Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

ĐỔI TRAO HẠNH PHÚC

 Ðổi Trao Hạnh Phúc

LƯU NHƠN NGHĨA

Tiếng gà gáy vang đầu xóm đánh thức mọi người trong Sóc dậy. Bầy vịt nhốt chung chuồng cũng phụ họa theo, ai muốn ngủ nướng thêm cũng khó. Dân Sóc thường dậy sớm hơn gà, họ làm việc không biết mỏi mệt, không biết nóng dù mặc toàn vải thô đen nhuộm mặc nưa. Mưa thì đội cái cà ròn cắt chéo, đủ che đầu và mình, nhưng thường họ ở trần cho đỡ hao quần áo. Trẻ con lam  như cha mẹ, gái lớn lên đã biết giữ em. Trời sinh trời dưỡng, bọn trẻ hàng ngày chạy nhảy, lăn vùi trên đường lởm chởm đá xanh nóng bỏng, đá núi bén như dao nhô trên cát, mà không thấy đứa nào đứt tay đứt chân. Mặt mũi lem luốt bẩn thỉu, ruồi bu đuổi không bay, ở trần trùng trục, thiếu ăn thiếu mặc mà đứa nào đứa nấy cũng mập cùi cụi như gấu con.
Sóc nằm về phía Tây của ngọn núi Nam Vi, có con lộ đá gồ ghề chạy ngang, thật bất lợi về địa thế. Muốn chở hàng đi bán phải chở bằng xe lôi xuống chợ Cây Me đón xe hàng ra Châu Ðốc, lại thêm nạn bạn hàng dìm giá, dù vài gánh rau hành mắc rẻ bao nhiêu mà cũng so đo cắn đắng.
Sóc này xưa nay chuyên nghề làm nồi, nhờ có mỏ đất sét gần đó. Ðàn ông hàng ngày đánh xe bò móc đất sét chở về. Ðất sét khá mịn, màu gạch tôm đỏ au, cộng thêm sự khéo tay của phụ nữ mấy đời, nên nồi xứ này rất nổi tiếng. Thời đó, khoảng trước 1959, ghe thương hồ đến tấp nập đầu kinh chợ Xà Tón hay kinh Cây Me chở nồi đi bán khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Nồi xứ này có tiếng rẽ lại tốt, nhờ mỏng, nhẹ và chắc. Một cái trả bề ngang khoảng sáu tất tây, cao gần năm tất, bề dầy chừng hai phân, không tráng men, dùng luộc bánh tét, bánh ít vào dịp Tết. Khó tưởng tượng một cái trả kích thước chừng ấy dùng đựng bánh canh của Ý Hiệu và nồi chè đậu trắng của dì hai Quẻn bán mỗi buổi sáng. Trả đóng khói đen xài không biết bao lâu mà chưa thấy bị xạt lần nào dù nó được đặt trên cái cà ràng ông Táo nặng chừng hai ký lô.
Trong Sóc chỉ có vài căn nhà gạch cũ kỹ, tường đá nứt lổ chổ, ngói xanh rêu, gốc các nhà giàu xưa, bây giờ đã suy sụp, hoặc dời ra chợ ở. Hầu hết đều là nhà lá. Trong nhà luôn luôn có tiếng đập đất sét bành bạch từ sáng tới chiều. Ngoài các lò nung, nhà nào cũng có sân rộng để phơi nồi trước khi nung. Trước nhà ngổn ngang nồi, cà ràng, om, khuông bánh khọt, đủ loại chất cao gần mái nhà, chờ chở ra chợ.
Pù Rum đứng đạp đất sét cho nhuyễn, có khi phải cúi xuống gỡ những miếng đá lẫn trong đất. Pù Rum làm không biết chán nhưng không hứng thú, đạp như người máy. Sau đó mới vác cuốc vô rẫy. Làm rẫy theo mùa, cực là lúc tưới nước vô phân, khi thì khoai núi, củ nừng, đậu hay bắp, đủ đắp đổi nuôi gia đình. Gia đình Pù Rum cũng như bất cứ người nào trong Sóc, sống trầm lặng, thảnh thơi. Thêm vào đó là mấy dịp hội hè, he cà thưng, chô tha năm (vô năm) nhộn nhịp thêm vào niềm hạnh phúc đơn sơ sẵn có.
Sóc Nam Vi ngày đêm vang tiếng đập đất sét nắn nồi, nghe quen tai, thành thứ nhạc khó quên, âm thanh của thanh bình no ấm như những đám bắp trái mập hột đầy, lá xanh um ve vẩy cợt đùa với gió.
Dân Sóc hầu như tự túc thực phẩm, cá tép dưới suối, dưới kinh, gà vịt trong sân, heo trong chuồng, đủ cung cấp những dịp lễ lộc. Các bồ lúa đầy ắp, cần thì xúc đổ vô cối dọt một lát đủ ăn vài ngày. Nền văn minh kỹ thuật ảnh hưởng đến xóm này có giới hạn.Trước năm 1950, chợ quận chưa có điện thì nói chi đến xóm nghèo này. Nhà máy ông Lến cất khoảng năm đó, cũng chỉ xay lúa vừa đủ bán ở tỉnh lân cận, dân Sóc chưa quen ăn gạo xay quá trắng của nhà máy.
Dân chỉ sợ nhất là đám lính Marốc, lính Commando đi hành quân ngang qua xóm, súng ống còn là thứ bí mật đe dọa hải hùng. Ánh văn minh phương Tây cụ thể là thịt hộp, bánh Tây, phô mai được đổi lấy những buồng chuối, dưa rau. Sự trao đổi này chưa làm họ khôn ra chút nào, tiêu biểu cho dân Sóc này là Pùrum.
Những buổi trưa nắng gắt, cày xong đám đất, Pùrum thả bò cho nhơi cỏ, rồi giở cơm trong gói lá mang theo ra ăn. Gạo đỏ, mắm mặn, nhai với rau dưa xào xạo ngó thấy thèm. Sau đó Pùrum khoác nước ruộng uống vài bụm, ngồi dựa lưng dưới bóng cây xà đâu râm mát, quấn một điếu thuốc gò to bằng ngón chân cái, kéo một hơi sảng khoái, chưa chắc kẻ giàu có được phút giây này. Thỉnh thoảng hết thuốc gò, Pùrum bẻ lá cần sa phơi nắng cho dốt dốt, cuốn lại hút cho đỡ ghiền, tuy không ngon bằng thuốc bánh. Miếng rẫy sau nhà Pùrum có trồng vài bụi cần sa, lá giống lá đu đủ dầu, lúc cần nêm canh đọt cần sa khỏi cần chạy qua nhà hàng xóm xin. Cây mọc tươi tốt, ít đòi hỏi sự chăm sóc như rau cải, có cây mọc cao gần bằng đầu người, chiếm khoảng đất nhỏ ở góc vườn, trồng nhiều không có lợi, vì giá rẻ rề, bó từng bó như chổi bán cho các ông thầy thuốc Nam. Ít khi Pùrum được điếu Bastos, Mélia xanh, nói chi đến thuốc nút chuồn hay Cotab.
Năm nay Pùrum gần bốn mươi, nối tiếp ông cha làm nghề ruộng rẫy, móc đất sét cho vợ nắn nồi bán. Cứ nhìn bắp thịt săng nịch cũng biết gia đình Pùrum no đủ.
Xóm Nam Vi là ốc đảo thanh bình, yên ổn được vài năm sau khi Marốc kéo đi, nhưng tiếng đập đất sét nắn nồi cũng vắng dần, ghe chở nồi đầu kinh chợ Xà Tón, chợ Cây Me thưa thớt.
Những tiệm buôn ngoài chợ chất nồi, cà ràng bị ối động, bán không chạy ngồi than dài, cùng chia nổi lo âu với xóm Nam Vi, vợ chồng Pùrum bớt kham khổ, chồng không cần móc đất sét, vợ thôi làm nồi, nhưng tài chánh có phần thiếu thốn.
Cuộc sống mới thêm nhiều nhu cầu. Trong xóm ai cũng có Radio pin, mình cũng phải có, phải theo cho kịp nên cũng vội vã. Những chiếc xe Folis, Mobylette bắt đầu kéo xe lôi thay cho người đạp.
Nhà máy xay lúa ông Cùi Lến đã chạy khá đều, ít hư hơn trước, rồi đến nhà máy Cây Me, Nam Vi liên tiếp, cướp mất tiếng chày giả gạo đêm trăng. Tiếng chê khen gạo xay nhà máy trắng quá, nấu không ngọt cơm, nhưng rồi ai cũng quen dần.
Thêm vào đó là không khí chánh trị lan tràn vào xóm, đại để, đồn lính mọc lên để bảo vệ an ninh, mấy anh Dân Vệ xách cây oảnh tầm sào nghiêm trang làm người ta ngài ngại, cũng có người dấu nụ cười thầm.
Dân xóm vì vậy khôn hơn, nhờ có con đi học, mặc áo trắng quần xanh, về nhà đọc bài nghe lạ tai.
Nồi, ơ, cà ràng, trả, khuôn bánh khọt, v.v... bán quá chậm, cả năm chưa hết. Những người đàn bà nắn nồi ngơ ngác không hiểu nổi lý do tại sao ghe nồi ít ghé bến như xưa. Vô lý quá, họ tự hỏi, từ xưa tới giờ có ai khen chê phẩm chất nồi xứ này đâu. Tình trạng ế ẩm làm dân xóm ngờ ngợ thấy có sự thay đổi bất thường ở đâu đó. Mấy ông già có tiếng giỏi chuyện xưa mà cũng không biết việc này, vậy mà hễ ngồi lại uống rượu với nhau là mấy ông đem chuyện bên Tây ra nói sành sỏi lắm. Mấy vị Sãi Cả trong chùa tu luyện thần thông cũng không hiểu nổi hiện tượng thương mại lạ lùng này.
Vài năm sau, các tiệm bán nồi chợ quận đổi hàng hóa, họ bán nồi chảo nhôm sáng loáng. Mấy bà bán bánh canh, chè đậu, cháo cá cũng chạy theo thời, bắt đầu dùng nồi, soong nhôm sản xuất ở Chợ Lớn vừa tiện vừa bền, cà ràng ông Táo được thay dần bằng lò dầu hôi.
Vợ Pùrum lẩm bẩm Nồi nhôm xài biết chừng nào hư”, và chính bà cũng mua nồi nhôm dùng, vừa nhẹ, vừa dễ rửa ráy tiện lợi.
Vài năm sau, những miểng nồi đất bể rải rác xóm này được quét sạch, dấu vết nghề nắn nồi không ai buồn nhắc. Dân bỏ sang làm ruộng rẫy sống qua ngày. Vợ chồng Pùrum cũng như những người khác, nhìn bàn tay, ngón tay thô như nải chuối héo, lắt đầu ngao ngán, thỉnh thoảng còn cảm được những khối đất sét mềm tay trong giấc chiêm bao. Hai vợ chồng thở dài, ngán ngẩm, thua cuộc, nhìn cuộc đời càng ngày càng chật vật. Họ nhớ mùi đất sét, mùi thơm khói lò nung, nhìn màu khói biết nồi chín, thèm nhào nặn những thỏi đất sét mềm.
Nhưng dù sao, trời sinh voi sinh cỏ. Miếng ruộng làm tử tế cũng được vài chục giạ gạo đủ ăn. Sau mùa gặt trồng thêm dưa gan đấp đổi. Sự thay đổi tuy khó khăn nhưng ai cũng quen dần, dù rằng chưa theo kịp nếp sống mới ở chợ.

***


Cuối năm 1962, mọi người nhất là trẻ con đổ ra xem đoàn xe nhà binh cả chục chiếc chạy ngang xóm về hướng Châu Lăng. Trẻ con thấy xe vui mừng la thét ầm ỉ. Bản tính vốn hiếu khách, dân Sóc vui vui thấy khách lạ tới xứ mình, đỡ tẻ nhạt. Những người khách này da trắng mắt xanh giống Tây ngày xưa. Họ đội bê-rê xanh lục, trên tay áo có hình con ong biển. Họ chở vật liệu đến xây đồn Châu Lăng.
Những chiếc xe mười bánh chạy suốt tuần chở vật liệu xây cất, kéo theo một số người được mộ làm việc trong đồn và các dịch vụ cung cấp khác. Sinh hoạt ở chợ quận và Sóc Nam Vi cũng rộn rịp thêm nhiều.
Vài người già trong xóm, xưa từng đi lính Tây, biết chút ít tiếng Tây, gật gù so sánh, “Tụi Mỹ thua tụi Tây xa, hà tiện, ai ăn nấy trả, không cho “buộc boa”, bánh mì ăn không hết cũng để dành”.
Dân buôn bán tiệm chợ thì thích Mỹ vô cùng, “Tiền ở đâu mà nó xài dữ quá dậy kìa? Nó mua đồ không biết trả giá, nói thách mắc hai lần mà nó cũng mua”.
Anh thông ngôn dặn chủ tiệm bán cho thật cao giá, sau đó anh ta lấy tiền đầu. Ai muốn vào đồn làm việc phải trả tiền đầu sòng phẳng, anh mới giới thiệu.
Cái đồn Châu Lăng chừng một đại đội lính Mai Phọt và một trung đội lính Xi Bi (sea bee) mà thu hút hầu hết giới trong vùng, từ chú thợ hớt tóc Mười Oanh, tới chú Ba Ngô nấu bếp, xưa chú nấu cho Tây, bây giờ nấu cho lính Mỹ. Dân lò heo, giết bò phải vất vả lắm mới đủ cung cấp thịt. Các bà bán cá cũng biết lựa mặt các cô làm cho Mỹ mới bán, các bà bán rau cải cũng tự động lên giá khi chú Ba Ngô tới mua.
Ngày ngày, ngay tại ngã tư chợ, vài chiếc xe mười bánh đậu chở nhân công vô đồn làm. Lương cao hơn đi làm cho các tiệm, việc làm nhàn hạ.
Lính Xi Bi Mỹ hiền lành, cũng ở trần trùng trục làm việc, không phân biệt giai cấp, chưa thấy say sưa phá phách như bọn Pháp lúc trước. Văn hóa Mỹ tẩy xóa văn hóa Pháp trong đầu thế hệ già, thế hệ khen Pháp đủ điều.
Tiền bạc Mỹ đổ vào vùng này như nước tràn ngập, ai cũng hưởng không nhiều thì ít. Chủ tiệm vật liệu xây cất, cây xăng làm giàu nhanh chóng. Thanh niên đang tuổi quân dịch đăng lính Mai Phọt, mang cái sọ người trên vai, hách hơn lính Bảo An. Ghét thương chưa vội nói, nhưng có điều chắc chắn là ai cũng thích làm việc cho Mỹ.

***


Nhà Pùrum gần đồn Châu Lăng, nên việc nhập vào nhóm nhân công xây đồn không khó. Hàng ngày được xe chở vào đồn đắp các ụ đất, đào rãnh, trộn hồ, việc gì cũng làm được.
Công việc quá dễ dàng, nhẹ nhàng hơn làm ruộng, móc đất sét cho vợ nắn nồi lúc trước, lương lại quá cao, nghỉ trưa đúng giờ đúng khắc.
Trưa được nghỉ một giờ, dù việc còn dở dang, đúng năm giờ chiều cũng được xe chở về để hôm sau làm tiếp. Bịnh hoạn được phát thuốc miễn phí, thuốc Tây mắc thấu trời, dùng không hết bán lại cũng có tiền.
Pùrum làm việc dưới quyền chỉ huy của một Hạ sĩ Mỹ gầy và cao tên Sạt. Vịt ở chung với gà cũng có ngày biết gáy. Thường Sạt và Pùrum ăn trưa dưới bóng mát bụi chuối xanh um, gió thổi phành phạch tào lá chuối làm mát mẽ dễ chịu.
Sạt tính xuề xòa, rất thích hợp với Pùrum. Buổi ăn trưa là lúc hai người đối thoại bằng tay, chân, mắt, miệng. Sạt tò mò muốn học hỏi thêm về đời sống xứ lạ quê người, thích hòa đồng và giúp đỡ nhân công.
Buổi ăn chung đầu tiên, Sạt ngơ ngác giương mắt xanh nhìn Pùrum mở bị mang một gói cơm đựng trong lá chuối và một gà mên cá nhỏ kho mẳn.
Pùrum ăn ngấu nghiến, hai má độn cơm phùn ra, nuốt chưa hết miếng trước đã thêm miếng sau, tay xé liên hồi những con mắm sặt nhai luôn cả xương nghe rào rạo chung với nắm rau sống.
Sạt, trái lại, điềm đạm khui thịt hộp, dùng dao nĩa ăn chầm chậm, không hở môi, thỉnh thoảng dùng nỉa xúc xà lách do chú Ba Ngô mang tới.
Pùrum mặc áo nhà binh củ, rách lổ chổ, mặc cho có mặc, áo xét ra không cần thiết. Da chân chai cứng và đàn hồi như đế giày cao su, mang giày vướng víu vô ích.
Pùrum nhìn Sạt, cũng ngạc nhiên không kém. Sao Mỹ nó giàu quá, ăn xong, dao nĩa bằng nhựa trắng nó cũng liệng bỏ, thiệt là phí phạm.
Sau vài tuần làm việc, thân nhau hơn, Sạt rụt rè chia cho Pùrum phần cá hộp, thịt hộp, bánh bích-quy, có khi cả Coca và bia hộp mát lạnh. Pùrum mừng quýnh không ăn liền, gói mang về khoe với bà con chòm xóm rồi mới mang ra ăn với vợ con. Chiều nào mang về được một hộp thịt là cả nhà như tham dự buổi ăn thịnh soạn, mấy đứa con ăn ngốn ngáo.
Giờ ăn trưa là lúc Sạt và Pùrum quan sát nhau. Sạt kiên nhẫn dùng đủ mọi cách cho Pùrum hiểu, sử dụng đủ thứ động tác và âm thanh. Sau cả mấy phút, khúc gổ đen da hăng hắt mùi nắng trả lờI bằng hai hàm răng trắng nhởn nhe ra cười hô hố. Sạt thất vọng đưa tay lên trời “Chúa ơi! Làm sao tôi giảng cho nó hiểu đây?”
Sạt bất lực nhìn đôi mắt Pùrum, nhưng thấy thoải mái nhìn Pùrum cười, cái cười vô tội vạ chứa tình người hoang dã chân thật.
Ngược lại Pùrum thấy Sạt ngớ ngẩn, coi Sạt như thằng con nít mới lớn. Tình bạn nẩy nở tự nhiên tuy có gặp bức tường ngôn ngữ và vấn đề an ninh quân sự. Sạt muốn đến thăm Pùrum, nhưng cái xóm lụp xụp im lìm bên lề đường chứa một nếp sống cùng cực, đe dọa khó giải thích. Hai người càng mến nhau hơn dưới bóng mát bụi chuối trong đồn.
Sạt có dạy Pùrum một mớ tiếng Anh, hy vọng Pùrum sẽ dùng nó đối thoại với mình và cũng muốn học ít tiếng bản xứ. Sạt là ông thầy giỏi, nên Pùrum học được mấy tiếng OK, Yes, No... trong lúc Sạt không học được chữ nào của Pùrum.
Trong sự đổi chác hàng ngày, Sạt bị lỗ lã nhiều. Thịt cá hộp của Sạt được Pùrum chiếu cố tận tình, ngược lại, có lần bậm gan nếm thử con mắm cá sặt vừa mặn vừa cay của Pùrum, Sạt hả mồm la oai oái, chụp vội lon bia hộp uống ừng ực, mặt đỏ rần. Sau đó vẫn hòa nhã cười tha thứ, không chút giận hờn.
Chiều chiều, khi xe mười bánh chở công nhân về nhà, Sạt theo đưa Pùrum tới cổng xóm, giơ tay chào nhưng không dám theo vào Sóc.
Sau buổi ăn chiều, Sạt thích lên vọng gác cao nhìn vào xóm Pùrum. Những căn nhà lá màu xám, tiếng bò, heo, gà, vịt gọi nhau về chuồng êm ả vọng từ xa. Khói cơm chiều hay khói un muỗi từ các đống bẹ dừa bay thật chậm lên không. Cảnh vật ngưng lại thành bức tranh quê mộc mạc. Mặt trời vàng ối để lại những tia nắng vàng rực cuối cùng trên những đám mây trước khi nhẹ nhàng lặn sau dãy núi mù sương khói phủ xa xa. Sạt thấy nao nao, muốn hòa mình trong nếp sống thanh bình, thảnh thơi.
Con đường đất mấp mô ngoằn ngoèo trong xóm, tre, dừa, thốt nốt, chuối mọc không theo một trật tự kỹ hà nào gợi Sạt nhớ thành phố đô hội miền Bắc Dakota, chỗ anh sinh ra đời. Nơi đó, đường sá tấp nập ầm ỉ, vội vã suốt ngày đêm không được nghỉ ngơi bao giờ. Những con đường thẳng tấp như thước gạch, nếp sống cuồng vội theo kim đồng hồ. Sạt nhớ cảm giác choáng váng khi ngồi trên xe qua đường phố, hai bên đường, đèn quảng cáo sáng choang chớp tắt liên hồi nhức mắt. Sạt thấy mình vừa thoát khỏi sự giam lỏng của thành phố xứ mình, muốn giữ mãi phút giây lắng lòng, thưởng thức sự tỉnh mịch, chờ cho hoàng hôn xuống.
Ðêm vắng, bên ngoài đồn chỉ có tiếng côn trùng, tiếng nhạc của loài dế, thỉnh thoảng ngưng vì tiếng súng lạch tạch từ xa. Sạt dựa lưng vào bao cát trong hầm kiên cố, mở khóa an toàn, ở tư thế chuẩn bị tác chiến khi cần. Sạt cũng dư biết đồn rất an toàn vì có một đại đội lính Việt Nam nằm kích bên ngoài, nhưng lo âu cho bạn mình trong căn nhà lá mong manh trong xóm nhỏ ngoài kia, vừa suy gẫm về sự phi lý của chiến tranh không giới tuyến này, biết ai là bạn, ai là thù.
Lúc đó, Pùrum vừa lo sợ cho mình vì làm cho Mỹ, lại vái van Trời, Phật cho Sạt bình yên mỗi khi đồn bị pháo kích.
Pùrum tưởng tượng xứ Sạt giàu sang lắm, có nhiều xe hơi sang trọng, nhà lầu cao, tuyết phủ lạnh lắm. Pùrum thu thập được kiến thức này khi lật xem hình những tờ tạp chí của Sạt cho. Người xứ Sạt chắc đẹp lắm, nhứt là phụ nữ da trắng, tóc vàng, mũi cao, nằm hở hang phơi nắng trên bãi cát trắng nước xanh. Pùrum giữ những tờ tạp chí như vật quí báu, đó là chứng tích của xã hội văn minh, lâu lâu giở ra xem, vợ con ngồi quanh ngắm nghía tranh ảnh, bàn luận rất thú vị. Cuộc sống lam  này giới hạn ước mơ không thực tế. Pùrum biết thân lắm, ra Châu Ðốc còn khó khăn, dám đâu nghĩ đến Sài Gòn, chuyện bên Mỹ chỉ là giấc chiêm bao.
Pùrum vừa ngốn hết gói cơm dưa mắm thì Sạt cũng ăn xong phần mình. Pùrum tự nhiên mở bao thuốc bánh ra cuộn thành điếu thuốc lớn hơn ngón tay cái, lớn hơn điếu xì gà, châm lửa hút một hơi, ngã ngang dựa lên thân chuối mát rượi. Cùng lúc, Sạt cũng mở gói thuốc lá, đốt một điếu, rít hơi dài, phồng môi thở ra, vừa chửi thề “ F., lovely”.
Hút hết điếu thuốc, Sạt tò mò ra hiệu xin một điếu thuốc bánh của Pùrum, còn mình thì cũng rút điếu Salem mời lại.
Sự trao đổi thiệt thòi về phần Sạt, mới hút chưa kịp nhả khói thì anh bị nghẹt cổ, ho sằng sặc, vừa hướt cổ lên cố lấy hơi thở, vặn mình như giẫy chết, mặt đỏ au, thở hổn hển.
Pùrum tinh nghịch nhăn răng cười hè hè, thầm nghỉ: “ ai biểu ham”.
Nét mặt Sạt nhíu lại, có lẽ hơi bực dọc, lấy thêm điếu Salem châm lửa, tiện tay quẹt cho Pùrum. Pùrum đi một hơi, nuốt luôn cả khói, mùi bạc hà the the, thơm hơn thuốc bánh. Mùi thơm bạc hà len qua vị giác, khứu giác, ngập buồng phổi, thấm các thớ thịt. Pùrum thì thào: “Ðã quá”.
Sạt mỉm cười vui lây.
Pùrum biết phận mình, chưa đủ tiền mua Ruby, Captan hút, làm sao có được loại Salem có đầu lọc. Trong bụng nghĩ thầm”Ăn của người cũng đã nhiều, mà đưa cho nó, cái gì nó cũng chê, biết lấy gì trả ơn đây?” Cây nhà lá vườn, đâu có món gì Sạt thích ăn đâu. Ổi thì nó chê cứng, ớt thì nó chê cay, chùm ruột, me thì chê chua. Rượu đế, rượu thốt nốt thì làm sao ngon hơn huýt kyPùrum lén giấu nửa điếu Salem về cho vợ kéo thử cho biết.
Từ đó về sau, mỗi lần được mời thuốc, Pùrum để dành mang về cho vợ và bà con chia xẻ. Về đêm, hút điếu Salem thơm ngát, khoái lạc như bay bổng trên mây, khói thuốc quyện với khói xơ dừa un muỗi la đà, bên ngoài mưa gió mịt mùng, bên trong vẫn ấm cúng. Hứng chí, tưởng tượng các tiên nữ tóc vàng nằm trên bãi biển phơi nắng như hình trong các tạp chí, quên đi phần nào nếp sống cơ cực mà tương lai không thấy sáng sủa chút nào.

***


Buổi trưa ấy, như thường lệ, Sạt lại đãi Pùrum điếu thuốc trắng tinh có mùi bạc hà the the. Sạt độ này thích Pùrum, anh ta thỉnh thoảng kéo Pùrum vô chỗ vắng sau dãy tre ven đồn. Thỉnh thoảng Sạt ôm ấp Pùrum như ôm con gấu đen dồn bông loại Teddy bear mà Sạt thường chơi lúc nhỏ, Pùrum nhột nhạt cười hích vẫy vùng, rồi chợt có ý nghĩa tinh nghịch, Pùrum vấn điếu thuốc bằng loại lá cây xanh mọc trong vườn nhà, đưa cho Sạt và ra hiệu bảo hút. Sạt cũng tò mò, chiều ý Pùrum, nếm thử. Pùrum cố nhịn cười, chờ Sạt bị sặc vì lá xanh đó có mùi hăng hắc nồng mũi, tệ hơn thuốc gồi, thuốc bánh. Ðây lại là dịp cho Pùrum cười khoái trá như lần cho Sạt hút thuốc vấn lúc trước. Nhưng kìa, Pùrum quên mất cười, trợn mắt há hốc ngạc nhiên thấy Sạt hút một hơi dài, lim dim đôi mắt, tay chân run rẩy, há miệng thả khói bay tròn như bánh xe, hấp tấp từng đợt hút trọn điếu không chừa chút nào cả. Sạt thấy lâng lâng, cảm giác nhẹ nhàng sướng thỏa lòng. Mùi lá xanh phơi dốt dốt của Pùrum giống hệt mùi “cỏ” (herb) ở Mỹ mà Sạt từng thưởng thức trước khi bị động viên qua Việt Nam. Loại “cỏ” này ở Mỹ vừa đắc vừa khó mua, mà sao Pùrum đào đâu ra tiền mua cho mình hút, còn hắn lại tỏ vẻ khinh thường món cỏ quý giá này. Mùi lá xanh gây cho Sạt cái hứng thú tuyệt vời, thân thể nhẹ nhàng lơ mơ bay bổng lên, thần kinh dãn ra như được đấm bóp. Màu sắc huy hoàng lãng đãng chiêm bao trong đầu, chợt đến chợt đi, Sạt lim dim nhướng mắt nhìn Pùrum, vị thần có uy lực ban phước cho Sạt, anh quên mất mình đang ngồi dưới bóng mát lũy tre già này. Tinh thần đê mê sảng khoái sướng thỏa, anh quơ quào bắt lấy hạnh phúc chập chờn, bay bồng bềnh hay lặn ngụp trong thế giới ảo huyền, màu sắc tan rồi hiện. Bãi mìn trong hàng rào kẽm gai sắc bén quanh đồn mọc lên thành những đóa hồng nhung tím lịm. Sạt khoái trá, lăn lộn la Damn Herb!”.
Chiều đó, Sạt theo xe đưa Pùrum về nhà, kín đáo đưa cho Pùrum nguyên cây thuốc Salem và dặn Pùrum mang cỏ xanh kia cho Sạt.
Pùrum suy nghĩ mù mờ, một điếu cần sa khô mà được đền đáp bằng cả cây Salem, trí óc Pùrum lúc đó chỉ là một thỏi đất sét khô không đủ năng lực tìm hiểu thêm.
Pùrum chắp tay xá lia lịa vừa lắp bắp “a kun (cám ơn) Sạt, Sạt cũng bắt tay Pùrum thanks, thanks
Xe vừa chạy khỏi, Pùrum chạy vụt vô nhà vấp ngạch cửa chúi xuống sút cả móng chân cái mà không hay, la hét reo mừng đưa cho vợ xem cây thuốc Salem.

***


Ðêm đó, mưa thật đúng lúc. Mưa tầm tả rào rào trên bao cát, nước chảy như suối, gió kéo qua quật chòm cây ngả nghiêng, Sạt ngồi trong vọng gác nghe nước rỏ qua bao cát, chia xẻ những điếu cần sa xanh với bạn đồng ngũ. Tiếng “Ha” thoát ra từng lồng phổi ngập khói cần sa thơm nồng sảng khoái. Họ chuyền tay nhau hút liên tục, sợ thuốc cháy tàn phí phạm. Họ vui đùa cười cợt, nhắc lại thời còn ở xứ họ cũng chuyền tay nhau thưởng thức món thần dược có khả năng xoa nhẹ vết lo âu hằng trên cân não trong cuộc chiến vùng xa xôi này, giúp họ quên mình đang trực diện với đạn bom hàng đêm, hàng ngày, hàng giờ. Mưa càng lạnh, thuốc càng ngon.
Cơn mưa này muốn xô ngã những mái nhà tranh Sóc Nam Vi. Tiếng nước rỏ từ mái lá đào thành mương quanh nhà như nhạc êm dịu dổ giấc ngủ ấm áp trẻ con. Quanh ngọn đèn dầu lửa trắng, Pùrum vặn cao đèn rồi mở gói Salem phân phát cho bà con. Những bàn tay đưa ra sẵn sàng nhận không khách sáo. Pùrum không giấu vẻ kiêu hảnh của người biết nhiều, gia ơn cho bà con. Họ ngồi dựa cột, dựa vách, trên chõng, chùi tay thật sạch sợ dơ điếu Salem có đầu lọc, màu trắng tinh khiết. Họ trầm trồ, mân mê chưa vội hút ngay, Pùrum giảng giải cho họ hiểu là thuốc này sản xuất ở bên Mỹ, xa lắm, xa hơn bên Tây nữa, chớ không phải thuốc sản xuất ở Sài gòn như Bastos, Ruby hay Captan. Họ giành xem gói thuốc, chữ Salem màu xanh lục nổi trên nền trắng tinh.
Pùrum mím môi, nửa mĩm cười nói:”Me ôi! ? Thằng Mỹ nó tốt quá, cho nó một bó lá cần sa, nó cho lại một cây thuốc, để dành hút nửa năm mới hết, mỗi ngày một điếu cũng đã rồi, mình bẻ lá cần sa phơi khô bỏ vô cà- ròn đem vô đồn cho nó, chắc nó mừng lắm, nó còn dặn giấu cho kỹ. Pùrum thương mến Sạt vô cùng, “Tội nghiệp Sạt quá, cái gì mình cũng chơi gát nó hết, giá một cà-ròn cần sa bán cho mấy ông thầy thuốc Nam chưa mua được một vài điếu thuốc thơm đầu lọc này, mà có ở đâu mà mua”.
Mưa gió bên ngoài, khói thuốc thơm thoang thoảng bên trong, mọi người quên mình đang hưởng thứ hạnh phúc tạm bợ, khi thuốc tàn, hạnh phúc cũng bay theo khói.
Hôm sau, Pùrum bẻ hết lá cần sa trong vườn và hàng xóm, chờ phơi nắng cho dốt, để mang vào làm quà cho Sạt.
Vưà vô đồn, nhiều người lính Mỹ đến vỗ vai Pùrum thân thiện, dặn dò mang cỏ “hợp” vô nhiều nhiều.
Chiều về, Pùrum kinh ngạc khi nhận được một bao cát đựng đầy đồ hộp, thuốc lá, bôm, nho, bánh bích-quy. Pùrum bối rối trước việc trao đổi mà cáng cân lợi nghiêng quá nặng về phía mình. Từng vô chùa tu sáu tháng trả ơn cha mẹ, cộng với bản tính chất phác thật thà, mỗi lần nhận ơn ai, Pùrum đều chắp tay đọc một câu kinh chúc phúc, Pùrum thấy bất nhẫn và áy náy trong thâm tâm, trước sự bất công dù không chú ý gạt gẩm.
Những hộp thịt nguội là món ăn dã chiến chán ngấy của Sạt, nhưng là món cao lương mỹ vị trên bàn ăn Pùrum. Ăn thịt xong, giữ lại cái hộp làm lon uống nước hoặc làm đồ chơi cho con. Những bao muối tiêu sạch sẽ, giấy lau miệng đựng trong bao bạc, Pùrum ngại ngùng không dám xé ra dùng. Sau buổi ăn, Pùrum bắt chước Sạt, nhả khói thơm tỏa mờ căn nhà tranh nghèo ám khói. Dân xóm nhỏ lại được cơ hội làm quen với sản phẩm tiêu thụ Âu Mỹ, kiến thức khoa học giới hạn, họ trầm trồ khen: “Tụi Mỹ hay hơn tụi Tây, nó kéo ‘cây sắt’ lên là kêu đâu cũng nghe! Cái Ra-dô nó không cần điện, nhỏ mà nghe lớn, máy hát nó không cần dĩa và không cần lên dây thiều”.
Họ lại khám phá thích thú là thuốc lá Salem thơm hơn cần sa và thuốc gồi, hút the the, thông cổ, bổ phổi. Thịt heo hộp, bánh kẹo ngon hơn thịt xào mặn, mắm trèn, mắm sặt, nhứt là súp khoai tây bột, béo thơm và bổ hơn canh cua măng với lá bù ngót, hèn chi bọn Mỹ nó mập và trắng trẻo.

***

Cách Sóc mấy cây số, trong đồn Châu Lăng, Sạt và bọn đồng ngũ cũng vui sướng không kém. Họ cũng khám phá và đồng ý rằng thuốc Salem lạt lẽo vô vị, hút cho có hút, họ đã ngấy thịt hộp bánh khô. Sạt nằm lăn ra, sảng khoái nhìn khói bay, vừa chép miệng: “Thằng Pùrum ngốc quá, cho nó cây thuốc Salem lạt lẽo, một mớ thịt cá hộp, ba cái thứ rẻ mạt bỏ đi đó mà nó cho mình cả bao cỏ “hợp” quý giá, thứ này ở Mỹ giá cả tuần lễ lương, cả mấy trăm đô-la chứ phải ít đâu. Tội cho hắn, nghèo mà quảng đại.. “.
Hai bên đều vừa lòng về sự trao đổi hạnh phúc, dù đó là thứ hạnh phúc tạm bợ. Sạt đi quân dịch, ở đây mười hai tháng, còn vài ba tháng sẽ mãn hạn, rồi về nước. Sau đó Sạt đâu còn được “phê” thả cửa cỏ “hợp”. Và sau khi đồn xây xong, Pùrum cũng bị cho nghỉ việc. Thôi thì hai bên cứ sống với cái hiện tại, hưởng thụ được lúc nào hay lúc ấy.
Nhưng cuộc đời lắm gút mắt, éo le hơn nhiều, đâu có phải chỉ bẻ một bó lá sau vườn đem phơi nắng rồi có thịt hộp, thuốc lá Salem. Ngược lại, bỏ ra cây Salem với thịt hộp mà đổi được cỏ “hợp” quý giá và cảm giác lâng lâng.
Chiều hôm đó, Sạt trông cho tới giờ nghỉ, chạy thẳng về bung-ga-lô, ngả vật người ra, ngáp muốn trẹo quai hàm, tay run rẩy mở bao cát dưới nệm kéo ra một nắm cỏ “hợp”, se tròn, châm lửa nằm lăn ra một cách thoải mái. Thêm mấy người bạn Sạt cũng hấp tấp tới cùng chia xẻ bữa tiệc khói.
Mọi người nằm vật vờ, mắt lim dim lơ mơ, đầu lắc lư chầm chậm. Tâm hồn thoát ra khỏi cơ thể vật chất, họ ngao du theo đám mây khói thơm tho, khoái cảm chưa đến tột đỉnh thì cánh cửa mở tung, một toán quân cảnh MP Mỹ ập vào, trợn mắt: “Chúa ơi. Nhiều thấy mẹ!”.
Sạt và bạn bè bước lếch thếch lên xe về văn phòng cố vấn. Sạt rụng rời, khai xuất xứ món cỏ thơm kia.
Cũng chiều hôm đó, Pùrum cười ngỏn ngoẻn vác về một bao cát nặng nề, bước vô nhà để nhẹ nhàng bao trên giường vừa run rưn mở ra:”Mê ôi! Nhiều lắm, thuốc Salem, thịt hộp nè, có...nè”. Vợ con cuống quýt mừng:”Cho Pù Khét một gói thuốc đi, người ta sửa cây cột nhà cho mình mà không lấy tiền. Còn đồ hộp để dành cho ông bà già uống rượu”.

Tiếng reo cười vang trong nếp nhà tranh khổ nhiều vui ít. Mọi người lục lọi, ngắm nghía, bàn tán. Niềm hạnh phúc đầu tiên trong đời hơn cả ngày Tết, bị gián đoạn bởi tiếng xe Jeep thắng két, âm thanh rờn rợn đe dọa ngoài cửa. Cánh cửa lá bị đạp tung ra. Gia đình Pùrum ngơ ngác nhìn ra, một toán cảnh sát dã chiến, mặt mày nghiêm trọng, súng ống lăm lăm trên tay, đứng chật cả căn nhà nhỏ. Pùrum bị còng tay đứng run rẩy như người liên hệ với Việt Cộng bị bắt. Cảnh sát lục soát lập biên bản.
Tang vật là cá, thịt hộp, thuốc Salem, đều được mang ra xe. Vợ Pùrum tiếc rẻ món ngon vào miệng chưa nuốt đã bị rớt xuống sông, vừa hãi hùng líu lưỡi ôm mấy đứa con run rẩy.
Pùrum bị còng, ngồi co ro bên cạnh bàn, mặt đen càng đen thêm, đôi mắt khờ khạo lấm lét nghẹn ngào, lắp bắp trả lời những câu thẩm vấn tối nghĩa:
-         Ðồ quốc cấm chú mầy có ở đâu ra?
-         Dạ, tui trồng ở sau nhà.
-         Ai cho phép mầy trồng cây quốc cấm đó?
-         Pùrum ngập ngừng suy nghĩ:
-         Dạ, nó mọc từ hồi nào tới giờ, hồi ba tôi cất nhà này, tôi không nhớ.
-         Nói láo, sao chú mày đem vô đồn đầu độc lính Xi-Bi Mỹ, bọn Việt Cộng xúi mầy phải không?
-         Dạ, tôi cho có mình ông Sạt thôi, ổng thấy tôi hút, ổng thèm, nên tôi cho ổng.
-         Thuốc Salem, thịt hộp mầy ăn trộm ở đâu?
-         Dạ, đó là đồ ăn của ông Sạt, ổng thương, ổng cho tôi. Tôi không dám ăn cắp.
Pùrum hiểu mù mờ từ ngữ phức tạp cao hơn tầm hiểu biết mình, nhướng mắt lơ láo nhìn mấy người cảnh sát, điều này làm tăng sự nghi ngờ của an ninh. Xóm này vùng xôi đậu, Việt Cộng đi từ núi Cấm qua kinh Tám Ngàn hoặc về phía núi Tô, đáng nghi lắm.
Pùrum bị dẫn ra sau vườn, cảnh sát rọi đèn pin, nhổ những cây cần sa vô tội quen thuộc chất thành đống cao cẩn thận. Họ có vẻ nhẹ tay với những cây cần sa hơn là đối với Pùrum.
Những bụi cần sa, đọt để nêm canh, lá phơi khô hút thay cho thuốc gồi, cả cây bán cho thầy thuốc Nam sao không thấy ai bắt, mà cho Sạt hút thì bị còng. Trong đầu Pùrum, đó là sự đổi chác như buôn bán, người bán người mua, hai bên đồng ý. Lúc trước, thời ông cha Pùrum, họ đổi thúng lúa đầy lấy thúng hủ tiếu khô, pên tâu pên mo, đầy đi đầy lại, công bình quá mà.
Chưa kịp nghĩ ra lý do bị còng, Pùrum đã bị điệu ra xe theo nhân viên công lực ôm những bó cần sa làm tang chứng. Pùrum ngồi trên sàn xe, giữa hai hàng băng lính ngồi. Một người lính tiếc rẻ, lắc đầu:”Cái thằng Pùrum ngu quá, làm ăn công khai, phải nó khôn, nó kín kín một chút, phát tài mấy hồi, cái đồ quỷ này bán có tiền lắm chớ”.

***

Ðêm đó, Pùrum bị nhốt trong khám cảnh sát để chờ điều tra bổ túc và sẽ bị gởi đi tòa án quân sự vùng.
Ðám tù bị nhốt chung cười tinh quái nhìn Pùrum đang ngồi ủ rủ khóc thút thít trong góc. Nghĩ đến mà thương vợ con, mới được hưởng không bao lâu đã bị ngồi tù, biết vậy, dù chết đi sống lại biểu trồng cần sa cũng không dám.
Pùrum nằm ê ẩm cả người ngủ thiếp đi, sau trận đòn dằn mặt. Pùrum mê sảng, thấy mình nhịn đói nhịn khát lại được dùng muỗng trắng mút miếng thịt hộp, uống lon Côca, ăn nhiều uống nhiều mà vẫn thấy đói cồn cào.
Tỉnh dậy, Pùrum tủi thân ôm mặt khóc rưng rức:”Tôi đâu có ăn cắp ăn trộm của ai đâu mà bắt tôi?”

***

Trong bộ chỉ huy cố vấn, Sạt và mấy người bạn đỡ khốn khổ hơn Pùrum. Họ nằm giường sắt, thức ăn đầy đủ. Thỉnh thoảng, nửa đêm bị lên cơn, vặn mình quằn quại, vẫy vùng, đập ầm ầm trên giường. Họ thở khò khè, miệng há hốc, sùi bọt mép. Họ gào thét kêu Pùrum mang cho họ cỏ “hợp”, họ cần cỏ “hợp”, họ sẽ đổi tất cả, Salem, thịt hộp, cá-phê. Cỏ “hợp” là hạnh phúc của họ, họ dư thừa mấy món kia, họ chỉ cần cỏ “hợp”. Pùrum dư cỏ “hợp”, cần Salem, thịt hộp. Hai bên đổi chác theo nhu cầu rất công bằng, chia xẻ hạnh phúc cho nhau, đúng theo định luật cung cầu, vậy mà cả hai đều bị bắt nhốt. Sạt quơ quào hai tay la hoảng:”Khôi hài, bất công”.

Ghi chú:
(1)   Trái mặc nưa: Loại trái bằng trái trứng cá. Vỏ xanh, trong có hột mềm, trắng, ăn được. Ðể trái mặc nưa vô cối giã nát, sau đó lấy xác bỏ vô thau nước, vắt lấy nước đen, rồi tiếp tục lấy xác để vào cối giả tiếp, rồi lại ngâm nước và vắt lấy nước. Nước đen nhuộm quần áo, xong đem phơi nắng suốt ngày, chiều xả nước quần áo cho sạch, phơi cho ráo. Hôm sau tiếp tục nhuộm, chừng mười lần vải mới xài lâu bền không trổ. Nhựa mặc nưa lỡ dính vào áo giặt không ra. Ngày nay dân ít nuôi tằm và việc nhuộm mặc nưa cũng hết, người ta hầu hết dùng vải nhập cảng.
(2)   Cái trả: Loại nồi lớn, thường để luộc bánh tét.
(3)   Xạt: Tét hai.
(4)   Cà ràng ông Táo: Một loại lò, có ba đầu để nồi lên, bên dưới dài có thể để thêm than củi, tro không đổ ra ngoài.
(5)   Om: Loại nồi cổ nhỏ, giống loại dân Ấn Ðộ đựng nước và đội trên đầu, dùng đựng đường chảy.
(6)   Củ nừng: Loại củ lớn như trái bí rợ, nhưng tròn và vỏ u nầng. Thái mỏng rồi xả nước nhiều lần cho hết chất độc, đem ngào đường, trộn dừa ăn.
(7)   Cây Xà đâu: Loại cây có bông đắng, mọc ở biên giới Miên. Lá và bông trộn với cá xấy, giống cá trèn, xấy khô, xỏ nhiều con lại thành hình cái quạt, ở Nam Vang chở xuống.
(8)   Cần sa: Ðọt để nêm canh, làm thuốc.
(9)   Dốt dốt: Chưa mấy khô.
(10)         Un muỗi : Lúc chưa có nhang un muỗi, dân quê lấy vỏ dừa khô đốt cháy ngún, khói lên xua bớt muỗi.
(11)         Bù ngót: Loại cây lá xanh đậm, lá dùng nấu canh chung với măng mạnh tông và cá, rất ngọt canh.
(12)         Pên tâu pên mo: Ðầy đi đầy lại, chỉ sự công bình.
Graceville - Australia 12/1994

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét