Những món báu vật "của riêng tôi"
Lưu Nhơn Nghĩa
Khi Bịnh viện và bác sĩ kêu án, việc đầu tiên tôi nghĩ đến phải làm gấp là sắp xếp đồ kỹ niệm, Chưa biết ai trong đám con cháu muốn giữ những món vô dụng nầy. Tôi mua những thùng nhựa tốt, xếp dần vào từng thùng. Mấy tháng nay chưa làm xong. Cầm một vật gì đó, bao nhiêu kỹ niệm hiện về, không muốn xếp vô vĩnh viễn, còn muốn thỉnh thoảng lấy ra nhìn. Mỗi vật là một câu chuyện.
Những tấm hình
Sau 30-4-75 , thiên hạ lo đói, tôi gởi thư cho em tôi nhờ giữ gìn những tấm ảnh cũ. Thư qua lại, nó chỉ nhắc chuyện khổ, cách chuyển tiền ...Nhiều lần nhắc nhở, không có hiệu quả, tôi hăm ngưng gởi tiền, thì nhận được xấp hình gởi qua. Tôi mở thùng thư, mẹ ơi, còn nỗi vui mừng nào hơn. Tôi nưng niu từng tấm hình chụp từ nhỏ tới lớn, hình bạn bè chung học.
Tôi xếp những tấm ảnh trắng đen theo thứ tự thời gian của người bạn Nhựt bổn, (Mai Mộc Hòa Tử, Umeki Kazuko, tên Nhựt đọc nghe hay quá) từ khi cô còn học Trung học, cùng năm với tôi, từ năm 1959. Hai tấm ảnh Kazuko và ảnh tôi chụp cùng năm để sát bên nhau xứng đôi vừa lứa nhứt trên đời. Tấm ảnh cô đi nghỉ mát miền Hokkokaido (Bắc Hải Đảo), đứng trên tảng đá trước thác nước, bức ảnh cô mặc kimono vào dịp đám cưới người chị họ (Kỹ Mỹ Tử) đứng nghiêm trang sau nhà, cạnh dàn hoa, gương mặt đài cát như Nhựt .
Tôi mê đến độ xin vào đạo thờ Thái Dương Thần Nữ, cũng dám làm thơ như ai.
Đại Bản chuông rền lẫn nhạc run ,
Tây Kinh tuyết phủ ngập ân tình ,
Nhuộm trắng Kinh Đô chiều nắng đọng,
Ấy ai quì lạy Thái Dương thần.
Lạy Thái dương thần con vái van,
Đừng gây bảo tố ngập Phù Tang.
Đặt con ngồi cạnh cô con gái,
Tóc trắng ngây tình vẹn nước non.
Lạy Thái Dương thần ban phước cho,
Người con yêu dấu Kazuko,
Lạy Thái dương thần con cúi lạy,
Lạy Thái dương thần ban phước cho.
Thơ hay như vậy mà đọc cho bạn bè nghe, nó chê "thằng điên". Ai chê thì mặc, ta điên cứ điên.
Kazuko lớn lên dần, ngồi trên sân trường Đông kinh Nữ tử Đại học, cây đàn vĩ cầm để dưới chân. Ảnh cô đã trưởng thành, đứng dưới cây hoa sakura (anh đào). Tấm ảnh cuối cùng tháng 6-75, hình màu, Kazuko mặc áo lông mùa Đông, đứng dựa cột đèn trên đường phố rộn rịp
Em đứng chờ ai từ vạn kiếp?
Cột đèn thoắt biến đá Vọng phu?
Sơn nhai hải giác tìm chim mái
Mõi cánh ta tìm em, thấy đâu.
Năm còn đi học, tôi thú thiệt người tôi thương lúc đó là nàng, tôi tỏ ý, Kazuko nói, "how wonderful", nhưng bảo tôi hãy qua Nhựt, nàng sẽ nói cho tôi biết. Tôi sống với giấc mơ cho tới ngày chết. Tiếc là mất hơn 300 trăm lá thư của nàng, cái huy hiệu Thế vận hội Tokyo, và những cái khăn tay ướp nước hoa. Tôi có gởi trái xoài tượng cho nàng năm 1963, sau bao nhiêu khó khăn điền giấy tờ kiểm dịch, nhưng bị trả lại. Sinh nhựt nàng, tôi nhìn tấm ảnh, nhờ tiệm may cho nàng chiếc áo dài màu tím hoa cà (Áo ai màu tím hoa cà, Nhớ về áo tím quê nhà màu sim, quên tác giả )
Tôi say sưa quên mất chung quanh. Này , Annette Fricker, ma cherie bien-aimée, Lycée Lumière, Becenson,Jura, France. Lúc còn ở Âu Châu, tôi có tìm địa chỉ trên, trường đã dẹp. Anne Monecclavia, con một ông Chánh án ở thành phố Gent, Belgique. Đêm kỹ niệm 50 năm ngày đổ bộ Normandie, tôi đi tàu từ London, khuya đó ghé Gent, ngồi trong Công viên vắng, đụt mưa, chờ sáng, lật sổ Phone book tìm họ nàng để hỏi phăng ra, không tìm ra, mưa ướt át, cô độc, lạnh và buồn .
Này Ligrid Lassen, quên địa chỉ ở Copenhagen, cũng tìm phone book, tìm bóng chim tăm cá. María ở Split, Yougoslavia, thôi khó vào quốc gia CS. Tấm ảnh Lolita Tolantino, Sambalock, Manila, chắc cô đã có chồng. Lolita hài hước chê tôi forgetful, quên ngày sinh nhựt chính mình, tôi đâu biết sinh nhựt mình ngày nào, lúc sinh ra, Thổ dậy, vác dao rượt, lo chạy chết, ai siêng đâu nhớ ngày sinh.
Hình Trần Sắc Cầm tiểu thư, địa chỉ ở Đồng Nam Lộ, Đài Trung, đẹp hơn Miêu khả Tú, mỗi lần nhận thư, tra tự điển mất thở, hiểu không hết, lúc viết thư, phải dẫn tên bạn đi ăn tối để nó sửa giùm văn bạch thoại sai be bét .
Nào Tjoi kiok Hwa (Thái khiết Hoa), 113, Raya Darmo, Sourabaya, Indonesia ., nhờ bạn tìm, tìm chưa ra . Nào Oyabashi Kyoko ( Đại Lâm Kim Nhựt Tử ), Nogami Takako (Dã Thượng Hiếu Tử), Yoshioka Etsuko (Cát Cương Duyệt Tủ), duyệt là vui tính, gương mặt phúc hậu mặc đồng phục học sinh đứng trước khu đất bị bom nguyên tử ở Hiroshima (Quảng Đảo).
Tấm ảnh Ngọc Lan ở, Huế, tóc thề ngang lưng,
Tôi viết bài thơ xứ Huế,
Gởi người em gái Hương giang,
Đêm đêm vẫn còn dệt mộng,
Thuyền trôi sông nước ngỡ ngàng.( quên tác giả )
Tấm ảnh Huệ gốc Rạch Giá. Quen năm tôi bị đông viên, cô vào thăm người anh bị thương, tôi đưa cô vào tới bịnh xá. Cô có tặng tôi bài thơ, tôi nhớ vài câu, đọc lại man man trong lòng . ,
Anh đến đây Kiêng Giang, Không có hồ Than thở , như cao nguyên Đà lạt ,với Cam ly thác ngàn.......
Anh đến đây Kiêng Giang, dù một ngày , anh sẽ thấy xót xa những chiều sương khói phủ
Tình người, cảnh cũ ...
Tôi xem say sưa, Bưu điện có bà Post master và cô thư ký. Tôi khoe với cô thư ký, cô lúc đầu vui vẻ chịu đựng kiên nhẫn. Bà Post master tò mò ra, tôi tiếp tục khoe , bà lịch sự, tôi tưởng bà mê hình tôi lúc còn trẻ, cô thư ký dọn dẹp, nhắc khéo bà đã tới giờ đóng cửa . Tôi qua tiệm bán thịt quen đối diện, mới cho hắn xem vài tấm, chưa kịp nói gì nhiều. Hắn biểu tôi chờ, hắn vào lấy nguyên một lô hình hắn thời trẻ giải thích, nói về chuyện các cô gái chạy theo hắn, vừa nói vừa cười thích thú, cha nầy nói dai thiệt, may là nhờ có khách vô mua thịt hắn mới chịu ngưng, tôi rút lui, thấy bà Post master đi ngang lắc đầu., mím miệng, nén cười .
Ngày nay , khách tới nhà chơi, tôi có đem hình ra cho họ xem, chịu khó kể chuyện cho họ nghe hàng giờ, tốt như vậy mà họ nói ai tới nhà tôi sẽ bị bắt coi hình, là nạn nhân tôi . Vô lý hết sức .
**********************
Kỷ Niệm 2
Bà già tôi cũng có óc tồn cổ. Năm qua đoàn tụ, bà mang theo những món vô giá đối với tôi, đồ bỏ đối với người khác. Trong vali, có cái yếm tôi mặc lúc mới ra đời, vá nhiều chổ, vải chưa mục, bà tìm không thấy cái hộp phấn toa con nít, cả xấp hình thời lính, giấu trong đống áo quần khi bị đuổi nhà. Cầm cái yếm, tưởng tượng ngày còn đỏ hỏn, cưa quậy, mẹ mình phải nhọc nhằn ra giếng gánh nước rửa rái. Ảnh mặc quân phục đại lễ, cầm gươm chào, sắp chém loài gian ác, thời trẻ đẹp trai thiệt (ai cũng khen tôi thời trẻ đẹp trai hơn bây giờ. Hai cuốn Quốc Văn Giáo khoa thư lớp Đồng Ấu, cảnh đồng quê, học vần, cuốn Sơ Đẳng , " Xuân đi học coi người hớn hở ...", trang có số, trò chơi lật hình, cuốn Tập đọc lớp Ba, có chuyện " Mai ăn khỏi trả tiền " ....Bạn bè cùng lớp hiện ra không sót đứa nào, mỗi trang nhắc bao nhiêu chuyện. Thằng Kim Sốc, cầm cuốn Quốc văn giáo khoa thư bằng tiếng Miên, hình ảnh như sách tiếng Việt, nhưng chữ Miên, nó đọc tỉnh bơ "kha nhom tâu riêng " (tôi đi học ) Mấy năm học ở quê, tôi chỉ biết ba cuốn sách duy nhứt nầy thôi, đầu đời, làm sao quên được.
Cái nanh heo rừng đeo trừ tà, ma quỷ không dám theo phá, mạnh giỏi tới ngày nay. Bà cho tôi cái lông nhím bằng bạc, làm từ lúc bà mới bắt đầu bới tóc, 75 năm trước.
Cuối năm 2000, mang tro cốt bà về chôn. Tôi lục lọi trong nhà cũ, đang cho bà con mướn, tìm bất cứ vật gì còn. Tìm cái radio Sony chạy pile, thằng anh bà con, lúc mẹ tôi sắp đi, nó lấy cho được, bỏ mất, vì thời nay, người ta xem TV màu, "ai mà nghe radio ", có lý quá. Cái Radio là kết tinh sự giận hờn và thất vọng của ông già tôi . Ông mang tiền lo cho tôi thi Trung học, lo mà cứ rớt hoài, 3 năm, ông tức điên lên, " đồ ngu, học dở, tao thôi thèm lo, mua cái radio nghe cho đã, lo cho mầy cũng vậy ." Ông cậu tôi làm tài khôn, mua cái Radio Philip thường, càng đổ dầu vô lửa, tôi đâu có thèm cái radio mới.
Hỏi tới chiếc xe đạp, nó cũng giao cho em nó đi bỏ mất. Chiếc xe đạp, ông già tôi thưởng khi đậu vào Đệ Thất, sườn Pháp, chúng tôi cưng lắm, giá 570 đồng VN thời 1955, tô hủ tíu năm đó 6 đồng, cuối tuần chở nhau vô núi Sam hứng gió, chạy trên bực xi măng dọc theo cầu Quan, Nó lại viện đủ lý do, " chiếc xe , mấy chăm bạc ". Bây giờ người ta đi Honda. Ừ, cứ đi Honda, nhưng đừng xin tiền ta . Từ đó tôi mang tiếng khùng thiệt rồi.
Mỗi lần ai tới thăm bắt đầu đề tài ngoại quốc là tôi đứng dậy bỏ đi ngay ., ai hỏi chuyện tôi đi tìm đồ vô giá trị làm gì, tôi không trả lời, chỉ chửi thật tục tỉu, hết có ai có ý kiến. Nhờ vậy, tôi tìm lại được một số đồ vật xưa của gia đình.
Cái bàn toán. Trong xó bếp, tôi khám phá cái bàn toán, hình như nó chờ tôi mang đi, biết công lao nó hơn ai hết. Mỗi sáng, ông già tôi dọn hàng ra xong, ông nghiêm trang lắc cái bàn toán xạch xách thật mạnh, sau đó mới đi uống ca phê. Suốt đời lách cách với cái bàn toán, buổi sáng tính, buổi chiều tính, rồi cẩn thận cất vô tủ. Chắc chưa lần nào ổng bả tính sai, trật con toán, bán cái nhà. Khung bàn toán đã vẹo, chưa có hột nào sút ra. Cái bàn toán góp phần nuôi tôi và gia đình. Tôi không đổi cái bàn toán nầy vói bất cứ cái máy tính điện tử nào.
Lại tình cờ, may là bà con không biết giá trị đồng tiền cổ , nếu biết , chắc xâu tiền điếu không còn . Xâu tiền điếu cuối thế kỹ 19, nằm yên trong xó tủ, cám ơn. Tôi chưa từng thấy xâu tiền nầy bao giờ. Chắc thời trước tôi một thế hệ, nó có trước khi người ăn mày "xin đồng xu cắc bạc mua cơm ăn đở đói "
A, trên đầu tủ, cái hui ná đang chờ tôi. Hui ná ( tiếng Triều Châu là cái giỏ hoa. Hui ná làm bằng tre bên Tàu. Ông già tôi gốc Sóc Trăng, mua hui ná dùng cho việc quà cáp. Hui ná tròn đường kính khoảng 30 cm, cao chừng 30 cm, có quai xách, nắp tròn đậy kín khích khao, thành hui ná vẻ hoa. Có loại lớn đường kính 60 cm, cao cũng khoảng đó, gánh nhiều bánh trái đám cưới ...Cuối năm về quê ăn Tết, gia đình có lệ bắt tôi xách quà tết. Quà đựng trong hui ná, thường chỉ một cái, có khi xách hai cái, nặng mõi tay. Mang quà tặng cho quan chức, sau nầy tôi mới hiểu, nhà muốn khoe tôi đi học, sợ không ai biết danh, cái danh thi rớt, có còn hơn không, đở hơn mấy tên bạn học đi lính kiểng, nghiã quân. Dĩ nhiên, tôi nhận được lời cám ơn, thăm hỏi chuyện học hành. Nhà hãnh diện rồi.
Quà cáp tuỳ người, thân sơ, trao đổi giữa hàng xóm, bạn bè, theo phong tục. Buôn bán với nhau, ký lạp xưởng, đổi lấy gói mì xụa, hột cào lát, con vịt khô, con cá mặn, dân Tàu giao tế đại khái như vậy, giá thường tương đương nhau, ít chênh lệch nhiều. Có lần xách cái bánh in biếu, tôi hỏi sao chỉ có miếng bánh in, lại đựng trong cái hui ná lớn, gói miếng giấy được rồi. Nghe trả lời, "họ cho mình đòn bánh tét, mầy cho lại cái gì ? , gói giấy cho người ta thấy hả" Khách hàng trong quê, một gói đường mỡ gà, gói bún tàu, hù ky, bánh pía nhỏ, chà là, hột dưa, mức bí, thèo lèo.
Quà cho quan quyền nhờ vả, tùy theo cấp bậc. Thiếu tá Quận trưởng, quà đầy ắp hui ná ., hai chai rượu Tây, bom nho lê, đồ mắc tiền Sai gòn. Cuối năm tôi lãnh đủ chuyện xách quà cả gia đình tặng cho đủ quan quyền chức sắc, luôn cả ngài Trưởng chi Thanh niên, học trước tôi vài năm ở Thủ khoa Nghĩa, trước học chung, bấy giờ mình ở giai cấp thấp, phải ấm ớ cho qua, xách hui ná nhẹ tênh về báo cáo cho đủ, các ngài nói gì, có khen chê gì không .
Hui ná ơi, ai biết bên trong lòng mầy chứa cái giống gì, ký hột dưa hay cặp Martel, cân chà là hay gói mức bí ?.
Hui ná ơi, chỉ mầy biết kẻ sang người hèn, kẻ thân người sơ, mầy che đậy kỹ quá, không ai thấy để phân bì, ganh tị hay tủi lòng. Quà cáp mầy chứa trong lòng . Thôi tao đem mầy theo kể chuyện cho tao nghe .
Cuộc đời mà . Hui ná ơi .
|
Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013
NHỮNG MÓN BÁU VẬT
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét