Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

VAY TRẢ

  VAY TRẢ


LƯU NHƠN NGHĨA

          Tôi ngồi khá lâu suy nghĩ cách bắt đầu câu chuyện cho mạch lạc, có đầu có đuôi, câu chuyện về vay trả, trả vay. Tôi không muốn nhắc các từ ngữ nghiệp báo, nhân quả trong kinh sách nhà Phật. Ðây là kinh nghiệm cá nhân trong đó có sự trùng hợp lạ lùng. Câu chuyện sắp kể lủng củng và dài dòng.

          Ðại khái, năm 1952 tôi ra tỉnh Châu Ðốc học, trọ học ở nhà cô Ba Tên và bác Hai Khá. Cô Ba Tên gốc Tàu lai Miên, cùng quê. Bác hai Khá có thời dạy học ở Tri Tôn, năm 1945 chạy nạn Việt Minh ra Châu Ðốc làm việc ở sở Giáo huấn, sau nầy đổi thành ty Tiểu học. Vì quen biết ở xứ sở, ông già tôi xách gà ra xin cho tôi ăn cơm tháng đi học. Ðáng lẽ ông gởi tôi ở nhà các tiệm buôn gốc Hoa, nhưng có ý muốn nhờ vả bác hai Khá gởi gấm chuyển trường vào lớp nhì (những đứa bạn học cùng quê khi ra tỉnh đều phải học lại lớp ba). Ông già tôi than, xách gà ra mấy lần mà họ không mở miệng. Ông gốc buôn bán nên tính rất kỹ, bác hai Khá nhờ làm ở sở Giáo huấn có đặc ân đưa con cháu mình học với các giáo viên giỏi trong tỉnh, không cần qua hệ thống sắp lớp thông thường. Tôi ở nhà bác hai Khá tròn 6 năm học, từ năm 1952 đến năm 1958. Ngàyăn cơm hai buổi, tối ngủ ghế bố. Bác có người con tên Pierre (thời đó nhiều công chức ảnh hưởng văn hóa Pháp, đặt tên con như Pierre, Gille, Thomas, Marie v.v...) tuy khai sinh vẫn giữ tên Việt. Từ năm 1952 đến năm 1956 tiền cơm mỗi tháng 200 đồng, sau năm 1956 mỗi tháng là 400 đồng. Ông già tôi vui lòng trả vì vật giá lên chút đỉnh. Ông già tôi rất biết điều, đúng mỗi tuần thứ năm, ông ra Châu Ðốc mua hàng luôn tiện xách con gà ra biếu. Mùa mãng cầu, mùa xoài, mùa Trung thu, Tết, mùa nào thức ấy. Ở chung không tránh khỏi va chạm lặt vặt. Bác Hai Khá rất ít nói, ít giao thiệp ai, chỉ có cô Ba Tên la rầy chút ít. Pierre và tôi có hai nếp sống riêng biệt, nó chăm chỉ, học rất giỏi, tôi chỉ ham chơi. Chuyện 6 năm ăn cơm tháng coi như sòng phẳng tài chánh, không ai nợ ai, có qua có lại đã toại lòng nhau. Cô Ba Tên khen tôi hiền lành khi tôi rời ChâuÐốc .

          Câu chyện vay trả bắt đầu do tôi. Mỗi tháng ông già gởi 200 đồng đóng tiền cơm, ông đóng đủ muời hai tháng, dù nghỉ hè hay Tết. Có lần đầu tháng, lại vào cuối tuần, cô Ba Tên đi đánh tứ sắc (hai ông bà mê tứ sắc tới nghèo), tôi giữ tiền cơm dây dưa rồi quên (quên khôn), tôi nhịn không được, xài khẽ dần dần hết hai trăm đồng tiền cơm, định vài tháng sau về quê mót trả. Tháng sau, cô Ba Tên không nhớ, tôi quỷ quái nín luôn. Ăn quen, lâu lâu tôi lại giở mửng cũ, tất cả là ba tháng, 600 trăm đồng, cô Ba Tên mải mê ông tướng xanh tướng đỏ, quên luôn.

          Tháng 8 năm 1956, Pierre và tôi sắp đi dự Trại hè học sinh toàn quốc ở Vũng Tàu, (tôi nhớ rõ tháng tám vì còn giữ mấy tấm ảnh chụp ở trại hè). Lúc hai đứa soạn quần áo thì cô ba Tên vừa đi đánh tứ sắc về, nét mặt cô bình thản sau khi ăn bài, khi cô mở tiền ra đếm thì bác hai Khá nói < Cho thằng Nghĩa một trăm đi >, cô ba Tên đếm tiền xong, lấy 200 đồng tự nhiên đưa cho tôi. Tôi cầm tiền không ngượng ngùng dù không có ý xin xỏ.

          Câu chuyện đến đây đã hết phần đầu. Lên Saigon gặp lại Pierre, nó hơn hẳn ngạch trật tôi, đậu Thủ khoa Nông lâm súc, được giữ lại làm Phụ khảo Ðại học, sau đó đi du học ở Thái Lan lấy Tiến sĩ Súc khoa về Việt Nam tiếp tục dạy Ðại học. Hai đứa bặt tin nhau từ 30 tháng 4.1975. Tôi cố gắng tìm địa chỉ nó mà vô vọng. Bà già tôi về Việt Nam tìm cô ba Tên mà không gặp, vì hai bà đều bị cataract, mờ mắt không thấy đường.

          Câu chuyện 3 tháng tiền cơm 600 đồng tiền Việt Nam và 200 đồng ơn nghĩa của cô ba Tên cho lẩn trốn trong ký ức tôi vì kỷ niệm đó không đẹp bằng những kỷ niệm tình cảm lãng mạn.
Mãi đến tháng tư năm 2000, tôi lần mò mất cả buổi trưa nắng ở Sài gòn tìm gặp được Pierre trong căn nhà chật hẹp dưới cầu chữ Y. Pierre gầy gò, hai tay chống trên đùi, thất chí, bịnh mất ngủ hành hạ không đi làm được. Gia đình ba cha con sống nhờ đứa con gái út đi làm, vợ nó bỏ đi mất tích từ lâu. Pierre than thở sự bất hạnh của đời nó. Nó không nghĩ là có ngày gặp lại tôi, cứ ngồi thở dài. Ba điều bốn chuyện xong, chia tayTôi tặng Pierre 100 dollars Úc làm quà, nó ngần ngại nhận tiền.

          Sau đó mấy tháng, tôi nhận được thư cám ơn, nhờ 100 dollars đi bác sĩ đã hết bịnh mất ngủ. Nó cầu cứu nhờ tôi gởi thêm 700 dollars mua xe cho con nó đi làm xa, lời văn khẩn thiết vừa đòi hỏi <phải gởi trước cuối tháng 7>. Tôi cảm thấy đó là thư đòi nợ hơn là xin giúp đỡ. Sao lại cần đúng 700 dollars mà không hơn không kém ? Ngẫm nghĩ mới nhớ đến 3 tháng tiền cơm chưa trả và 200 đồng cô ba Tên cho ngày xưa, tổng cộng là 800 đồng Việt Nam thời năm 1953 - 1956, lúc đó tô hủ tiếu chừng khoảng 5 đồng, tương đương 160 tô hủ tiếu, hoặc 133 tô ở Úc bây giờ với 800 dollars. Thời đó chiếc xe đạp 570 đồng, cái đồng hồ Wyler 800 đồng, lương người lính Khinh quân 750 đồng. Tôi gởi ngay cho Pierre theo lời nó, trước sau tổng cộng là 800 dollars Úc, vay bao nhiêu trả bấy nhiêu, chưa tính tiền lời hơn 40 năm. Bước ra khỏi ngân hàng thấy nhẹ người, trút bỏ gánh nặng tinh thần. Trong lòng sướng thỏa là đã trả xong món nợ vay ngày xưa, vì nếu không quyết tìm gặp Pierre, tôi sẽ hoàn món nợ nầy cho ai ? Cô ba Tên và bác hai Khá đã mất.

          Xin hương hồn cô ba và bác hai chứng giám, con xin lỗi đã xài hết 3 tháng tiền cơm mà cô ba không nhớ và thêm 200 đồng tiền ơn nghĩa. Con đã gởi cho Pierre. Con còn mang ơn bác hai đã ghi danh cho con học với thầy Dương văn Mậu lớp Nhì B và thầy Châu văn Tính lớp Nhứt E, trường Nam Tiểu học Châu Ðốc, hai thầy dạy hay nổi tiếng trong tỉnh, nhờ vậy con được dạy dỗ có nề nếp căn bản. Bác hai cũng gởi gắm cho con đậu hai kỳ thi Tiểu học và Ðệ thất, lần bác hai rầy con < thằng quỷ hôm qua trốn học nghe, chết tổ mầy à>. Nhờ vậy con không dám trốn học nữa. Ơn nghĩa đó con nguyền ghi nhớ và sẽ trả cho Pierre khi nó cần, bác hai và cô ba đã qua đời, nợ nầy con biết trả cho ai.

          Ở vào tuổi tri thiên mạng, tôi nguyền tìm đủ cơ hội đền ơn trả nghĩa, thề không lấy oán báo oán, điều nầy tương đối dễ, còn lấy ơn trả oán, thành thật nói, tôi chưa đủ khả năng, mà cũng may, trong đời, chưa thấy ai gây oán đến độ phải báo thù.

PHONG KHÊ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét