Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

HÁT DÙ KÊ VÀ MÚA LAMTHOL

Hát Dù Kê và Múa Lamthol
Lưu Nhơn Nghĩa

Đêm nay, tôi vừa dự buổi múa Lamthol Cộng Đồng người Miên về. Cứ có cuộc trình diễn Miên nào tôi cũng tham gia, nói thiệt, tôi chưa xem Đại nhạc hội VN lần nào.

Từ 5 năm trước, ca sĩ từ Namvang được Chùa Miên mời qua trình diễn cho dân Miên múa Lamthol giải trí. Múa Lamthol không phải là show trình diễn, ca sĩ hát, người tham dự múa theo điệu nhạc. Ca sĩ hát, bất cứ ai cũng tham gia vũ khúc. Đại khái chỉ có vài điệu. Nhưng họ múa đẹp hơn xứ tôi, ngón tay, uyển chuyển tự nhiên. Hầu hết thanh thiếu niên Miên sinh và trưởng thành ở Úc, ai cũng múa đẹp và đều, lớp người lượn như ngồi trên xuồng, lúc như xúc tép, lúc đầu lùa cá tép vào giửa, chậm rồi nhanh, xúc xong , reo mừng. Các cô ca sĩ đẹp hơn mấy cô xứ tôi, khi hai cánh tay mấy cô ca sĩ di chuyển như hai con rắn đẹp cuốn mình, mời mọc, khó ai ngồi yên, dù ngồi tại chổ cũng uốn éo tay . Mấy anh Tiều Miên trắng như bột, mập ục ịt cũng tham gia quơ tay múa, mê tới quên luôn tiếng Tiều, hỏi tiếng Tiều, mấy giả trả lời bằng tiếng Miên..

Trước năm 1975, Tết Miên, Cho snam, chỉ có ở Sóc Trăng an ninh mới tổ chức Lam thol. Xứ tôi hồi xưa kìa, chứ thời chiến tranh giới nghiêm tối lo chui vô hầm tránh pháo kích. Dân Miên xứ tôi ở rải rác từng sóc, từ Ô Thôm tới Nhà Bàng, sóc nầy cách sóc kia khá xa, vấn đề di chuyển khó khăn, không có điện nên chỉ múa Lam thol.

Đọc bài thơ thi sĩ Sóc Trăng,
Mai về Tri Tôn Xà Tón, Dìu em qua núi Ba Thê,
Hôm nay nhằm ngày hội lớn, Người Miên họ hát Dù Kê.

Từ Xà Tón muốn qua núi Ba Thê cực lắm, trừ khi đi trực thăng. Từ Xa Tón, đi xe ra cầu 13 thì phải, đường mùa mưa lầy lội, đi xuồng nửa ngày, rồi cuốc bộ băng đồng. Cô bạn mang guốc cao gót, đi phải dìu, biết chừng nào tới núi Ba Thê. Mà đâu có gánh Dù kê nào tới.

Năm 2000 về tới quê lần đầu, tình cờ gặp Lam thol, nhưng đi đâu cũng bị thân nhân cản trở bực mình. Quay phim chừng 10 phút là nhắc đi về ngủ, khuya rồi. Xuống quê nội Sóc Trăng, gặp ngay Dù Kê Vũng Thơm. Dù Kê là tuồng hát dài, kết cấu giống Cải lương, lai Tàu. Kép mặc y phục Tàu xưa, đào mặc xiêm y Miên cổ, khán giả dễ dãi. Nghe nhạc ngũ âm đã là sướng. Sau phần tân nhạc, Dù kê bắt đầu từ 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng, tuồng kéo dài 2 đêm. May mắn, tôi đuổi thằng anh họ về, cấm nó rước, ngủ đâu không cần thắc mắc, chui được vào hậu trường thấy toàn diện cuộc đời nghệ sĩ Dù kê, các cô đào trang điểm xong, ngồi trong mùng tránh muổi, sắp ra hát, thắp nhang lạy tổ.

Họ đứng hát trong hậu trường khá lâu, rồi anh kép lên sân khấu vổ màng mời tổ, ông bầu kêu, " Dè oi ", mọi nguời kêu " de..." 3 lần, anh kéo màng kêu " Hì...Hì...hì...," 3 lần.

Hậu trường căn lều dài,dùng màn chia mỗi gia đình một căn, nóng nực. Sân khấu hiện lên như thiên thai, khán giả quên mình ngồi trên sân chùa, muổi vo ve, cả ngàn người im lặng thưởng thức không phàn nàn tiếng rao bánh mì thịt. Cô đào biến thành thiên nữ hát, khán giả đã lên được thiên cung, quên cảnh bùn lầy cày cấy suốt năm. Nghe hát nhưng không hiểu gì, văn chương, nghe nói thì hiểu chút ít. Y trang đào kép chánh thì đẹp, còn vai phụ thì sao cũng được. Cô thôn nữ nghèo chạy loạn, lạc vô rừng sâu, bị tên cướp bắt được, tên cướp đang trốn tránh quan quân, sợ người dọ thám, hắn đưa cây dao gổ hùng hổ định chặt đầu cô gái, hỏi ,"Tét nâu a na ?, nhà mầy ở đâu ?"
Cô gái lắt đầu , " Kha nhom kha mel tét. Tôi không có nhà "
Hắn thét, "Âu en nâu a na ? Cha mầy ở đâu ?"
Cô gái sụt sùi ," Kha nhom kha men âu tê. Tôi không có cha ."
Hắn tiếp tục, "me en nâu a na, mẹ mầy ở đâu ?"
Cô chấp tay van lạy," me kha nhom nghẹp du hoi , má tôi mất lâu rồi"
Hắn lại hỏi, "bon pà ol en nâu a na ?, anh em mầy ở đâu ?" Cô ôm mặt khóc nức nở , "bon pà ol nghep cà tàng ot hoi. Anh em tôi chết hết rồi."
Tên cướp buông dao xuống chầm chậm, té quì trên gối , khóc, "Mè oi, kha nhom kha men âu me, kha men tet, kha men bon pà ol đe,mẹ ơi, ta cũng không có cha mẹ, không nhà cửa, không anh em" , hắn lấy khăn lau nuớc mắt cô gái, dẫn cô vừa đi vừa hát vang rừng.

Tôi xem nhiều video cải lương Đại nhạc hội VN, chưa thấy ai diễn xuất làm ống kính video camera tôi mờ vì hơi nước mắt như đoạn diễn xuất trên.

Tại Rạch Xên, Nhu Gia , Sóc Trăng, vua mặc đồ Tàu xưa, anh hề mặc áo jacket, nón Texas, quấn xà rong. Anh bưng bánh dừa đi bán nuôi vua vừa bị soán ngôi . Vợ dặn, rao, " Nom xom, mà đom pạm roi ", bánh dừa, mỗi cái 500, ( tiền thời 2001 , bối cảnh xưa, không ai thắc mắc.) . Anh rao, " nom xom, mà đom mà pen, tin mà đom, oi mà đom ", bánh dừa, mỗi cái 1000, mua một tặng một.

Hắn đang rao, bà già khán giả nhập vai, lau nước mắt , giơ tay, " kha nhom tin pi đom, tôi mua hai cái ", khán giả kêu réo mua , không còn bánh, hắn cầm rổ đi vòng vòng, tiền đầy rổ, nhạc công tiếp tục đàn rầm rập, lủ trẻ con hứng chí đập sàn sân khấu làm nhịp. Khi trở lại sân khấu, hắn trân trọng quấn lại xarong, chấp tay, " xa thut, xa thut ", lành thay, lành thay, đọc bài kinh chúc phúc học trong chùa, cám ơn xong , hắn dẫn vua về túp lều . Vãng hát, nghe hắn la, " phất xạ a", Nhậu a.

Khuya lắm mới hết tuồng, khán giả hài lòng, vua giết được lủ nghịch thần. Một hai giờ đêm, trên đường về tối mịt, nhờ ánh đèn xe gắn máy, nhiều bà ngồi bên vệ đường lấy trầu cau ra ăn, thanh bình, hạnh phúc, mỗi năm vui vài ngày đủ rồi.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét