặp cái doi đất,lính tráng lên hết rồi,tui quay lại,và đây là hình ảnh tui nhớ mãi không quên.Chống mũi ghe trở lui ,hai chị em cô gái cười quá trời là cười trong tiếng nổ của máy Yama F6.Tiếng cười ngặt nghẽo,trong trẻo hồn nhiên của những cô gái Bạc Liêu dạn dày mưa nắng.Coi sóng gió cuộc đời nhẹ như chiếc lá.Bình tĩnh trong hoàn cảnh để biến chàng trung sĩ của tui thành anh hề bất đắc dĩ.Cám ơn em đã cho tui những tiếng cười mà dư âm còn mãi tới bây giờ...Ôi...nhớ sao là nhớ.
      Cuối cùng mời các bạn nghe mấy câu hò rất có duyên của con trai xứ cơ cầu này như sau :
           Hò ơ...Người Bạc Liêu đẹp thì nhờ lụa.
           Lúa Đồng Tháp tốt thì nhờ phân.  
           Thật ra chỉ đúng có một phần.
            Chớ... con gái Bạc Liêu thì phải...
            Hò ơ...Con gái Bạc Liêu phải... ở trần mới xinh 
                                  ----------
            Hò ơ...Ai về ghé miệt Bạc Liêu.
            Con gái ở đó nở nang khác thường.
            Mỗi khi mặc áo hở lườn...Hò ơ...
            Cụ già ngó thấy...thì hết đường đi luôn..
                                   -----------
             Hò ơ...Thò tay anh ngắt cọng ngò
             Thấy em thay áo,anh giả đò ngó lơ.
              Bên ngoài giả bộ thờ ơ...Hò ơ...
              Nước miếng anh chảy...Nãy giờ em biết không...
    
     Bây giờ xế bóng,tóc bạc rồi tóc hói.Rửa mặt thì lâu,gội đầu thì chóng.Nước miếng còn đâu nữa mà chảy em ơi.
     Chúc các bạn của tui luôn vui vẻ,yêu đời,yêu người...Yêu như chưa bao giờ được yêu thì càng tốt....

      Đức Thi.
      
  
 
  

1 nhận xét:

  1. Cám ơn Bác đã có một bài kể chuyện tiệt là hay về xứ Bạc Liêu.
    Con là người Bình Định chưa một lần đến xứ Pố Lèo nhưng nghe Bác kể con cứ như đang ở đó vậy!
    Chúc bác nhiều sức khỏe!

    Trả lờiXóa