Em Tôi Khát Sữa Bú Tay
· Cám ơn Hiến cùng tiếng hát ru đưa võng ‘Má ơi, về em bú ’
***
Trận mưa đầu mùa nặng hột trong cơn nắng oi nồng, đất bốc hơi hừng hực. Ai cũng sợ ngã bịnh bất nhờ vì thời tiết; chỉ có bầy cá lìm kìm, cá lòng tong nhởn nhơ lội từng đàn trên mặt kinh.
Dì Tư Thà bương bả chạy dọc theo bên kinh tìm kiếm, miệng lảm nhảm như cuồng trí. Những chiếc ghe bầu chất đầy nồi đất chòng chành đậu chen chúc chung với đám xuồng trầu. Dì Tư đếm từ chiếc xuồng, chiếc ghe. Lạ quá, chiếc ghe bầu cho đoàn hát bội đâu rồi? Dì Tư Thà run rẩy đi một mạch về nhà, ngồi sầm xuống chõng tre, kéo vạt áo chùi nước mắt, chữi rủa:
‘Tổ cha bây, quân dụ dỗ!’
Dì dáo dác nhìn ra cửa, sợ có người nghe thấy, khóc rưng rức một mình, vừa đấm ngực thình thịch.
Ít ai để ý biết chiếc ghe bầu cho gánh hát bội đi từ lúc nào, ‘mới hôm qua đào kép còn ăn cháo đậu với dưa mắm ngoài chợ mà!’ Gần nửa tháng trước, ghe cặp bến đầu kinh, che rạp, dựng sân khấu giữa chợ trình diễn.
Chợ quê vui hẳn lên. Buổi trưa xe lôi chạy vòng chợ vỗ trống, phát tờ quảng cáo. Trước rạp treo những tấm ảnh lộng khuôn lớn của đào kép. Mấy ông sồn sồn nhìn ảnh các cô đào cũng thấy lòng hớn hở, trách chi đám thanh niên trẻ. Nào đào Tư An tóc uốn sáu sóng, miệng lấp lánh răng vàng; kép Năm Hội chải tóc bảy ba; hề Mười Chốt nhìn anh đã muốn cười...
Trước rạp, nhóm thêm một buổi chợ đêm, thơm mùi nem nướng, cháo chè, bánh trái. Sự hiện diện của gánh hát gây phấn khởi phá tan cái im lặng nhàm chán thường ngày. Già trẻ bé lớn đều mê hát đêm quên ngủ, ngày quên ăn.
Ông Cả Lầu nghiêm nghị uy tín được giới chức đề cử danh dự cầm chầu. Ông phải từ chối nhiều lần nhưng để khỏi phụ lòng người, ông đành nhận; dù tuổi ông khá già, ra khỏi nhà chỉ đi xe lôi, ít khi thấy ông đi bộ.
Trong rạp hát đông nghẹt, ồn ào hoặc mất trật tự. Thanh niên la hét cổ võ cô đào khả ái; ông Cả chỉ cần nghiêm nét mặt, giải quyết nhanh chóng. Ông nhịp ngón tay trỏ, chỉ mặt một cô gái sừng xỉ vì thiếu ghế ngồi, ông gằn giọng ‘Nói mà nghe, chớ hổng phải nói mà xon xỏn vậy à nghe!’ Rồi ông liền taytát cô gái chúi nhủi, đuổi ra khỏi rạp, đủ thấy uy quyền ông đến độ nào rồi.
Ông Cả lại là người khí khái, luôn luôn thực hành câu ‘kiến nghĩa bất vi vô dõng giả’. Ông thương gánh hát bội nghèo nên bỏ tiền mua giàn gần mười đêm ‘lời lóm gì đó!’.
Ông thường lắc đầu, ‘Tội nghiệp hết sức, đào kép ăn uống kham khổ, thân tằm trả nợ dâu, mang nguồn vui cho dân quê mình’. Mỗi đêm, ông hy sinh thân già nghiêm chỉnh như vị tướng chỉ huy - trước cái trống chầu - ông biết thế là dại dột, nhưng trách nhiệm nặng nề đòi hỏi sự công bình; ngoài ông ra, khó tìm người đủ tài đức, ham gì cái nghề ‘làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu’ đó.
Thật vậy, tuy tay chầu ông công bằng, mà vẫn có người xấu mồm xấu miệng châm biếm, làm như chuyện ‘cầm chầu’ là chuyện chơi chắc! Ông Cả cảnh cáo nhiều lần những kẻ suy bụng ta ra bụng người phao tin nhảm. Họ đặt điều, nói ông bị cái liếc mắt của cô đào Tư An vai Tôn Phu Nhơn làm mê mẫn, nên tay chầu ông liên hồi, ông Biện ngồi bên ghi không kịp. ‘Ừ, thì đào Tư An diễn xuất hay, làm sao chầu lơi được! Còn kép Năm Lai vai Chu Du không diễn tả được sự nóng nảy, lại trách ông chầu lơi, vô lý’.
Truy ra mới biết ông Hương Quản Ái bán đám ruộng dưa hấu lấy tiền sắm quần lãnh Mỹ A cho đào Tư An. Bị vợ phát giác cấm hẳn coi hát, Quản Ái ganh tị phao tin nhảm nhí. Ôi! Miệng đời, ‘trâu cột ghét trâu ăn!’. Ông Cả giận nên thôi mua giàn, bỏ cầm chầu cho hả giận, lại mắc tiếng oan là bị bà Cả mắng nhiếc ông ‘đồ trâu già đòi ăn cỏ non’. Từ đó đoàn hát vất vưởng, sống tuỳ số khán giả vô cửa và bà con tốt bụng, trong đó có dì Tư Thà. Mỗi buổi trưa, dì thường sai con gái tên Ðẹp bưng cháo mời đào kép. Ðẹp thương mẹ nên vui vẻ và nhanh nhẩu, nhứt là dành tô cháo nhiều thịt cho kép độc Ba Nhu, vai Trương Phi, râu đen tua tủa hào hùng đứng trên cầu Ðơn dương trường bản hét như sấm nổ, đảy lui quân Tào Tháo. Ðôi mắt sáng rực hùng khí và tiếng dậm chân làm mềm lòng cô khán giả tên Ðẹp hằng đêm.
Càng say sưa coi hát, Ðẹp càng chán ngấy công việc hằng ngày, nào cạo cho sạch đống lòng ruột heo, rang gạo nấu cháo, thức khuya dậy sớm. Ðẹp kể về Ba Nhu nghe bắt mê. Dì Tư Thà cảm thấy có điều gì bất thường xảy ra, nhưng thoáng nghĩ đến, rồi lại quên đi ngay và dì không nghĩ xa hơn. Dì Tư thường nhắc:
‘Trồng trầu trồng lộn dây tiêu,
Con theo hát bội, mẹ liều con hư!’
Ðẹp lại nghĩ ngược lại, giống như Ba Nhu nói, nàng tập dượt vài năm có thể thay thế đào Tư An trong tuồng Phấn Trang Lầu.
***
Tiếng bằm thịt đều đều như nhạc ngựa từ các tiệm nước đánh thức người buôn gánh bán bưng dậy cho kịp buổi chợ mai; vừa lúc chiếc ghe bầu chở gánh hát bội rời khỏi bến. Con nước đổ ngược vào nên việc chèo chống nặng nề chậm chạp. Thêm mấy người trạo phu đi bộ dọc theo đê quàng dây kéo ghe qua khúc kinh cạn.
Ròng rã suốt ngày, gần chiều mới tắp vào nghỉ tại bến Kinh Xáng Vịnh Tre.
Trong khoang ghe, Ðẹp ngồi im lìm suốt ngày, ngơ ngác nhìn chiếc Xáng chìm cao vòi vọi đứng chơ vơ giữa đồng. Trong ghe chật hẹp, mỗi lần di chuyển phải né tránh đồ đạc ngổn ngang, y trang của đào kép treo la liệt, nực nồng mùi mồ hôi ẩm. Ðẹp tự hỏi không hiểu sao trên sân khấu, cũng cái nón cái áo rực rỡ nầy mà bây giờ giống đống giẻ rách, thua đồ thợ mả!
Ðẹp càng lúc càng lo âu, dù khuya nầy táo bạo ôm gói áo quần âm thầm xuống ghe theo Ba Nhu thực hiện ước mơ làm đào hát. Nhìn bàn thờ Tổ màn đỏ che, khói nhang lắc lư theo mỗi bước đi lẹp xẹp của người trên mui ghe, Ðẹp cầu cho tổ đãi.
Sau lái, mấy người đàn bà đang sửa soạn cơm chiều, lui cui thổi lửa. Ðàn ông ngồi trước mui và trên ghe nói chuyện lào xào. Ðẹp ngó tới ngó lui, hỏi thầm: ‘Ðêm nay nằm ngủ chỗ nào?’. Trong ghe hầu như chỉ có khoảng trống duy nhứt nằm tạm được trên tấm màn sân khấu xếp lại.
Ðẹp rụt rè hỏi người đàn bà đang lặt rau sau lái.
- ‘Chị à, đêm nay tôi ngủ ở đâu chị?’
Người đàn bà niềm nở trả lời:
- ‘Ở trước mũi, sau lái, trên mui, đâu mà không được. Gặp mưa gió, mình chun vô trong khoang ngồi đỡ, chớ làm sao bây giờ!’
Trong khoang, ông thầy đờn gầy guộc cuộn mình bên mâm đèn, mắt lim dim, kéo ro ro cái ống điếu dài: mùi thuốc phiện thoang thoảng làm ngây ngất buồn nôn.
Ba Nhu bò trên mui thò đầu xuống gọi:
- ‘Ðẹp ơi, lên ăn cơm em!’
Ðẹp đứng lên, tê cả chân, đi chập choạng như người say rượu, ghe chòng chành.
Trên mui, mọi người quay quần bên mâm cơm chiều; mâm cơm là tấm cánh cửa gà sân khấu. Ðẹp ngượng ngùng ngồi khép nép giữa đám đào kép; ngoài Ba Nhu, không thấy ai săn đón ngó ngàng tới Ðẹp (sao họ mau quên những buổi trưa Ðẹp bưng cháo lòng mời họ lúc trước ‘mấy cái mặt ăn chịu, bây giờ quay đi, thấy phát ghét!’
Ðẹp cầm chén cơm đỏ, lúng túng trước bửa cơm đầu tiên xa nhà. Trên mâm, mấy nồi cơm, mấy nồi mắm kho mặn, vài rổ rau dưa hỗn độn. Vua, hoàng hậu, công chúa, quan, lính,tỳ nữ lẫn lộn ngồi chen chúc, đũa gắp không ngừng, tiếng nhai xào xạo. Cô đào Tư An vai Tôn Phu Nhân trên sân khấu áo thêu hoa rực rỡ, mũ lấp lánh, mặt hoa da phấn nhờ tổ đãi, ngồi chồm hổm, húp muỗng canh xùm xụp, tóc khô xỏa trên vai áo, mặt mày đanh đá xác xơ.
Ðẹp trộm nhìn người yêu, những vết màu đen trên cằm chưa rửa sạch, tóc chải bảy ba tém ra sau, chiếc áo thun trắng bạc màu phô trương đám lang ben lổ chổ trên ngực. Ðẹp nuốt khó trôi chén cơm đầu tiên. Tiếng bà bầu léo nhéo hạch sách chồng về số tiền bán giàn cho ông Cả, không ảnh hưởng đến bữa cơm chiều đạm bạc.
Cô Tư An quay lại hỏi Ðẹp, vừa nhai miếng dưa leo rau ráu:
- ‘Biết hát chưa mà muốn theo?’
Ðẹp chưa kịp phản ứng, Ba Nhu đỡ lời:
- ‘Ðương tập chút đỉnh, chị Tư à!’
Cô Tư An để đũa xuống, kéo khăn chùi miệng nói ỡm ờ:
- ‘Chừng nào thiếu vai tỳ nữ, cho đóng tạm để coi coi!’
Ðẹp bật miệng: ‘Trời đất ơi! Biết vậy tôi theo làm gì nè!’
Tiếng bà bầu gắt gỏng sau lái cắt đứt câu chuyện, chấm dứt bữa cơm chiều:
‘Ăn mau rồi đi nghỉ, mai sáng ra sông cái đi cù lao Ông Chưởng nghe. Còn Ba Nhu, mầy liệu mà lo cho con vợ bé mầy đó nghe, chờ coi, bà bán cháo tới cào nhà mầy đó, tao nuôi cơm hổng nổi đâu!’
Ba Nhu lặng thinh, xuống nước: ‘chuyện dĩ lỡ rồi chị Cả ơi!’
Mặt trời lặn xuống đầu kinh xa tắp; đợt nắng cuối cùng nhuộm màu vàng vọt nước kinh. Ðẹp lạnh người, rùng mình buông đũa, chén cơm chưa vơi một nửa, hậm hực nhìn Ba Nhu, cau có: ‘Tại anh hết, hứa hẹn đủ thứ hết à!’
Ba Nhu đáp lại bằng tiếng cười hềnh hệch, tinh quái:
- ‘Thôi em, duyên nợ mà,
Trống treo ai dễ đánh thùng,
Bậu không, ai dám giỡ mùng chung vô?’
Ðẹp nhìn đám lục bình trôi xuôi cảm thấy thân thể nàng cũng bồng bềnh như bọt bèo trên mặt kinh kia. Tiếng đàn gáo bừng bực, ngao ngán theo tiếng hát áo não của lão đờn mù trong khoang ghe vọng ra.
‘Chính giữa một cái mả cao, à!
Hai bên, hai cái mả thấp, á!
Chú ấy đem chôn lấp,
Xác bướm với cành lan, ... a!’
***
Nồi cháo lòng bán hoài không hết, nhìn rổ giá luộc héo xèo, mặt dì Tư Thà lẩn tránh người qua lại. Ai qua nồi cháo dì Tư đều ngượng nghịu tò mò tuy họ cố giữ vẻ tự nhiên.
Mấy ngày qua, dì Tư như xác không hồn trước nồi cháo. Nhà lồng chợ thưa người hơn sau khi gánh hát dọn đi. Dì Tư vẫn chưa khỏi bịnh cảm gió mấy ngày qua. Dì ngồi bán mà đầu óc ngổn ngang, chân tay bải oải, mắt thâm quầng những đêm mất ngủ.
Gánh hát đến rồi đi, để buồn cho ông Quản Ái, để hận cho ông Cả Lần, và mang theo đứa con gái mới lớn nhờ cậy được của dì. Dì cố tưởng tượng, Ðẹp giận nhà bỏ đi ở nhà chú ruột nó ở Mỹ Ðức, làm sao đứa con gái giỏi giang con nhà lành lại bỏ theo đoàn hát bội được!
Góc chợ đàng kia, đối diện với gánh cháo lòng, cạnh chợ rau cải, những người vô công rỗi việc bắt đầu sắp mấy tấm lô tô trên chõng tre. Sáu Nhỏ trịnh trọng sóc túi lô tô lách cách. Hôm ấy người chơi lô tô nao nức đợi chờ, và Sáu Nhỏ cũng biết điều đó. Sáu Nhỏ vừa tìm được đề tài sốt dẻo. Hai đề tài liên quan đến ông Cả Hân và Hương Quản Ái thì chú Sáu ngài ngại chưa dám khởi hứng, dù chỉ vài câu mào đầu vô thưởng vô phạt, bứt giây sợ động rừng. Sáu Nhỏ còn thiếu mấy bao cám chưa trả tiền cho Bà Cả, dại gì! Chú lại nghĩ, ở xứ này ai dám rớ tới ông Quản Ái, trừ vợ ông ta? Người gây hứng thú đồng thời là nạn nhân hôm ấy là Ðẹp. Thoáng nhìn dì Tư Thà thiểu não ngồi sau nồi cháo lòng, Sáu Nhỏ thấy áy náy, tự nghĩ bỏ qua chuyện châm chọc người khốn khổ kia.
Dì Tư Thà nhẹ nhõm khi thấy đôi mắt Sáu Nhỏ tỏ vẻ cảm thông, và Sáu Nhỏ tiếp tục những câu lô tô thường lệ, suốt mấy bàn đầu trôi chảy êm tai.
Sau ly rượu trắng thấm giọng, chứng nào tật ấy, Sáu Nhỏ cầm số lô tô hỏi lớn:
‘Anh Hai à! Tháng nầy là tháng mấy?’
‘Tháng hai!’ Có tiếng trả lời ỡm ờ. Sáu Nhỏ tiếp luôn:
‘Tháng nầy là tháng hai
Bước qua tháng ba
Mưa sa lác đác
Cám thương mấy cô chưa chồng
Lạnh cong xương sống
Lạnh cóng xương sườn
Lạnh nằm trên giường
Lạnh lăn xuống đất ...
Giọng chú Sáu Nhỏ say sưa đến đỗi người đang chờ đợi không thấy sốt ruột, họ ngồi tham dự cuộc chơi xem nhẹ được thua; họ kiên nhẫn nghe Sáu Nhỏ.
Chú Sáu Nhỏ biết điều đó, lâu mau là quyền của chú, chú lên giọng xuống trầm, mỉa mai, trêu chọc, bông đùa, khuyên nhủ. Câu thơ ứng khẩu phát xuất từ tim người thi sĩ bình dân này hàm xúc đủ hỷ nộ ái ố, đề tài uyển chuyển lúc ngập ngừng, lúc tuôn trào như nước chảy.
‘Hãy ngóng mà nghe
Hãy nghé mà ngong!
Con gì ra đây
Là con số mấy?
Chờ đây mà coi
Kẻo bị thiệt thòi
Nghèo lê nghèo lết
Nghèo rớt mồng tơi...’
Nhưng cuối cùng bị bí vần, câu chuyện đã lộ:
‘Con Hai nó thưong anh Ba
Thì ra con mấy?
Xa xi chạp dí (3 x 4 = 12)
Xa cáo dẹp xịt (3 x 9 = 27)
Dì Tư Thà bị căng thẳng tinh thần, phang cây đòn gánh túi bụi vào lưng Sáu Nhỏ, hét:
‘Nó theo hát bội chớ theo cha mầy sao?’
Sáu Nhỏ vừa đưa tay đỡ vừa cười gượng, người lớn tuổi can gián mới yên.
Câu chuyện Hai Ðẹp bỏ theo kép hát bội Ba Nhu thành dư luận từ chợ rau cải, lan lên xóm lò rèn nhà ông Cả, xuống xóm kinh nhà Quản Ái. Các cô gái bị cha mẹ mắng oan vì hậu quả của Ðẹp, than thở: ‘Ðèn nhà ai nấy sáng, trời kêu ai nấy dạ!’
Chợ trưa vắng dì Tư Thà, tiếng kêu lô tô Sáu Nhỏ ít sôi nổi hơn vì chú chưa tìm được đề tài khác.
Gió thời gian cũng thổi khô nước mắt gia đình dì Tư, câu chuyện rồi cũng được lãng quên dần. Người không bao giờ quên là Hiến, em kế của Ðẹp.
Dì Tư Thà bị mụt bạc đầu mọc trên cổ, bị hành có mấy ngày rồi thình lình bỏ Hiến và đứa em ba tuổi bơ vơ. Ngày Hiến quấn khăn tang cõng em theo đám ma nghèo đưa mẹ tới chân núi, hai anh em khóc sướt mướt chia sớt nỗi buồn mất mẹ.
Một buổi xế trưa, ai đi ngang qua con đường đất quanh co dọc theo bờ kinh, căn nhà lá thấp trước sân có hai cây trứng cá rợp bóng, đều dừng lại hỏi an ủi Hiến. Sự oán trách Ðẹp biến thành lòng thương yêu dành cho Hiến.
Hiến giăng chiếc võng bố dưới gốc cây trứng cá, tàng cây loang lở chút nắng chiều. Từ ngày Mẹ bỏ đi, Hiến nghỉ học, bỏ hết những thú vui rong chơi với bạn bè. Thế giới của Hiến giới hạn quanh căn nhà chật chội.
Hiến nhớ như in. Ðêm cuối cùng gần sáng, mẹ Hiến nằm trên giường chiếu ẩm, nực nồng mồ hôi, cổ sưng híp, mắt lờ đờ ngưng trên mặt Hiến. Trước khi đi vĩnh viễn, mẹ dặn dò Hiến qua hơi thở thì thào, đứt đoạn ‘Hiến à, chừng nào Ðẹp trở về, biểu nó giữ em cho con đi học lại nghe con!’ Ngưng lâu lắm, giọng mẹ như van lơn Hiến:
‘Hiến à, em con nó còn nhỏ, chưa biết, con giữ em đừng bỏ nó một mình té xuống kinh nghe con! Con đừng đánh đập nó tội nghiệp, để nó kêu má, má chết không yên nghe con... Hiến à, má thương con nhứt nghe con...!’
Mẹ Hiến cố điều khiển cánh tay gầy guộc run rẩy vuốt mặt thằng Út, ‘Con cưng của má, má có đi, con ráng nghe lời anh nghe con, đừng nhõng nhẽo nghe con’.
Mấy tháng rồi không phụ lòng mẹ Hiến chu toàn bổn phận làm mẹ, làm anh đối với em. Hai anh em lúc nào cũng quấn quít bên nhau. Mỗi sáng, Hiến nấu nước châm trà cúng mẹ, rồi cõng em ra chợ mua gói bắp hầm hay gói khoai mì luộc về ăn với em trên chõng tre trước bàn thờ. Bé Út nhờ trời ngoan ngoãn ít bịnh hoạn. Hàng ngày, Hiến ra giếng gánh vài đôi nước, Út lẩm đẩm theo anh. Buổi trưa dẫn nhau qua nhà người cô ăn cơm. Thỉnh thoảng bé Út nóng đầu, bịnh hay khóc đêm; Hiến đốt nhang cầu mẹ cho em mau mạnh. Có đêm, Hiến nằm mơ thấy mẹ về, áo sô gai hiền hòa, nặn mụt nhọt trên đầu Út, đùa bé khóc thét, trên gối còn đọng ướt vết máu. Mẹ hiền về vuốt ve Hiến, bóng mẹ lảng đảng, lúc gần bên ấp ủ Hiến, lúc vẫy tay nhẹ nhàng trong vệt mây bạc xa mờ.
Ngày đầu tiên, Hiến lúng túng dỗ cho em ngủ, nghe em khóc, Hiến nhìn lên bàn thờ mẹ cầu cứu, ‘Má ơi! Dìa cho em bú!’
Lời cầu cứu giao cảm thiêng liêng, chỉ xử dụng khi thấy mình đuối sức, xin mẹ về phù trì, vậy mà em nó nín khóc, như vừa được bú no sữa mẹ. Có khi em phá phách lúc Hiến đang bận rộn, Hiến quay về phía bàn thờ gọi mẹ ‘Má ơi! Em nó phá!’
Bức ảnh mẹ Hiến ám khói, có hồn nghiêm nghị, chứng cho lòng thảo ngay của con trẻ.
Buổi trưa, Hiến đưa võng dỗ em ngủ, lúc Hiến có thể thảnh thơi nghỉ ngơi chân tay, cơ hội cho tâm hồn mộc mạc theo tiếng võng kẽo kẹt vẩn vơ bay bổng như mây trời bát ngát.
Võng đong đưa, nhanh rồi chậm, lời ru em man mác, ngọt ngào, chua xót, oán trách, theo cơn nắng sớm mưa chiều, theo mầu nước kinh lên xuống với sự góp mặt của cá nước, chim trời. Bầy quạ đen tinh quái đậu trên cây me keo gọi nhau rình rập nia khô cá lóc phơi trên mái nhà. Hiến cao giọng:
‘Ầu ơi!
Con quạ nó đứng đầu cầu
Nó kêu bớ má, têm trầu khách ăn!’
Con quạ nó đâu kêu má nó, chính Hiến kêu mẹ mình, Hiến kéo dài tiếng ‘má’ như muốn níu kéo trở về cái quá khứ khi mẹ còn sống.
‘Ầu ơi!
Con quạ nó đứng chuồng heo
Nó kêu bớ má, bánh bèo chín chưa?’
‘Tiếng rao bánh bèo ngọt, nhưn đậu xanh chan nước cốt dừa, thèm quá má ơi! Phải má còn, má mua cho con và bé Út một gói ăn nghe má!’
Nắng hanh vàng lấp loáng sóng mặt kinh; đàn vịt lội nhởn nhơ trong đám lục bình xanh mát; bầy cá lìm kìm lờ đờ trôi trên mặt nước cũng làm Hiến thấm thía:
‘Má ơi, con vịt nó chết chìm
Con thò tay vớt nó
Con cá lìm kìm nó cắn tay con!’
Hiến chợt nhớ Ðẹp, chị ruột mình, đáng lẽ giờ này ở nhà giữ em cho Hiến đi học.
‘Ầu ơ!
Chờ cho cây lúa có bông
Chị Hai có chồng... Em gặm giò heo!’
Chị Ðẹp ơi, ngày xưa chị từng hát ru em, bây giờ chị quên hai em rồi. Chị mê cái bề ngoài của anh kép Ba Nhu vai Trương Phi, chị trốn má đi coi hát đêm, em không mét má, chị nhớ không?
Còn anh Ba Nhu, tên hiền nhu, ăn nói ngọt ngào, ai ngờ dụ dỗ chị Ðẹp để Hiến bơ vơ.
Thằng bé lật mình, Hiến quạt cho em than thở:
‘Ầu ơ!
Họa hổ họa bì
Nan họa cách’
Hiến gằn giọng từng tiếng, như chửi thẳng vào mặt Ba Nhu oán trách người hữu thuỷ vô chung:
‘Tri nhân
Tri diện
Bất tri tâm!’
Ừ, Hiếu hiểu rồi, dù mới mười lăm tuổi, Hiến đã trưởng thành. Từ nay sẽ không xem bề ngoài mà quên tình nghĩa bên trong.
‘Ầu ơ!
Chớ! Tiền tài như phấn thổ
Nhơn nghĩa tợ thiên kim
Chớ! Le le mấy thủơ chết chìm
Ðồ tham tiền phụ nghĩa, em tìm làm chi?’
Tiếng ru em bay vang vang trên khúc kinh nhờ sóng nước nhắn đưa theo gánh hát bội, ‘Thôi, bỏ luôn cho rồi!’
‘Ầu ơ!
Trồng trầu trồng lộn dây tiêu
Con theo hát bội, mẹ liều con hư!’
Nắng vàng càng đổ, Hiến càng say sưa với nắng gió, tâm tưởng bồng bềnh trên bầu trời xanh tìm chị, tay Hiến như chỉ vào mặt chị, hằn học, thách thức, đòi hỏi chị phải trả lời.
‘Ầu ơ!
Chớ! Ghe bầu trở lái dìa đông
Con gái theo chồng, ơ ...!
Vậy chớ ... bỏ mẹ ai nuôi?’
Ừ, mà sao chị không lấy chồng ở gần đây để gần mẹ gần em, lại bỏ đi xa biệt tăm biệt tích vậy chị Ðẹp?
Chị Ðẹp ơi!
‘Chim đa đa, đậu nhánh đa đa
Chồng gần sao không lấy
Lại đi lấy chồng xa
Một mai
Cha yếu, mẹ già!
Bát cơm ai đỡ
Bộ kỷ trà ai nâng? Ơ !’
Và Hiến nhìn trời cao, oán trách bâng quơ:
‘Ầu ơ!
Thùng thùng
Cắc cắc
Chim đậu sao không bắt
Lại bắt con chim bay?’
Tiếng ru em theo cánh chim bay lượn trong bầu trời xanh, quyến luyến tình mẫu tử, ngao ngán tình chị em, tủi thân chính mình, nhắn nhủ Cầm, người bạn láng giềng sau hàng rào dâm bụt. Cầm đẹp nhứt trong xóm, da tươi mát, bị mù từ nhỏ nên chỉ lẩn quẩn trong nhà. Cầm thích Hiến qua tiếng hát ru em, Cầm thấu hiểu lời ru kia kín đáo gói ghém lời nhắn nhủ. Cầm chỉ đọc Sấm giảng, mãnh liệt, mơ ước sáng mắt lại một ngày, để xem Hội Long Hoa, để nhìn mặt Hiến. Tâm hồn Cầm đơn hòa, thuần nhứt và nhẫn nhục, giọng đọc Cầm như tiên tri:
Năm Dần nhiều chỗ bơ vơ
Bước sang năm Mẹo, như tơ rối cuồng
Năm mèo tháng Mẹo chưa buồn
Năm mèo tháng Hợi lụy tuôn dầm dề
Vậy mà chưa mấy ủ ê ! ...
Tâm sự Cầm ấp ủ đơn sơ hơn Hiến. Buổi trưa, nếu vắng tiếng ru em của Hiến và tiếng đọc Sấm giảng của Cầm thì xóm nhỏ nầy thiếu thốn tẻ nhạt biết bao nhiêu! Ai qua xóm đều khen Hiến, ‘Nhà nghèo mới biết con thảo’.
Bé Út ngủ yên, lớn dần nhờ tiếng hát ru của Hiến dưới tàng cây trứng cá chở che. Hiến nhìn em ngủ, đưa tay vuốt mồ hôi dầm trên má em, hình như sau hàng rào dâm bụt bên kia có tiếng động.
‘Ầu ơ!
Cây đa trước miểu, ai biểu cây đa tàn?
Bao nhiêu lá rụng
Ầu ơ! Chớ, bao nhiêu lá rụng, ờ !
Anh thương nàng bấy nhiêu, ơ !
Dù tình cảm phiêu lưu, nhưng chỉ quanh quẩn liên hệ thâm trầm mối tình mẫu tử. Không gian, thời gian, âm thanh, ngoại cảnh được tô điểm bằng tình mẫu tử thuần hòa, cô đọng trong tim đứa trẻ mồ côi mẹ, thoát ra lời ru thanh thoát bay vút lên cao. Hiến ước mơ làm Tử Lộ đội gạo nuôi mẹ như trong quyển ‘Quốc Văn Giáo Khoa Thư’ học ở trường, để thấy hình bóng mẹ chiều chiều đứng chờ trước cửa.
Hiến miên man nhớ ngày nào bỏ học rong chơi bị mẹ đánh đòn. Phải chi má còn, dù có đánh con đau thế nào con cũng chịu.
‘Ầu ơ!
Má ơi, đừng đánh con đau
Ðể con hát bội, làm đào cho má coi’
‘Ngủ đi cưng’, Hiến nhắc chừng em.
‘Ầu ơ!
Má ơi, đừng đánh con hoài
Ðể con câu cá nấu xoài cho má ăn!’
Hiến lo âu, sợ cha mình có vợ bé, hai anh em Hiến sẽ bơ vơ. Hiến tưởng tượng đến người dì ghẻ ác tâm như Tào Thị, bắt Hiến và bé Út ra đồng chăn vịt, giải nắng dầm mưa. Nghi Xuân và Tấn Lực còn có cha làm Trạng Nguyên; ông bà ngoại giàu sang, chứ Hiến thì không có ông bà lấy ai che chở đây. Bất giác Hiến chảy nước mắt thương cảm từ lúc nào không biết, nhìn lên bàn thờ mẹ, Hiến thấy hình như mắt mẹ bi thiết, xót xa.
‘Ầu ơ!
Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ nó thương con chồng?’
Hiến nhìn ảnh mẹ, thấy mẹ gật đầu nhè nhẹ.
Tiếng kêu lô tô chú Sáu Nhỏ ngoài chợ, gần đây hình như ám chỉ dì bán rau đã nói chuyện lả lơi với ba Hiến. Giọng chú Sáu Nhỏ trêu cợt, bông đùa thường bắt nguồn từ sự thật.
‘Chú tửng chú tưng!
Gặp chị bán gừng!
Ni nả ni nơi,
Ni nởi ni na,
Là con số 43.
Phải rồi, cha Hiến đúng 43 tuổi gốc Tàu. Hiến chột dạ, không thể để mẹ buồn bên kia thế giới, Hiến ru nhắc khéo ba:
‘Ầu ơ!
Gió đưa buội chuối sau hè
Ba mê vợ bé, bỏ bè con thơ!’
Hiến chợt xót lòng, hối hận, ‘Ba có nghe không ba?’ Bây giờ Hiến mới có dịp quan sát cha ruột mình. Da lưng nhăn nhúm lồi những đốt xương sống như mai rùa; ông ngồi chồm hổm trước sân nhà dưới cơn nắng thiêu đốt. Ông lui cui, liền tay lột đống măng ở góc sân, xắt nhỏ măng rải đều lên tấm đệm; thỉnh thoảng ông dừng lại đưa tay lên miệng cắn lông măng đâm ngón tay. Hết đống măng, đến những bao củ cải trắng; ông xẻ củ cải, muối cải phơi khô bán cho các tiệm tạp hóa. Từ tờ mờ sáng, ông đã quảy gánh vào Sóc mua thổ sản; trưa về còng lưng dưới ánh nắng, ông lại bắt đầu làm việc tới nửa đêm, ít khi nói chuyện với anh em Hiến.
Nhìn đống măng, đống củ cải bên những bao muối, đôi cần xé và chiếc đòn gánh bóng mượt mồ hôi nhọc nhằn của tháng ngày đi sớm về trưa. Kìa, mấy cà ròn mặc nưa để sẵn bên cối chờ ba giã chiều nay; mấy bao tro trấu cho ba vắt trứng vịt muối; hai con gà tre mồng đỏ, gáy te te trong chuồng ba mua từ trong Sóc mang về con chơi. Cái quần đen thùng thình ba mặc, giây lưng bằng bố, đầu buộc nút đồng xu cổ lổ quen thuộc; vậy mà ba to tiếng, suýt ẩu đả với người thợ may thất hứa không kịp giao áo mới cho con trước Tết. Ba mua về cho con đôi guốc vông, dù ba đi chân đất, gân nổi ngoằn ngoèo như những con trùng đất, dẫm trên gai góc sỏi đá hai mùa mưa nắng. Sinh kế công việc bề bộn làm ba câm lặng không hề than thở dù có hôm bịnh run lập cập thiếu nước trà nóng để uống thuốc. Hiến nhìn cha đăm đăm, người cha như vậy đâu nỡ đành bỏ con theo chị bán gừng, ‘Ba không theo vợ bé, bỏ bè con thơ, phải không ba?’
Bé Út lật mình khóc, hơi thở khò khè vì nổi ban đỏ tối qua. Tiếng khóc bịnh hoạn đứt đoạn của em làm Hiến nao núng. Hiến nhìn ba, rồi nhìn bàn thờ mẹ kêu cứu thiết tha, ‘Má ơi! Về em bú!’
Bên cạnh nhà, thằng Ðực đang bị má nó mắng vì ăn cơm bỏ mứa; suốt ngày rong chơi bắt dế, đá gà. Hiến thấy tủi thân, không kịp ngăn nước mắt lưng tròng, cổ bị lạc giọng nghẹn ngào. Hiến giả vờ ho, thoáng bên kia hàng rào dâm bụt, Cầm đang lui cui dọn dẹp; Hiến sợ Cầm biết tâm sự đau đón tột cùng của mình. Hiến cắn môi, cố gắng giả vờ bình thản, vừa quạt vừa vuốt má em, tay kéo giây đưa võng kẽo kẹt, ngước mắt nhìn trời cao xanh, dỗ dành em:
‘Ngủ đi cưng,
Ầu ơ! Em tôi khát sữa bú tay,
Ai cho bú thép, tối ngày mang ơn!’
CHÚ THÍCH:
(1) Cầm chầu: Khoảng năm 1950 về trước, mỗi buỗi trình diễn hát bội đều có lệ ‘cầm chầu’. Người có uy tín được cử cầm chầu ngồi trước cái trống chầu đặt trước sân khấu. Mỗi đoạn diễn xuất hay, người cầm chầu đánh vào trống để tán thưởng, ông biện ngồi bên đếm tiếng trống để tính tiền thưởng đào kép. Nếu diễn xuất kém, người cầm chầu ‘chầu lơi’, nghĩa là thỉnh thoảng đánh một tiếng trống, dĩ nhiên là tiền thưởng sẽ ít đi.
(2) Xưa có câu:
Ở đời có bốn chuyện ngu
Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu.
Bốn việc làm trên xét ra không có lợi lộc gì.
- Làm mai: Nếu gia đình rể dâu hạnh phúc thì không nói làm gì; khi cơm không lành canh không ngọt, cô dâu chú rể oán trách ông bà mai.
- Lãnh nợ: Khi con nợ trả không nổi, người lãnh nợ phải trả cho chủ nợ.
- Gác cu: Ðây là thú vui rất mất thì giờ. Người gác cu huấn luyện cho cu mồi trong lồng gáy, rồi đặt lồng cu trong rừng và ngồi rình. Chim cu rừng nghe cu mồi gáy bay vào lồng đá cu mồi; người gác cu kéo xập lồng để bắt cu rừng, có khi cả tuần lễ không được con nào, việc nhà bê trễ, vợ mắng con la.
- Cầm chầu: Khi chầu dồn dập, người mua vé thượng hạng, ngồi hàng đầu bực mình; chầu lơi, đào kép giận hờn.
(3) Trâu già đòi ăn cỏ non: Người già muốn có vợ trẻ.
(4) Cái nia: Loại rổ lớn bằng tre đan, đường kính chừng 1 thước tây.
(5) Họa hổ, họa bì nan họa cách (cốt), tri nhơn tri diện bất tri tâm: (Vẽ cọp, vẽ da, khó vẽ xương. Biết người, biết mặt, không biết lòng).
(6) Trái mặc nưa: Hình dáng giống trái thị, nhưng chỉ to bằng đầu ngón tay trỏ, giã nát ra pha với nước làm mầu nhuộm đen rất tốt.
(7) Bú thép: Bú nhờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét