Thứ Ba, 8 tháng 8, 2023

TRI TÔN, SWATON, TZAITÓN (Lưu Nhơn Nghĩa - 2006) Hồi xưa, theo thầy Xét, giáo viên trường Việt Miên Tri Tôn, nói chữ Swaton, nghiã là khỉ đu, có người nói là khỉ kéo. Ngày xưa, chừng 100 năm trước, khỉ nhiều, dám ra kéo người. Chữ Swaton phải có trước, vì xứ nầy thuộc Miên lâu đời. Dân Miên ở dọc theo chân núi. Từ chữ Swaton, dân Triều Châu đọc thành âm Tzai tón, âm Hán Việt của Tzaitón là Tri Tôn. Thứ tự nầy xem hợp lý. Dân Miên ở Sóc quanh núi, chỉ có các gia đình công chức, lai Tàu mới ở gần chợ. Quanh chợ người Tàu mở tiệm buôn. Dân Việt sống theo kinh làm ruộng. Ba nhóm nầy gặp nhau tại chợ, buôn bán trao đổi, buổi trưa, ai về với Cộng đồng mình, như nước với dầu khó pha trộn. Dân Tàu có thể hoà đồng với dân Bòn ca, buôn bán, tin nhau, lại có thể sống như dân Việt vì cùng văn hoá, phong tục. Sau 1960, mới thấy Việt hoá nhiều, qua đường học vấn, ai cũng phải học tiếng Việt, trường Việt, nếu không muốn thiệt thòi. Dân Việt và Miên khó hoà đồng vì lý do địa lý, một bên ở trong Sóc gần núi, chiều về, quay quần trong Sóc, ra chợ xa làm gì. Dân Việt ở ruộng, không lẽ vô núi thăm ai ở đó. Dân Tàu quanh chợ đa số gốc Triều Châu, có vài gười Hẹ (Khách nán), Phước Kiến, hình như không có người Quảng Đông. Họ từ bên Tàu qua, thế hệ đầu, hoặc thế hệ thứ ba, bốn, tên còn âm Tàu, Nghỉ ( Nghiã ), Khén ( Cường ). Củ tư tôi tên Dù Ỵ (Như Ý + ngọc Như Ý), ăn Tết ai cũng thích ổng ghé nhà lấy hên. Lúc học trường Việt, đọc sử, thấy tướng Trần Bình Trọng anh hùng, ổng đổi tên luôn. Người trước tôi một thế hệ, tên đều đọc theo âm Tàu, Kia Mẫu, Lào Tia, Tà Dú. Danh xưng gia đình kêu theo Tàu, hia, xố (chị dâu), củ, kiểm, ý, tiả … Chợ có 3 tiệm cà phê hủ tiếu lớn. Tiệm ở chợ của chệt Can, bán đắc buổi sáng, vì ngay địa thế đầu chợ, góc đường. Tiệm chệt Xên Kim ngả tư đường ra Châu Đốc, đắc nhứt dân Sóc ra và ngay bến xe. Tiệm Nam Châu là căn phố lọt trong nên bất lợi. Chiều chiều, dân Tàu thỉnh thoảng tụ tập tiệm cà phê bàn chuyện thời sự, uống ly cà phê đen, mấy bình trà theo sau miễn phí. Thường bàn chuyện làm ăn, về Chợ Lớn, chuyện bên Tàu cho người chưa về Tàu lần nào nghe, mấy ai biết chữ Tàu. Năm đó, báo Tàu Chợ Lớn có đăng trận đánh ở Cà Mau, quận Đầm Dơi. Đọc chữ "bian fú" (biên bức), mấy ông ngồi cả buổi tối quanh bàn, tốn bao nhiêu bình trà, chệt Xên Kim sốt ruột, biết là loài thuộc bộ trùng, mà không biết tiếng Việt là con gì. Củ Khai Phến, có học trường Tàu Bạc Liêu, lại ở gần Cà Mau, nói đúng là con dơi, hay quá. Từ đó có uy tín, dù củ chỉ đủ khả năng ra toa thôi. Có lần, củ viết chữ Thiền, bộ "y", thay vì bộ "kỳ" vài người biết chuyện, nói móc, "Chùa thiếu áo, lạnh quá, được củ Phến cho cái áo mặc cho ấm, có phước". Mạnh ai nói thổ ngữ mình, có ông thầy Tàu, ít nói, không chơi với ai, ý như ông là dân có học, biết "Kọc Ngứ" (Quốc ngữ = tiếng phổ thông = mandarin), nhưng ông không làm thầy, chỉ lo bán lá lợp nhà. Hầu hết nói thì nhiều, đọc viết được thì ít. Xứ dựa vách núi, thời trước, di chuyển đến vùng nầy rất khó khăn. Mãi tới ngày gần đây, nhiều người chưa ra tới Châu Đốc, tỉnh gần nhứt. Dân Việt Miên Tàu có bao nhiêu chữ xài bấy nhiêu , đủ rồi. Lâu lâu, có gánh Sơn Đông, hát bội cải lương tới hát, khi dọn đi, để lại vài từ ngữ hay hay, bà con Việt Tàu (trừ Miên) mang ra áp dụng triệt để. Gánh Nam Hồng hay Công Lập để lại chữ "dĩ vãng" hay quá. Cái gì cũng "dỉ dảng", bán lổ lả cũng "dỉ dảng". Già Lưu minh Đơ, hiền lắm, vợ đưa tiền đóng hụi, ghé đá gà, thua sạch, tối mới vác mặt về. Vợ hỏi, giả trả lời, "lở vô trường gà, dỉ dảng rồi", vợ nổi cơn làm dữ quá, giả bỏ đi vừa khóc "tao đi tự vận dỉ dảng cho mầy coi". Khuya chờ không thấy giả về, nhà tốc đi tìm, sợ giả cuồng trí "dỉ dảng" thiệt, thấy giả đang ngồi sau lò heo, bẻ mía nhai rào rạo. Chữ "hoàn cảnh" cũng hay tuyệt. Xừ Châu, làm tà lọt trong Văn phòng Xã, mua khoanh dây chì, tôi vác hai khoanh dây chì đi theo, nghe nó nói trầm trầm, "Nghỉ à, tao không học cao như mầy, vì hoàn cảnh, mấy thấy hôn? , hồi nhỏ hoàn cảnh cha mẹ tao nghèo, không có hoàn cảnh học. Mầy có hoàn cảnh cha mẹ có tiền" … Tôi vác một khoanh dây chì trên vai, nặng, xách thêm khoanh khác cũng nặng, tớí chổ muốn hụt hơi. Hoàn cảnh mà, biết sao, Châu ơi. Sao mầy không thông cảm xách tiếp cho tao một khoanh ? Từ củ Khai Phến, ra chữ "màu thénh" (mâu thuẫn, hình như củ có kể chuyện cái mâu và cái thuẩn trong chuyện cổ Tàu). Ông già tôi thấm ý, vừa về gặp thằng em tôi trốn học, ông ứng dụng ngay. "Cái thằng mâu thuẫn mà, có tiền lo cho nó học, không lo học, mâu thuẫn hết sức. Lần sau, thằng em khác chạy Honda té bể gối, ông ngồi trên chỏng, "đã dặn chạy chậm mà không chịu chạy chậm, mâu thuẫn quá trời, con cái bây giờ toàn là quân mâu thuẫn" . Chữ "thông cảm" thông dụng trong giới xe đò. Đậu chờ khách cho đã, mở máy bóp kèn, "lên xe đi, chạy rồi cô bác ơi ", rồi tắt máy đậu chờ, ai than phiền thì "Thông cảm mà cô bác ơi, bửa nay đói quá, thông cảm, cho thêm 5 đồng tiền cái thúng bưởi, nặng quá, thông cảm chị ba ơi". Gặp Cảnh sát, "thông cảm mà xếp ơi", cộng với cái bắt tay kẹp vài chục cho thông cảm. Lưu Nhơn Nghĩa (2006) Hình ảnh từ Internet.