LÀM PHƯỚC
Xứ tôi ở gần biên giới Miên, trước mặt là ruộng, sau lưng là những dãy núi che chỡ. Đất nầy thích hợp cho người lỡ vận, sơ cơ.
Dân Miên ở từng Sóc cô lập dọc theo chân núi, mỗi Sóc đều có ngôi chùa cỗ, khang trang, kiến trúc cùng một mẫu, hai mái chồng lên nhau, gió luồn vào chùa mát mẽ. Trên nóc có Thần Rắn nằm, dưới mái có Thần Hầu đỡ. Ông Tà UL chỉ ngôi chùa Préa Theat nói: ‘’Hồi ông ngoại tôi đó, có chùa vậy rồi, ba mươi mấy ông Sãi Cả.’’
Ở đâu có khói có lửa là có người Tàu. Góc núi Sóc Mẹt, trước thời Pháp, không biết lý do gì dân Tàu tới đây; họ tới bằng cách nào, đế sậy ngập đồng, nước tràn mênh mông. Nhiều ông già Miên da đen, mặt Miên, nói tiếng Miên rặt mà họ Huỳnh, họ Trần, họ Lâm… Chùa Ông Bổn (gọi tắt là chùa Ông) là trung tâm tinh thần.
Dân ‘’An Nam’’ mình không nhiều, có lẽ đến đây theo những đợt di dân, đào kinh của ngài Thoại Ngọc Hầu và Nguyễn Hữu Cảnh. Họ ở dọc theo bờ kinh Tây đào, sống nhờ ruộng và cá. Nghèo mà xây được cái đình rộng, cây song quanh tường bằng gỗ sao, không có Thần để thờ, họ đành mượn ‘’Sắc Thần’’ chợ Cây Me thờ.
Người Việt và người Miên ít chung đụng. Việt ở theo kinh, làm ruộng bưng, Miên sống dọc theo núi, làm ruộng trên, thêm nghề làm rẫy trồng rau. Người Việt thì rất Việt, người Miên thì rất Miên, như nước với dầu chứ không phải như nước với lửa. Xóm người Việt thì không có người Miên, Sóc người Miên thì không có người Việt, chỉ buôn bán đổi chác ở chợ. Xưa, dư ăn dư để nên không cần cạnh tranh lấn lướt nhau, chưa va chạm nhau lần nào.
Dân Tàu ở quanh chợ, lúc đó nhiều người từ ‘’Từng Xua Chẻm Lái’’ (bên Đường sơn vừa qua), tiếng Việt không rành, hiếm có người biết chữ Tàu ở trình độ viết được cái thư. Biết chữ thì ai bỏ xứ đi, vì dốt, vì nghèo, qua Nam Việt, ở Chợ Lớn không kham, ở Lục tỉnh không nổi, trôi giạt về đây, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo. Dân Tàu hoà đồng được với Việt và Miên, nhưng có vẻ thân Miên hơn vì Miên hiền, Việt thì khôn hơn.
Nói cho ngay, dân Miên nếu là đàn ông mới có cơ hội biết chữ Miên lõm bõm nhờ vô chùa tu mấy tháng trả ơn cha mẹ. Học xong trả hết lại cho mấy ông Sãi.
Dân Việt còn vài người già biết chữ Nho. Năm 1963 còn thấy được một người già, mặc bà ba đen, đầu quấn khăn, ngồi viết liễn chợ Tết. Chữ quốc ngữ đàn ông ai cũng biết, trình độ cao nhứt là lớp Ba. Các bà không biết chữ, bắt mấy đứa cháu đọc Giảng, truyện Tàu, thơ Vân Tiên cho nghe. Thằng bé có cơ hội tập đọc nhuần nhã, cả hai bà cháu, người đọc, người nghe rồi thuộc luôn.
Bà chết đi, thằng bé lớn lên được thấm nhuần chút văn hoá cũ, trong đó, mọi người đều tin ở ''Phước Đức''. Hai chữ Phước và Đức đi liền nhau, người có Đức mới có Phước, người làm Phước mới tạo Đức.
Ý niệm nầy tôi không nghe nói và không biết tìm từ ngữ nào tương đương trong Anh ngữ, nhưng dân Âu Mỹ quả có Phước và có Đức tuy họ không có từ ngữ diễn tả.
Chữ Đức tôi tìm không ra từ nguyên và cách giải thích qua chữ Nho. Chữ này ... gồm bộ xích ... (bước đi ngắn), chữ thập ... (số 10), chữ tứ ... (số 4), chữ nhứt ... (số 1) và chữ tâm ... (tấm lòng).
Học trò xưa đọc cho dễ nhớ: Chèo bẻo vắt vẻo cành tre (bộ sách giống con chim chèo bẻo đứng trên cành tre), thập trên tứ dưới, nhất đè chữ tâm.
Chữ Phước bộ Kỳ, bên là chữ nhất (một), khẩu (miệng), điền (ruộng), có một miệng ăn, có ruộng là giàu, được sức mạnh thiêng liêng che chở (Kỳ). Ý nói mấy ổng làm ăn phát tài là nhờ mấy ổng ngay thẳng, ngay thẳng theo kiểu mấy ổng đặt ra, buôn bán phải giữ chữ Tín, thiếu tiền thì phải trả; nhưng làm ăn, ai vốn lớn càng ngày càng phát, đè bẹp người có vốn nhỏ. ''Hót tếch'' (phước) chỗ nào ?
Ở xứ nầy đặc biệt có chữ ''làm phước''.
Chữ Phước đọc theo âm hai môi (bi-labial) /p-/ chứ không đọc theo âm môi răng (labio-dental) /f/, đây là âm rất xưa.
Chữ ''làm phước'' của dân Việt Nam xứ nầy làm chớ không nói. Dân Tàu, ngoài việc cúng chùa Ông Bổn, cũng bắt chước làm theo.
Dân Miên cũng có chữ đồng nghĩa với ''làm phước'' của Việt Nam, ''thơ buln'', thơ là làm, buln là phước.
Ba sắc dân với ba nếp sống văn hoá khác nhau, lại gặp nhau ở đất ''phước địa'', nhờ sự trùng hợp này mà người giàu có cơ hội tạo phước đức cho con cháu, như người ăn xin ngoài chợ, ''cô bác ơi, thân tôi đui tối tật nguyền, cô bác làm phước gặp phước'', ''tếch hóc xềnh hun chuối'', đức phước thành phong thủy. Người nghèo không có gia sản, cũng theo đó, góp công làm phước. Kẻ công ngưòi của, người tận cùng khốn khổ nhận được cái lộc, đỡ khổ.
Dân Miên thường đóng góp xây dựng chùa chiền, họ ''thơ buln'' tại chùa, có nhạc ngũ âm. Có khi làm ở nhà, phát tiền gạo cho người nghèo, thường thì thơ buln vài ngày, có khi cả tuần nếu nhà khá giả.
Trên những cánh đồng, mùa khô, đất nẻ, thỉnh thoảng có cái ''xa la'', nhà nghỉ mát, chỉ có bốn cây cột, cái mái đơn giản, bên cạnh là giếng nước. Buổi trưa nắng gắt giữa đồng không một bóng cây, người cày ruộng vào xa la nghỉ mệt chốc lát, múc nước giếng lên uống đỡ khát. Mùa mưa, họ chen chúc đụt mưa đứng dưới mái xa la.
Người Miên theo đạo Phật Nam tông, có sẵn ý niệm ''thơ buln'' làm phước, bố thí trong đạo Phật, cụ thể hoá bằng cái xa la và giếng nước giữa đồng cũng như người Việt có để khạp nước và cây gáo dừa trước nhà đãi khách đi qua.
Quên kể, côn Ngoại tôi, thấy giếng nước Chơn Phnum ai đào sẵn dưới chân đồi, trên đồi là nghĩa địa, chắc vậy mà nước trắng đục, ''nước cốt'', ông sửa sang, xây thành giếng, vét giếng, rồi để tên hiệu tiệm ''Đức Phong'' của ông. Ông làm phước nhờ cái giếng đó, bằng cách sửa chữa hàng năm để ''lấy phước''. Có mấy người có tiền, muốn ''chia phước'', xin sửa giếng, đề tên trên thành gìếng nhưng ông không cho. Theo tôi, ông giành phước chứ không phải làm phước. Làm phước còn đề tên cho người ta biết. Ông độc quyền làm phước, hưởng phước, không cho ai tham gia, giống như ông độc quyền đại lý xăng dầu, lúa gạo, nước mắm trong xứ.
Dân Việt dựa vào cơ sở sẵn có như đình chùa để làm phước. Người có của đóng góp tiền bạc, người khác lấy công mình đặt mua cây cỏ thuốc trên núi, ngày ngày chặt cây thuốc ra phơi hay sao thủy thổ, ông thầy thuốc Nam hốt thuốc cho người bịnh miễn phí, đây là lối làm phuớc thông thường nhứt ở quê tôi, chỉ giới hạn trong nhu cầu thuốc men.
Cá nhân làm phước cũng rất nhiều. Họ làm âm thầm rất nhiều, nếu lộ liễu quá thì không kham nỗi. Bà già tôi nhờ người bạn ngoài kinh, biết ai bịnh, bà bạn này sẽ tới tiệm thuốc Bắc Bảo An Xương lấy thuốc, phát cho người bịnh; cuối tháng, bà già tôi trả. Ông già tôi, những ngày cuối cùng, biết mình sắp đi, mỗi sáng, ông lấy tiền mới, ngồi trước cửa nhà, ai nghèo đi qua, ông kêu lại cho. Cuối đời ông mới chịu xả, làm phước, dù lúc đó không còn dư dả, sau 1975. Côn ngoại tôi xưa hơn, chỉ có ba bộ quần áo tiều, may thêm quá ba bộ là ông cho, đầu đội nón chóp tre, chống gậy như cái bang. Con cháu cung cấp rượu Martel ngâm Cao ly sâm, ông không uống, lại mời bạn bè tới uống. Mỗi lần ông gật gù rót rượu cho ông củ H., bạn ông, ông H. cầm ly ực ''trót'' một tiếng, củ Bảy tôi đang ngồi gõ bàn toán tính sổ, thót ruột một cái, than rượu mắc quá, không phải ''thí gạo'' mà là ''thí Martel ngâm sâm Cao ly''. Ông còn ''làm phước hy hữu''. Mỗi sáng, ông ghé trạm xăng củ Út tôi ''tởi tiền'' (quyên tiền) rồi mang ra chợ phân phát. Có lúc lẩm cẩm, ông xách gậy cái bang ghé nhà củ Sáu tôi (ông nầy hai, ba vợ, có chức sắc, thích uy quyền, ít qua lại với thân nhân, trừ khi mượn tiền). Ông vô tiệm gặp kiểm Sáu tôi, xin tiền. Bà nầy đang bán buôn chộn rộn, tưởng ông lẩm cẩm, không trả lời. Ông cứ đứng nằn nì xin cho được. Có người quen kéo ông ra khỏi tiệm, dẫn ông về. Hỏi ông xin tiền làm gì, ông chậm rãi nói, '' Tao xin tiền nó để làm phước cho nó, ai cũng đưa tiền cho tao làm phước, chỉ có mình nó chưa đưa.'' Ông tin như thiệt là làm phước gặp phước. Mà thực tế, gia đình tôi, ai làm phước đều gặp phước, gia đình ai cũng khá, hầu hết ở ngoại quốc, còn ở Việt Nam cũng khá, trừ gia đình củ Sáu tôi, nghèo tới bán nhà, anh em không ai nhìn. Việc đó nhãn tiền, tôi muốn không tin cũng không được.
Ngày nay, việc làm phước quê tôi có tổ chức rộng lớn hơn, lấy căn bản chọn mặt gởi vàng, người đứng đầu phải có đạo đức. Thế hệ hiện tại, dù xa xứ, mỗi lần trở về đều có người mua gạo phát cho người nghèo. Trẻ mà có lòng, đi xa thành công còn nhớ người nghèo, qúy biết chừng nào.
Bản thân tôi chưa làm được việc gì xứng đáng là ''làm phước'', quanh quẩn quà biếu thân nhân, bạn bè quen biết ở xứ sở. Tâm tôi còn mong cầu ''làm phước gặp phước''.
Trận bão Tsunami, dân Úc thương người, tổ chức gây quỹ trợ giúp, người ta giúp mà trong lòng không có ý mong cầu làm phước gặp phước. Dân Indonesia có lúc giận cha con Suharto tham nhũng, trút cơn giận bằng cách thừa nước đục thả câu, cướp phá tiệm buôn, nhà cửa người Hoa, đốt chùa, treo cổ tượng Phật. Trên TV, ở Aceh, công binh Úc làm việc không xuể, phải mướn dân bản xứ thu dọn, trong lúc hai sư đoàn lính Nam Dương (quân số 20,000 người), trang bị súng ống đi đầy đường như sắp có chiến tranh mà không giúp được một tay cho chính dân mình. Sau đó một tháng, Indonesia đặt mua hàng loạt phản lực cơ chiến đấu Nga. Trường hợp nầy có nên làm phước không ?
Quán chiếu chính mình, tâm thương tôi còn giới hạn, giúp ai cũng có điều kiện, chỉ nghĩ đến người gần nhứt. Tâm tôi chưa mở rộng. Làm điều gì tốt cho ai, tâm tôi còn cầu, có thể là một lời cám ơn, có thể mong tương lai được đền bù khi gặp khó khăn.
Từ đây về sau, hoàn cảnh tôi không cho phép tôi làm phước, tôi lại ở tư thế người nhận. Cứ 3 tuần vào bệnh viện nằm nhận 750ml máu, máu cùng loại của người hiến máu. Nhiều lần thấy xe Ngân hàng Máu đậu ở khu phố, người ta đứng dưới cơn nắng nóng chờ tới lượt hiến máu. Anh lái xe truck vạm vỡ, tay chân mình mẩy xâm hình lạ lùng, hiến máu xong, leo lên xe, cầm chai coca ngửa cổ tu một hơi rồi mở máy xe chạy đi giao hàng. Anh làm phước theo nghĩa Việt Nam, nhưng anh coi đó bình thường, như việc anh nốc cạn chai coca giải khát, hết chuyện. Anh không nghĩ ngợi chuyện tội phước. Người Úc có quan niệm Công bằng xã hội, mình có dư thì mình cho người đang cần, khi mình cần thì sẽ có người khác cho lại. Sòng phẳng.
Ngày nay, xứ tôi, người ta tiếp tục làm phước rất nhiều. Cơ quan nhà nước đứng tên, nhưng ai cũng biết, người làm thiện nguyện có uy tín, trong sạch, nấu cơm chay cho bịnh nhân và người thăm bịnh. Cơm gạo Thần nông, canh rau, củ cải kho mặn, qua bữa ăn cho người nghèo. Dân bổn phố đóng tiền, người bán rau cải thì cho rau cải bán dư. Sau mùa gặt, ghe nhóm Từ thiện đi góp gạo qua các cánh đồng, người tự nguyện đóng góp vài vạ gạo, đầy ghe, đủ cho người bịnh ăn cơm mãn năm. Trong bếp sau nhà thương, người bửa củi, người nấu ăn, người lái xe chở bịnh. Người nghèo chết cũng được cái hòm bằng gỗ cây gòn, ván mỏng, sơn đỏ, đỡ tủi lòng.
Dân quê tôi dù sống nhiều năm trong xã hội nhiễu nhương, vẫn còn thấm nhuần tinh thần tương trợ, làm phước, âm đức dày, tương lai tất phải khá.
LƯU NHƠN NGHĨA
|
Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013
LÀM PHƯỚC
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét