Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

TÀU TÂY KIA LIỆT MÁI

      Tàu Tây Kia Liệt Mái


LƯU NHƠN NGHĨA

          Cách đây 9 năm, lúc tôi làm trong hãng cưa gỗ làm bàn tủ ở Wildbad, máy bị hư bất ngờ, tiếng ken két ngưng làm người quen với tiếng động thấy chơi vơi. Tôi đứng thẩn thờ mệt nhừ trước những miếng gỗ nặng khiêng gẫy lưng, trong đầu trống rỗng, đón nhận câu hát ru em dội về, xa vắng man mác, dù lúc đó gần hai giờ sáng của ca làm đêm, cuối năm tuyết đổ, lạnh rát mặt. Câu ru em vỏn vẹn bốn chữ buồn xa vắng "tàu Tây liệt mái..." kéo dài than thở, dặn dò, khuyên nhủ.
          Tôi nhớ mài mại đâu khoảng năm 1956, buổi trưa hè, đi ngang qua nhà bếp bà ngoại, nghe thoáng tiếng ru em của một người đàn bà giúp việc kẻo kẹt theo tiếng võng đưa, tiếc là không ngừng lại để nghe cho trọn lời ru, nên giờ đây tôi chỉ nhớ bốn chữ không đầu không đuôi - của ngươi đàn bà mà mợ tôi đặt tên là "Bà Ðầu Ðỏ" vì bà quấn khăn đỏ, không phải trang điểm mà để buộc chặt đầu tóc bới.
          Thời buổi đó, người ta lấy giá trị văn hóa Pháp làm tiêu chuẩn lý tưởng, radio, máy hát đẩy dần những câu ca dao vào quên lãng, trong số những người đó có tôi, nên tôi cũng không thèm nhớ câu ru em của Bà Ðầu Ðỏ nhà quê nghèo đi làm mướn đó.
          Nhưng khi đi làm công, chợt thấm thía, nhờ máy cưa gãy cốt im lìm như tàu Tây liệt máy, tôi tìm được duyên tri kỷ với câu ru em này. Ðầu óc ám ảnh, tại sao " tàu Tây liệt máy?" Câu trước, câu sau tìm không ra, hỏi ai cũng không nhớ. Câu hát ru em làm nao lòng người mà thất truyền thì uổng phí và thiệt thòi biết chừng nào. Tôi cất giữ bốn chữ đó trong tận đáy lòng, giống như giữ một phần tấm bản đồ tìm kho tàng, chờ tìm những mảnh còn lại để ráp cho đủ.
          Câu ru em đã tìm tôi, cũng như tôi đi tìm nó, gặp duyên may bất ngờ. Tháng 6 rồi, tình cờ bạn tôi nhắc, thêm mấy câu ráp thành trọn vẹn:
                   (Cái) quả năm ngăn trong lòng (anh) sơn đỏ,
                    Mấy lời to nhỏ, (anh) bỏ (bạn) sao đành
                   Khi nào xán nổ tan tành
                   Tàu Tây (kia) liệt máy, mới đành phụ em.
          Ðó là thể thơ song thất lục bát, thêm những chữ trong dấu ngoặc cho rõ nghĩa và điệu ru ngân dài ra, vừa thơ vừa văn xuôi, một loại thơ có vần điệu dùng kể chuyện.
          Ðọc nghe sướng thỏa, tôi nghe tiếng xán nổ tan tành, xác quân xâm lăng tan tành như xác pháo đầu Xuân. Tôi chép vội bốn câu thơ vào nhựt ký ngày ngày ngâm nga, hay thì hay thật, mà hình như chưa ổn, như đang ăn bánh tằm mà nhai nhằm óc trâu, cái ngon không trọn vẹn. Cái gút mắc là "xán nổ tan tành". Xán (chaland) hút đất thổi lên, có loại cần trục múc làm sao nổ tan tành?, "nổ tan tành" (động từ + trạng từ) đối với "tàu liệt máy" (động từ + danh tự túc tự) chưa được cân xứng.
          Sau đó vài tuần, biết đâu hương hồn "Bà Ðầu Ðỏ" ở đâu đó (nếu còn sống cũng gần cả trăm tuổi) cảm nhận được sự say sưa câu hát của bà, đưa đẩy cho tôi cơ duyên gặp đúng người duy nhất đủ khả năng hóa giải cái thắc mắc cuối cùng đã gặm mòn tâm não tôi bấy lâu. Người đó là anh Phan Lương Quới, hôm gặp anh, dù chưa quen, tôi quên phép xã giao, hỏi quê quán anh Quới (anh gốc Cần Thơ) rồi hỏi phăng ra bốn câu trên.
          Anh xua tay và đọc lại nguyên văn anh còn nhớ:
                   Khi nào xán nọ bung "dành" (vành)
                   Tàu Tây kia liệt "mái" (máy) mới đành phụ em.
          Tôi run tay, reo lên, phải rồi.
          "Xán nọ" đối với "tàu kia" - "nọ, kia" đưa đẩy, miệng hứa hẹn, tay chỉ xán, tàu.
          "bung dành" đối với "liệt mái", mạnh mẽ, dứt khoát, hay quá, mà phải ru theo giọng Nam nhà quê mới thấm, "dành, mái" chớ không phải "vành, máy", không cần chánh tả, nói sao viết vậy, âm thanh vì thế kéo dài thêm ra, truyền cảm hơn, mặt lưỡi dính với khẩu cái (palatal stop voiced), hạ xuống nhẹ nhàng, vừa thở ra, môi bè ra xí xọn, thành âm /J/ "dành", dễ quá, hơn là sát âm răng môi (labiodental-fricative) /v/ "vành", cũng như âm /ai/ và /ei/ "mái" và "máy", quí vị phát âm thử sẽ thấy.
          Tôi quên tất cả chung quanh, như nhặt được miếng hình của cái puzzle rắc rối, ráp đúng khít khao.
          "Chừng nào, khi nào, ngày nào" bắt đầu các câu ca dao quen thuộc, than thở, thề thốt, hứa hẹn như câu:
          "Chừng nào trả hết nợ Cao Hoàng
          Ðào sông Câu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu
          Lòng hẹn lòng, ai dỗ đừng xiêu
          Ở nuôi phụ mẫu, sớm chiều có nhau"
          (Câu ca dao than thở thời Trương Phúc Loan chuyên quyền)
          Từ cuối thế kỷ 19, quân Pháp dùng xán để đào kinh, không phải có ý tốt, mà cần vận chuyển quân đội bằng đường thủy trong việc bình định. Chỉ có miền Tây sông rạch chằng chịch mới có xán, miền Ðông trở ra Trung, Bắc chưa nghe nói.
          Những chiếc xán đào kinh, xây cầu thời cách đây chừng tám chín mươi năm là hình ảnh hãi hùng đối với dân quê chưa có kinh nghiệm về kỹ thuật - thời thuộc địa - (thời mà chiếc xe đạp còn là món xa hoa bí hiểm). Các địa danh như kinh xán Xà No, kinh Xán Cụt, kinh xán Vịnh Tre, kinh xán Ba Thê còn đó.
          Liên hệ tới xán - Chính bà ngoại tôi kể "Nó bắt con nít liệng xuống để xán ăn, máu đỏ quặng lên" cái tin đồn như thật -
          Xán đào kinh xong cho tàu binh chở lính Commando đi bố tận nơi xa xôi, để bình định. Ai sống thời đó, ở vùng quê xa xôi mới cảm được cái lo âu hãi hùng. Khi Tây đi bố, khi thấy chiếc xà lan sắt xuất hiện, tiếng nổ binh binh, lù lù di chuyển như khối thép khổng lồ so với ghe xuồng mong manh.
          Chiếc xán hư nằm trên kinh Xán Cụt quê tôi, tôi được thấy vài lần khi ngồi ghe trên kinh ra tỉnh vào mùa nước, vì đường xe bị ngập.
          Vào mùa mưa, nước sông Hậu Giang tràn lên vùng Láng Linh và Ba Thê, Núi Sập như biển cả. Ngồi trong ghe, với đầu óc non nớt, ghe trôi dần dần tới xán, cấu trúc giống tháp Eiffel, cứng cáp, đen sậm, cao vòi vọi vì nhìn từ dưới xuồng. Ngồi trên xuồng mà cứ tưởng xán di chuyển về phía mình, đe dọa chực nuốt sống mình. Tôi không đủ khả năng diễn tả cái cảm giác sợ sệt nơm nớp lúc đó. Chiếc xán và tàu binh tiêu biểu cho nền văn minh kỹ thuật dùng để khai hóa dân tộc "bán khai"?, văn minh đâu chưa thấy, chỉ thấy máu đổ cả trăm năm, hậu quả gián tiếp cuối cùng là tôi ngồi đây mệt mỏi, chán chường không thấy có đất sống.
          Sau năm 1954, xán nọ đã bung vành, đứng trơ trơ giữa cánh đồng Láng Linh, trên bờ kinh Xán Cụt. Xán ngóng trông tàu Tây trở lại, tàu Tây đã liệt máy, kinh cùn đã cạn nước. Khi mười giờ ông Chánh dìa Tây, cô Ba (đành) ở lại lấy thầy thông ngôn, thì xán đành sống chung với dân dọc theo bờ kinh, sóng nước bạc mênh mông cánh đồng Láng Linh không nỡ nhận chìm xán, hạ kẻ thế cô đầu hàng đâu phải là thái độ cao thượng của người kiến nghĩa bất vi vô dõng giả.
          Cả gần trăm năm qua, máu đỏ, hận thù sôi sụt đã nguội dần thành màu đất bón phân cho lúa. Xán đã quên mất mẫu quốc mình, hòa mình với đất phèn sóng bạc Láng Linh, đứng an phận bên bờ kinh, tên xán (xà-lan, Chaland) được đặt tên mới là "Cái càng tôm nó đứng giữa đồng", (như máy bay chuồn chuồn, đầm già, cồng cộc, v.v...). Làm chứng nhân giữa trại ruộng Láng Linh do Ðức Thầy Tây An khai phá và cuộc chiến đấu một sống một còn của đoàn quân Ðức Cố Quản Trần Văn Thành, dù thất bại, dù chim bay về núi tối rồi, vẫn quyết liệt, thà thua ta xuống láng xuống bưng, kéo ra đầu giặc lỗi chưng quân thần.
          Sau năm 1975, xán bị kéo đi mất. Tôi cũng đánh mất ước mơ được một lần về hội ngộ tâm sự với xán bên bờ kinh Xán Cụt khi chiều xuống, thâm sâu giao cảm hơn đứng dưới chưn Tour Eiffel đô hội giả trá.
          Tôi đã trả nợ ơn nghĩa cho dì "Bà Ðầu Ðỏ", cám ơn dì đã hát cho tôi nghe lời ru em man mác dù có bốn chữ và đưa đẩy tôi đi tìm được trọn vẹn bài hát ru em.
          Lời thề thốt, xán nọ bung vành, nguyền cho tàu Tây kia liệt máy để tròn câu nhơn ngãi của chàng thanh niên kia đã trọn vẹn, chắc chắn chàng sẽ không phụ em đâu!
          Này người ơi, cho tôi xin ru lại lần cuối, cho em thơ êm ái đi vào giấc ngủ trưa:
                   "À ơi! Cái quả năm ngăn trong lòng anh sơn đỏ
                   Mấy lời to nhỏ, anh bỏ bạn sao đành
                   Khi nào xán nọ bung "dành"
                   Tàu Tây kia liệt "mái" mới đành phụ em"
          Và này người ơi, tôi muốn nói, dù cho xán nọ bung vành, dù tàu Tây kia liệt máy, dù cho đá nổi rong chim, dù muối có chua chanh có mặn cũng xin nguyền nhớ nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét