Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

CẦU TRƯỜNG TIỀN VÀ CẦU TÀ ĐÉT

Cầu Trường Tiền và Cầu Tà Đét

Lưu Nhơn Nghĩa

Năm 1959, bị đuổi khỏi trường Thủ Khoa Nghiã, ông già tôi bắt lên Sài Gòn ở nhà cậu tôi học trường Tư Thục Hoàng Việt, trường của Bà Nhu (nghe vậy). Lần đầu được thưởng thức cảnh đô thị, còn gì sướng hơn. Bao nhiêu chuyện khám phá. Nữ sinh Sài gòn ăn mặc đẹp hơn nữ sinh tỉnh.  Lần đầu nghe các nữ sinh người Bắc nói chuyện hay quá. Tôi bị cuốn mất trong không khí mới, viết thư cho đám bạn Châu Đốc kể chuyện Sài Gòn, hãnh diện lắm.

 May mắn, trường Hoàng Việt tổ chức du ngoạn Huế, đầu năm 1959.  Lúc đó vừa ngưng chiến tranh, đi bằng xe lửa hay xe nhà binh. Cảnh lạ đường xa làm tôi choáng ngộp. Tôi bị giam giữ trong gia đình từ trước, cái gì cũng muốn khám phá. Con đường ra Huế thăm thẳm đến Huế, lăng tẩm, sông Hương, cầu Trương Tiền, trước đó chỉ biết mơ màng qua sách vở.  Được đưa vô "Dinh cụ cố vấn" Ngô đình Cẩn, " cụ " nói như chim hót " mà cái ngày hôm nay..." Học sinh đứng hát bản "suy tôn Ngô tổng thống" "xin Thượng đế ban phúc lành cho người",cụ nhìn lên mắt lim dim, "chung đấp xây nền thống nhứt sơn hà.",  cụ nhăn mặt cười, răng màu đỏ đỏ vì trầu. Rỏ ràng dân Huế có chữ "Cụ" nặng lắm, "cụ cố vấn". Có người kính cẩn nhắc "cụ Diệm" với thái độ tôn kính như thần tử thấy long nhan. Cung cách đó lang tới Sài Gòn, nhưng Châu Đốc thì xa quá, đất của dân khai sơn phá thạch, vùng biên cương, họ bỏ quên cái lễ nghi cụ "thượng " Năm 1956, Thủ tướng Diệm đi kinh lý Châu Đốc, bọn tôi tập dợt hoan hô cho lớn mấy ngày đứng ngoài nắng. Ngày cụ đến, đứng cả buổi sáng hoan hô. Bác hai Khá nói " Giả lùn, đi như con vịt đực ", bác hai Khá tả chân. Từ " cụ " thành " giả ", dân Châu Đốc không biết uy luật triều đình, ăn nói không thanh tao chút nào.

 Trở lại cuộc du ngoạn, chúng tôi được sắp xếp nghỉ ngơi tại trường Pellerin. Tới giờ đi nhà thờ, bọn có đạo vô nhà thờ làm lễ, ông frère hỏi,"sao chưa vào?", tôi riu riú vô mà không biết phải làm gì, ai làm sao tôi làm theo. Ra phố, "các nàng tiên áo trắng đất Thần kinh, tóc thề buông trên vai", cái gì cũng thơ mộng. Cầu Trường Tiền sáu vài 12 nhịp, tôi lạc vào thế giới vua chúa, thanh niên Huế trang nhã, thiếu nữ Huế tha thướt như tiên (?) Ngôn ngữ Huế nghe dịu dàng, nữ sinh Đồng Khánh, học sinh Quốc học, "nón bài thơ nghiêng dưới nắng hanh vàng,...người đã khuất mà tôi còn ngơ ngẩn ". Tôi quen Ngọc Lan, nàng thành người trong mộng một thời. Quá nhiều tài liệu về xứ Huế, nhưng ít tài liệu về xứ tôi. Dân Huế được niềm kiêu hãnh, có tên các Công tẵng tôn nữ..Vĩnh, Bửu,nghe cao sang, cổ kính quá,chỉ nghe thôi cũng đủ say sưa. Không như Châu Đốc mình, nhiều người đặt tên con không kêu chút nào. Ông Chánh Án Đệ, dân Châu Đốc nhắc nhở phụ huynh,"đặt tên xấu, sau nầy nó mắc cỡ". Gần đây đọc Đặc san "Tiếng Sông Hương", hay quá, toàn học giả gốc Quốc học, Đồng Khánh có trình độ cao viết, ngôn từ dân hoàng phái còn lại, thâm thúy, người khác xứ nghe lại thấy khôi hài. Tôi mới biết thêm từ ngữ "Mệ" Tôi chơi với bạn bè Huế, thỉnh thoảng nghe "chộ mệ", họ xưng "mệ" tự nhiên. Tôi không tìm hiểu thêm. Trong đặc san Tiếng Sông Hương, trang 60, 1993,có bài về "mệ" nguời ta mời người gốc Hoàng phái "dạ dạ, luôn dịp mệ đến chơi, mời mệ "thồi" khoai..." Mệ trả lời "ờ được,để mệ quạt cho mát chút nữa...thủng thẳng ta chém đầu vài đứa" (dân vua chúa xưa, mở miệng là chém đầu, dù là chém vài củ khoai ăn). Có khi mệ nói " Nì, mi có tiền "dâng" mệ, để mệ chém mấy củ khoai lang".  Trong bài khác cũa Thân Trọng Tuấn, nói về kiểu cách Huế, một sinh viên vùng khác ghé nhà thăm bạn, "Bác bác..cho hỏi thăm.." Chủ nhà trả lời ngọt ngào "Kính bẩm dạ thưa anh, xin anh cho phép tôi vài phút để sửa soạn, sau đó mời rước anh vô nhà sẽ hân hạnh hầu chuyện cùng ông".  Bây giờ, tôi có người bạn gốc Huế, nhưng anh ta khéo hòa đồng, bạn với nhau 17 năm, có lẽ anh thay đổi theo hoàn cảnh. Nhà cửa anh ngăn nắp, đâu ra đó. Ra khỏi nhà, anh mặc quần dài, sơ mi dài tay, trong mặc áo thun lót, dù nắng như đổ lửa, anh luôn dạ thưa, nghiêm trang, lễ nghĩa khi có liên hệ việc quan hôn tang tế. Anh đối với bạn chí tình. Lúc tôi đi nhà thương ra, đang lái xe, thì anh điện thoại hỏi thăm sức khoẻ "Anh có khỏe không ?" Tôi đang cầm mobile phone trả lời, mụ cảnh sát chụp được cơ hội, phạt $ 225. Bây giờ còn hậm hực, khoẻ không kệ tôi, kiểu cọ cho mất tiền. Lâu lâu, có mấy người gốc Huế ghé thăm anh, gọi anh là "Mệ", họ nói chuyện tôi theo không kịp vì không nắm hoàn toàn tinh thần ngôn ngữ Huế. Họ say sưa ngâm " Cầu Trường Tiền 6 vài, 12 nhịp..." Cầu cũng giống bất cứ cây cầu Tây xây, nhưng cầu được thi vị hóa. Cầu Tà Đét, bắt ngang con suối từ núi Cấm đổ xuống, suối sâu, nước chảy siết, buổi chiều mù khói đốt đồng, trên chuyến xe về quê, khi mặt trời khuất bên kia núi Cấm sẩm đen, nhớ buồn nao núng. Họ thương cầu Trường Tiền, tôi thương cầu Tà Đét. Anh bạn tôi rủ tôi về Huế chơi, đất Thần kinh, tà áo tím...Tôi muốn về Tà Đét nhìn cầu tìm kỹ niệm sâu trong đáy lòng. Tôi ăn nói lắp ba lắp bắp, chưa quen nề nếp khuông khổ, bị lạc lõng trong cộng đồng cao sang.Tôi tâm sự với người bạn, "Dân mệ hay nói chém đầu, ở Huế thì được,nếu ở Châu Đốc, dân dốt, nó tưởng anh chém đầu nó thiệt, anh chưa kịp chém nó, nó cho anh ăn búa trước".

Lưu Nhơn Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét