Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

THÔNG CẢM

  THÔNG CẢM

LƯU NHƠN NGHĨA


Căn nhà lợp thiếc khang trang bên đường đất xóm lò rèn trở thành Trung tâm văn hóa giáo dục âm nhạc từ khi thầy Sang, một giáo viên trẻ tốt nghiệp trường Quốc gia Sư Phạm được bổ thẳng về dạy ngay lớp Nhất đầu tiên trường tiểu học Quận. Phụ huynh nghèo không đủ khả năng chu cấp cho con ra tỉnh tiếp tục học, vui mừng khi thấy con mình có cơ hội học lớp Nhứt tại chỗ. Ăn cơm nhà đi học đỡ tốn kém vừa đỡ đần công việc. Nhiều phụ huynh khó giấu vẻ đắc chí, Học lớp nhứt với thầy Sư phạm a!; hổng phải chơi a! Học sinh lớp Nhứt, qua cách cư xử theo thầy, tỏ vẻ nghiêm trang hơn, chứng tỏ mình xứng đáng là tư cách đàn anh trong trường, được mặc quần ngắn xanh, áo trắng, chân đất đi diễn hành và hát quốc ca chào cờ.
Thầy Sang có vóc dáng thơ sinh nhờ cặp kiếng trắng tăng thêm vẻ trí thức nghiêm trang, thầy sửa giọng nói cho đúng nguyên tắc sư phạm. Trường tiểu học Quận có khá đông giáo viên, hầu hết ở tuổi trung niên, chỉ có bằng Certificat và vài giáo viên trẻ có trình độ đệ Tứ. Thầy Sang chẳng những đậu Trung học Ðệ Nhứt Cấp (chưa ai có bằng nầy trong Quận) lại học thêm một năm Quốc gia Sư Phạm, ngạch trật khác xa đồng nghiệp. Học trò đã quá quen mặt thầy cô gốc địa phương, phụ huynh thì lờn mặt, Phật nhà không thiêng, nên một giáo viên có ngạch Sư Phạm” là đối tượng cho mọi người ngưỡng mộ.
          Lần đầu tiên trong quận, phụ huynh được nghe danh từ Sư Phạm”. Sư Phạm là bằng cấp gì kìa? “. Có người dám quả quyết Sư Phạm lớn hơn Diplôme Tú Tài. Các thầy ký luôn cả giáo viên địa phương, ngạch trật thấp, làm quen với ngạch mới Ngạch giáo viên Tiểu học”. của thầy Sang, lương bổng thầy Sang dù mới ra trường gấp đôi lương họ. Thỉnh thoảng vài giáo viên địa phương ghé thăm thầy Sang, tò mò nhìn tủ sách, lén lật xem sách gì, đều lắc đầu vì họ chưa đủ trình độ hiểu, khó quá, cao quá, toán gì mà có chữ a, chữ x, ẩn số, đại số....  Các thầy giáo già nầy quanh đi quẩn lại cũng mấy cuốn vần quốc ngữ, tập đọc, toán nhơn hai con là cao lắm rồi. Mấy chục năm nay quen theo lề lối cũ, thụ động, năm nào cũng ngân nga:
                   O tròn như quả trứng gà
                   Ô thời đội mũ ơ thời mang râu
                   I tờ hai chữ khác nhau
                   I ngắn có chấm, tờ dài có ngang.
          Buổi trưa nghe vang vang tiếng dạy đánh vần buồn ngủ, hắc o a anh hắc hoanh huyền hoành, hắc o a xê hắc hoách nặng hoạch, hoành hoạch.
          Ngoài ông Ðốc già lẩm cẩm, thầy Sang dạy lớp Nhứt, lớp cao nhứt, vài năm ông Ðốc hưu trí thì thầy Sang thay thế. Thầy Sang gốc ở tỉnh, một thanh niên có tư tưởng cấp tiến, lý tưởng, đầy nhiệt huyết, muốn đem tài năng truyền bá kiến thức học hỏi, những điều thầy phát biểu dù ở tiệm nước, đều được đồng nghiệp và phụ huynh lắng nghe, học hỏi và lặp lại. Thầy Sang sử dụng từ ngữ êm tai, bóng bẩy, đưa học sinh vào thế giới hoa bướm, mơ mộng. Học trò quê say mê từ ngừ mới được giới thiệu như mái tóc thề của nàng tiên áo trắng đất thần kinh, đọc hay hơn những bài học thuộc lòng Bổn phận đối với ông bà vv... “. Phụ huynh hết sức hài lòng thấy chương trình toán lớp Nhứt cao quá, lâu nay nghe trẻ đọc bảng cữu chương chín, chín lần hai mười tám. “, làm như toán chỉ có cữu chương chín và toán nhơn ba con, toán chia hai con là hết rồi. Học sinh lớp Nhứt, lớp Nhứt đầu tiên mà, đêm đêm nhai bài vở ấp a ấp úng, Muốn kiếm diện tích hình tròn lấy bán kính nhơn bán kính nhơn bi, muốn kiếm diện tích hình tam giác lấy cạnh đáy nhơn chiều cao chia hai..... 
          Ông Quới, một phụ huynh từng học hết lớp ba rất tự tin, tôi học có lớp ba hà, mà viết giáo lý để lại cho con học, ông chê con ông đọc không đúng phải đọc cho suông vậy nè,
                   Trong đầm gì đẹp bằng sen,
                   Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
                   Nhụy vàng bông trắng lá xanh
                   Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn,
          chứ mầy đọc cái gì mà bán kính bi nghe không lọt tai chút nào! “
          Ngoài giờ học buổi sáng, sau buổi cơm trưa, nhiều học sinh có lý do chính đáng ghé thăm thầy, đỡ giúp việc nhà. Căn nhà thầy mướn, thầy đặt tên Thư trai cho giống ngôn ngữ trong quyển Liêu trai. Xóm nhà nầy khá xa chợ, yên tĩnh nên thầy vừa ý lắm, cái không khí man man trưa nắng thích hợp với bản tính nghệ sĩ của thầy. Trên bàn phòng khách của Thư trai, thầy chưng vài bình hoa tươi. Dây trầu bà treo bên khung cừa sổ gần cây ngải mọi, thặy đặt tên là Vạn Niên Thanh, nên ai bước vào cũng cảm thấy dễ chịu, mát mẻ và thư thái. Xứ nầy chưa có nhà nào biết chưng hoa cỏ như thầy. Mấy ông điền chủ giàu xưa, vàng ô, có cả dãy phố trệt cho mướn, trong nhà họ chỉ có cái bàn thờ cắm nhang, bình tích trà và mấy cái ly uống nước là sang rồi, họ làm sao hiễu thú vui tao nhả như thầy Sang. Thầy thích mang đờn guitare gảy những khúc nhạc êm dịu hay đêm đêm thổi sáo nhựa tiếng cao vút.
          Thời năm 1959, động từ thông cảm bắt đầu phổ thông trong giới có học thức, dân vùng nầy chưa nghe, thầy là người đầu tiên đủ khả năng sử dụng nó, thầy ưa nói, thầy giáo là kỹ sư tâm hồnHọc trò nghe đắc ý, phụ huynh chưa thấu hiểu được.
          Hàng xóm khu nầy có một số học trò, ai cũng quí nể thầy, trừ lão thợ rèn sau nhà và ông Chệt chạp phô kế bên. Tiệm chạp phô mở cửa từ sớm tới tối, ông chệt kéo đôi guốc vông chát chúa bất lịch sự, miệng bô bô, bán buôn suốt ngày, bất chấp giờ ngủ trưa của thầy. Thầy Sang nhiều lần nhắc ông chợt chạp phô thông cảm, mà ông chệt trơ trơ cười hề hề cho qua chuyện. Con ông đã lớn, học trường Tàu ở Chợ Lớn, ông chệt chạp phô chỉ thông cảm với cảnh sát nhờ cậy. Nhưng ông chệt cũng thông cảm tuy bực mình vì tiếng đờn sáo vô nghĩa làm rộn tai khi ông đang nói thách từng đồng với khách hàng.
          Lần thầy Sang thả hồn theo mây bay trên khung trời xanh bao la, những chiều mái tóc buông lơi, những chiều đem áo ra phơi...  thì bên kia ông chợt cộc lốc, Sao trưa hổng phơi cho mau khô, chiều có nắng đâu mà phơi? Khi nghe thầy hát, Kìa rừng chiều âm u rét mướt, chờ người về vui trong giá buốt... , ông chệt quạt phành phạch vừa kéo cái áo thun lá góp ý, Hát tầm bậy tầm bạ, trời nóng đổ mồ hôi mà rét mướt cái gì. “
          Thầy lắc đầu, Ba tàu. Còn cái lão thợ rèn sau nhà càng tệ hại hơn. Từ sáng sớm, lão đã đốt một lò than, vùi những thanh nhíp xe nung cho đỏ. Lão mặc độc chiếc quần xà lỏn đen củn cởn, cái áo thun pha màu khói đẩm mồ hôi, đầu quấn khăn rằn. Buổi trưa, lúc đuối sức, lão nhún khăn vào lu nước bên hè chùi mặt cho đở nóng và lau cáo ghét trên mình, đó là cách tắm gội của lão, đở tốn xà bông.
          Mùa nắng, hơi nóng than trong lò hừng hực táp vô mặt vô người, lò than là Hỏa Diệm Sơn, lão tưởng mình là con thỏ đốt lò Bát quái cho Thái thượng lão quân luyện thuốc linh đơn. Cây búa lão là cái chày ngọc đâm thuốc. Lúc ngồi chồm hổm mài dao giống tráng sĩ mài gươm dưới nguyệt, theo giọng cải lương nghe đài Ra đô cuối tuần.
          Gặp tháng gió bấc mưa dầm, nước mưa từ mái lò rèn dột lỏm bỏm trên sàn nhà đất nện, lão ngồi co ro bên lò lữa ăn khoai nướng lửa lò, thưởng thức cái không khí ấm áp chung quanh, mùa mưa làm không thấy mệt.
          Thế giới lão là đống nhíp xe, cây búa tạ, cây kềm lớn, hòn đe, hai cái ống bể và lu nước. Lâu lâu có người tới xin nước cho người bị chó điên cắn uống trừ nọc chó. Từ ngữ lão dùng hàng ngày là những thứ kể trên, khách hàng lão dùng từ ngữ lão sử dụng để đối thoại với lão. Các bà nội trợ nghèo sống trong xóm nhà lá xa chợ là khách hàng thường trực của lão. Dân chợ giàu, biết xài dao kéo mua ở Sài gòn, hiệu I nốc trắng, gọt xắt thịt cá rau cải không dính sét.
          Lão đập những thanh sắt nung đỏ trên đe đinh tai chát óc, chưa kể thứ âm thanh bất thường bịnh hoạn khi thằng nhỏ ngồi thụt phùm phụp hai cái ống bể. Tệ hơn ông chệt chạp phô, lão thợ rèn làm việc ngày đêm bất kể, nhứt là khi ông mua được những cây nhíp xe bị mìn cong queo. Thầy Sang lúc đầu không tưởng tượng nổi nhờ đâu mà lão thợ còn sống. Lửa lò rèn và rượu nung người đỏ gấc, lão uống rượu không trật ngày, âm thanh lò rèn không làm hàng xóm khó chịu, hình như họ điếc không nghe thấy, chỉ duy nhứt làm khổ thính giác nhạy bén âm nhạc của thầy. Âm thanh đàn sáo của thầy Sang và tiếng búa đập chan chát trên đe hợp thành khúc đại hòa tấu chói tai.
          Thầy Sang là con chim hồng bay trên bầu trời xanh bao la, dân quận nầy là những con cá sống dưới bưng nước phèn. Thầy hăng hái tham gia nâng cao dân trí, chia xẽ kiến thức với tầng lớp lớn tuổi xưa không có cơ hội đi học, những kiến thức thầy từng được may mắn học ở trường Trung học và Sư Phạm.
          Trong các buổi tiệc cưới hay cúng cơm, người có chút đỉnh trình độ tìm đủ cách ngồi chung bàn với thầy Sang - để có dịp học hỏi thêm kiến thức mới. Thầy giảng thoáng qua về phương trình bậc 2, ẩn số, tiếng Tây có giống đực giống cái, có số ít, số nhiều thêm chữ s, tiếng Việt không chia vẹc bờ như tiếng Tây nên tối nghĩa, hôm qua là passé, hôm nay là présent, ngày mai là future. Còn cái người Ăng Lê nghe, buổi sáng tốt trời nó mới chào gut mó nìng, trời xấu thì nó không chào ... Người có trình độ mới hiểu thầy. Thầy than thi Trung học khó lắm, cả ngàn người mới có người đậu, rồi thi tuyển vô Sư Phạm càng khó hơn. Tội nghiệp các ông giáo lá già, hầu hết có trình độ Tiểu học, vài ông chỉ học hết Sơ học, lớp Nhì xưa, đứng một chỗ không tiến bộ, nên nín khe ít dám đóng góp câu chuyện, trơ mắt ngớ ra nghe thầy nói về điện trở R bằng r1 cộng r2 vv.... Người như thầy mà ở bên ông chệt chạp phô và lão thợ rèn thật vô lý hết bực.
          Thầy Sang là nhà mô phạm, biết tự chế, nhìn xa hiểu rộng, biết thông cảm, nhưng tiếng trả giá bên tiệm chạp phô của kẻ tham tiền và tiếng búa đập trên đe lò rèn như gáo nước bùn đen đổ vào giòng nước thanh khiết cùa âm thanh đờn sáo thầy.
          Thầy đang tìm nhà dời đi nhưng vấn đề an ninh, thầy e ngại dời về xóm sân banh, nằm trên đường pháo kích. Thầy chờ cơ hội trực tiếp giảng cho hai ngưòi hàng xóm bất lịch sự nầy xin thông cảm là công tác giáo dục của thầy rất quan trọng, khuyên họ ngưng làm phiền thầy.
          Cơ hội đến vào buổi xế trưa, khi thầy chuẩn bị mời được Thảo, cô chị đứa học trò, đến dượt vài bài hát cho buổi văn nghệ bãi trường. Thầy Sang quen cô Thảo mấy tháng nay. Buổi trưa, chở em đưa tận lớp, cô ngả nón mĩm cười e ấp cúi chào thầy. Buổi chiều, cô đứng trước lớp chờ rước em, e lệ mĩm cười cám ơn thầy. Thầy có cho cô mượn vài quyển tiểu thuyết mua ở tỉnh. Thầy có tặng cô mấy câu thơ viết ngay trong trang sách.
                   Ngoài kia hoang nắng, nắng ban trưa
                   Nắng hoang nắng dãi, nắng trường quê
                   Nắng phai tà áo màu hoa dại
                   Nắng nhạt hoang tàn héo tóc xưa.

          Ánh mắt và nét e lệ trên mẳt Thảo là món quà tinh thần an ủi nhà giáo, man man khó tả.
          Thầy xao xuyến chờ đợi, vừa đặt dĩa hoa dại, hoa màu trắng trôi nhè nhẹ trong dĩa và một bình hoa trinh nữ mimosa tím như môi người con gái.
          Cô khách vừa ngồi, thầy thong thả dạo đàn cho không khí lắng xuống. Ðúng vào lúc cô bắt giọng thì tiếng đập ben ben đinh tay trên lò rèn bắt đầu hòa tấu át mất tiếng đàn ngọt ngào và âm thanh sáo nhựa. Thầy Sang nhớm người dậy, sửa lại cặp kiếng trắng cho ra vẽ Sư Phạm, gương mặt nghiêm lại, tỏ vẻ khó chịu. Thầy bước vào lò rèn, lần đầu tiên bước vào lò rèn ngổn ngang sắt thép vụn, giọng nhủn nhặn, nghiêm trọng,  thưa bác, xin bác thông cảm giữ chút yên lặng để tôi dưọt nhạc cho cô Thảo hát vào kỹ lễ phát phần thưởng cuối nămThầy nhấn mạnh chữ thông cảm, giọng rất sư phạm, trầm tỉnh.
          Lão thợ rèn không biết chữ, ngày ngày làm bạn với cây búa, cái đe, lò lửa nóng và hai cái ống bể. Món nào cũng ngoan ngoãn, tuân lời lão, dù là thứ nhíp xe cứng của chiếc xe GMC nhà binh, lão muốn nó thành dao yếm thì nó thành dao yếm, muốn thành dao dâu thì thành dao dâu. Tai lão đã quen âm thanh đe búa, ống bể mấy chục năm nay mà chưa bị tổn thương thính giác. Nghe thầy Sang xin thông cảm, chữ thông cảm làm lão bị nội thương hơn nghe tiếng chửi thường nhựt của mụ vợ. Cái tự ti mặc cảm thiếu học, an phận dốt nát, suốt đời chưa được ngồi chung bàn hay tiếp chuyện với dân thầy chú, lão biết thân lắm. Lòng tự ti làm lão nghẹn lời, không đủ tự tin và ngôn ngữ phát biểu - dù là câu trả lời có mạch lạc, trước cái uy của thầy giáo Sư Phạm. Miệng lão suốt đời chỉ la hét, chửi mắng vợ con, uống rượu. Cái nghề thợ rèn, không đập thì lấy gì sống. Lão nhúng vội thanh thép đập dở vào lu nước, buông búa bước ra, ngơ ngáo chào thầy Sang, vừa nhăn nhó cười gượng, hàm chứa sự xin lỗi.
          Thầy Sang rất biết điều, giọng nghiêm trang, Xin bác thông cảm, rồi trở vào nhà. Lại thông cảm, tiếng thông cảm nặng hơn những tiếng đe búa. Lão lịch kịch bước vào lò rèn, vùi cây dao yếm vào lò lửa nóng cho dao đỏ hồng, lão tiếp tục đập, âm thanh có vẻ bớt chát chúa hơn. Lão không tìm ra cách giải quyết ổn thỏa, chiều nay lão đã hứa giao cây dao yếm cho chủ lò heo. Lão kiếm ăn từng ngày, lấy công làm lời, tay làm hàm nhai. Tay cầm thanh thép, tay cầm búa đập ben ben, và mài kèn kẹt, chỉ có mấy động tác đơn giản không thay đổi từ lúc học nghề rèn.
          Cây búa nặng chịch, miếng thép khó kềm hơn, tiếng động rời rạc, mệt mỏi. Quanh năm đập rồi mài thép thành dao kéo chưa biết mệt. Lần nầy tiếng thông cảm mắc mỏ của thầy giáo Sư Phạm, có học, tuổi đáng con cháu mình làm lão xụi lơ. Chữ nghiã nặng hơn búa lò rèn, bao nhiêu sinh lực tiêu tan hết, lớn tuổi mà để cho con nít nói nặng, tủi nhục quá!
          Cách bên kia nhà một căn, bà hai chè đậu, vợ ông Biện Sữu nãy giờ theo dõi câu chuyện từ đầu, bà biết thì cả xóm này biết, cả quận cũng biết. Bà hai chè đậu, một thời theo gánh hát bội, từng đóng vai Phàn Lê Huê, Tô Ðắc Kỹ mỗi lần xây chầu hát đình, cũng bỏm bẻm chút ít chữ nghĩa. Lúc trước có qua lại nhà bà, thầy khen đứa cháu gái bà sáng dạ, có hoa tay. Bà thầm ước ao đưọc làm dì vợ thầy giáo Sư Phạm, như nàng Cám lấy Hoàng Tử. Bây giờ thầy nuông chiều galant cô Thảo thấy phát ghét, bà không nhịn được, tức tốc vạch hàng rào sau hè bước qua sân nhà thầy, lúng túng đạp nhằm cụm hoa tim tím. Thầy Sang buông đờn, sửa kiếng bước ra, nghiêm nét mặt, Thưa dì hai, xin dì hai thông cảm, dì đạp hư khóm hoa trinh nữ Mimosa.
          Bà hai luống cuống vướng ống quần trong đám gai bông giấy vừa hít hà gỡ gai dưới bàn chân, quay lại oang oang cho cả xóm nghe, Bông mắc cỡ gai đâm nhức thấy bà nội mà thầy nói hoa trinh nữ misa, bông móng bò thì thầy dạy học trò là hoa hoàng hậu, thầy có học, thầy Sư Phạm, tụi tui dốt đặc, thầy ăn nói theo văn chương tao đàn, cải lương đại nhạc hội, nghe nó mệt quá. Hể mở miệng là thầy nói thông cảm. Người ta ăn muối nhiều hơn thầy ăn cơm mà! Anh chín lò rèn nghe lời thầy thông cảm thì lấy gì ăn, ôi, thầy để cho người ta mần ăn chớ. Người ta đập ra bạc ra tiền, ra cơm ra gạo, ai mà rảnh rang đờn địch như thầy? Bà chống nạnh hất hàm, nhướng nhướng đôi mày như mụ Phàn Lê Huê ve vãn chàng Tiết Ðinh San, Thầy thông cảm nghe, thầy giáo Sư Phạm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét