Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

TRÁI Ô RÔ

  Trái Ô Rô

LƯU NHƠN NGHĨA



- Viết tặng anh Bác sĩ Nguyễn Long (Brisbane).
- Cuối năm tôi được nghỉ 6 tuần lễ.
- Tuần đầu đau răng và cảm cúm.
- Tuần thứ nhì lái xe ra biển bị gẫy cốt cam giữa đường.  Đi xe lửa cả tuần.
-Tuần thứ ba xe nằm đường- 8 tuần lương lãnh trước cạn sạch.
- Tuần thứ tư bị ong vò vẻ trong vườn đánh sưng húp mặt, hết dám chường mặt ra khỏi nhà.
-  Còn 2 tuần dưỡng sức, ngủ trưa cho đả thèm, nhưng anh điện thoại gián tiếp khuyến khích.  Tôi nể trọng anh nên miệt mài viết hàng đêm cho xong bài này để đền ơn tri ngộ.
- Viết xong còn một ngày duy nhứt trước khi trở lại trường với lũ học trò quỉ quái.
-  Thở phào nhẹ nhỏm, ra sau nhà mới thấy cái máy lọc hồ tắm bị bể- ‘Tiền đâu thay đây trời?’.


                                                                   ***

          Đào kép đoàn ca kịch Công Lập vừa ăn cơm trưa xong, chờ dọn ra chợ che đệm, dựng rạp chuẩn bị trình diễn vài đêm, trước khi xuống ghe bầu đi xứ khác kiếm ăn.  Chợ này dân nghèo quá, coi cọp thì đông, tiền thâu giấy vô cửa ít oi, dân mua giàn thì trả lên từng chục đồng.
          Ông bầu gánh chạy vắt giò lên cổ mà chưa đủ đắp đỗi sở hụi qua ngày, nghe chê nhiều hơn khen.
          Thầy tuồng viết được vài tuồng thì mỏi mòn gầy gò tấm thân.
          Cô đào chánh Bảy Nhị nhờ sắc đẹp khuynh thành trong vở Tây Thi Phạm Lãi, giọng ca muồi mẫn có đủ khả năng chinh phục khán giả oai quyền.
          Nhờ vậy đào kép đoàn ca kịch có cơ hội được tháp tùng theo cô dự những bữa cơm tươm tất ở nhà ông Cả, ông chủ điền, bù lại những bữa cơm mắm kho mặn chát với rau dừa, rau tạp nhạp dưới kinh dưới ruộng, nuốt trôi cơm nhờ trái ớt hiểm.  Ông bầu và đào kép vì vậy tranh nhau o bế cô Bảy Nhị mỗi khi cô nổi cơn đòi thối tiền lại, bỏ đi gánh khác.
          Nhục nhằn nhứt có lẽ là ông thầy đờn Mười Sáng, tọa trên chiếc chiếu rách xếp đôi, lưng dựa tường, mím môi nuốt nước bọt, vuốt bấm những sợi dây đờn, ông ôm ấp cây đờn xến như ôm ấp người yêu.  Cuộc đời ông thảnh thơi trong bóng tối, cây đờn xến không phụ rẩy ông, cây đờn nhị nghe lời ông.  Ông mù mắt nhưng được trời ban thính tai.  Đào kép dù nổi danh đến đâu cũng phải nể vì ông, họ rất sợ thầy đờn phá, nhứt là đào kép còn non tay nghề như kép Năm Xồi, đào Ba Nhàn.  Trưa trưa, ông có thói quen ôm đờn, vo từng tiếng tự thưởng thức tài nghệ, theo ông, chỉ có ông mới đủ khả năng thưởng thức tiếng đờn.  Nhờ an phận sống qua ngày nên ông bình tỉnh trong không khí ầm ì tản cư giặc Thổ của mọi người chung quanh.
          Ông bầu đứng mũi chịu sào, luống cuống thở than: ‘Dọn đi thì lấy gì ăn?’.  Đào kép nhao nhao sợ nạn Cáp Duồn, lấy của che thân hay là lấy thân che của?
          Sau đêm hát, khán giả lèo tèo đếm đâu được vài chục người và một lũ con nít ồn ào, đong được chục lít gạo thì mọi người quyết định lui ghe, vì nửa đêm, Thổ dậy, nghe tiếng kêu cứu và nhà cháy không xa.
          Gặp con nước ròng, càng khó khăn, thêm hai đứa bé khoảng mười lăm tuổi chạy loạn xin quá giang ra vàm, thằng Kèo và con Ngay.  Hai đứa mồ côi nhưng có tài tháo vát đỡ đần cho đoàn hát ngay từ đầu. Kèo biết rõ từng khúc kinh cùn, con rạch cạn, từng con nước trước khi ra Sông Cái, lại quen chèo chống.  Ngay thì nấu cơm nấu nước nhanh nhẹn.  Nhờ hai đứa mà ghe đoàn hát ra đến Sông Cái an toàn, thoát nạn giặc Thổ.
          Kèo ngồi trên mui ghe buồn rầu nhìn về hướng quê mình, sông nước bao la, những giề lục bình xanh lạnh lẽo trôi phăng phăng như chính cuộc đời tên chăn trâu ở đợ, lỡ phải lưu lạc.  Kèo ngồi ủ rũ như vượn lìa cây, chắt lưỡi như thằn lằn.  Ghe trong xóm Tà Thom ra nườm nượp lánh nạn, mặt ai nấy đều căng thẳng. Kèo và Ngay cũng ở xóm đó ra, gia đình hai đứa bị Tây đi bố bắn chết đêm Việt Minh về chụp đồn.  Hai đứa sống sót lây lất qua ngày trong xóm, biết mặt nhau nhưng không ưa nhau.
          Trong ghe, Ngay đang dọn cơm, Ngay quen việc cơm nước vặt vảnh vì ở mướn cho nhà điền chủ từ nhỏ.  Bà bầu không buồn giải quyết chuyện hai đứa nhỏ làm việc không công cho đoàn hát.  Mất người cũ, có người mới vô thay, đâu cũng vô đó.  Tháng trước ghé chợ Bình Di, lúc lui ghe mới hay con đào lẳng theo trai ở lại với con thằng cha chủ nuôi cá bè.  Cơm ghe bè bạn, gánh hát nhỏ, không đủ tiền mướn rạp ở tỉnh lớn, chợ quận nên chỉ loay hoay ở các thôn ấp nhỏ và nghèo dọc theo sông rạch, tiện việc giao thông chuyên chở.
          Nước sông gạo chợ, ghe bầu là căn nhà di động an toàn nhứt của tiểu gia đình mang cái nghiệp cầm ca.  Ngoài nghiệp đó, thêm vài việc phụ mới vừa no đủ.  Có khi ghé thửa ruộng dưa bên bờ kinh vắng vẻ xa nhà chủ, họ ghé bẻ vài trái giải khát hoặc lội xuống kinh nhổ bồn bồn, bông súng, rau để làm dưa hay nấu canh thêm với mắm kho mẳn là món ăn thường nhựt.  Gặp mùa tát đìa, kép Năm Xồi la cà quanh đìa, làm vài bản vọng cổ chưa chín muồi cũng được giỏ cá thác lác.
          Riêng ông bầu và bà bầu, nghe tên tưởng đâu mập lắm.  Bà thì đúng là bà bầu, còn ông thì gầy yếu, tay chân khẳng khiu, mặt tái mét, có tên là Bầu Ốm.  Cuộc đời ông bầm dập qua bao biến cố loạn lạc, trên đe dưới búa.  Vì cái quá khứ Thanh niên Tiền phong mà ông khốn đốn.  Một thời, ông theo đoàn sơn đông mãi võ, làm quảng cáo cho nhà thuốc Hiệp Sơn, sau đó bỏ trốn vì bị tình nghi.  Bây giờ ông còn tinh thần kinh cung chi điểu.  Bọn lính kín rình rập nghe từng câu hát trong tuồng, sợ liên hệ tới quốc sự. Ngoài nghệ thuật sân khấu, ông còn bao nhiêu vấn đề khó khăn phải đương đầu.  Có đêm hát xong, đào kép chưa kịp rửa mặt, khán giả ra về, dưới ghế có vài tờ truyền đơn, vậy là cả đêm đó có cơ ngủ bót.  Đoàn hát khốn khổ nhứt là những đêm ngủ đình ngủ chợ, hoặc đậu ghe bên bờ kinh vắng, kẹt giữa hai lằn đạn Việt Minh và Tây.  Hai bên coi những người nghệ sĩ lỡ bước như kẻ bị tình nghi.  Gặp Tây thì sợ mình thành Việt Minh, gặp Việt Minh thì tự nhiên mình biến thành Việt gian, có thể bị lên núi cho ‘mò tôm’.
          Mỗi lần có ai trả giá mua giàn, mặt ông nhăn nhó như muốn khóc:
          -  ‘Khổ lắm ông à, ông trả thêm chút đỉnh cho đào kép nhờ, bảo đảm vở tuồng đêm nay sẽ thu hút khán giả, ông lời chớ không có cách gì lỗ đâu mà sợ’.
          Ông biết là có lời, khán giả có đông, nhưng không có người giữ trật tự.  Thanh niên theo phá các cô đào trẻ, lũ con nít quỉ chạy lanh quanh vạch đệm chung vô rạp leo tuốt lên sân khấu hậu trường làm sao kiểm soát nổi, rồi hàng ghế đầu thượng hạng dành cho khán giả danh dự, tiền thâu vô cửa chưa đủ đong gạo.
          Lâu lâu, những đêm mưa, ông nằm bên bàn đèn lai rai vài ngao, thở than, tâm sự: ‘Muốn diễn cho có nghệ thuật, vừa làm khán giả vui lòng đâu có dễ’.
          Chưa kể đào kép mè nheo lớn tiếng khi gặp lương trễ.  Ông phải lo ngoại giao với quan làng, khán giả và đào kép một lượt, còn thân ông cũng rách bươm, loang lỡ như mảnh long bào lổ chỗ, màu như lang ben trên người ông.  Ông cúng kiến vái van Tổ không trật đêm nào, thỉnh thoảng ông than với Tổ: ‘Sao cái nghiệp cầm ca nó khổ như vậy!’
          Bà bầu siết hồ bao ông xẹp lép nên bà có thân hình bầu xứng đáng.  Ông nuông chiều đào trẻ bao nhiêu, thì bà lại hạch sách họ bấy nhiêu.  Sau buổi trình diễn, bà có tật cằn nhằn, chưa thấy lần nào bà khen cho rậm đám: ‘Sao con Sáu Nhánh mầy ca ưa lắc lắc cái vai vậy?  Con Chín Ngân ca tới đoạn bi thương mà mầy cười mỉm với thằng cha Cai Tổng?’.
          Đào kép lắm lúc bực mình, đòi thối lại, đòi bỏ đi gánh khác, nhưng chuyện đâu còn có đó.  Họ cũng quen chuyện bực bội hàng ngày với bầu gánh, thầy tuồng, thầy đờn, đứa đề-co, khán giả từ ông già râu dê tới đứa con nít mất dậy.  Họ cũng biết thân, đi gánh nào rồi đói vẫn hoàn đói.
          Họ kiên nhẫn được nhờ sống hai thế giới.  Thế giới ban ngày và sau hậu trường đầy dẫy bực bội, bất trắc, khốn khó.  Bù lại, ban đêm khi ánh đèn măng-xông thắp sáng, họ mang hia đội mão thành vương tôn công tử trên sân khấu, thưởng thức nhìn những đôi mắt say sưa thán phục bên dưới, hưởng vài giờ huy hoàng, rồi mang theo hình ảnh đó để an ủi che lấp cuộc đời truân chuyên.  Kép Tư Tam trưa trưa rảnh rang, ngồi tiệm hớt tóc tán gẩu, cười lốp bốp: ‘Hôm qua tôi bồng con Hàn Tố Mai, mình nó mềm, mặt hoa da phấn, sướng lắm anh ơi!  Trong lúc thằng cha Cai Tổng ngồi nuốt nước miếng tức lộn gan.  Còn mỗi lần tôi ăn bánh canh hả, con nhỏ bán bánh canh múc cho tôi cá nhiều hơn bánh’.
          Ngay đang lui cui múc nước rửa rau sau lái ghe.  Từ ngày theo đoàn hát, Ngay hoàn tất việc bếp núc, sớm khuya hầu hạ đủ người.  Ghe cắm sào đậu nghỉ, Kèo cắm câu thế nào cũng có cá ăn cơm chiều.  Ghe đậu gần cánh đồng mùa nước, Kèo mò một giỏ cua đủ nấu canh, hoặc một thau ốc quắn đổi bữa.  Qua kinh hẹp, Kèo móc lén quày dừa kho cá, lâu lâu được ổ trứng cò, trứng trích.  Kèo tháo vát bao nhiêu thì Ngay giỏi giang bấy nhiêu.  Suốt năm, Kèo là nguồn cung cấp thức ăn cho những buổi cơm.  Gặp khi hát ở làng trù phú sau mùa gặt gần Tết, đào kép được đãi đằng tiệc tùng tại nhà các ông Cả, ông Cai, thì trong ghe còn lại chỉ ba người: Kèo, Ngay và lão thầy đờn Mười Sáng quây quần buổi cơm đạm bạc.
          Hai năm qua, Kèo đã quen việc dựng rạp, hạ rạp, ngoài việc chèo chống trên ghe.  Những đêm mưa gió mịt mù, bên bến sông cô quạnh, đào kép quây quần trong ghe, nhấp chén trà sen, ăn miếng kẹo đậu phọng, quên mưa gió bão bùng bên bờ sông lau lách, chỉ có Kèo và Ngay ngồi bó gối sau lái vẩn vơ, nhìn nhau, nhắc gốc gác mình, làng xóm mình.  Hai đứa đã vướng theo nghiệp giang hồ, trở về làng lúc chiến tranh, bơ vơ đâu có thân nhân nhà cửa mà trú ẩn.  Đào kép xem Kèo và Ngay như hai đứa bạn (bạn đây theo nghĩa là bạn chèo, người giúp việc).  Trên ghe thì chèo chống, đến nơi Kèo đủ khả năng che đệm quanh chợ, treo màn sơn thủy.  Sau đó, Kèo ngồi trên xe lôi vỗ trống mời khách vừa phát ‘rồ ram’ cho người qua đường, vừa đuổi mấy đứa nhỏ chạy theo chen lấn giành giựt.
          Bà bầu rót ba chun trà nóng cúng Tổ.  Trang thờ Tổ màn đỏ lay động, mỗi lần sóng vỗ mạn ghe lắc lư là y như Tổ hiện về.  Bà quay nhìn ông bầu đang bó gối vừa thổi vừa uống chén trà nghi ngút hơi trong ghe bầu chật hẹp.  Bà lẩm bẩm: ‘Ngồi cái giọng đó là hết tiền’.  Ông bầu nghe được, bật cười: ‘Có tiền đâu mà hết?’.
          Đoàn ca kịch vừa mất thêm hai người đào kép phụ họ bỏ về quê làm rẫy.  Lãy ai thay vào vai phụ đây?
          Kèo vừa buộc cây sào trên mui ghe, vừa ngâm nga điệu Sơn Đông Hướng Mã:
                   ‘Tý ty tý, ty tỳ ty.  Má ơi má, cái anh này dê, ảnh nắm tay con.  Trời ơi!  Làm sao đây, má ơi!’
          Ông thầy đờn chép miệng:
                   -  Thằng Kèo ca đỡ quá chớ, có lý à bây.
          Ông bầu đang lim dim thưởng thức chén trà, giựt mình, mở mắt như khám phá điều gì:
                   -  Ờ!  Thằng Kèo con Ngay lớn rồi, sao mình không cho nó đóng vai phụ.  Tội nghiệp, hai đứa theo mấy năm không than van một tiếng.  Kèo, Ngay à!  Đâu hai đứa bây xuống đây làm thử, coi được, tao cho hai đứa bây lên sân khấu với người ta.  Có đường tương chao lắm à!
          Kèo và Ngay rụt rè chui vô ghe, lấm lét nhìn mọi người.  Một đứa xuất thân chăn trâu, đứa ở đợ, mồ côi cù bơ cù bất từ nhỏ, đâu dám ước mơ làm đào kép để đóng chung với vua chúa trên sân khấu huy hoàng.
          Có những đêm, Kèo đứng sau cánh gà kéo màn, nhìn xuống thấy khán giả say sưa thán phục vỗ tay mỗi lần đào kép xuống song lang, mắt các cô thôn nữ mềm lòng, ươn ướt, dại đi.  Phần Ngay thì giúp đỡ đào gài nút áo, bóp vai họ, xếp áo mão vô rương. Nàng cũng có lúc ước ao, nhưng ý nghĩ đến là bị dập tắt ngay, vì nàng có nhiều việc phải làm.  Ngay và Kèo đứng trong hậu trường tối mờ.  Đèn sáng choang, sân khấu là cung vàng điện ngọc, đào kép được Tổ đãi lột xác thành vương tôn công tử, tráng sĩ hay nữ hiệp vung kiếm trừ gian diệt nịnh.
          Kèo, Ngay chưa đủ khả năng tự tin, lúc đầu bước theo nghiệp Tổ, chắc chỉ làm quân hầu cầm cờ chạy hiệu, hầu hạ đào kép chánh, mãn nguyện rồi.
          Ông bầu phà khói điếu thuốc Bastos xanh nghiêm nghị:
                   - Kèo, Ngay à!  Hai đứa bây theo qua mấy năm, qua thấy hai đứa bây giỏi giắn, qua thương, muốn nâng đỡ.  Biết đâu phải thời, Tổ đãi thành kép chánh.  Chuyện đó làm sao biết được.  Mai sau, trên ô-tô dưới thì ca-nô, nằm giường Lèo trải thêm nệm gấm.  Chừng đó đừng quên thuở hàn vi.  Từ đây, hễ có giờ rảnh, ráng theo học ca với chú Mười Sáng, chú dợt đờn cho hát.
          Kèo đưa mắt nhìn Ngay, tâm hồn hai đứa nao nao.  Ngay thoáng thấy Kèo là tráng sĩ Thạch Sanh hiên ngang leo xuống hang cứu công chúa khỏi tay Mãng Xà Vương.
          Ông bầu dặn thêm:
-         Nhớ mua con gà cúng Tổ, lạy chú Mười làm thầy.


                                                                   ***

          Mười Sáng thoải mái, khoái trá sau ngao thuốc, chưa chịu cầm cây đờn lên.  Ngay bóp vai, đánh lưng xành xạch cho sư phụ.  Kèo thì điếu đóm liền tay.  Cả tháng đầu được bản ‘U xàng u xáng u, xáng trên đầu ba bữa còn u’.
          Ông dạy bài bản, rồi qua vọng cổ.  Cả hai đứa không biết chữ.  Ngay sáng dạ, có khiếu hơn Kèo, học mau nhớ dai.  Kèo chỉ giỏi chuyện chân tay, nghiệp cầm ca sao mà gian truân quá.
          Mười Sáng vo tròn phím đờn, vừa dặn dò liền miệng:
                   -  Nè, đào kép nuôi thầy đờn, nếu chơi không điệu với thầy đờn, tao cứ đờn đúng nhịp, đào kép không đủ hơi xuống song lang, tao không đợi, tao đi luôn là tụi nó mắc dịch hết.  Nè, Ngay, vô nghe, coi chừng xuống song lang nghe, tao đương đờn dây đào đó.  Chừng nào tao qua dây kép thì tới mầy nghe Kèo!
          Mười Sáng dạo đờn tẳng tặng tằng tăng, Ngay hít hơi dài, nói lối:
                   -  Than ôi!  Cánh hoa rụng tả tơi vì gió dập, chớ xác bướm khô ôm ấp mặt bởi tình yêu.  Như tôi đây nhìn hoa lan mà ruột thắt trăm chiều.  Trông hồ điệp lệ sầu tuôn mấy lượt...
          Mười Sáng nhắc, nè, nè, vô liền, xuống song lang, nhớ lấy hơi lên nghe.  Tàm tạm được, được rồi đó Ngay.  Bây giờ tới Kèo.  Làm lại bản ‘Dặn Dò’.  Nào, vô!
          ‘Nếu mai duyên phận không tròn thì sao hỡi em’
          Mắt Kèo đờ đẫn chạm đôi mắt say dại của Ngay, hai tâm hồn xao xuyến.  Bản ‘Dặn Dò’ sắp dứt, Mười Sáng la:
                   -  ‘Vô’, trời ơi, xuống song lang liền.
          ‘Than ôi, thời vận bất tề’.  Lỗ tai mầy để đâu Kèo?  Mười Sáng mất hết kiên nhẫn với Kèo.  Kèo tối dạ, vô ưa trật nhịp, không đủ hơi xuống song lang, ưa ca rớt nhịp bất tử, giọng ồ ồ như vịt đực.  Ông sởm mình với học trò Kèo.
          Ngay bỏ xa Kèo về tài nghệ, có triển vọng tiến xa, diễn xuất lại có nét hơn Kèo.
          Ông Bầu Ốm đang ngồi vô công rổi việc, nóng mũi xía vào:
                   -  Thôi, đủ rồi, bây giờ hai đứa bây đóng chung thử tao coi.  Kèo, mầy đóng vai thằng cha già lái heo, chở heo lên Saigon gặp gái.  Còn Ngay, mầy đóng vai con đĩ bọc đền.  Tao vai Tư Diều dẫn mối.
          Ngay nhanh nhẩu vô ngay điệu ‘Xàng Xê’:
                   -  ‘Lời nói của ông nghe qua rất tình’.
                   -  ‘Già còn đường!’
          Kèo sung sướng họa theo. Ngay bắt vô:
                   -  ‘Lòng chẳng đổi thay từ đây tới già’.
          Ông bầu quơ tay ra hiệu cho hai đứa hát:
                   -  ‘Còn gì bằng!’
                   -  ‘Lòng thắm tấm lòng ai biết chăng ai’.
          Ông Bầu Ốm, sành điệu vừa xô Kèo và Ngay gần nhau hát:
                   -  ‘Tôi làm mai cho, đừng lo, làm mai chẳng lấy công’.
          Ông liếc sang Ngay, nàng hát, mắt tha thiết nhìn Kèo:
                   -  ‘Này ai ơi có thấu lòng em tha thiết!  Dù mai sau có khổ cùng khổ với nhau’.
          Ông bầu kéo vai Ngay cho nàng ngã lên vai Kèo.
                   -  ‘Chớ quên lời thề.  Em đây đà hứa trước kia’.
          Kèo cảm xúc, bất ngờ nắm tay Ngay, nàng trở lại thực tế, liếc mắt đỏ mặt thẹn thùng ‘Lảng nè’.
          Trong ghe có tiếng vỗ tay cổ võ.
          Ông Bầu Ốm dạy:
                   -  Nè!  Ngay, lúc hát: ‘Lời nói của ông nghe qua rất tình’, mầy phải liếc mắt, phải mục khứ mi lai, kề vai cọ má mới đúng kiểu chớ.  Lúc hát: ‘Này ai ơi, có thấu lòng em tha thiết’, mầy phải là... là... là... làm màu làm mè để nạo cho nó bán hết ghe heo. Lúc hát tới chỗ: ‘tha thiết’, mầy phải bi thương, ngọt ngào.  Còn thằng Kèo, lúc hát câu: ‘Già còn đường’, mầy phải vuốt râu cười dê mới phải.
          Ông Bầu Ốm bất ngờ, chợt có ý nghĩ lạ, cười ha hả:
                   -  ‘Ủa, hồi nãy tao đóng vai Tư Diều, dắt mối làm mai:  ‘Tôi làm mai cho, đừng lo’, hay là hai đứa bây làm thiệt đi.  Ngày mốt ghé bến chợ mua cặp vịt làm thịt đãi đào kép, tao chứng kiến cho hai đứa bây hòa duyên kháng lệ cho tròn duyên kim cải, ông trổ giọng cải lương, xuống song lang ngọt sớt: ‘để cho chim liền cánh cho cây liền a... cành!’.  Đào kép vui vẻ vỗ tay hát ‘Khải hoàn xum hiệp nhứt gia a!’
          Câu hát, tiếng đờn và lúc dợt chung, hoàn cảnh làm chất xúc tác cho tim hai đứa bốc men.  Kèo và Ngay sượng sùng, đứng bỡ ngỡ, lùi xa nhau.  Hai đứa chưa tỉnh mộng, cái trò lộng giả thành chơn ngượng nghịu nhìn nhau, ‘vầy duyên can lệ, tròn duyên kim cải’.
          Vịt nhốt chung với gà cũng có ngày biết gáy.  Kèo và Ngay đã thành đào kép nửa mùa, được khuyến khích tập tành, tuy chưa đóng vai chánh lần nào.  Kèo vẫn chèo chống, Ngay vẫn lo cơm nước, đôi vợ chồng trẻ con này chưa bước hẳn vào thế giới cầm ca, chưa biết tán tỉnh nhau.  Phải nhận là cả hai có tiến bộ nhiều, theo lời thầy đờn Mười Sáng.
          Đêm trăng sáng, đậu ghe chờ con nước, rảnh rang, Ngay đang vo đậu nấu chè, Kèo ngồi nhấp cá.  Tức cảnh sanh tình, Ngay miên man nhớ cảnh thanh bình, rồi chiến tranh, ly loạn, trôi giạt như bèo trên sông.  Say cảnh, say tình, cất giọng nhại theo bản âm nhạc cải cách ‘Nỗi Lòng Chinh Phụ’:
          ‘Ôi!  Nước nhà yên nơi bia đá còn ghi’.
          Kèo đang lui cui gỡ con cá mắc câu, nổi hứng:
          ‘Non sông đang chờ ta đem máu xương ra đáp đền’.
          Tráng sĩ Kèo và nàng chinh phụ Ngay đang đứng bên bờ suối, chia tay tiễn chàng ra biên ải diệt thù theo tiếng gọi của non sông.  Ngay cúi mặt thổn thức, bi thương xốn xang không muốn rời chồng:
          ‘Vì đâu khiến xui tan lìa,
          Đành cam, sang phút chia lìa xa’.
          Ngay ngước mắt nhìn Kèo, lắc đầu, bịn rịn:
          ‘Ôi vì non nước, anh đành đem thân ra chốn trường sa,
          Ôi!  Nước non nhà’.
          Kèo ném cần câu, tâm can run như nhịp tim Kinh Kha Tráng Sĩ, xem cái chết nhẹ như lông hồng, vỗ ngực phành phạch, hát vang rền bến sông, mặt hiên ngang phủ đầy tráng khí:
          ‘Gặp hồi hùng anh phải liều thân sống,
          Việt Nam giống ta oai hùng’.
          Ngay đã bắt xong nồi chè, khói rơm cay mắt, thấm thía lòng chinh phụ cố che dấu nỗi buồn, sợ tiếng thường tình nhi nữ, lưu luyến:
          ‘Em tiễn anh lên đường,
          Được bao nhiêu khúc vẻ vang’.
          Tâm hồn Kèo vấn vương theo mây trời, nợ nước nặng hơn tình nhà, nhưng còn thương hiền thê nơi trướng liễu.  Tráng sĩ phải dứt áo ra đi, còn quay lại dặn dò an ủi khuyên nhủ người ở lại:
          ‘Tình chớ vương mang,
          Hồn nước khóc than,
          Chờ những chiến khu,
          Nỗi nguy nan mau diệt thù’
          Tráng sĩ Kèo kéo sào xô ghe ra khỏi đám lục bình vướng víu, chống sào xuống đáy kinh như cầm giáo chờ quân thù tới, một sống một còn.  Tiếng ca im bặt bất ngờ trên ghe bầu đoàn ca kịch Công Lập.  Tiếng vỗ tay trong ghe đánh thức bầy cò, cúm núm trong bụi bên bờ kinh.  Cỏ cây lặng ngừng uống cạn rượu ly bôi của người chinh phụ tiễn chồng ra quan tái, mấy dặm quan san.


                                                                   ***

          Trận mưa đầu mùa dứt hột lúc xế trưa, không khí mát lành thích hợp cho buổi ra quân đầu tiên ở chợ này.  Ông bầu và đào kép nhẹ nhỏm, không sợ vắng khách.
          Mới năm giờ chiều, trước chợ chè cháo đã sẵn sàng.  Gánh hát đến mang niềm vui cho dân chợ đã đành, còn thổi luồng sinh khí rộn rịp buổi chiều trước chợ.  Các chủ tiệm gốc Tàu ưa hát Tiều, chưa đủ trình độ thưởng thức cải lương hoặc không ưa thức khuya chen lấn, kéo nhau ra ngồi chồm hổm ăn cháo gà, nem nướng, gỏi tôm, những món ngon này chỉ xuất hiện buổi chiều khi có đoàn hát đến.  Nem gỏi ngon hơn nhờ không khí náo nức khác với ngày thường.
          Kèo cắm cúi soát lại cái rỏ rẻ, vô thêm dầu và kiểm soát sợi dây bay, đêm nào có màn tiên bay.  Bọn trẻ con tò mò rờ rẫm.  Một đám khác chạy rầm rầm trên sân khấu la hét ầm ỉ.  Kèo vừa làm vừa lo, đêm nay Kèo được xuất hiện trên sân khấu.
          Ngay bây giờ là đào Kim Xuân, được đưa lên sân khấu lần đầu đóng vai tiểu thơ An Lộc, vai này diễn chừng mười phút, tuy là vai phụ, nhưng y trang rực rỡ.  Trong hậu trường, Ngay đang lầm thầm ôm ngực hồi hộp, nhẩm lại cho thuộc nhập tâm những câu đối thoại ác nhơn.  Ước mơ nàng thành, nhờ cô đào lẳng lơ bỏ đi, không còn ai thay thế ngoài Ngay.  Gái có hơi trai, mặt Ngay hồng hào, da không trắng nhưng nhờ phấn son của đào Bảy Nhị, nên xem ra sạch sẽ nhứt trong đoàn.
          Ngay nhắm mắt nhớ lại.  Trưa nay, đào kép được Xếp Sử mời ăn hủ tiếu ở tiệm nước.  Xếp Sử sà lại ngồi bên Ngay kêu ‘em’ ngọt: ‘Kim Xuân ăn cho no nghe, thiệt tình đừng làm khách nghe’.
          Ngay rụt rè, chưa quen với tên cải lương của nàng, nhưng thấy kiêu hãnh vô cùng khi được sắp ngồi bên ‘XếpSử ’, được bồi bưng tô hủ tiếu bốc hơi thơm mùi thịt heo, có dĩa nhỏ đựng nước tương, có ớt ngâm dấm.  Lần đầu tiên ngồi tiệm Ngay lúng túng.
          Đào Kim Xuân chợt thấy chán ngấy, sợ cái cảnh làm cá, đánh vẫy cá, lặt rau, kho nồi đất lọ nghẹ đen khó chùi, mùi nước mắm ngang, nước mắm đồng tanh rình.
          Xếp Sử mang kính đen, đội kết-bi oai vệ, lắc mình cốt ý cho thiên hạ thấy cây súng sáu bên hông, mặt y nghinh nghinh nhìn người qua lại, như muốn gây.
          Ngay vừa uống xong ly cà phê đá mát lạnh thơm ngát, đả khát quá chừng.  Xếp Sử dịu mặt lại, mỉm cười hỏi Ngay đưa đẩy: ‘No chưa em?’
          Xếp quay sang phổ ky kêu tính tiền.  Chủ tiệm chạy ra, xoa hai bàn tay mập như nải chuối hột, suýt xoa: ‘Thôi để bữa khác đi ông xếp, bữa nay cho tôi đãi khách của ông xếp ăn hủ tiếu lấy thảo.  Đâu có bao nhiêu mà tính tiền!’.
          Xếp Sử thản nhiên đứng dậy, vì đã quen ngồi tiệm nước hàng ngày.  Xếp kẹp cây ‘cane’ đi song song với Ngay về sân khấu chợ. Đào chánh Bảy Nhị hơi phật lòng vì thấy mình chìm trước con nhỏ Ngay.  Bảy Nhị là ngôi sao sáng về đêm khi trời tối, ban ngày sao lu mờ.  Ngay đi sánh đôi với Xếp Sử, dáng thiếu phụ trẻ gọn ghẽ hơn đào Bảy Nhị.


                                                                   ***

          Kèo đã căng xong màn làm buồng cho đào kép sau hậu trường, sắp xếp rương đựng y trang xong, mới bắt đầu tìm chỗ thích hợp thiết bàn thờ Tổ.  Kèo đặt cái tráp gỗ sơn son vuông vức, có hai cửa mở như tủ quần áo bên trong lót chừng năm tấc vải đỏ. Tượng Tổ hay tượng ‘ông Làng’ bịt khăn đỏ, mặc áo vạt khách xanh lục, quần lụa trắng.  Tổ mặc áo quần như vậy không biết bao lâu rồi nên màu đã ngã sang bạc thếch, bụi bám đầy.  Kèo cẩn thận bỏ màn xuống không cho ai nhìn vào thấy Tổ, không tốt.  Sau đó Kèo chạy lên sân khấu dậm coi có đinh hay đã vững vàng chưa, đập đập tấm sơn thủy cũ cho bớt bụi, thử dây màn.  Kèo là một tay đề-co khéo léo.
          Kèo vừa xếp xong các hàng ghế ngay ngắn thì Xếp Sử tới.  Xếp Sử mặc quân phục vàng, đội kết-bi, đeo ‘lon’ một gạch vàng có lằn đỏ ở giữa, giống lon quan một.  Lính và dân gọi ‘quan’, nhưng sau lưng gọi ‘Xếp Sử’.  Xếp Sử kỵ nhứt là tiếng ‘ách’, vì xếp mới là Thượng sĩ, tiếng Miên ‘ách’ có nghĩa là chất dơ của người thải ra.
          Xếp Sử hùn với chủ tiệm rượu mua giàn đêm nay, chủ tiệm hùn tiền, Xếp Sử hùn miệng, lời chia hai, lỗ chủ tiệm chịu.  Gánh nào tới đây cũng không qua lệ đó, đây là cơ hội đền ơn trả nghĩa cho xếp, để thỏa mãn máu mê cải lương của xếp.  Đổi lại, xếp cắt lính trong đồn đeo súng mút đi vòng quanh rạp canh gác.  Các anh chị đứng bến xe đò cũng xếp de khi nghe tới oai xếp Sử.
          Xếp Sử lẩm nhẩm đếm số ghế thượng hạng, ghế danh dự mời quan khách, ghế ủng hộ bán cho các chủ tiệm.


                                                                   ***

          Trời đã tắt nắng.  Trước rạp càng ồn ào người ăn kẻ uống.  Trẻ con dành nhau đập trống giục giả.  Dân các xóm chung quanh lũ lượt kéo ra chợ ăn hàng, coi hát.  Bà Bảy ngồi quạt lò nem nướng vừa sắp bánh tráng, rau sống, chuối chát và nước mắm bưng cho khách.
          Theo chương trình, mở màn lúc bảy giờ, nhưng nhạc tò te, đờn rỉ rả tới tám giờ mới bắt đầu nghe tiếng chuông rung, tiếng gõ bồm bộp trên sân khấu báo hiệu giờ mở màn.
          Trong hậu trường tối mờ mờ, áo mão xiêm y cũ treo chung quanh, đào kép chen lấn sắm tuồng, không khí ẩm thấp từ những bộ áo mão không giặt bao giờ, bốc ra ngột ngạt làm ngứa mũi.
          Kèo ngồi sau cánh gà, nghề chánh là kéo màn, lặng lẽ quan sát vợ dặm mặt làm tuồng.  Ngay đã trổ mã, dáng dấp gọn và thon, mặc áo kim tuyến lấp lánh như sao đêm.  Nàng tằng hắng, thử giọng, rồi bước tới bàn thờ Tổ chắp tay khấn hứa: ‘Lão Đại Lang Thần’ chứng minh cho vợ chồng nàng.  Đêm nay Kèo và Ngay cùng đóng chung một vở tuồng.  Kèo vai lâu la, chận đường cướp giựt, đánh vài đường kiếm, bị đâm lòi ruột chạy vô buồng.
          Kèo nhìn lại y phục mình, đầu quấn khăn đen che tóc bờm xờm, áo quần bà ba đen bó chẻn, thắt lưng là khúc khăn tắm sọc vuông, ống quần bó túm lại, chân đất, bên hông giắt cây kiếm nhôm dài gần sút cán.  Tuy vậy Kèo cũng vừa ý lắm, có được lên sân khấu là quý rồi.  Ví dầu được đóng vai vương tướng, Kèo chưa chắc học nổi vở tuồng, rồi ca rớt nhịp, diễn xuất... Ôi, lộn xộn quá.  Ai cũng khen và nâng đỡ Ngay, từ Ông Bầu cho đến thầy đờn Mười Sáng.
          Kèo linh cảm như vợ mình được chắp cánh bay cao, như con sáo xổ lồng nhanh nhanh.
          Kèo man man, mường tượng hình như có điềm gở, không nói được, khó diễn tả ra.  Cái buổi xế trưa đó, những tia nắng quái nhảy lăn tăn trên mặt nước kinh, chói đến nhức mắt.  Ngay rang rảng hát theo tiếng đờn Mười Sáng, Ngay xuất thần say sưa hát, giọng hát đã có giọt, chín lắm rồi:
          ‘Ải ai đem là con sào là sào sạng sông,
          Cho sáo xổ lồng, cho sáo xổ lồng, xổ lồng bay xa con sạo sáo bay xa’.
          Mười Sáng chắc lưỡi khen:
                   -  Hay quá, Ngay mầy vượt qua được khúc này hay quá.
          Từ buổi trưa đó, con sáo Ngay bay càng xa, ước mơ cao xa hơn.  Ngay mọc lông mọc cánh thành con sáo, Ngay trổ mã thành chim phụng bay xa, bỏ Kèo như con gà trống kêu cúc cúc trong chuồng.  Kèo lo âu, cảm giác thành luồng hơi nóng chạy suốt đường xương sống.
          Đã tám giờ đêm, những tấm giấy kiếng màu đã che mờ mấy cây đèn măng-xông, sân khấu đổi màu.  Đào kép chỉnh tề đứng nghiêm trang trong hậu trường nghe thầy tuồng dặn dò lần chót.  Thầy tuồng kiểm soát sơ y trang, nhắc những lúc quan trọng, cách diễn cho có lớp lang, bắt đào kép lặp đi lặp lại cho nằm lòng, sửa lại những câu sai, bộ điệu cho đúng.  Thầy tuồng gốc thâm nho, muốn đào kép thuộc từng câu từng chữ.  Thầy nhiều lần phàn nàn đào kép ỷ tài, ỷ tận, như ‘nầy phu tướng xuống giọng thành ‘phụ tướng’, phu tướng là để vợ gọi chồng làm tướng, còn ‘phụ tướng’ là ‘tướng cái’ nghe chưa?’.  Đào Bảy Nhị và kép Tư Tam quá tự tin tài nghệ và kinh nghiệm nên cố ý lơ đãng vì biết thầy tuồng nói xéo mình.  Ngay biết thân, sanh sau đẻ muộn, non nớt tay nghề nên ép mình học hỏi, biết điều.
          Thầy tuồng quay lại dặn Mười Sáng:
                   -  Anh Mười liệu đờn theo đào kép nghe, đi mau quá họ theo không kịp thì bể dĩa à.
          Đào Bảy Nhị biết thầy tuồng lại mỉa mai mình, xụ mặt quay đi, lầm bầm bất mãn.
          Thầy tuồng lo lắng cho Ngay:
                   -  Đâu!  Nghinh mặt kiêu kỳ cho tao coi!  À, được đó, mà nhớ lắng tai nghe chú nhưn nhắc tuồng nghe.
                   -  Ông Bầu nhớ nhắc đừng để nó khớp, nó quên.  Bà Bầu cầm đèn cầy và xấp giấy, nhắc tuồng chung với Ông Bầu.
          Mười Sáng dạo bản Lưu Thủy Hành Vân.  Kèo mải mê nhìn qua khe cửa cánh gà.  Khán giả đông bộn.  Xếp Sử ưỡn ngực ngồi ghế thượng hạng đang chuyện trò với các viên chức nhà việc.  Người ‘lát-xưa’ cầm đèn ‘pin’ đi lên xuống sắp xếp chỗ ngồi và giải quyết các chuyện nhỏ nhặt như một giấy mà lại dẫn thêm mấy đứa con nít, mua nửa giấy mà đòi ngồi trọn ghế một mình, nhứt là các ghế hạng nhứt và hạng nhì, khán giả nôn náo.
          Ông Bầu giơ tay cho đào kép im lặng:
                   -  Rồi chưa?  Mở màn bàn thờ Tổ đốt nhang chưa?  Đào kép đốt nhang xá Tổ chưa?  Coi chừng có đứa rắn mắt đem trái thị thì Tổ bỏ theo nó đó nghe.  Hôm nay đầu tiên, hát coi cho được.  Rồi!  -Sẵn sàng- Kèo, rung chuông, gõ đi!
          Kèo kéo tấm màn nhung làm bằng vãi san đầm qua hai bên, một bên dây kéo hư, nên phải dùng tay kéo.


                                                                   ***

          Đêm đã khuya, vở tuồng đã tới hồi gay cấn, tiếng trống giục giả ‘quân’ pha tiếng đờn réo rắt của Mười Sáng.  Đèn màu chiếu trên làn nước chảy cuồn cuộn dưới chân núi xa xa trên tấm tranh sơn thủy.  Cảnh đẹp như tranh.  Công tử Minh Văn đang phi ngựa săn bắn bị lâu la Kèo chận đường:
                   -  ‘À à!  Mi đi đâu?’  (Kèo hỏi)
                   -  ‘Ta đi săn bắn qua khu rừng!  Mi là ai?’
                   -  ‘Phải nạp tiền mãi lộ cho mau!’ (Kèo đọc như thuộc lòng)
          Bà Bầu nhắc: ‘để lại cái thủ cấp’.
          Công tử Minh Văn rút kiếm đâm tên lâu la, Kèo ôm bụng chạy vào hậu trường, trở ra chỗ cánh gà lo phận sự kéo màn.
Kèo say mê cải lương hát bội không kém khán giả, hồi hộp nhìn Ngay ‘xa giá võng lọng’ được mấy đứa tỳ nữ theo hầu bước vào túp lều tranh chỗ công tử Minh Văn bị té ngựa khi đi săn.  Cô thôn nữ Hằng người yêu cũ Minh Văn băng bó và cho chàng uống thuốc.
          Tiểu thơ An Lộc ngồi chễm chệ trên ghế có tỳ nữ quạt hầu.  Ngay có nét mặt kiêu sa đài các.  Ông Bầu thì thầm: ‘Chèn ơi, con nhỏ đóng có đường quá ta!  Phấn son hồng lên má tiểu thơ An Lộc, vóc dáng đẹp hơn đào chánh Bảy Nhị bề xề, tuổi xấp xỉ bốn mươi.
          Kèo nhìn Ngay trân trối, Ngay không thể là vợ tên kéo màn đang bó gối ngồi trong bóng đêm ngơ ngác nhìn tiểu thơ An Lộc đẹp như tranh kia.  Nét mặt tiểu thơ Ngay kiêu kỳ quá.  Ngay đã lột xác sâu thành cánh bướm rực rỡ rồi Kèo ơi!
          Cô thôn nữ Hằng đau đớn cầm chén thuốc dưng cho tiểu thơ An Lộc xem xét.  Hằng quay về khán giả, nước mắt lưng tròng than bi ai thê thiết: ‘Than ôi!  Thời vận bất tề’.
          Ông Quản Ấu lắc đầu ủ rũ theo.  Xếp Sử khá hơn, biết xét người, có mắt nghệ thuật, quay sang ông Cai Tổng:
                   -  Đào Bảy Nhị tuổi quá bán rồi, mà đóng vai trẻ coi hơi chướng.  Giọng ca Bảy Nhị chắc hơn Ngay, bóng sắc phải kém xa Ngay, nhứt là khi nước da hơi sạm nắng của Ngay được lớp phấn son che lấp.  Nếu ở trong mát một thời gian, da Ngay sẽ nhả nắng, dư sức thay thế Bảy Nhị.
          Ông Cai Tổng gật gù đồng ý.
          Tiểu thơ An Lộc cầm chén thuốc Hằng ném xuống đất, nạt nghe phát ghét:
                   -  Xí, cái tô nhớt nhợt, con hèn hạ, mày dám cho phu quân ta uống thuốc đựng trong cái tô dơ dáy như vầy hà?  Con kia, phu quân ta mà có mệnh hệ nào, thì ta xé xác mi ra nghe chưa!
          Tiểu thơ vừa nói vừa nhéo tai Hằng.  Tiếng than áo não của Hằng, câu nói chanh chua của tiểu thơ và tiếng tô sành vỡ nghe nhói tim tạo niềm thương cảm, oán ghét trong lòng khàn giả, nhứt là các ông già đàng cựu, phân biệt người trung kẻ nịnh.  Các anh chị đứng bến đứng sau hạng cá kèo không dằn được bất bình, dám lớn tiếng:
                   -  Mơi hổng có gạo nấu à nghe, đừng bày đặt nhỏng nhảnh.
          Thầy tuồng hít hà:
                   -  Tổ nhập nó rồi, nó đóng xuất thần quá, nó lột hết tinh thần vai tiểu thơ An Lộc rồi!
          Tiểu thơ An Lộc nguây nguẫy quay đi, giọng trả treo:
                   -  Quân, lấy xe giá đưa công tử về, thuốc thang ngơi nghỉ à!


                                                                   ***

          Xếp Sử mua giàn mười đêm nhờ ngôi sao mới mọc Ngay, hay đào Kim Xuân, xuất sắc vai tiểu thơ An Lộc trong tuồng ‘Tiếng Khóc Bên Mồ’.  Sáng, trưa, Xếp Sử đưa đào kép ra tiệm xíu mại bánh bao.  Chiều chiều, Xếp Sử hướng dẫn ăn cơm ở các nhà có máu mặt khoản đãi.  Đào kép no nê, nhờ ơn Ngay chứ không phải đào Bảy Nhị như trước.  Chỉ có Mười Sáng vì mù, nên ở lại dưới ghe, ông cần cơm đen hơn cơm trắng.  Kèo có phận sự giữ gìn ghe hoặc ngủ sân khấu canh bối.
          Sau đó, quen thân hơn, Xếp Sử chở đào kép về nhà việc ngủ, đỡ chen chúc muỗi mòng.
          Đêm đêm, Kèo tủi thân nhịn nhục chui vô nóp ngủ sau lái, nhớ Ngay, ‘thia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi’.  Kèo lép nhép vẩn vơ bản ‘Lý con sáo’, Mười Sáng cũng hết hứng đờn phụ họa:
          ‘Ải ại đem, con sạo sạo sáng sông, cho sáo xô lồng, cho sáo xô lồng, xồ lồng nhanh nhanh, con sáo sao nhanh nhanh’.
          Quanh quẩn cũng con sạo là sạo sang sông.  Lúc trước hát buồn thương sướng thỏa, bây giờ sao hát nghe u sầu ủ dột.  Tiếng hát từ cõi lòng sâu kín, than van thố lộ cùng ai?  Chỉ con sáo trong bài ‘Lý con sáo’ mới diễn tả hết nỗi lòng Kèo.  Đào kép cảm thông, nhưng kinh nghiệm đời như vậy phải chấp nhận.  Kèo quan niệm cuộc đời quá đơn giản, như chèo chống, chưa thấy mặt trái của kiếp cầm ca, chưa thấu hiểu và chịu đựng cảnh thay vợ đổi chồng trên sân khấu ban đêm và nhơn tâm ban ngày.  Số phần Kèo phải chịu vậy, tương lai Ngay định rồi.
          Làm bé Xếp Sử no cơm ấm áo, ăn cơm có thịt cá,  đêm đêm nằm giường có chiếu chăn ấm áp, không co rúm hay ngủ nóp trong ghe.  Kiếp cầm ca bấp bênh như lục bình trôi, sống ngày nào biết ngày đó.  Mới là tiểu thơ đêm trước, hôm sau không có gạo nấu.  Cao lương mỹ vị trên sân khấu là cái bánh vẽ, chun ngự tửu thực sự là nước giếng, đêm nay là người trung, bạn hữu, đêm sau là kẻ nịnh, người thù.  Đầu óc Kèo u mê, bắt không kịp sự đổi đời đen trắng, nắng sớm mưa chiều.  Tương lai là tên kép già câm, vai lão, đào già vai mụ ở.


                                                                   ***


          Ghe hát định nhổ sào từ khuya để kịp con nước ra Sông Cái, nhưng còn nấn ná vì gương mặt thảm não của Kèo, mọi người lẳng lặng ở lại chờ Ngay, thâm tâm ai cũng biết là vô vọng mà không dám nói thẳng với Kèo sự thật trái thường.  Xếp Sử đưa Ngay ra tỉnh sắm sửa vải vóc hôm qua, Ngay vui vẽ nhận lời, hẹn chiều đó sẽ trở về.
          Đào kép thở phào, khi người lính xuống ghe báo tin bảo lui ghe, cho biết đoàn ghé chợ nào thì Xếp Sử sẽ đưa trả Ngay về chợ ấy, vì Xếp Sử có việc trên tỉnh.  Ghe phải nhổ sào, Ông Bầu buồn, khuyên Kèo hãy hy vọng.  Trễ con nước, chèo ngược suốt ngày, Kèo đâu còn sức lực chèo chống.
          Kèo nhìn nước kinh chảy ngược vô chợ, nuốt tức tửi tủi hờn, xuống câu lối thường nghe:
                   ‘Tiền, đồng tịch kim bằng cộng lạc,
                   Hậu, lâm nguy bất kiến nghĩa đệ huynh’.
          Câu nói lối học lóm của đào kép sao mà đánh đúng tâm sự kẻ sa cơ, bao nỗi oán hờn trách kẻ bạc tình.  Đào kép lặng thinh, vì chính họ cũng có kẻ từng nếm cay ngậm đắng như Kèo, họ đã chai lì rồi.  Chồng Bảy Nhị bỏ theo con gái ông chủ điền ruộng cò bay thẳng cánh, có ai an ủi tiếng nào, tức khí trong người muốn vỡ tung ra, muốn chụp cây dao đâm họng máu trào, để em ở lại lấy nơi nào hơn anh.
          Tiếng đờn cò Mười Sáng lanh lảnh trong khoang ghe, lựa chi bản buồn đứt ruột, Kèo lép nhép điệu ‘Xàng Xê’:
                   ‘Hoa bay theo, ơi, cánh bướm rụng đầy sân rêu’.
          Kèo cúi đầu nhẫn nhục.  Ngay ơi!  Em tham quý phụ bần, tham lê quên lựu, em quên câu tào khang chi nghĩa.  Em có nhớ đêm anh dẫn em chạy băng đồng trốn giặc Thổ, nhờ ai ngày nay em lên xe xuống ngựa?
          Mười Sáng hiểu chuyện, bò lên mui ghe nói vài câu an ủi vu vơ:
                   -  Thôi Kèo, thói đời mà.  Họa phước đáo đầu chung hữu báo.  Cao phi viễn tẩu giả nan tang.  Lưới trời lồng lộng, ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác.

                                                                   ***

          Không nhớ mấy năm trôi qua, đoàn Công Lập rã gánh, rồi lập gánh cải tên là Hồng Nam, vẫn chiếc ghe bầu chở đào kép cũ mới len lõi qua bao nhiêu kinh rạch mang niềm vui rẻ tiền cho dân nghèo.  Kèo bây giờ là kép Út An, như nhắc nhở tiểu thơ An Lộc.
          Út An đã trưởng thành, tuổi gần trung niên, quen sống với mặt trái của cầm ca.  Kép Út An hát khá vững, giữ nhiều vai phụ ngắn.  Út An có tật quên trước quên sau, vì chữ nghĩa không rành nên chỉ nhớ lỏm bỏm tuồng tích, luôn luôn nhờ người nhắc tuồng.  Thầy tuồng phê bình cái tật cẩu thả của Út An và tật hay cương ẩu, cương có khi xuất thần, thường khi dở tệ, bị khán giả la ó.  Ngoài đời Út An vướng rượu, màu da vàng nghệ là hậu quả, đến đâu cũng từng để thương để nhớ cho các cô thôn nữ địa phương.  Tâm can Út An chưa phai hình ảnh tiểu thơ An Lộc trong vở ‘Tiếng Khóc Bên Mồ’, thường hay dựa khoang ghe, chỗ Ngay thường ngồi năm xưa, thẩn thờ hát, như ‘Lan và Điệp’:
                   ‘Nhìn hoa tàn rụng rơi,
                   Lan tái tê trong lòng,
                   Bao cay đắng dập dồn,
                   Tình đầu vừa tan theo khói sương,
                   Lan khóc than bao tháng năm sầu thương,
                   Mùi thiền đành quên câu muối dưa,
                   Mang xót thương theo tháng năm dần qua’.
          Út An quên mất lưng trâu nhám xóm Tà Thôm năm xưa, trong giây phút trào lòng, bất giác xuống luôn câu vọng cổ trong dĩa ‘Hoa Rơi Cửa Phật’:
          ‘Tiếng mõ chuông đã chấm dứt một cuộc tình duyên đầy trái ngang đau khổ, Lan phải lịm đời ai trong lớp áo nâu sòng’.
          Út An hát với cả tấm lòng, nhưng tiếng Mười Sáng ngồi bên cạnh làm Út An cụt hứng: ‘Mày thiếu hơi nghe Kèo, tới chữ ‘nâu’ mà mày muốn bức hơi, thì xuống song lang hơi sượng đó’.  Mười Sáng chỉ biết khen chê về kỹ thuật ca hát.  Kèo hát vì con tim tan nát.  Út An thành con phù du dưới ánh đèn sân khấu.  Lăn lộn trong nghề đã lâu, ngôn ngữ Út An thấm mùi cải lương ‘chí anh hùng nào ngại lẽ tồn vong’.  Nhờ học tuồng tích mà Út An bỏ dần những câu nói quê mùa lắp bắp, gương mặt lúc nói chuyện thường hay thay đổi vẻ bi thương, hào hùng, ai oán Út An đều xử dụng được.
          Út An nằm vật xuống khoang ghe, vắt tay trên trán: ‘Ngay ơi, em nằm đêm suy nghĩ lại coi, thiếu chi rau em ăn rau é, thiếu chi chồng em làm bé người ta’.  Tiếng thả đòn dầy đậu ghe ăn cơm trưa và người đi lẹp nhẹp trên mui ghe, Út An giả vờ ngủ mê, dấu tâm sự buồn riêng.
          Mười Sáng thính tai nhạy cảm, gần gũi dẫn dắt Kèo từ ngày từ thuở ban đầu.  Mười Sáng điềm đạm thủ thỉ:
          ‘Mấy năm rồi... chưa quên sao Kèo?  Đời mà mậy!  Tháng tới ghé chợ đó hát chắc con nhỏ đó đã con bầy con lũ rồi.  Kiếp cầm ca, lộng giả thành chơn.  Ông bà mình chê là xướng ca vô loại cũng có phần đúng.  Chuyện thay vợ đổi chồng trên sân khấu hàng đêm, ngoài đời cũng vậy’.
          Út An trở mình, không muốn nhắc đến tên Kèo.
          Mười Sáng vỗ về:
                   -  ‘Tao kinh nghiệm quá rồi Kèo à!  Sống lâu thấy lắm chuyện kỳ.  Cuộc đời đổi trắng thay đen, lấy công làm tội.  Thôi mầy cũng gắng lên, tập tành ca hát, cái nghiệp rồi Kèo à!  Hữu chí cánh thành, gắng công thì sẽ nên danh có ngày.  Mầy đã học thuộc vai điên trong tuồng ‘Người Điên Trước Cổng Chùa’ chưa Kèo?  Mầy đóng vai điên chưa chắc hợp, bài bản chữ nghĩa mắc mỏ, mầy phải học cho kỹ tuồng.  Vo cho tròn mấy bản Bình Bán Vắn, giữ hơi để xuống song lang, tao đờn đệm theo cho.  Cái nghề đờn ca, nói cho cùng, phải dựa nhau mà sống, mầy cũng thấy đó.  Còn mầy đối với tao tròn ơn tròn nghĩa, ơn đền nghĩa trả, thảo với nhau là quý rồi’.
          Mười Sáng thở dài, ôm đờn cò bấm vài tiếng đờn trầm trầm như tiếng mưa rơi.  ‘Mà xét cho cùng, con Ngay nó gặp cảnh ngộ trái ngang.  Dù muốn dù không nó cũng phải chịu số phần nó.  Oai quyền Xếp Sử hổng phải dễ à!’
          Mười Sáng se điếu thuốc vấn, tiếp tục tâm sự: ‘Phần tao còn tệ hơn, phần thì đui tối, phần không vợ con, sống nhờ cây đờn mà khỏi đi ăn mày như lúc trước.  Hồi đó, tao đứng hát ở cầu Bến Lức, chỉ cần hát nửa bản cũng đủ sống, chưa lần nào hát tròn bản Sơn Đông Hướng Mã.  Hát chừng nửa bài thì phải đi qua xe khác.  Tao sống qua ngày nhờ xe kẹt cầu phải đậu đợi.  Thằng cháu tao dẫn tao đi hát nó bị ban cua lưỡi đắng chết.  Tao lưu lạc tới giờ.  Muốn giải nghệ mà giải nghệ thì lấy gì ăn’.
          Giọng Mười Sáng bực tức: ‘Mầy tưởng làm nghề đờn này sướng lắm sao.  Đào kép nó chửi nhức xương.  Con Bảy Nhị nó ca rớt nhịp, nó đổ thừa tao, nó chửi xéo tao, là tao đui mà đeo kiếng đen, làm như đeo kiếng là đọc chữ được.  Họ hâm mộ đào kép trẻ, mầy thấy đó, còn họ có bao giờ mời thầy đờn ăn cơm tối, uống cà phê đâu’.  Mười Sáng mải mê tâm sự, tên là Sáng mà sống trong thế giới tối tăm.

                                                                   ***


          Gánh Hồng Nam tiếp tục về chợ quê khua trống.  Đào kép giữ nguyên nếp sống cơm đình cháo chợ.  Mấy ngày đầu khán giả đông như chợ sáng, mấy ngày sau thưa thớt như buổi chợ trưa.  Đào kép lỡ thời lỡ vận bỏ đi, lớp khác thay vào.
          Gần nửa đêm, sắp vãng hát, cửa rạp đã mở ‘thả giàn’.  Cái lệ thả giàn.  Người lớn và trẻ con tràn vô rạp đứng sau hạng cá kèo được thưởng thức vớt vát phần cuối, đây là dịp quảng cáo, nếu thấy hay, hôm sau họ sẽ mua giấy xem.
          Khán giả đang bị lôi cuốn vào vở tuồng, say sưa theo dõi, đèn khuya cũng mờ.  Vở ‘Người Điên Trước Cổng Chùa’ đã đến hồi gay cấn.
          Trăng khuya đã xế trên sân khấu mờ mờ, tiếng chuông chùa ngân nhẹ.  Người điên, Út An đóng, đứng ngơ ngác, tiếng chuông ngân dài, điên đứng nghe ngóng.  Điên bị vợ phụ phàng, mặt mất hồn, hai tay quơ quào chới với lúc chạy về gác chùa, lúc nghiêng đầu vễnh tai lúc lắc. 
          A, a!  Kìa, kìa!  Xếp Sử và Ngay đang ngồi hàng ghế thượng hạng coi hát.  Mặt Xếp Sử ngước lên vì quá gần sân khấu, miệng mím toát ra vẻ oai quyền sinh sát.  Ngay mặc áo dài hồng, quần trắng, guốc cao gót, là người đàn bà duy nhứt được ngồi ghế thượng hạng.
‘Kìa!  Kìa!  Nó kìa!’  Người điên đi chờn vờn ngang sân khấu.  Ngay bất ngờ nhận ra Kèo, trời ơi, chồng cũ mình.  Gánh này là gánh Hồng Nam chứ đâu phải gánh Công Lập.  Đầu óc Ngay đảo lộn, không hiểu sao Kèo xuất hiện ngang xương ở gánh Hồng Nam.  Nếu biết Kèo đi theo đoàn này, chắc Ngay không dám đến dự.  Lỡ tay trót đã nhúng chàm.  Ngay há hốc kinh ngạc, run lẩy bẩy như bà đồng, Ngay cố giữ thái độ bình tỉnh nhưng không kiểm soát nổi tứ chi mình.  Lòng Ngay rộn lên niềm ao ước được sống say sưa theo tiếng hát tiếng đờn dưới ánh đèn sân khấu, nhớ thời xa giá của tiểu thơ An Lộc ghé túp lều tranh nghèo, mắng thôn nữ Hằng.  Chân Ngay luống cuống muốn nhảy xổ lên sân khấu an ủi người điên.  Thời tự do hò hát trong ghe bầu, trời rộng, sông dài, trăng thanh gió mát...  Tứ chi Ngay bị vướng víu vì cái bóp đầm, đôi guốc, chiếc áo ngứa ngáy.  Ngay muốn tung bay như chim trời.  Mấy năm nay sống với Xếp Sử trong đồn lính tù túng, lo săn sóc con cái, đương đầu với vợ lớn.  Tưởng bỏ kiếp cầm ca cơ cực về làm phu nhân Xếp Sử, chim bỏ trời xanh bay vào lồng son chật chội, khác xa thời êm ả trên kinh cùn rạch cạn, nay chợ này mai quê khác.  Ngay càng vùng vẫy, tay Xếp Sử càng nắm chặt.
Luồng nhỡn lực Kèo chạm phải mắt Ngay, thành tia thương cảm ân hận thù hằn.  Mắt Ngay khờ dại, lạc lòng, mềm nhũn người.
          Kèo nhìn Ngay trân trối, đôi mắt Ngay giống hệt đôi mắt người điên trên sân khấu.  Kèo là người điên chớ không phải là kép hát Út An, kẻ bạc tình đang ngồi dưới kia, hai tên gian ác ngồi dưới mắt ta mà, ta đứng trên sân khấu đèn khuya rực rỡ, hai đứa bây ngồi trong bóng tối.  Điên quay lại cổng chùa, ôm mặt lùi lại:
            ‘Kìa!  Ma trêu trước cửa’
          Điên liếc Ngay rồi chỉ mặt Xếp Sử:
            ‘Nọ, quỉ lộng sau hè’
          chân đá chân xiêu, quơ nhánh cây ô rô:
            ‘Ớ bây ơi!  Ớ bây ơi!
           Tao sợ lắm, tao sợ lắm,
          Ta điên đây mà, ta đâu có sợ Xếp Sử, ta là thằng Kèo chèo ghe cho đoàn hát, ta là kép Út An trong tuồng ‘Người Điên Trước Cổng Chùa’.
          Tình cảnh trên sân khấu và cuộc đời dưới mắt nó trái ngang oan ức biết chừng nào.  Điên dáo dác như tìm vật gì đánh mất đâu đây, ta đánh mất hạnh phúc ta ở chợ này, kẻ cướp hạnh phúc ta ngồi sờ sờ dưới kia, đang được mọi người kiêng nể.
          Mặt Ngay héo hắt theo thời gian.  Điên nghẹn nghẹn cất giọng bài ‘Điên Văn Thi’:
                    ‘Ong bay bướm lượn trên nhành,
                   Đến khi hoa nở tan tành bông mai’
          Điên quên tuồng, lại cương lên nữa rồi.  Thầy tuồng đứng sau cánh gà nhảy đong đỏng: ‘Ê!  Bộ mầy điên hả Kèo?’
          Mười Sáng ôm đờn hiểu tâm sự Kèo, khoái chí đờn theo, nhỏ nhẹ với thầy tuồng: ‘Hổng sao đâu, xuất thần mà’.  Điên ngước mắt nhìn, miệng chảy nước dãi như chó dại, chuyển sang khúc ‘Nam Ai’:
                   ‘Đảo điên điên đảo vợ chồng,
                   Lạt phai chuyện cũ, mặn nồng tân loan’
          Rồi vô luôn bài ‘Sao bằng tham đó bỏ đăng.  Học đòi, tình tang nậu tình, những kẻ chơi trăng quên đèn’.
          Điên tiếp tục Nam Ai, chỉ ngọn núi xa trên tấm sơn thủy, gằn giọng:
                   ‘Lời thề sông núi còn rền,
                   Dư âm chưa dứt, hương nguyền vội phai’
          Diễn xuất đến độ hòa mình thành người điên với giọng hát hợp tình hợp cảnh làm Xếp Sử bủn rủn, bị thôi miên cứng họng cứng hầu, hết đường xoay trở.
          Ngay thở hổn hển.  Khán giả vỗ tay tán thưởng, hậu trường nhốn nháo: ‘Sao nó cương quá vậy trời!’
          Tiếng vỗ tay đánh thức Kèo khỏi giấc mơ điên trên sân khấu.  Xếp Sử là thực, ta là mộng.  Điên vỗ ngực, quay lưng về phía Xếp Sử, vêu vêu cái đít, ỏng ẹo như bà bóng múa quạt, hát bài thằng Bột, cố ý trêu chọc xếp:
                   ‘Cha Thừa tướng ngôi cao
                   Cụ chính danh Huê bột
                   Dưới cửa trướng dẫy đầy gái tốt
                   Trong nhà nuôi bề bộn con quan
                   Tánh dọc ngang ai thấy cũng kinh hoàng
                   Bề ngang ngữa trẻ già đều kính cụ
                   Ống điếu tre quo que chỉ đỏ
                   Quạt Lang Châu trọ trẹ cầm tay
                   Gái thấy ta, a, gái phải chạy ngay
                   Ta thấy gái, a, mèo thấy mỡ
                   Xự xê ư ứ xang ư ư xệ
                   Phàn liêu cống xề, ...
                   Bữa nay ta buồn dạ, ý muốn nhàn du
                   Truyền chúng bây hiệp lũ năm ba
                   Theo cùng cụ dạo chơi phường phố
                   Lựa một thằng nho nhỏ xách cái hỏa lò
                   Lựa một cặp cho to để ứng hầu cái võng
                   Lựa một thằng lỏng khỏng, để xách cặp dao vàng
                   Lựa một cặp xuê xoang để ứng hầu trái địch’
          Cậu nói trái lịch, trái lịch, trái lịch.  Thầy tuồng tức lộn ruột, điên tiết: ‘Đuổi mẹ nó cho rồi!’
          Điên càng làm già, coi khán giả, thầy tuồng, ông Bầu như không.  Điên chỉ diễn cho Xếp Sử và Ngay xem thôi mà!
                   ‘Sớm mai tang tạng tàng tang
                   Cụ bảo thằng tê bắt con kiến càng
                   Lãy sợi dây chàng xỏ ngang lổ mũi,
                   Cho cụ dắt đi chơi, ...’
          Điên cúi đầu, mở to mắt nhìn Ngay thét:
                   ‘Tớ trẻ,
                   Mi đi đâu mà cụ kiếm đôn kiếm đáo
                   Đảo địa thiên tôn, hà môn chi xứ
                   Am tự thừa lôi,
                   Thấy bánh thấy xôi, thấy ông lọ nồi, chẳng thấy thằng tê, ứ hự, thằng tê’.
          Ánh mắt rực lửa của Kèo làm Xếp Sử choáng váng, mất cả phản ứng theo quan cách oai phong hàng ngày.  Xếp Sử ngày thường hét như sấm với Ban Hội Tề, dân chúng.  Xếp Sử có oai hơn ông Quận, quyền sinh sát trong khám.  ‘Các chủ tiệm Tàu không rành tiếng Việt mà dám liên quan rải truyền đơn của Việt Minh, xá gì tên xướng ca vô loài điên điên khùng khùng!’
          Điên càng cương, thầy tuồng càng giận dữ: ‘Thằng Kèo, mầy muốn gánh hát dọn đi tối nay hả?’
          Điên đứng bơ vơ trước cổng chùa, ánh trăng vàng vọt, cổng chùa đã khép kín, đêm nay tứ cố vô thân, chung quanh là hùm beo ma quỉ.  Điên cảm thấy phần mình đã hết rồi, hết đất sống rồi, đêm nay ta trú ẩn nơi đâu để tránh tai họa?  Điên quơ xành xạch nắm lá ô rô, gai ô rô đâm ngón tay rướm máu.  Điên múa như cuồng, ông Bầu dậm chân rầm rầm, Mười Sáng đờn dồn dập.  Ngay ú ớ mê sảng, Xếp Sử mặt đổi màu chì, thở hồng hộc.
          Điên chạy chờn vờn, gầm thét gần mé sân khấu, cầm bó ô rô chỉ chỏ Ngay và Xếp Sử.  Hai khán giả vô tội vạ này bị lôi cuốn vào vở tuồng bi hài kịch mà không cần lên sân khấu.  Xếp Sử đóng vai kẻ cướp vợ người, Ngay đóng vai kẻ bội bạc, quên lời thề đồng tịch đồng sàng, thác đồng quan đồng quách.
          Điên vượt xa khỏi vở tuồng, điên là kép đóng vai Kèo.
                   ‘Ngay ơi, em nhớ những bụi ô rô mọc theo bờ rạch, em nhớ những con cá thòi lòi rút vội vô hang, em nhớ trái ô môi dài, em nhớ hai đứa bị ma bẻ trái bần liệng buổi tối đó không?  Em nằm đêm suy nghĩ lại?
          Điên đang quay mòng, thình lình ngưng lại, quắc mắt nhìn Ngay.  Oan ức hận thù biến thành chùm ô rô xanh.  Kèo đã tỉnh, quay cuồng đến thân thể mỏi nhừ, giọng hát rã rời khản đi như thanh niên mới lớn bể tiếng:
                   ‘Ớ ớ kìa, kìa
                   Chim quyên ăn trái ô rô,
                   Đứa nào lấy vợ tao á á á là là là ...’
          Xếp Sử và Ngay đã hiểu ý, rõ như ban ngày, hai người rùng mình nhắm mắt như tội nhân trên đoạn đầu đài nghe ba hồi trống giục, nhắm híp mắt kinh hãi, rút đầu chờ nhát búa đao phủ.
          Kèo cương đến đây, lơ mơ tìm bốn chữ cuối cho hợp vần, bị nghẹn, ngã lăn trước cổng chùa.
          Màn hạ.
          Khán giả vỗ tay, lục tục ra về.  Đèn sân khấu đã tắt.  Tiếng xô ghế ken két bớt dần.
          Thầy tuồng nhào lên sân khấu, chụp vai Kèo:
                   -  Ê, mầy khùng phải không?  Mầy cương suốt đoạn chót làm hư tuồng hát của tao mầy biết không, từ đây sắp tới tao không cho mầy đóng vai nào hết.
          Ông Bầu lôi Kèo dậy, xỉ vã:
                   -  Mầy học câu đó ở đâu?  Ai hát?  Chim quyên ăn trái nhãn lồng, hoặc chim quyên xuống đất ăn trùn nghe còn được.  Cái này lại hát ‘Chim quyên ăn trái ô rô’.  Mầy ở kinh rạch, mầy phải biết là ô rô không có trái thì lấy gì cho chim quyên ăn?  Tuồng thì không chịu học, chỉ tài cương ẩu.  Hát như mầy rã gánh là phải lắm, mai dọn đi rồi, mầy đừng có vác cái bản mặt mầy ghé chợ này nữa, hết ai muốn nghe mầy hát rồi!
          Chỉ có Mười Sáng, mặt sáng rỡ, cười ha hả:
                   -  Hay, bữa nay tao thấy mầy xuất thần đó Kèo.  Mầy lột lưỡi chửi đã tai quá.  Ờ, mà sao câu chót mầy sượng, không hát luôn, tao đờn chậm đợi mầy lâu quá mà mầy nghẹn.


                                                                   ***


           Kèo vào khoang ghe nằm lăn lóc, đấm ngực đấm đầu phình phịch suốt đêm.  Mọi người đã hiểu tình cảnh.  Kèo vùng vẫy, trở mình lải nhải:
          ‘Chim quyên ăn trái ô rô,
          Đứa nào lấy vợ tao đó, là là là ...’, là gì kìa, là ‘mô’, ‘cô’, ‘lô’, ‘nhô’.  Không được, không được.  Vần ‘ô’ ác thiệt.  Tiếng muỗi vo ve và tiếng ngáy rồ rồ của đào kép trong ghe làm kẻ mất ngủ thêm bực tức.
          Trăng khuya chiếu mặt nước kinh vàng rực, bên bờ lau lách rì rào.  Tiếng trống canh từ đình vọng lại trầm trầm, trăng đã lặn, tiếng bằm thịt đã bắt đầu ngoài chợ mà Kèo chưa chợp mắt được, mãi lo ngẫm nghĩ chữ hợp vần ‘ô’ ác ôn này.


                                                                   ***


          Ghe đã lui từ trưa, nặng nề cọt kẹt cây chèo.  Bà Bầu đang lấy khăn nhúng nước nóng đắp cho Kèo.  Mặt sưng húp, máu rỉ đóng đen lợi răng.
          Thầy tuồng thở dài, sau khi hiểu câu chuyện, buồn bã kể:
                   ‘Sáng này nó rủ tôi đi uống cà phê, sau đó nó uống mấy ly rượu trắng, tâm sự đời nó.  Nó uống rồi nó chửi đỏng om sòm trong tiệm nước, cứ lải nhải ‘Chim quyên ăn trái ô rô’.  Nó bị lính Xếp Sử lấy báng súng dọng vô mặt!
          Mười Sáng rầu rầu, nuốt nước miếng, vo đờn than van, trách móc, nguyền rủa:

                   ‘Xưa nay trời công bình
                   Không dung tình đứa gian
                   Kẻ nào ác gian thì họa phải mang’
          Kèo nằm thiêm thiếp, mắt dầy tím bầm, mấp máy môi sưng chìa ra mấy cái răng máu đỏ.  Kiếm ra rồi, kiếm ra rồi:
                   ‘Chim quyên ăn trái ô rô
                   Đứa nào lấy vợ tao á, là, là, là ...
          Kèo khạc phun ra một bãi máu bầm,
                   ‘là, là ... đồ thất phu’.



CHÚ THÍCH:



(1)    Nuôi cá bè :  Dọc theo sông Hậu Giang, người ta đóng bè, hình hộp bằng gỗ, có khe hở nhỏ cho nước thông thương.  Bè nằm dưới nước, bên trên là nhà chủ bè.  Họ nấu cám cho cá ăn.  Bề ngang bè cá khoảng năm thước tây bề dài khoảng tám thước.  Tới mùa cá lớn thì cân bán cho chủ vựa.
(2)    Mò tôm :  Bỏ vô bao liệng xuống nước (thời Việt Minh 1943-52).
(3)    Ốc quắn :  Loại ở bưng, nhỏ hơn ốc bưu, lớn hơn ốc gạo, màu đen.
(4)    Có đường tương chao :  Tiếng lóng, ý nói có tương lai khá hơn.
(5)    Cù bơ cù bất :  Chỉ có một mình, bơ vơ.
(6)    Xuống song lang :  Xuống chỗ muồi, sau đó khán giả vỗ tay.
(7)    Sáng dạ : Thông minh.
(8)    Dây đào :  Đào hát nương theo dây đào, cường độ dây đào khác dây kép.
(9)    Bọc đền :  Bordel, gốc tiếng Pháp.  Trước năm 1952 từ ngữ này được dùng để tránh giọng tục khi gọi gái ăn sương.
(10)  Mục khứ mi lai :  Mắt đi mày lại.
(11)  Hòa duyên kháng lệ :  Nên nghĩa vợ chồng.
(12)  Lộng giả thành chơn :  Lãy giả làm thiệt.
(13)  Âm nhạc cải cách :  Khoảng 1946-48, có một số nhạc sĩ lấy nhạc lý Tây phương sáng tác, như bản ‘Cô Lái Đò’, ‘Cô Bán Mía’ (Mời thầy lại đây mua mía giùm em, Lời thành thật rao mua mía này xem... - Quý vị nào thuộc bản này, xin chép cho tôi xin.  Cám ơn).
(14)  Cái rỏ rẻ :  Cái ròng rọc.
(15)  Ông Ách :  Adjudant = Thượng sĩ.
(16)  Nhà việc :  Công sở làng, xã, quận.
(17)  Lát-xưa :  Placeur, gốc chữ Pháp.  Người chỉ chỗ ngồi cho khán giả trong rạp hát.
(18)  Nửa giấy :  Giấy nửa giá bán cho trẻ em.
(19)  Trái thị :  giống trái hồng, màu vàng, ăn chát, mùi thơm.  Ông Tổ hát bội ưa mùi thị, nên hể ai mang thị đi ngang bàn thờ Tổ, Tổ theo trái thị,bỏ quên việc phù hộ đào kép.
(20)  Tuổi quá bán :  Trên 40 tuổi.
(21)  Đàng cựu :  Các ông lão còn theo xưa, còn biết đến triều đình Huế.  Sau 1945, không nghe nói tới danh từ này nữa.
(22)  Canh bối :  Canh ăn trộm ghe.
(23)  Tào khang chi nghĩa :  Tình nghĩa vợ chồng.
(24)  Họa phước đáo đầu chung hữu báo, Cao phi viễn tẩu giả nan tàng :  Họa phước cuối cùng rồi sẽ báo ứng.  Dù bay cao, chạy xa cũng không trốn được.
(25)  Hữu chí cánh thành :  Có chí thì nên.
(26)  Bà đồng :  Bà cốt lên đồng lên bóng.
(27)  Đồng tịch đồng sàng :  Chung chiếu chung giường.
(28)  Đồng quan đồng quách :  Chết cùng chôn chung hòm.
(29)  Trái ô môi :  Dài chừng năm tấc tây, vỏ cứng, bên trong có từng mắc như đồng xu, màu tím sẫm, ăn ngọt ngọt.

Graceville-Australia

12-1995

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét