Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

HAI VỊ THẦY

Hai vị thầy ít nhớ
Lưu Nhơn Nghĩa

     Thời thuộc địa ( trước 1954 ) và sau đó chừng năm bảy năm, dù là trường tư thục Sài gòn, lớp khoảng 80 đứa, kỷ luật học đường rất chặt chẻ, học sinh có nề nếp, chỉ nghịch ngợm hay nói chuyện chút ít. Lúc đó tôi còn học trường Thủ khoa Nghĩa.

     Giờ chơi, theo luật nhà trường, giám thị có trách nhiệm kiểm soát, nhắc nhở học sinh không được ở trong lớp. Thường khi giáo sư vừa ra khỏi lớp, học sinh nào vừa đưọc kêu lên trả bài, chạy nhanh lên lật sổ xem điểm mình. Điểm rất quan trọng , mầm móng ganh tỵ, tranh nhau từng nửa điểm và thứ hạng trong lớp ( qua bảng danh dự và bảng ban khen. ). Chuông vừa reo, giám thị đi từng lớp nhắc nhở, " ra ngoài ". Học sinh vâng lời .

     Núi Sam có cây mắc mèo, trái giống trái me, lông dài chừng 1cm, màu vàng sậm, đụng vào lông ngứa lắm. Chàng chín L. biết giờ sau tới phiên mình bị kêu lên trả bài, sẽ bị phạt consigne, cấm túc sáng chủ nhựt, mà chàng không thuộc nên tìm cách hoãn binh. Chuông vừa reo, chàng mở sổ khuyên điểm rải lông trái mắc mèo rồi nhanh nhẹn xếp sổ lại, khi nghe ông giám thị Sãi kêu " đi ra " phòng kế bên. Chàng chạy nhanh ra ngoài trước khi ông giám thị tới.

     Khi giảng bài xong,, còn 15 phút kiểm bài kỳ trước, giáo sư mở sổ, tì tay trên sổ kêu học sinh lên trả bài, bỗng ông hét " a ", như bị bò kẹp chích, rồi ngứa. Ông càng gải càng ngứa, gải đỏ cả tay, chụi không nổi, ông lên văn phòng báo cáo , rửa tay vẫn chưa hết ngứa. Chuông reo hết giờ, chàng Chín L. thoát nạn. Thầy Thân Tổng giám thị, thầy Sải xuống lớp. Thầy Thân lẩm bẩm, " mắc mèo ", ông gốc Châu Đốc biết ngay.. Hình như thầy Sải bị khiển trách., ông tức điên lên, hăm he cho ra Hội đồng kỷ luật, zero conduite, đuổi học, học sinh biết mà không hở môi.

     Hình như giáo sư càng hiền, bọn tôi càng ít phá, càng đánh , bọn tôi càng nghĩ cách phá vặt.

     Nhắc lại năm 1955, bọn tôi ưa kêu tên cha người bạn ra trêu chọc, hai đứa cải lộn, cũng kêu tên cha ra chửi.. Lúc đùa dởn, bọn nó ưa nói ra một câu trong đó có tên cha bạn mình, lấy làm khoái trá.

     Giờ Vạn Vật, thầy Nguyễn Phụng Công. Thầy Công hiền lắm, ít nói, ăn chay trường, ở xóm hàng sáo, gần nhà ông Đốc Đa. Đầu giờ thầy giới thiệu bài dạy," Hôm nay chúng ta học về con ốc sên ". Cả lớp cười ầm lên, rồi cười hỏi, " con gì thầy ". Thầy Công lập lại, " con ốc sên ". Bọn nó nhao nhao, " con ốc sên ". Bọn nó càng cười, thầy Công ngượng nghịu, nhìn quần áo mình, vuốt mặt, hỏi, " có gì đâu mà mấy em cười ? ". Ngô vĩnh Lâm tức lắm, tên ông thân nó. Thầy Công lại viết lên bảng " con ốc sên ". Bọn nó làm bộ lập lại chọc tức Lâm suốt buổi học.. Nhưng chính Lâm cũng ưa trò chơi nầy từ trước, nhưng lúc vui, có qua có lại. Bọn tôi chỉ ghẹo tên cha, ít dám kêu tên mẹ bạn mình. Lê hoàng V. rất lém trong lớp,, học khá, lảnh bảng danh dự đều đều, trưởng thành sớm, biết theo chìu chuộng thầy. Hắn coi thường đứa đồng chạn. Hắn đụng chạm gì với Mi., con cô giáo L.,. M. học giỏi, nhưng ăn nói bộp chộp, hơi nhúc nhác, chỉ lo học. V. chọc tức M. hát bài cổ nhạc nổi tiếng, có tên bà thân M. " em L . ơi từ đây đôi ta, vui bên nhau tình không phôi pha, ". Cái đùa có ác ý nặng quá, gọi mẹ bạn mình là em, dù đó là bài hát trong dĩa hát ASIA

     V. vừa hát rồi hút gió thách thức suốt từ trường về nhà. Khi qua khỏi cầu kinh ông Cò, trước trụ sở Ang Giang phước thiện, M. nhào tới đánh V.. M. lớn con, nhưng mặc áo quần bà ba, mang guốc nên lúng túng, guốc đứt quai, đạp nhằm đá nhọc máu đỏ chân. V. có lợi thế nhờ mặc đồ Tây, mang giày bata. Lúc cang ra, M. sưng má, V. bị nhẹ hơn, nhưng bị đứt dây đồng hồ, chính hắn đạp dẹp cái đồng hồ, thường ai bây giờ.

     Giờ Sử thầy Đào công Kỹ, giảng Sử Hy lạp. Ông Jupiter cưới bà Junon, sinh ra thần March, thần Mercure, và thần Vulcain. Thần March coi về chiến tranh, thần Mercure coi về thương mại, thần Vulcain coi về việc rèn đúc. Thầy Kỹ khen đồng hồ Vulcain của V. rất tốt, ai cũng trầm trồ, V. hãnh diện , cưng đồng hồ đặc biệt nầy. Hôm sau vô lớp, mặt M. sưng, còn đấp muối. V.tiếc hùi hụi cái đồng hồ Vulcain. Từ đó V. e dè với M. Vài ngày sau, mặt M. hết sưng, chỉ tốn mấy đồng mua quai guốc mới. V. lỗ nặng, cái đồng hồ mang tên thần rèn đúc Hy lạp Vulcain rất mắc tiền thời đó, đâu phải ai cũng có tiền mua.

     Ngày nay chắc học sinh không hứng thú chơi trò kêu tên cha mẹ bạn mình ra. Thầy Công hiền quá, thầy đã mất, nếu còn, chưa chắc thầy hiểu tại sao bọn học trò cười năm xưa, 52 năm qua rồi, ai cũng quên thầy.

             ----------------------------------------------------------------------

     Thầy thứ hai mới nhớ là thầy Đặng văn Thuận, nhờ anh Chung nhắc mới biết họ thầy. Thầy Thuận trắng trẻo, cao , tốt người. Thầy ở cùng dãy phố với thầy Hỷ, tiệm nước đá Đại Đồng, gần nhà một chị nữ sinh trước tôi một năm. Tính thầy nhã nhặn, điềm đạm, trầm tỉnh, nói năng hay giảng bài chậm rải, rỏ ràng. Giáo sư thường ngồi tại bàn,nhưng thầy hay đi tới lui trong lớp nhìn bài vở, nhắc nhở chổ sai chỉ cho học trò sửa.. Suốt mấy năm học, chưa lần nào thầy la hét giận dữ. Không khí trong lớp thầy nhẹ nhàng, dễ chịu, học trò thoải mái nên không quậy phá.

     Giờ dessin, vẽ trái xoài. Như thường lệ, thầy đi vòng trong lớp cho ý kíến từng đứa. Thầy cầm bức tranh trái xoài Nguyễn hải Thệ vẽ đưa lên, khen nét vẽ và bóng trên trái xoài, chổ sáng chổ tối, " có óc mỹ thuật ". Thầy khen còn thiếu, " có óc mỹ thuật mà nghèo ", ngày nay, Thệ nghèo xơ xác..Nhìn trái xoài tôi vẽ, thầy lấy viết chì sửa vài nét cho trái xoài dài ra. Thằng Mỹ ngồi bên tán vào, " Nó nói nó vẽ muà Xuân Núi Sam ".Thầy lấy cây viết chì nhịp nhịp trên đầu tôi, nói " vẽ giống con cá nóc no mà đòi vẽ mùa xuân núi Sam, thằng dịch vật ".

     Tôi quên mất thầy từ năm 1958. Người thời đó nói đúng, muốn nhớ lâu phải đánh cho dữ. Thầy Thuận không đánh, không nặng lời với học trò, ngược lại với quan niệm thời đó, thương cho roi cho vọt. Ông già tôi mỗi lần gặp thầy dạy tôi đều có một câu, "thầy cho tôi gởi, thầy đánh nhiều tôi cám ơn ". Ổng cám ơn chớ tôi không cám ơn.

     Tôi chợt nhớ phong cách từ tốn khi dạy học của thầy Thuận, đâu cần phải đánh phải chửi học trò mới học giỏi.

     Ngày nay, ít ai nhớ thầy, tôi nhớ cũng là điều lạ.

Brisbane PA Hospital.
16 April, 07

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét