Ông Từ Me.
Lưu Nhơn Nghĩa
Chùa ông Bổn tọa lạc ngay tại góc ngả ba đường, phía Bắc đi Châu Đốc, phía Đông đi Long Xuyên, phía Nam đi Ô Lâm, mặt chùa hướng về phía Đông.
Chùa cất cả trăm năm, từ khi dân Tàu đến lập nghiệp, nghĩa là từ tiền bán thế kỹ 20. Giống như căn nhà xưa của người giàu có, quyền thế như mấy ông Hội Đồng, Cai Tổng. Vách chùa xây bằng đá núi, bề dầy hơn gang tay, đạn bắn không lủng, mái ngói âm dương, cột kèo bằng cây sao.Trên nóc có rồng nằm che chở. Diện tích trong chùa rất nhỏ. Trước mặt chùa là khoảng đất trống khá rộng, đủ chỗ cho các kỳ lễ lớn, rằm tháng Bảy, thí vàng.
Trước chùa có hàng ba mát mẽ, bên trong có bàn thờ lư hương, đồ tự khí nhỏ. Trên bàn thờ bày đồ cúng, sau bàn là trang thờ ông Bổn. Ông Bổn ngồi, mặt hao hao giống ông Địa. Ông Bổn mặc áo đỏ, khăn đỏ, cao độ hai tấc, cốt ông làm bằng cây
Ông Bổn ngồi một mình, phù hộ dân Tàu làm ăn khá, bình an, có tiền về Tàu thăm hương lý. Bên tường có cái trống chầu lớn đặt trên giá, bên kia treo cái chuông. Trên tường dán danh sách người cúng tiền, hình mấy vị tiên trong chuyện Phong thần, Phong kiếm xuân thu, như Na Tra , Lý Tịnh, Dương Tiển...,phía sau thờ hình ông hổ vẽ trên tường, bằng con mèo, cọp ông nuôi, ông hổ cũng có lư nhang , lâu lâu có miếng thịt luộc.
Hàng ba trước chùa khá rộng, lót gạch Tàu, đủ cho đoàn Lân tập duợt múa Tết. Bên trái chùa là chái ông từ Me ở, chái lợp ngói, một bên là chùa ông, một bên là dinh thự ông Hội Đồng Mao, chái ông rất an toàn thời chiến tranh nhờ tường dầy hai bên. Một đêm năm 1945, Việt Minh đánh quận, ông mở cửa chùa cho dân xóm nhà lá vô tránh đạn. Họ ngồi đầy trong chùa không sao, có vài người nhác, chạy ra bị lạc đạn chết. Ông từ Me nói, “họ ngồi đầy trong chùa, có sao đâu, tại không tin ông nên chết oan “
Ông từ Me làm từ lâu rồi, vợ ông mất sớm, con ở riêng, ông tự lo cơm nước, nhang khói chùa.. Năm đó, ông đã khá già, đầu run run, nhai trầu liên tục, nói chuyện hơi cà lăm. Ông rất khéo tay, làm việc vụng vặt kiếm thêm tiền khi rãnh rổi, Dân chợ tổ chức ban trị sự rất chặt chẽ, tiền tháng nào ra tháng đó, rất sòng phẳng, cộng thêm tiền lì xì vào dịp lễ lớn.
Ông từ đình thần Tri Tôn không có tiền vô tiền ra, không được cung cấp chổ ở, hay bị trể và thiếu. Mùa lạnh năm 1949, ông từ đình thần, nằm chết lạnh bên hông đình, chỗ để mấy cái hòm người ta gởi. Buổi sáng, học trò vô trường đình, thấy ông nằm chết, đầu kê trên khúc cây, áo quần mỏng te, ông hả miệng răng sún, người xanh tái, gió núi làm xác ông càng xanh cứng. Dân Việt nghèo, chỉ cúng kiến đủ lễ là quí rồi. Đình mỗi năm chỉ tổ chức lễ Kỳ Yên, tống gió, thường không có hát bội xây chầu, tài chánh giới hạn. Dân ngoài kinh theo đạo Phật giáo Hoà hão, Cao đài, ít đóng góp.
Ông từ Me tuổi chừng 50, trưa trưa ông ngồi đươn thúng hay đươn giỏ, người quanh đây ghé ngồi góp chuyện. Ông vui tánh, hay kể chuyện tục, mọi người cười, ông Bổn ngồi trên bệ thờ chắc đã già, lảng tai. Ông từ sống an nhàn. Thào kê rất thích tánh cẩn thận của ông. Buổi trưa, ông lau bệ thờ. Quét dọn trong ngoài rất sạch sẽ, rành rẽ thủ tục nghi lễ, cúng ngọ, cúng nước ban đêm. Buổi sáng, thường có cúng kiến, ông có lộc riêng, ngày rằm mồng một rất đông khách. Hầu như sáng nào cũng có người xách cái hui ná đựng con vịt luộc, miếng thịt, bánh trái vô cúng ông Bổn cầu xin hay trả lễ. Trước ngày sổ số Kiến thiết quốc gia giúp đồng bào ta ...,xiếm Nghén xách miếng thịt cúng xin số, mà đâu phải chỉ riêng có xiếm Nghén, ai mà không muốn giàu. Trúng nhiều thì cúng trả lễ, trật thì tuần sau xin nữa, quanh năm suốt tháng, Xiếm Nghén đâu có mất gì, cúng xong, để lại vài cái bánh bông lan rẻ tiền, xách miếng thịt ba rọi về xào cải, nếu cúng gà thì mang gà về xé phai, mất mát gì, chỉ có mấy ông chủ tiệm để lại món tiền cà phê. Khi có khách, ông từ mang dĩa sắp bánh trái, đốt nhang, lên đèn, rót nước. Khách khấn vái thì ông đánh trống ầm ầm, dọng chuông bon bon. Chùa nhỏ, lại kín, trống chuông thỉnh ông Bổn nhận lễ nghe sợ và mệt tim lắm. Ngày Tết, trống chuông liên hồi, lộc vô như nước. Xứ nầy không bẻ lộc, chỉ có sân cỏ, lộc đâu mà bẻ.
Mỗi năm dịp rằm tháng Bảy, cúng cô hồn vui lắm, địa vị ông từ Me nổi hẳn lên. Theo lệ, con trai trên 18 tuổi ghi danh chờ làm Thào kê (đầu gia ) và một người phó. Đúng ra thào kê là chức Thủ quỹ, coi tài chánh, giử sổ chi tiêu, tởi tiền bổn phố, sắp xếp công việc. Đây là lúc ông từ Me lo làm khung dán giấy tượng ông Tiêu, mặt dữ dằn, lưởi dài và Phật bà Quan Âm gương mặt hiền hòa, ông có hoa tay, làm khéo. Sau đó chẻ tre lồ ồ đươn giỏ nhỏ, thưa, để phát cho bà con. Ông tính toán sao cho vừa đủ số giỏ, mỗi nhà nhận từ 5 đến 10 cái giỏ. Trưóc ngày lễ , họ để khoai lang, gạo, mía, cắm cờ đuôi nheo vô giỏ mang tới chùa giao. Ông từ chất lên cao cả mấy thước trước chùa, bổn phố tấp nập cúng kiến. Trưa nghe ông từ Me đi quanh chợ, đánh miếng kẻn nhắc, "Bổn phố cúng ngọ". Việc làm ông từ chỉ có vậy, còn việc thí vàng có thào kê lo.
Ông từ Me làm từ cho chùa lâu lắm rồi, tên ông gắn liền với chùa ông. Ông từng đề nghị xin thay cốt ông, vì cốt ông lâu quá bị mọt Sau khi ông chết, củ Thiệu, con ông thay thế. Củ Thiệu mập, say rượu nhừ nhừ.
Sau năm 75, người ta lu bu, chuyện cúng cô hồn hơi trì trệ mấy năm. Ông thần đình Tri Tôn, đúng ra ông là thần đình chợ Cây Me, đình Tri Tôn mượn sắc thần đình Cây Me thờ. Ông thần đình phải kiêm nhiệm hai ngôi đình. Chánh quyền Cách mạng nói sắc thần do vua Bảo Đại phong, mà vua Bảo Đại đã bị truất phế ở bên Tây. Ông thần đình không có lập trường cách mạng nên phải dời đi, ông mất tờ khai gia đình, ngày nay gọi là hộ khẩu. Ông từ Me vẫn đốt nhang thờ cúng ông Bổn, như người tôi tớ trung thành với chủ. Chùa dùng làm trụ sở chữ thập đỏ, mỗi lần đi ngang, ông từ Me còn thấy rõ ràng ông Bổn ngự trong chùa. Ông Bổn không theo phe nào, mãi chí thú làm ăn, cúng cô hồn, hưởng lộc thịt heo, thịt vịt, quà bánh no đủ. Nhiều người già đã chết, hiện hồn về đứng đông nghẹt trong chùa, ông từ Me nghe tiếng chuông trống vang dội, tiếng cô hồn kêu đói khóc lóc triền miên.
Sau nhiều năm không khí lắng dịu người ta cúng kiến trở lại. Ông từ Me cả đời sống bên hông chùa lo hương khói và hưởng lộc. Ngày nay ông đã mãn nguyện được về với ông Bổn hưởng hương khói ấm áp, linh hồn ông lẩn quẩn đâu đó trong chùa.
Dân bổn phố sinh con đẻ cái quá đông, buôn bán ế ẩm. Khu chợ mất hẳn vị trí trung tâm thương mại ngày trước. Việc cúng kiến cô hồn tháng bảy đơn giản, mất không khí nô nức giựt vàng. Ông Bổn ngồi nhàn hạ, uễ oãi rút xăm cho người xin số đuôi, nhâm nhi chung rượu và miếng thịt luộc trả lễ.
Mới đây, người ta cất ngôi đình mới, địa điểm cách đầu bờ kinh cũ hơn cây số. Nghe nói ông thần đình đã xin được hộ khẩu. Ông thần đình và ông Bổn lâu lâu tới thăm nhau, hai ông ưa nhắc chuyện cũ cả trăm năm trước. Mỗi ông một trách nhiệm. Ông thần đình lo lễ kỳ yên, tống gió, đuổi âm binh ôn dịch. Chính ông đuổi lũ ôn binh xuống bè thả trôi sông, ông được hưởng con heo trắng. Dân không còn mời gánh hát bội hát cho ông nghe vở tuồng Phấn Trang Lầu, San Hậu... Ông Bổn tiếp tục phù hộ cho dân chợ phát tài được một đời thôi. Hai ông đã già, mệt mỏi. Ông Bổn gắp miếng vịt luộc mời ông thần,” Anh Đình à, hưởng đi, nói gì nói, dân bổn phố cũng còn đủ lễ, mình hưởng được cứ hưởng. Mình già rồi con cháu không có biết nhờ cậy ai. Ông thần đình ực chung rượu, “ Răng cỏ đâu mà ăn thịt vịt. Hia Bổn à, tôi được bổ nhiệm tới xứ nầy cả trăm năm nay, đã chu toàn thiên lịnh thượng đế. Năm Mậu Tý, tôi sơ xuất bị bọn ôn dịch đậu mùa mộ binh làm chết cả trăm người dân. Thượng đế quở phạt, ngôi đình bị giở đi, tôi sống bơ vơ mấy năm nay, biết chừng nào mới được phong Thượng Đẳng Linh Thần. Bây giờ, hương khói phưởng phất mà vật thực ít oi, trái cây bom, nho, chuối làm bằng nhựa trên bàn thờ, ăn làm sao cho vô. Ông Bổn hít khói nhang, “ Thôi anh Đình à, danh vọng chức tước như giấy tiền vàng bạc đốt thành tro khói. Năm Dậu, tôi chở che người ngồi trong chùa bình yên. Dân phố bây giờ lạ lắm anh Đình à. Họ mua vài lượng thịt ba rọi mỡ rẽ tiền đem tới cúng, rồi đòi xin số trúng cá cặp bạc triệu. Tôi trộm lịnh bề trên, ăn cắp số đuôi cho họ, họ ăn quen tuần nào cũng xin. Hôm nào gặp môn thần giữ sổ, tôi cho số trật, họ cho tôi hết linh. Ở đâu quen đó, đi đâu bây giờ anh Đình? Chỗ nào cũng bon chen. Dân Tàu bớt tin tưởng tôi rồi, tôi chờ hết hạn về chầu Ngọc Hoàng, mà biết chừng nào hết hạn.” Ông Bổn chắc lưỡi, “ Thời kỳ mình đã qua, uống đi anh Đình à”.
Brisbane, July, 01 2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét