Cái bánh ống
Lưu Nhơn Nghĩa
Thỉnh thoảng vào buổi sáng chợ đông (khoảng năm 1948- 50), tôi thấy một bà gốc Tàu ở Sóc ra ngồi bán lặt vặt. Có khi bà mua mít ngon mang ra chợ Xà Tón xẻ ra bán lẻ, mùa nào bà cũng vô Sóc mua thổ sản bán, nuôi con qua ngày. Bà là người Tàu, không biết học làm bánh Miên ở đâu. Gặp mùa không có trái cây, bà làm bánh ống bán ngay tại chợ, chỉ bán buổi sáng, như bánh xèo, bánh khọt. Bánh ống gốc của người Miên.
Cách làm bánh ống đơn giản, vật liệu là thổ sản rẻ tiền, có sẵn.
Nấu sẵn đậu xanh không có vỏ cho mềm , . Nạo dừa để sẵn. Ngâm gạo chừng độ 1 giờ cho mềm, đổ gạo vô rổ cho rút hết nước. Sau đó để gạo vô cối đâm nhỏ, hột gạo như tấm. Trộn gạo, đậu, dừa nạo, muối, đường thốt nốt cho đều. Để vật liệu vào ống tre. Đường kính ống tre độ 10 cm, chiều cao ống tre độ 25 cm.
Đổ nước vô cà om (cà om là cái nồi miệng nhỏ , đáy cà om chừng 30 cm.), đặt miễng dừa nằm ngửa trên đáy om . Đặt ống tre đựng bột trong miểng dừa, cắm cây đũa vào ống bột, đậy nắp lại hấp. Lúc đầu nước chưa sôi, hơi lâu, nhưng khi nước bắt đầu sôi thì bánh mau chín. Khi bánh chín, lấy ống bánh ra, rút cây đũa lên, bánh dính theo cây đũa, rút cây đũa ra, làm bánh khác. Lần nầy vì nước sôi sẳn, bánh mau chín, người mua chờ chừng năm phút sẽ có bánh ăn. Người lớn, trẻ con đều ăn bánh ống, thời đó có gì đâu, miễn no thì thôi. Buổi trưa, trong sóc, trời nắng, chơi chán, lủ trẻ thiếu dinh dưỡng được mẹ rảnh rang làm cho cái bánh ống, đường còn là món đắc tiền, đâu dễ có ăn, bánh có đường ngọt, ngon ơi là ngon .
Tôi không nhớ cái bánh bao nhiêu tiền thời đó, chắc vài cắc bạc . Bà bán bánh phải có lời mới kiếm ăn được.
Ngày nay, không ai làm bánh ống bán, ai thèm ăn thứ đó. Lúc về quê, hỏi người trẻ không ai biết . Hỏi người xồn xồn còn nhớ, nhưng không muốn nhắc. Họ thích ăn bánh vẽ, thích ăn vàng cây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét