Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

TRẠM CƠM

TRẠM CƠM
Lưu Nhơn Nghĩa

     Ai cũng biết xứ tôi có ba luồng văn hóa, Việt, Miên,Tàu, ba đức tin, nhưng không bao giờ va chạm nhau. Mỗi nhóm có cuộc đời và mục đích sống. Dân Miên theo Phật giáo Theravađa, nguyên thủy, sống đạm bạc, vui với gì sẳn có, chỉ cần cơm no sàrong ấm, sống hạnh phúc trọn vẹn với giáo lý Đức Phật, xem nhẹ vật chất, chùa thì lớn, nhà thì nghèo. Dân Việt ngoài kinh theo Phật Giáo Hòa Hão, tu hành thực hành giáo lý Đức Thầy trọn vẹn, mong ngày mở hội Long Hoa. Dân trong Lương An Trà theo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, làm lành lánh dữ. Dân Tàu ở chợ, là đợt di dân tới đây sau cùng, thờ Phước Đức thần và thần Tài, thần độ làm ăn phát tài. Xứ nầy không có chùa Phật, giáo dân Thiên Chúa ít quá, vài gia đình, lại không có chùa Phật Đại Thừa.

     Xem ra, ai cũng có mục tiêu rỏ ràng, dân Việt sẽ gặp hội Long Hoa, dân Miên sẽ lên Niết Bàn, dân Tàu về với tổ tiên.

     Tôi gốc Tàu, theo gia đình thờ thần Tài, bà ngoại tôi gốc Tàu, gốc Mỹ Đức, vừa theo Phật giáo ( chùa Truông ) và PGHH. Trưa trưa, vì không biết chữ, bà bắt bọn tôi đọc Giảng cho bà nghe. Trên lầu bà thờ tấm trần điều, bên dưới thờ ông bà và thần Tài.

     Xa nhà từ nhỏ, tôi có cái nhìn phiến diện về PGHH, nền đạo mới được đấp bồi từ hơn nửa thế kỹ nay. Tệ nhứt là tôi chỉ nhìn bề ngoài, cái tốt không thấy, chỉ thấy khía cạnh xấu.

     Xứ tôi có hai ông gốc gác ở đâu đến, ông Ph. va ông B., nhờ tiếng PGHH, được chánh quyền Ngô Đình Diệm đưa lên trấn an tín đồ PGHH. Ông Ph. làm dân biểu, hai vợ, hiền lành ít nói. Trong Quốc hội không bao giờ lên tiếng ( biết gì nói ). Ông thường nói, " Trời ơi, nó bôi tên tôi rồi sao ? ". Tôi phục thái độ ngay thẳng ông.

     Người thứ hai là ông B, cao lớn trắng trẻo, ăn nói trôi chảy, lý luận chặt chẻ, " bởi gì, chính vì vậy, vì thế cho nên .."thời ông, trong bổn đạo không ai đủ khả năng như ông. Nhờ sói đầu, ông có dáng trí thức. Tôi nghĩ, ông học hàm thụ thế hệ xưa, biết nhiều thành ngữ Nho, " giấy rách phả giử lấy lề, phải đạo làm người. Chắc chắn ông không học trường công lập, vì tuổi ông , lớp ba phải biết chút ít tiếng Tây, ông thì không biết một tiếng, khi đọc nhựt trình, lúc đầu, ông dùng ngón tay chỉ từ chữ.. Thời chánh phủ Ngô đình Diệm, ông xăng xái gia nhập đãng Cần Lao, rồi vào Phong trào Công chức Cách mạng Quốc gia, làm Chủ tịch, " ông quận phong trào ", bà vợ lên chức bà Quận. Ông trung thành với chế độ mà bị tù chánh trị cũng lạ. Thời ông Thiệu, ông vào đãng Dân chủ, nắng chiều nào che chiều đó, như cá gặp nuớc, ông nhờ phiếu tín đồ PGHH. Cờ tới tay, ông phất coi được lắm. Người ơn nghĩa xưa, từng giúp gia đình ông khi ông ngồi tù, nhờ ông giúp đở, ông phán, " Quân pháp bất vị thân ". Có lần ông đi xe đò, thằng lơ con hia Lốn chưa biết mặt ông, lấy tiền xe. Ông giận lắm, dám thâu tiền xe ông Nghị viên Hội đồng tỉnh, hăm một tiếng, hia Lốn quýnh quán chạy tới nhà ông xin bà nghị viên nói giùm, bà trả lời, " Ra chổ ổng làm việc xin ". Làm sao hia Lốn dám gặp mặt ông xin cái tội tày trời của thằng con ngu dốt, phạm thượng. Phước ba đời, hia Lốn biết đường chạy, tìm con gái ông, cũng chủ xe đò, thông cảm nhau, nhờ người con thân hành ra Châu Đốc tạ lổi ông mới bỏ qua. Làm nghị viên, ông tự cho mình kiêm nhiệm thêm công tác của An ninh, Cảnh sát, Quân cảnh. Ông điều tra người trốn quân dịch, ông biết điều tra dân có máu mặt.

     Nhắc lại tôi nóng mặt, già Lốn là thằng cha chết nhác, cựu hạ sĩ Không quân thời Bảo Đại, to xác, mặt gà mái.

     Tôi nhìn PGHH tiêu cực qua hai ông nầy, quên mất người tu hành xóm kinh. Hai năm trước,tình cờ gặp người bạn cũ, gốc Bắc, du học Nhựt bổn từ năm 1965, học xong, anh tu theo phái Thiền Lâm tế, giờ là thầy Triệt Học Trần Đức Giang. Giọng thầy sang sảng, có hơi hướng Nam kỳ, thẳng thắng, có sao nói vậy, không câu chấp lễ nghi cúng bái, chưa biết vị nễ ai, dù là các vị chức sắc. Có lần trong câu chuyện, vài vị tỏ vẻ coi thường PGHH, thầy Triệt Học lớn tiếng hỏi, " Mấy ông chê PGHH, chê chỗ nào, nói cho tôi nghe ". Câu hỏi như nhát kiếm chém thẳng vào vấn đề. Nếu đó là câu hỏi của tín đồ PGHH thì tôi không ngạc nhiên, nhưng đây là câu hỏi của vị sư Thiền tông gốc Bắc, chưa hề đặt chân xuống miền Tây. Tôi có anh bạn gốc Sa Đéc, dân Luật sư, gốc PGHH, nói dài, nói dai..không thể ảnh hưởng tôi, chỉ câu hỏi chát tai của ông sư Thiền tông làm tôi sửng sốt, gây hứng viết bài Trạm cơm.

     Khoảng năm 1965, PGHH bắt đầu hồi phục sau nhiều năm bị kềm kẹp. Tín đồ tổ chức ngày Khai Đạo, ngày 18 tháng 5 âm lịch, tại thánh địa làng Hòa Hảo, một làng nhỏ trong quận Tân Châu, theo nghề nông. Tín đồ PGHH sống rải rác miền quê các tỉnh miền Tây. Số tín đồ không dưới vài triệu. Số người hành hương dù là 1% cũng là vấn đề. Một làng nhỏ, không nhà trọ, hàng quán, làm sao dung chứa số khách hành hương trong 3 ngày liên tiếp, chưa kể nhơn lực chủ động phục vụ khách thập phương, chổ nghĩ ngơi, chi phí thực phẩm.

     Ban Trị sự Trung ương nhờ các Chi hội tiếp tay, vấn đề then chốt là cơm nuớc được giải quyết dễ dàng. Ban Tổ chúc lập những " Trạm cơm " trên đường đưa tới Thánh địa.

     Cả tháng trước ngày lễ, Tỉnh hội đến từng nhà tín đồ quyên góp gạo, rau cải cho ngày lễ, ít nhiều tùy hoàn cảnh. Người trong xóm biết rỏ hoàn cảnh nhau, khi thấy gia đình quá túng quẩn, ban quyên góp bỏ đi luôn. Nói chung, ai cũng muốn quyên góp không ít thì nhiều, trên căn bản có gì cho nấy, vài giạ gạo sậu, gạo sóc nâu ruộng nhà, chục trái bí rợ, bí đao, dừa khô, dưa leo, sả, cải ngọt...Người nhiều ruộng góp cả chục giạ, người nghèo nhứt cũng được một giạ, mỗi giạ đủ nấu nồi cơm cho 30 người ăn. Người làm rẩy tự chở cả xuồng bí rợ, khoai, bắp cải...đến thằng Thánh địa.

     Đúng ngày hẹn, thực phẩm để sẳn trước nhà, Tỉnh hội cho nguời kéo xe ba gát đến chở chuyển về làng. Họ làm việc dưới cơn nắng cháy da hay trong cơn mưa, đất trơn trợt xuống ghe chèo chống xuôi nước ngược dòng giao đúng hẹn cho ban tổ chức. Nhiệm vụ họ đã xong. Tại trung ương, ghe xuồng đậu nghẹt bến sông. Gạo, rau cải, chất đầy lẩm, xếp theo tùng loại. Việc khuân vát ghi vài hàng, nhưng nếu tận mắt nhìn mới thấy, ghe xuồng chồng chành, đòn dày long chong, vác bao gạo, trường dưa leo, quày chuối sống, cà ròn khoai...mới thấy sự khó khăn người công quả. Gạo chất cao đụng nóc kho, rau cải xếp loại để phân phát cho các trạm cơm.

     Đồng thời, họ bắt đầu dựng trạm cơm, dãy nhà lá dài sơ sải đủ che nắng mưa, bàn ghế mượn tạm trong xóm, ghế cao thấp không đều bàn tròn bàn vuông nối dài, miễn có chổ ngồi cho thực khách. Nồi chảo, củi sẳn sàng. Trước đó nhiều ngày các bà thức đêm nạo dừa vắt nuớc cốt, trộn sả bầm trộn tương chao ớt làm nước chấm, món căn bản, mấy cô thôn nữ lo lặt rửa rau cải, bí rợ bí đao, thanh niên xuống sông gánh nuớc, lóng phèn . Tất cả làm việc quần quật nhịp nhàng, không ai dạy ai, cần là có người thay thế trám ngay vào việc, " anh chín ơi, gánh cho em đôi nước, chú Tám ơi, thêm bao gạo...Anh kéo xe ba gát kêu, " tránh ra, củi đây ". Anh ôm bó củi giao từ trạm nầy tới trạm khác. Việc làm thấy ngột, thấy như vô tổ chức, nhưng thật trôi chảy, đâu ra đó, không hổn độn, không cải vả nhau.

     Người dự lễ đến đều phải qua trạm cơm ăn no trước khi vào hành lễ. Nét mặt thanh thoát, khách lủ lược về ,ghe xuồng nghẹt bến sông, kẻ đi bộ, đi xe, chen chúc trên đường đất. Đường đến thánh địa còn xa, khách nghe chủ nhà hai bên đường mời, " cô bác ghé vô nhà nghỉ ăn cơm cô bác ơi ", nếu cơm chưa kịp chín, " cô bác ngồi nghỉ uống nước, đi chơi đâu đó rồi trở lại ăn cơm ". Lời mời chân tình trên đường đến Thánh địa khác lời mời thương mại trên bến bắc Mỹ thuận. So sánh vậy là sai. Lời mời cơm trên đường đến làng Hòa Hão chân tình, tự nhiên phát xuất từ tấm lòng vô vụ lợi.Trong lòng người mời không dợn chút ý tư lợi bạc tiền, khách ăn cơm tự nhiên như ở nhà, bình thường, không đắn đo ngại ngùng. Cận ngày, khách càng đông, chủ nhà bận không kém, sự đóng góp không cần thông báo làm nhẹ phần nào cho nhà bếp trạm cơm. Ngày 17-5,, khách đến hàng trăm ,hàng ngàn, hàng mười ngàn, nhiều không đếm được.

     Đoàn người đến đây ,không ai cần tiền, hay lo đói, không có gì mua bán, không có gì còn, không có gì mất, chưn hành hương buớc dồn mà lòng thanh thản, thành tâm. Vừa đến trạm cơm đã thấy đói. Ngối vô bàn, mặc tiếng kêu người phục vụ, "khách tới," mâm cơm bày ra, gắp đủa đậu que kho tương chao, chấm khúc dưa leo với nước chấm, thêm anh bí rợ chan cơm, lua một hơi mấy chén cơm, chén nầy qua chén khác.

     Quen lạ trên bàn ăn, càng đông càng vui, kẻ ngồi ăn không biết ai là kẻ sang người hèn, kẻ giàu người nghèo, cùng món ăn, chén đá, đủa tre. Sang hèn nghèo giàu bỏ hết trước khi vào đây, áo quần một màu. Quanh họ, hai người đàn ông lực lưỡng khiêng chảo đụng cơm úp chảo trên miếng lá chuối trên bàn, " cơm đây ".Một thanh niên khác tới xúc thau cơm tiếp tế cho các bàn khác, " canh hết rồi", cô thôn nữ bưng tô canh bí lên. Khi khách cầm đôi đủa đưa lên trán xá, đứng dậy thì thì chén đủa đã được dọn rửa sạch sẽ. Khách tự động đến múc gáo nước sả, ổi, màu đỏ nóng giải khát. Hết nhóm nầy tới nhóm khác.

     Suốt ba ngày hành lễ, khách được đãi cơm từ sáng đến chiều, ai tới sớm tới trể , bất cứ giờ nào cũng có cơm. Suy ra, nguời phục vụ như cái máy, làm việc quên ngủ.

     Bà ngoại tôi rất dễ ăn , mà kén ăn dàn trời, mấy người con dâu ngay cả bà già tôi khổ tâm với bả..Bả đòi ăn cá tép vụn mới bắt dưới ô ( lạch nuớc ) hàng ngày ở Ô Thôm nơi bà sinh sống thời trẻ. Mua cá tép vụn, kho với sả, nghệ, nuớc mắm bằng nồi đất được chừng một chén. Canh thì đòi ăn canh xiêm lo, canh mít, canh thốt nốt, nêm với thính, mắm bù hóc. Mấy thứ nầy rẻ tiền, nhưng ngoài chợ làm sao có bán. Vậy mà mỗi lần đi hành hương về, ba khen ăn ở trạm cơm ngon lắm. Hỏi bà món gì ngon, " món nào cũng ngon ".

     Đêm chánh, mê nhứt là ngắm ghe cộ đèn trên sông Hậu giang và Tiền giang khi trời chạng vạng tối, ánh đèn sáng rực trên sóng nuớc bao la.

     Sau ba ngày, khách ăn bửa cơm cuối cùng Trạm cơm rồi ra về, mang theo niềm vui mỗi năm một lần, thời gian thong dong, sảng khoái, xả bỏ mọi thứ trên đời, tiền bạc, lợi danh, để lại rác rến ngổn ngang. Tới phiên người phục vụ cùng nhau ăn những bửa cơm cuối cùng, dọn dẹp mấy ngày xong, khuân vác đồ đạc trả lại cho chủ, hạ trạm, làm sạch khu đất.Thực khách không cần cám ơn, chủ nhà không đòi hỏi, cả hai đều vui, kẻ nấu người ăn, đồng đạo, khách sáo chi cho mệt.

     Đưc Huỳnh hoằng đạo khoảng tám năm, đơn giản và thi văn hóa giáo lý từ bi của Phật giáo nhắm cho người nông dân. Giáo lý thi ca thâm nhập tận đáy lòng người dân quê, họ ngâm nga và thực hành trọn vẹn. Trong vòng tám năm, hột giống lành đã được trồng cho mấy triệu nông dân miền Tây, vừa buông búa khai sơn phá thạch thì chiến tranh ập tới, họ kẹt giửa hai lằn đạn, thời nào nông dân cũng bị thiệt thòi. Năm lúa xuống giá, Người kêu gào,

     Cả kêu điền chủ phu nông
     Đứng lên đừng để ruộng đồng bỏ hoang

     Mấy mươi năm qua, tưởng giáo lý Người đã bị lãng quên, nhưng hột giống đã tiềm sinh vừa nẩy mầm trong thế hệ mới dưới hình thức khác. Tại các tỉnh miền Tây, thế hệ mới theo gương trạm cơm, âm thầm nấu cơm miễn phí cho bịnh nhân nghèo trong các nhà thương. Họ làm phước, chánh danh ngôn thuận, người dân địa phương biết và tin họ, chỉ tin họ mà thôi, họ tự động góp tiền gạo xây dựng cơ sở tinh thần " làm phước ", họ chỉ tin người hậu thân trạm cơm. Nấu cơm nấu cháo cho bịnh nhân ăn là hình thức mới của trạm cơm. Đơn giản vậy mà mấy ai làm được.

     Tôi không phải tín đồ PGHH, không biết nhiều giáo lý Đức Huỳnh, chuyện giáo lý dành cho các bậc cao minh, tôi chỉ nhớ Trạm cơm, và theo cá nhân tôi, những người vô danh phục vụ Trạm cơm xưa đã vượt qua lý thuyết, họ sống và thực hành " trọn cái đạo làm người ".

     Câu hỏi của thầy Trần Đức Giang gây hứng cho tôi cố gắng viết cho xong bài Trạm cơm trong Bịnh viện , đang chửa bịnh nan y bằng hóa học trị liệu, vượt qua bao nhiêu phản ứng và còn viết được là chuyện lạ .

Brisbane. PA Hospital Rơm 56.2,. 00:32 am, March 29th, 2007.
Ngày cuối chửa Chemo giai đoạn đầu.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét