Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

TẦM CẤY TẦM ĐIỀN

Tầm Cấy Tầm Điền   
Lưu Nhơn Nghĩa

            Lúc còn học Tiểu học, thời ảnh hưởng Pháp, lớp Nhứt, chúng tôi học môn hình học, chu vi, diện tích (toàn từ ngữ Hán học). Tôi rất kém Toán, chưa có ý niệm rỏ, chỉ học thuộc lòng các công thức, lúc làm toán đố theo thói quen mang ra áp dụng. Từ thuộc lòng đến áp dụng là một bước dài đối với học sinh chậm hiểu tối dạ như tôi.
            Tôi nghe chữ "Công" đất nhiều lần, chưa hiểu đó là đơn vị đo ruộng buổi giao thời. Tôi rụt rè hỏi ông già tôi, "1 mẫu đất có mấy công ?" .  Ông già tôi hỏi lại, " công tầm cấy hay công tầm điền ?". Tôi không hỏi tiếp, sau lại hỏi, câu trả lời như cũ. Câu hỏi và câu trả lời không ăn nhập gì với nhau. Trong đầu tôi muốn biết 1 công có bao nhiêu thước vuông, nghiã là diện tích 1 công đất. Tôi chưa đủ trí khôn hỏi cho rỏ ràng, nên bỏ qua tới ngày nay, hỏi tới hỏi lui có cơ bị chửi ngu.
            Mãi đến ngày gần đây, gặp một bác theo Tây học, gia đình gốc điền chủ ở Trà Vinh, bác hiểu cặn kẻ vấn đề, giải thích cho tôi rỏ. Bác giải thích như sau.
            Xưa ông điền chủ mướn người "tằng khạo" đo đất cho mướn, dùng cây " tầm" (sao không dùng cây thước cho chính xác?, cây thước thì làm sao ăn gian?).  Bác còn nói, vị sư Miên khi đi khất thực, không được nhìn xa, cúi mặt nhìn phía trước một  tầm mắt", tầm mắt chừng hơn hai thước rưởi. Tầm là đơn vị đo đất miền Tây Nam Việt. Khi chủ điền cho tá điền muớn đất, mỗi công phải trả cho điền chủ một lượng lúa nào đó, tùy đất tốt xấu. Ở Sa Đéc, mỗi công, tá điền trả cho điền chủ hai giạ rưởi lúa. Lúc đo ruộng cho mướn, tằng khạo cầm cây tầm vừa đo, vừa rút lại, ví dụ, cây tầm theo thông thường là 2m60, khi đo 12 tầm là 1 công đất, đúng ra 12 tầm phải là 31.20m, nhưng hắn đo giựt lại, chiều dài ngắn hơn. Diện tích miếng đất nhỏ lại. Đó là Tầm Điền, tầm cho mướn.
            Khi đo đất cho thợ gặt, thợ cấy , tằng khạo vừa đo vừa bước tới, không ai rảnh ngồi xuớng đo theo lý thuyết, hắn đi sãi sãi, cũng 12 tầm, 31.20m, hắn đo dài hơn, vì vậy, diện tích miếng đất lớn hơn. Đó là Tầm Cấy, tầm chủ trả công cho thợ cắt hay thợ gặt.
            Ở Sóc Trăng, tính chung, 10 công tầm cấy bằng 13 công tầm điền. Cùng một miếng đất, khi đo cho mướn lấy lúa ruộng, chủ điền đo giựt lại thành 13 công, lấy lúa nhiều hơn. Cũng miếng đất cùng diện tích đó, khi mướn thợ cấy, chủ điền đo sãi thành 10 công, nên trả công ít hơn. Về phần người yếu thế, nghèo, mướn miếng đất trả lúa 13 công. Người cấy hay gặt mướn, lãnh tiền công có 10 công.
            Ông nội tôi nhiều ruộng ở Sóc Trăng, ông già tôi sống quen với "tầm điền tầm cấy", không ý thức đó là chuyện dùng thủ đoạn cân, đo, đong, đếm để bóc lột nhau. Bóc lột nhau thành bình thường, ai cũng chấp nhận, không thấy sự bất công. Tá điền thợ cấy biết và chấp nhận, coi như chuyện đương nhiên, họ nghèo quá phải cam chịu.
            Nếu đo đúng theo lý thuyết , 1 công là 12 tầm vuông: 2.60m x 12 =973.44 mét vuông.  Không rỏ đây là tầm cấy hay tầm điền, ví dụ đây là tầm điền , thì tầm cấy (theo Sóc Trăng)bằng 1.3 công tầm điền =1265 mét vuông, cấy gẩy lưng chưa. 
            Ngoài vấn đề mướn đất, tá điền còn làm một số dịch vụ cho chủ điền, thay phiên giúp chủ điền khi có việc, cung cấp gà vịt, cá rùa .., chưa phải là nô lệ, nhưng gần như đầy tớ, khá lao đao. Chủ muốn gì có đó, mùa lúa thất,  không đủ luá trả cho chủ điền, phải quét sân lúa trả cho đủ. Đầu mùa vay luá ăn, cuối mùa trả lời không nỗi, túng cùng bỏ trốn, nghèo từ thế hệ nầy sang thế hệ sau.  Điền chủ luôn luôn có lợi, tá điền ở thế yếu hơn, giàu thì sướng, nghèo thì khổ, cuộc đời vậy rồi.
            Trong cuốn chuyện " Đồng quê " của Phi Vân, Ông chủ điền nói với tá điền,  "Thôi thôi, tôi sợ mấy ông lắm. Ông Tư Lộ của tôi đó, cũng giao trả đàng hoàng.  Đàng hoàng gần hết 80 chục giạ cuả tôi...Tôi nói thiệt bây giờ tôi sợ tá điền hơn sợ cọp. Không có lúa ăn, tôi giùm, không quần áo bận? tôi cho vay . Thất mùa, tôi cho nợ ... rồi đến khi lúa chín, lớp chèn nhét bán xài, lớp giấu đút cờ bạc. Ruộng trúng mà lúa không có. Đến lúc liệu không xong, họ mới cuốn quần cuốn áo, nữa đêm dẫn vợ dẫn con trốn đi mà. Bởi vậy bây giờ thấy ai lại mướn đất, tôi cũng giựt mình đồm độp ...Mùa nào tao cũng thấy nó chất đầy cà lang, mà khi đập ra lúa hột biến đâu hết ....Quân gian xảo, sau này tao mới hay nó giấu đem bán cho ba thằng Chệc ghe cà vom ngoài đầu kinh để lấy tiền cờ bạc ..."
            Cuối câu chuyện, nhà văn Phi Vân kết luận " Họ không phải là người gây nên tội ác, họ chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh xã hội và của một thời kỳ."

            Chủ điền lo phận chủ điền, tá điền lo phận tá điền. Lúa vừa gặt xong, chủ điền phải ra ruộng thu lúa về ngay, nói là đi giựt lúa cũng không sai, để qua đêm, lúa có thể biến mất, không ai chịu nhường ai trong cuộc tranh sống. Còn thợ cấy, chủ nấu cơm cho họ ăn. Ngon cơm không nói gì, buồn tình, cấy thưa, không thẳng hàng, mất đất ...Trên những cánh đồng bao la, mọi người tranh sống, mạnh được yếu thua. Nói như anh Lương Thư Trung, làm ruộng phải có đức, mà có đức nhiều khi lổ.
            Mãi tới giờ tôi vẫn chưa biết đích xác là bao nhiêu mét vuông thời tầm cấy tầm điền. Ông già tôi đã mất , ông sẽ không biết mét vuông là gì.
            Mỗi người VN ăn mỗi năm 12 giạ lúa (khoảng 240kg gạo), 1 công đất cho 30 giạ lúa. Diện tích nước VN là 325 360 kilô mét vuông, tính ra là 325 360 triệu mét vuông, cứ tính 1 công = 1000 mét vuông.
            Khoảng 300 mét vuông nuôi 1 nguời , đất VN nuôi được 1084 triệu người, chưa trừ diện tích sông núi, đất hầm mỏ, nhà cửa, đường xá. Đó là làm một mùa, nếu làm 3 mùa càng nhiều hơn.

            Về thăm lại quê nội, ruộng còn đó, bao nhiêu lần đổi chủ, con cháu cả bầy, đất không đẻ thêm, lại bị chia mánh mung. Thế hệ đầu, ông nội tôi sống chỉ biết hưởng thụ. Ông uống rượu, hút á phiện, cả trăm mẫu đất tốt bán xài cho đả, thêm bà vợ bé con tá điền, bà nội tôi buồn mang bịnh, thèm ăn trái lê. Ông già tôi gởi mua lê ở chợ về gọt cho bà nội tôi ăn, mới cắn miếng lê, bà nội tôi cứng miệng tắt thở. Một đêm, ông già tôi uất ức xách búa tìm ông nội tôi không gặp, ông tức quá chém con bò cho hả giận, con bò lắc đầu, chém hụt, tự nhiên ông tỉnh ngộ, bỏ xứ ra đi, buôn bán, không ưa nghề ruộng. Bà nội nhỏ tôi sinh thêm bầy con sau, rồi bầy cháu, chắt. Mỗi lần về thăm, tiền cho không kịp, ai cũng khoe mình đấp mả ông bà nội tôi, công lao lớn lắm. Thằng em tôi đổ quạu, "sao không cho máy cày cày luôn,  khỏi kể công ".  Hậu quả của cây tầm cấy, tầm điền . Đầu tiên không biết ai nghĩ ra cách đo đất nầy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét