Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

TẾT XỨ XÀ TÓN

Tết Xứ Xà Tón
Lưu Nhơn Nghĩa

Cuối năm âm lịch, các tiệm thực phẩm Á châu bày bán những tờ báo Xuân dầy. Bài vở chủ đề Xuân và Tết như bất cứ năm nào, chỉ khác trang tin tức, tử vi, con giáp, quảng cáo, hình ảnh. Tôi có thói quen đọc các phong tục ngày Tết để nhớ và giải thích cho bạn bè ngoại quốc. Bài vở về phong tục đều có nhiều trong sách nghiên cứu, hầu hết là phong tục cổ truyền, ngày nay chưa chắc còn giử.  

Đêm qua được đãi ăn cháo, nằm trên thảm nghe hai ông bạn già nhắc chuyện Tết thời mấy ông, một ông gốc Sa Đéc, ông thì gốc Huế. Hai ông tranh nhau nhắc, ông bắt đầu nói, tôi đã đoán ra chữ kế tiếp, " Cu...", tôi đoán ngay chữ kế tiếp là " kêu ", Nêu cao," kế là pháo đỏ.., thịt mỡ dưa hành...", mừng tuổi, xông đất, chùi lư, bánh chưng, giao thừa, từ ngữ tôi nghe từ nhỏ, có gì lạ đâu. Nghe một lúc tôi ngủ lúc nào không hay. Mấy ông đánh thức tôi dậy để nghe, mẹ, tôi đâu phải là cái thùng rác, cái thùng rác có lúc đầy chớ. Tới phiên tôi kể, mấy ông phải nghe cho công bình.  

Tết xứ Xà Tón tôi vui hơn xứ mấy ông nhiều, khoảng thời 1948-1954. Vui làm sao?, nghe tôi kể.  

Trước Tết mười ngày, người ta nôn nóng trông mau tới Tết, không có cái vụ dựng nêu ăn chè. Ngoài chợ, phố xá tráng xi măng, đường đá xanh " cứng như đá ", ai mà trồng cây nêu. Xóm ngoài kinh, mặt nhà quay ra đường xe đi Long Xuyên, còn chút đất đặt bàn Thông Thiên là phước, trồng nêu cho xe đò cán ngả rồi nói xui. Xóm kinh bên nhà bác sáu Sâm, mặt nhà day ra kinh, trồng nêu dưới nuớc cho nó mọc thành cây thủy trúc. Xóm chuồng bò, xóm lò heo, xóm lò rèn, nhà cửa ở chen chúc, đường hẻm chật hẹp, trồng nêu cản đường đi vô ích. Chỉ có cây nêu trước đình, đúng ra là cây phướng khi có lễ lạc. Câu " dựng nêu ăn chè " để dạy học trò làm bài học thuộc lòng, còn có tên là ám đọc. Xứ tôi không có ông đồ già, dân Tàu buôn bán loại hàng có lời nhiều, ai mà bán chữ rẻ tiền, mà mấy giả có đủ chữ đâu bán. Phố không dán câu đối, cột xi măng vôi, dán không dính. Tạt vô xóm lò heo, xóm ngoài kinh, vách lá, cột bằng cây tạp cong queo, u nầng lồi lõm, thân cột nhỏ, dán lên đọc không thấy chữ, dán liễn chưa chắc may mắn, chỉ tốn tiền. Muốn ra Bắc ăn Tết thì đọc bài thơ Chợ Tết " Những thằng cu áo đỏ chạy lon ton, Cô yếm thắm che môi cười lặng lẻ ".  

Người ta chuẩn bị Tết nhắm về ăn mặc, ăn ngon, mặc mới ba ngày Tết ( xứ tôi không ai nói Xuân , chữ Xuân dành cho học trò đọc trong Quốc văn Giáo khoa thư. ) Tiệm bán thực phẩm bán không kịp, trà bánh, đường kẹo, chà là, mức bí, thịt heo...Kế bên tiệm tôi, tiệm guốc của củ Phú, củ đóng không hở tay, khách kiên nhẫn ngồi chờ củ đóng cho đôi guốc mang ăn Tết, ngày thường đi chưn đất, tối rửa chưn, mang guốc lên giường cho sạch. Guốc vông trắng, nhẹ, rẻ, mau mòn, guốc cây cứng nặng lâu mòn, guốc sơn mắc tiền mang vào dịp Tết. Củ Phú cẩn thận xỏ tay đo quay đóng cho khách hàng mang thử cho vừa, mới dùng nẹp đóng thêm hai bên hông guốc. Đám Mối Chay, thằng Tức, Xỉu Phà tiếp cha mẹ không nghỉ tay. Ăn Tết mang được đôi guốc sơn sướng lắm, sướng hơn mang đôi giày Adidas hay Puma sản xuất ở Tây Đức. Ngày nay, củ Phú đã mất, dép Nhựt ngàn thiên, tiệm guốc dẹp.  

Tiệm hớt tóc, khách ở trần ngồi chờ, đầu tóc chôm bôm, bờm xờm. Chú mười Quanh, chú chín Tỷ, chú năm Sạn giủ cái khăn trắng choàng cho khách, cầm tông đơ đè đầu khách, mảng tóc trên sàng nhà thấy ớn.  

Tiệm may bận rộn từ đầu tháng chạp, tiếng máy đạp suốt ngày đêm không kịp. Chiều cuối năm, tôi thấy một chị mặt sưng xỏ trước tiệm may, " Sao nói chiều nay rồi mà chưa rồi", chị quay mặt đi, muốn khóc, tôi thấy cái buồn tủi nhà nghèo thất vọng hiện trên mặt chị, đứa con không có aó Tết năm nay. Ngày nay, đồ may sẳn, đồ " nghĩa địa, Sida " chở tới chổ thợ gặt bán hay đổi lúa. Tiệm may hết thời, đóng cửa.  

Qua Tết, dân thợ may, thợ hớt tóc, tiệm guốc được nghỉ dài hạn. Ông già tôi bán đồ sắt, ế nhệ từ cuối năm.  

Trước đó mấy tháng, bà già tôi xây bột chuẩn bị làm bánh ít. Bà bao bột trong miếng vải, buộc chặc, lấy cối đá dằn lên cho ráo nuớc, sau đó cắt từng miếng bột ướt để trong nia phơi nắng cho bột khô. Khi làm bánh thì đâm nát, pha nước và đường. Ngày nay bột xay bằng máy sẳn. Thời đó cái gì cũng làm bằng tay. Lại lo làm dưa kiệu, dưa cải, chưa kể làm lạp xưởng phơi trên sào. Ông già tôi nhận xét, " con gái bây giờ làm không nổi đâu ".  

Chiều 23 Tết, trời lạnh lạnh, chưa nóng như bây giờ, thấy cúng đưa ông Táo về trời, thành tâm lắm, mong ông tâu cho Ngọc Hoàng chuyện tốt lành gia chủ đã làm suốt năm, khói ấm trong bếp. Cuối năm ai cũng rọc lá làm bánh tét, bánh ít nhưn đậu nhưn dừa, dư bột bánh ít thì làm bánh tổ. Luộc bánh ban đêm, sáng đem treo cho ráo nước. Ông già tôi chỉ quét dọn nhà cửa cho thật sạch, trả nợ và đòi nợ cuối năm, có khi nghe ông chửi lầm thầm, " thú mẹ, hia Hái dai quá ".  

30 Tết, lo kêu réo người gánh nước xài cho đầy lu không phải dễ, thêm nước uống Chưn Num. Sinh hoạt cuối năm rộn rả nhưng vui. Người lên núi chặt mai rừng, lựa nhánh có bông sẳn về chưng Tết, thường là người nghèo mới rảnh rang làm chuyện nầy, không ai cầu kỳ lặt mai cho nở đúng ngày. Ông già tôi khô khan như đinh dây chì, không cần bông hoa gì cho choáng chổ, mất công xả rác, hoa đào nở và ông đồ già ở ngoài Bắc chưa vô. Trời lạnh vào mùa Tết, ở đây không có chữ " đón Xuân ", nói " ăn Tết " cũng được.  

Trưa 30, bà già tôi nấu nướng mâm cơm ( không phải mâm cổ ) cúng rước ông bà, nói là mâm, nhưng thức ăn dọn để trên chỏng trước tiệm. Nhớ man mán, ba chén cơm, chai rượu, ba chung rượu,bình trà, ba chung trà, diã gan heo xào rau cần Tàu hay hẹ bông, canh da heo, kim châm bún Tàu, thịt kho trứng vịt, dưa kiệu, dưa cải, bánh ít bánh tét, mì xụa, xấp áo giấy áo quần, giấy tiền vàng bạc. Đó là chuyện bà già tôi. Chuyện cúng kiến là trách nhiệm ông già.  

Ông đốt nhang, để mỗi cây nhang nằm trên mỗi dĩa thức ăn, chung rượu chén cơm. Kể tới đây hai ông bạn Sa Đéc và Huế nhao nhao phản đối, " Ai cúng kiến gì kỳ lạ vậy...". Ê, im cái miệng, tại ổng cúng vậy, ông bà mới chịu ăn, cúng như mấy ông, ông bà chết đói, dĩa mì xào không có nhang đưa khói, ai dám gắp?, nhờ khói nhang mà ruồi không bu ". Ông già tôi chắp tay khấn vái khá lâu, thành tâm, nói lầm thầm bằng tiếng Tiều. Ổng khấn vái đủ người, từ ông nội bà nội tôi tới mấy cô tôi, mời về ăn hết. Độ hơn nửa giờ sau, ông bà ăn xong, ông châm trà rượu, một bàn tay nắm lại, bàn tay kia bụm bàn tay nắm lại, hai tay đưa lên trán vái vái, quì xuống, hai bàn tay mở ra như cầm hai trái cam lớn, chống xuống đất, đầu gặc gặc xuống, rồi chắp tay lạy như lần đầu, lạy kiểu đó đúng ba lần. Ông bạn gốc Huế lại ngắt lời, "tôi chưa thấy ai lạ vậy, người ta ... như vầy". " Kệ ông, cúng vậy ông bà mới độ con cháu phát tài, ông thấy không, tôi qua sau ông mà mấy căn nhà, ông qua trước mà còn ở nhà mướn ".  

Sau khi ông bà no say, ông già tôi châm thêm rượu trà, khấn vái, lấy xấp áo quần và giấy tiền vàng bạc đốt trong nồi lớn. Khi vàng bạc cháy thành tro, ông đổ rượu lên, lửa lại cháy bùng. Sau nầy hỏi, sao cúng nhiều quá, ông bà ăn sao hết, đồ ăn dư. " Sao không hết, năm ăn có một lần ". Trà rượu làm gì?. Ăn mỡ phải uống trà rượu mới tiêu chớ, áo quần rách thì mình đốt vải xuống may cái khác, tiền để dành xài." Con có hiếu phải lo cho ông bà đầy đủ. Thấy đồ ăn còn nguyên, có ai ăn đâu? ". Thì mình ăn. Sau đó ông mời bà con lối xóm, ai đi ngang cũng vô ngồi ăn cho vui, tôi cũng ngồi ăn chung. Ông không buồn dạy tôi cúng kiến, từ nhỏ tới lớn, tôi chưa biết cúng cơm hay cúng Giao thừa. Ở ngoại quốc, ngày cuối tuần đi ngồi lê đôi mách, nhằm ngày đi làm, tôi ngủ mất.  

Quên nhắc, còn xách hui ná đi tết quan quyền, bạn hữu, đền ơn trả nghĩa cuối năm. Đoàn lân dượt từ cả tháng trước.  

Trưa cùng ngày, xe đò, xe hàng về buổi trưa, như ngựa về chuồng. Chủ xe lo cúng cô hồn, người sống biết ăn, nhín chút cho người khuất mặt. Trưóc đầu xe, con gà con vịt luộc, có khi con heo quay, vàng bạc cúng cô hồn. Cuối năm, cô hồn đói rách ghé ăn, người ta đâu hẹp dạ, mình biết ăn, cô hồn không ai cúng kiến cũng biết đói, ăn xong độ cho xe khỏi tai nạn, tránh mìn. Đây là dịp chủ đãi sớp phơ, lơ xe ăn uống, thêm tiền lì xì cuối năm cho vợ con.  

Buổi chiều chạng vạng, thấy ông già tôi cúng ông Tì chủ iá, địa chủ thần góc nhà. Nửa đêm, bài dĩa báng cúng Giao thừa rồi đi ngủ, cúng cho có lệ, sau 9 giờ đêm, ít thấy ai ra đường, pháo cũng ít. Có người dùng cây đu đủ, hay tre, khoét lổ, để khí đá và nước vô cho sôi, lấy cây đuốc châm, nổ ầm ầm như đại bác.  

Khuya mồng một, khi chuông nhà thờ đổ, trời còn thanh vắng, tiếng trống lân linh thiêng rập rình từ chùa ông Bổn vang khắp quận. Lân múa lạy Ông trước khi xuất hành. Nằm nghe tiếng trống, biết lân đang lạy tạ Ông, lân lên, lân mừng, lân ăn, lân ngủ. Tiệm chưa mở cửa làm sao ra, đành ngủ nướng. Ông già tôi, như những ông Tiều khác, lợi dụng tiệm đóng cửa, ngủ bù, dậy trưa, ăn no rồi ngủ hoặc tới lui tiệm cà phê. Dân buôn bán, năm nghỉ ngơi được 4 ngày Tết, họ ăn ngủ thât sự, xả hết chuyện khác. Ai tới thăm được đãi mức bí, thèo lèo, hột dưa, chà là.  

Sáng đầu năm, bộ mặt chợ thay đổi thấy rỏ, không khí Tết hiện ra trên bộ áo quần mới dù là bộ pyjama, mặt vui hẳn lên, đường rộn rả tiếng guốc. Trẻ con người lớn hướng về khu chợ, tiệm nước, món hủ tiếu, hột vịt lộn, chỉ Tết trẻ con mới có dịp ăn.  

Nghe xứ khác có tục xông đất, mồng hai Tết, ai vía tốt mới xông đất, ở đây miễn. Ai muốn tới cứ tới, không ai siêng trách chuyện xui xẻo. Mồng một Tết, tôi nhác vì thi rớt 2 năm, cẩn thận sợ gặp xui đầu năm. Vừa bước ra cửa, lấm lét ngó, chạy trời không khỏi nắng. Ngay trước mặt, già Xấu, con củ Thiếu nhăn mặt cười, giả tưởng tôi ưa giả lắm. Mẹ, tên " Xấu ", củ Thiếu đặt vì sợ ma bắt giả, mặt giả hãm tài, gặp giả xui suốt năm, tôi thi rớt luôn năm đó. Biết mình mặt xấu, tên " Xấu ", mà sáng sớm chường mặt ra cho người ta gặp xui, nhớ mặt giả tức lộn ruột.  

Dọc theo dãy phố củ Xál tới tiệm cà phê chệt Căn, họ trải đệm mở sòng bài. Các sòng lớn chơi riêng trong nhà. Năm đó, 1949, ông Quận Mao Kim Sóc làm cái ngay trong tiệm củ Chón. Chú Thiệu theo hầu, kêu tô mì cho ông, dặn, " làm cho ông quận một tô nghe, đừng để mỡ nghe ". Sòng đề 12 con của chú Thôm, kế bên, con chú mở sòng bầu cua, con nối nghiệp cha, mai sao nối dược nghiệp nhà, trước là đẹp mặt sau là ấm thân. Mỗi xóm đều có sòng riêng, dân Miên tham gia bông dụ, bót đay xi xon, buông tay ăn thua. Dân chợ chơi với dân chợ, có ăn có thua đậm, nhưng thật thà, lọt người lạ vô là họ biểu nhau nghỉ chơi, không tin người lạ, họ bảo vệ nhau.  

Mấy chiếc xe đò xe hàng có sẳn tài xế chủ xe chạy vòng chợ, cho trẻ con, người lớn lên ngồi xe. Nói thiệt, thời đó không phải ai cũng có cơ hội ngồi xe hơi. Thời nay, nói không ai tin, có người tới chết chưa được ra tới chợ Long Xuyên. Người lớn ngồi trên mui, con nít vỗ thùng xe la " ghê ghịt ...", chỉ vậy mà vui.  

Cái lệ mừng tuổi ông bà cha mẹ, lì xì, theo sách vở không áp dụng triệt để. Đám con cháu kéo tới nhà cô bác đòi lì xì, có người cho, có người không cho. Đám con củ Sáu tôi, được ông già tôi lì xì, nhưng chưa bao giờ củ Sáu tôi lì xì cho đứa cháu nào. Ngày nay, đám con ổng khó mở miệng xin tiền Việt kiều khi bọn tôi về xứ, ở cho có thuỷ có chung. Ông già tôi biết ai cho tiền tôi, ông cho con người đó lại. Chính ông cũng không lì xì cho tôi. , hộp tiền treo góc tiệm, chỉ cần bước lên ghế là có ngay. Sáng mồng một, ổng dậy trể. Lúc thua bài cào, tôi hỏi tiền lì xì, ổng nạt, " Tiền giấy bán cây đụt và hộp bản lề mầy hốt hết, chỉ còn bạc cắc, tao hổng biết hả ?". Ừ, tôi muốn lương thiện mà ông coi như tôi có quyền lấy tiền trong hộp, rồi ông biết. Xui là mấy ngày Tết đâu có ai mua đồ sắt. Tôi không thích chơi bài, chỉ thích ngồi tiệm ăn hủ tiếu như người lớn, hoặc theo lân múa bổn phố. Côn ngoại tôi ngồi mệt mỏi, không đứa nào mừng tuổi. Bà ngoại tôi cho cháu đeo vàng, thương thì ít, khoe thì nhiều. Mấy củ tôi và ông già tôi ăn uống nghỉ ngơi, bỏ hết lo âu bốn ngày Tết. Suốt năm làm ăn quả thật mồ hôi ướt mồ hôi ráo. Dân làm ruộng còn thảnh thơi hơn sau mùa lúa mùa đìa. Sau nầy, lúc con cái đã lớn, không hiểu sao ổng kêu lên đưa xấp tiền lớn, không nói gì, ông cho từng đứa ngày Tết, lúc đó có ai cần tiền đâu.  

Tiếng trống lân bắt đầu ngoài chợ, múa mừng bổn phố trước, phố thẳng hàng nên dễ múa. Con nít theo vây quanh coi, pháo nổ lẹt đẹt. Trưởng đoàn lân vào trình gia chủ, đưa thiếp " Lân chỉ trình tường, Cung chúc tân Xuân ", lân đứng trước cửa chờ. Đầu lân nâng cao, bắt đầu, tùm phụp, lân hụp xuống. Trống lạy nghiêm trang, lân run đầu nhìn hai bên, thẳng về trước, cúi đầu xá, rồi vái bên phải, bên trái, nhảy lên mừng, trống dồn ba lần múa nhanh, mệt bước chậm, lúc nháy mắt trêu, chân đá theo bộ tấn võ, đùa dởn với ông Địa, chủ nhà bưng dỉa trái cây cho lân ăn, ly nước cho lân uống, ăn no lân ngủ, cho tiền nhiều thì bao lì xì đỏ treo trên cây tre, lân leo lên ăn bao lì xì và lá cải, cải là "thái', thái bình thịnh vượng. Ông Địa hả miệng cười, phe phẩy cây quạt.  

Nghe tiếng còi thổi, lân múa lạy tạ gia chủ ba lần lui ra, tiếp tục múa nhà khác, múa lâu mau tùy tiền lì xì, có khi chủ hà tiện, lân múa năm ba đường thì vái rụp rụp ba vái ngắn. Lân không vô xóm nhỏ múa, nhà lá cất lụp xụp khó vô, nghèo không cần phước.  

Mồng hai Tết, bên ngoại tôi gốc ai có vợ Mỹ Đức thì lên xe đi, tôi tham gia ra Mỹ Đức ăn Tết hùn, cơ hội được ngồi xe hơi sướng lắm.  

Mồng ba, Tết còn vui, còn cờ bạc. Có năm ông Quận Sóc cho ăn Tết thêm một tuần, nghĩa là được cờ bạc, phố xá vẫn đóng cửa tiếp tục ăn Tết, thời no đủ, chưa lo lắng cơm áo, đất rộng người thưa. Dĩa trái cây, hột dưa , bánh kẹo chưng trên bàn vơi bớt, bắt đầu ăn bánh tét thịt kho dưa kiệu, lạp xưởng, bớt ăn hàng tiệm, áo quần bắt đầu nhăn, ăn uống quá độ hoài cũng nhàm, Tết sắp qua. Thức ăn dự trử ba ngày đã cạn, tiền lì xì nướng hết trong sòng bầu cua, bọn con nít mới quay về nồi xà bần, nồi canh còn dư hôm ba mươi, thêm cải, nêm chút muối nước mắm hâm lại, ăn chén nầy qua chén khác, thêm bánh tét xấy, bánh ít. Tết qua, lát bánh tổ cắt ra nướng kéo dài dư vị ngày Tết. Lân đã lên xe đi xứ khác kiếm ăn, vài ngày sau mới về múa tạm biệt chờ năm sau.  

Dân làm ruộng dọc theo bờ kinh còn dư thời giờ, cuối năm gặt xong, lúa đầy bồ, ruộng khô, chưa tới mùa tát đìa, trời cho nghỉ thêm. Tết đồng nghĩa với thảnh thơi, ăn rồi nghỉ, chờ mưa sa cầy ruộng.  

Thoáng qua mà đã mấy mươi năm, đứa bé ngày xưa bây giờ già hết. Năm 2000, mừng Tết thiên niên kỷ như trên biểu ngữ căn trên trụ sở đảng bộ. Chiều 30, nóng ơi là nóng, bôm nuớc giếng ông Bỏ cả buổi mới được đôi nước gánh về xài, nhà giàu đều đào giếng trong nhà. Người héo hắt đi. Chiếc xe rác chạy qua, mùi hôi nồng từ xa, công nhân nam nữ mặc mấy lớp áo, bao tay, khẩu trang, đeo trên xe chở rác ra ruộng đổ. Chợ bông còn mấy chậu vạn thọ bơ vơ khoe nhan sắc cuối mùa, một người ở trần đạp xe ba bánh chở chậu mai về.  

Đêm giao thừa, pháo nổ rang liên hồi trong TV, nhạc Xuân " quá xá là vui". Tiệm cà phê chệt Xên Kim tối mù mù. Sáng mồng một, xe gắn máy nam nữ chở nhau chạy rần rần. Tìm hoài không thấy ai mặc áo dài kẹp tóc mang guốc. Sáng mồng một, Lân vẫn nhảy múa, trống thình thình...Ai mở cửa bán cứ bán, nhà nào nghỉ cứ nghỉ. Mỗi năm ,Tết một ngày cũng đủ, kéo dài thêm mệt. Chim se sẽ không còn, nói chi tới tiếng cu kêu ba tiếng cu kêu.  

Tết xứ tôi như vậy, không dám mời, không phải thiếu tấm lòng, nhưng ai muốn vui, thôi đừng tới, tới chỉ làm chủ khách buồn thêm.

Spingfield, 16-2-07  

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét