Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

CON RƠI



Con Rơi
Lưu Nhơn Nghĩa

Con đường đất ngả tư sân banh chạy tới chùa trên có dãy nhà gạch, vách đá, lợp ngói, vườn trước vườn sau rộng rải. Dân sống trong những căn nhà nầy thuộc thành phần trung lưu nề nếp, danh giá, biết chữ, nghĩa là không thuộc giới lao động tầm thường. Ho gốc Việt Nam rặt, họ Lê, Nguyễn, Bùi, Phan....

Bà Ba sống trong xóm nầy lâu lắm rồi. Mỗi sáng, bà có thói quen ngồi vò thuốc tể để trong xịa mang ra phơi trước hàng ba, có khi bà chặt nhánh lá từ bi phơi trên đệm, không làm thì cảm thấy bực bội khó chịu. Bỗng bà xăm xăm vô nhà, lục rổ kim chỉ, hỏi, " Cái miễng ve chai cắt rún đâu rồi? ". Bà nhớ hình như lâu lâu, con Rơi đem những xịa thuốc tể bà đổ bỏ, lũ trẻ hàng xóm giành giựt làm đạn bắn chim, lá từ bi thì để nhúm lửa , bà la đó rồi quên đó, lá từ bi có mùi cây dâu tầm trồng sau nhà, thuốc thì cứng, có mùi đất bùn.

Đêm đêm, bà Ba và bà Út ngồi xầm xì. Bà Út da đen, ốm, lưng còng lom khom, hồi nhỏ bà vô Sóc đổi lúa, gánh gồng không vất vả. Bà Ba nuớc da trắng, mặt đầy có da có thịt, vẫn còn giử được nét đẹp phúc hậu, đi đứng vững chải, chỉ hay lẫn lộn, nói lảm nhảm. Thường ngày hai bà ôm gối than lạnh, nhức mình, phải nhịn trầu cau, trên bảy mươi tuổi rồi. Hai bà sống nhờ con Rơi nuôi, cũng còn được ít nhứt buổi cơm chiều đạm bạc, tuy chưa được no như trước, nhờ vào nồi cháo đậu dưa mắm buổi sáng và gánh chè buổi trưa của Rơi, ba mươi tuổi mà chưa ai đi coi. Rơi gọi bà Ba là má ba, bà Út là má Út. Câu chuyện bắt đầu từ ba muơi năm trước.

Khi Tây đặt cơ sở bảo hộ Xà Tón, họ lập nhà thương, trường học, nhà việc và thành lính. Dân Miên đã ở đây lâu đời rồi, dân Tàu, dân Việt tới sau buôn bán làm ruộng. Người di dân cũng cần nhu cầu căn bản. Thầy Ba Nhàn làm infirmier, y tá trưởng nhà thương , người ta còn ngại ống chích kềm kéo, túng lắm mới đi nhà thương.

Đâù thế kỷ 20, dân Tàu còn mặc quần lảnh đen, lưng vận, áo nút thắt, kéo đôi guốc Tàu lốp bốp inh tai, còn đội nón tre rộng vành, phết chai hay dầu trong nặng chịch. Dân Việt giử cái nón lá nửa thế kỷ, dân Miên mặc xà rông tới cuối thế kỷ. Cái xã hội nhỏ thành hình có vừa đủ thợ thầy đóng góp. Giếng nước sạt có thợ hồ, cần cái cửa có thợ mộc đục khoét, ma quỷ phá nhờ thấy cúng hét la, dời ăn, có người khoáng dời, nhai đậu xanh, lấy mực Tàu vẽ bùa phun phèo phèo còn hay hơn thuốc mi xin gì đó.

Đại khái người người đều có trách nhiệm đóng góp khả năng sức lực hay tinh thần cho cộng đồng đang sống. Bây giờ nhìn lại, xứ nầy chỉ cần vậy thôi, tuy chưa có thợ sửa radio TV lúc ấy. Ai có khả năng đóng góp được gì thì đóng góp, nghề nào cũng sống được. Có nghề làm giàu như buôn bán, họ có khả năng đếm tiền, nghề thầy bùa xem ra nghèo, con cháu không khá, nhưng không có cũng không được, xứ nầy nhiều ma quỷ. Nghề hớt tóc đè đầu đè cổ thiên hạ mà ngóc đầu không nổi, thiếu họ đầu cổ chôm bôm. Nghề đạo tỳ cầm đuốc múa đuổi ma quỷ hai bên đường cho đám tang đi yên ổn về mả, nghề cầm bàn đưa đám ma, đều là nghề tay trái, vì tình nghĩa, may lắm được tang chủ đãi buổi cơm cảm tạ, tiền bạc gì đâu. Nghề được kính trọng như thầy thông thầy ký, thầy giáo, nghề cao sang, nhưng phải có học, đâu dễ làm...Nhiều lắm kể không hết. Quên không nhắc nghề hạ bạc đáng ghét đáng khinh xứ nầy cũng có, nghề của các kiều nữ bà tư da bò làm chủ, người thương cũng có người ghét cũng nhiều

Nghề căn bản tối cần, dành riêng cho số thân chủ phụ nữ tuổi từ 18 đến 40, mỗi năm tối đa một lần, đời người chừng muời lăm lần, đàn ông không cần dịch vụ nấy. Người làm nghề nầy phải có tài đức, nói nôm na là mát tay.

Thời đầu thế kỷ 20, loạn lạc, Marroc đổ bộ, chiều về sợ lắm, ban đêm không ai dám ra đường, nhà nhà đóng kín cửa, nghe tiếng kêu là run. Đàn bà chờ ngày sanh nở khổ hơn, ai mà dám liều lỉĩnh đốt đuốc đi rước mụ .

Năm đó cô Ba chừng trên 20 tuổi, hay theo người dì làm mụ, quen việc, rồi chiều chiều được mời đi ngủ nhà người sản phụ cận ngày sanh. Trong xứ có vài bà mụ, chưa có chữ nữ hộ sanh, tiếng Tây là sage femme. Cô Ba được trời cho mát tay. Dân chợ, nói đúng hơn là dân có tiền mới mời được cô đến ngủ, vì nhà họ rộng rải, thường có giường riêng cho cô. Cô Ba tuy tiếng là mụ, nhưng cao hơn mụ vườn.
----------------


Bà Ba đã lẩn lộn nhiều, gặp ai bà cũng nói là con bà, khi nhớ tên, khi quên tên. Bà nhớ tên đứa đặc biệt, rồi bừng tỉnh, rồi lại quên. Hôm ăn cá rô lưới mắc xương, bà chợt nhớ thím ba Chanh,( thím ba sanh ngược, chính cô Ba sanh ), nhờ thím tới vuốt cổ cho hết .. Năm xưa, cô Ba hàng đêm ngủ nhà người nằm chổ, cô phải ngủ nhà họ trước mấy ngày sợ trường hợp sanh non, thiếu tháng. Đêm khuya, ai cầm đèn kêu cửa, cô Ba cũng vui lòng đi, vừa đi vừa la, " Tôi đi rước mụ cho vợ tôi ), la lớn và cầm cây đèn thật sáng. Đêm nọ, một bòn ca ( anh chàng Miên) ở cách nhà cô chừng vài trăm thước, vợ kêu đau bụng, bòn ca quýnh lên, bắt đôi bò thắng xe cả buổi chạy đi rước cô Ba cho mau, không dám cho cô đi bộ lâu lắt. Tới nhà cô, bòn ca chực nhớ quên cây đuốc, vội chạy bộ về tìm hộp quẹt đốt đuốc , rồi chạy trở lại đở cô Ba lên xe, quát đôi bò chạy mau về, như rước mệnh phụ. Hôm sau, bòn ca mang trứng gà và thúng nếp biếu cô Ba, vợ bòn ca đau bụng đi cầu. Lâu lâu vui miệng, bà Ba kể chuyện đời xưa, hồi đó vùng nầy còn là khu rừng , có đêm, cọp đực đi cỏng bà mụ về cho chị cọp cái sanh, sau đó đền ơn bằng con nai, con heo rừng săn được.. Cũng có khi, ma đi rước mụ cho người con gái có thai, tự tử, oan hồn còn vất vưỡng trên cây dương. người ta còn nghe tiếng khóc oe oe và tiếng ru con qua cánh đồng vắng về khuya.

Bà Ba nằm nhớ đêm khuya, ai nấy đều ngủ say, người chồng ngủ giường ngoài ngáy như rống. Chị vợ bỗng lăn lộn đau bụng. Như thường lệ, cô Ba kêu anh chồng nhúm lửa nấu nước sôi. Anh chồng nói câu để đời, " nín đi, để tao ngủ, mai hãy sanh ". Đêm đó quả là khổ, đèn lờ mờ, nhà chật, quay qua quay lại đụng đồ đạc. Anh chồng càu nhàu, vừa nhúm lửa, khói cay sè, " đẻ mà lựa giờ bất nhơn, không cho người ta ngủ". Chị vợ vặn mình la hét, hết la lại chửi, " thằng khốn nạn ơi, tao biểu mầy đừng, mầy có nghe đâu, ".Cô Ba đã quen ngôn ngữ lâm bồn nầy, cô vuốt bụng người đàn bà, " Hít vô, một hai ba rặn... ". Trán cô Ba đổ mồ hôi, quên tiếng rên la, tiếng lầm bầm. cái giường kẻo kẹt, đống tả ẩm ướt, ngứa ngái. Con so, khó sanh, chợt nghe tiếng " hì", cô Ba cầm hai chưn đứa bé, tiếng oe oe, " Con gái ". Anh chồng như có ai thọc tiết, anh chửi thôi một loạt " ....thứ đồ con gái đầu lòng..", anh ta chửi nhiều lắm, dĩ nhiên chỉ dám chửi xéo cô Ba. Cô Ba nhẫn nại lấy miếng chai cắt rún rồi lấy tả quấn đứa bé đặt bên người mẹ, cô soát kỹ cái nhau, sợ sót nhau nguy hiểm. Có khi bực bội, cô quay sang anh chồng nạt, " vợ mầy mới sanh, coi chừng nó giận bị sản hậu là mầy chết dịch đó nghe , rồi mâỳ chưa đốt than cho vợ mầy nằm chổ hả? ". Cô Ba đã làm tròn trách nhiệm, mẹ tròn con vuông, đàn ông đi biển có đôi, dàn bà đi biển mồ côi một mình ".. Cô đánh ngón tay, " con gái tuổi Dậu, canh tư, chưa sáng, gà còn ngủ, con nhỏ nầy ít cực ". Anh chồng lầm bầm, muốn có con trai nối dòng nối dõi, tại bà mụ mà sanh con gái, tuy anh không dám nói ra. Cô ba xoa bóp cho sản phụ, mệt lả tới sáng.

Bà Ba chép miệng, nhớ tiếng la thất thanh đêm đứa bé , chết trong bụng mẹ, bị ngột, như bà già chồng nói, lỗi tại cô. Cô cho rằng người mẹ bị trụy thai, bụng xệ mà không hay. Con trai đầu lòng, cháu đích tôn, cả gia đình trông chờ, họ thất vọng, bao nhiêu lời mĩa mai cay đắng thô lổ, cô chịu.

Cô Ba thường ăn cơm chiều nhà thân chủ, ít khi cô ngủ nhà , cô chứng kiến sự ra đời bao nhiêu đứa bé, lớn lên nó có biết cô là ai. Nhiều đêm ngủ nhà lạ, rệp cắn đỏ cổ, rồi chí rận từ sản phụ bò qua cắn, giường chiếu ẩm , trời nóng quạt không nghỉ tay, sợ là sợ đêm súng nổ , nhà lạ, xa chồng.

Xóm chợ, cô đã sanh cho mấy thế hệ, cô không nhớ bao nhiêu đứa trẻ ra đời, bao nhiêu đêm ngủ nhà lạ. Gia đình cô Ba sống sung túc, dượng Ba có chút chữ nghĩa, không biết làm gì cho xứng và ngang hàng với cô Ba, dượng không thể làm nghề lao động, dù sao cũng là chồng cô mụ . Bẳng đi, năm mươi tuổi mới trực nhớ mình chưa có đứa con nào, trể quá, các bà mụ vùng nầy ít thấy bà nào có con mới lạ, chắc có huông, rồi dượng Ba mất nửa chừng.

Thời buổi văn minh, sóng sau đè sóng trước, quận có nữ hộ sinh Sai Gon đổi về, mấy cô trẻ sau nầy bắt đầu quen với Nhà thương , địa vị cô Ba có hơi sút, tuy mấy cô nhà quê vẫn còn nhờ cô Ba. mà lúc đó cô đã già, lục nghề. Nghe nói nhà thương có y tá chích thuốc, rượu alcol rửa rái, thuốc pénniciilin, nghe nói ở Sai Gòn còn có máy hút khi sanh khó. Cô Ba chê đám sau nầy không nằm lửa, không ăn thịt cá kho tiêu thiệt cay, con nít không xức thuốc trên mỏ ác cho cứng, bà mẹ không uống thuốc dưỡng thai, thuốc tể ,không tắm nước lá từ bi, sau nầy già bịnh hậu, nói mà mấy nhỏ không chịu tin.

Cái lần sanh thật sự làm cô hãi hùng là lần sanh con nhỏ Rơi. Đêm đó, cô Ba và chị bà con, dì Út , đang ngồi nghe hát máy, chợt cuối xóm có tiếng la và tiếng chạy huỳnh huỵch, " nó gần đẻ rồi, kêu cô Ba mụ ". Cô ba biết ngay, " cái con quỷ con Thơm rồi", cả năm nay đi mất, bây giờ về sanh, không thấy nói có chồng. Cô Ba bươn bả chạy tới. Con so, sanh khó. Thơm vặn vẹo mình, cả giờ chưa sanh đưọc, Thơm vừa rặn vừa chửi , lại nhìn thằng Sa chửi "tại anh, anh làm khổ tôi anh Sa ơi ,tôi đã nói là không đưọc, vợ anh là chị tôi. Chị con Thơm là Mùi, vợ thằng Sa, bên ngoài chạy vào. Chị Mùi không cần biết em mình đang sanh khó, như lửa đang âm ỉ cháy thêm dầu, chụp cây then cửa đập Sa loạn xạ. Cô Ba toát mồ hôi trán, không thể khuyên giải, chỉ biết lo cho đứa bé rồi ra về, bỏ lại sau tiếng chửi rủa gào thét. Hôm sau, tình cờ qua nhà chị Mùi, thấy nhà vắng tanh, đồ đạc ngổn ngang trên mặt đất, trên giường, tiếng khóc như mèo kêu, mặt tái như con búp bê đen trong bó tả ướt. Dì Út bất nhẫn bồng đứa bé về cho ống nước cơm vo, hai bà lắt đầu. Chờ chiều tối mang nó trả lại cho mẹ nó. Mẹ nó, cha nó, dì nó biến mât, trả nó cho ai, khổ ơi là khổ, ách giử đàng mang vào cổ. Cô Ba và dì Út chợt ngậm ngùi, mình muốn có đứa con mà không được, thôi, con rơi con rớt, coi như con mình, nuôi nó tốn kém bao nhiêu, nuôi làm phước. Ngày nầy qua ngày khác, năm nầy qua năm khác, mỗi khi đứa bé bịnh, hai bà luôn miệng , " cha mẹ bất nhơn ". Cô Ba xỉ trán đứa bé, âu ýếm, " cái đồ con rơi con rớt, tao lượm về nuôi ", rồi cô đưa võng ru,
"Ầu ơ, Sáng nay tôi vô Sóc Xla Đom mua om đường thốt nốt,
Chạy ra chợ Xà Tón mua cân bột, quành vô chợ Nhà Bàng mua nửa ký đậu xanh,
Tôi về tôi nấu chè xôi nước cúng đổi tên anh,
Để mấy bon pà ol ( anh em ) nhảy Lâm Thol trong Sóc mẹt, mấy ông đạo bới tóc ngoài kinh, mấy hia Tiều bán buôn dãy phố trong chợ, biết thằng Sở khanh điếm đàng."
Đứa bé cười luôn miệng, hai bà quen tay cũng bắt đầu thương nó, đứa bé có tên ," con Rơi " từ ngày đó.

Đứa bé biết thân, ít làm phiền hai bà mẹ nuôi,nhỏ thì lẩn quẩn kề bên chưn, lớn 5 tuổi nhờ được. Hai bà không buồn đặt tên cho , cứ kêu là " con Rơi ", lối xóm đã quen, Rơi chấp nhận, không lấy làm xấu hổ, giống như tên thằng Đực lé, con Phấn lùn, thằng The sún...Hôm làm thế vì khai sanh đi học, dì Út giải thích làm sao mà ông Hương bộ ghi Nguyễn thị Rơi, dì Út không biết chữ, mang khai sanh đi nộp cho trường, cũng xong. Rơi càng lớn càng tháo vát, hai bà càng lụm khụm. Ba mươi tuổi mà chưa ai coi mắt, Rơi mãi lo nồi cháo đậu buổi sáng và gánh chè buổi trưa nuôi hai bà mẹ lú lẫn. Thời buổi cơm gạo hết sức khó khăn, Rơi thường nhịn miệng cho hai bà khỏi ăn độn khoai mì, khoai lang. Cha mẹ ruột Rơi về chợ sống sờ sờ, Rơi hình như không thấy liiên hệ tình cảm, mà chỉ lo nuôi hai bà như mẹ ruột. Lối xóm khen hai bà có phước, làm phước gặp phước. Ừ, mà nếu thiếu con Rơi, hai bà sống sao nỗi cái thời sắp hàng mua gạo nầy, no cơm đã là khó rồi, nói chi tới đồ ăn. Hai bà than thèm món nầy, canh nọ, món đó ngày xưa tầm thường, bây giờ đi ra đi vô nhắc, thèm chết đuợc.

Mùa mưa năm đó, hai bà được đền ơn xứng đáng trước khi quên hết chuyện đời. Mưa ngập ruộng trên, Rơi dầm mưa bắt được cả gần chục con cua đồng mập, đúng lúc sau vườn mục măng mạnh tông vừa đội đất, cây bù ngót làm hàng rào lá xanh nhờ đủ nước, trong hủ còn hơn hai lon gạo mót. Hai bà nghe mùi thín thơm quen thuộc, lâu lắm mới ngửi thấy mùi nầy, hai bà tỉnh lại, hết lẫn lộn rồi. Buổi cơm có canh xiêm lo nấu cua đồng, măng mạnh tông, lá bù ngót ngọt, vừa miệng, cơm trong nồi đầy đủ. Hai bà gắp đủa măng với bù ngót, và miếng cơm, húp canh xùm xụp, " ai nấu ngon vậy kìa? ". Hai bà vét hết nồi cơm, tô canh dĩ nhiên không còn chút nước. Ăn đả thèm, mười mấy năm nay mới được ăn canh nầy, bà Ba ôm bụng đứng lên, chợt nhớ cái gì mà nhớ không ra, nhìn bà Út lầm thầm, đi tới lui tìm kiếm quanh quất, kêu, " Rơi a, ra ăn cơm con ". Hai bà đứng nhìn Rơi nằm ngủ say, Rơi ngáy khò khò, mệt mõi lắm , hôm sau phải thức sớm nấu cháo gánh ra chợ bán, Rơi thều thào, " má Ba, má Út, con no rồi ". Gương mặt Rơi xơ xác, da nhăn héo, đang ngáy ngủ , miệng há hốc, răng chìa, không có gì đáng gọi là đẹp, hèn chi Rơi khó có chồng. Gương mằt ba Ba nhăn như sắp khóc, rồi trở lại mất thần như thường ngày, bà Ba vuốt mặt Rơi," trời ơi, đây đâu phải con Rơi, con trời cho để nuôi má Ba má Út mà".

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét