Chuyện ông Bùi Ngân Điện
Khoảng trước năm 1948 ,ở Xà Tón có ông Bùi ngân Điện. Bọn học trò gọi ông là ông Bùi ngân Điên. Ông có tiệm chụp hình bên hông Nhà Việc , trước 1975 là Trụ sở Uỷ ban Hành Chánh Quận . Lúc đó ở Xà Tón có 2 tiệm chụp hình . Ông làm ăn không khá lắm .
Ông Điện là người có lối sống nghệ sĩ, có tài, ăn nói đứng đắn, vượt xa người đương thời, ông đi trước thời cuộc . Ngày xưa, vấn đề chụp ảnh còn là món xa xí. Năm 1948, chụp 1 pose 6/9 giá 35 đồng, tô hủ tiếu 3 đồng. Thường người ta chỉ chụp hình vào dịp Tết . Đám cưới cũng ít ai chụp.
Buổi trưa, thầy tôi ra sân trường chụp chung tấm hình với học trò .Thầy kêu chủ tiệm khác ,có cơ sở khá hơn. Lúc đang chụp hình, thấy ông mang máy ảnh ra, còn ở trần, vận khăn tắm, chắc ông đang ra giếng tắm. Ông cũng chụp vài poses, rồi hẹn ngày đến lấy, ông hứa sẽ cho không mỗi đứa 1 tấm. Đến ngày lấy hình, anh em nôn nóng đến tiệm ông. Ông ra điều kiện, ai trả lời được câu hỏi ông đặt ra, ông sẽ cho tấm hình .
Đứa nào tới xin, ông cũng hỏi, " Học để làm gì ? " Không đứa nào biết trả lời, đành nhìn ông thèm thuồng tấm ảnh. Có 1 đứa ấp úng , ông cười," Thôi cũng cho " Không phải ông quá khắc khe. Ông lại hỏi tiếp ," Đọc bài Quốc ca có nghĩa lý gì không ? " Không đứa nào trả lời được. Chúng tôi thất vọng ra về. Thời đó chúng tôi rất nhúc nhác, ngôn ngữ chưa được sử dụng thường như ngày nay.
Ông có lối dạy con lạ lùng. Khi có khách đến nhà, nếu không có ông ở nhà, đứa con trả lời, xưng hô theo người hỏi.
Nếu người khách hỏi , " Có ba ở nhà không cháu ?" Đứa con sẽ trả lời, "Thưa, ba cháu không có ở nhà "
Khách hỏi ," Có ba em ở nhà không ?" Đứa con trả lời, " Thưa, ba em không có ở nhà "
Nếu khách hỏi, " Ba mầy có ở nhà không ? " Đứa con trả lời," Ba tao không có ở nhà ". Hình như ông muốn khách đến nhà ông phải biết lễ độ,dù đối với đứa trẻ con.
Sau nầy, làm ăn không lên, ông đổi nghề. Ông làm Cảnh Thập Điện Diêm Vương. Những cảnh tra tấn dưới Âm phủ sống động, quỷ sứ cưa người, chạy bằng điện. Ông khéo léo và giỏi kỹ thuật thời đó, mới phối hợp được cảnh rùng rợn ai xem về đều học được bài học làm lành, lánh dữ cụ thể. Ông căn lều (trước Chùa Ông Bổn, hoặc ở Chùa Cao Đài ở Tà Đét vào các dịp Lễ, ngày Tết), cảnh Thập Điện Diêm Vương cho bà con coi, Ông làm cảnh Thập điện rất khéo. Ông đứng trước cửa lều, thâu tiền vô cửa, vừa đọc thiệu sang sảng, răn đời,
Có chồng mà lại lấy trai,
Chết xuống âm phủ, cưa hai nấu dầu.
Hai câu ca này ai ở xứ tôi cũng thuộc , nhứt là mấy ông đàn ông. Tính ông rất trầm tỉnh. Lúc ông định thôi vợ ,bà vợ ông khóc năn nỉ, "Tôi có làm gì, mà ông bỏ tôi?, tôi đâu có hổn hào..." Ông trầm tĩnh trả lời nhẹ nhàng , " ..., không hợp nhau, thôi nhau chứ hổng có gì hết " Bọn con nít tò mò đứng nghe, thằng con ông chạy ra đuổi đi.
Tôi thương người xứ tôi, nhưng đối với ông Bùi ngân Điện, bây giờ trưởng thành, tôi rất phục tư cách ông. Ông là người đi trước thế hệ ông. Ngay cả người lớn lúc đó chưa chắc biết dạy con như ông. Cũng may, nếu có ông lớn nào đó ghé nhà ông, con ông trả lời kiểu đó thì ông khổ, ông dạy cho người chất phác cho biết lễ nghĩa nhơn, tránh hậu quả. Đó không phải là điều mê tín. Bài học ông răn đời bằng cảnh Thập điện thích hợp cho người xứ tôi thời đó, chứ không phải dành cho người thời nay, cảnh Thập điện, con nít cũng không tin, chúng ta chỉ tin và tuân theo lời nói của người có tiền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét