Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

ÔNG LỐT TÀ

ÔNG LỐT TÀ
            Lưu Nhơn Nghĩa


Nếu ai có phép thần thông, đến mấy cây cổ thụ sân chùa Préa Théat ở Ô Lâm, diệc đậu trắng cây, đẹp như hạc, bắt một con diệc cỡi, cho nó bay dọc theo đường lộ về hướng Bắc, qua khỏi Tri Tôn, tới chợ cây Me, bay theo lộ về tới Ba Chúc, tới Sóc Xà Lôn, cuối cùng là chùa Tà Dung, quay lại cây Me, tiếp tục bay về hướng Bắc, tới dốc Ba Đội thì quay về. Phong cảnh bên dưới là núi đồi cao thấp rải rác nối tiếp. Phía đông, đồng ruộng bao la, phía tây là núi, chân núi là những khoảnh ruộng trên. Diệc sà cánh, hạ xuống, sẽ thấy ngôi chùa mái ngói đỏ ao như mới, khu tháp chứa hài cốt giống những mục măng tre tầm vông chóp nhọn. Mái chùa ẩn dưới tàng lá cây sao, cây Nam vồ, cũng có chim chóc làm ổ. Cảnh chiều mặt trời đỏ ối, ma bắt đầu đem lúa ra phơi vàng góc trời Tây. Khói trắng như tơ bắt đầu rồi đợt khói quyện cuồn cuộn lên từ những mái lá chuẩn bị buổi cơm chiều rau mắm, tiếng tụng kinh bắt đầu vang rền. Chiều tối rồi, giục diệc bay về chùa Préa Théat cho diệc ngủ chung bầy trên cây sao, cây Nam vồ rậm lá, thanh  bình.

Ngồi xe bò lọc cọc từ Ô Lâm ra chợ Xà Tón, qua các xóm Miên, có bao nhiêu xóm là bấy nhiêu chùa. Suốt đoạn đường này, dựa theo núi, xưa, không có xóm người Việt. Tới Quận Tri Tôn Xà Tón mới có lác đác vài gia đình người Việt. Qua khỏi Xà tón, bắt đầu từ chùa Trên tới cây Me lại là xóm Miên. Lấy chùa làm chuẩn, hễ có chùa là có xóm Miên, là biết có người Miên, dù là xóm nhỏ. Trên đường đi Ba Chúc, tới chùa Tà Dung là ngôi chùa cuối cùng. Dân Miên dừng ở đó. Dường như trời dành cho mỗi dân tộc một khu, dân Ba Chúc theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, có chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai. Dân Ba Chúc Việt Nam ròng, có mấy ông “Gánh” lo việc cúng kiếng lễ lộc, ăn chay, hiền như đất, mà lãnh trọn nghiệp sát, nhìn đống sọ và xương người trong nhà kiếng thấy rùng mình.

Trở lại xóm Cây Me, theo đường lộ đá ra Châu Đốc, qua không biết bao nhiêu chùa và xóm Miên, đếm không hết, nhưng tới ranh giới dốc bà Đội, núi ông Két thì ngưng. Sau đó không còn xóm Miên nữa, dù có vài cây thốt nốt cuối cùng đứng tại bến xe Nhà Bàng. Sau núi Két là thế giới khác hoàn toàn, khu mộ ông Đình Tây, ông Bùi Thiền tăng chủ, ao nuôi sấu thần năm chân mũi đỏ tức ông  Năm Chèo.

Ai ở đâu ở đó, ở gần sát bên nhau, nói tiếng khác nhau, không lấn ruộng giành đất, ruộng ai trúng người ấy hưởng, cây ai trồng người ấy ăn, ít liên hệ qua lại, thương thì không, ghét cũng không. Sóc Miên là đơn vị tự trị (nói theo ngôn ngữ thời nay), dù sát bên Sóc Miên khác. Có Sóc đông dân, vài trăm căn nhà, có Sóc ít dân, chưa tới trăm nhà. Mỗi Sóc có thể có một hay vài xóm họp lại, có ruộng vườn riêng, ngôi chùa là điểm tựa tâm linh đạo đức, chỉ qua lại mùa “He Cà Thưng”, dân Sóc này khiêng kiệu rước Phật qua thăm Sóc bên cạnh.

Khu đất chùa rộng thênh thang, chỗ tốt nhứt trong xóm. Chùa xóm nghèo hay xóm giàu tùy số ruộng đất và dân số trong xóm, kiến trúc theo khuôn mẫu nhất định, hoàn toàn giống nhau, chỉ khác về kích thước và vật liệu xây cất. Chùa càng cổ càng đẹp, cột kèo làm bằng cây sao, lên nước màu đen bóng, cứng như đá, nhà Sala dành cho khách nghỉ ngơi cơm nước rộng rãi, cứ trải chiếu ngồi, vừa ăn trầu vừa hút thuốc, nói chuyện, vừa nghe ông Lốt tụng kinh.
Ai có việc nấy, mấy ông có bổn phận làm ruộng, săn sóc bò, đàn bà lo cơm cúng dường, ông Lốt độ cơm, có bổn phận tu hành, hướng dẫn tâm linh và đạo đức xã hội theo kinh Phật dạy. Dân Miên dù khác Sóc đều cùng trình độ văn hóa (chữ ngày nay), đàn bà không biết chữ, đàn ông khoảng tuổi trưởng thành vào chùa tu sáu tháng hay lâu hơn để trả ơn cha mẹ, luôn tiện học mót một chút chữ nghĩa và kinh tạng, thực hành, sống đơn giản theo kinh Phật. Xóm lớn, chùa lớn, ông Lốt đông, xóm nhỏ, ít ông Lốt. Mấy ông Lốt vừa tu vừa làm, nhiều ông ở trần trộn hồ đúc tượng hay tiếp tay xây dựng sửa chữa chùa. Vị trụ trì là ông Lốt Cru (sãi cả), thường tu đã lâu, không ra đời, đã già. Các vị sư sải sống rất hòa thuận, chỉ tu hành đọc kinh, đúng giờ đi khất thực, về thọ thực trước khi đứng bóng, sau đó nếu đói chỉ ăn đường thẻ, uống trà. Mấy ông Lốt không giữ tiền, ông Tà Cha (ông từ) lo, không giành, đâu có quyền lợi đâu mà tranh giành, mỗi ngày chỉ thọ buổi cơm ngọ duy nhứt. Mấy ông chỉ công tác sửa sang chùa, tu hành, không trồng trọt thêm rau cải. Khi đi khất thực về, thường có cơm, canh xiêm lo, cá mắm, dưa leo, rau, xong ngày.

Chùa nào cũng có cây cao bóng mát, chim chóc rất nhiều, không ai cấm, nhưng chim làm tổ trên cây trong chùa là an toàn, chắc bầy chim này có tu, thời đó có kha khá chó, sau chó theo chủ ra chợ bị giết khá nhiều. Chùa nào cũng có cây Nam vồ lá lớn, có đuôi ngắn, cùng gia đình với cây Bồ đề. Bên chùa có bàu sen, mùa hè sen đỏ, trắng, lá sen xanh tròn che kín mặt bàu. Trong bàu nhiều cá, rùa, cua, sinh sôi, dù thiếu cá tép, dân Sóc ăn rau chứ không bao giờ bắt chim cá trong khuôn viên chùa. Lại có giếng nước, có khi xây bồn và nhà tắm, dân Sóc gánh nước đổ đầy bồn cho Lốt tắm. Sân chùa rộng và sạch sẽ, mát mẽ, lũ trẻ và Col sóc tha hồ chơi đùa. Sáng sớm nghe kinh, tối nghe kinh.

Ông Lốt nghỉ trong hậu liêu, người có nhà tranh nhà lá tá túc, chim chóc làm ổ trên cây, cá rùa có bàu sen mát mẻ bơi lội. sau chùa, gần giếng nước có vài cây khế cho ma quỷ oan hồn nương tựa tránh sấm sét, mỗi khi có lễ chùa cắt khúc cây chuối cắm hương hoa gạo muối, cúng cô hồn ngay tại gốc cây khế. Ai đã qua đời, hỏa thiêu xong, tro cốt để vô tháp yên lành nghe kinh. Đây không phải là đất Phật thì ở đâu là đất Phật?

***

Hướng về Châu Đốc, qua khỏi Phnum Chanh (Vĩnh Trung), xóm Phnum Bul có ngôi chùa nằm dưới ruộng bưng. Chiều thứ bảy về quê, xe chạy chậm qua sân chùa vắng, gà về chuồng, chó chùa sủa ục ục, vài chiếc xe bò chậm rãi trên dường, buồn mà muốn ở lại sống nơi này luôn.
Qua khỏi cầu Bưng Tiền, bên trái là khoảng ruộng trên khá rộng, Sóc Miên, vài chục mái nhà lá. Xa xa là núi Phú Cường, tiếp theo là núi Nen Non, có chùa Nen Non đã bỏ hoang từ lâu. Xưa chắc xóm chùa Nen Non sung lắm mới cất nổi ngôi chùa trên núi, chắc có biến cố gì đó, dân Miên bỏ đi gần hết, ít ai muốn xa Sóc xa chùa, nhút là hơn trăm năm trước, trước khi phóng con đường này. Đỉnh núi Nen Non có tảng đá, gõ tảng đá kêu "nen', tiếng dội từ xa lại kêu "non", lại có vồ đá có lỗ trũng như cái chảo, luôn luôn đầy nước, khi múc hết nước, lát sau nước lại đầy (nghe kể lại, chưa thấy).

Từ chùa Nen Non nhìn xuống, bên kia lộ, phía bên phải con đường hướng về Châu Đốc, xa tít ngoài ruộng, nếu đi xe đạp phải mất gần mười phút, có ngôi chùa cổ, xóm thưa dân. Xưa chắc họ sống nhờ ruộng, ruộng này còn nằm dưới chưn núi, chưa phải ruộng bưng, chùa Diên Râu (âm từ tiếng Miên. Hai ngôi chùa và Sóc Miên này lẻ loi, xa Sóc khác, có chuyện khó tiếp cứu nhau, địa thế bất lợi, vùng ruộng bưng còn lau sậy ngập đầu, đầy mãnh thú, độc xà. Chùa Truông (Mỹ Đức) trước năm 1930, mùa khô, cọp voi xuống sông Hậu Giang uống nước, người ta phải vỗ thùng thiếc ầm ỹ. Địa thế tuy khắc nghiệt, nhưng chắc ruộng mới khai thác, thú rừng, cá tép rất nhiều. Hai ngôi chùa, sư sãi bỏ đi hết, xóm nghèo thưa dân. Sóc chùa Diên Râu chưa tới trăm nóc nhà rải rác, nhà lá thô sơ, chạng vạng tối ít ai dám ra khỏi nhà. Khổ nhứt là ban đêm vợ sanh, ai dám ra khỏi nhà cầm đuốc đi rước mụ, nửa đêm khi đau ốm, tối lửa tắt đèn, nhờ ai. Chắc vì vậy mà ai có cơ hội, cùng đường, đã bỏ Sóc đi, ai ở lại chịu đựng được cứ ở, từ thế hệ này qua thế hệ khác, phú phước cho trời. Chùa Diên Râu cất lâu lắm rồi, gần nhứt cũng hơn trăm năm, cột kèo còn xài được, ngói đổ đầy chánh điện chưa ai dọn. dẹp. Tượng Phật ngồi trên bàn, màn che bạc  màu lổ chổ, Phật im lìm nhìn vô thường, hoại diệt ngay trước mắt. Bàu sen chùa cỏ mọc chen với sen, cá lúc nhúc dưới bàu, nước sình hôi hám, quanh bàu còn vài hòn đá la liệt. Giếng chùa vẫn còn, người ta cần nước uống. Mấy cây khế, chùm duột, xoài đã lão, bọn trẻ con tìm không thấy trái, tre gai nhiếu vô kể, măng khá nhiều. Chùa là chổ cho trẻ con đụt mưa, ngủ dưới chổ còn ngói, có bóng mát nghỉ trưa.  Mùa nước lụt, trẻ con không được léo hánh tới gần cổ tháp để tro cốt tổ tiên, trong tháp, khi nước lên, rắn hổ đất vô tránh lụt. Nước mưa trên núi đổ xuống mang theo cát đá cuội xuống đào thành rảnh lớn, cột nhà sàng bằng tre dễ bị sụp, nửa đêm chống đỡ được lúc nào hay lúc đó. Mùa hạn cũng khổ, giếng cạn, bàu khô, người và thù vật tranh nứơc trong cái lung ngoài xa, ban ngày người, ban đêm thú rừng, mạnh sống yếu chết mỗi khi gặp nhau.. Chạng vạng tối, voi cọp ưu tiên uống trước, sau đó tới nai mễn, khỉ, lọ nồi, trật tự đâu ra đó, Đêm khuya mùa hạn, trời lặn gió, nghe tiếng ào ào như gió lớn thổi trên ngọn tre là biết bầy rắn hổ mây trên núi xuống lung uống nước. Bầy  hổ  mây chừng tám ông, phóng trên ngọn tre, rắn chúa đi giửa, hai con nhỏ hơn đi cặp hai bên, con nhỏ đi sau hộ vệ..Nghe tiếng quẩy nước ầm ầm và tiếng phun phì phì là biết mấy ông mây đang tắm, đùa dởn dưới lung, nửa đêm nghe tiếng rào rào ghê rợn trên đọt tre là biết mấy ông mây về núi. Nằm trong nhà lá mong manh mới thấy cái cảm giác sợ cọp, voi, rắn. Thú rừng nhờ đầy đủ thức ăn nên biết điều, ban đêm ra kiếm mồi, ăn no rồi về hang ngủ, sống theo luật tự nhiên
Gạch ngói chùa Diên Râu bể nhiều, mùa mưa nước đọng trên sàng gổ, muời mấy năm nay không ai hứng thú sửa chửa. Thú rừng bớt  nhiều, voi cọp bị bắn tới tuyệt chủng. Dân Sóc mở mang, trồng thêm đuợc mùa đậu xanh sau mùa lúa, mỗi công được vài cà ròn đậu xanh, lấy xe bò chở ra đường lộ, đón xe hàng chở ra Châu Đốc bán cho các tiệm buôn Tàu, được ra tỉnh, trí óc mở mang thêm, rồi tiện tặn dành dụm nên khá dần.
Sóc có dân, có chùa mà thiếu ông Sãi thì không thành Sóc., như bửa ăn dư thịt cá mà thiếu cơm. Dân Sóc đôn đáo tìm sư sãi về tụ trì chùa để có lễ lộc với nguời ta. Chùa quanh vùng đều có Lục Cru, sãi cả già đức độ tu lâu, biết thuốc men, có tài chửa bịnh tà, gở bùa. Nhiều ông lốt biết phép thần thông dẫn người xuống âm phủ tìm thân nhân quá vãng. Mấy ông lục trẻ chưa dủ đức và trình độ kinh kệ,, hơn nữa mấy ông chưa cắc tu lâu, có khi vài tháng xuất ra lấy vợ. Vài vị lục ở Trà Vinh có đến nhìn ngôi chùa ngói đổ trong xóm nhà cô lập heo hút duới đám ruộng dưới chưn núi, xa lộ cái, mổi lần ra tỉnh hay về quận đều bất tiện. Mấy lục nhìn rồi lắt đầu.Gần muời lăm năm, chùa Diên Râu hoang tàn, hết thú tới nguòi, so ra ở với thú rừng còn dễ sống hơn với người. Chiến tranh đến, xưa, ban ngày người chết vì cọp beo rắn không thấy, bây giờ bom đạn còn hãi hùng thêm, cả ngày lẫn đêm. Dân sóc sống giửa hai lằn đạn, không đuợc ai chở che ngoài tấm phên lá và bờ đất.
Sóc nghèo điù hiu khó sống, khó di chuyển, thiếu an ninh mà vẫn có người Tàu tới sinh cơ lập nghiệp, đây cũng có khói lửa mà, hơn nữa người Tàu và ngưòi Miên dễ hòa hợp. Có một thanh niên lớn lên trong sóc nầy, gốc nguời Phúc Kiến, lên Nam Vang học rồi tu luôn, thành vị cao tăng. Đang trụ trì chùa lớn trên Miên, người trở về sóc Diên Râu thăm mẹ, bà mẹ thưong nhớ con quá nên người ở lại sóc để gần gũi. Dân sóc reo hò được vị cao tăng gốc xứ sở về trụ trì,

Cả mấy xóm chung quanh, luôn cả xóm Nen Non xúm nhau sửa sang lại ngôi chùa vài tháng xong. Dân sóc nhộn nhịp hẳn lên, tâm hồn họ yên ổn, mổi sáng có dịp tranh nhau đi chưn đất đứng tước nhà chờ người đi qua khất thực, lốt chăm bai, sư độ cơm, để có cơ hội cúng duờng. Từ đây họ được cơ hội thơ bum làm phuóc cúng dường, tâm hồn yên ổn. Sau nhiều năm khát khao trông đợi, họ đdưọc dền bù vị cao tăng tài năng đức độ, kông ai nói ra, vị sư sãi nầy hơn bất cứ các  vị khác trong vùng. Người ta gọi sư là Lốt Tà ( nguyêntên là Lốt tà Bi ,sư cụ Bi. Tất cả các vị sư sãi trong vùng , tu lâu đức độ cao, nhai trầu bỏm bẻm, ăn trầu hút thúc là chuyện bình thuờng. Mấy sư gốc Miên rặc, da đen sậm, dáng dấp bình dân. Lốt Tà Bi gốc Tàu trắng trẻo, tốt nguời, ăn nói nhỏ nhẹ, giọng Hoàng gia Nam Vang. Lốt có trình độ học vấn, rành tiếng Pháp, tiếng Phúc Kiến và tiếng Việt, tuy tiếng Việt còn giọng Miên. Lôt đang trụ trì chùa lớn và chức sắc trong Hoàng  gia, vì có hiếu nên bỏ nơi an ổn về độ sóc nghèo nầy, chắc có duyên tiền kiếp. Lốt Ta có phép thần thông,dẫn nguời xuống âm phủ đi thiếp thăm thân nhân, Lốt cầm sợi chỉ dẫn đi, Lốt biết người đó đi đến đâu, lúc nào kéo hồn về.
Ngay từ ngày đầu về trụ trì chùa Diên Râu, Lốt Ta bị an ninh  Quận kêu lên kêu xuống điều tra, hăm dọa, trả lời sao cũng không vừa ý họ
Từ ngày Lốt Ta về, buổi trưa, dân cày  ghé chùa nghỉ ngơi, mang cơm vô chùa ăn, làm công quả lặt vặt, có người đàn ông Miên, rất
hiền theo làm Tà Cha, đệ tử giúp đở, vì Col sóc ít quá, bọn nó phải chăn bò cắt cỏ. Mấy cây khế bên giếng xum xê trở lại, oan hồn về nưong tựa, chim chóc cũng về làm ổ trên cây, nhứt là bàu sen, nước trong thấy cá, sen nở bông trắng, hồng, lá xanh mướt, cá tụ về lung đớp móng.
Sáng sớm, tiếng tụng Pali trầm hùng vang vang đánh thức dân Sóc dậy đi ruộng rẩy. Đêm khuya, tiếng kinh che chở cho ngưòi yên ấm bớt sợ, yên tâm ngủ. Thú rừng hình như nghe kinh rồi hiền hơn, ít khi quấy phá hại người.
Hàng ngày, buổi sáng đúng giờ, Lốt ta dẫn đệ từ đi khất thực, đi chừng vài căn nhà bình bát đã đầy cơm, Lốt phải thay phiên đi cho đủ nhà để ai cũng có cơ hội cúng dường, về sớt cho mấy đứa col sóc ăn. Lốt dặn đệ tử, " Hột cơm đà na tín thí trong bình bát nặng lắm nghe ". Sau khi khất thực, Lốt tụng kinh rồi mới thọ trai. Buổi trưa, Lốt lo sơn sửa chánh điện, quét dọc cổ tháp, thường khi được mời về nhà tụng kinh cầu an, hay tụbg cho người chết hỏa thiêu, khi trị bịnh tà cho người bị quỷ nhập, trục con quỷ ra, giải bùa cho người bị ngải hành, bị thư. Lốt cầm bát đựng nước, tụng kinh, nhún chùm bông điệp ta, bông cau, rẩy quanh chùa. Có đêm, Lốt đi một mình vô núi dặn thú dữ, " Ăn no rồi, về hang nghỉ đi, để dân người ta làm ăn." Mùa nuớc, rắn hổ chun vô  đầy tháp tránh lụt, Lốt Ta tới từng tháp dặn, " lụt lội tới đây, ở thì ta cho ở, không ai hẹp bụng, mà không được cắn ai nghe ". Mùa hạn, nghe tiếng rào rào trên rừng tre gai , Lốt ra thẳng ngoài lung dặn bầy hổ mây, "Uống nuớc no, tắm rửa sạch sẽ, rồi về hang, đừng làm người ta sợ ". Từ đó, thú vật giử lời hứa với Lôt, không bao giờ phá phách người. Lốt khuyên người không được phạ giới sát.
Lốt Ta dùng đức độ chuyển nghiệp cho người và muôn thú không khó, nhưng địa thế Sóc nầy khó yên cho Lốt Ta tu hành. Tại sao Lốt bỏ Nam Vang về, Lốt lại ăn nói khác nguời, cái gì cũng biết, người giỏi vậy sao đi tu ?.Sai Gon Nam Vang đang căng thẳng. Lốt cứ bị nghi ngờ , chính quyền Quận kêu lên hàng tuần điều tra. Mật vụ ông Diệm gốc Bắc hỏi gì Lốt không hiểu, họ càng nghi ngờ Lốt hoạt động cho bên kia. Mật vụ chưa đủ bằng chứng, Lốt không hiểu tiếng Việt, nhì nhằng, Nam Vang trao cho Lốt nhiệm vụ gì ? Sao đang làm Sư trong Hoàng Gia sung suớng lại bỏ về đây sống trong Sóc nầy, hay Lốt muốn liên lạc  với bên trong lấy tin tức cho Nam vang? Đêm đêm du kích trên núi lại nghi Lốt tới đây dọ thám cho Quận. Năm 1963, tự nhiên xe Chi khu xuống bắt Lốt lên Sai Gon để đãi đằng, chụp hình, ký tên ủng hộ đả đảo , đăng báo ủng hộ ông Diệm, chống nhóm sư tăng biểu tình đòi tự do Tôn giáo. Lốt có biết gì đâu, tiếng Việt, Lốt chỉ biết nói chuyện hàng ngày, bàn chánh trị thì trớt quớt, tu hành và chánh trị. Đêm đầu tiên về chùa, du kích tới ngay hành tội đủ thứ, may có dân Sóc đông đảo che chở, thêm nữa, tiếng Việt Lốt không rành, trả lời chán mà không ai hiểu, với nét mặt hiền hòa và đức độ, cái gì cũng qua.
Chiến tranh bắt đầu thường xuyên, Nam Vang muốn Lốt về Miên trụ trì lãnh đạo sư sãi. Địa điểm nầy hìểm trở quá, sóc nằm bơ vơ giửa ruộng, xa hẳn đồn bót không ai bảo vệ, nhà phải đào hầm. Ngoài kia là đường huyết mạch, đuờng toàn đất cát, mưa chảy thành rảnh, dễ đào dễ đấp mô thuờng xuyên. Chiều chạng vạng, dân bị lùa cuốc xẻn đốn cây đi đấp mô, đặt mìn vài giờ là xong. Hôm sau, xe đò đậu dài dài chờ phá mô. Sau trò phá mô là pháo kích. Lốt Ta nhớ không khí thanh bình chùa Nam vang, thảnh thơi tu hành. Lốt chỉ muốn độ cho xóm nhỏ nầy mà hai bên không để yên, đạn pháo lích có nhường ai, dù là người tu hành, Lốt không lo cho mình, sống chết vô thường, chỉ lo cho dân trong hầm trú ẩn. Phép Phật che chở chùa, đạn rớt ngoài khuông viên, trong rừng tre gai,  cháy ngùn ngụt. Đạn trên núi bắn xuống, đạn dưới lộ bắn lên. Chùa hay nhà cửa hư hại, ra chợ mua vật liệu về sửa, bị nghi ra liên lạc, không ai thương để yên cho Lốt Tà tu niệm.
Đêm nào đụng, thi thể be bét máu khiêng để tạm trong chùa chờ khiêng đi, ai dám cản ngăn? Lốt ta và dân phải lau khô vết máu để đở bị nghi chứa chấp, lại bị bắt ra chợ mua thuốc, dám cãi không ?Hột cơm Đàn na tín thí ầy nặng quá. Một anh lính Miên xứ khác hành quân qua xóm nầy, cởi giầy, bỏ nón, đi chân đất, kính cẩn dâng phần cơm gạo xấy thịt hộp để vô bình bát Lốt, chắp tay xá rồi ra đi. Lốt ta đứng thật lâu trong cơn nắng oi nồng đọc kinh chúc phúc. Sống trong vùng nghiệt ngả nầy, Lốt Ta chứng kiến sự sinh tử hàng ngày. Lốt Ta muốn như bức tượng Ấn Độ, tuợng ba con khỉ, không nghe, không nói, không thấy, cũng không được. Đêm tối trời, toán người quen mặt thấp thoáng qua rừng đánh thức dân sóc ra đào đường. Sáng sau, chuyến xe đầu tiên đi làm ăn chạy qua, nổ ầm lên, xe nhà binh tới, súng nổ pháo kích, Lốt Ta lên quận trình diện An ninh, đêm đến du kích điều tra...Không thấy, không nghe, không nói tron trường hợp nầy không dễ dàng .
Đêm mưa gió mịt mù, gió hú trong núi Két núi bà Đội đổ về, tiếng Nen Non vang dội trên chùa núi liên hồi, chuyện gì nữa đây. Mưa tầm tả trên mái chùa, gió như xô sập cửa chùa. Lốt Ta đang ngồi xếp mon tụng kinh trong chùa, cầu cho nạn nhân trận đánh đêm qua siêu thoát, Lốt không phân biệt bên nào, tất cả đều chết tức tưởi, cần siêu độ, ai cũng là chúng sanh.
Tiếng gió rung cửa sầm sập như tiếng ai kêu cứu. Lốt mở cửa, luồng gió ào như xô ngả Lốt, gió ạnh quá, người Tà cha phải khó khăn đóng lại và cài song cửa.Lốt tiếp tục tụng kinh, hiếp đi, thấy nhóm người áo đen, áo trận, mình mẫy bê bết máu, thân thể rách nát, xô đẩy nhau tràn vô chánh điện, rên rỉ, " Lốt Ta oi, Lốt Ta đọc kinh cho chúng con suốt đêm nay, lạnh quá, Lốt Ta ơi, đói quá Lốt Ta ơi, cho chúng con ăn cơm. Lốt Ta đọc kinh gấp rút liên tục. Đêm mưa đó người đệ tử ngủ thiếp đi, Lôt Ta đọc luôn qua thời kinh công phu sáng, tiếng súng thưa dần. Buddhan saranan gachami. Dhaman saranan gachami. Sanghan
saranan gachami.
Sau khi thọ thực, Lốt dặn người đệ tử mang phần cơm xớt riêng, để trên khúc bẹ chuối, nhang đèn hương hoa cúng cô hồn dưới gốc cây khế. Lôt tụng kinh lâu lắm. Đệ tử lấy làm lạ, đây đâu phài ngày cúng cô hồn. Lốt nói, " Họ đói lắm, phải cho họ ăn no liền bây giờ.
Ngoài lộ, xe Hồng thập tự khiêng xác chở đi, trong khu rừng tre xác người nằm rãi rác, khe nước màu đo đỏ chảy về lung, mấy đêm liền, rắn hổ mây không xuống lung uống nước.
Dân Sóc hỏi sao đêm đó Lốt tụng kinh tới sáng., họ còn nghe tiếng nhiều người đọc theo, tiếng họ tụng kinh vang rền, dù trời mưa lớn, dân Sóc Nen Non cũng nghe nồn nột và tiếng xào xạc của cây khế. Từ đó về sau, dân Sóc vẫn thường nghe trong chùa có tiếng nhiều người tụng kinh chung với Lốt Tà Bi nhưng người đệ tử quà quyết chỉ có Lốt tụng kinh thôi.
Chiến tranh chấm dứt, Lốt tiếp tục tu hành, cơ duyên độ cho Sóc Diên Râu và Sóc Nen Non đả tròn, máu ít đổ, hận thù ít đi, người dân chỉ lo ruộng vườn. Bao nhiêu thăng trầm Lốt nhận chịu, như hạnh của đất,  đất nhận tất cả. Bây giờ không ai nhắc và điều tra Lôt Tà Bi là ai, Lôt Tà Bi là Lốt Tà Bi. Dân Sóc bị dời đi xa, khi họ trở về, Lôt Tà Bi đã viên tịch, hóa độ xong rồi đi.

Viết thêm. Năm 1963, chưa quen, mà mỗi khi ghé Tri Tôn, Lốt Tà Bi đều ghé thăm tôi. Lốt không hiểu gì về chánh trị. Tôi rất ít khi về quê, nhưng lạ là mỗi lần về đều gặp Lốt từ Diên Râu xuống chợ. Lốt hỏi thăm sức khoẻ, trao đổi vài câu chuyện, lúc đó tiếng Việt chưa giỏi. Lốt đi chân đất, che dù, ăn nói nhỏ nhẹ.
 Tôi ít có duyên với các vị cao tăng. Ở Sai Gon tôi chỉ kính trọng hai vị tăng, thầy Thích Minh Châu  ( dịch kinh A Hàm ), thầy Anurudha, người Đức, tu trong căn nhà tôn nhỏ, nuớc ngập lỏm bỏm, đầy muỗi mòng ở đầu xa lộ Hàng Xanh. Thầy hăm không cho tôi vô cốc thầy, nếu tôi không chừa rượu. Xứ tôi, tôi trọng Lốt tà Bi ngang với hai vị trên.

Chú thích.
Lốt: tiếng Miên gọi các vị sư sãi.
Lốt Ta : Sư cụ, người tu lâu, cao tăng.
Lốt Ta Bi, : sư cụ tên Bi.

Brisbane. PA Hospital
23:10 April 20th, 2007.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét