Anh Năm thợ hồ và anh Sáu thợ mộc
LƯU NHƠN NGHĨA
Đám trẻ ranh trên núi kéo cờ đỏ chạy xuống chợ la thất thanh ‘đất nước giải phóng, hoan hô, đả đảo...!’ Lá cờ đỏ phất tới đâu có mãnh lực làm thiên hạ đóng cửa tới đó, họ bở ngỡ lạ lùng với mớ từ ngữ chưa nghe thấy bao giờ.
Không khí im lìm ngột ngạt thấm nhập ngay cả vào hàng me xanh mướt lá run rẩy dưới cơn nắng thiêu đốt. Tin tức qua mấy cái máy thu thanh nhỏ bé về sự thay đổi chính quyền, khúc quanh lịch sử trọng đại sắp xếp ở bên Tây bên Mỹ chưa hoàn toàn thấm nhập vào chợ quê này. Dân chúng chỉ thấy có gì lạ lạ, khác thường. Biến cố chưa đủ khả năng đe dọa tinh thần họ như tiếng sấm nổ long trời và cơn mưa lởđá núi Tô năm nào.
Buổi chợ trưa bao giờ cũng vắng vẻ, trừ các tiệm nước ngã tư đường lác đác những người đi sóc về, ngồi lê la nhăm nhi ly cà phê đen thường lệ, vừa nghỉ xả hơi bàn giá cả thóc lúa, thổ sản. Lần đầu tiên trong đời, họ cảm được sự khác biệt, không giống mấy lần đảo chánh trước kia. Ngay đến chủ các tiệm buôn quanh chợ còn vô tình, thiếu ý thức chính trị, dù tất cả mọi người đều quen với giới nghiêm, súng đạn pháo kích, chiến tranh hằng đêm - ‘Mà có chết ai đâu? Tới đâu thì tới, đèn nhà ai nấy sáng, trời kêu ai nấy dạ, cái sự vong như cái sự tồn!’ - Họ lý luận rất giản dị, như chính cuộc đời họ. Thời gian qua mau, tiếng loa hô hào bắt đầu ồn ào, xáo trộn đời sống dân chợ và dân xóm nhà lá. Những căn nhà lá lụp xụp, túm rụm vào nhau hai bên bờ kinh không có tên đường và số nhà, tầm thường vô danh như những người cư ngụ, bà con chằng chịt, quen biết nhau đã mấy đời nên địa chỉ đối với họ hơi dư thừa. Mấy dãy nhà ngói rêu xanh cũ kỷ, cất từ đầu thế kỷ hay những căn nhà lầu đúc mới xây, an toàn bằng bê tông cốt sắt, chống pháo kích hữu hiệu, chủ nhân được gọi tên theo bảng hiệu mình, vẫn thờ ơ với thời cuộc. Nhà lá hay nhà ngói đều chưa chuẩn bị chào đón tư tưởng ‘Mác xít, Lê Nin’ nhập cảng ở bên Nga, bên Tàu, họ nghi ngờ phẩm chất đồ nhập cảng này chưa chắc tốt hơn cây búa, cây cưa ở tiệm sắt, vô ích hơn tấm lưới câu, lạt lẽo hơn ly cà phêđá thơm mát buổi trưa
Xóm nhà lá ban đầu tổ chức ăn mừng cách mạng, ‘con ta khỏi đi lính’ nên họ nhậu thả cửa, đi lại suốt đêm, làm ăn để đó, hồi nào giờ, xứ này có ai chết đói đâu? ‘Tiếng súng xử tử ở sân banh không đủ thức tỉnh họ’, ôi! Nhà ai nấy ở, cơm ai nấy ăn, ai làm dữ nấy lo, ai đánh to thua lớn. Rồi dân gốc Miên bị đuổi khỏi sóc, chợ búa thiếu rau cải, cây trái ... Ôi! Trời trả quả, hồi năm 45, tụi chết đốt này nổi lên ‘cáp duồng’, bây giờ đáng đời, mỗi người tốn ba thước củi là cùng!
Những căn nhà lá dọc theo bờ kinh còn đó, phân nửa nhà nằm trên mặt lộ đá, phần sau nhà dựng bằng tre mở trên mé kinh. Gia đình đông con lại nghèo nên họ sống dễ dãi, nước sông gạo chợ, nấu ăn, tắm giặt gì cũng ở đó. Ai bước vào căn nhà ẩn dưới rặng trăm bầu buổi xế trưa đều gặp chú Năm Có. Chú Năm ngồi ngất ngưỡng, độc ẩm trên cái chỏng tre lung lay như răng sắp rụng, nghiến kẽo kẹt kêu ca, mỗi lần chú nhún thân mình mập như bao lúa. Trước mặt chú, một chai rượu trắng, mấy con khô cá lìm kìm, vài miếng xoài chua, và dĩa muối ớt. Năm Có trệu trạo nhai miếng khô, chắp miệng thấy thèm, mặt nghinh, mắt nhướng nhìn lên, chắc lưỡi rũ mấy con thằn lằn xuống nhậu, thỉnh thoảng đổ ọt ly rượu vào miệng như đổ nước vô lu.
Cách mạng hay quốc gia, sau bửa cơm trưa đạm bạc, thiếu thốn thì đúng hơn, chú Năm Có bắt đầu nhăm nhi cho qua cơn nắng oi nồng, cổ nhăn nhúm đỏ gấc như da cổ con gà cồ, nóng hơn mặt trời đứng bóng.
Thím Năm nhẫn nhục, quá quen thuộc bản tính chồng nên ít khi cằn nhằn trước mặt, tuy sau lưng chồng, thím thường hay nói hành nói tỏi, gia đình nhờ vậy nên sóng lặng gió yên. Mà chú Năm có ăn hại gì đâu, mấy con khô cá lìm kìm, trái xoài chua, chai rượu đế giá bao nhiêu mà kiếm chuyện, ‘tao có đòi rượu Tây, khô long chả phụng đâu mà kiếm chuyện, cằn nhằn là tao đốt nhà à’, chú Năm mượn rượu làm oai với vợ, lâu lâu chú ỷ thế cùi không sợ lở, heo chết còn sợ gì nước sôi, chưởi đổng, ‘xin lổi,Việt Cộng tao còn không sợ nữa à!’ bà vợ nghe lạnh tay lạnh chưn, sợ tai vách mạch rừng, ríu rít xin lỗi cho yên,được thể chú Năm càng làm già, nhứt là có mặt chú Sáu Hường, bạn thâm niên, làm nghề thợ mộc.
Hứng chí hay thất chí, sau xị rượu đế, chú ngã quay ra nằm luôn trên chỏng tre ngủ mê man tới chiều, tiếng ngáy ồm ộp rung rinh cột tre dưới nhà, mặc đàn muỗi tha hồ chích cái lưng dầy như tấm thớt. Trong giấc ngủ khê, chú thường quơ quào mớ ú ớ trong miệng ‘cái nhà, tao xây hồi đó!’
***
Năm Có chấp tay sau lưng đi quan sát tiệm tạp hóa cột gỗ mọt ăn, trên vách ổ mối dài ngoằn ngoèo như ghẻ chùm bao. Chú nghiêm trọng gật đầu nhè nhẹ sửa lại gọng cặp soi mát ‘mới mua năm chăm bạc’ chủ nhà mời vào uống nước trà bàn chuyện giao cho chú xây cất. Mời Năm Có xây nhà, chủ nhân phải kiên nhẫn đợi khá lâu, với đầy đủ điều kiện. Cầm ly trà nóng tới nguội, Năm Có phân trần ‘thợ hồ xứ này họ xây theo ý chủ, họ quên xây phải đúng phương hướng thủy thổ, thì nhà làm ăn mới phát, gia đình mới hòa thuận, muốn xây mau như họ, tôi làm cũng được, mà sau này đừng trách tôi không chịu nói cho nghe! Thời buổi, tôi xây tường, ca nông, mọt chê bắn không lũng, đừng nói đạn súng cối, ma-ti-dết, mút-cà-tông!’
Bàn về giá cả, Năm Có nghiêm mặt, ‘nè, tôi học nghề mấy chục năm mới lên thợ cái nghe! Cầm cục gạch xây tường phải thẳng như thước gạch vậy, thấy Chín Be xây cái nhà Tửng É không? Aiđời, thợ hồ xây cột có chửa!’
Năm Có đắc chí, xoa hai bàn tay, như hai nải chuối cau mẳn chín thâm kim. Chủ nhà lả vả ‘sao cũng được mà anh Năm’.
***
Ngày khởi công, quấn điếu thuốc bập bập phà khói, chỉ huy đám thợ phụ, Năm Có căng dây, nheo mắt, hạ giọng, ‘qua chút, qua trái chút nữa, nói hoài cũng vậy, tụi bây lỗ tai cây mà!’ - góc bên kia thợ phụ đã đào xong lỗ xây cột, Năm Có treo sợi dây dọi, ngắm nghía, cẩn thận theo lương tâm nghề nghiệp. Phải thôi sao, liếc mắt xem chừng bọn đào lỗ xây tường, Năm Có nạt ‘hể vắng tao là bây đứng chơi, hồi đi học nghề, cha thợ cái lấy cái bàn chà đập lưng tao muốn lồng phổi, còn bây giờ tao dễ quá, bây lừng há!’ - còn đám phu trộn hồ, Năm Có canh chừng từng chút, cát, xi măng, vôi nước phải đúng theo ý mình; ít cát nhiều xi măng thì lỗ, nhiều cát hồ non không chắc tường, thiếu nước hồ trộn không ăn, nhiều nước hồ nhão xây không vững. Nhờ cẩn thận nên sau mỗi lần xây cất, Năm Có dư dã năm ba bao xi măng bán đem ngồi sòng bông dụ. Chủ nhà than phiền, tại họ không ở trong nghề, lệ tổ nghiệp, bỏ là trái lệ, thợ hồ ăn hồ, còn thợ may ăn vải, thợ mộc ăn dăm, còn thợ hàn ăn thiếc, sao không nghe ai chê cười,đám em út, theo học nghề hay thợ phụ, phải nghe lời răn rắt.
Năm Có ngồi chồm hổm bắt đầu xây cột cái, gạch được gánh đến chất gọn gàng bên trái, thùng hồ bên phải, vừa tầm tay, không cần đứng dậy tới lui. Tay trái cầm cục gạch thẻ, ném lộn gạch để nhìn hai mặt, đập chính xác xuống, tay phải cầm bai xúc hồ vừa đủ, trải hồ trên mặt gạch, vỗ gạch cho ngay, tém hồ không cho rớt xuống đất, động tác khéo léo không dư không thiếu. Cái bai gạt đất cát trên mặt gạch, chặtđẽo viên gạch vuông vắn khít khao khi cần. Cột Năm Có xây thẳng, gạch không lồi ra lõm vào, cột không có chửa như mấytay thợ khác xây.
Làm ăn công ngày nên Năm Có rất thận trọng, xây chừng vài gang cột, lại vấn điếu thuốc trầm ngâm ngắm nghía, chiêm ngưỡng công trình hoàn hão của mình, chủ nhà chưa chắc vừa ý lối làm việc hết giờ không hết việc. Gặp hôm trái ý, Năm Có dặn thợ hồ trộn thật nhiều hồ xúc đầy thùng, hôm sau hồ dư, đặc cứng đổ bỏ, ‘để cho chủ ăn hồ cho biết’, chủ nhà rất sợ trường hợp này, nên cơm nước vừa miệng, thịt gà trộn bắp chuối hột thêm xị rượu công xi, vừa nhâm nhi vừa gật gù, vợ con chủ hầu hạ chờ đợi dọn dẹp mặc kệ. ‘Xây gạch còn dễ, xây tường đá khó hơn nhiều, đá lớn nhỏ không đều nhau, đặt cục đá xuống là phải ăn khớp, chỉ có tui xây được thôi, không tin ngó thử cái hàng rào nhà ông quận Sóc coi, trên tường cắm miểng chai sợăn trộm leo, vững chắc như Vạn Lý Trường Thành’.
Mãy người lo cơm nước nghe Năm Có nói, chán ngấy, mặt chầm dầm, ‘ăn no rồi đi về cho người ta dọn dẹp, còn ngồi nói chuyện năm trên’. Năm Có lãng tai nên khề khà tiếp tục ‘Còn chuyện xây mả mồ nghe, thợ hồ xây ẩu, đất sụp, động mồ động mả con cháu tán gia bại sản, mả ông Cả, Sáu Be xây sụp tường đó, thằng cháu nội trai ông Cả đi ghe nồi bị Ma Rốc bắn chết đó thấy hông? Bởi hồi xưa người ta trọng thợ hồ lắm, nhứt là mấy cô gái ưa đòi mẹ gã cho thợ hồ, nên có câu: Má ơi, con quyết lấy anh thợ hồ, mai sau má có chết, cái mả cái mồ nó xây’.
Mà thật, Năm Có xây nhà khó ai dám chê, dù đồng nghiệp địch thủ như Sáu Be cùng học một thầy.
Chiều chiều, trước khi chủ dọn cơm, Năm Có đứng chỉ huy tổng quát, lớn tiếng dặn dò đám thợ phụ cốt ý cho chủ nhà nghe, ‘Mỗi buổi chiều tụi bây tưới nước sương sương lên vách, để cách đêm tường chắc, tô vách tường thì xi măng phải già hơn một chút, tô bằng bàn chà cho bằng phẳng, mới lấy bai vuốt cho láng. Pha nước vôi phải nhớ mấy phần nước mấy phần vôi, nếu quên, thùng vôi pha sau đặc hay lỏng hơn thùng trước, quét lên tường chỗ đậm chỗ lợt sọc rằn coi không được, còn đổ nền nhà, ngày nào đổ phải làm cho rồi, nếu chưa rồi mà đợi bửa sau làm tiếp, nền cũ hồ khô cứng, đổ thêm lớp mới thành bánh da lợn nghe. Lót gạch, phải trải cát cho thật bằng, sau khi lót, đổ nước lên thấy nước không đọng mới được.’
Trước khi rửa tay nghỉ, Năm Có thu dụng cụ rửa thật sạch, ngâm nước để hôm sau, cây bàn chà, cái bai, xẻng, cuốc không bị hồ đóng cứng. Năm Có dặn dò khuyên răn thợ phụ ‘ăn cây nào rào cây nấy, cất căn nhà này rồi, còn cất căn khác nữa’. Nói vậy nhưng khi tiền nong trái ý có chuyện bực mình với chủ nhà, Năm Có bỏ mặc, ‘kệ nó, nhà ông nhà cha mình sao mà làm kỷ lưỡng’.
Tuy gắt gao với thợ phụ, Năm Có đối với em út rất có lòng, nhứt là với các cô gánh hồ như cô Hai Thảo, được chú chở che, ngon ngọt. Cô Hai Thảo gánh hồ da mặt hồng như trái hồng quân. Cây đòn gánh tre quằn quại hai đầu là hai thùng hồ nặng trĩu, nhún nhẩy, thoăn thoắt nhịp nhàng trên vai thêm chút duyên của người khỏe mạnh cần cù, chiếc áo vá vai vải ú màu đen nhuộm hồ, cát, vôi hàng ngày ngả sang màu xám.
Năm Có vừa ý lắm, liếc nhìn cô Hai Thảo.
‘Áo vá vai, vợ ai không biết!
Áo vá quàng, cả quyết vợ anh’
Áo vá quàng, cả quyết vợ anh’
Nắng đổ trên nền nhà đang xây dỡ, gạch ngói, cây vụn ngổn ngang, Hai Thảo hay đứng sau lưng che nắng cho Năm Có, bóng hai người nhập thành một in trên vách, cô Hai Thảo cầm cái nón lá dầy, vành nón rách tua tủa, vuốt mồ hôi tươm trên trán quạt phe phẩy cho Năm Có, cả hai mát mặt, mát lòng, mát ruột, ‘nắng lửa hồng mát như mưa’, Năm Có bắt chước giọng cải lương, hể hả.
Năm Có tâm sự nghề nghiệp, ‘hồi mấy năm trước anh đứng trên cây thang tre vừa kéo thùng hồ nặng lên, cây thang gẫy, anh nhảy kịp, nếu không giờ này đâu có ngồi nói chuyện với em’. Hai Thảo quạt phành phạch vừa mắc cở, sợ tai tiếng, đám thợ phụ thị thiềng, nói cô nịnh bợ thợ cái.
Ngày dài làm việc cực nhọc, nóng bức lấy gì làm hứng thú, nếu thiếu cơ hội nghỉ ngơi bên Năm Có, rãnh tay nghe kể chuyện.
Ðêm về cơ thể rã rời sau suốt ngày gạch rồi hồ, hồ rồi gạch, hai bên vai đau nhức ê ẩm, Hai Thảo lăn ra ngủ mê mệt, trong giấc chiêm bao cô thấy Năm Có tướng quân lẫm lẫm oai nghi cầm cây bai sắc như gươm Lục Yểm chém yêu đứng chỉ huy đám dân đinh xây ngôi nhà ngói năm căn như nhà thầy ký Xạ, nhà nền cao, bực thangđá xanh, nền lót gạch Tàu mát lạnh, sau nhà có giếng nước mát lành, có bàu sen cây che mát, Hai trở thành bà chủ ngồi trong nhà, da dẻ mát rượi dù bên ngoài trưa nắng cháy da.
Năm Có liệng cây thước hồ cắm xuống đất, cầm bai múa đường quờn, cả vùng Chợ mọc lên dãy nhà mười căn, hàng ba rộng rãi, chiều chiều ngồi trên chỏng mời bà con tới uống nước. Trong giấc mơ, Hai thấy khát nước, thèm vắt nước đá bào xi rô vàng ngọt mát, thấy rêu mọc xanh trên mái ngói cũ. Hai lăn lộn, trằn trọc, mồ hôi rít mình, ngứa ngáy vì mấy vết muỗi cắn, cái mùng rách lỗ chổ, chỏng tre và chiếu ẩm mồ hôi. Hai thèm thoát khỏi căn nhà ọp ẹp vách lá, lợp đưn, cột tre chật hẹp, sợ mọt chê rớt sập, sợ đạn súng mút xuyên qua, sợ súng trái châu rớt cháy nhà. Ước mơ có căn nhà gạch, ngoài Năm Có, ai có đủ khả năng mang cho cô? Hai Thảo chép miệng, ‘Má ơi, má nghèo làm con cực khổ quá trời!’
‘Dù cho má đánh ba treo,
Ðứt giây rớt xuống, con cũng theo anh thợ hồ.’
Ðứt giây rớt xuống, con cũng theo anh thợ hồ.’
***
Chợ này trước mặt là con kinh cùng, hai bên đồng ruộng bao la trải tới bờ sông Hậu Giang cách đó gần bốn chục cây số. Sau lưng xa xa là những dãy núi cao, núi đất, núi đá.
Buổi chiều, công việc đã xong, người ta thong dong đi ruộng. Ai nhà ở xóm chợ, đi ruộng Chưn Num, bờ ruộng tiếp giáp với dãy núi hùng vĩ chở che. Dân xóm nhà thờ đi xích ra ruộng bưng, cỏ xanh mơn mỡn, nhờ nước xâm xấp. Ai ở xóm chùa dưới tạt qua đám ruộng khô Ô Bà Lày, gần mấy chòm cây thốt nốt. Xóm kinh càng tiện, đổ ra phía cầu Giáo Sự. Ðồng ruộng bao la, bờ ruộng cao, mát mẻ, bụi cây, đám cỏ xanh che khuất kín đáo, dù mưa hay nắng cũng đủ chỗ cho dân tình làm công tác vệ sinh thoải mái. Ban ngày, túng bách quá thì chạy qua đầu bờ kinh, sau mấy cụm me nước lá dầy đặc mát mẻ cũng xong, miễn khuất mắt đám phú lít mắc ôn mắc gió của cha Cò Tây.
Một buổi chiều khi đi đồng về, ai chú ý sẽ thấy đám thợ hồ đang bàn tán xôn xao giữa sân bên hông chợ. Cuộc thảo luận khá sôi nổi. Ðây không phải buổi họp chính trị về chuyện Nhựt thua trận, Tây thua Ðức, Việt Minh cướp chính quyền, Bảo Ðại thoái vị. Cuộc họp mặt công khai, các tham dự viên là các tay thợ hồ, trong đó Năm Có là một. Thợ phụ và các cô gánh hồ vắng mặt, chưa xứng đáng tham dự đề tài. Họ dùng tất cả tứ chi, miệng mồm thuyết phục, giảng giải, phản đối ...
Ðề tài thảo luận mới mẻ ‘cái cầu tiêu máy’. Từ thuở giờ xứ này có ai nghe thứ lạ lùng này đâu, viết máy, xe máy, bàn máy may, nhà máy xay lúa thì có, ai chịu khó nghe cũng im lặng tỏ vẻ hồ nghi.
Thuyết trình viên Sáu Be, từng đi làm Sàigòn, truyền bá thao thao, ‘nè, chung quanh họ đào sâu xuống chừng hai thước tây, chung quanh xây gạch tráng xi măng. Nè, nè, phần trên đúc sẵn, nè, nè, nó cong cong giống con thỏ, nên người ta kêu bằng con thỏ. Ði xong, dội nước xuống, cái xác ở dưới, còn nước chảy ra đường mương, chừng 15 năm có xe lại hút đi. Nè, nè! Xác nó mục thành đất. Sáu Be càng nói càng lắp bắp, tay chân lúng túng trình bày.’
Năm Có ngắt lời, ‘thôi mà, nói nghe gớm thấy bà nội’, vừa khạc nhổ một bệt nước miếng.
Ở đây, sang như nhà ông Quận, chỉ có thùng, gọn và sạch. Sáu Be đi xa về vẽ rắn thêm chưn, ‘đâu phải hể thợ ở Sàigòn về là giỏi hết!’
Ðêm đó, Năm Có thấy đau quặn ngang bụng và bả vai sau buổi nhậu ở nhà Sáu Be về vụ ‘cái cầu tiêu máy’. Sáu Be được mấy thầy ký kêu đo đạc xây cầu. Năm Có tuy là thợ kỳ cựu, bị chạm tự ái nên sa sút tinh thần sau những năm làm việc, cảm thấy bị đào thải theo thời gian. Chú bị đẩy xuống thợ hạng nhì, chỉ được mướn sửa nhà lặt vặt, xây miệng giếng, sửa bức tường cũ bị nước xoáy mục. Ðàn em, tay chưn bộ hạ bỏ nghề đi lính hết.
Thời cuộc đổi nhanh, lúc còn xây nhà cho tiệm tạp hóa ông Húa, chú Năm nằm đêm có thể nghe và đếm bao nhiêu tiếng súng mút, bây giờ tiếng súng dồn dập như máy nổ, nhà gạch thẻ hai mươi do chính tay chú xây cho ông Năm thợ bạc bị bắn cháy sập, chú hết tưởng tượng nổi súng đạn bây giờ, chiến tranh bộc phát có mấy năm, dân chợ làm ăn phát đạt tranh đua xây cất nhà lầu đúc, nóc bằng tránh pháo kích. Nhà đúc đào móng sâu, bê tông cốt sắt, sàn nhà lót gạch bông mát mẻ, lan can bằng đá mài, hồ đẩy bằng xe ba bánh, nhiều mà mau. Mấy cây cột, bức tường này Năm Có thuở xưa cẩn thận cầm từng viên gạch xây. Qua bao nhiêu mùa mưa nắng, tường không mục, vách không lở, vôi không phai. Năm Có đứng nhìn họ đập bằng búa tạ, xô ngã từng mảng tường, gạch, nằm lăn lóc trên mặt đất không chút nương tay thương tiếc. Họ đành lòng phá tan nát công trình xây dựng của Năm Có, nỡ quên công lao cô Hai Thảo còng lưng, sưng bả vai gánh hồ dưới cơn nắng chang chang, ‘mồ hôi nước mắt em Hai nhiều hơn nước trộn hồ’. ‘Hai ơi! Vì thương anh, nghe lời anh theo nghề hồ, vôi ăn lở lói tay em, thùng hồ ngã trúng đầu, rồi em chết tức tưởi vì đạn pháo kích. Cái đòn gánh và đôi gióng em, anh còn giữ. Anh hứa liều cất căn nhà ngói tường gạch có giếng nước sau nhà cho em đỡ cực, mà giờ này anh còn ở trên căn nhà lá lôi thôi cheo leo bên bờ kinh, mùa nước lên sợ sụp đổ, long chong như kiếp thằng thợ hồ, xây chưa được cái mả cái mồ cho em. Anh tệ lắm em Hai à’.
Năm Có lơ mơ thấy mình lấy xi măng trắng đắp tượng Hai Thảo trắng toát như màu nước vôi. Hai biến thành nàng tiên thanh khiết thướt tha bay lãngđãng trên bầu trời xanh.
Năm Có mắt lờ đờ nửa say nửa tỉnh, dụi mắt cay sè sau giấc mộng Nam Kha. Thím Năm cầm cây chổi lông gà đuổi ruồi muỗi cho chồng.
‘Ngủ gì ngủ dữ vậy, xế trưa rồi coi chừng bị mộc đè à! Anh Sáu Hường kêu ông ra tiệm cà phê coi nhà ông Húa bị kiểm kê, tịch biên làm cửa hàng bách hóa kìa’. Chú Năm chống tay ngồi dậy khó khăn. Ờ, bà đưa tôi vài chục tôi ra uống cà phê với anh Sáu Hường luôn thể!
Năm Có và Sáu Hường là đôi bạn thân lâu đời. Nhà cách nhau con kinh, bề ngang chừng sáu thước, hai bên có chuyện rầy rà trong gia đình đều nghe rõ, muốn thăm viếng nhau phải đi vòng qua ngã chợ mất hai mươi phút đi bộ, nên thường hẹn nhau ở quán cà phê cho tiện đôi bên. Quán cà phê là chỗ hai người bạn già xả hơi những bực dọc về nhân tình thế thái, đồng bịnh tương lân, câu chuyện không bị mấy mụ vợ ‘thọc gậy bánh xe, mở miệng ưa chỏi bản họng, nghe phát ghét’.
***
Chú Sáu Hường quấn cái khăn rằn cố hữu lửng thửng tới tiệm cà phê,đối diện với tiệm Vĩnh Huê Chành, cẩn thận phủi bụi ghế rồi ngồi quay vô tiệm kêu ‘cà phe ... e!’
Tiệm cà phê này có lợi thế nhờ tọa lạc ở ngã tư đường, hai bên là dãy phố xưa nhứt. Phố rộng dài, tường cũ kỷ, dân Tàu đã ở hai đời. Tiệm Vĩnh Huê Chành trước là công xi rượu, sau vựa nước đá, đề bô nước ngọt la ve, nhờ phát đạt nên cất lại cơi thêm hai từng, nóc bằng, lầu đúc. Cửa sổ hình bán nguyệt, song sắt, có giếng nước sau nhà. Nhà bị kiểm kê vì mấy mươi năm thiếu thuế cách mạng, mấy đứa con lại vượt biên. Huyện uỷ thương tình chủ tiệm biết điều, dễ thương như mấy chai rượu Martel nên cho phép dọn đồ đạc ra, chỉ mượn tạm nhà làm cửa hàng bách hóa.
Chú Sáu vấn điếu thuốc lá le lưỡi liếm rồi cuốn điếu thuốc, châm lửa phì phà, cố ý ngong ngóng chờ đợi, lý do thầm kín chỉ có chú biết. Chú nhấp ly cà phê đen thơm mùi bắp rang, vừa nhìn người nhà tiệm Vĩnh Huê Chành, lăng xăng dọn dẹp. Mắt chú Sáu chợt rực sáng, bất giác đứng dậy nhìn trân trối cái tủ chén cũ kỷ để trước lề đường chờ xe ba gác chở đi, chú lẩm bẩm ‘a, cái tủ búp phê, cái gạc măng rê’, mồ hôi đổ như tắm, đầu lắc lư như tợ nhập bà bóng, miệng láp giáp ‘cái bàn, cái ghế, cái tủ!’ - mắt lờ đờ mất thần.
***
Anh thợ mộc dựng cây cột thao lao dựa vô cửa ngữa mặt nhìn lên ngắm nghía, hạ cây cột, lấy cây thước ê ke đo, làm dấu rồi cưa hì hục. Lúc dựng lên thấy thiếu cả tấc tây. Chú cầm cây cột hậm hực chưởi thề, ‘mẹ bà nó, ngó thấy đúng trân, lúc cưa thì hụt cả tấc’, vừa mắc cỡ vừa bực tức.
Buổi sáng, sau khi cà phê cà pháo xong, Sáu Hường mở thùng đồ nghề trịnh trọng làm việc, Sáu Hường tối kỵ việc cho mượn dụng cụ dù viên đá mài dao. Chú làm việc kiên nhẫn với cây cưa, búa, bào, đục, hiệu Bờ Rô Sư Tử của Tây. Cây búa bén gọt cam ngọt xớt, dụng cụ được chú tự tay mài tỉ mỉ hàng giờ, bên tai giắt cây viết chì, bên giắt điếu thuốc vấn hút dỡ dang, bàn tay vàng màu vẹc ni. Ai đặt khung cửa sổ, chú làm xong mang đến ráp vào khít khao, cánh cửa không bị xệ. Chú thường nói, làm cửa sổ, cửa cái, quan trọng là bản lề tùy theo cửa và cây nặng nhẹ. Ðinh cũng vậy, đinh lớn đóng cây mỏng phải khoan trước. Ván tùy loại ván, thao lao, dầu, mềm hơn căm xe, cà chất. Ðống cây ván dài ngắn, dầy mỏng trong xưởng lớn nhỏ đủ loại, được bàn tay khéo léo đóng thành đồ gia dụng. Sáu Hường có thể nhắm mắt cầm khúc cây biết đầu nào ngọn, đầu nào gốc, loại gỗ gì. Ai muốn đặt tủ búp phê, gạc măng rê, kích thước tùy thích, chú giao bảo đảm vừa ý. Gỗ sần sùi, khúc mắc, vào tay chú thành trơn láng.
Trong nhà, Sáu Hường thờ tổ Lỗ Bang, để chứng tỏ, chú hay kể chuyện khi rãnh rang ngồi mài cưa mài đục, rằng, lâu rồi chú có đóng cái tủ thờ bằng ván cây sao cho nhà kia, đêm đêm tủ vặn mình ken két như ó diều kêu oang oác dành ăn, mặt cửa tủ toát mồ hôi nhơn nhớt mùi tanh hôi của xác chết nhỏ xuống, đọng trên sàn như máu khô, trẻ con trong nhà bị ói mữa, đứa ở quét nhà mỗi ngày lượm được một nùi tóc rối dưới đáy tủ, chủ nhà sợ thợ mộc ếm mới trầu rượu mời Sáu Hường gỡ bùa. Chú đến xem xét mới biết, xưa có người tiều phu đi đốn củi, bị heo rừng chém chết. Bầy kên kên mỗ rỉa tử thi, tha thịt đứng trên cây sao dành ăn, miếng thịt rớt trên kẻ lá cành cây biến thành con ma mộc. Cây sao bị đốn xẻ ván đóng tủ, âm hồn con ma mộc vì chết oan uổng còn lẩn quẩn trong cái tủ thờ đó.Chú Sáu khuyên chủ nhà nấu mâm cơm cúng, lấy mấy nùi tóc bỏ vô nồi đất, đốt chung với giấy vàng bạc, cầm bó nhang đọc bùa, gõ trên tủ thờ hô:
‘Ma mộc, sống khôn thác thiêng, về bãi về gành, về cội về nguồn, về rừng xanh nước biếc, ở a ...!’
Ma mộc sợ uy xuất đi, mỗi năm còn đòi chủ cúng một lần.
Nhà xây tường xong, lúc gác đòn dông mới thấy sự quan trọng của thợ mộc. Sáu Hường và chủ nhà thắp nhang - quát đuổi đàn bà tránh xa, sợ đàn bà có tháng vô ý đạp trên bóng, tổ vật chết - uy nghi nâng cây đòn hai đầu bịt vải đỏ trừ ma, gác đòn dông đúng giờ khắc, chủ gia làm ăn mới khá. Gia chủ ít dám làm phật lòng thợ mộc, sợ ếm bùa Lỗ Bang, ma quỉ khua chén khua dao, nhà khó ở yên.
Sáu Hường có khả năng trị mộc, cây ván làm sao vào tay đều dùng được tất cả, chú sống với gỗ, với cưa, bào, đục,đẽo, tuy ít học chữ nhưng cũng là nghệ sĩ có óc sáng tạo phong phú cộng thêm sự khéo tay.
‘Tôi đưa cây đinh, miếng ván đó, đóng cho ngay tôi phục, làm tủ ba chưn đặt đâu đứngđó, không lung lay mới tài. Ðục mấy cái khe lót miếng kiếng soi mặt, hai bên chạm hai con rồng con phượng như long phụng bay múa trên mặt tủ’.
Ngài Lỗ Bang thương xót con cháu vì vướng nghiệp tổ, nghề là nghiệp, sinh nghề tử nghiệp, đôi lúc trưa đứng bóng, tổ về nhập vào Sáu Hường, chú cầm bào, cưa, đục, uốn éo oằn oại thân mình, mắt trừng trừng,đầu lắc lư, giọng khàn khàn:
‘Cái này là bào rà,
Cái này là bào tách,
Cái này là bào xoi’
Bào rà ư ứ ự, bào tách ứ ự ư, bào xoi a!
Xoi, tách, rà, ý a... tam bào ý a, phạt mộc’.
Cái này là bào tách,
Cái này là bào xoi’
Bào rà ư ứ ự, bào tách ứ ự ư, bào xoi a!
Xoi, tách, rà, ý a... tam bào ý a, phạt mộc’.
Mỗi lần tổ về mắt Sáu Hường đỏ gấc như tôm luộc, hơi rượu bay hừng hực, chú quơ cao cây thước Lổ Bang (thước nách), một thứ dụng cụ thiêng liêng.
Sáu Hường vỗ đầu, chép miệng than ‘mình già hết thời rồi!’
Người ta nói sĩ nông công thương, mình đứng hàng thứ ba, bây giờ đứng hàng thứ mấy trong xã hội, ít ai đặt chú làm bàn ghế như trước. Họ mua giường sắt, bàn ghế bằng nhôm, plastic, xếp lại được, nhà cửa họ đúc nóc bằng, quên tục lệ gác đòn dông,địa vị quan trọng Sáu Thợ Mộc mất luôn, bùa Lỗ Bang hết linh nghiệm.
Chú Sáu Hường chợt xót xa luyến tiếc không khí bình tịnh chợ năm xưa, lúc mặt trời mọc đầu kinh, những cánh cửa cây mở rầm rập, tiếng kéo thông hồng ken két nôn nã chuẩn bị buổi chợ mai, bắt đầu sinh hoạt nhộn nhịp huyên náo. Trời chạng vạng tối, âm thanh của cây, thanh bình chậm rãi, thay tiếng trống thu không, nhắc nhỡ nhà nhà lên đèn cho gia đình ấm cúng, chừa một cánh cửa mở cho ánh đèn dầu lọt ra ngoài sân đủ sáng cho trẻ con chơi đùa, cho các bà ngồi chuyện trò trên chỏng, các ông dập dìu ra quán cà phê, thanh niên tụ tậpđàn ca xướng hát.
Cửa cây xếp gài bằng những cây thông hồng âm thanh mở cũng như đóng, thanh thản, không có gì vội vã, nghe như vỗ về, an lòng và dễ thương làm sao, người ta cũngđâu nỡ mạnh tay xô cửa vào giờ nghỉ ngơi.
Ngày nay, những dàn cửa sắt sơn xanh sơn đỏ, nhìn thấy nhức mắt, kéo nhanh nghe ê răng, điếc tai buổi sáng, nó báo hiệu cơn lo sợ tạm qua, sau tai nạn. Chiều về tiếng cửa sắt tranh nhau cảnh cáo người vào nhà, nghiến rít đe dọa, báo hiệu sự mất an ninh chuẩn bị đêm lo âu triền miên, bỏ lại bên ngoài không khí vắng vẻ bơ vơ cho lũ chó hoang sủa trăng, đêm hôm tối trời súng nổ, chúng nó trốn nơi nào. Bà vợ lâu lâu bực bội chửi chồng xa xả, ’làm thợ mộc mà cái giường ở nhà lung lay như răng ông già, cột nhà mọt ăn muốn sập, nhà dột cột xiêu’.
‘Ôi, cuộc đời vô ơn bạc ngãi’, chú than, ‘ngoài đường cũng như trong nhà’.
Chú Sáu nhìn lại hai bàn tay, đếm còn chín ngón, một ngón tay cái bị cái búa bén phạt bứt một lóng lúc đẽo cột, đầu gối vướng cây cưa, cái thẹo dài để đời. Chú Sáu buồn bã lắc đầu, lẩm bẩm an phận, ‘tổ còn trác, trách chi cái miệng đàn bà’.
***
Năm Có kéo ghế ngồi bên đánh thức Sáu Hường qua cơn mê ban ngày. Chú Sáu mừng rỡ như Bá Nha gặp Tử Kỳ.
‘Uống cà phe, sao? Anh Năm thấy sao, coi kìa’, chú chỉ về phía tiệm Vĩnh Huê Chành, ‘cái tủ còn y nguyên đóng năm 48, bây giờ nó kéo bỏ một góc kia, cái tủ tôi đóng mấy ngày mới rồi, phần dưới để tô chén, phần trên làm bàn ăn cơm, nhứt cử lưỡng tiện. Cái nhà này chủ ỷ giàu, không tin phong thủy, bỏ cây đòn dông, cất nóc bằng, cất không có cửa sau, tiền vô dội ra như bị bịnh táo bón,ăn rồi ói, bị tịch biên phải rồi, nhà hướng tán gia bại sản’.
Năm Có gật đầu đồng ý, cả hai uể oải sánh vai ra khỏi tiệm, khập khiễng ngã vào nhau. Hai người thấy cần nương tựa nưng đỡ tinh thần nhau để sống, bớt lẻ loi sau thời niên thiếu long đong làm việc nhọc nhằn như con ong thợ, xây tổ mà không được hút mật.
Hết cả dãy phố bị nhà nước mượn dần, hai người thợ già dẫn nhau đi xem, cơ hội cà phê tâm sự, từng tuổi này còn tranh đua gì. Chủ nhà bị đuổi , tiếc của đã đành, Năm Có và Sáu Hường tiếc công mình mấy mươi năm xây dựng, kẻ tiếc của, người tiếc công.
Nhà cao cửa rộng bị tịch biên xong, đến những căn nhà lá xóm kinh bị dời đi theo chương trình thủy lợi gì gì đó. Chú Năm Có và Sáu Hường may mắn dựng lại hai căn chòi tranh chung vách, lợp tạm lá dừa, mưa dột nước tràn lênh láng. Tuy xa chợ, đường đất lầy lội khó đi, nhưng hai người rất toại nguyện được sống gần nhau trong cơn hoạn nạn, bà con xa không bằng láng giềng gần, chiều chiều ngồi chồm hổm, kể chuyện cái bai, cái cưa, cái bào, cây cột xây kiểu này, cái tủ đóng kiểu kia.
Mỗi lần nghe nhà ai bị tịch biên, tim hai người bị nhói ít nhiều, chắc lưỡi tới lui, tiếc hùi hụi như người mất của, ‘ừ, nhà tôi xây đó, tường xây gạch thẻ chắc chắn’. Hai bà vợ hiền thục tới đâu nghe hoài cũng chán. Thím Năm đang thổi lửa nấu cơm, củi để ngoài trời bị mưa ướt nên khói bay mịt mù, cay chảy nước mắt, bực quá lên tiếng, ‘nữa, cũng cái giọng đó nữa, cái nhà nào cũng do ông xây cất hết, vợ con thì cất nhà chòi cho ở, bây giờ giỏi xây hai cái kim tỉnh để dành đó’.
Chú Năm Có cười vả lã, ‘gạch hồ có đâu mà xây?’
Thím Sáu Hường nhà bên được dịp, nói xéo chồng, vừa cho hàng xóm nghe:
‘Nè, ông thợ mộc, rãnh đóng giùm hai cái thọ đi
Chú Sáu Hường ngáp dài,’cây ván đâu mà đóng’
Tiếng chú Năm Có bên nhà vọng qua, ‘thôi anh Sáu, mình ra bờ kinh kéo vó coi có mớ cá sặc nào không, cá sặc rằn làm khô nhậu bắt dữ a!’
Hai ông bạn già lụm cụm xuống bờ kinh ngồi bệt xuống cầu ván. Chú Sáu lè nhè,
‘Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẽo, gập ghềnh khó đi’.
Cầu tre lắc lẽo, gập ghềnh khó đi’.
Hai mái đầu bạc phơ gật gù mơ tưởng mình là Khương Tử Nha ngồi câu cá chờ thời, mỗi lần kéo vó lên, đáy vó chỉ có vài cọng rong xanh, vài cánh bèo, một ý nghĩ thoáng qua óc, chú Năm thẩn thờ, ‘anh Sáu à, vợ tôi nói phải anh à, mình già rồi, trước sau gì cũng đi theo ông bà ông vãi, phải như hồi còn trẻ, biết vậy, mua đá xanh xây sẵn kim tỉnh cho mình. Kim tỉnh xây bằng đá xanh chắc không sợ nước, không mục, đời đời không sập’.
Chú Sáu hưởng ứng, ‘ừ, anh nói tôi mới nhớ, phải biết hồi đó cây ván còn rẽ, tôi đóng cái thọ bằng cây gõ, cây dên dên xanh, dòng thứ dên dên xanh nằm dưới đất cả mấy trăm năm không mục, xương cốt còn nguyên. Bây giờ làm sao kiếm thứ cây đó’.
Cả hai dựa vai nhau, mặt buồn thiu, ủ rũ. Trên bờ đê, đám lau sậy cúiđầu yên lặng, xì xào tâm sự - chia xớt nỗi xót xa.
‘Ông ơi, lên xúc cám cho heo ăn dùm’, tiếng thím Năm gọi chồng. Bên kia nhà, tiếng thím Sáu ơi ới, ‘ông ơi, lên bửa giùm đống củi mai có nắng phơi’.
Hai ông già nhìn nhau, chia xẻ chung một ý nghĩ, ‘thợ hồ mà bắt đi xúc cám cho heo ăn, thợ mộc khéo như anh mà bả kêu đi bửa củi’. Chú Năm lép nhép ‘giết ruồi mà mượn tới gươm vàng’.
Chiều về trời bảng lảng những đám mây vàng ánh như màu lúa chín, đàn chim học trò lũ lượt bay về núi, xa xa vài con chim thi rớt mỏi mệt vỗ cánh bay theo. Trên bờ dọc theo con kinh hai ông già lọm khọm dắt nhau, chân dò dẫm,đi ngữa nghiêng như hai người say rượu.
Chú Sáu an ủi nói theo tiếng thở ra thật dài, ‘đổi đời rồi anh Năm à, tới hai con gà mái nhà mình còn biết gáy, đổi đời thiệt rồi anh!’
CHÚ THÍCH:
- Cái sự vong như cái sự tồn: mất cũng như còn.
- Ghẻ chùm bao: loại ghẻ làm da sần sùi, màu xám giống mụt cóc.
- Chuối cau mẳn: loại chuối cau nhỏ, bằng ngón tay cái là lớn nhứt.
- Bông dụ: một trò chơi cờ bạc, cái bông dụ có sáu mặt, từ một đến sáu, giống trò chơi đổ xí ngầu lác.
- Trái hồng quân: nhỏ bằng đầu ngón tay cái,ăn ngọt, màu huyết sậm.
- Vải ú: loại vải thô.
- Thị thiềng (động từ): phao tin đồn.
- Gươm lục yểm: loại gươm trừ tà trong truyện cổ Tàu.
- Ðưn: loại lá dùng lợp nhà, mát nhưng mau dột, dễ cháy.
- Mộc đè: ngủ buổi xế khó dậy.
- Ðề bô (depot):đại lý, hoặc kho.
- Thao lao, dầu, căm xe, cà chất: tên các loại gỗ.
- Phạt mộc: chặt gỗ.
- Kim tỉnh: giếng vàng, cái huyệt chôn.
- Cái thọ: quan tài.
- Cây thông hồng: nhỏ hơn ngón tay út, dài chừng hơn một thước, bằng kim loại, xỏ vào cái khoen, dùng để gài cửa.
- Mỗi người tốn ba thước củi: dân Miên khi chết, họ thiêu, tốn khoảng ba mét củi.
- Gà mái biết gáy:đàn bà cầm quyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét