Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

KINH CÙNG CHỢ NGANG

Kinh cùng (cùn) chợ ngang
Lưu Nhơn Nghĩa
          Xứ Xà Tón (Châu Đốc), nhiều người xưa  than phiền làm ăn không lên vì thế đất " kinh cùng chợ ngang ".
          Chợ  có hai mái ngói chồng lên nhau , cất theo kiến trúc giống chùa Miên. Hai đâù chợ có hai đuôi rắn, cất năm 1906 , bằng đá núi , sườn sắt, trong chợ thời đó chỉ có chừng dưới mười tiệm bán chạp phô , như chú Chín Hiến, ông Tào Cua, bà Xí Hộ (bà nầy rất dữ ), chổ bán hủ tiếu của  Kiểm Án, ngoài ra còn có bàn máy may của ông Bảy Sinh, may quần Cành Tăng,  quần cheo ,áo phá lấu .
              Chợ có những cây cột bằng đá núi vuông, khi có gánh hát dọn đến, chỉ cần che đệm chung quanh, sân khấu khoãng giữa chợ, chỉ cần phân nửa chợ  cũng đủ chứa khán giả Sau buổi trưa,  người buôn gánh bán bưng về, chợ  trống, dành cho chú Sáu Nhỏ kêu Lô Tô, nghe bà Miên hát đối với ông say rượu.  Ban đêm, chợ là chỗ dành cho bầy chó hoang tránh mưa gió, và con Điên  kêu khóc mẹ lanh lảnh những đêm trời lạnh. Hai đầu chợ nằm theo hướng Bắc Nam.
              Dọc theo hông chợ  phía Đông , nằm ngay đầu kinh là chợ cá, rau cải của  dân gốc ngoài kinh độc quyền, không ai tranh giành . Dọc theo hông chợ  phía Tây, dành cho người Miên bán thổ sản trong Sóc mang ra , như trái cây, giá, ghém chuối, dây cóc, đắng dàn trời (trị sốt rét ), cốm dẹp , trái điều, khoai từ, khoai núi, nhộng luộc, măng, dây mây, gà vịt ...
              Cuối đầu chợ hướng Tây Bắc là khu bán quà bánh, ngon nhứt là bánh hỏi của bà Hai Ngỡi, nồi bánh canh của ý Hiệu, bánh tầm của chị  hai Huê, bún bò xào của bà Bảy, chè đậu trắng của dì Hai Hoẻn, xôi bánh phồng bánh ít trần của dì Ba Lòng . Những người nầy đã đi qua, món ăn như còn trên lưỡi tôi. Cám ơn .
              Buổi sáng, người Việt người Miên, ai nói tiếng người ấy, đều hiểu  nhau, đại khái chỉ trả gía .
              Tên chợ  là Swaton  ( khỉ kéo ).  Xưa khu chợ còn là rừng dừa , khỉ nhiều lắm, đông đến đỗi dám ra kéo người ta  .
               Chợ quê tôi đại để  như vậy, muốn nói thêm không đủ giấy viết. Chợ  cất năm 1906 , chiến tranh làm cháy chợ năm 1970  , kiến trúc chợ  nằm yên không đỗi trong đầu tôi . Đó là CHỢ  NGANG .
             Con kinh Tri Tôn đào xong phải  trước năm 1906 . Kinh đào từ sông Hậu  Giang thẳng vào phía Tây , đâm ngay đầu chợ.  Ban đêm, nhìn từ trên cao, con kinh đào như cây dao bạc đâm thẳng  đầu chợ.   Xa xa, những dãy núi như rồng như hổ nằm chờ thiên lịnh.  Hai ngôi Chùa Dưới, Chùa Trên trấn hai bên không xuễ, thêm ngôi chùa trên đồi Chun Phnum trợ  lực, ngôi Đình Việt Nam lãnh nguyên mũi dao, bên kia, Chùa Ông Bổn chịu mặt hông
             Mãi lo chống đở mệt nhoài , đất không sinh được nhơn tài nào ,chỉ sinh dân nghèo , nghèo ơi là nghèo ! Bao nhiêu năm qua,  chợ  cháy rồi , ngôi Đĩnh bị  san bằng làm công viên . Đầu kinh bị lấp ra mấy cây số ,chợ  sẽ dời ra xa.
             Con dao bạc đã gẩy,chợ không còn, núi bị  lấy đá, núi bị thương chết dần , mấy ngôi chùa xưa già yếu, bịnh mối mọt, không còn sống bao lâu nữa, chùa Ông Bổn thành trụ sở Chữ thập đỏ  .
             Đó là xứ KINH CÙNG, ai tới đây là cùng đường, hay KINH CÙN , cùn mục. CHỢ  NGANG, chợ nằm ngang, đưa hông cho người đâm.  Chợ  không còn , kinh bị lấp, mà sao dân chưa khá nỗi, chờ đến khi nào? Khi nào ta gặp Hớn hoàng, chúng sinh sẽ hết phàn nàn số căn.
                                      Lưu Nhơn Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét