Tặng cho không bán!
LƯU NHƠN NGHĨA
* Kính tặng Bác Hoành Linh Ðỗ Mậu
* Thân tặng Nguyễn Long
Lâu lắm rồi, từ ngày ông Leo Teo cao hơn ngọn thốt nốt lâu lâu hiện lên đứng chàng hảng trêu ghẹo người yếu bóng vía ở xóm Ô Thôm, cuộc sống xứ này không thay đổi mấy. Cuộc sống thật phẳng lặng theo một trật tự nào đó, một sự sắp xếp gần như hoàn hảo.
Ðất trong xứ được chia đều hợp lý, chia hồi nào?, nghe nói cã hơn trăm năm trước, từ khi chợ quận cất năm 1906 - con kinh đào mang nước bạc Hậu giang từ kinh xáng Vịnh Tre, chảy thẳng đâm ngang hông chợ. Quanh chợ là những dãy phố thương mại dân Tàu làm chủ, cung cấp hàng hóa nhu cầu dịch vụ cho dân chúng quanh vùng. Dân thời đó không có nhiều nhu cầu như bây giờ. Dân nghèo ở Sóc phụ cận với miếng rẫy giồng khoai quanh năm chỉ cần quần Cành tăng, áo Phá lấu cứ ghé bàn máy may ở chợ của ông Bảy Sinh, may xong trong ngày. Dân thầy ký thầy thông thì đặt may ở phố tiệm Sum Nguyên, may bộ pyjama bằng vải lụa lèo dạo mát hay mặc đi ăn cưới. Ðau ốm thì tới dược phòng Bảo An Xương hay Vạn Trường Xuân coi mạch hốt vài thang thuốc Bắc, xắc ba chén còn năm phân về uống cũng hết.
Buổi sáng nghèo thì ngồi chồm hổm trên chõng tre ăn cháo lòng của bà Tây Lèo, hoặc ăn bánh hỏi thịt luộc với rau ngành ngạnh, hay bánh canh bột gạo của ý Hiệu. Trẻ con có thể mua trứng chim cò, trứng trăn luộc sẵn, cùng lắm là củ co, bắp hầm ...
Mỗi ngã tư đều có tiệm nước phục vụ người dư dả.
Ðứng đầu bờ kinh ngó thẳng về phía đông tới kinh Xáng Vịnh tre, hai bên bờ kinh là dân ‘Anh Nam mình’. Bên trái kinh đặc biệt dân gốc Cù lao Ven, theo đạo Thiên Chúa cất nhà thờ ở kế bên thành Tây cũ - đại diện là bác Sáu Sâm, lớn người, giọng rổn rảng, cười nhiều hơn nói.
Bên phải bờ kinh dân sống bằng nghề giăng câu, ruộng rẫy, trị bịnh bằng thuốc Nam, tiêu biểu là Củ Thiếu, cốt ông Trung Tử.
Cạnh đó là nhà máy xay lúa xập xình, ba bữa chạy bốn bữa nghỉ, ống khói khìn khịt như mắc phong. Dân chúng còn ăn gạo xay tay, gạo giã bằng cối bằng chày. Tiếng nhà máy rì rầm lấn át dần dần tiếng chày giã gạo đêm thanh, cùng với tiếng đọc bài ám đọc của trẻ con ‘ba người dụm lại giã toàn chày ba, gạo trắng thì phải buông ra ...’
Ðối diện xóm nhà máy là khu làm bò (xứ này không thấy con trâu) khuya nghe tiếng bò rống là biết cha con ông Rồng thằng Mây đang ra tay.
Xuống chút nữa là lò heo và chùa Ông do người Minh hương cất. Rằm tháng bảy có thí vàng vui lắm. Ðình thì cất trước nhà việc (sau gọi là Tòa hành chánh quận) ngó thẳng ra đầu kinh, nửa phần làm trường học Việt Nam, nửa phần dành cho việc sinh hoạt của dân ngoài kinh, quan trọng vào dịp kỳ yên, tống gió. Dân đàng Thổ (danh từ này không có ý nghĩa xấu hay khinh miệt) đi chùa trên, chùa dưới rộng rải mát mẻ nhờ những cây Nam Vồ bóng mát, vui nhứt là vào dịp Chô tha năm (vô năm hay năm mới), Ðồn tà, He cà thưng. Dân Miên sống dựa theo quanh núi, làm rẫy ruộng.
Xứ nhỏ vậy mà muốn gì có đãy. Muốn học chữ Tàu chữ Việt chữ Miên đều có. Hát Tiều, hát bội, hát Dù Kê cũng đầy đủ.
Bánh thốt nốt, bánh gói Miên cũng được chiếu cố không kém chả giò nem nướng Việt Nam hay bánh tào xa, bánh quai chèo của tiệm Tập Sanh.
Con nít Việt Nam bị bịnh tà ma thì xuống cho củ Thiếu trục ra, dân Tàu thì lên chùa ông Bổn giải trừ, dân Miên lên chùa cho ông sãi ôm đứa bé ném qua lại dưới bụng voi.
Chuyện xứ tôi nói hoài tới chết cũng còn mà chết thì đường ai nấy đi. Dân Việt, Tàu lên Chưn Num nằm, dân Miên chết đốt vô tháp nằm.
Buổi sáng nhóm chợ từ lúc chuông nhà thờ đổ, kẻ bán người mua trả giá kèo nài bằng ba thứ tiếng. Sinh hoạt ngừng lại khi đứng bóng. Người ta thường thu xếp để trưa nghỉ ngơi bàn thai đề (thời đó chưa có số đuôi). Dân Sóc bán hết thổ sản gánh quà chợ về, tất cả giải quyết trong buổi sáng, không kéo dài thêm được. Xóm ngoài kinh thì bắt đầu đưa võng đọc thơ Sáu Trọng, thơ Thằng Lãnh bán heo. Thằng cha Cò Le vô công rỗi việc đi rểu rểu ngoài chợ, mấy tay lính Marốc say đi lểnh nghểnh. Mặc kệ tất cả. Dân chúng sống sướng thỏa, nghèo đến ăn mày cũng no đủ.
Ðiều ngạc nhiên là dân thì ít học, trình độ thấp mà ba nếp sống văn hóa vẫn hòa đồng, không va chạm bao giờ. Các cụ già gốc Tàu khen ‘đất hóc tì, Phước địa, mần ăn gian dối xứ này thì tàn mạt đó’.
Dân Miên coi tiền bằng cái bánh xe bò, chắt chiu từ xu từ cắc, ăn uống kham khổ mà thảo ăn vô cùng, khách tới nhà họ mời cơm mà từ chối, họ giận lắm.
Chuyện quốc sự ở xứ Bắc, xứ Huế, bên Tây bên Tàu khó len tới xứ này từ nào tới giờ. Ở Nhà Việc chỉ có vài tờ bích chương dán trên tường, có hình Ðức Quốc Trưởng Bảo Ðại làm lễ thọ, hình Thủ tướng Trần văn Hữu với hàng chữ ‘Việt Nam độc lập muôn năm’. Bích chương này thấy ít ai buồn đọc. Dân làm Nhà Việc, nhứt là Ban hộ tịch, nhiều cha viết chánh tả sai be bét. Người ta khai cho con tên Trần Ngọc Lan, ông viết thành Trần thị Lang, chữ Ngọc khó nhớ, thôi, thế bằng chữ ‘thị’ chữ ‘văn’ cho dễ. Người làm khai sanh không biết đọc, đâu cũng ra đó, miễn đứa con mạnh giỏi.
Dân hai tỉnh gần nhứt cũng ít ai thích tới thăm vùng Sóc mẹt. Chiếc xe Renault Tân Thành chạy đường Châu Ðốc và xe Tân Nguyên đường Long Xuyên chỉ mang hàng hóa thông thường cung cấp. Ánh sáng văn minh hai tỉnh lỵ lân cận không thâm nhập ồ ạt vào xứ này để soi sáng những căn nhà lá lụp xụp trên đường xuống xóm Ô Pà Lày, Prey Veng, Tà Pó, Sóc Tiết hay Xla Ðom.
Về tinh thần, lâu lâu vài ông đạo bới tóc còn sót lại thời xa xưa trên núi xuống chợ đọc sấm giảng, kể chuyện cơ trời, chuyện đôi rắn thần tu trong hang núi, cái hang mà ngày xưa Tây thả ông bác vật Lang xuống, lúc kéo ổng lên, ổng bị á khẩu luôn. Ðại khái, các ông đạo khuyên tu hành, làm lành lánh dữ, vậy mà một số người học được mớ chữ Tây, loại chữ Tây chưa sạch nước cản ở xứ khác tới, chê là mê tín, là hủ lậu. (Người ta khuyên làm lành lánh dữ mà chê hủ lậu, còn họ làm bồi Tây là văn minh?).
Mấy chiếc tàu binh chở lính Marốc da đen đổ quân ở đầu kinh để đánh Việt Minh, súng nổ ầm ầm như cơn lốc qua chợ, như cuốn phim chớp bóng, sau đó trả lại không khí thanh bình không lưu lại chút thù hận.
Kẻ phương xa tới gây thù gây oán, ngoài việc bắn giết trên chiến trường, lúc lưu lại đây cũng hòa đồng, không gây xáo trộn nếp sống cố hữu. Thỉnh thoảng người ta thấy lính Marốc cặp kè mấy tay bợm nhậu gốc bản xứ say khướt ngúc ngắc đầu, nói lảm nhảm ai nói nấy nghe.
Cuộc sống quá dễ dàng nên sanh tật buông thả, tự mãn, biếng nói, biếng nghe, chỉ cười xuề xòa cho qua việc. Ngôn ngữ vì vậy khó phát triển, họ nói cho có nói, có sao nói vậy không biết quanh co rào đón. Họ quen nhắm mắt đối với những thay đổi bên ngoài, tưởng vậy là an thân. Nhưng họ quên là sống ở đầu thế kỷ 20, lắm khi chuyện bên Tây bên Mỹ cũng có thể làm lung lay gốc rễ cuộc đời họ.
Chuyện sẽ đến phải đến, dù muốn dù không. Năm 1954, chiếc xà lan sắt chở ông Cò Le và đám lính Marốc đổi đi, để lại một số trẻ con da đen da trắng đủ hết. Dù không cha, chúng vẫn được bên ngoại nuôi nấng đùm bọc. Sau này lớn lên, đen thì thành Miên, trắng thì thành Việt, nhập vào dân bản xứ mất dần nét lai căng.
Giòng đời trôi, sinh hoạt chợ quê trì trệ như từ nào tới giờ. Hình như họ muốn giữ chặt nếp sống cố hữu càng lâu càng tốt. Mỗi điều thay đổi đều làm số đông thủ cựu bực mình. Từ hôm có nhà máy đèn, sáng đâu chưa thấy, chỉ thấy người bị điện giựt chết cũng bộn.
‘Ðổi đời rồi’, ông đạo đọc giảng đầu chợ ‘Hạ ngươn nay đã hết rồi’.
Hôm đó, nhớ mài mại đâu khoảng tháng giêng năm 1955, có hai đại đội Bảo An thay thế đám Commando tới đóng trên thành. Buổi sáng các bà vợ lính xách giỏ đi chợ, rau muống cắt không đủ bán. Mấy bà bán rau hành bắt chước trả treo, nhái theo giọng xứ Bắc, thấy ngồ ngộ, hay hay.
Kế đến ông quận Miên già chết, được thay thế bằng ông Quan ba Việt Nam ở xứ khác tới. Nhiều vấn đề hành chánh thay đổi. Phú lích đổi thành Cảnh sát, Quan ba đổi thành Ðại úy, thầy Ðội chú Cai thành Trung sĩ Hạ sĩ, công an lính kín thành an ninh. Nghe riết rồi cũng quen đi. Các biến cố xảy ra liên tục hàng loạt làm chính các thầy ký, xã trưởng theo không kịp. Ðồng tiền, tem thơ có hình ông Bảo Ðại, ông Sihanouk, ông vua Lào biến mất, thay bằng hình khác. Nghe nói đó là ông ‘Ngô Thủ tướng’, họ nhắc tên xa lạ này mà ngờ ngợ.
Các thầy ký chuyền tay nhau đọc nhựt trình, dù là công chức, cũng tránh bàn chánh trị. Họ thích đọc tiểu thuyết hàng ngày như Châu về hợp phố có chuyện tướng cướp Hiệp Liệt.
Dĩ nhiên các thầy ký đọc rành chữ Việt, đậu Certificat, nói rành tiếng Pháp, vậy mà các thầy cũng chỉ hiểu lơ mơ. Ở Sàigòn đô hội mà có giặc Bình Xuyên? Bảy Viễn là xếp công an lính kín mà! Nhựt trình viết cao quá, đầy những chữ ít được nghe như ‘phiến loạn, tảo thanh’ ... Ðọc xong để đó, cuối tháng lãnh lương đều đặn, không ảnh hưởng gì đời sống họ. Từ trước tới giờ, Thủ tướng Trần văn Hữu, Nguyễn văn Tâm cũng chỉ ghé tỉnh chứ chưa xuống quận vô danh này bao giờ.
Trận đánh ở Cái Dầu với Ba Cụt Hòa Hảo mấy ngày liền mà dân chúng có hay biết gì đâu. Mấy thầy ký không có nhựt trình đọc vì chuyến xe thơ Thành Long ở Saigon về bị kẹt. Mấy thầy thờ ơ không chịu tìm hiểu.
***
Nhà việc hôm nay có cuộc họp đông đảo để học tập đường lối cách mạng của ‘Phong trào Công chức cách mạng quốc gia’. Công chức, giáo viên tiểu học sở tại đều phải có mặt. Từ đây Việt Nam độc lập tự do. Tây và Marốc đi rồi, hình Bảo Ðại bị hạ xuống, thay bằng hình Ngô Thủ tướng.
Việc dồn dập làm xã Cuột rối trí. Hết học tập đến bắt dân đi bầu ‘Trưng Cầu Dân Ý’ gì gì đó. Dân Sóc dốt đặc, mà xã Cuột hơn họ bao nhiêu. Người cán bộ Công dân vụ giảng giải rõ ràng khúc chiết đầy đủ mà ra khỏi phòng xã Cuột quên gần hết. Chỉ nhớ là để hình Ngô Thủ tướng vô bao thơ rồi bỏ vô thùng phiếu, hình Bảo Ðại thì bỏ vô giỏ rác. Mấy người Công dân vụ nói sao dễ nghe, mà dân thấy lạ lùng lo âu vì họ quen hình ông Bảo Ðại đã lâu, hình ông Ngô Thủ tướng lạ quá, ‘bỏ vô thùng làm gì?’. Xã Cuột cẩn thận dặn dò từng người trong xã, ‘Ai không nghe lời thì đừng trách à! Ở tù mục xương à!’.
May mắn là các giáo viên lo giấy tờ ghi chép, nghe nói, các ông Công dân vụ vừa ý lắm, 99 phần trăm bỏ cho Ngô Thủ tướng.
Xã Cuột lo âu vì học tập liên miên, câu nào câu nấy dài nhớ không xuể. Chức xã trưởng là chức hàm, có tiếng không có miếng, chỉ hưởng vài đặc quyền nhận chút đỉnh quà cáp ơn nghĩa. Ngoài ra xã Cuột sống hoàn toàn nhờ bà vợ tảo tần mua bán tre, măng và vài công đất ruộng cho mướn lấy lúa ăn hàng năm. Nếp sống thanh bần dễ dãi làm xã Cuột ù lì ra. Sáng cà phê ở tiệm nước người khác trả tiền, chiều hay luân phiên mời nhau nhậu, say thì lảo đảo về nhà ngủ.
Từ hồi Ngô Thủ tướng lên tới giờ, công tác học tập đổ đầu liên miên. Tuổi trên 40 khó nhớ vì lâu quá không cần xử dụng ngôn ngữ cầu kỳ, xã Cuột nhơi từng chữ vô nghĩa ‘Cần lao, nhân vị, cách mạng ...’ từ ngữ quá tầm hiểu biết. Sau khi họp học tập lại thêm cái trò hát hò.
Người cán bộ Công dân vụ răng hô giảng thao thao bất tuyệt, chữ này liền chữ kế. Xã Cuột nghe chưa hiểu câu trước thì ông cán bộ đã nói xong câu sau. Xã Cuột thán phục khả năng ăn nói trôi chảy hàng giờ mà vẫn còn chữ, nói không biết mệt, trong lúc mình nghe mới chừng đâu mười phút đã sụp mí mắt, trong đầu xã Cuột chỉ có măng tre, măng tầm vông và những đống tre chất chồng trước nhà.
Ông cán bộ Công dân vụ ráo riết dạy bài hát ‘Suy tôn Ngô Thủ tướng’. Anh quơ tay đánh nhịp cất giọng, ‘hai, ba’. Bao nhiêu năng lực hăng hái trong người ông trào lên gương mặt nổi gân để bắt đầu. Các giáo viên, thầy ký già lép nhép theo lõm bõm. Từ xưa tới giờ, họ hát quốc ca chưa xong. Mỗi lần lễ lạc là bọn học trò hát. Ông Công dân vụ giảng, ‘Mình phải hiểu ngày xưa Ngô Thủ tướng đã nưu gót nơi quê người, để tranh đãu cho tự do, độc lập. Công nao người, chúng ta phải ghi nhớ. Thế thì, chúng ta thấy rằng thì nà, chúng ta phải cố gắng học tập để theo gương người, nào, nàm nại! Ai bao năm, hai, ba!’
Bài hát chép trên bảng, mọi người chép lại về học cả tuần mà chưa thấy ai tự tin. ‘Ối giời! Thế mà cũng là công chức’. Sự nhiệt tâm thiện chí của ông Công dân vụ cũng có giới hạn vì sự kém cỏi của cử tọa. ‘Hát nại đoạn nầy! Bao công nao hồn sông núi ghi muôn đời. Hai, ba!’ Càng khuya, nhà đèn sắp tắt điện, ông Công dân vụ gào thét, ‘Ngô Thủ tướng! Ngô Thủ tướng muôn năm!’. Ông hạ giọng ‘Toàn dân VN nhớ ơn Ngô Thủ tướng, xin Thượng đế ban phúc nành cho người’.
Mí mắt xã Cuột sụp xuống trong âm thanh ồ ồ trong phòng, xã Cuột lơ mơ thấy đống tre xanh chất trước nhà và tiếng trả giá của bạn hàng.
Tiếng ông Công dân vụ chí choét.
‘Này, này, hát tới đoạn ‘Xin Thượng đế ban phúc nành cho người’ thì phải ngước mắt nhìn lên như mình đang cầu nguyện Chúa ban phúc nành cho Ngô Thủ tướng chứ đâu gật gù như ngủ gật vậy? Nào. Hát nại câu nầy’. Hắn chắp tay ngước lên say sưa hát cầu nguyện. Tiếng nhừa nhựa trong phòng lọt ra sân Nhà việc.
Hơn mười giờ đêm, xã Cuột lủi thủi ra về lo ngại cho địa vị bị lung lay. Mấy ông cán bộ Công dân vụ hình như có quyền lắm ở trung ương gì đó xuống, không khéo mình bị báo cáo mất chức như chơi, vì đã hai tuần mà chưa thuộc bài ‘Suy tôn Ngô Thủ tướng’. Các thầy ký, thầy giáo nhờ chữ nghĩa giỏi, mỗi sáng chào cờ bọn học trò đều thuộc bài hát trôi chảy. Hay hơn nữa, bọn học trò còn có khả năng đặt lời mới cho bản nhạc: ‘Toàn dân VN nhớ ơn tô hủ tiếu, tô hủ tiếu, tô hủ tiếu nước lèo!’ Xã Cuột thấy bọn trẻ có lý, thèm thèm tô hủ tiếu, nhăn mặt cười nhẹ.
Vừa về tới nhà, bà vợ không thể cảm thông nỗi khổ đè nặng tim óc xã Cuột, cất giọng the thé chướng tai, ‘Nè, người ta giao tre mà không chịu ở nhà coi ghi sổ, tối tối lo đi hát, đi hát rồi có ai nuôi không?’. Xã Cuột ngộp thở, lầm bầm, ‘Con vợ mình nguquá, ai muốn đi hát cho cực thân, lịnh trên bắt buộc, làm sao giải thích cho nó hiểu?’
Ông Bảo, chủ tịch quận bộ Phong trào Công chức cách mạng quốc gia, được ăn trên ngồi trước, được gọi ‘Ông Quận phong trào’, vợ ông lên chức ‘bà Quận’ (bỏ chữ ‘phong trào’ vì dài giòng) danh giá không kém bà quận trưởng, lại có thể mua tôn sắt Ấp chiến lược bán lại lời cũng khá. Hôm đi Châu Ðôc, địa vị cao sang không cho phép bà ngồi chờ ở bến xe, bà dặn thằng Xăng lơ xe Tân Thành, ‘tới giờ chạy, ghé rước bà Quận nghe’ .Thằng Xăng tối dạ, lập lại y chang cho chú Óc Êng tài xế , chú chạy lên Chi khu rước bà Quận trưởng. Ðám xe đò không biết phân biệt bà Quận Chi khu và bà Quận Phong trào, cái đồ ngu. Chỉ có vợ xã Cuột, xã Phên, xã Xân ... và dân rẫy ruộng bái xái vì chương trình này, quốc sách nọ. Khốn nỗi, xã Cuột là gạch nối giữa chính quyền, trên đe dưới búa. Lúc trước dân xã xem xã Cuột như người thân trong gia đình, hàng xóm. Bây giờ chưa đến đỗi ghét, nhưng mỗi lần xã Cuột tới nhà ai, là y như họ tìm cách lánh mặt, xã Cuột thấy mình bơ vơ ở chính xứ sở mình.
Bà vợ càng nhọc nhằn hơn vì chiều nào công việc còn đăng đăng đê đê, đống tre nằm la liệt trước nhà, cần xé măng chưa lột vỏ để xắt phơi khô, còn đâu thì giờ rang gạo xay thính trộn mấy lu mắm. Hai đứa con gái lớn tuổi nhờ cậy được thì rửng mỡ theo đi rầm rập ngoài đường, ‘Phong trào phụ nữ liên đới’ đó à!
Cả năm nay xã Cuột cuống cuồng vào guồng máy, hết phương vùng vẫy. Ðứa con trai lớn chiều chiều đi tập Thanh niên Cộng hòa may bộ đồng phục xanh. Hai đứa con gái cũng phải đi tập Phụ nữ bán quân sự, bao nhiêu việc nhà đổ trên đầu vợ, bà chột dạ cảm được sự khổ tâm của chồng con, nên thường làm đồ nhậu mời mấy ông Công dân vụ cho chồng ‘giao thiệp’.
***
Xã Cuột lủi thủi ra về, bước chân nặng chĩu lo âu. Cả tháng nay học tập Quốc sách ‘Ấp chiến lược’, lần này nặng dữ ạ! Ðêm nào cán bộ Công dân vụ cũng giảng dạy, cử tọa ghi chép không ngừng, mặt người nào cũng nghiêm trọng. Xã Cuột càng lộ cái dốt, vừa đi vừa lẩm nhẩm những danh từ bí hiểm, ‘cần lao, nhân vị, đồng tiến, quốc sách ...’, nhiều quá nhớ sao cho hết nè trời. Những danh từ đó không dính dáng gì đến màu tre mở, lồ ồ xanh giúp gia đình xã Cuột no cơm ấm áo.
Mãi suy nghĩ vẩn vơ, xã Cuột vấp ngạch cửa té nhủi trên chõng tre, thở dài thườn thượt. Bà vợ lúi húi lột măng hỏi, ‘Gì tới nữa rồi’?
Xã Cuột lắc đầu, kiệt sức hết khả năng trả lời giọng mỉa mai của vợ, chỉ còn nước rủa thầm, ở Nhà Việc thì ông Công dân vụ, ông quận Phong trào chỉ thị nghe lùng bùng lổ tai, về nhà vợ đay nghiến. Xã Cuột nằm sầm xuống chõng, không màng cơm nước, nhắm mắt vẩn vơ nghĩ cách nói cho người ta nghe lọt vô tai. Từ đây dân trong xã chẳng những không ưa mà còn thù hận mình suốt đời chỉ vì có tin động trời sau khóa Ấp chiến lược. Từ thuở nào tới giờ, dân Sóc ở rải rác quanh vùng, ruộng rẫy ở đâu, nhà cửa mồ mả ông bà ở đấy. Bây giờ có lịnh dời nhà cửa vô khu, đốn tre rào lại. Dân Sóc phải cơm ghe bè bạn mang cuốc xẻng công tác đào hào, đắp bờ, lấy tre nhọn cắm cọc chung quanh.
Mấy ông Công dân vụ nói sao nghe hay quá, nào là vì công ích chung, an ninh, đồng tiến, cứ giảng cho dân chúng hiểu rõ quốc sách, họ sẽ tự động xung phong hy sinh, ‘bền gan tranh đấu cho cách mạng thành công’ như bài hát hàng đêm.
Ðến khi xã Cuột mở miệng thì bị dân chống đối ngay. Làm sao dời nhà cửa, mồ mả vô một chỗ, xa ruộng rẫy, cạp đất ăn à?. Dân Sóc trả lời làm xã Cuột nghẹn họng, những điều học hỏi ở khóa Ấp chiến lược không giúp xã Cuột thành công, ngược lại, phải gánh thêm ân oán.
Dân Sóc hãi hùng nguyền rủa đám xã Cuột, xã Phên, xã Xân nhưng khi đại đội Bảo An đến lùa dân đi xây ấp thì họ riu ríu, ai cũng đi công tác, không đi được thì cũng phải mướn người như mấy ông chủ tiệm ở chợ quận.
Xã Cuột tránh nhìn người đào hào cắm chông quanh ấp, một ông già áo quần bê bết bùn đất ẩm mồ hôi, nón lá rách bươm, trúng gió, mặt mày xám như gốc cây mục, ngồi lọt trong cái ky xúc đất có hai người khiêng đi buổi chiều nọ. Xã Cuột tủi thân suýt rớt nước mắt. Mãy giáo viên điều động công tác kể lại cho vợ con nghe giống như thời Tần Thủy Hoàng bắt nho sĩ xây Vạn lý Trường thành.
Vật dụng cất nhà theo như chỉ thị thì được cung cấp, xã Cuột hứa hẹn với dân trong xã y như những điều hứa hẹn của quí vị trên quận. Nhưng hỏi lại thì phải mua ở các tiệm bán đồ sắt. Dân quen mặt chửi xã Cuột nói dóc, mặt dày.
Công tác phải hoàn thành thật gấp cho đúng ngày để các ông lớn trên Saigon xuống khánh thành. Dân phải đào chuối có trái sẵn trồng lại, ao đào xong tìm một mớ cá thả vào, gia súc ở đâu chở lại phân phát cho đầy chuồng, sau khi khánh thành phải trả lại.
Vạn lý Trường thành xây cũng xong, nói chi cái ấp nhỏ này.
***
Ngày khánh thành, xã Cuột mặc quần áo mới tới khán đài tập dượt hoan hô. Học trò được hát bài ‘Suy tôn Ngô Tổng Thống’ cho đều. Cán bộ Công dân vụ được tăng cường đôn đốc bắt máy điện và hệ thống âm thanh. Mãy tiểu đoàn lính đến đóng quanh để giữ an ninh trước cả tuần. Dân ở chợ quận xuống từ đêm trước để kịp dậy sớm đứng xếp hàng từ lúc mặt trời mọc. Dân xã thì đứng trong khoảng đất có căng dây, được dặn dò là phải ăn mặc tươm tất.
Ðộ mười giờ sáng thì trực thăng đáp xuống. Tiếng hô của toán lính dàn chào nghiêm trang làm đám dân quê đứng lố ngố im lặng. Một ông mặc đồ lớn bước xuống trực thăng đi về phía khán đài. Ông người mập mạp, cao lớn, mắt ti hí, mặt mập phính ra.Vợ xã Cuột và các bà tò mò nhìn cho biết mặt, liên tưởng tới mặt những con heo trong chuồng. Một lát sau, chiếc trực thăng khác đáp xuống. Một ông khác mặc đồ lớn màu trắng, mập và lùn, đi lẹt đẹt như con vịt xiêm lai. Không khí thành nghiêm trọng, toán anninh nhốn nháo. Có tiếng hô chát chúa trên máy vi âm: ‘Hoan hô Ngô Tổng Thống!’. Các thầy giáo mặt sưng lên, trừng mắt ra hiệu cho học trò la theo. Xã Cuột chỉ huy dân xã mình, trợn mắt biểu la cho thật lớn nhiều lần theo lịnh ồ ề trên máy vi âm.
Vợ xã Cuột nhón người lên nhìn cho rõ ông lớn trên khán đài. Cái không khí chán chường đã biến mất nhường lại cho không khí trang trọng trên khán đài. Hai toán lính dàn chào đứng yên thẳng tắp như toán hành quyết tội nhân. Các bà trên khán đài ăn mặc rực rỡ, cười toe toét, nữ trang chói lọi trên ngực, trên tai. Các ông ậm à trên máy vi âm, ông nào ông nấy ban ‘huấn từ ’ cả giờ, nói vừa dai vừa khó hiểu, dân Sóc trong đó có xã Cuột đều không hiểu ổng nói gì.
Buổi lễ chấm dứt bằng tiếng hoan hô vang dội. Lính tráng rải ra đi quanh các ông. Các ông đi quanh ấp quan sát, chỉ ao cá, chỏ bụi chuối, cười cười nói nói vui vẻ lắm. Ðám người đi theo khúm núm gật đầu đồng ý. Ổng ậm à khen cây chuối nhiều buồng, đất mầu mỡ, cá đầy ao.
Mấy chiếc trực thăng bay đi, mọi người thoát nạn, nhẹ nhỏm, nhứt là dân chợ. Các chuyên viên lo thâu dọn hệ thống âm thanh, hạ khán đài. Công chức, giáo viên, học sinh chen chúc lên xe đò chờ sẵn về quận. Tuy xã Cuột là xã trưởng nhưng nhà ở gần quận, vì lý do an ninh không dám ngủ lại đêm.
Dân Sóc lục tục kéo về cởi bộ áo quần sạch, trở lại với bộ áo quần lam lũ vác cuốc ra rẫy, bực bội vì phải đi cả mấy tiếng đồng hồ mới tới rẫy ruộng, rủa thầm: ‘Bầy đặt không hè! Dọn vô đây rồi lấy đách họ ăn, người ta đi xe hơi, đi máy bay, áo quần sang trọng, chớ có đi cẳng không, lội xuống bùn bị ô rô cóc kèn cắt chưn thành ghẻ lở đâu mà biết.’
Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng Thống, nhưng họ ra mặt nguyền rủa xã Cuột vì xã Cuột trực tiếp, hơn nữa họ đâu dại gì động chạm với chánh quyền.
Ðêm đó ở quận tổ chức liên hoan mừng lễ Khánh thành Ấp chiến lược thành công, ai nấy hể hả, nhứt là các cán bộ Công dân vụ và các ông trong Phong trào. Xã Cuột có chân trong ban tổ chức, sắp xếp bàn ghế. Ðồ ăn có các tiệm cơm, tiệm nước cung cấp, rượu có đề bô la ve khiêng tới. Vừa sắp ghế, xã Cuột than thầm, ‘Cứ bày đặt ra bắt mình thi hành, riết rồi bà con lối xóm tưởng mình chia chác’. Rầu hơn nữa, Quận Sữ lại bắt đầu kêu các cô Thanh nữ Cộng hòa lên quận trình diện gì đó, trong đó có hai đứa con gái xã Cuột. Ðám ở chợ ai cũng có thân nhân ở tỉnh hoặc Saigon, họ đưa con gái họ đi lánh nạn, còn xã Cuột không lẽ đưa con mình vô xã Ô lâm?
Xã Cuột trưởng thành dần về chính trị tuy chưa thể bắt kịp phong trào, tự biết mình sẽ bị đào thải không biết lúc nào. Cứ lâu lâu lại học tập đường lối phong trào, gây quỹ phong trào. Dân Sóc chống đối ra mặt đã đành, mụ vợ ngu dốt ở nhà không kiêng nể gì cả.
***
Ðêm nay họp Ủy ban Tái thiết Dinh Ðộc Lập. Mãy ông Công dân vụ thừa khả năng thuyết phục cử tọa đồng ý ủng hộ việc tái thiết hoàn toàn.
Công chức giáo viên là thành phần nồng cốt, vì áo cơm chịu đựng sáu năm nay, quyền lợi họ không bị thiệt thòi nhiều nên khó tìm lý do chính đáng và can đảm có ý kiến khác. Bây giờ chính họ cũng phải góp phần về tài chánh. Không khí ngột ngạt trong phòng, ai cũng giữ thái độ im lặng, chờ xem, chưa chịu hưởng ứng ồn ào. Ông Công dân vụ khua môi múa mỏ, ‘Ðây là vấn đề thể diện quốc gia, Dinh Ðộc Lập là chỗ tiếp tân khách ngoại quốc. Nếu không sửa chữa lại, nó vẫn còn tàn tích của thực dân phong kiến.Chúng ta, toàn dân, phải tích cực đóng góp, phá hết tàn tích cũ, xây dựng lại mới hoàn toàn cho xứng đáng chỗ Ngô Tổng Thống làm việc.’
Ông Cả Loi, người thâm trầm, một nhân sĩ trong quận vì có ruộng đất, thuộc giới giàu xưa. Thường khi ông ít nói, rất tiết kiệm lời nói (thật sự vì ông chưa học tới lớp ba), đêm đó ông buột miệng ngắt lời cán bộ Công dân vụ, ‘Cái nền nó cũng đào nữa hả?’Tiếng phì cười biểu đồng tình vô tội vạ hóa giải không khí nghiêm trọng dối trá trong phòng họp, như cảnh người ta đang phúng điếu mà quan tài bị đứt néo, xì thúi cả phòng, chấm dứt buổi họp vì đã quá khuya, nhà máy điện sắp tắt.
Mọi người lãnh vài xấp số Tombolla gây quỹ xây nhà thờ ở Vĩnh Long mang đi chia. Xã Cuột cũng không tránh khỏi.
Xã Cuột cố lẫn tránh nhưng lúc đi ngang lò heo, già Chiêu và đám cạo heo nhao nhao, ‘Tại sao thứ sáu, chủ nhựt không cho cạo heo?’ Xã Cuột trả bài, ‘Lịnh trên nói là thiếu thịt.’ Ðám cạo heo la ỏm tỏi, ‘Thiếu đâu mà thiếu, heo bán còn không hết, phải muối làm lạp xưởng. Muốn bao nhiêu vô Sóc bắt cũng có. Mãy người bán bánh hỏi thịt luộc, cháo lòng, hủ tiếu đóng cửa nghỉ lấy gì ăn đây? Ông trả lời cho tôi coi!’ Xã Cuột lầm lũi đi, trăm dâu đổ đầu tằm, nghẹn họng, lại thêm mụ vợ mua chịu thịt heo của già Chiêu thường xuyên không tiền trả, ‘Khổ quá chánh phủ ơi!’
Về nhà nạo tiền vợ đóng góp quỹ tái thiết cho Ủy ban, mụ vợ lại là loại điếc không sợ súng, tru tréo, Xây Dinh Ðộc Lập cho ông ở sao mà ông lo dữ vậy? Nhà cửa sao hổng lo? Trời không có mắt, máy bay liệng bom sập cho chết cha nó hết cho rồi. Xã Cuột chột dạ, thấy vợ nói đúng ý mình, hạ giọng nhỏ nhẹ, Thôi mà, không đóng nó bôi tên tôi rồi sao?
***
Xã Cuột khệ nệ bưng cái thùng giấy cạc tông về, lén lút nhìn quanh quẩn giống con gà nòi thua độ. Căn nhà gỗ lợp ngói, phòng trước rộng nhưng xã Cuột chưa tìm được chỗ vừa ý. Nhìn tới nhìn lui. Cái bàn giữa nhà dành tiếp khách, ăn cơm, có sẵn bình trà đựng trong vỏ trái dừa khô bên cạnh cái dĩa nhôm với bốn cái ly nguyên tử. Xã Cuột ngẫm nghĩ, ‘Không lẽ để ổng trên bàn, mấy đứa nhỏ ăn cơm, lỡ đụng rớt bể thì mang họa.’ Các chủ tiệm ở chợ có tủ kiếng, để ‘ổng’ vô tủ kiếng trên cao, ‘ổng’ độ cho làm ăn khá, ma quỷ tránh xa. Khốn nỗi trên tủ thờ nhỏ hẹp lại bề bộn bài vị, không chỗ nào trống. Xã Cuột than,’ Rước cái của nợ về, trời ơi là trời! Ðúng là nợ, phải đi mượn nữa rồi!’, chớ làm sao nạo tiền vợ hoài, rồi gia đình cứ xào xáo. Cuối cùng xã Cuột đành dời ống đựng bó nhang, rồi mở thùng cẩn thận lấy bức tượng đặt lên chỗ vị trí tốt nhứt, dễ thấy nhứt, ngắm nghía.
Xã Cuột nằm dài trên chõng tre gác tay lên trán rầu rĩ, ngài ngại bà vợ về thì trả lời sao cho hợp lý. Bức tượng giá năm trăm đồng, bao gạo chưa tới ba trăm, nhà đang cơn túng bách, tre bán không chạy, măng đã hết mùa.
Cả mấy ngàn bức tượng thạch cao chở về quận này, phong trào phải phân phát tiêu thụ cho hết. Xã Cuột có bổn phận phải thuyết phục cho dân trong xã nhận tặng phẩm vô giá, thường là các nhà có ăn, điền chủ, dân có máu mặt. Chắc chắn họ sẽ nhì nhằng mai mỉa nữa, nhắc đi nhắc lại, nhắc tái nhắc hồi về chuyện tiền tái thiết Dinh Ðộc Lập, tiền ủng hộ Phụ nữ liên đới, tiền ... thấy mặt xã Cuột là thấy tốn tiền, mặt xã Cuột hãm tài. Xã Cuột sờ mặt mình, thấy da mặt càng lúc càng dầy, ‘khổ quá ông ơi!’ Riêng công chức, thương gia, giáo viên họ thụ động miễn cưỡng nhận tặng phẩm vô giá trị này. Dù sao họ cũng hưởng phần nào mưa móc của quốc sách. Cán bộ Công dân vụ nhờ các tiệm buôn tiêu thụ tôn, số sắt và vật liệu ‘dư ’, tiệm buôn rất vui lòng nhận. Công chức thì được dầu ăn, sữa bột viện trợ chút đỉnh, có còn hơn không. Thương gia mướn người đi công tác, công chức giáo viên ngồi trong bóng mát chỉ vẽ, đốc thúc, họ đâu có xuống bùn sâu, tay chân đâu có bị nứt nẻ vì hốt đất?
Ðám dân bắt đầu lờn mặt, lì lợm ra, nhiều lần tỏ thái độ không thích hợp hay ngược lại chủ trương, đường lối Cần lao Nhân vị. Cán bộ Công dân vụ giảng giải trong phòng nghe sao đơn giản dễ dàng quá, ‘Dân sẽ sung sướng, hãnh diện nhận bức tượng vị Tổng thống anh minh của dân tộc, người đã đưa nước Việt Nam bước lên hàng cường quốc trên thế giới. Bức tượng là món quà vô giá, đặt ở chỗ cao quý nhất trong nhà, để gia chủ thấy gần gũi kính mến. Họ còn đòi hỏi ân huệ nào hơn.’ Xã Cuột học tập đã lâu nên thông hiểu vấn đề dễ dàng, nhưng lặp lại đúng như lời y ta nói, dân nghe chướng tai.
***
Vợ xã Cuột buông gánh măng le xuống, giở nón lá quạt gương mặt đẫm mồ hôi, thấy đồ đạc ngổn ngang. Bà nhìn châm bẩm thấy bức tượng trên bàn thờ, một lúc sau mới định thần hỏi, ‘Bàn thờ để thờ ông bà, ông mua bức tượng ai thờ vậy?’ Xã Cuột lắp bắp, ‘Tượng ông, mấy ông Công dân vụ tặng để chưng cho đẹp.’ Bà chưa kịp hiểu thì xã Cuột ngập ngừng, ‘À, à! Họ tặng, nhưng mình phải đóng năm trăm đồng tiền sở hụi.’ ‘Hả?’ Vợ xã Cuột hả miệng thét văng cỗ trầu như người ho lao thổ huyết. Mặt bà xoắn lại nhăn nhúm, ‘Năm chăm? Con ở nhà cả bầy không đủ ăn, lấy năm chăm mua tượng về thờ. Làm xã mà ngu ngốc quá vậy.’ Xã Cuột cuống cuồng tát vợ một bốp tai nẩy lửa. Dù đã quen nghe vợ tru tréo mấy năm, lần này xã Cuột tát vợ không phải vì giận mà vì sợ, cái sợ lạnh người đối với mật vụ. Người ta ở trên quận đã dặn tuyệt đối cấm dùng chữ ‘mua, bán’ tượng ông.
Vợ xã Cuột cảm được sự nghiêm trọng của cái tát tai, ngồi bệt xuống góc nhà khóc sướt mướt, tiếng khóc nhẫn nhục của bà nhà quê dốt nát nghe não nề làm chính xã Cuột cũng xót lòng, tủi phận mình và thương vợ. Chuyện ở đâu ngoài đường đem về nhà hành hạ vợ con, xã Cuột đành cúi xuống an ủi vợ,
‘Ðây là tượng của ông, ông Tổng Thống ở Saigon, trên quận tặng cho toàn xã mình để chưng, để gần gũi, kính trọng ông Ngô Tổng Thống. Cái tượng ông Ngô Tổng Thống thì tặng không, còn năm trăm là mình tự tình nguyện trả tiền sở hụi xe cộ, mầy hiểu chưa?’ Vợ xã Cuột trợn mắt rống lên,
‘Nè, bộ tui ngu hả! Ðây đi Saigon, tiền xe chưa tới sáu chục. Mình thờ ông bà mình, còn tượng ổng thì để con cháu ổng cúng. Ai biểu làm tài khôn mua?’ Xã Cuột càng sợ chữ ‘mua, bán’, trên quận dặn là ‘tặng’, mà làm sao nói cho con mẹ dốt này nó hiểu đây. Xã Cuột cố bào chữa, ‘Mà người ta nói là ‘tặng’ thì phải nói là ‘tặng’, mầy hiểu chưa?’ ‘Tặng sao đòi năm chăm?’ Vợ xã Cuột xon xỏn. Xã Cuột gằn giọng ‘Tiền sở hụi’.
‘Tiền sở hụi gì dữ vậy? Xe đò nào lấy tiền mắc quá vậy, chỉ cho tôi coi. Bộ muốn qua mặt tôi dễ lắm sao?’
Chính xã Cuột luống cuống, rõ ràng xe nhà binh chở xuống, sở hụi năm trăm là quá, đâu phải chỉ có vợ mình mới biết tính. Xã Cuột ngoan cố thét, ‘Người ta tặng!’ Mụ vợ vẫn quyết không chịu nhịn,
‘Tặng sao lấy năm chăm? Tượng này trắng xác, đồng xu tui hổng mua, đem về rủi ban đêm ma quỷ nhập vô phá nhà cho coi!’
‘Con ngu ơi! Ðã nói người ta tặng.’
Hai vợ chồng cứ cãi nhau suốt cả buổi vì xã Cuột không đủ khả năng giải thích cho vợ hiểu. Mụ vợ dốt chỉ hiểu ‘tặng’ là khác ‘bán’. Mà đâu phải chỉ có gia đình xã Cuột gấu ó vì bức tượng. Khắp trong xã, các bà chất vấn ông chồng tới nghẹn họng, ‘bán’ hay ‘tặng’. Bán hay tặng gì cũng phải trả tiền, chỉ khác hai động từ, cãi cọ lôi thôi không đi tới đâu.
Chỉ có các chủ tiệm buôn gốc Tàu ngoan ngoãn, vui vẻ nhận quà, vợ con không thắc mắc, giá mắc nhưng họ chịu được.
Ðêm đó, vợ chồng xã Cuột cũng như hầu hết dân trong ấp khó ngủ. Vợ xã Cuột sợ ma, cứ nhìn lên bàn thờ, những đóm nhang đỏ rực, bức tượng trắng bệch như đầu con quỷ. Vợ xã Cuột co rút trong mùng, tưởng tượng cái đầu thở khò khè của con ‘ma lai’ rút ruột, đêm khuya đầu bay là là, kéo theo chùm ruột ra đồng kiếm ăn. Ban đêm sợ ma, ban ngày bực tức chồng ngu dại xài tiền vô lối, vì chính vợ xã Cuột phải chạy tiền trả cho cái đầu Ngô Tổng Thống. Bà tức chồng bể ngực, ‘mua’ mà không chịu nói ‘mua’, bắt phải nói ‘tặng’. Hai vợ chồng bị từ ngữ ‘mua, tặng’ hành hạ điên đảo.
Cãi không lại chồng, bà ngồi lê đôi mách, ở đâu cũng đem ra bàn, cãi vã cho bằng được. Các bà khác hùa theo đồng ý với bà, mãi đến khi gặp một người giáo viên quen nói nhỏ, giọng nói nặng cân hơn xã Cuột, ‘Người ta trên quận, trung ương dặn, biểu nói là ‘tặng’, nếu nói ‘bán’, nói ‘mua’ thì cũng như mình đem ông Ngô Tổng Thống ra ‘bán’ sao? Vợ xã Cuột vẫn khư khư luận điệu cứng nhắc, ‘Nói ‘tặng’ sao phải trả năm trăm? Tiền sở hụi gì dữ vậy, tiền xe đi Saigon có ...’ Ông nọ nghiêm mặt ngắt lời, ‘Sao bà nói bậy bạ quá vậy, mật vụ nó bắt dợt cho mềm xương bây giờ!’
Từ đó xã Cuột được yên thân ít lâu, bức tượng trên bàn bị khói nhang đóng đen như cột nhà cháy, rửa xà bông không trắng được như cũ. Vợ xã Cuột thù dai nhứt định không chịu cúng cho ông đó ăn gì cả.
***
Năm đó, vợ xã Cuột đang bắt radio nghe cải lương, thì nghe ra rả mấy ngày liền, tắt thì thôi, hễ mở ra thì cũng không có chương trình cải lương, chỉ có nghe tiếng tuyên bố ‘quân đội, gia đình trị, độc tài, phong kiến ...’
Xã Cuột đi xăm xăm về nhà như ma đuổi, chụp ngay bức tượng chạy tót ra sau nhà, đập vô thành giếng nước bể tan tành. Vợ xã Cuột ngơ ngác như gà mở cửa mả, ‘Cái gì vậy, giận ai mà dám lấy tượng đập bể nát vậy. Bộ điên rồi hả? Bộ muốn ở tù hả?’ Xã Cuột hổn hển trả lời, ‘Nghe mấy ông trên quận biểu về dặn dân xã đập cho hết tượng vì tượng đã hết linh, đám Công dân vụ lặn đâu mất, gặp chém cho nó một dao cho đứt đầu.’
Máu tiếc của của bà nổi dậy như sóng cồn, ‘Ðó, tui nói có sai đâu. Ðộng hào của mà! Tượng quỷ tượng yêu gì cũng mua về rồi đập bỏ, bây giờ đòi tiền lại được không? Sáng mắt ra chưa.’ Lần này bà có thể dùng chữ bán, chữ mua thả cửa. Xã Cuột đã sáng mắt, mặc vợ chửi rủa, bao nhiêu uất ức tám chín năm nay được dịp trào ra. Xã Cuột đang trưa nắng mà cũng lên giường bỏ mùng nằm như người bịnh, lo ngại dân trong xã mang tượng trả, đòi tiền lại. Xã Cuột than thầm, ‘Ông ơi, ông ăn tui chịu, bây giờ ông chết tui cũng chịu, khổ quá ông ơi!’
***
Buổi sáng nước lớn ngập đầu bờ kinh chợ cá, rác rưới trên chợ đổ xuống trôi lều bều dưới sông, xế trưa nước ròng. Chợ cá còn đó, con kinh còn đây, nước lớn nước ròng cuốn trôi rác rến đi.
Thời gian qua mau, gia đình xã Cuột chưa nguôi ngoai thì súng bắt đầu nổ dữ dội hàng đêm, bom dội núi Tô làm cửa sắt ở chợ cũng rung rầm rầm như tiếng súng. Dân Sóc long đong cuộc sống đã đành, thêm máu đổ, khủng bố hàng đêm. Nhà cửa trong Ấp chiến lược cháy tan hoang, mạnh ai nấy bỏ nhà tản cư. Những hàng chông tre mục nát, đất chài lấp hào quanh ấp.
Chiến tranh dạy vợ xã Cuột trưởng thành, hiểu rằng cuộc chiến không phải dành riêng cho lính. Nhà cất thêm hầm tránh pháo kích. Ðời sống tiện nghi hơn với radio, cassette, xe Honda thay thế cho xe đạp nhưng đời sống vội vã hơn xưa. Bà vợ xã Cuột chấp nhận nhẫn nhục để chồng đêm đêm đi ngủ nhà khác vì an ninh, hai đứa con trai ngủ trong đồn nghĩa quân. Người ta sống ban ngày, ban đêm dành cho chiến tranh, khủng bố. Ngủ tới sáng mới biết mình còn sống. Cái gương chú Năm Ngọc Ðiền đó, hiền như đất, một đêm tên du kích cháu chú về kéo chú ra bắn chết trước nhà, tàn ác chưa!
Xã Cuột sống qua nhiều trào, học được triết lý sống thật đơn giản, ‘Nắng bề nào che bề đó’, nên theo gương ông quận phong trào cũ, vui vẻ tình nguyện như bất cứ công chức nào khác gia nhập đảng Dân chủ. Bà vợ để mặc chồng lo việc chánh trị, miễn đừng nạo tiền nhà.
Sống lâu lên lão làng, xã Cuột có lúc bất bình, lúc rượu vào, khì khà dám nói xéo ông Phó quận trẻ mới đổi về, ‘Nó Quốc gia Hành chánh hả, mẹ, con nít ke!’ Một hôm đi họp đảng Dân chủ về, xã Cuột mang về tấm ảnh lớn, bảo vợ đưa tiền gởi ra Châu Ðốc mua khung kiếng để chưng, hình ‘xếp’. Vợ xã Cuột thấy giá không bao nhiêu, lúc hình lộng khuôn treo trên tường, bà vợ nói mát, ‘Nữa rồi, hình thằng cha nào mặt chuột mà lộng kiếng treo, tối nó thành chuột cắn phá cho coi. Ông làm chuyện ruồi bu.’
Xã Cuột nghiêm mặt, bình tĩnh, gương mặt phảng phất vài nét trí thức, chậm rãi nói, ‘Ðây là hình Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Nói bậy cho an ninh theo dõi đi!’ Xã Cuột bước ra cười thầm, ‘Con vợ mình không biết chữ. Cái miệng ăn mắm ăn muối mà nói đâu trúng đó.’ Hai vợ chồng sống dai hơn hai đứa con trai, tử trận vì mìn ở gần cầu Tà đét.
***
Ngày bọn trên núi Tô kéo cờ đỏ chạy xuống tiếp thu, xã Cuột bái xái vì chức xã hàm và chức đảng viên Dân chủ. Xã Cuột sợ tới ngã bịnh sốt rét, liệt giường liệt chiếu tưởng chết rồi. Bà vợ luống cuống gỡ tấm hình lộng kiếng xuống, bà không sợ hư tấm hình, chỉ sợ hư khung kiếng, lẩm bẩm, ‘Thằng cha mặt chuột đi rồi, ai tới nữa đây?’
Cuộc sống khốn khổ quá sức tưởng tượng đối với bất cứ người dân nào trong xã. Năm đó trời lạnh, lại mất mùa, mặc mấy lớp áo mà vẫn lạnh run cầm cập. Cá, cua chết phơi bụng trắng dưới ruộng sâu; mùa lúa bị sâu rầy phá tiêu. Vợ xã Cuột đã quen cực khổ, chạy chọt buôn bán đắp đỗi nuôi chồng và đứa cháu. Mỗi lần đi học về nó hát nghêu ngao, ‘Ai yêu em bằng bác Hồ’, bà dằn không được, chửi đổng, ‘Thằng cha mầy, tao thương mầy chớ ai thương?’ Phần xã Cuột thì khép nép theo công an xã, được giao cho việc lấy danh sách người đi công tác đào kinh, thanh niên tới tuổi đi nghĩa vụ. Số xã Cuột vướng toàn những việc chọc chúng ghét, lúc trước vì thời thế, vì chức xã, bây giờ vì cái hộ khẩu.
***
Xã Cuột đặt khuôn hình ngay ngắn trên bàn thờ, hình có hàng chữ Không có gì quý hơn độc lập tự do. Xã Cuột đọc hoài mà không nhớ cho trọn vẹn câu này. Trên huyện đưa xuống thi hành, vợ thì gánh gồng chạy ăn từng bữa, khó hiểu lý thuyết này nọ, điều này dễ hiểu vì bà không biết đọc chữ Miên lẫn chữ Việt. Bà may mắn có trí nhớ thiên phú nên mua bán không lầm lẫn. Ở xứ này cả đời mà chưa biết mặt ông Quận trưởng, ông Huyện ủy lần nào, nhưng đặc biệt bà có khả năng nhận xét khá đúng, nếu làm nghề coi tướng chắc bà phát tài mau lẹ. Thoáng nhìn bức ảnh trên bàn thờ, không cần đọc hàng chữ gì gì đó, bà bốp chát phủ đầu chồng như thường lệ,’ Nữa, nữa, lại đem cái hình lên thờ nữa rồi!’ Xã Cuột cuống quýt ngắt ngang, Im nghe, ‘công an nó nghe được là học tập cải tạo chết mẹ hết bây giờ.’
Họa vô đơn chí, dân gốc Miên bị đuổi khỏi quận vì tình hình chiến sự với Khờ me đỏ. Xã Cuột và gia đình lưu lạc đâu ở Chương Thiện mấy năm. Nhà cửa bị giỡ lấy hết cây và ngói, còn lại nền cỏ hoang mọc hoang tàn, gia súc bị bán rẻ cho người ta làm thịt.
***
Mấy năm sau, gia đình xã Cuột dẫn dắt nhau trốn về vì xứ người khó sống, cùng đường thì hết sợ.
Vợ chồng xã Cuột ngồi chồm hổm với đứa cháu, cú rũ, hãm tài. Hai ông bà trên sáu mươi, nghị lực bị đốt cháy sau mấy lần đổi đời, ông thở dài ngao ngán. Một thằng con nít lóc chóc đeo súng đi qua, mặt non choẹt điếm đàng, hất mặt hỏi, ‘Ủa, ai cho mấy người về vậy?’ Không biết ông thần đất nào nhập, ông thần Leo Teo ở xứ này nhập thì đúng hơn, vì ông ngồi trên nền nhà cũ, xóm Tà Păng Flức, gần chòm mả. Xã Cuột chụp cây dao dâu nhào tới vớt đầu thằng nhỏ. Nó chạy thoát thân, la hoảng.
Thiên hạ ngạc nhiên thán phục, quên hết chuyện ngày xưa xã Cuột gây ra, họ thấy xã Cuột rượt theo thét, Tao cáp mầy, tao cáp mầy, thằng con nít ke!
Ðêm đó, gia đình xã Cuột nằm co ro trước chái nhà bà Ten. Gió từ núi Tô về lạnh buốt, hai vợ chồng và đứa cháu lấy tất cả áo quần quấn quanh người, chen chúc tìm hơi ấm, họ ôm ấp nhau đầm ấm qua những thăng trầm, còn sống, còn thương nhau là quý. Bà vợ lần áo lấy đồng xu cạo gió cho chồng, óc hài hước nổi dậy, bà hỏi chồng, ‘Từ đó tới giờ mới thấy người ta gan lần này á.’
Xã Cuột run giọng vì lạnh, trả lời: ‘Choi me! Sợ cái gì nữa? Mặt quỷ, mặt chuột, mặt chồn gì tao cũng cáp chết mẹ nó hết! Chưa đã nư, xã Cuột la lớn cho bọn công an nghe, Choi me! Thằng nào giỏi lại đây!’
· Viết để nhớ những người dân chơn chất quê tôi.
· Kính dưng hương hồn củ Xã Cuột, người cao ráo, dáng đi ngúc ngắc như cây tre bị gió thổi, thuở sinh tiền đến lúc nằm xuống, cố hết sức không làm buồn tới đứa con nít.
· Viết nhớ củ Xã Xân, Xã Phên. Trước 75, giúp đỡ bao nhiêu người, Cộng sản vào lây lất sống, được mấy người mời ly cà phê sáng? Ôi! Nhơn tình nhơn ngãi.
· Chú Năm Ngọc Ðiền ơi! Mãy năm liền thi rớt, về quê, đi ngang tiệm chú, chú cười thông cảm. Chú Năm nói chuyện nhỏ nhẹ, cười không ra tiếng, ngồi đạp phùm phụp con cóc nhỏ trong tiệm vàng ở góc chợ. Chú nuối bầy cháu cho nó học nghề, chú không làm mất lòng ai trong chợ, dù là với tiệm vàng của ý Kim Lưng, vậy mà một đứa cháu chú nuôi, một đêm năm 1970, phá cửa bắt chú bắn chết trước mặt thím Năm. Tổ cha thằng mọi rợ tàn ác! Chú Năm à, Nghỉ vẫn nhớ thương kính trọng chú, Nghỉ chưa quên được gương mặt cười hiền lành cảm thông của chú mỗi lần Nghỉ qua tiệm chú!
· Cảm ơn anh Giáo Chói, xin lỗi anh, vì tôi quên mất họ anh. Anh là giáo viên đầu tiên có bằng Trung học đệ nhứt cấp và có học một năm Quốc gia Sư phạm, anh lại làm hiệu trưởng trường Việt Nam xứ tôi. Anh lấy vợ ở xứ tôi, đứng về phía dân quê tôi. Ðêm nào tôi cũng nghe anh kể chuyện xảy ra trong các buổi họp, các công tác Ấp chiến lược. Tính tình anh trung thực và khôi hài. Sau năm 75, anh nói anh làm nghề ăn quần, đứa cháu anh ở Mỹ gởi quần jean về cho anh bán để tiêu xài. Cám ơn anh!
· Còn những người theo đóm ăn tàn xin miễn nhắc.
GHI CHÚ:
(1) Ông Leo Teo: Khoảng trước năm 1920, xóm Ô Lâm có vị thần Leo Teo, thường đêm bóng ông hiện dang hai chân đùa những người yếu bóng vía.
(2) Càu Vịnh Tre: (Dịnh Tre?) Ở khoảng giữa đường Châu Ðốc - Long Xuyên.
(3) Quần Cành Tăng, áo Phá Lãu: Loại áo quần may rất đơn giản.
(4) Rau ngành ngạnh: Loại lá nhỏ hơn lá xoài, ăn chua chua, nghe nói Long Thành cũng có.
(5) Trứng trăn: Màu trắng nhỏ hơn nắm tay từng chùm dài, luộc ăn béo béo.
(6) Ám độc: Bài học thuộc lòng.
(7) Bánh thốt nốt: Bánh bột gạo, chất ngọt làm bằng sơ trái thốt nốt chín vắt ra, rải dừa nạo trên mặt, gói bằng lá chuối rồi đem hấp.
(8) Bánh gói: Bánh làm bằng bột gạo, gói theo hình vuông và mỏng. Có nhưn đậu xanh, chan nước dừa.
(9) Khi đứa bé bị bịnh tà, người Miên tin là ma sợ voi, nên ném đứa bé dưới bụng voi cho ma xuất ra.
(10) Sóc mẹt: Xóm hẻo lánh quê mùa.
(11) Ðứt néo: quan tài đứt mối giây, bị xì hơi, rất thúi.
(12) Cạo heo: mổ heo.
(13) Ly nguyên tử: loại ly thủy tinh pha plastic nội hóa, rớt không bể.
(14) Ðộng hào của: làm cho tốn tiền.
(15) Chồn đèn: loại chồn lớn, dữ và quỷ quyệt, khác loại chồn mướp hay chồn hương.
(16) Dao dâu: dao dài độ 80 cm, nặng, rất bén, đầu dao cong có thể xắt chuối nuôi heo,
hoặc dùng để móc dừa, thốt nốt trên cây.
(17) Cáp: chém.
(18) Chái nhà: hiên nhà.
(19) Choi me: tiếng chửi thề của Miên.
Graceville-Australia-1992
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét