Ông Tà Ni
LƯU NHƠN NGHĨA
‘Chó điên, chó điên!’ Chú tám Thành cuống cuồng đạp xe vùn vụt theo chó vừa la thất thanh cho bà con lối xóm đề phòng. Chú rượt chó từ xóm kho dầu, ngang qua chợ, vẫn chưa ai đập chó, mấy chị bán hàng rong cầm đòn gánh đứng nhìn chó chạy qua.Chó mắt đục ngầu, miệng chảy nước dãi, đâm đầu chạy, tới chợ Cây Me mới bị các chú xe lôi đập chết. Nắng chang chang, xác chó nhầy nhụa bê bết máu và đất cát, người lớn trẻ con tò mò bu quanh.
Chó vừa cắn dì Men. Có người chỉ dì tìm nước trong lu lò rèn (dùng để nhúng sắt rèn cho nguội) uống trừ nọc độc. Cẩn thận hơn, dì Men tìm tới nhà bác tư Ninh nhờ bác lấy nước dội lên mái nhà, nước rơi xuống đất ướt, vò thành viên, lăn trên vết thương bị chó cắn, để rút nọc. Bác tư Ninh bẻ viên đất chỉ cho xem mấy sợi lông chó, dặn dì Men cử ăn mè.
Nhưng không bao lâu, dì Men chết; dượng Chín, sau khi vợ mất, tật ghiền rượu không bị ai ngăn cản, uống be bết ở quán ngã tư, mặt đỏ gay, đương mệt mỏi, dượng thường nhìn góc chợ, chép miệng lắc đầu, những hình ảnh hai mươi năm qua lảng vảng đứt đoạn hiện về trong óc dượng: ’Phải còn thằng cha Tà Ni.’
Nhắc ông Tà Ni, những người trên 60 tuổi chợt nhớ, nhớ rõ lắm, nhớ như chuyện hôm qua nầy. Dân chợ lam lũ làm ăn, không ai biết ông Tà Ni làm gì để sống. Nhà ông ở sau chuồng bò ông Quản Nghét, trước có mấy cây khế và cây xà đâu. Xóm đó, những đêm khuya không trăng, người ta đồn có tiếng ma chó tru, những đóm lửa đỏ rực bay lập lờ trên mấy cụm tre tầm vông - ngoài đồng trống về phía Sóc Xuôi. Ông Tà Ni người vạm vỡ, mập chắc, da chín gấc vì rượu, mình trần dù mưa hay nắng, cổ đeo cà tha và sợi dây bùa thấm mồ hôi mặn biến thành màu xám, đôi mắt đỏ ngầu, chó sợ uy ông. Ông Tà Ni làm nghề đập chó, hình như ông Cò Tây trả lương.
Buổi sáng, dân Miên từ các Sóc phụ cận đội trái cây, rau quả ra chợ bán, họ đi bằng xe ngựa hay voi đưa khách. Chó theo chủ ra chợ bươi rác kiếm ăn, rồi nhiều con ở luôn lại chợ. Ðúng lúc ông Tà Ni bắt đầu làm việc, sau khi ghé tiệm nước uống vài ly rượu trắng. Cây đòn bằng tre tầm vông cứng dài trên lưng, ông đi chầm chậm, len lỏi rình rập giữa chợ đông.
Ông Tà Ni và tiếng chó bị đập kêu inh tai hãi hùng là hình dáng và âm thanh quen thuộc ở chợ. Không ai sợ hoặc khó chịu dù âm thanh chát chúa đến đâu, ông sinh ra ở vùng này, sự hiện diện được chấp nhận trong cộng đồng này. Không ai thương, ghét ông, trừ các quán nước ông uống rượu thiếu chịu, rồi quên luôn. Ghét thì ghét vậy nhưng họ vẫn bán rượu cho ông từ năm này sang năm khác, hơi men làm ông quên nợ rượu lần trước, đâu cũng vào đó. Ông thêm khả năng trời sinh làm những công việc dơ dáy. Ông từ chết nằm sau miểu ông Tà mấy ngày không ai hay, mấy cái thây ma Việt Minh bị lính Commando Marốc kéo về nhầy nhụa máu, mùi hôi nhức đầu, chỉ mình ông Tà Ni hốt đem chôn, tiền công đủ trả mấy ly rượu.
Tìm ông Tà Ni dù chợ đông không khó khăn, chỉ nghe tiếng chó sủa ăng ẳng là biết nơi đó ông đang hành sự. Ông đập chó khéo léo lành nghề như võ sĩ, ông lặng lẽ theo sau chó, giáng đòn đầu tiên đủ cho chó bể đầu lăn ra dãy dụa, vài đòn kế tiếp là chó im ngay, sau đó chỉ việc kéo chó bỏ góc chợ. Từ sáng đến đứng bóng chợ tan, ông siêng năng hoàn tất công tác ông Cò Tây giao phó. Ðống xác chó đủ loại chó cò, chó vện, chó mực... nhầy nhụa máu nằm chờ ông quét chợ hốt đi chôn. Suốt thời gian làm việc, ông không buồn chào hỏi ai, và không ai buồn chào hỏi ông. Thỉnh thoảng ông lầm lẫn vì say rượu, nện mấy ông lão ăn xin nằm trong nóp vừa la ‘oi en ngóp (cho mầy chết!)’.
Nghề đập chó không làm ông Tà Ni giầu có gì, ông ít ăn thịt chó, chỉ ưa duy nhứt rượu con cọp. Nghề nghiệp mà, chủ chó chưa than phiền ông lần nào. Như chệt Ky cạo heo, bác Tám Kiển đập đầu bò, họ đều đủ ăn đủ mặc, mình ông Tà Ni có mỗi cái quần xà lỏn. Riêng mấy đám múa Lam Thol bực mình ông Tà Ni nhứt, dù mỗi năm vài lần vào dịp hè Cà Thưng hay Tết. Ðám Lam Thol hay Dù Kê nào ông Tà Ni cũng có mặt chơi chịu, không tiền mua bông, mà ông vẫn cố chen vào nhảy. Lục cụ thường khuyên răn nhưng chứng nào tật nấy. Các cô vũ nữ uốn éo, những ngón tay uyển chuyển mời mọc theo dàn nhạc ngũ âm réo rắt, ai mà nhịn được. Các ông già hà tiện ăn cá không dám lật mà còn ham vui, thì ông Tà Ni đâu phải là một ngoại lệ, có điều khó chịu là ông nhảy thô kệch, tay chân quơ quào, nặc nồng mùi rượu, nhảy say sưa liên tục, không trả tiền, đuổi không đi.
Có điều lạ, là ông chỉ hành nghề vào buổi sáng tới trưa, không biết vì ông cò Tây trả lương nửa ngày, hay ông chỉ đập chó từ Sóc xa chạy ra chợ. Sau buổi trưa, chó mặc sức chạy rong sủa cắn, đó là chó chợ, đập nhầm chó có chủ e mích lòng, gặp chủ ba búa, ông có cơ lảnh đòn. Chó có linh tính, khi gặp ông, nhe răng gầm gừ, sủa chát chúa oán hận rồi cong đuôi chạy.
Cha quét chợ, kiếm thêm ít tiền bằng cách chờ chủ tiệm dọn cơm ra chỏng trước nhà, cầm chổi quét con đường đất cát, bụi bay mịt mù làm sao ăn vô, chỉ cần cho chả vài đồng là khỏi ăn cơm trộn bụi. Ở địa vị thấp hèn nhứt trong quận, ông Tà Ni (nghe nói là gốc Chà và chứ không phải gốc Miên) chỉ có oai với chó. Mọi người đều khinh ông như chó, họ thương chó hơn thương ông. Tài sản của ông là cây đòn tre tầm vông, khả năng ông chỉ đủ đập chó, ngoài ra không làm tích sự gì cho người khác, thua mấy người gánh nước mướn. Dân trong quận rành ông quá, ông hết cách moi tiền họ, ông đành quay sang cách làm tiền dân xứ khác tới, cái đó “thây kệ ông”.
Thời đó, chưa có nồi nhôm, dân xứ khác chèo ghe lườn, ghe cà dom đến mua nồi xứ nầy đi bán khắp lục tỉnh. Nồi từ Năm Vi chở ra chất từng hàng, cao hơn đầu người, dọc theo đầu bờ kinh chờ dọn xuống ghe. Ông Tà Ni mặt nhăn nhăn, thiểu não, monmen tới bụm hai bàn tay xin chủ ghe bố thí cho ông mua gạo nấu. Cho thì ông bụm tiền kính cẩn đưa lên trán cúi đầu cám ơn, rồi lếch thếch ra quán uống rượu - không cho hả? Ông gật gật đầu bỏ đi, rồi thọc tay vô bị lấy khúc xương heo liệng vô giữa những đống nồi. Bầy chó đánh hơi nhào tới giành xương, sủa cắn chạy tứ tung đụng bể bao nhiêu nồi. Bầy chó đụng bể nồi chứ ông đâu có lỗi, “giỏi thì đập chết cha chó đi”. Trường hợp nầy, ông Tà Ni không có lờI, chỉ có chủ ghe nồi lổ nặng nên họ bấm bụng niềm nở đưa tiền cho ông. Ðống nồi của thiên hạ, bầy chó vô chủ có sẳn, chỉ cần khúc xương heo vô dụng thêm vào là ông kiếm được tiền uống rượu hợp pháp dễ dàng. Dân thầy chú biết tiếng Tây, dân chủ tiệm rành tiếng Tàu, ông cò chú cai thầy đội rành luật mà đều gật đầu phục mưu kế ông Tà Ni.
Lâu lắm rồi, sau năm 1952 từ khi ông Cò Tây đổi đi, không thấy ông Tà Ni quảy đòn ra chợ đập chó. Chó từng đàn dành ăn, sủa cắn thả cửa. Vắng ông, không ai buồn hỏi thăm - dù đàn chó làm khó chịu các bà ngồi ăn cháo lòng ngoài chợ - Có người nói ông vô Sóc Ô Thôm ở, rồi bị Marốc bắn chết xác chôn bờ bụi vì làm nghề ác đức.
Chợ Xà Tón vẫn còn đó, thời cuộc đổi thay, hai vòi rồng trên nóc chợ chứng kiến bao nhiêu thế hệ qua rồi. Những hàng me keo, thốt nốt quanh chợ bị đốn dần, lớp trẻ tấn lên cất thêm sạp quanh chợ buôn bán. Năm 1970, chiến tranh khốc liệt, đám mấy cha trong núi kéo về bắn cháy chợ, còn lại nền đá xanh nhấp nhô màu hổ phách nhắc nhở vết chân ông Tà Ni và những người thế hệ ông đi qua, nào bà Cà Ngul giữ em nghèo xơ xác, nào Pù Ưng bẻ nhánh cây me nước đánh đứa con ham chơi rồi ôm con sướt mướt khóc kiếp nhọc nhằn, nào chú Sáu Nhỏ vào buổi xế trưa hanh nắng, kêu lô tô say sưa ứng khẩu trêu ghẹo bà bán chuối chiên có đứa con gái bỏ theo anh kép chánh đoàn cải lương vừa dọn đi. Lớp người đi qua chợ không để lại dấu vết gì hiển hách, như lá me rụng mục thành đất.
Dượng Chín vẫn ngồi trên chiếc ghế đẩu khập khểnh, đăm đăm nhìn về phía góc chợ, mắt lúc sáng lên, lúc ngô nghê, dượng thấy ông Tà Ni bụng quấn xà rông sặc sở, ông biến thành vị thần, đầu đội nón chóp vàng như các tượng thần trên đỉnh tháp. Mắt đỏ ngầu rực lửa, ông Tà Ni tả xung hữu đột giữa bầy chó hoang đang nhe răng lởm chởm nhào tới cấu xé ông. Cây đòn vông trong tay ông quay như chong chóng, dập dồn theo tiếng nhạc ngũ âm, giáng xuống bầy chó. Xác chó cao như núi, máu chảy thành sông đỏ như màu trời chiều khi ma phơi lúa. Xác chó cao dần thành đồi Ma thiên lãnh. Thần Tà Ni như đã chu toàn nhiệm vụ, cắp cây đòn, chân duỗi thẳng, tay chỉ lên trời, bay xẹt ngang trời hướng về đỉnh núi Tà Lơn, Thần quay lại nhăn răng cười khoái trá, nhổ một ngụm máu xuống.
Tu thêm hớp rượu cay sè, dượng khoái tỉ như chính mình đã trả thù cho vợ. Ðầu dượng lắc lư như bà bóng nhập, dượng lảm nhảm một mình, Phải còn thằng cha Tà Ni, vợ tôi đâu có bị chó điên cắn chết bậy vậy!
Chú thích:
(1) Cà tha: loại bùa làm bằng những miếng đồng mỏng cuốn lại.
(2) Mua bông: muốn múa với các vũ nữ Lam Thol, khách mua bông, một hình thức trả tiền như mua vé hát.
(3) Ăn cá không dám lật: chỉ những người hà tiện, ăn chỉ một bên, chừa lại chứ không lật cá, để ăn tiếp hôm sau.
(4) Me keo: xứ tôi gọi là cây me keo, trái giống trái me nhưng màu sậm, ăn ngọt gắt, ăn nhiều dễ say máu ngà, có người gọi là me tây, hình như cũng có người gọi là hoa xoan (?).
(5) Me nước: loại cây có gai, trái giống hình trái me, vỏ mềm, chín ăn ngọt ngọt chát chát, thường trồng làm hàng rào.
(6) Ma phơi lúa: chiều khoảng mặt trời gần lặn, nắng quái, có những đám mây phản chiếu ánh mặt trời màu đỏ rực, ông bà già xưa nói là lúa của ma phơi.
(7) Quần xà lỏn: giống quần đùi.
Wildbad, 6 - 1986
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét