Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

BÔNG ĐIÊN ĐIỂN (BỔ TÚC)

Anh Bảy Tân Châu và anh Hai Trầu,

        Bây giờ là 21:35 đêm Chủ Nhựt 9-4-06 . Tôi vừa bước vô nhà, mở hộp thơ, mẹ ơi, sao có sự trùng hợp lạ lùng như vầy? Anh Bảy Tân Châu vừa nhập cuộc, càng đông càng vui. Tôi xin kể đầu đuôi gốc ngọn.

        Từ cuốn  "Tiến trình Văn nghệ miền Nam, tác giả Tiến sĩ Nguyễn Q. Thắng và cuốn Tạp bút năm Nhâm Thân 1992 của ông Vương Hồng sển về cây điên điển, tôi dược anh Hai giải thích cặn kẻ về cây điên điển và cuộc đời người giăng câu . Bây giờ mới biết thêm mãnh đời nguời giăng câu, lúc trước, tôi vẫn nghĩ và mơ mộng như  như ông NQT, thi vị hóa ngư phủ, nước trong rửa ruột sạch trơn, một câu danh lợi chi sờn lòng đây, sớm doi tối vịnh vui vầy.  Anh Hai nói giăng câu cực lắm, cực làm sao, người chưa bao giờ giăng câu không cách gì hiểu được nỗi nhọc nhằn lở tay lở chưn.
  
        Hôm nay lễ  Song Kran, Tết Miên và Thái Lan. Tôi đến chùa Việt Nam rủ vài người bạn tháp tùng dự Lễ Nước Chùa Thái Lan. Đang ngồi chờ, có anh bạn bẻ cánh bông vàng héo và nhánh cây cách chổ tôi ngồi chừng 3 thước, hỏi tôi cây gì. Tôi nói cây bông điệp ta, không biết đó là nhánh cây và bông điên điển, cây nầy ở vùng tôi Brisbane, mọc hoang khá nhiều, không cần mọc ở trên bờ ruộng  có nước, vì vậy cây cho  ít bông, không ai biết ăn.

        Đến Chùa Thai Lan, thiên hạ dập dìu, các cô thiếu nữ Thái mặc xà rong rực rỡ, nữ trang bằng vàng y, nguời ta tưới nước cho nhau mừng năm mới ..    Những gian hàng trên sân chùa bày bán các món Thái, phổ thông nhứt là món "gỏi Thái",  những sợi đu đủ hườm hườm để vào cối đá đâm chung với mắm, ba khía, rau thơm, gia vị .
            Tôi đi lang thang nhìn các cô Thái trẻ đẹp, chợt bắt gặp một thiếu nữ Thái ngồi trong gian hàng bán rau dưa, trên bàn bày các loại rau, 2 bó bông điên điển vàng héo, héo như cô gái ngồi bán.  Lầu đầu tiên thấy và cầm bó bông điên điển, mắc quá, bó bông điên điển héo giá $3,  miễn cưỡng mua, phải cô bán hàng trẻ và trắng như các cô vũ nữ múa trong hội trường thì bao nhiêu cũng mua. Tuởng là một bó mấy đồng, bao nhiêu cũng trả không chồng lo chi (Ông Trượng Tiên Bửu)

        Tôi mang bó bông điên điển ghé nhà em tôi nhờ  làm dưa ăn thử .
         Về tới nhà, được  đọc thơ anh Bảy Tân Châu, nhắc bông điên điển, Cây điên điển  có tên nhà quê, không có tên kiêu sa  tình tứ như "hai sắc hoa ti gôn" ( phải tiếng Tây mới thơ mộng ), gọi là bông, chớ  chưa được gọi là hoa  như hoa hồng, hoa lan ... Người ta đặt tên cho ái nữ là  Hoàng  Lan, Hồng Cúc , Bạch  Mai , Bích Đào ...các loài hoa khó tánh  cao sang nầy đưọc nâng niu, cắm trong lộc bình trên bàn nhà quyền quí. Tới mùa, bông điên điển đựng trong thúng bán rẻ mạt ngoài chợ.  Người nghèo mua về nhận bông điên điển  trong hủ làm dưa chấm mắm, bỏ vài bông làm bánh xèo cho ngọt. Bông điên điển không được phép ra thành thị chen chung với món cao lương mỹ vị, không được trộn chung với xa lách ăn với beefsteak khoai tây, đông cô bào ngư. Thôi, điên điển ơi, số phần mình nó như vậy, ở nhà quê, bon chen làm gì, hy sinh cho người xứ mình, cho bông làm món rau, cho thân phơi khô làm củi chụm, cho hết rồi, đâu còn gì nữa . .

            Ông Tiến sĩ gốc Quảng Nam, chắc ông có đi qua miền Tây, nhưng chưa bước chưn xuống ruộng miền Tây, chưa sống trọn vẹn cuộc đời nông dân. Nhưng tôi cảm ơn ông, ông người phương xa mà còn  thương màu vàng cây điên điển xứ tôi, tôi không dám đòi hỏi ông nhiều, chính tôi còn chưa biết hình dáng  cây điên điển. Ông nhìn cây điên điển từ xa, nhìn điên điển bằng tâm hồn nghệ sĩ, ông cảm được và thương màu vàng điên điển trên cánh đồng, ông là văn sĩ, học giả, nhìn điên điển khác người nông dân thực tế vật lộn mới có  chén cơm dĩa cá  hàng ngày.  Ông đã cố gắng hòa nhập vào khung cảnh quê tôi, ông còn biết điều hơn những kẻ phương xa đến, họ sống quanh quẩn ở Sài Gòn, ăn hột gạo xứ tôi mà không có chút tình chút nghĩa.  Đề tài họ sáng tác chỉ giới hạn chung quanh Vũ trường, giới "thượng lưu" hưởng thụ, họ ca tụng món gì gì đó bằng bài văn dài lê thê, ba voi không được bát sáo, họ đâu có cái nhìn xa như ông. Chỉ có ông thương cây điên điển xứ tôi. Cám ơn ông nhiều .

             Anh Bảy và anh Hai, hai anh đã thấy sự trùng hợp về cây điên điển làm tôi nổi cơn viết thơ nầy . 
Tôi hứa sẽ cùng nhau chia xẻ  với anh em, quảng bá cho quê mình, Tôi xin làm cây điên điển đứng bên bờ sông, xa đóa phong lan trong nhà kiến.  

Thân,
u Nhơn Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét