Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

CHỮ PHÚC

Chữ Phúc
Lưu Nhơn Nghĩa

Được bạn hiền Phạm quốc Bảo tặng cuốn sách " Dấu vết Văn hóa Mỹ ", tập 2 , trang 84-86, bài " Chữ Phúc treo ngược ". Xin kể lại sơ lược câu chuyện trong quán Tàu . Ba người đàn ông Việt, tuổi trên 50 (tính từ 1995 ) ngồi ăn bàn chuyện chữ nghiã.

" Này, nhìn thử ba chữ treo hàng dọc trên tường kia...Đúng đấy ,thấy gì không ?

Ba chữ Tàu treo một hàng dọc như thế, loại dốt như tôi cũng đoán được là Phúc Lộc Thọ chứ gì? Phải không anh Tân? Sao lại cười, tôi đoán sai à?

Cậu đoán đúng, tôi cười vì anh Việt đã nhìn ra chữ " Phúc lộn " ngược.

Lộn ngược ?...Để tôi xem có còn nhớ chữ Tàu nữa không nha anh Tân. Chữ Phúc viết theo Hán văn là từ trái sang phải và từ trên xuống dưới thì gồm bộ " Kỳ "chỉ về thần thánh, trên cùng là chữ nhứt là một, giữa chữ khẩu là miệng, dưới là chữ điền là ruộng. Phúc đạy là Hạnh Phúc, chứ không phải chữ Phúc trong nghiã bạn tâm phúc.

   -Phúc đó là bụng, gồm có bộ " nhục " ( thịt ) và chữ " phục " là trở về. Bộ " nhục " thì khỏi nói, phải nhớ. Còn chữ " phục " thì trên là chữ " nhân "( người ), giữa chữ " nhựt " ( mặt trời ) và dưới là chữ " chỉ " (đi đứng ). Để dễ nhớ, người ta thường diễn tả chữ " phục " là con người ở thôn quê khi mặt trời lên thì ra đồng làm việc khi mặt trời lặn thì đi về nhà. Đúng không anh Tân ?

Anh dân kinh tế mà chữ Hán tài đấy.

   -Thế chữ Phúc tiệm nầy chiết tự ra sao để dễ nhớ, anh biết chứ ?

Ngoài bộ " kỳ " ý nói do thiêng liêng hoặc nhờ may mắn mà có. Chữ Phúc tính từ dưới lên trên có nghiã la ruộng mênh mông. Ruộng ( điền ) nhìn xa chỉ thấy 4 cạnh thôi, ( khẩu ), xa nữa chỉ thấy một cạnh ( nhất ) và xa nữa thì không còn bờ giới hạn.

Hay thật, chữ Phúc đây họ treo ngược thế kia, anh thấy sao ?

Có thể họ " vô tình đóng đinh vào tường rồi nó tự lộn ngược lúc nào không biết để sửa lại. Nhưng đặc biệt giới buôn bán người Trung Hoa cũng có khi cố ý treo ngược chữ Phúc là để tiền bạc vào trong tay họ mà không trở ra được nữa, họ tin tưởng như vậy "

Cái ý ấy lạ và tuyệt thât.....

Hai anh giỏi chữ nghiã, luận nghe sướng tai quá.! Riêng tôi dốt và đơn giản thì cho rằng Phúc là Phúc Đức hay Phúc là cái bụng khác nhau ở chữ với nghiã gì đó là chuyện khác, còn hai chữ Phúc liên quan chặt chẻ với nhau cho con người trước hết cái đã. Phúc đức hay tiền bạc, lý tưởng hay âm mưu gì đó không cần biết, đầu tiên phải cho nó no cái bụng trước tiên, còn mọi sự mọi việc tính sau.

Đó là câu chuyện của ba ông khách quán mì. Để học cho dễ nhớ thì đúng hơn, ông giảng chữ " phúc " ( bụng ) cũng trôi, nhưng ông giảng chữ " phục " gồm chữ nhục ( thịt ) thì đúng, còn chữ bên phải không có nghiã, chỉ mượn âm ( hài thanh, một phần của chữ " phục ", trở lại, chữ " phục ", trở lại gồm bộ " sách ", bên phải trên là chữ " nhơn ", người, chữ " nhựt ", mặt trời, cuối cùng là chữ " truy ", đến sau, chứ không phải nghĩa là " đi đứng ' như ông khách nói. Điều nầy không quan trọng, xưa, học trò chữ Nho phải tìm cách chiết tự để dễ nhớ, vì chữ Nho không thể đáng vần. Chữ Đức chiết tự thành " chèo bẻo vắt vẻo cành tre, Thập trên, tứ dưới, nhứt đè chữ tâm. Chữ Hiếu chiết tự thành " Đất nầy là đất hồ ao ( chữ thổ ), Ai cắm cây sào mà lại cấm xiên, Con ai mà đứng không yên, Đứng thì không vững dựa nghiêng cây sào.

Ông khách giảng chữ " phúc " cũng trôi, nhưng người Tàu chiết tự, giảng khác. Chữ " phúc " gồm bộ " kỳ "( thiêng liêng ), kế bên là chữ " nhứt" ( một ), bên trên chữ "khẩu" ( miệng ), chót là chữ " điền " ( ruộng ). Người được thần thánh phù trì, lại chỉ có một miệng ăn ( ít nhân khẩu ), có ruộng, vậy là có phúc, hay phước. Hai chữ phúc ( bụng ) và " phúc " ( phúc đức ) giảng ra đều hợp lý.

May quá, gỏ tới đây, thằng con tôi dẫn về cô bạn gái gốc Đài Loan, biết chữ Hoa. Cô diễn đạt theo tinh thần Hoa ngữ về chữ " phúc " như sau.

Chữ " phúc ", bên là bộ " kỳ ", cúng bái, cầu xin. Cầu xin cho gia đình có ruộng . Chữ " nhứt khẩu tử " nghiã là gia đình," nhứt khẩu " là gia đình, chứ không phải là một miệng ăn. Cầu xin cho gia đình có ruộng, no đủ. Lại một lối giải thích khác.

Còn chữ " phúc " treo ngược, ông khách cho rằng chủ tiệm đóng đinh vào tường rồi nó tự lộn ngược quên không sửa lại. Ông còn giảng là người Tàu buôn bán có khi cố ý treo ngược chữ " phúc " để tiền bạc không trở ra được nữa...Đây là phần ông chế ra thêm thắt. Xong rồi ba ông khen nhau hay tuyệt, độc giả Việt Nam đọc sao hiểu vậy .

Dân Quảng Châu cố ý treo ngược chữ " phúc ", theo thổ ngữ Quảng Châu, âm " đảo " ( đảo ngược ) gần âm " đáo " ( đến ), họ treo ngược chữ " phúc " , đọc thành " phúc đảo "," phúc đảo " gần âm " phúc đáo " nghiã là " phúc tới ", cầu cho phúc tới .Người sử dụng thổ ngữ Quảng Châu, thủ đô tỉnh Quảng Đông, tiếng nói thông dụng Chợ Lớn, mới dùng chữ Phúc đảo ngược thôi.

Luôn tiện nói tào lao cuối năm. Dân Quảng Châu rất sợ số 4, âm " tứ " trong thổ ngữ Quảng Châu gần với âm " tử " ( chết ), nhiều tiệm bán điểm tâm, không có bàn thứ 14, âm thập tử, bàn 13 tới bàn 15. Họ ưa số 8, gần âm " phát ", phát đạt, họ hay mua bảng số xe 18, 88..

.Dân gốc Triều Châu, một Phủ trong tỉnh Quảng Đông chọn số 4 là số hên," tứ ", số 4 trong thổ âm Triều Châu gần với âm chữ " thế ", đời . 44 đọc theo thổ âm Quảng Châu là " tử tử ", chết chết, trong thổ âm Triều Châu, " tứ tứ " đọc thành đời đời . Chàng rể mang tiền " xởi miềng chí ", tiền rửa mặt hay tiền rửa đít ( xin lổi, người ta dịch như vậy ) cho ông già vợ ngày đám cưới tùy, miễn là số 4, như $44 hay $444, $4444....Ông già vợ biết điều, lấy $4 tượng trưng, trả lại phần kia.

Dân Trung Hoa thích số 9, cửu , đồng âm chữ cửu, mãi mãi. Dân Nhựt sợ số 9, roku, khổ lực, dân Âu Mỹ sợ số 13 .

Luôn tiện nói cho hết. Bài thơ " Rắn đầu biếng học " của Lê quí Đôn, trong Quốc văn Giáo khoa thư, âm ra chữ Quốc ngữ có câu, " Từ nay Châu Lỗ xin siêng học. Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia". Đúng ra là Trâu Lỗ. Nước Trâu thuộc Sơn Đông là quê Mạnh Tử, nước Lỗ quê Đức Khổng Tử. Người Bắc soạn, âm " tr " thành " ch", " Trâu " thành " " Châu ", cũng có người họ Trâu, khác với họ Châu.

Cũng như trường hợp " tiếng bom Sa Điện " của Phạm Hồng Thái, ngày nay, tìm đến nơi mới biết địa danh là Sa Diện, lổi ấn loát, in sai rồi để nguyên, đời sau cứ tiếp tục đọc, lấy đó làm tài liệu viết tiếp.

Cuối năm nói chuyện trà dư tữu hậu. Ông Phạm quốc Bảo ơi, làm ơn tra tự điển hay hỏi người chủ tiệm về chữ " Phúc " treo ngược.  

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét