Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

LÀ..O,LÀ-O,XO-XO

Là-o, Là-o, Xo-xo


Phong-Hưng
Lưu-Nhơn-Nghĩa

Sóc Swayton bắt đầu từ chùa Swaton, kéo dài tới cầu Cây Me, đối diện với thành lính Tây, trước năm 1952, sau đổi thành Chi Khu từ năm 1954, năm 1975 họ cất lại tòa nhà đồ sộ hai tầng làm trụ sở Đảng Huyện. Trước chùa có hồ sen rộng và sâu, vách thành bằng đá, ngày nay chỉ còn vài cọng sen khô, hồ đã cạn, bùn lấp xấp. Góc hồ, dưới bóng mát cây Năm Vồ gầy guộc cành lá xơ xác, có một tượng Phật xưa ngồi điềm nhiên nhìn thế sự thay đổi. Khu chùa gồm Chánh điện và Tăng phòng, tất cả làm bằng gỗ cây sao, cất đã mấy trăm năm. Nóc chùa ngói đỏ rực, có hai vòi giống đuôi rắn. Sân chùa rộng rãi. Chùa cách chợ Xà Tón đi bộ chừng 10 phút. Trong khuôn viên chùa có trường Tiểu học Miên, từ đầu thế kỷ 20, các thầy cô thường gốc Miên lai Tàu. Lúc trước gọi là Đàng Thổ, bọn trẻ con Việt Nam kêu là Thằng Thổ. Sau năm 1950, vì nể ông quận họ Mao nên đổi thành "Miên" cho lịch sự, đỡ đụng chạm nhau. Mới đây lại đổi thành "Người Dân Tộc", người "Khmer", tên nào cũng được, miễn nghe lời ông Lục ăn hiền ở lành. Chùa địa phương nào được dân địa phương đó hỗ trợ.

Sóc Swayton, xóm Xoài Cuống, xoài nào không có cuống?, mùa đông ken (1), xoài thanh ca (đọc líu lưỡi thành xoài ưn ca) cuống rất dài treo lủng lẳng khắp xóm thấy ham. Xoài bán từng chục mười hai trái ngoài chợ Swaton (khỉ kéo), lớn nhỏ cũng một giá tiền, người ta tính theo con số chứ không tính theo kích thước trái xoài. Cũng như gà vịt, lớn nhỏ chút đỉnh so kè làm gì, con gà nhỏ hơn, mua về thả trong vườn chừng vài tháng cũng sẽ lớn lên, ai mà không biết. Cá thì bán khác a! Một ký-lô cá ba con rẻ hơn một ký-lô cá bốn con, trường hợp này người ta chú ý tới con số chứ không phải trọng lượng. Mấy bà bạn hàng Việt Nam luống cuống lúc đầu, sau cũng quen dần lối buôn bán đổi chác này, đành phải lựa trái lớn và gà lớn cho tiện đôi bên. Lúc trả giá càng khó, họ chỉ có hai bàn tay, hai bàn chưn, tất cả có hai chục ngón, đưa lên đưa xuống dễ lộn, "ha xấp tram bul", năm mươi, năm bốn? không phải đâu, "năm mươi chín" đó; "tram bay tàn đóp" năm, ba, mười, là mười tám. Mè ơi! Tiếng Miên sao mà khó quá, liệu tính rợ rồi trả tiền.

Sóc Swayton nhờ có ngôi chùa ở giữa, cạnh bên trường, gần chợ nên người lớn và trẻ con có nhiều cơ hội tiếp xúc với văn minh hơn các Sóc khác. Nhiều người phát xuất từ đây lên Nam Vang làm lớn, có người làm ông Chánh ở Sway Riêng. Nhà nào cũng có vài cây xoài thanh ca đen, ngọt hơn xoài thanh ca trắng hay xoài đu đủ, xoài hòn. Sau Sóc là khu ruộng trên, trồng được gạo xo ùm pên trắng, mềm cơm, và nếp mới làm cốm giẹp giòn không đâu bằng. Trước mặt Sóc là ruộng bưng, trồng gạo Sóc Sậu không dẻo cơm lắm (ngày nay trồng lúa Thần Nông hai mùa).
Nhà trong Sóc bằng cây sao. Cột làm bằng cây sao cứng đời đời, bền không thua cây căm xe, cà chất. Nghèo thì cất nhà bằng tre, lợp lá khang trang. Đừng chê Đàng Thổ ở dơ nghe, sàn nhà họ sạch bong, nhiều người Việt Nam công nhận, chưn cẳng dơ, chưa chắc họ lên nhà họ.
Sóc có nhiều nghề lặt vặt phục vụ dân Sóc và dân chợ, ngoài nghề ruộng rẫy, chăn nuôi. Buổi sáng, bà Sol đội khăn rằn, vận chăn sạch sẽ gánh bún ra chợ bán, bún nước kèn, nấu với cá lóc, ngải bún, sả bằm. Bà vui vẻ nói tiếng Miên pha tiếng Việt "Xi num bồ chóc mà chal, ne, cháu" - Ăn một tô bún nghe, cháu - Tiếng Miên không có chữ "cháu". Bà bóc một nhúm bắp chuối trộn ghém cây chuối non trắng muốt để vô tô, bắt hai tay bún để lên, lấy cây giá khỏa nước vàng óng trên mặt, múc một giá cá dưới đáy nồi chan lên bún, rồi hớt nước ớt trên mặt chan sau cùng, thêm muỗng nước mắm ớt hiểm. Sang hèn, giàu nghèo đều bình đẳng trước gánh bún. Họ ngồi chồm hổm lua, húp, hít hà. Từ xưa tới giờ chưa ai chê bún nước kèn, dù là gốc Tàu, gốc Việt. Xa xứ, ai cũng nhắc "num bồ chóc" như niềm hãnh diện món ngon quê mình. Bán hết gánh bún, chợ chưa tan, đủ rồi, dù có đắt cũng không bán thêm. Bún nước kèn nấu đơn giản, người Miên không giấu nghề, vậy mà không thấy bà Việt Nam nào bán bún nước kèn. Bún nước kèn góp mặt với xôi, bánh tầm, bánh canh, bánh hỏi của Việt Nam, bánh bao xíu mại của Tàu. Tên bánh trái giữ nguyên, không cần dịch mất công. Có nhiều người Miên cãi cho được, "bánh hỏi, bánh xôi nước" là tiếng Miên. Món ăn cốt ngon rẻ, tên nào cũng hiểu.
Sáng gánh ra chợ bán, trưa mạnh ai nấy về. Miên về Sóc, Việt về nhà dọc theo bờ kinh, Tàu ở quanh chợ, sau khi đóng góp phần mình. Thanh bình, thuận hòa mãi đến khi có đám bên ngoài xâm nhập, phá rối, gây chia rẽ.
Trong Sóc đường đất quanh co, cây cối, xoài, dừa, tre mọc xum xê, xanh mát, sạch sẽ. Trên đường không có rác rến, chỉ có lá cây. Nhà giàu hà tiện, hà tiện mới giàu, ăn cá một bên, không lật cá, chừa bữa cơm sau. Nghèo thì một thau cơm, mấy miếng mắm cá sặt, mắm bồ hốc, dưa leo, rau rác bậy bạ, cả nhà ngồi quanh thau cơm, một chút là sạch thau.
Mọi người trong Sóc đều có khả năng tài nghệ, nhiệm vụ riêng, ngày thường ít ai biết, vì họ là nông dân chỉ lo ruộng rẫy. Khi có việc cần, họ xuất hiện (như trong dịp Thơ Bun (2), He Cà Thưng (3), Đồn Tà (4))  đánh nhạc ngũ âm, thổi kèn, đánh kun (5). Nếu không có khả năng đó, họ góp một tay trong việc đốn cây chuối cắm bông, khiêng kiệu Phật, đua bò, hay cùng lắm "phất xạ" (uống rượu) ca hát. Tất cả đều góp công góp của chung vui. Lúc múa Lam Thol, các nàng nen xậy (6) (ngày thường có thể là những thôn nữ) biến thành các thiên nữ, ôi, hai cánh tay trần dịu nhiễu, hai bàn tay lả lướt chuyển động theo kịp nhạc ngũ âm. Ông Quận, thầy Cai, nhà giàu ngày thường mấy ổng nghiêm trang, mặt gay gắt, mà lúc này cũng chen với đám thanh niên nghèo giành mua bông (7) múa với các cô. Lúc múa, mới lộ cái mặt hí hửng không bao giờ thấy ở nhà, ở sở làm của mấy ổng. Các cô nếu có xách tai mấy ổng, chắc mấy ổng cũng vui vẻ. Đám He Cà Thưng, các bà, các cô vợ ông này ông nọ ngày thường ít thấy cười, bây giờ cầm bông chắp tay thành kính đi rước Phật (mặt hiền hết sức à!) đi chung với bất cứ ai trong đám rước, mất hết giai cấp.
Như trong bất cứ Sóc nào, dù là vùng đất núi, xa sông, không bị ngập lụt, người ta vẫn cất nhà sàn. Từng trên người ở, từng dưới gia súc như bò, heo, gà, chó ở. Gia súc được coi như những người đầy tớ trung thành, người và vật cùng chung dưới một mái nhà. Thú vật được sống gần gũi chủ, cũng học được tính sạch sẽ, biết điều, đúng giờ đi ngủ, không quậy phá.
Có một ông Cò Hiến Binh đầu đỏ (8); năm 1957, ở xa đổi lại, lắc đầu khinh miệt, "Họ ở trên, bò ở dưới, nói tóm tắt là họ ở với bò vậy à".
Nghe nói vậy, ai dám cãi, ông làm Cò Hiến Binh, trí thức, có bằng cấp Certificat, lính còn sợ ông. Tôi còn nhỏ, cũng nể ông, bây giờ buồn về sự nhận xét của ông đối với dân xứ tôi. Chắc ông chưa bước lên nhà sàn dân Sóc, nếu có, chắc ông sẽ không nghe mùi khai hay hôi thúi của bò heo bên dưới. Tôi xin lỗi nghe ông Cò.
Năm 2001, tôi tò mò xách Video Camera vô Sóc quay phim xứ tôi làm tài liệu, không tìm thấy căn nhà sàn nào nữa (năm 1977 họ bị đuổi phải dỡ nhà đi xứ khác vì Khmer Đỏ tấn công Ba Chúc). Nhà lá, vách tôn, nghèo hơn xưa, trong phòng nuôi bò, trên giường là hai đứa bé nằm ngủ, bên dưới, trên thanh giường có mấy con gà đậu, mấy con heo nằm trên nền đất nện. Thỉnh thoảng có mấy con bò ra vào như nhà của nó. Tôi ngạc nhiên vì không thấy mùi trong nhà đó. Ông Cò Hiến Binh mới tới, ông chắc không biết câu ngạn ngữ Miên "Sáng duyên ở mặt (9), trưa duyên ở mình (10), chiều duyên ở chưn (11)Lúc gia đình ông Hội đồng Mao thơ bun (2), làm phước, bố thí ba ngày, xứ ông có ai dám làm chuyện đó chưa?

Xóm Swayton có kẻ giàu người nghèo, phần ai nấy hưởng do trời sắp đặt. Người nghèo không buồn ganh tị, bù lại, họ được chia xớt chén cơm dư, con mắm mặn, cái áo cũ của người giàu hà tiện. Đâu cũng vô đó, kể cả mấy tay say rượu phá phách cũng có người cho ăn; chết cũng được người góp công góp của đem thiêu xác.

Ở sâu trong xóm, kế bên chùa, hướng về phía miếng ruộng trên là nhà của một "nhân vật" thời thơ ấu bất hạnh, đã có ý chí vượt hơn người bình thường, vươn lên sống và đóng góp cho đời một cách lương thiện và tự lập: Thằng Xum.
Xum sinh ra ở cuối xóm này, cha mẹ nghèo nhứt xóm, không có cây xoài, cây thốt nốt, bụi tre hay miếng ruộng, miếng vườn, không có nghề như đám bán bánh, chỉ có nghề làm mướn lặt vặt, vậy mà cũng sống. Cha mẹ mất sớm, nghèo thường khó sống lâu, lúc Xum lên bốn tuổi, lại bị mắc cam tích mù mắt ngay từ năm đó. Xum sống nhờ bà con lối xóm ngay trong xóm này, quen với bóng tối và bốn giác quan còn lại. Trời sinh trời dưỡng, không nỡ bắt Xum bịnh hoạn thêm, Xum mập cùi cụi.
Từ nhỏ Xum đã quen cực, vui tính, giúp đỡ việc nhà, quét dọn, tắm bò, tắm heo, đuổi chim cho bà con, những việc không cần đôi mắt. Da và ngón chưn bao lần bị thương vì vấp hay đạp nhằm đá nhọn. miểng chén, dần dà cứng cáp và nhạy cảm với mặt đất. Có người thấy Xum trên bờ ruộng, ôm một bó cỏ chạy tránh mưa về chuồng bò, mà không bị hụt chân té xuống ruộng.
Năm qua năm, không nhớ mình bao nhiêu tuổi, Xum vất vả và vui vẻ sống như bất cứ đứa bé bình thường khác, không là gánh nặng cho xóm này.
Xum biết hát đối (12), nghêu ngao hát nói (13), dù kê, múa Lâm Thol, đờn miệng, chạy chơi mà ít khi bị đụng đầu. Xum thuộc từng bụi cây, bờ rào, giếng nước, các chỗ nguy hiểm trong xóm. Ngọn gió lành lạnh thổi qua ruộng trên xuyên qua liếp lá, Xum biết lúa chín tới đâu rồi.Mùi xoài chín đong đưa trên cây chạm vào nhau, tiếng gà gáy là biết sáng, tiếng bò ủm mo về chuồng buổi chiều, khi đàn muỗi bắt đầu vo ve, tiếng bà Nen quậy chảo đường thốt nốt thơm ngọt thì biết mùa dưa gang chín. Xum quên mình mù, trong xóm không ai nỡ trêu chọc gọi tên "thằng đui" hay ác ý nặng lời. Cái nghiệp mù dẫn tới nghiệp ăn xin. Xum đã lớn, người nhà nhắc nhở Xum ra chợ xin ăn đắp đổi, vừa có thêm chút đỉnh nuôi Xum.
Buổi trưa, khoảng năm 1948, Xum được đứa em họ dẫn ra chợ ăn xin. Chợ nhóm từ sáng tới đứng bóng thì tan. Buổi chợ đông cũng có nhiều người ăn xin. Ông già què quặt, mang cái bị bằng đệm, chống gậy đi từng bước, thân mình đi ngang, đưa tay run run xin bố thí. Đang buôn bán lu bu, ông vô xin chộn rộn làm chủ bực, đó là lý do ít ai cho.
Chợ Cá đầu kinh có bà già mù, vừa hát vừa đọc giảng cơ trời, bên cạnh một ông già nghiện rượu bấm tửng tửng cây đờn một dây, hai người này được dân Chợ Cá nuôi.
Bến xe đường ra Châu Đốc, ngay ngả tư, sáng sớm trời lạnh, những chiếc xe đò đậu chờ tài. Xe tài nhứt nổ máy xình xịch, bóp kèn thúc giục khách bộ hiền, xe sắp chạy, rồi lại tắt máy chờ thêm khách. Khách bộ hiền rành quá, họ thản nhiên ngồi uống cà-phê tiệm nước, chưa chịu lên ngồi xe cho bực bội. Bến xe này lại là khu vực của người ăn mày hơi bịnh hoạn. Ông này văn chương hơn đám ăn xin ngoài chợ, ông rao có ca có kệ "quý ông bà, cô bác làm ơn bố thí cho tôi xin đồng xu cắc bạc (đồng xu cắc bạc hết xài từ năm 1951) mua cơm ăn đỡ đói, cô bác ơi, thân tôi đui tối tật nguyền, cô bác đi chợ đi đường làm phước gặp phước". Vừa xin ăn, vừa dọa "đi chợ đi đường". Tuyến đường Tri Tôn - Châu Đốc từ xưa tới giờ, dân đi làm ăn thì phải đi, chứ dốc Tà Đét, dốc Nhà Bàng mìn bẫy, bao nhiêu máu đổ, ai mà không biết. Chuyến xe tài nhứt dễ ăn mìn nhứt, dù cúng cô hồn mỗi tháng, ai sống sót quả là có phước, làm phước gặp phước, thôi đành bỏ năm cắc bố thí cho yên tâm.

Sau buổi cơm trưa, buôn bán xong, các tiệm buôn rỗi rãi, Xum vịn vai đứa em ra chợ ghé vài tiệm xin. Chừng độ mười tuổi, lại gốc Miên ở Sóc, tiếng Việt tiếng Tàu không rành, chưa biết đóng kịch khổ sở van xin đánh động lòng thương hại từ giọng nói đến cách ăn mặc rách rưới. Xum lại là đứa bé khỏe mạnh, hai má đầy, tay chân liền lặn, ăn mặc sạch sẽ chỉnh tề, quần ngắn đen, áo đen. Xum đứng ngay lu nước thí trước nhà, sau lưng đứa em nói: "Pu, mà nét xom tram cắc" (Bác ơi, mỗi lần xin năm cắc). Tiếng Xum vừa van xin, giọng nói có chút uy quyền êm ái đâu đó. Ông già tôi bình thản mở nắp hộp treo trước cửa lấy tiền cho Xum. Tôi chưa thấy ông cho tiền ăn xin. Ngay ở tiệm ăn Tiều ở Chợ Lớn, đứa bé hát dạo ăn xin gốc Triều Châu, để cục kẹo trên bàn, gõ sên hát mấy bản, rồi xin tiền, ổng nhứt định lắc đầu.Người cho món tiền nhỏ, không mấy tiếc, kẻ nhận thấy đủ. Xum thỉnh thoảng đôi ba tháng mới ghé một lần xin năm cắc, trị giá gói bắp hằm hay gói khoai mì luộc. Thái độ biết điều tạo được lòng tin với người. Xum chỉ xin ăn các tiệm buôn, hầu hết gốc Tàu. Xum đi êm ái vào lòng dân chợ lúc nào không biết, họ không xem Xum như những người ăn mày khác làm bực mình.
Xum chưa biết mặt ai ngoài chợ, nhưng có khả năng thiên phú, phân biệt được âm thanh, tiếng nói từng người quen, xúc giác bén nhạy, có thằng bé nghịch cho Xum tờ giấy số cũ, nói là tiền, Xum cầm rồi xé bỏ, sờ cây me biết mấy giờ trưa, đoán được cơn mưa giông phải về nhà sớm. Xum không cần ánh sáng, nhưng định hướng rất chính xác.
Nhờ đứa em dẫn đi lúc đầu. Sau đó tự dò dẫm một mình. Xum quen thuộc với môi trường chung quanh từ nhỏ. Từ nhà ra cửa sau, bước mấy bước tới giếng nước khi chân chạm phải khe nứt của miệng giếng, rẽ trái đi hướng về chùa Swayton, theo tiếng mấy ông Lốt đọc kinh trầm trầm. Đất sân chùa mịn, sạch sẽ, không có cỏ vì được tàng mấy cây cổ thụ che mát. Tiếng rì rào của cây Năm Vồ và tiếng diệc kêu, tiếng Col Sóc lội dưới bàu hái bông sen cúng Phật. Bên phải là tiếng thầy Xét, thầy Hoạch đang  dạy học. Cứ đi thẳng là tới đụng những bực thang xây bằng đá núi mòn dấu chân người nên khá phẳng. Xum bước lên ba bực thềm đá, bề ngang bực thềm khá rộng vừa bề dài bàn chân Xum. Bực cuối cùng rộng nhứt, không sợ hụt chân, bước xuống thêm ba bực nữa thì tới mặt đường. Bề dài bực thềm khoảng chừng sáu bước.
Ba mặt khu chùa có vách xây bằng đá, muốn ra cửa phía Bắc phải lên xuống 6 bực thang này, họ không xây cổng. Xum cho là xây những bực thang bằng đá núi tốn tiền vô ích, vì mặt đường không cao hơn sân chùa, xây thêm những bực thang này làm Xum phải leo lên leo xuống, nhưng rồi Xum cũng vui vẻ vì nhờ nó làm mấu chốt trên đường ra chợ. Vừa bước xuống bực thềm, rẽ trái lần chừng mười bước là tới nhà ông Đốc Nâu bên phải. Sau năm 1952, Tây về nước, ông Đốc Nâu được dịp nói tiếng Tây với Xum "Vous allez au marché hả, Xum". Xum nghe hoài cũng hiểu, Xóc xà bai, ta, kha nhom tâu xa (mạnh giỏi, ông, tôi đi chợ). Đi hết vách thành chùa, rẽ phải là đường ra chợ, ngang qua dãy phố Năm Căn của Ý Năm Hương, bên trái là nhà đọc giảng Phật Giáo Hòa Hảo. Chiều chiều Xum vẫn nghe tiếng bà Ba giọng khàn khàn đọc giảng, tiếng ngân nga kéo dài tới tối.
"Chừng nào ta gặp Hớn hoàng.
Chúng sinh sẽ hết phàn nàn số căn...
            *
            *        *
Sau quỷ vương đi đứng nửa đường
Thêm tên tuổi chúng sinh nó biết
Làm đủ cách xuống lên tha thiết
Ở ngoài đường nó biết tên mình.

Qua phòng đọc giảng, tiếp tục chừng sáu nươi bước, Xum nghe rõ ràng tiếng thụt ống bễ và tiếng đập chan chát trên đe, bác Tư Lung vui tính hỏi Xum, sáng nào cũng một câu duy nhứt lặp đi lặp lại, "Đâu đó Xum?". Xum cười trả lời rồi hai chân dò đường, lại tới trường Tiều, học trò ồn ào, mùi hủ tiếu tiệm cà-phê chệt Nghén, rồi bàn bi-da, tiếng bi chạm lọc cọc, tới tiệm cà-phê ông Xên Kim, bên kia là cây xăng, mùi xăng khen khét lẫn tiếng nổ và khói xe. Từ đây đi thẳng ra chợ, tiếng trả giá nửa Việt nửa Miên, Xem quen với các địa điểm và âm thanh người ngoài chợ, từ cái bàn may máy của ông Bảy Sinh, chỗ bán bánh xèo của bà Bảy, nồi cháo cá thơm hành của cô Xiệu, tiếng rao hàng có vần có điệu của thằng bán rong bên hông chợ, "kim đây, kim năm cắc hai cây, nút Tây một đồng bốn bộ, chỉ cây dù (14) một đồng bạc bốn  cuồn, nút bóp một đồng hai bộ đây".
Xum im lìm, gương mặt bất động, tập trung tinh thần vào hai tai, mũi, hai chân trong đám đông buổi chợ sáng, bốn giác quan đều hợp thành một. Hai tai phân biệt tiếng người, hai chân dò dẫm đất đá trên đường, mũi hít phân biệt mùi từ hướng nào. Người ngoài khó đoán Xum đang nghĩ gì.

Xum lớn và trưởng thành không ai hay. Lúc nhỏ ghé tiệm "xom trạm cắc", khi giá trị "trạm cắc" thành "mà ria" (một đồng) thì Xum không ăn xin nữa. Xum chỉ nợ các chủ tiệm có "trạm cắc", chứ chưa nợ ai "mà ria". Vả như Xum tiếp tục xin "mà ria", rồi khi quân đội Mỹ vào đóng đồn ở Châu Lăng năm 1962, vật giá tăng lên vùng vụt, chắc "mà ria" phải xin "trạm ria" (năm đồng) mới kịp thời giá. Các chủ tiệm chắc khó chịu thấy một thanh niên khỏe mạnh như Xum phải đi ăn xin, khó coi. Xóm chợ đã giúp Xum tới ngày trưởng thành xem ra cũng đủ rồi, từ đây Xum phải biết tự lập.

Xum cao lớn người, bụng bắt đầu phệ ra, hai má phính bầu, da nâu, tóc đen xoắn, không xấu trai lắm trong xóm Swayton, khốn khổ là đôi mắt vô dụng. Tròng trắng bị nổ lồi lõm đội hai mí mắt lên làm gương mặt mất hồn, thiếu linh hoạt. Có lần Xum lò dò đi ngang tiệm hàng xén, bà Tẻo đang lúi húi quấn dây chì, bất ngờ nhìn lên thấy Xum, bả hét lên một tiếng như ma vật ông vãi. Buổi xế trưa nắng quái, Xum đi rất chậm qua hàng cây điệp ta bông đỏ trước nhà Ý Năm Tăng, hai chân sủi cát, những ngón chân ngo ngoe chuyển động, môi mím lại, thỉnh thoảng nhăn mặt, hả miệng khi chân chạm nhằm đá bén. Xum di chuyển không gây tiếng động, hai tròng mắt lồi lõm như tròng trắng hột vịt lộn liếc qua liếc lại, liếc lên liếc xuống, dáng dấp của con quỷ nhập tràng lù lù xuất hiện, hỏi ai không hoảng vía.
   *
  *     *
Xum vắng mặt xóm Swayton và không ra chợ khá lâu, rồi trở về sau mấy năm đi xa học nghề gì đó. Xum tự tìm nghề thích hợp nhứt để học, xứ này đang cần sự đóng góp của Xum.
Chợ Xà Tón, ai bị cảm mạo thông thường hay nặng tới cứng miệng đều nhờ củ (cậu) Mão cạo gió bắt gió, uống trà gừng là hết. Nghe nói ở Sài Gòn, ban đêm có người cầm một xâu nút lún phén (nút chai la-de) xốc xành xạch đi trong các hẻm hành nghề đấm bóp, giác hơi. Xứ này chưa thấy ai làm nghề đấm bóp, vì dân còn thưa thớt, chưa có nhu cầu thường xuyên, người ở xa tới đây hành nghề bất tiện, chỉ có người bản xứ trám vào chỗ đó, nhờ có sẵn nhà cửa, quen biết lúc đầu.
Nghề đấm bóp giác hơi chỉ cần hai tay để đấm bóp và hai chân đạp lưng, mắt xem ra không cần thiết lắm. Ông trời sắp đặt đâu vào đó rồi. Xum thiếu đôi mắt nhưng đầy đủ tay chân. Thời vận và thiện chí đưa đẩy Xum ra tỉnh được học nghề, được ăn cơm chủ. Nghe nói thầy dạy đấm bóp cho Xum là một võ sĩ thất cơ lỡ vận, nhiều lần rớt đài, về hành nghề đấm bóp, bấm huyệt. Xum được chỉ dạy cẩn thận từng động tác, được thầy thương vì tính cẩn thận, siêng năng, vui vẻ học và chiều chuộng đấm lưng cho thầy hàng đêm, thay thế thầy khi đông khách.Xum bền chí học nghề, có chút thông minh và trí nhớ, không mở miệng than van dù bị mắng chửi oan...
Xum quay trở về xứ sở. Xem ra Xum đã học hết nghề thầy, có khi còn hơn thầy nhờ lợi thế có sẵn, bàn tay Xum đàn hồi mềm như cao-su, lại có sức khỏe, làm lâu không mệt. Khi đi làm sau này, nếu có ai hỏi học nghề ra sao, Xum nhẹ nhàng chép miệng an phận "cực lắm".
   *
  *     *
Mỗi sáng Xum đi chầm chậm từ xóm Swayton ra chợ uống cà-phê sáng như bất cứ ai, Xum là người bình thường như những thanh niên đồng tuổi đi làm khác. Xum không cần hỏi đường, mọi người chào Xum nghiêm trang chứ không có giọng đùa cợt "Xóc xa bay, Xum, tâu na nưng? (Mạnh giỏi Xum, đi đâu đó?). Xum điềm đạm trả lời "tâu xa" (đi chợ). Xum ghé tiệm nước cà-phê thuốc lá, đi một vòng khu chợ rồi về. Buổi sáng thế nào cũng có người dặn. Người đồn một, một đồn trăm "Dớ, thằng Xum đấm bóp đã lắm, nó biết bắt gân, giựt tóc nghe cóc cóc sướng lắm...".
*
*     *
Xum đi thong dong trên đường, quần dài, áo bỏ vô quần, mang giày vớ cẩn thận, phì phà điếu thuốc, không cần gậy dò đường. Xứ nóng, chỉ có người đi làm mới mang sandale (dép da), ít ai mang giày vớ, người lao động đi chân đất. Xum đâu phải người làm văn phòng sang trọng gì mà mang giày vớ, nhiều người hiểu lầm là Xum chưng diện, người kêu Xum đấm bóp mới hiểu và khen Xum.
Nói không ai tin, mà chính dân xứ này cũng rất ngạc nhiên về khả năng định hướng chính xác của Xum. Người ta chỉ cần nói "Tối nay ghé tao nghe mậy". Nghe tiếng, Xum biết thân chủ ở đâu, tối đó đến đúng nhà.
Đầu năm ăn Tết, ham vui lên núi Năm Vi, tôi nghịch ngợm quấy phá bị Bà núi Năm Vi bẻ trặc lưng, mỗi lần lăn trở người đau nhức khó chịu. Ông già tôi lên tận nhà rước Xum. Ông cẩn thận hỏi "Biết nhà tao không?". Xum trả lời "Biết, nhà củ (cậu) có lu nước trước nhà, tôi ưa ghé uống". Một lát sau Xum ghé, chưa tới nhà, hắn đã la lên "Ông Tây tới rồi".
Tôi nằm sấp  trên ván ngựa, hắn ngồi nắn xương sống, cười hà hà "nhột hả", độ một hồi thấy bớt đau, không biết Xum sửa hay hoặc vả Bà núi Năm Vi tha cho tội rắn mắt của tôi, vì nhà vừa cúng con gà luộc tạ tội.
Ai kêu thì tới làm, nhà Xum dễ tìm, vì hỏi ai cũng biết. Buổi sáng hay buổi trưa chỉ có người già bị trặc lưng, trặc gân họ mới nhờ tới Xum. Xum tự sắp xếp giờ giấc, ai mở hàng đắt thì tới trước. Ban đêm thì Xum luôn luôn có thân chủ thường xuyên.
Đến nhà ai, trước khi hành nghề, Xum cởi giày vớ, rửa tay rửa chân sạch sẽ, thân chủ rất vừa lòng, chính họ cũng không tưởng tượng việc rửa tay rửa chân là cần thiết khi đấm bóp, "vệ sinh" quá.
Xum mời khách lên giường nằm, bắt đầu quỳ trên lưng khách đánh cho mềm người, đó là lý do phải rửa chân sạch sẽ. Xum dùng hai bàn tay nhận đều hai bả vai khách, nhún mình về phía trước tùy khách ốm, mập, già, trẻ. Người già ưa nhức bả vai và mỏi cổ, Xum bóp mạnh cho máu lưu thông đều rồi mới dùng ngón tay nắn nót từng chỗ, khách sướng đê mê, rên ư hử. Xum vừa làm vừa kể chuyện vui. Xum lần xuống lưng, người mập đường xương sống sâu, hai bên lồi lên, người già ốm, mọc xương rồng như lưng con kỳ nhông; phải nhẹ tay. Xoa xong, chụm hai bàn tay lại dần xành xạch đều tay, rồi dùng hai ngón trỏ và ngón cái cuốn da trên xương sống, mằn da giở lên, kêu rộp rộp, khách rên ư hử. Nếu khách mập, lưng thớt, Xum dùng cùi chỏ đẩy lên kéo xuống hai bên lưng, vừa ấn mạnh, chưa đủ, thêm ngón nghề chụm mười ngón tay như chỉa xom lưng khách. Mỗi bộ phận trên người đều đều được Xum dùng đủ thứ thủ thuật khác nhau. Khách cứ à à, vừa lòng lắm. Xong thân mình, tới chân. Xum bóp từng thớ thịt bắp chuối, bắp vế, rất có ích cho mấy ông chủ tiệm đứng buôn bán suốt ngày, máu dồn xuống chân, gân nổi ngoằn ngoèo, Xum lần từng thớ thịt, nhượng chân, gót chân, kéo các ngón chân răng rắc, khách nhẹ nhõm muốn nhảy nhót. Mồ hôi khách bắt đầu rịn, Xum bóp hai cánh tay lần tới cổ, bất ngờ bẻ ngang nghe tiếng rắc, khách giựt mình, thích thú. Hai bàn tay mềm mại Xum di chuyển lên thái dương khách, gan bàn tay xoa chậm chậm vòng tới rồi lui, vuốt lên trán, bắt gió bừng bực, kéo hai vành tai cho giãn ra, bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết. Mười ngón tay Xum như cây lược thưa luồn qua tóc, đầu ngón tay nhận đều trên đầu, mân mê chùm tóc trên mỏ ác, giở tóc lên, da sút ra khỏi sọ người nghe tiếng tróc. Nếu khách chưa thấy đã, nhứt là những người gân guốc, Xum đứng trên lưng khách đạp và nhún nhún cho nhão người ra. Hai bàn chân Xum phẳng và đầy như chân người giàu sang. Lúc đạp lưng cho ông củ Hển, ông coi bàn chưn Xum nói "bàn chưn này hổng nghèo". Đúng! Sau này Xum có hai vợ ở Long Xuyên nuôi Xum. Tin không? Thân chủ thường xuyên là người có địa vị, hôm nào vắng khách, cứ đến mấy ông đó. Mấy ổng ghiền đấm bóp, thấy Xum đến mời vào dễ dàng, như người ghiền gặp thuốc, riết rồi quen, hôm nào vắng Xum tự nhiên thấy đau mình, vật vã, phải có Xum ra tay mới ngủ được.
Xum làm việc tận lực như làm chuyện nhà, mà khách cũng là dân bản xứ, bà con lối xóm. Xum không nệ công thì họ cũng đền bù, vừa trả tiền công vừa cho thêm. Xum mang cho họ sự sảng khoái thêm câu chuyện vui như ở tiệm hớt tóc. Xum được thêm cái lộc trà bánh sau khi xong việc. Có những đêm về trễ, mưa gió, pháo kích, Xum tự tiện lưu lại ngủ nhà thân chủ mình.
Chuyện đấm bóp chỉ dành riêng cho đàn ông, các bà không chú ý chuyện này, nhưng cũng có vài ngoại lệ. Xóm nuôi gà nòi, có chị Út Tụi, trên dưới bốn mươi tuổi, người roi roi, bạn hàng xe đò, hút thuốc như đàn ông, tay bằng miệng, miệng bằng tay. Mặt chị ngầu có uy đến đỗi mấy người lơ xe còn nể, phải sắp xếp hàng hóa của chị gởi cẩn thận. Chồng chị bỏ đi xứ khác, nghe nói, trước khi đi, chị nắm đầu ông chồng lên gối hự hự. Đêm đó chị đi xe về mệt mỏi, kêu Xum tới đấm bóp, đầu hôm bất ngờ quận bị pháo kích, nhà đèn cúp điện tối om. Chị Úttheo thói quen chỗi dậy, "để tao đi kiếm ống quẹt đốt đèn". Xum đang quỳ trên lưng chị nói "Dớ, hổng có gì đâu, tui hổng cần có đèn đâu mà, không có đèn tui cũng làm được". Chị Út Tụi vẫy đùng đùng vừa cười nắc nẻ "thằng mắc dịch, ôi, thằng mắc dịch". Đêm đó pháo dữ quá, hai người phải chung vô hầm trú ẩn suốt đêm. Bên ngoài pháo kích, mưa tầm tả, lần đầu tiên Xum thấy ấm cúng, bớt trống trải trong lòng.
Sáng hôm sau, mới bước ra khỏi nhà chị Út Tụi, Xum đỏ mặt bẽn lẽn nghe chú Sáu Tý kế bên nhà cười giòn "Tối qua mầy pháo kích dữ quá, mầy làm gì con mẹ đó la om sòm trời đất vậy Xum?". Chuyện này xảy ra nhiều lần thành đề tài cho dân xóm chị Út Tụi có cơ hội cà rởn với Xum, cà rởn chơi chứ không ác ý.

Xum đã thành người lớn, có việc làm, dư dả chút đỉnh, gặp dịp cũng biết hưởng thụ như ai. Lâu lâu, Xum tự đi tìm hoa ở xóm ngả tư ngoài kinh, đường ra Long Xuyên. Mùi phấn son nhà bà Tư Da Bò theo gió đưa quyến rủ khứu giác Xum. Mỗi lần đi ngang xóm, bà Tư chạy ra níu kéo, kêu réo "Có đứa mới nè Xum, bảo đảm mới tinh". Xum nghiêm trang trả lời "Mới tinh hồi nào, dớ, bà gạt tôi, mỗi lần đi ở nhà bà, tui phải kiếm ông Xăng chích pê-ni-ci-lin. Xum lại ghé nhà bà Sáu Thẹo, lại bỏ ra đi một nước. Bà Sáu Thẹo hỏi lý do. Xum gạt tay bà "Dớ..., bà nói con nen xậy nó là-o, là-o, xo xo (đẹp đẹp, trắng trắng) mà tui rờ nó, nó à cọt, kha mau kha mau á (xấu, đen đen). Bà Sáu Thẹo tá hỏa, sao nó rờ mà biết à cọt, kha mau kha mau kìa, bà lầm bầm chửi "Đồ thằng đui mà đòi da... trắng". Từ huyền thoại đó, mỗi lần Xum đi ngang xóm ngả tư, các cô kêu réo "Ở đây có mấy cô là-o xo-xo nè Xum".

Bạn bè trạc tuổi, đạp xe lôi, lơ xe đò, đâu có đủ tiền bạc tiêu xài rộng rãi như Xum. Bọn nó rất thán phục Xum là khác. Thằng Xil đạp xe lôi, đang ngồi nghỉ dưới gốc me, thấy Xum đi qua, nói với giọng chiêm ngưỡng "Dám chơi một cái một trăm à!" (Tiền năm 1966, giáo sư dạy giờ ngạch Tú Tài 2, dạy Đệ nhất cấp, 80 đồng một giờ, tô hủ tiếu khoảng 12 đồng, bọn nó nể nang Xum là phải). Xum thành công hơn bọn nó nhiều, địa vị Xum cao hơn nhờ gần gũi, đấm bóp cho giới quan quyền giàu có.
Xum sống khá nhờ thân chủ tuổi trên năm mươi, tuổi này thời đó tạm gọi là già. Sống tới tuổi năm mươi là mừng rồi, nhiều người ăn tiệc "ngũ tuần", nấu mì ngọt sợi dài, lúc gắp ăn rất thận trọng sợ mì đứt, họ muốn sống dai, lâu dài như sợi mì, họ quên là lúc nhai, mì phải đứt và nát ra, cuộc đời đứt ngang, tan nát như sợi mì. Xum rất lo cho thân chủ, đấm bóp cho họ, thấy họ yếu đi nhiều. Càng yếu đuối già cả bịnh hoạn mới cần đấm bóp thường xuyên, thường xuyên thì Xum kiếm tiền khá, nhưng họ sẽ không ở lâu cho Xum nhờ. Xum sợ nhứt là tiếng trống, ba hồi trống báo tin có người nghỉ chơi nằm xuống, người đó nếu ở chợ, thường là thân chủ Xum. Xum buồn và thương tiếc, họ thương Xum, Xum nhờ họ, họ nằm xuống, Xum nhớ ơn, vừa mất mối. Chệt Lững bán tạp hóa mất, thôi, từ đây Xum không còn ghé nhà Chệt đấm bóp, được đãi bánh in uống trà Tàu.
Tiếng trống từng hồi ba tiếng một, ba tiếng phèn la đưa Chệt Lững, Xum theo sau, thấy mình bơ vơ, bị bỏ rơi. Năm 1970, ông Hội Đồng Kết ngoài quán cà-phê Chệt Căn ăn sáng, ông múc muỗng cháo huyết, lắc đầu buồn bã "Có một năm mà tôi mất ba đứa con". Xum bớt nói bớt cười, ngồi ủ  trên hàng rào ngả tư bến xe, cúi đầu mệt mỏi, lúc chạng vạng tối, đêm đó không ai kêu đi làm, chép miệng bùi ngùi "Năm nay ông Phó mất, thầy Hoạnh mất, buồn quá".
Lá cây Năm Vồ bên hồ sen chùa Swayton rơi lác đác, lá me trong xóm Swayton lả chả rụng theo.
*
*     *
Năm 1975, con bão lốc làm cả rừng cây ngả, Xum là cây lau cây sậy, sống nhờ núp dưới bóng cây lớn chở che. Cây lớn ngã, lau sậy cũng trốc gốc. Số thân chủ Xum đi hàng loạt, dù còn sống, không có đến một người kêu Xum tới đấm bóp. Thời thế, thay đổi, giàu cũng thành nghèo, càng sang thì càng hèn, cơm gạo phải xếp hàng chầu chực mua, dư đâu mà nghĩ tới đấm bóp. Xum như chiếc lá Năm Vồ khô thiếu nước thiếu nắng. Xum đi ở tuổi gần bốn mươi, không phải trẻ nhưng chưa già, thời Xum đã qua, không để lại chút danh nào ở đất này.Người biết giá trị Xum đã đi hết, Xum là người cuối cùng. Lúc còn sống đóng góp cho đời bằng hai bàn tay và mười ngón tay, khi đời thôi cần thì mình đi. Phải rồi, Xum! Nếu mầy sống tới ngày nay, cũng là kiếp sống gượng gạo, ai nuôi mầy? Ai kêu mầy tới đêm đêm đấm bóp?Lấy cơm đâu ăn, dư tiền đâu để kiếm mấy đứa là-o, là-o, xo-xo. Mầy sẽ thất vọng và tủi hờn thêm chứ có ích gì.
Xứ mình tình người như xưa không còn đâu Xum! Mà cái xóm Swayton này cũng biến đâu mất rồi. Người lạ ở đâu tới cất nhà lỏn chỏn, những cây ăng-ten mọc loạn xạ thay cho những cây xoài thanh ca. Nhà mầy cũng mất dấu rồi, còn ai dung chứa mầy nữa đâu.
Con đường vô Chưn Phnum, tre, trúc đâu hết rồi? Con đường ngang dốc Tà Đét, Bà Đội Om (15) đã bỏ về trời. Con đường vô Ô Thôm, núi  bị chém từng mảng, mấy cây thốt nốt khắc khổ chịu đựng. Những con đường mầy từng đi qua, chỗ nào cũng có phòng "mát-sa", "bia ôm". Lúc về xứ, hỏi thăm mầy, không ai còn nhớ mầy ở đâu, chết khi nào... Dịch vật thằng Chau Tút, nó lôi tao vô động "mát-sa". Mấy cô mát-sa tay mát rượi, nói chuyện hay như chim hót, là-o xo xo né é. Tao chợt nhớ cái mặt cô hồn mầy, Xum, mầy ơi!

Chú thích:
(1) Xoài đông ken: Xoài lúc có trái nhiều nhứt.
(2) Thơ bun: Làm phước. Người giàu tổ chức thơ bun vài ngày, phát tiền gạo cho người nghèo, hồi hướng công đức cho cha mẹ thân nhân quá vãng.
(3) He Cà thưng: Lễ rước Phật, từ chùa này sang chùa khác, đám rước có nhạc ngũ âm, có khi kiệu được người khiêng, có khi đặt trên mình voi. Phật tử mỗi người cầm một bó bông đi sau.
(4) Đồn ta: Lễ vào rằm tháng bảy.
(5) Đánh kun: Đánh võ, hễ ai bị ra máu thì bị thua.
(6) Nen xậy: Con gái.
(7) Mua bông: Muốn vào nhảy Lam Thôi, đàn ông phải mua bông, nhảy xong, trả bông lại, muốn tiếp tục phải mua thêm. Đây là hình thức trả tiền.
(8) Cò Hiến Binh đầu đỏ: Theo hệ thống Pháp để lại. Hiến Binh đội kết đỏ, có quyền như Cảnh Sát và Quân Cảnh.
(9) Sáng duyên ở mặt: Buổi sáng người ta rửa mặt sạch sẽ.
(10) Trưa duyên ở mình: Buổi trưa nóng, người ta tắm mát, kỳ cọ thân mình.
(11) Chiều duyên ở chưn: Buổi chiều, người ta rửa chưn đi ngủ, vì suốt ngày đi chân đất.
(12) Hát đối: Người Miên cũng có hát đối giữa trai gái.
(13) Hát nói: Vừa hát vừa kể chuyện, thường là người biết đàn, vừa đàn vừa hát, kể một câu chuyện.
(14) Chỉ cây dù: Chỉ có hiệu cây dù.
(15) Bà Đội Om: Đối diện núi Cấm, có núi Bà Đội Om, ngày nay hết thiêng.
(16) quấn dây chì:  mỗo khoanh dây chì chừng 20kg, muốn bán lẻ, chủ tiệm chiết ra, quấn thành khoanh nhỏ, độ 100g mỗi khoanh

                                                
Lưu Nhơn Nghĩa

58
Viên Giác số 138 Tháng 12 Năm 2003

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét