Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

KẾT TOÁN SỔ SÁCH CUỐI ĐỜI

Kết toán sổ sách cuối đời
Lưu Nhơn Nghĩa
Brisbane, 7 March 2007.

Cuối năm 2004, được cái package sướng ơi là sướng. Sau mấy mươi năm làm như trâu cày ngựa cưởi, nhà cửa đã xong, nằm ngủ nướng buổi sáng bù, rồi ta sẽ đi giang hồ. Số vẫn chưa hết cực, lại tìm được việc khác, định hốt thêm,đang làm chóng mặt, về thử máu mới khám phá bịnh trầm kha, bản án tử hình có sẳn chờ ta trả xong nợ nần thì đi.

Bản án ký treo 2 năm, gần 2 năm rồi, cấp bách, không thể chờ được. Tôi bắt đầu xem lại những gì mang theo được qua bên kia. Phải dọn về nhà cũ gần thành phố. Việc làm chừng 2 ngày xong, nhưng cứ dọn hoài mà đồ đạc còn ngổn ngang. Cầm món gì lên cũng bồi hồi, mỗi món là một kỹ niệm, để lại cho ai, ai là tri âm tri kỹ. Đầu tiên sắp video tapes vô thùng. Từng cuốn phim như in trong đầu, phim nào hay, xem đi xem lại không chán. Phim Ankur, anh chàng Ấn Độ vừa nghèo vừa câm, say rượu bị gọt đầu, bị đuổi khỏi làng, cô vợ nghèo sa vào tay chủ điền có thai, ngày anh về đưa tiền tạ lỗi vợ, thấy vợ có thai, mừng quá, tưởng con mình, kéo tay vợ chạy vô đền thiêng lạy tạ nữ thần.

Phim Roshamon, 7 người hiệp sĩ, Ran, Desu Usala ( chàng thợ rừng Siberia) phim nữ tài Củng Lợi đóng, phim Lương sơn Bá Chúc Anh Đài ( Triệu Lôi, Lạc Đế đóng ), Vương Chiêu Quân ( Lâm Đại đóng ) lặn lội qua Thái lan mới tìm được. Năm xưa nằm suốt ngày trong rạp Khải Hoàn, nghe Lương sơn Bá thất vọng uống cạn ly rượu Chúc Anh Đài dâng, thổ huyết chết chôn bên đường Nam Sơn. Chúc Anh Đài cứng cỏi nổi loạn, bắt cha phải tổ chức lễ đưa dâu như một đám tang đi ngang mồ Lương Sơn Bá. Chúc Anh Đài cởi bỏ áo cưới, mặc tang phục, ôm bia mồ Lương Sơn Bá kêu khóc vọng trời cao, khúc Huỳnh mai điệu kéo dài dai dẳng, " Lương huynh a, sinh bất thành thân tử bất phân "( Luơng huynh ợi, sinh không thành vợ chồng, nguyện chết không lià nhau.. Vương Chiêu Quân chỉ mặt Mao Diên Thọ tức tửi khóc," Nị nị pỉ..." Mi, mi, cây bút mi còn nhọn hơn gươm đao a ".

Các lọai phim tài liệu, Circus Monaco nhiều năm, đàn Sita cùng trống và dân vũ kỹ viện Bắc Ấn. Hát Văn, hát chèo Quan Âm Thị Kính, cô Thị Mầu lẳng lơ, nhỏnh nhảnh ưởn ẹo, " Lẳng lơ thì cũng chẳng có mòn, Chính chuyên thì cũng chẳng quét son mà thờ ", cũng có lý. Vũ điệu Haka Maori NZ, Kamate Kamate kaura kaura, chết chết, sống sống. " Dù kê , Lâm thol quê nhà,các cô đào chánh Miên đẹp lắm kìa, cảnh em bé ngồi bơ vơ dưới hiên bán bánh bao chỉ, vừa nhìn mưa rai rắc . Lấy tape ra định bỏ vô thùng, tiếc tiếc, bỏ vô máy coi lại, mất cả giờ, thôi chờ bửa sau, rồi lại coi tiếp, bịnh nó đâu có chờ lâu.

Lại thêm thùng dĩa nhạc dân ca và quốc ca các nuớc, ai có thèm nghe, quốc ca New Zealand như sóng Nam Thái bình Dương, " God defend NZ ", quôc ca Nhựt, nghe nói, mấy ông già Phát xit nghe nổi cơn đi tìm gái. Dân ca Thuỵ Sĩ cao vút như gió núi Alp, dân ca kèn bagpipe Scottland, nhạc du mục Gypsy Hungaria, bản Le Temps de L'amour , Francois Hardy hát. Nao lòng nhứt là bảng Shina no yoru, Chiều Tô Châu, nó làm tôi nhớ Kazuko man man, rồi bản Cao Sơn Thanh, dân ca A li san Đài Loan, lúc còn đi học, bọn bạn bè gốc Hoa khi họp mặt hay hát, ở NZ, ái mộ Tư Đồ Trân Châu, tiểu thơ gốc Thượng Hải, chê tôi hát có thổ âm Triều Châu nhà quê, đi đâu cũng bị chê, Châu Đốc chê tôi Ba Tàu.

Áo quần cũ. Áo quần hình như cũng lưu luyến không muốn rời tôi, dù đồ second hand. Suốt 16 năm, đi dạy học, tuần hai cái quần short, ba áo sơ mi, 5 đôi vớ cao, đôi giày Adidas nhẹ, nghỉ hè thì quần jean ngắn, áo T shirt, sandal, dù Đông hay Hè. Vô bao cho Cơ quan Từ thiện thấy nhớ nhớ, nhớ cái " ấm áo ", no cơm ấm áo. Đồ càng lúc càng nhiều, dù tôi rất hạn chế mua sắm, mặc đồ mắc hay rẻ tiền, mỗi năm chỉ lên lương một lần, ngu sao mua.

Coi vậy mà xếp hoài không gọn, bỏ thì tiếc, để choáng chổ. Bộ veston mua ở Đức, đi đám cưới tròng vào cho phải lễ, đâu có dơ mà giặt, máng lên đó, biết đâu có đám cưới con cháu bất ngờ . Bộ Veston tiệm Mỹ Lợi 138 Triệu Đà may, bây giờ chật cứng, mấy cái áo mới trắng từ VN còn nguyên màu, chúng theo ta từ ngày hàn vi, bây giờ bỏ sao đành? Cầm từ cái trên tay, khó rời. Trời ơi, cái áo Tiều nút thắt của Tư Đồ Trân Châu tiểu thư tặng sau khi tổ chức rủ rê được mấy người Vệt gốc Hoa xem film tài liệu diễn hành Đài Loan.Trời ơi, nỡ đành chê tại hạ, lấy tên Đại tá già gốc Quôc dân đãng Đài Loan, tại hạ cũng gốc sĩ quan trẻ đây mà. Cái cravate batik Mã Lai, năm 1976, Thẩm Châu Anh từ biệt về Singapore tặng , ngày ngày tròng vô cổ ra Tòa án thông dịch, tưởng như nụ cười môi hồng bạn xưa còn đây, cám ơn. Cái sarong tơ Nam vang Tholla tặng, mềm như tơ, cưng tới ít dám mặc, cái quần cheo đen ý Sáu Lý tự về VN may, ngắn, nhớ mấy ông Miên mặc đi chợ, ngồi trên chỏng ăn cháo lòng, hớ hên. Cái bao tay da trừu nằm im lìm trong đáy tủ, mốc meo, nhớ đêm lạnh chạy Honda băng qua đèo cao từ Auckland đến Wellington , gió phần phật đáng sợ, một bên vách núi, một bên thung lũng sâu hãi hùng, nhờ bao tay, mà tay vẫn tê cóng, vô ơn nếu bỏ nó lúc không cần.Cái áo cách hàn , mặc đi ở đợ mùa Đông ở Đức , nhầu nát chứ dám phụ công nó. Cái áo giáp nặng thời đi lính, chưa ra trận lần nào, vì biệt phái về Nha Tổng quản trị, chưa bắn ai, họ chưa bắn mình. Nhắc hoài không hết, áo quần du lịch, áo hai túi nấp gài nút, bóp tiền không rớt ra, móc túi khó làm ăn, quần 6 túi để đồ cho nhiều, dầu xanh mấy lố, phụ tùng máy ảnh video camera dồn vô hết, ăn gian được mấy ký về cho bà con, người ta không hiểu lòng, còn chê Tây balô về làm mất mặt gia đình. Quần áo đâu phải vật vô tri. Ta đi rồi, chắc bọn mi sẽ vô tiệm đồ cũ, hay bải rác. Đâu cũng vậy, ở cho phải đạo nghe áo quần.

Chưa từ giả áo quần, nhìn lên mấy kệ sách, sách vở rộ lên kể chuyện, tranh công, cuốn nào cũng khoe mình quan trọng, dù là tờ báo cũ kỷ. Lâu nay sách đứng trên kệ, sẳn sàng mở lòng cho ai muốn đọc. Sách ở với nhau từng xóm, không chịu ở chung. Đám tự điển ỷ thông thái, uy quyền, có khi dám nằm trên đầu giường, đám tiểu thuyết dễ dãi, đông đảo, từ nhóm Tự lực văn đoàn ( ngoài Bắc đến mấy anh em từ miền khai sơn phá thạch của Hồ biểu Chánh, Sơn nam, Nguyễn ngọc Tư (thiên tài). Mấy mươi năm nay sưu tầm lại sách cũ, bây giờ sắp chia tay.

Mấy chàng Quốc văn Giáo Khoa Thư, lớp Đồng Ấu, Dự bị, Sơ đẳng ỷ mình già, được bao bọc, nằm trong folders, tránh mối mọt. Trưa mùa hè, trời nắng chan chan, gió im phăng phắc...Cái ngủ mầy ngủ cho lâu, Mẹ mầy đi cấy ruộng sâu chưa về. Cuốn Tập đọc lớp tư, bà già tôi mang qua. Sách tranh nhau kể chuyện không dứt. Lớp học xưa hiện về với đủ mặt, có cả hồn ma .

Nghe mụ nửa mùa hội cao niên lép bép,"Đám cưới, để tui maquiller cho, công dung ngôn hạnh". Ê, bà nói cho trúng nghe, tôi có bộ Chinh phụ ngâm, Kim Vân Kiều , Gia huấn ca bằng chữ Nôm chứng minh đây,

Công là đũ mùi xôi thức bánh, Nhiệm nhặt thay đường chỉ mủi kim, Dung là mặt ngọc trang nghiêm , Không tha thiết không chiều lơi lả Ngôn là dạy trình thưa vâng dạ, Hạnh là điều ngay thảo kính trinh.

Bà biết làm bánh, làm cơm gia đình ăn cho được không?, bà biết may vá không ?, bà có nét mặt nghiêm trang không? bà biết dùng từ ngữ lễ độ không?, bà có ngay thẳng với gia đình xã hội không? Ai nói với bà maquiller, tô chát mặt già là là công dung ngôn hạnh? ( nói rồi lên máu ).

Sách cổ văn nằm chung góc kệ, bản Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán, Ức trai thi tập...các cụ nầy khó tính, gần nhau ắt sinh chuyện. Ông Đường thi tam bách thủ (300 bài thơ Đường) dựa Đường thi Trần Trọng Kim. Trong bài "Khách chí" (Khách đến nhà ) của Đỗ Phủ, ngay câu đầu đã có sự sinh sinh sự.

Xá Nam xá Bắc giai Xuân thủy.
Quanh nhà nam bắc lụt to (cụ Trần trọng Kim, vị thâm nho thời trước dịch, tác giả quyển Nho giáo, ai dám đụng chạm chữ nghĩa ngài?)

Trong Đường thi tam bách thủ, Ngôn văn đối chiếu, Bạch thoại chú giải, giải thích "Nước mùa Xuân chảy phía nam phía Bắc nhà ". Mùa Đông, miền Bắc Trung hoa, tuyết đóng băng, mùa Xuân ấm áp, tuyết băng tan thành nước, câu thơ diễn tả cái ấm áp mùa Xuân, cụ Kim dịch là "lụt to" .

Trong bài " Phong kiều dạ bạc "của Trương Kế, Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên. (Trăng xuống, quạ kêu, sương mù mịt đầy trời, nùng sương, sương dầy dặc,"mãn" là ngập đầy).
Cụ Kim dịch "Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi".
Tản Đà dịch " Trăng tà tiếng quạ kêu sương "
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên,
Giải thích bằng bạch thoại trong Đường thi tam bách thủ, " Khách dừng thuyền ngủ bên bến Phong kiều, cảnh trăng lặn, tiếng quạ, sương mịt mù, cây bàn bên sông, ánh đèn thuyền câu, tất cả làm khách ưu sầu khó ngủ "
Cụ dịch "Lửa chài cây bãi đối người nằm co",
Tản Đà dịch "Lửa chài cây bến sầu vương giấc mồ"
Dịch ra thơ hay như Tản Đà, nhưng phần nào nội dung bị mất.
Ngày nay, có ông Châu Long Xa đến tại Tỉnh Giang Tô bên ngoài huyện Ngô Thành, khám phá là hai chữ "Giang, Phong " là tên hai cây cầu, cầu Giang kiều và Phong kiều, giang phong không phải là cây bàn trên sông, chữ Hán không viết hoa chỉ danh tự riêng, làm sao đoán.
Lâu nay, để hai cuốn sách dựa nhau, không ngờ khám phá sự bất đồng. Cầm lên không muốn rời, chưa xả được.

Xấp tài liệu photocopy chuyện "Ông Trượng Tiên Bửu", lão già 70 còn ve vãn thiếu nữ đang xuân. Tôi bỏ hết chuyện dọn dẹp, theo nghe lão Trượng hò hát đối đáp với nàng Tiên Bửu.
Tiên Bửu chèo đò nuôi mẹ, khách đầu tiên là lão Trượng, vừa bước xuống thuyền lão đã giở trò,
Tưởng là một chuyến mấy đồng,
Bao nhiêu cũng trả không chồng lo chi.
Tiên Bửu đốp chát
Ông già kia hởi ông già,
Cái răng ông rụng tôi mà không thuơng.
Ớ Bửu ơi, Thương nhau vì dặm vì dài,
Chớ cắn xé chi đó mà bậu nài cái hàm răng.
Ông già kia hởi ông già,
Bảy mươi còn muốn gái mà mười lăm.
Lão Trượng oái oăm,
Áo dầy đâu có nệ quần thưa,
Bảy mươi có của cũng vừa mười lăm.
Tiên Bửu cự tuyệt,
Thuyền tôi chở lưới chở câu,
Thuyền đâu có chở cái hàm râu ông già.
Ông Trượng lỳ lợm,
Già thời già mặt già mày,
Chớ chân tay già hết, chổ nầy còn non.
Tiên Bửu rút lui, Ông Trượng quyết đeo đuổi tới cùng.
Ớ, chồng con chi nữa rầy rà,
Vai mang chuổi hột áo già đi tu.
Ơ Bửu ơi, Tu đâu cho bằng tu đây,
Tu chùa một cột đá xây hai hòn.
Dù trốn đâu cũng khó thoát ông,
Quyết lòng lên núi Điện Bà,
Để chùa một cột lại nhà cho ông tu.
Lão vẫn theo tới cùng,
Tu đâu cho lão tu cùng,
Mai sau thành Phật ngồi chung một bàn.
Tiên Bửu khinh miệt thân phận lão già đa đoan,
Thân tôi như trái mãng cầu, (nàng cẩn thận hơn, đặt trái mản cầu trên bàn án cúng thần cho chắc, ai dám đụng tới)
Ở trên bàn án, hạc chầu lộng che.Lão tìm được cách,
Thân qua như thể con dơi,
Bay lên đáp xuống dởn chơi trái mảng cầu.
Ông Trượng ơi, Thân tôi như cái giường ngà,
Thân ông như manh chiếu rách người mà ngồi trên.
Trời giúp ông,
Cầu trời cho gió thổi lên,
Cho manh chiếu rách nó nằm trên cái giường ngà.
Tiên Bửu trốn vào đền vua, Lão là dân làm sao vào được,
Thân tôi như cái chuông vàng,
Ở trong thành nội cả ngàn quân canh.
Lão biết thân lắm, đâu dám đường bệ vào chầu vua,
Ớ Bửu ơi, Thân qua như thể cái chày,
Chớ bỏ lăn bỏ lóc chờ ngày dọng chuông.
Tiên Bửu đành xuống nước năn nỉ,
Lạy ông trăm lạy thứ tha,
Tuổi tôi còn nhỏ vậy mà như con.
Lão liều lỉnh, dai như đỉa,
Mười lăm mười sáu đương xuân,
Thấy bậu còn nhỏ biểu đừng cũng ve...
Sau cùng, Tiên Bửu đuối lý, đành dẫn ông Trượng về cúi đầu chịu lỗi mẹ già. Lão nhanh nhẫu phủ đầu bà già.
Cúi thưa qua nhạc mẫu,
Cho tỏ dạ từ thân,
Từ gặp nàng đưa khách giang tân,
Duyên trời khiến kết duyên Tần Tấn. 
Lão đổ lổi cho trời, duyên trời, còn chận thêm, "thời đã rồi a nhạc mẫu"
Tiên Bửu cuống cuồng, ,
Dạ trăm lạy mẹ, ngàn lạy mẹ,
Cúi đầu quì lạy mẹ già,
Trẻ đà thất tiết mẹ tha tội nầy .
Bà già kinh ngạc, chỉ biết la làng...
Thiên hạ hai bên cô bác coi đó mà coi,
Thấy nói lòng dường như lửa đốt,
Nghe rằng dạ tựa dầu sôi.
Cha chả là lịch sự , là xứng đôi vừa lứa...
Bà già no mất ngon giận mất khôn, trúng kế lão Trượng.
Thôi thôi đừng mẹ đừng con,
Mẹ đà hết tưởng không còn cậy trông,
Liều như đi biển đi sông,
lâu ngày biệt tích hết trông mầy về.
Bà già trúng kế, mắc bẩy. Lão thành công dẫn Tiên Bửu về, lão tâm lý lắm, vừa đi vừa an ủi chở che Tiên Bửu,
Gành cao là núi Trượng Vân,
Lòng thương em bậu mấy lần lao đao. 
Lấy cớ bị bà già đuổi, không còn chốn nương thân, lão phân trần.
Phụ mẫu đà chẳng khứng dung tình,
Hai ta đồng trở lại gia trung,
Kẻo nô tỳ chầy ngày trông đợi.

Cuốn kịch thơ "Bến nước Ngũ bồ" lộ ra trong đống sách gợi nhớ kỹ niệm đặc biệt thời đi học ham vui. Lúc đó tôi tham gia chuơng trình xã hội của Đoàn Sinh viên Phật tử SG. Trụ sở tại cư xá Quảng Đức gần cầu Công lý. Hầu hết sinh viên trong cư xá gốc miền Trung vô trọ học. Sau 1963, sinh viên gốc Trung , Huế chủ động sinh hoạt, họ ăn nói trôi chảy, hoạt bát, tự tin xông xáo.

Cuối năm tổ chức Văn nghệ gây quỹ giúp Cô nhi viện Diệu Quang. Thời của nhạc sĩ Phạm thế Mỹ, Miên Đức Thắng (nhớ hoài câu nói của chàng, "mình đã đi khai phá hết cả rồi"), Võ Hợi, Nguyễn xuân An. Ban đầu, ai cũng tham gia hăng hái, nhưng khi đã nổi tiếng, không phải dễ mời. X A coi như đã thành danh, bạn bè thổi hắn như diều, hắn tưởng thiệt, chủ động chuơng trình ca , đóng vai chánh trong vở kịch. Phút chót, không vừa ý, hắn bỏ ngang không tập dượt. Anh Đoàn trưởng cầu cứu thầy Thiện Minh năn nỉ cả buổi. Đêm đầu, bạn gốc Trung hắn khen nức nở, một ngôi sao sáng cả trời. Sáng hôm đó, anh Đoàn trưởng mượn xe hơi thỉnh hắn đi ăn sáng chợ cũ, ăn tiệm phở gần không xứng đáng, không riêng gì hắn, thêm đám parasite chồng chất theo lên xe (anh Đoàn trưởng gọi là parasite, vì anh bỏ tiền túi hơi nhiều), nghệ sĩ phải có đàn em. Xe chở quá nhiều bị Cảnh sát xét, hắn quên mang theo giấy Hoãn dịch, hối lộ cảnh sát không nhận, đàn em hắn đặt chuyện là cửa phòng hắn khoá, bạn chung phòng giử chìa khóa không có mặt, đặt chuyện hay thật, tôi thán phục. Nhằm ngày chủ nhựt, thứ Hai về thì trể buổi trình diễn. Hắn vào ngồi trong Quân vụ thị trấn chờ giấy tờ.

Màn ca hát thì du di được, còn vở kịch thì sao. Đám bạn hắn ngồi khóc,"bể dĩa rồi", tôi thấy tức cười. Tụi nầy làm coi không được, " no one is indispensible ". Đã 12 giờ trưa, tôi nổi hứng, "để ta đóng thay", hỏi "ông làm sao biết đóng kịch ? ", lúc nổi cơn , " ê, văn chương Anh, văn chương Pháp, văn chuơng Việt Hán tao còn không sợ, ba cái đồ ma nầy ". May là lúc bọn nó tập tuồng, tôi ngồi ủng hộ trà nuớc nền đã khá quen. Ôm xấp giấy đánh máy bản kịch học, mẹ ơi, kịch thơ. Tôi tập trung tinh thần vừa học vừa đóng kịch tới 8 giờ đêm. Ca sĩ Đăng Lan (đang ở Sydney) thất sắc nghe nói X A bị kẹt, cô bình tỉnh tập chung . Mặc cái áo mướn của gánh hát bội nào đó, mùi hôi còn chịu được, nhưng ngứa quá. Vở kịch 6 đứa, 5 đứa ở ngoại quốc.

Đêm khuya, cảnh quán bên bến Ngũ bồ, trăng còn ngự trên vòm trời, túp lều hoang vắng, cây cỏ im lìm, ánh đèn sân khấu có mãnh lực ghê người, đừng trách người mê đào kép hát. Đăng Lan vai Thị Trinh ngâm làm im cả rạp.

Dừng đây nghe sóng Ngũ Bồ, Dừng đây uống cạn dăm vò rượu đau, Mênh mông tiếng hát ngàn câu...Sắc đẹp Thị Trinh não nùng lúc đó, nàng buông chèo, Chèo nghiêng thức trắng năm canh, Hởi người chiến sĩ áo xanh ngựa hồng, Hoa thưa cài mái tóc bồng.

Đến vai Trần Bạch, tôi dặn người nhắc ( sau nầy là dân biểu Nguyễn công Hoan ), nhớ lòn theo sau màn gần tao, chỉ cần nhắc câu đầu, rồi dặn câu nào chấm dứt, thật mau nghe. Tôi ôm bầu rượu ngả ngớn say, từ Chiêm thành về, còn nhớ rượu và gái Hời, lợi dụng vẩy các cô khán giả ngồi dưới kia, " gái Chiêm quốc đẹp như trong mộng triệu, Ánh dung quang mờ nhạt cả làn gương, Mỗi bước hài đưa một điệu nghê thường...

Thi Trinh nhăn mày liểu....Vì rượu ngon vì nhan sắc gái Hời, có sang nữa cũng chỉ là uổng phí.

Tôi nhìn xuống, bao nhiêu nhân vật quan trọng ngồi dưới kia chăm chú, tôi chỉ mặt từng người,

Em có biết bao anh hùng nghĩa sĩ, bao đường đường hào kiệt đã lừng danh, khi sang Chiêm rồi có khác gì anh, Cả chí lớn đong không đầy cái hồ rượu (ôm bầu vổ bầu nghinh mặt ). Ta đã trả được cái thù của người tai to mặt lớn, chỉ nói mà không làm, ham danh hám lợi.

Suốt gần 2 tiếng , xong , cởi bỏ cái áo hôi hám, cảm thấy mình thực hiện việc hữu ích. Từ đó tôi bớt mặc cảm với dân Huế, dân Trung.

Luôn tiện, năm sau, tôi đóng luôn vai chánh vở " Mùa gặt ác ". Sân khấu và cuộc đời không biết có trùng hợp không. Vai Chánh Tổng tham lam, vu oan cho người, giựt vợ người, làm con họ tù tội, cuối cùng, vợ bé điên, tự tử. Ngày nay, cả đời tôi không làm ác, có giận người, nhưng chưa bao gìờ có ý hại họ, mà sao tôi gặt cái bịnh ngặt nghèo. Trên sân khấu, tôi làm ác, tôi đã gặt trên sân khấu rồi mà, ngoài đời, tôi cố làm thiện mà sao gặt ác?

Chồng sách linguistìcs bỏ thì thương, học rồi bỏ, không áp dụng gì cho cuộc sống hàng ngày, bao nhiêu năm bắt buộc nhơi môn học nhàm chán rắc rối tỷ mỷ nầy, bỏ sao đành?. Cuốn Hát Bội bằng 2 thứ tiếng Pháp Việt của Tuần Lý Huỳnh khắc Dụng giúp tôi lòng tự tin lúc học trường Sư Phạm. Nhờ nó, tôi hiểu thêm văn hoá VN, mỗi bận đi thăm các trường bạn, tôi có cơ hội thuyết trình ngắn và trình diễn nghệ thuật hát bội VN. Bộ Kinh Thi,lật qua trang đầu, thiên Quốc Phong, Quan quan thư cưu, Tại hà chi châu, Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu, nhớ Thái tiểu thư mặt ngọc như nữ tài tử Lâm Đại vai Vương Chiêu Quân. Cuốn sổ toa bán hàng màu đen của ông Tàu nào đó di dân đến đảo Samoa cuối thế kỹ 19, bắt đầu bằng cái đòn gánh hai giỏ hàng hóa bán dạo, ở đâu có khói có lửa là có người Tàu, cuốn "bách tính " trăm họ Trung Hoa, họ Lưu xuất phát tại Bành Thành, Sơn Đông. Hàng loạt sách bìa dầy nặng nề, từ Thổ Phồn, Tân Cương, Angkor Watt, Kim thự tháp, thánh chiến giửa Thập tự quân và Hồi giáo. Mấy cuốn kinh Thiên chúa, kinh Tora Do Thái, Koran , ai theo đạo Hồi, chết lên Thiên đàng có mỹ nữ, rượu ngon, vậy sao trên đời nầy cấm rượu? Nhiều lắm, cứ lưu luyến hoài, thời giờ đâu dọn dẹp, sách vẫn nằm trên kệ. Tiền bạc nhà cửa để lại có ích lợi, để lại có nhiều người sẳn sàng nhận, còn sách vở ích gì, không ai nhận nuôi sách. Sách là bạn đời chưa lần nào phản trắc, sau giờ làm điên đầu, nó xoa nhẹ tâm trí. Bực bội chuyện gia đình, tôi mơ làm Don Rodrige trong vở Le Cid, thách đố cha già vợ, đâm giả một gươm cho hả, may là nó chỉ xãy ra trong vở kịch. Từ giả sách, hẹn kiếp lai sinh về đọc lại nghe. Còn 78 cuốn Nhựt ký, Hồi ký, ghi lại thời tấm bé, kỹ niệm gia đình, gia phả, những gì chứng kiến, kẻ thương người ghét, khi vui khi buồn , oan ưng xin trả lại.

Mở tủ, đồ kỹ niệm hổn độn, món nào quan trọng, món nào bỏ đi, mỗi món dù giá trị vật chất không bao nhiêu, đều có tình có nghĩa, có biến cố liên hệ. Những cuốn Diaries từ năm 1975, chi chít danh sách chi tiêu, hò hẹn hàng ngày, địa chỉ người gặp qua đường, ghi địa chỉ mà sau đó có bao giờ liên lạc lại đâu, Djannit, gốc Yemen, đạo Do Thái, gặp nhau, duyên bèo nước trên xe lửa từ Norway, nàng về Bắc, tôi xuôi Nam để về Đức kịp đi làm, tặng miếng bùa gì đó, làm tôi nhớ hoài, Nhạn vể biển Bắc nhạn ơi, bao thuở nhạn hồi kẻo én đợi trông. Cái hộp thuốc pipe kỹ niệm thằng Detectiv Đức nghi tôi ăn cắp và cái biên lai, xâu tiền cổ, bộ tem và tiền cổ sưu tập, cái nón sắt Đệ nhi thế chiến, ba cái tà lọt đào được sau ngôi chùa cổ Ô pà lầy, Xà Tón. Quà tặng kỹ niệm dồn một bao đầy.

Mẹ ơi, qua bên kia thế giới, biết bọn quỷ sứ gác biên giới đòi hỏi giấy tờ gì. Passport VN hết hạn từ 1975, passport NZ hết hạn từ 1991, passport Úc sắp hết hạn cuối tháng 7, gia hạn thì tốn tiền, không gia hạn thì lấy gì trình với quỷ sứ? . Xấp nghị định bằng ronéo cũ mèm, giấy dòn muốn rả, căn cước VNCH cấp tại quận Ba Sài Gòn, chứng chỉ tại ngũ, căn cước quân nhân, mất thẻ cử tri, không biết nó chấp nhận biệt phái hay động viên đi lính trở lại, vì giấy tờ quá hạn đã mấy mươi năm, thẻ sinh viên, bằng lái xe, thẻ y tế, thẻ hành nghề. Bằng tưởng lệ, bằng cấp, nó bắt thi lại hay bắt đi học lại. Bằng khoán nhà cửa, làm sao sang tên.

Bỏ lại hết, bên kia nói tiếng gì, tiền đâu đóng học phí, làm sao liên lạc thân nhân quá cố hỏi mượn tiền xài tạm. Con đường trước mặt âm u quá, chưa biết mua bảng đồ ở đâu, rồi thuốc men có được miễn phí không. Hàng trăm vấn đề không biết hỏi ai.

Sinh vùng quê nghèo, lớn lên thiếu sưc khỏe, 11 tuổi xa quê tới nay, thiếu không khí và giáo dục gia đình. Suốt bao nhiêu năm sống, đủ hỷ nộ ái ố, tham sân si. Tính tôi đơn giản, nông cạn, kém thông minh, học rất chậm mà siêng năng, không ưa danh vọng, chỉ ham sắc, ham tiền và du lịch. Lúc thì mặc cảm lẫn tránh, lúc thì nông nổi, tự cao tự đại, mục hạ vô nhân, lúc ty tiện từng xu, lúc xài vô lối, tính bất thường, nhiều người ơn kẻ oán, thù chắc không có.

Trước khi đi, còn nhớ, xin thế gian quên cho những lổi lầm vô tình hay cố ý, cám ơn ân nhơn giúp đở khi túng bấn, nguyện trả khi có cơ hội kiếp lai sinh.

Ngày đi đầu thai, biết về đâu? Về VN là hết hy vọng, ai bảo lãnh qua ngoại quốc. Nghiệp dẫn đi đâu, làm đơn gởi xin được thác sinh về làng Murupara Bắc New Zealand vắng vẻ, đào củ kumera nung đá , thành món Hangi thơm mùi khói, ăn no, chạy chơi thong dong qua cánh rừng thưa bạt ngàn.


" GATE GATE PARAGATE PARASAMGATE BODHI SVAHA " **

Chú thich:    ** Thần Chú trong kinh Bát Nhả, Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la t18ng yết đế bồ đề tát bà ha. Tiếng Pali nghĩa là : Xả đi, xả đi, vượt qua bên kia bờ. Xả có nghiã là bỏ thành kiến, không bám lấy ảo tưởng hay vật chất.  

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét