Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

ĐẤT HÓC TÌ PHƯỚC ĐỊA

Đất Hóc Tì, Phước địa.
                            Lưu Nhơn Nghĩa

Đi đường xe từ Long Xuyên vô tới ngả tư Tri Tôn, quẹo trái xuống Lò heo, quẹo phải là nhà máy xây lúa củ Lến,vàì trăm thước nữa là khu chợ, chợ trước năm 1968, cũng là đầu kinh Tây đào từ đầu thế kỷ 20. Có hai dãy phố ở hai đầu chợ Bắc và Nam, kiến trúc theo kiểu Tàu, vách gạch lợp ngói. Bây giờ bắt đầu từ đầu chợ Nam, đi dọc theo đầu kinh và hông chợ phía Đông về hướng Bắc thẳng tới thành lính Tây, ngày nay là Trụ sở Đảng bộ, quẹo trái về huớng  Tây tới chùa trên, quẹo trái nữa về hướng Nam tới Nhà Việc, từ Nhà Việc nhìn về hướng Đông tới đầu bờ kinh, đó là khu chợ quận Tri Tôn Xà Tón, có từ thời Tây đào kinh chở lính Marốc vô bình định. Tây cất trụ sở Hành chánh à quân sự ( Nhà Việc và Chi khu, Nhà thuơng, trường Miên ). Dân Tàu thế hệ đầu bên Tàu qua, cất năm dãy phố vừa kể, cháy hết một dãy. Họ mở  cơ sở thương mại đầu tiên. Dân Tàu gọi khu nầy là " Hóc Tì, Phuớc địa ", làm ăn phải cho ngay ngắn nếu không sẽ tàn mạt. Không biết họ muốn nói đất Hóc Tì là khu chợ hay bao gồm luôn đất chung quanh và xóm ruộng và các Sóc Miên trong núi ( xóm ngoài kinh, Sóc Xla dom, Ô thôm, Nam vi, Ô pà lầy, Tà pò, Lưong An Trà, Ba Chúc...) Hóc Tì là đất làm ăn phát, xem ra chỉ có khu vừa kể đúng là Hóc Tì, vì cả vùng Bảy Núi, khu nầy phát đạt giàu nhứt, ngoài khu nầy đâu có chổ nào có nhà ngói, nói chi tới phố lầu. Thôi cứ gọi vùng chợ, đóng khung khu đất hình vuông vừa kể là Hóc Tì. Hóc Tì đối với ai ? chắc phải là đối với mấy ông Tàu buôn bán. Dân Tàu mang theo ông Bổn, Phước Đức thần phù hộ làm ăn tấn tài, tấn lợi, tấn bình an, cầu gì được nấy. Ông Bổn làm tròn vai trò mình. Dân Miên thờ Phật mà nghèo, dân Việt thờ ông thần cũng không khá. Một khoảng đất nhỏ mà một đời đã phát. dân Tàu có ba thế hệ, thế hệ đầu bên Tàu qua, thế hệ thứ nhì còn văn hóa Tàu, thế hệ thứ ba Việt hóa.
Buổi sáng gặp nhau tại chợ. Ghe xuồng từ ngoài kinh chở cá tôm vô chợ bán, dân Miên từ Sóc phía Tây, phía Nam phía Bắc mang thổ sản ra chợ bán rồi tất cả mua hàng hoá chợ về. Bốn phương chầu về Trung ương. Ruộng bưng có lúa, nhà máy củ Lến xay, lúa ruộng trên xay nhà máy Cây Me. Tất cả dịch vụ đều do dân chợ nắm, di chuyển có xe đò, chở hàng có xe hàng, đốt đèn có hảng xăng dầu, nhậu có đề bô Lave, tiệm cà phê hủ tíu ngay tại chợ.
Dân Tàu có cái nhìn thực tế, không cần đất rộng, miễn đất đẻ ra tiền là được. Dân Miên sống thảnh thơi trong Sóc mát mẽ, cá mắm có sẳn trong ô, trong ruộng khỏi cần mua, có thú vui tri túc như mấy ông Lốt dạy, rỏ ràng là họ hạnh phúc, ai ở chợ chi cho chật hẹp, ngột ngạt. Dân Việt có cái nhìn bằng tâm tu hành. Núi non là chổ tiên thánh ở, huyền bí, là kho thuốc Nam. Núi là long bàng hổ phục, sấu thần nằm chờ thiên lịnh ngày mở Hội Long Hoa, diệt loài yêu quỷ. Phải nói đây là đất Phật mới đúng, ở sát bên nhau, ở từng khóm, dù khác hẳn văn hóa, chưa bao giờ va chạm, không có chuyện xóm Miên qua phá xóm Việt, mỗi lần lễ lạc đều tham gia qua lại, lửa củi có nhau. Kiếm đuợc kẻ ác trong vùng nầy không phải dễ.
Sau buổi chợ sáng, ai về đất nấy, hết liên lạc, nhờ ở xa nhau, xa mỏi chưn gần mỏi miệng, tuy vẫn có nhiều sự trao đổi mà không để ý. Dân Miên dân Việt đều nói được tiếng nhau, hiểu ngôn ngữ nhau, xa xứ gặp nhau thì không còn phân biệt Việt Miên Tàu.
Còn nữa, năm 1945, phong trào cáp vuông, dân Miên cũng theo đuôi Sóc Trăng, Trà Vinh, nổi lên, dao gậy làm dữ. Dân Tàu ở Ô Thôm đã no, dời ra chợ quận từ đời nào rồi, từ đó dân Miên phải lặn lội ra chợ quận mua hàng hóa của chính mấy anh Tàu nầy, lại làm giàu cho mấy anh Tàu. Còn xóm dân Việt ở xa Sóc, hay dù gần như Xà Lôn, oán thù chưa kết, đâu có ai siêng vác dao chém nhau cho mệt, để thì giờ lo ruộng rẩy, phật xạ uống ruợu, sống không thù nhau, chết không oán nhau.
Có chuyện nho nhỏ, vui vui. Chàng Xum gốc Miên đang ngồi đấm bóp lưng tôi bị trặt do bà núi Nam Vi hành, chú Năm giò đi qua  vui vẻ, " Xum nhớ tao không ?". Xum hề hà, " Nhớ, bửa hổm chú cho tôi ăn thịt chó nè ". Chú Năm giò la, " Oi cách xi, a lâu cách tha", cho người ta ăn, bây giờ người ta nói. Chú Năm muốn giấu kín chuyện ăn thịt chó, trách Xum tiết lộ bằng tiếng  Miên, xứ tôi chưa chấp nhận việc ăn thịt chó là bình thuờng. Hai câu đối thoại, nguời Việt nói tiếng Miên khi cần, người Miên nói tiếng Việt, tôi còn nhớ mẫu đối thoại như in.
Tiếp tục chuyện sóc Xà Lôn, tới mùa săn, dân Miên dẫn chó lên núi đuổi heo rừng xuống chân núi, anh Việt Nam chuẩn bị dưới chưn núi, con nào chạy xuống thì vớt khiêng đi. Ai giết được heo thì heo thuộc về ngưòi đó, có lý. Ông xã truởng Việt xử rất công bằng, Miên có công đuổi lấy cái thủ, danh dự, mà cái thủ không có nhiều thịt, dân Việt lấy cái mình heo, thịt nhiều. Chơi cha người ta như vậy, gặp tôi, tôi cũng chém.
 Ngời Tàu hay nói về xứ nầy, "Miên mà biết đi guốc thì xứ nầy hết làm ăn ". Họ mua chổ nào quen chổ đó, dù mua mắc, ít khi mua chịu. Chưa biết mang guốc nghĩa là khờ khạo, lạc hậu, dễ lợi dụng. Sau nầy, dân Tàu có vàng sợ bị tịch thu, dân Tàu sợ quýnh, biết gởi cho ai, ở với nhau, biết nhau quá, đành mang gởi cho dân Miên mới yên tâm. Người chưa từng thấy số vàng nhiều, sợ quá giữ gìn cẩn thận, sợ mất lấy đâu thường. Năm 1977, dân Miên bị đuổi đi xa, họ mang vàng trả cho chủ gởi không thiếu một ly, vì họ chưa biết đi guốc.
Dân chợ, cờ tới tay cũng biết phất, vì biết mang giày mang dép, có chức sắc cũng làm khó dễ bà con, ông làm công an bị bắn chết vô duyên, ông làm truởng ấp đứng rình bà con chờ báo cáo lập công. Còn một ông nữa, nhắc thì nhắc cho hết, lúc trước trốn lính, bán tiệm tạp hóa, không cạnh tranh đồ sắt với tiệm ông già, ơn oán không có. Khi lên chức trưởng ấp, cứ vài ngày xách sổ tới nhà hỏi tôi ở đâu, sau vắng mặt trong " hộ ". Ai cũng biết tôi đi xa từ nhỏ, tờ khai gia đình ở Sài Gòn, cứ hỏi tới hỏi lui. Ông già tôi vì cái tịch tôi ở New Zealand, sau lưng lại có con thỏ, sợ tới mang bịnh tim. Năm 2000, tôi ngồi chồm hổm trên sạp ăn bún bì, tình cờ giả đi ngang, nhăn mặt cười hỏi, " A Din Nghỉ, lứ tên xì lải ? "( N. mầy về hồi nào ? ) Ý giả hỏi sao không ghé thăm giả, thổ công mà.. Ngày trước, tôi vẫn gọi giả là tùa hia, anh cả, thân tình. Tôi đang cố nuốt một họng bún, nhằm muỗng ớt cay mắc nghẹn trong cổ, ho sù sù liên tục, " phú bấu ", tao không--- mầy là may.
Dân chợ ít ai đi lính, hầu hết hoãn dịch gia cảnh, lính kiểng, chức sắc tà lọt để khỏi tác chiến, ít ai tử trận. Sẳn đây nói luôn, dân chợ nhác như thỏ, tiêu biểu là ông già tôi, ổng rình chờ tôi nói hớ là điên lên chửi, coi tôi như thằng con nít lên mười, rất sợ đụng chạm với người khác," Sao mầy nói vậy..? hổng nên chơi với mấy người đó à '', rồi chửi rủa ầm ầm. Tôi đã quen ngôn ngữ thoải mái với bạn bè ở Sài Gòn, lần nào về quê cũng có chuyện nên tôi  câm miệng như con gà chết, nhưng ai làm gì đuợc tôi ?, tôi sống hợp lệ, không trốn lính. Con gái xứ tôi, nhứt là mấy cô thợ may, bị tụi ở xa tán tỉnh gạt gẩm, tôi dư biết gốc gác bọn nó đã có gia đình mà không dám hé môi cảnh cáo, chưa kịp mở miệng là bị tủ kê vô họng rồi. Vô tình bao nhiêu đứa ngây thơ làm bé làm mọn.. Sau 1975, ổng ru rú ở nhà, run như bịnh sốt rét.
Xứ Hóc Tì nầy khó phát quan, có vài sĩ quan kiểng, đại uý mà mặt gà mái, để bọn xứ khác tới hiếp đáp dân xứ sở mình mà câm như hến. Chỉ có một đứa tôi thật sự kính phục, thằng T., thiếu học, tiểu đội trưởng nghĩa quân, thủ cây trung liên, lầm lẩm lì lì đi đầu, hứng chí kê súng vô hàm bắn bể hàm chơi, mẹ, thằng nào ngon ra đây, bọn sĩ quan xứ khác kiêng nó hơn là Đại uý Ch., thiếu uý L.,chưa kễ sĩ quan kiễng. Nói trắng ra, dân chợ sống lo làm ăn, lấy của che thân, tránh đụng chạm, cần thì hối lộ yên thân, vẫn còn lời, đêm ngủ thẳng giấc, vị kỷ..
Đất Hóc Tì chỉ đãi người mới, đời thứ nhì phải đi xứ khác mới khá. Sau bảy muơi năm hơn, người ta ăn hết phuớc rồi, cạn như nước ông Bảo. Buổi sáng khu chợ bị rào lại, chỉ có người đi bộ mới vô khu chợ, phố cũ chỉ buôn bán lẽ, dép thúng, đồ nhựa lặt vặt, không bán sỉ được. Bây giờ chợ đã dời ra xa cà mấy cây số. Thế hệ đầu đi hết rồi, ông Lào Tán, Bảo an Xuơng, ông Bang Ứng, Đại Đức chành, ôg bang Tốt Lào chệt Sầm Văn..., nhiều lắm. Thế hệ kế còn vài người. Thế hệ tôi xem ra không thọ bằng thế hệ đầu., đang nằm bịnh viện viết bài nầy, lo quá, một mình lo bảy lo ba, lo cau trổ muộn lo già hết duyên.

Brisbane . PA Hospital. 23:05. April 21, 2007.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét