Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

VIỆT NAM KHÔN QUÁ

Việt  Nam khôn quá

 Phong-Hưng Lưu-Nhơn-Nghĩa

Trường Tiểu Học Việt Miên trong khuôn viên chùa Swayton có lâu lắm rồi, thành lập đâu hồi Tây đào kinh tới quận nầy. Trường có tới lớp Cours Supérieur, lớp Nhứt hay lớp 5 ngày nay. Bây giờ là năm 2004, chỉ còn biết có người đậu Certificat đã 77 tuổi, học trò của ông Đốc Nâu. Trường được chánh quyền quận (trước đó là Phủ, bây giờ là Huyện) và Tây nâng đỡ. Tất cả Thầy Cô giáo đều gốc Tàu lai Miên (Tàu lai Miên mới đẹp và thông minh) gốc xứ sở nầy mà ra.
Xứ Swaton (âm ra tiếng Tiều "Xài Tóng", viết ra chữ Nho là Tri Tôn) cung cấp đủ nhơn tài (đậu Certificat, Tiểu Học) để làm việc cho văn phòng Nhà Việc (1) như Thầy ký và Giáo viên cho trường Việt Miên nầy. Con đường học vấn tương lai của học trò trường nầy không phải tiếp tục qua ngả Châu Đốc, Cần Thơ, Sài Gòn, mà là Tà Keo, Sway Riêng, Nam Vang (khoảng năm 1948 mới có College de Châu Đốc). Thời Pháp thuộc còn Liên Bang Đông Dương, việc qua lại với Miên dễ dàng. Một số dân gốc Miên khá giả có thân nhân ở Miên, đều gởi con lên đó học, xong, làm việc và ở luôn trên ấy, đất rộng người thưa, dễ sống, đỡ bon chen hơn ở Việt Nam.
Có một ông họ Hứa (Tàu lai Miên) đậu tới Diplôme, làm Chánh Tham Biện (Chủ Tỉnh) ở Sway Riêng. Người ta nhắc ông như cái gương sáng cho kẻ hậu sinh. Học trò gốc Miên có đứa khá chăm chỉ, được khuyến khích, nề nếp, đếm tiếng Tây dẻo nhẹo, on, đơ, tro, cách... Mấy Thầy giáo gặp Tây cũng xổ tiếng Tây rôm rốp. Khi ông cò Tây (Cò Le) đổi đi năm 1950, ông cò Miên đổi tới thay thế. Ông Quận Mao Kim Sóc chết thì ông Cai Tổng Mau Xem lên thay.
Trường Tiểu Học Việt Nam thành lập sau khá lâu, lấy ngôi đình làm lớp học, không có bảng tên trường, lúc đầu, đến năm 1950, chỉ có một thầy giáo duy nhứt dạy cả ba lớp. Học xong lớp ba, tất cả học sinh xem như biết đọc biết viết, nghỉ học ở nhà làm ăn, muốn theo học lớp Nhì trường Việt Miên cũng không nổi vì không giỏi tiếng Tây và tiếng Miên, ít ai đủ khả năng cho con ra tỉnh học, dù tiền cơm tháng có chừng 150 đồng tới 200 đồng. Sau này, khoảng năm 1956 mới có lớp Nhứt. Dần dần, việc giáo dục phát triển, có vài thầy gốc Quốc Gia Sư Phạm đổi về dạy lớp Nhứt gây sự thay đổi có lợi về phía trường Việt.
Các giáo viên già gốc Miên, dù đậu Certificat, biết tiếng Tây, mà Tây đã về nước thì còn ai nương tựa thi thố. Ngạch trật lại thấp, lương bổng lúc xưa thì sống thoải mái, sau nầy bị lạm phát, tính ra chỉ bằng hơn phân nửa giáo viên gốc Sư Phạm. Dân chợ dù gốc Tàu đều cho con học trường Việt, cấp bằng được công nhận rộng rãi. Việc giao thiệp Việt-Miên khó khăn dần khi ấp Vĩnh Lạc (2) bị lùa bò đốt phá, trường Việt-Miên vẫn tồn tại nhưng mất dần ưu thế, chuyển dần về chương trình Việt để dễ dàng thi vào Đệ Thất ở tỉnh khi có cơ hội.
Năm 1963, Quận được mở trường Trung Học. Ông Hiệu Trưởng gốc Sư Phạm, ngạch trật cao nhứt lên làm Hiệu Trưởng Trung Học mới mở. Trường Việt Miên từ đó mất hẳn ưu thế ban đầu, muốn học lên chỉ còn con đường duy nhứt là thi vào trường Trung Học sở tại. Vì hoàn cảnh, tiếng Việt càng ngày càng phổ thông hơn.
Sau khi ông Quận Mau Xem về hưu, có nhiều người, nhứt là giới làm việc, tiếc rẻ "Phải Tây còn, cuộc sống thanh bình sướng hơn, chậm tiến mà dễ sống". Ông Quận Mau Xem ít nói, hiền hậu, bị thay bằng mấy ông Quận ở xa đổi lại: Quận Sử, Quận Bổn, hai tay khét tiếng làm dân tình khốn đốn. Quận Sử thì tham nhũng, hống hách, hiếu sắc, hiếu sát. Các cô gái đẹp, nhà giàu, được gởi đi xứ khác lánh nạn, giả lay hoay với các cô Thanh Nữ Cộng Hòa mặc đồng phục xanh. Thương gia gốc Tàu dù "chung" đủ cũng còn nơm nớp sợ không riêng gì giả, mà luôn cả đám đàn em giả. Quận Bổn, ngoài tiền "chung" của các chủ tiệm, giả lùa bò từ Sóc nầy qua Sóc khác. Dân Miên khốn đốn với hai tay nầy.
*
*     *
Sáng hôm ấy, phụ huynh và học sinh đứng ngồi rải rác khắp sân trường, trước dãy phòng mới cất. Thời gian qua rất chậm. Chau Rết ngồi chồm hổm dưới gốc dừa lo âu nhìn vào văn phòng trường. Các thầy cô giám khảo còn làm việc, chưa chịu ra đọc "Kết quả kỳ thi tuyển vào Đệ Thất". Hình như họ cố ý câu giờ bắt phụ huynh và học sinh chờ đợi để chứng tỏ sự quan trọng của họ.
Chau Rết gốc trường Việt Miên, là học sinh đầu tiên ở Sóc Xà Lôn đậu Tiểu Học. Cả Sóc tới chia vui, ghé đầy nhà ăn trầu, hút thuốc, khen tặng ồn ào.
Ì O, mẹ Chau Rết bán bốn giạ lúa đưa tiền cho cô giáo Ni lo cho Chau Rết, nên dù làm trúng có nửa bài toán, Chau Rết cũng đậu. Với giấy Chứng Chỉ Tiểu Học đóng khung treo ở nhà, chưa chắc Chau Rết kiếm được việc làm bù lại bốn giạ lúa Xo Ùm Pên. Thầy Sét, thầy Kul cũng chỉ có Certificat, bây giờ là Tiểu Học, đừng nói đâu xa, cô giáo Ni chỉ học tới lớp "Nhì On" (3), cũng làm cô giáo, ra khỏi nhà đều đi xe lôi. Gia đình Chau Rết được cả Sóc kính nể, mấy ông Xã, ông Quản hết làm khó dễ. Chau Rết được các nàng Nen Srậy (4) con nhà giàu chú ý, mà phải Nen Srậy (4) lai Tàu trắng mới được, như Sàm Nơn, Ni Bồ Rum. Các cô con nhà dân dã, còn gánh nước giếng thì không dám mơ ước được sánh cùng Chau Rết.
Năm 1963, có hai lớp Nhứt trường Việt và một lớp Nhứt trường Miên. Sau khi đậu Tiểu Học, một số thi vào Trung Học ở trường Tỉnh, hầu hết nghỉ học vì nhà nghèo. Nghị Định cho thành lập Trường Trung Học khá trễ, nên cuộc thi tuyển vào Đệ Thất cũng muộn màng, sau khi thi ở Tỉnh. Học sinh có Tiểu Học, dĩ nhiên được dự thi, ai đậu vào trường Tỉnh được miễn thi, học sinh lớp Tiếp Liên cũng miễn thi. Số thí sinh nộp đơn thi chưa đủ một lớp, vậy mà cuộc thi vào Đệ Thất cũng được tổ chức rình rang, dù thi cho có hình thức. Phụ huynh làm sao hiểu được chuyện đó, cứ nghe tới thi là sợ, lo chạy chọt gởi gấm khi có cơ hội quen biết như cha mẹ Chau Rết. Ì O lại tiếp tục xúc lúa bán lo chạy cho Chau Rết.
*
*     *
Ì O ngồi trên chõng tre xay bột, cái cối đá hôm nay sao nặng tay quá. Gạo được ngâm như thường lệ mà cối hình như không muốn ăn gạo. Ì O xúc từng muỗng gạo cho cối ăn. Ngày thường Ì O xay nhanh lắm, hôm nay vì nôn nóng uể oải, tay chân lụp chụp, quên trước quên sau, bột chảy từ cối xay lỏng bỏng nhỏ trong diệm hứng bên dưới. Cái áo cánh bạc màu đưa theo thân hình tới lui theo nhịp cối xay, bóng dáng nầy lặp đi lặp lại hàng ngày từ khi Sóc nầy bỏ nghề nắn nồi. Xay đã hết cối bột, Ì O lén nhìn ra sân. Sao Chau Rết chưa về kìa? Hay là nó đã Chuop (thi đậu) rồi ghé nhà ông ngoại nó ở Nam Vi báo tin. Ì O lại ngại, hay là nó Flét (rớt), nó buồn không dám về. Đêm đêm Chau Rết ngồi chồm hổm trên sàn nhà học lép nhép, không thể rớt được. Ì O lại nhớ cô giáo Ni chê Chau Rết làm không được nửa bài Toán. Giấc mơ Ì O có thành sự thật không, cối xay bột nghiền gạo, nghiền nát luôn cái ước mơ.
Diệm bột xay hôm qua để ở góc nhà đã nổi phồng lên. Ì O bước xuống giường dọn dẹp rửa ráy cối xay. Giờ nầy mặt trời đã lên gần ngọn tre tầm vông, sao Chau Rết chưa về báo tin mừng. Ì O bưng diệm bột đi lom khom, hôm nay diệm bột tự nhiên nặng quá. Cầu cho Chau Rết đậu vô Đệ Thất, mát mặt với dân Sóc. Mấy năm nay một mình vất vả nuôi con ăn học nhờ mấy cây thốt nốt và diệm bột. Đứa con trai cuối cùng còn lại trong gia đình, mấy người chị Chau Rết đã có chồng từ 16 tuổi, mấy người anh làm ruộng, hoặc theo đám "khăn trắng" (5) đóng ở Cầu Bưng Tiền, con gái không kể làm gì, con trai Ì O chưa đứa nào được học cao, mang danh dự về gia đình. Giấc mơ gởi Chau Rết lên Tà Keo học không thành, chỉ còn con đường thi vào Đệ Thất ở Xà Tón, gần nhứt, dễ đạt được.
Ì O móc đường thốt nốt trong om trộn vào bột trong diệm, đường thốt nốt thơm hơn đường mía, màu vàng sẫm, rải thêm nước cốt dừa trên mặt bột. Hai bàn tay thô kệch đen sậm nhồi bột thật đều, cả thân mình di chuyển lên xuống như lạy Phật trong chùa. Ì O vừa nhồi bột vừa lầm thầm đọc kinh cầu cho con thi đậu. Kế đó, Ì O bắt đầu gỡ những cái "mú" (6) trên đầu trái thốt nốt, vừa thở dồn dập, hai tay luống cuống, gỡ muốn gãy móng. Sau đó lại tướt vỏ thốt nốt, vỏ màu vàng tím, bám chặt những thớ xơ bên trong. Chau Rết vẫn chưa về. Những trái thốt nốt bằng trái dừa xiêm, sau khi lột vỏ, xơ vàng óng như tơ tằm, tươm chất ngọt lờ lợ, thơm mùi thốt nốt, không giống mùi gì cả. Muốn biết thơm ra sao chỉ có cách ngồi bên Ì O, khi Ì O xé từng hột thốt nốt chà vô rổ lấy thịt, giống thịt xoài chín, rồi lấy vải mùng bao thịt đó vắt cho hết chất xền xệt vô diệm bột đã trộn sẵn, bỏ xơ và hột. Trã nước sôi đã chuẩn bị xong sau nhà, Ì O bắt từng vắt bột lỏng nhỏ hơn nắm tay, dùng lá cơm nguội (lá chừng bằng bàn tay, mặt nhám) gói chừa mặt bánh, xong để thêm ít dừa nạo trên mặt. Thường vẫn gói bằng lá chuối, nhưng gói bằng lá cơm nguội thơm và bánh có vân đẹp khi lột vỏ. Hấp một trã bánh đủ bán buổi trưa. Bánh Ì O làm rất xốp, không bằng bánh men, bánh thuẫn (7) ở chợ, nhưng dân ruộng rẫy ăn cầu no chớ không cầu ngon.
*
*     *
Chau Rết ngồi xuống đứng lên nhiều lần dưới gốc dừa. Trời đã đứng bóng, Rết cũng biết mẹ mình nôn nóng chờ tin con. Cha Chau Rết, Pù Sul, đang leo thốt nốt, hạ những ống tre lấy nước về nấu đường, rồi lại vạt những bông đực và treo ống tre khác để nước trong bông chảy vô ống. Tà Xai, ông ngoại chắc đang cúng vái ông Tà cầu phước cho Rết. Me oi! (8) Nếu thi đậu, về Sóc thênh thang nghỉ ngơi, Me oi! Nếu rớt, về cắt cỏ nuôi bò. Nghĩ đến quẩn trí, đầu Chau Rết lắc lắc. Giám khảo tới lui trong văn phòng cười cười nói nói.
Tiếng ồ ề trong cái máy micro cũ phát ra thứ âm thanh uy quyền. Sau 5 năm học, mới thấy sự quan trọng và uy quyền của giám khảo. Thí sinh và phụ huynh nín thở chăm chú lắng nghe từng số từng tên học sinh trúng tuyển, tiếp theo là tiếng reo lớn của thí sinh, cái cười thỏa mãn của phụ huynh. Chau Rết chờ đợi, lơ mơ dưới cơn nắng, thoáng nghe tên ai mà không phải tên mình. Cuối cùng Chau Rết thót tim nghe số ký danh mình, vội nhảy lên xe đạp lập cập chạy ngay về Sóc, cùng lúc vị giám khảo cũng đã đọc xong danh sách. Bỏ lại sau sân trường ồn ào, Chau Rết hối hả mang niềm vui về Sóc. Đường xa hơn hàng ngày, chiếc xe đạp nhảy nhún lộc cộc trên đường đá xanh, những hòn đá bóng láng màu hổ phách như mai con cua đồng lồi lên mặt lộ vì đám mưa hôm trước. Chau Rết thở hồng hộc, mong cho tới xóm Nam Vi báo tin cho người chú rồi chạy thẳng về Xà Lôn. Bánh xe lún trên khoảng đường đất lao chao, Chau Rết tưởng tượng gương mặt rạng rỡ của mẹ, cha, anh em và bà con trong Sóc. Ông Tà Oanh hết dám coi thường gia đình Rết, hết khinh miệt chê khen Ì O bán bánh thốt nốt, bánh gói, bánh ống (25), biết đâu, tới tuổi, theo đám Khăn Trắng làm Trưởng Đồn, đi một Cours nào đó. Ngày cưới Sàm Nơn sẽ vang tiếng nhạc ngũ âm (9) ngày đêm, thanh niên thiếu nữ sẽ tha hồ nhảy Lam Thôl. Chau Rết và Sàm Nơn sẽ hát đối. Chiếc xe đạp bị dằn, sút dây sên làm ngưng óc tưởng tượng Chau Rết.
*
*     *
Ì O miệng lảm nhảm, chạy ra cổng nhìn về phía đường lộ Nam Vi khi thấy Chau Rết từ xa. Í bỏ trã bánh đang hấp sau nhà, chạy lết bết đón con. Chau Rết thấy mẹ từ xa, vừa cười vừa la "Me oi, kha nhom chuop hoi" (má ơi, con đậu rồi) Ì O lặp lại như tiếng vang, eo éo, "Me oi, A Ret chuop hoi" (mẹ ơi, thằng Rết đậu rồi) bà la cho nhà ông Tà Oanh ở cuối xóm nghe cho biết danh. Ì O lặp lại câu đó, kéo dài chữ "chuop" (đậu) mà không thấy ông Tà Oanh ló mặt ra.
Thân nhân bước xuống nhà sàn ra đón Rết, chia vui. Bà con Chau Rết xôn xao, mỗi người một câu chuyện. "Cho Pù Út biết mau lên, vô cho Tà Xây hay tin...". Cái tin Chau Rết đậu vô Đệ Thất lan đi rất nhanh, ai nấy đều khen ngợi. Cũng có người hiểu biết, tò mò hỏi ai đậu ai rớt. Chau Rết nhớ lờ mờ, tìm đứa thi rớt để cho bà con biết, "rớt nhiều lắm", nhưng không nhớ tên được một đứa. Thằng Tư, dân chợ, 11 tuổi cũng đậu. Chau Rết 15 tuổi làm Thế Vì Khai Sanh còn 13 tuổi.
Mải lo trầu thuốc, Ì O quên mất trã bánh thốt nốt. Trưa đó, em Chau Rét bưng bánh đi bán rẻ, bánh có mùi khét.
*
*     *
Ì O lại bắt đầu xúc lúa bán để may mấy bộ đồng phục cho Rết. Lên Trung Học, phải khác Tiểu Học. Trước đi chưn không, bây giờ có xà bai chơn (10), dép Nhựt. Quần dài xanh, áo trắng có gắn phù hiệu Trung Học, Chau Rết bước lên nấc thang danh dự trong gia đình, được miễn việc nhà, khỏi lượm tàu lá thốt nốt khô, khỏi bẻ lá cơm nguội để mẹ gói bánh, khỏi mót củi, xắn măng tầm vông. Ngày ngày quanh quẩn ở nhà, áo quần tươm tất sạch sẽ, để dành thì giờ nghỉ ngơi, chuẩn bị đi học. Câu chuyện hàng ngày bên thau cơm, rau dưa với mắm, xoay quanh câu chuyện thi đậu Đệ Thất, mỗi ngày thêm vào ít chi tiết. Nhớ kể lại bài toán hai chiếc xe hơi chạy, tốc độ 60 km/giờ, khởi hành từ điểm A, chiếc xe chạy từ điểm B, mấy giờ gặp nhau. Bài Toán nước chảy vô hồ, có vòi nước chảy ra, mấy giờ hồ nước đầy, Chau Rết nhớ lỏm bỏm, giải nghĩa cũng lơ mơ, gia đình thiếu học làm sao theo kịp, chỉ biết thán phục sự thông minh của Rết, quên mất, hay cố ý không nhắc chuyện bán lúa lo tiền cho cô giáo Ni. Kiến thức Chau Rết bao la, khó áp dụng ở vùng Sóc nghèo nầy. Con đường đất từ lộ Nam Vi vô Xà Lôn, mùa mưa chỉ đi được trên bờ cỏ, dành cho xe bò và người gồng gánh, hiểu sao được mấy giờ hai chiếc xe gặp nhau. Còn bài toán nước chảy vô hồ, ừ, cái vũng ngoài ruộng hay bàu sen chùa, mưa thì đầy, nắng cạn, chảy ra chảy vô làm gì mà tính làm sao ra. Chính Chau Rết cũng nói càn, hắn làm chừng vài câu chưa chắc trúng.
Bạn bè ở Xà Tón, ít đứa siêng đạp xe vô Sóc Xà Lôn thăm Chau Rết, nếu nó tiết lộ chuyện Chau Rết ngồi liếc chờ cọp-dê trong phòng thi chắc hư chuyện. Xứ nầy không ai đi học, Rết mới có địa vị, mới được Sàm Nơn chú ý; sợ nhứt là thằng Thạch Xul ở xóm Chè Êng biết tẩy Rết, nhưng hắn ở xa, muốn vô Xà Lôn chơi cũng trẹo đường.
Chau Rết hơi lo lo, nghĩ tới lớp Đệ Thất, học thua xa bọn học sinh chợ, nhứt là bọn gốc Việt Nam và Tàu. Mè ơi! Lúc thi Tiểu Học, bài luận văn "Viết thư thăm người bạn bị ốm"; Chau Rết viết chưa đầy trang, chân thành khuyên bạn: "Bạn ốm thì nhớ xi bai, xi tầm lôn, xi num bồ chóc (ăn cơm, ăn khoai, ăn bún) bạn sẽ hết ốm, sẽ mập lại liền". Bài đó may mắn được thầy Sàm Căm chấm, cho 5 điểm. Rết bẽn lẽn tránh gặp bạn học, sợ bạn nó mang chuyện "bạn ốm" ra trêu chọc, hơn nữa, dù lớn nhứt lớp, mỗi lần kêu hạng, Rết đứng gần chót sổ. Việc học hành Chau Rết không lọt vô xóm Xà Lôn nên vẫn được chiêm ngưỡng, làm gương tốt cho trẻ con thế hệ sau và sự chú ý của Sàm Nơn. Sàm Nơn con ông Quản Tén, nhà danh giá, khá giả, mặc áo cánh trắng, quần nhuộm mạc-nưa, mới qua lại từ ngày Chau Rết đậu vô Đệ Thất. Chau Rết đã bước lên giai cấp cao hơn, các cô tắm ngoài giếng hết dám cười đùa với Rết, nhứt là khi biết Sàm Nơn thỉnh thoảng mang bánh gói, bánh ống đứng khép nép gõ cửa nhà Rết, đưa bánh, tránh đôi mắt Rết, rồi bước xuống nhà về ngay.
Pù Sul, cha Rết, kê bàn ghế, mua thêm cây đèn ống khói cho con học thêm, ước mơ thầm kín là muốn thấy con mình mặc đồ Tây, ngồi bu-rô làm việc thoát kiếp ruộng vườn lam lũ từ đời ông cha để lại.
Câu chuyện thi đậu cũng loãng dần, sau ba tháng khi mùa mưa ngập ruộng trên, mùa cày cuốc đã tới. Chau Rết ngại bước xuống ruộng vì đã quen ở nhà.
*
*     *
Ngày khai trường mới trọng đại, chiếc xe đạp được người nhà lau sạch, tới cây căm cũng sáng, mấy đứa nhỏ không được đụng tới. Ngày đó, Chau Rết mặc chiếc áo sơ-mi trắng đầu tiên trong đời, thơm mùi vải mới, giắt cây viết trong túi trên huy hiệu trường. Áo bỏ vô quần xanh dương dài, dây nịch cao-su, mang dép Nhựt. Chau Rết cẩn thận kẹp hai ống quần cho gọn, sợ nghiến dây sên xe đạp, cái cập da giả niền trên bọc-ba-ga. Chau Rết nghiêm trang dẫn xe đạp ra khỏi nhà. Cả xóm, có cả Sàm Nơn, đứng nhìn ngưỡng mộ, thèm thuồng muốn con cháu mình được như Chau Rết. Vợ chồng Pù Sul sung sướng ra mặt, thấy con đủ lông đủ cánh bay xa, "A Rết tâu riêng" ( Rết đi học) nghe sang trọng quá.

Chiều đó, Chau Rết đạp xe đạp về, nằm lăn ra sàn nhà nghỉ, Ì O dặn "nó học mệt rồi, cho nó nghỉ". Chau Rết bơ phờ, than thầm "Me oi! nghép!" (Mẹ ơi, chết) mắc cỡ với sự săn sóc quá đáng của cha mẹ. Cả ngày ở trường Chau Rết có biết thầy nói gì đâu. "Me oi!"môn nào cũng khó. Trước học trường Việt Miên, tiếng Việt nhờ nghe người chung quanh và học chút ít ở trường. Lý Hóa, Vạn Vật, Giảng văn, Sử Địa... tất cả hoàn toàn bằng tiếng Việt. Chau Rết không đủ khả năng nói cho cha mẹ hiểu và làm cha mẹ buồn.
Chau Rết lựa bàn sau cùng ngồi, ngượng nghịu vì cao lớn, khó xoay sở, lại lớn tuổi, mỗi lần chào cờ là một cực hình, cao bằng giáo sư, đứng chung trong lớp, lộ liễu là giấu hai tuổi, lại lớn hơn tuổi cấp lớp thêm hai tuổi. Biết thân học kém, Chau Rết tìm đủ mọi cách tránh lên bảng, không đưa tay tình nguyện lên bảng giải toán, may là có những đứa đầu bàn giải quyết chuyện đó. Ở nhà nói tiếng Miên, bây giờ vô Trung Học, tiếng Việt còn ngọng ngọng, chưa bỏ được chữ "Dớ", "Me oi!". Chau Rết tự an ủi là trường chỉ mở tới Đệ Tứ, chịu đựng bốn năm nữa, lấy chứng chỉ đi cours về theo Nhóm Khăn Trắng làm Trưởng Đồn. Giáo sư không buồn để ý Chau Rết, họ là giáo viên Tiểu Học lên dạy giờ, như thầy Sết, chỉ có Certificat mà dạy Pháp văn liên tiếp từ Đệ Thất tới Đệ Tứ sau nầy. Thầy cô thương Chau Rết  vì nhờ vả được. Các giáo sư ở xa đổi lại, tò mò muốn vô Sóc chơi, được Chau Rết hướng dẫn, thông ngôn, Chau Rết hay mang quà cây nhà lá vườn cho thầy cô. Chau Rết lại được danh dự (do trường chỉ định) làm chức Trưởng Ban Trang Trí cho lớp, công việc như khiêng bàn ghế, leo lên cột cờ để sửa cái rõ rẽ làm kẹt dây, đập con rắn lục trên cây me sau trường, cuối năm được Bảng Ban Khen Hiệu Đoàn, lên lớp.
Đây là năm đầu tiên của Trung Học, nên dù lớn tuổi, Rết đỡ ngượng vì không ai học trên lớp mình, chỉ thua mấy đứa bạn trong lớp và các nữ sinh, bọn nầy chỉ ham chơi chớ chưa biết so sánh việc học. Vì lớn tuổi và lớn tác, nói chuyện học hành thì quên trước quên sau, chiều thì về Sóc nên không học hỏi thêm được điều gì của bạn, gặp bài khó, biết hỏi ai! Ngoài ra, Chau Rết ở trường không tham gia được các trò chơi của bạn học, cô đơn nhìn các nữ sinh xinh đẹp chuyện trò với nhau. Thật là một cực hình khi đi học, nhưng lúc về Sóc, Chau Rết là vua trong xứ mù.
Năm lên Đệ Lục, Chau Rết hoàn toàn mất hết căn bản các môn, cái gì là hình lục giác, tam giác, đồng dạng, toàn là từ ngữ Hán học. Về Sóc chỉ nghe cha mẹ khoe con mình học giỏi, Chau Rết thật khổ tâm mà nào ai biết.
*
*     *
Cơn mưa núi tầm tã buổi chiều tan học dai dẳng tới tối. Chau Rết đụt mưa, dưới mái hiên trường chờ dứt hột sẽ về, khi mưa lớn sẽ ngưng lại ghé nhà ai đó tránh, bớt mưa sẽ tiếp tục đi. Chau Rết lo, từ chợ Cây Me tới Nam Vi, vắng nhà, nước từ ruộng trên đổ xuống đào khuyết đoạn đường, đá xanh gồ ghề làm đau xe và đau người. Chau Rết nao lòng, tự hỏi, sao mình sinh ra ở Sóc nghèo quá, phải ở chợ Quận thì đâu có khốn đốn như chiều nay. Bạn học đều về tới nhà ăn cơm chiều, còn mình thì long đong ngoài mưa gió. Ở chợ Quận có đèn điện, tiệm cà-phê mở cửa tới 8 giờ tối hay trễ hơn. Người ta ăn mặc chải chuốt dập dìu ra tiệm cà-phê ngồi uống, hoặc vào tiệm đánh bi-da, có radio hát Cải lương hoặc Tân nhạc, nam thanh nữ tú. Nghĩ lại xóm Xà Lôn, nhà cất rải rác theo ruộng, xa xa mới có căn nhà sàn, đêm đêm nghe bò, heo ột ệt, mùi phân heo, phân bò bốc lên, những đống khói un muỗi mịt mù, cay mắt, buồn hiu, khói đốt đồng mờ mịt, đom đóm bay lập lòe. Khi trời sụp tối, cả Sóc không thấy một ánh đèn, bóng tối phủ chụp, chỉ có màn đêm. Vào mùa mưa như hôm nay, nền nhà đất nện, ẩm ướt trơn trợt, gió dập rào rào phên lá, tiếng ếch nhái quanh nhà, ngoài ruộng, đều đều buồn tênh. Cái hấp lực của chợ Quận, với nhà đúc ngay hàng thẳng lối, với đèn điện kéo Chau Rết xa Sóc Xà Lôn u ám mùa mưa. Chau Rết khám phá nếp sống và nề nếp ở chợ, nhà lót gạch tàu, nấu ăn bằng than ít khói hơn rơm, trấu. Trái cây ngon trong Sóc đều bán ở chợ, còn chủ vườn ăn trái đèo bán không được giá.
Chiều đó, Chau Rết đành ở lại ngủ nhờ nhà người quen vì mưa gió và sấm sét, lúc mưa tạnh thì đã 9 giờ đêm. Cái buổi tối đẩy đưa Chau Rết đi ngang tiệm may.
"Anh Rết, vô nhà chơi, anh Rết, trời tối anh đi đâu?". Tiếng mời thật êm ái chưa bao giờ được nghe của Lài, cô bạn cùng lớp. Lài tự nhiên mời Chau Rết ghé chơi.
Chau Rết luống cuống chưa biết xưng hô ra sao cho đúng, "bòn, pà ol". Tiếng "anh, em" nghe ngượng ngùng quá. Rết riu ríu vào nhà, đứng xớ rớ. "Ngồi chơi nghe anh Rết", Lài vào rót tách trà bưng ra cho, Rết khép nép "Hổng có gì đâu!". Muốn nói thêm mà nghẹn như bị Ông Tà bóp họng. Lài bưng thêm dĩa bánh bò mời. "Mè ơi! Bánh bò màu trắng như bông, có cái màu xanh màu đỏ, mặt bánh nứt ra như đài hoa, sớ bánh bò như rễ tre, thơm béo ngon quá". Chau Rết khen thầm, nhớ tới cái bánh gói màu nâu sậm, chan nước cốt dừa nhơn nhớt, không mùi vị gì, bánh thốt nốt một màu như bánh gói, bánh ống thì ăn xam xảm. Chau Rết đưa mắt nhìn lên tường, tấm ảnh bán thân Lài lộng kiếng, ngón tay để trên má. Lài thân mật tự nhiên, nói hay như chim hót. Lần đầu tiếp xúc với gái Việt Nam rặt, nhứt là người bạn cùng lớp xinh đẹp, Chau Rết lúng túng thấy tội nghiệp, uống không dám nuốt, ăn không dám nhai.
"Ăn bánh bò đi anh Rết", giọng nói mát mẻ của Lài như nước giếng tưới mát cho tình cảm khô khan của Chau Rết, nở hoa như cái bánh bò bông trước mặt.
Mấy năm học, môn Việt văn Chau Rết có tiến bộ không nhiều thì ít, tình cảm Việt Nam thấm nhuần dần dần vào tâm hồn lúc nào không hay. Phân nửa thời gian dành cho tiếng Việt, phân nửa dành cho tiếng Miên ở Sóc. Đêm đêm Chau Rết bắt buộc nhơi những đoạn văn thơ Việt Nam, học lâu lắm mới thuộc những câu hay hay mà khó hiểu:
"Hoa giải nguyệt, nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông..."
Năm Đệ Lục đề thi môn Vạn vật "Con Khỉ". Chau Rết viết thành bài luận văn thật hay: "Ba tôi lên núi làm rẫy, bắt được con khỉ phá vườn bưởi. Ba tôi bắt nó về đập đầu, thui con khỉ cho cháy lông, nấu với lá dang. Thịt khỉ ăn như thịt nhím, thịt trúc...". Chắc Giáo sư Vạn vật phải nhờ Giáo sư Việt văn chấm bài đó.
Lúc bị kêu lên bảng giải phương trình, giáo sư biểu cân bằng phương trình, Chau Rết nhìn quanh quẩn tìm cây cân để cân.
Lên Đệ Ngũ, đề bài luận văn "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông". Chau Rết viết chưa được một trang giấy, chợt thấy có chữ "sông", "núi", cảm hứng kết luận bằng câu thơ đắc ý nhứt: "Thương em mấy núi cũng trèo, Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua". Chau Rết muốn đọc cho Lài nghe hai câu thơ.
Sàm Nơn không đi học, ở Sóc làm sao hiểu nổi, mỗi lần mang bánh biếu Chau Rết, mặt "ol" tối sầm, để bánh trên bàn, cúi đầu đi một nước.
Dì Bảy, mẹ Lài, ăn mặc cao sang, áo quần vải lụa màu, bới tóc có bao lưới đẹp hơn mẹ Chau Rết. Dì Bảy cũng ăn nói lưu loát "Ngồi chơi đi cháu", rồi ra sau nhà, cho hai đứa tự do. Dì Bảy văn minh quá!
Lài vui vẻ hỏi: "Sao anh Rết hổng ở chợ đi học cho gần, ở Xà Lôn xa quá. Mưa gió...". Chau Rết ậm à, nhăn mặt, mất tự nhiên, ngồi vặn vẹo trên ghế, tay chơn lúng túng, miệng ấp úng: "Dớ (11), nhà tôi ở Xà Lôn".
*
*     *
Từ ngày gặp Lài, tâm hồn Chau Rết như cánh bướm bay khỏi Sóc Xà Lôn đến đậu trên hàng rào trước nhà Lài. Gương mặt Lài rạng rỡ hơn gương mặt u ám của Sàm Nơn. Chau Rết bạo dạn bẻ mấy chục trái sa-bô-chê ngon nhứt trong vườn biếu Lài. Dịp Tết năm cuối Trung Học, năm Đệ Tứ; tuy học kém nhưng đủ tư cách làm đàn anh trong trường, Chau Rết tỉnh táo hẳn lên, tuổi khai sanh là 17, tuổi thiệt là 19. Tuổi nầy, người Miên, người Việt hay người Tàu ở xứ nầy đã biết yêu thương. Sàm Nơn 17 tuổi, Lài cũng 17 tuổi. Chau Rết tìm đủ cách ở lại chợ sau giờ học, khi đạp xe về tới Xà Lôn đã tối, tắm rửa, ăn cơm là Sóc đã lên đèn, ít gặp Sàm Nơn. Chủ nhựt, Chau Rết cũng đạp xe ra chợ Quận chơi, nói là học bài chung với bạn học, cốt ý là mang trái cây cho Lài. Đêm Lài mời Chau Rết ghé nhà uống nước, Rết đã bước sang thế giới Việt Nam ở quê mình. Từ trước, Chau Rết loay hoay ở Sóc Xà Lôn, nói tiếng Miên, tương lai là Nam Vang. Lài là cây cầu bắc ngang cho Chau Rết hiểu thêm, nghe thêm những chữ mới "anh, em" dịu dàng ngọt ngào như bánh bò bông, bánh da lợn, bánh men, bánh thuẫn, nghe hoài, ăn hoài không chán. Có những đêm mưa, nhìn sang căn nhà Sàm Nơn xa xa, Chau Rết nhớ Lài, nhớ gương mặt Lài thanh thoát, cử chỉ nhã nhặn, cười tươi như bánh bò bông, nhưng Lài cao sang quá, người đẹp Việt Nam như Lài làm sao về làm dâu ở Sóc Xà Lôn hẻo lánh nghèo nàn. Chau Rết cứ mơ, bạn bè đều tốt với Chau Rết, nếu lỡ dở cũng không ai chế nhạo, chưa có đứa nào chê Chau Rết "Mai Liên" (Miên lai) hay chết đốt. Lài vẫn niềm nở, không hiểu xã giao hay chân tình với Chau rết. Sự vui vẻ dành cho mọi người, điều nầy Chau Rết khó hiểu nổi. Nhà Lài là tiệm may, phải chiều khách, nhứt là giới lính tráng ở xa đi hành quân ngang, mang áo lành lặn nhờ Lài vá, để có cơ hội ngồi nói chuyện hàng giờ, Lài vừa may vừa tiếp chuyện.
Biến cố gây sự hiểu lầm to tát cho gia đình Rết là ngày Lài biếu Rết (hay cho ba má Rết) gói bánh chợ, bánh bò, bánh da lợn, bánh men sau buổi cúng cơm. Pù Sul và Ì O sung sướng vô cùng, con mình được bạn gái Việt Nam ở chợ cho bánh. "Con nhỏ đó trắng không?". Ì O hỏi, khi mấy đứa cháu giành ăn bánh chợ muốn đánh lộn. "Lấy gì cho lại?". Không lẽ gởi bánh thốt nốt, bánh gói, bánh ống? Sóc nầy có ba thứ bánh, màu tối sậm, so với bánh chợ màu mè sao được. Lài là cái bánh bò bông, Sàm Nơn là cái bánh thốt nốt. Lài trắng trẻo, cổ tay đeo sợi dây bạc đẹp và thanh nhã, tóc dài mướt trên vai, lơi lả. Sàm Nơn da bánh thốt nốt, có bao nhiêu nữ trang bằng vàng đeo hết lên người vào dịp đám cưới, lễ lộc nào hoa tai, dây chuyền, neo, kiềng chân... vàng hực.
Chau Rết đã dạn dĩ ở chợ, dám theo bạn uống cà-phê, lén phì phà thuốc lá, để tỏ ra mình cũng như ai. Đối diện với Lài, Rết luống cuống, tay chân làm như dư thừa, muốn nói văn chương mà vốn liếng học giờ giảng văn trốn đâu mất, lâu lâu nhớ một câu thơ mà ấp úng, ngượng ngập không ra lời, chưa dám gọi Lài là "em". Ôi! Tiếng "em" nghe thân ái mà phát ngôn chưa được.

Buổi Liên Hoan Tất Niên, như thường lệ, Rết là Trưởng Ban Khánh Tiết, dọn bàn ghế, treo hoa kết tụi, vẽ bảng mừng Xuân. Khi treo tấm bảng "Hâng Hoang Tất Niên", thầy cô nhìn đoán không ra Rết muốn nói gì. "Liên Hoan" hay "Hâng Hoang" cũng giống nhau mà.
Lúc học sinh đệm đờn hát tặng thầy cô, Rết đứng sau nhịp chân trong bản hợp ca "Ly Rượu Mừng", miệng lép nhép, đóng góp chương trình văn nghệ như ai. Lài được bạn đề cử lên. Tiếng hát Lài đưa Chau Rết gần Việt Nam hơn, khúc ca "Nụ Tầm Xuân" gì đó. Nụ tầm xuân ở ngoài Bắc, Chau Rết lơ mơ theo tiếng Lài hát, cảm tưởng Lài hát cho riêng mình nghe. Cây quạt máy thổi tóc Lài bay bồng bềnh, Lài hất mái tóc dài ra sau, Chau Rết tấm tắc, lim dim, gật gật như thưởng thức, "Dớ! Việt Nam hay quá". Bản nhạc sắp chấm dứt, tiếng hát nhỏ dần sang điệp khúc chót "... Tình chung muôn đời ta đắp xây, Tình chung muôn đời ta đắp...". Lài chưa kịp hát dứt chữ "xây" cuối cùng. Chau Rết đã xớn xác hét lên, vừa vỗ tay lộp bộp.
*
*     *
Bốn năm qua, Chau Rết hăng hái hưởng cái Tết cuối cùng của đời học sinh ở chợ quận với các bạn. Tất cả học sinh Đệ Tứ năm đó, dù trai hay gái đều tỏ vẻ rất trưởng thành, đàn anh trong trường mà. Có đứa đã được nhận chân dạy học ở các xã ấp xa. Chau Rết ở lại chợ ba ngày ăn Tết Việt Nam, nghỉ đêm thoải mái ở nhà bạn học. Chau Rết là thành viên chánh thức của lớp rồi. Anh em rủ nhau đến từng nhà bạn bè trong lớp, đến đâu cũng được đãi trà bánh tươm tất. Chau Rết biết thêm, ngoài bánh bò, bánh men còn có mứt hột sen, mứt bí, thèo lèo, lúc cắn hột dưa lần đầu, hột bể nát, có khi hắn nhai luôn vỏ, răng đỏ vì màu nhuộm hột dưa.
Buổi trưa ghé nhà Lài, được đãi cơm trưa, có thịt kho trứng, dưa cải, bánh phồng tôm. Tất cả ngồi tại bàn ăn, có ghế ngồi chứ không như nhà sàn ở Xà Lôn, ăn cơm ngồi chồm hổm hay xếp bằng trên sàn nhà. Chau Rết ăn thiệt tình, món nào cũng ngon. Buổi chiều, được đãi nhà thằng bạn gốc Tàu, con chủ tiệm vải, nhà ở phố lầu, ăn cù lao, dĩa thịt xào nấm đông cô, mì xụa (12) xào hẹ, thằng Xòn chủ nhà còn kéo la-de ra uống. Chau Rết nhìn thấy Lài ngồi bên bàn kế, ăn chậm chạp như mèo.
Ba ngày Tết Việt Nam vui quá. Chau Rết muốn ở luôn ngoài chợ. Sóc Xà Lôn bên góc núi xa mù trong trí nhớ, dù có ba ngày. Hình bóng Lài đã thay thế hẳn Sàm Nơn trong lòng Chau Rết. Nhưng Chau Rết chưa có chỗ đứng trong trái tim Lài, Rết đâu có gì đặc biệt, ngoài cái to xác, đen đúa, thô kệch. Chau Rết giận chính mình, muốn cạo cho hết chất đen trên làn da sạm nắng. Con trai ở chợ, trắng trẻo, thư sinh, nhà giàu, chỉ mặc đồng phục khi đi học, về nhà bọn nó ăn mặc đúng mốt.
Chau Rết chỉ có mấy bộ đồng phục, nhờ có quần xanh dài, che những cái thẹo ngang dọc trên chân đen mốc. Tết người ta ăn uống say sưa, ngon lành, có đốt pháo, có Radio hát "Mừng Xuân nâng chén...". Còn Chô Snăm Mây (vô năm hay Tết) chỉ biết gói bánh tét, bánh ít, đi chùa, đi cúng tro cốt trong tháp, chán quá. Dịp Chô Snăm Mây, nếu mời Lài vô Sóc, có gì vui cho Lài. Ngày nầy sang ngày khác, cứ có trái cây là Chau Rết bẻ cho Lài cầu thân, nói chuyện, thăm hỏi chuyện thường tình bâng quơ lạt lẽo. Lài đi học về còn phải ngồi vào máy may, đâu có dư thời giờ ban ngày tiếp chuyện. Thoáng nghỉ tới muốn mời Lài vô Sóc cho biết, mà vấn đề xe cộ chưa giải quyết được. Chau Rết nhìn chiếc xe đạp đòn dông ngao ngán, phải chi có chiếc Mobylette như con chủ tiệm hủ tiếu thì dễ quá. Sóc Xà Lôn, một bên là núi trọc, một bên là ruộng, nhà cửa rải rác xa nhau. Vườn chỉ có vài loại trái cây ăn được, phải đúng mùa mới có trái, ngoài ra, trái xây. trái trâm (13), trái sa-kê, trứng cá, me, chùm ruột, toàn thứ trái cây rẻ tiền, trồng chỉ tốn đất. Chau Rết rất ngại. Lài mà vô đây một lần, chắc hết dám vô lần thứ nhì, nếu Lài nhìn thấy bọn con nít đen đúa trần truồng, mặt mày lem luốt chạy nhảy bên mấy bòn ca quấn có mỗi khăn chàng tắm bên bờ giếng, xong lại ra gốc dừa cọ mình trên cây dừa cho đã ngứa. Trong chùa có vài ông Lục xếp mon đọc kinh tiếng Miên xưa, Chau Rết còn chưa hiểu hết. Phân bò, phân heo khắp xóm, mấy con kỳ nhông rắn mối chạy sột soạt dưới đống lá sẽ làm Lài giựt mình. Nhà sàn không có ghế, phải ngồi trên sàn, áo quần Lài trắng bông dễ bị dơ. Chau Rết chưa tìm cách làm Lài vui, không lẽ dẫn Lài đi quanh Sóc nghe các bà con Miên nói chuyện eo éo, con đường đất cát mùa nắng cũng như mùa mưa không thích hợp cho đôi guốc cao gót của Lài. Tới giờ "nhăm bai" (14) lấy gì đãi Lài cho vừa miệng, canh thốt nốt, xiêm lo đều nêm mắm bồ hóc, húp canh vô ngứa răng thêm.
Chau Rết tủi lòng mỗi lần qua nhà Lài, thấy các sĩ quan ngồi cười cười nói nói, Lài vừa đạp máy may vừa trả lời vui vẻ lắm. Chau Rết than thầm, làm sao bằng các sĩ quan trẻ, dù là Đại úy Chau Uốt, Đại đội trưởng nhóm Khăn Trắng so với các sĩ quan nầy còn chưa thấm vào đâu. Lài hình như chưa hiểu cái tình bạn bất thường của Chau Rết, mỗi lần nói chuyện với Lài hắn luống cuống khi chạm mắt Lài. Mỗi lần Lài cần điều gì, Chau Rết sốt sắng quá độ. Xin một bó xà đâu trộn cá nướng ăn buổi chiều, Chau Rết bẻ hết bông trên cây xà đâu cho Lài. Mùa xoài đông ken (15), Chau Rết mang cả thúng xoài tượng cho Lài ăn với nước mắm đường, ăn tới xoài chín cũng chưa hết.
Ì O ngạc nhiên thấy con xỏ từng xâu bưởi lớn mang đi học, "Ăn nhiều quá vậy!". Ì O đâu biết Chau Rết muốn làm vừa lòng Dì Bảy. Đêm đêm thấy Chau Rết cầm nhìn không chán tấm ảnh chụp chung học sinh lớp Đệ Tứ. Chau Rết đứng hàng chót vì cao lớn, Lài đứng nghiêng, áo dài tha thướt. Chau Rết buồn và lo, Lài đang được các sĩ quan theo đuổi.
Lài nhìn Chau Rết như người bạn chân thật, vui tính, mỗi lần mở miệng làm Lài khó nín cười, đó là lý do Lài có cảm tình với Chau Rết. Nhưng tình yêu thì chưa có, dù vui vẻ với Rết. Ở Sóc, trai gái dù thích nhau, chỉ để trong lòng, không bao giờ dám cười nói lộ liễu. Dì Bảy thì gọi Chau Rết "cháu" ngọt. "Ngồi chơi cháu, mai mốt ghé nhà chơi nghe cháu, về cho dì gởi lời thăm ba má nghe!". Sao dì Bảy lịch sự quá. Chau Rết chuyển lời thăm xã giao cho mẹ, Ì O không hiểu tại sao, chưa quen biết mà sao gởi lời thăm, trả lời sao cho phải. Quanh quẩn trong Sóc Xà Lôn có ai từng gởi thăm ai đâu. Pù Sul lù đù lo ruộng rẫy, nghe tiếng Việt không hết "Mè oi, Xà đấp chon bét cà ba á". (Mẹ ơi, nghe muốn bể đầu).
*
*     *
Chau Rết nằm một mình trên sàn nhà, chán chết, đầu óc còn ở chợ, nhớ bàn tay Lài, ngón tay thon thon trắng ngà đẩy cái áo trên bàn máy may, chân đạp nhịp nhàng. Tay chân Lài mịn màng như vải lụa, ngón tay trắng hồng, không có chút đất đóng trong móng tay như Sàm Nơn. Chau Rết chưa dám tỏ cho mẹ biết ý định lấy vợ Việt Nam, ở luôn ngoài chợ. Chắc mẹ sẽ đồng ý ngay, nhưng khó khăn về phía Lài, cưới vợ Việt Nam cùng học Đệ Tứ trắng đẹp ai mà không chịu, chỉ ngại Chau Rết với không tới. Chau Rết mơ ngày được cất cái chòi lá (16) nhỏ trước nhà Lài ngủ đêm theo tập tục. Sáng hôm sau, Lài ăn mặc rực rỡ, đeo nữ trang đầy người, trịnh trọng ôm cái ô bằng bạc đầy nước ra rửa chân cho Chau Rết, Chau Rết mới được bước chân vào nhà Lài chánh thức làm rể. Hai đứa ngồi nghe ông Lục đọc kinh trầm trầm, cầm bó bông nhúng nước rải chúc lành. Bạn bè sẽ ném hoa cau trắng nõn như mưa hoa thơm ngát chúc cho cô dâu chú rể hạnh phúc, rồi một người cầm cây kéo múa vòng quanh hai đứa, múa xong xén tóc Chau Rết. à, mà Chau Rết không biết theo phong tục nào, ở rể theo Miên hay rước cô dâu Lài về Xà Lôn theo Việt Nam. Ủa, ủa, ai gả con cho Chau Rết đâu mà mơ mộng, "ai lấy chồng Đàng Thổ chết đốt?". Có chồng Miên, sau có chết, nó mua một thước củi chất lên lò thiêu, bỏ tro vô tháp, nóng chết ai mà chịu được. Chau Rết thẫn thờ trước cái thực tế bất lợi trước mắt. Hắn cố tìm trong trí nhớ coi có đứa con trai gốc Miên lấy được vợ Việt mà tìm chưa ra, nghĩ tới đây hắn cuồng trí, lại hy vọng rằng Ì O bán vài chục giạ lúa cưới vợ cho Rết. Tiếng xối nước của những người tắm ngoài giếng làm Rết tỉnh giấc mơ ban ngày.
Học với nhau bốn năm, Chau Rết chưa dám mời Lài đi Xà Lôn, từ chợ tới Sóc chỉ có vài chiếc xe lôi kéo bằng xe gắn máy hiệu Folis. Lài không thể ngồi tênh hênh trên chiếc xe lôi chung với mấy bà Miên bán rau, thúng gánh treo tòng teng, nhổ cốt trầu chèm nhẹp.
*
*     *
Mùa Thanh Minh cúng mả vừa qua là tới mùa Chô Snăm Mây (vô năm, ăn Tết Miên). Năm nay tại Sóc Nam Vi trúng mùa có tổ chức ăn Tết lớn, có múa Lâm Thol, mùa Chô Snăm ăn mặc tươm tất hơn, thức ăn ngon, có thịt kho trứng giống Việt Nam và bánh ít bánh tét. Chau Rết sẽ mời Lài đến nhà người chú là Pù Keo, làm Xã Trưởng, có nhà sàn lớn cất trên những cột cây sao lâu đời. Buổi múa Lâm Thol và dàn nhạc sẽ diễn ngay trên sân chùa bên nhà Pù Keo. Chau Rết sẽ nhờ Pù Keo đuổi hết mấy đứa nhỏ xuống nhà dưới, dành tầng trên nhà sàn cho Lài ngồi coi múa Lâm Thol, Lài chưa quen tham dự Lâm Thol lần nào, ôi, nếu thuyết phục được Lài cùng múa song đôi, hạnh phúc và danh dự biết chừng nào, cùng hòa mình trong tiếng nhạc ngũ âm. Ì O sẽ mặc cái xà-rông tơ hay áo tầm dông (17) đen mới. Pù Sul sẽ mượn cái áo bành-tô thời Tây của ông Quản Eng choàng lên cái áo vải xiêm. Ông bà sẽ nôn nóng đến xem mặt Lài, mọi người sẽ trầm trồ khen Rết có bạn gái Việt Nam, da trắng và sạch sẽ. Ước mơ Chau Rết là vậy, còn có mời được Lài không là chuyện khác, khó là mời cho được Lài, khó còn hơn thi đậu Đệ Thất. Năm nay là năm cuối thời Trung Học, cũng là cơ hội cuối trước khi ra đời. Lỡ đã báo cho gia đình về việc Lài, nếu bị từ chối thì biết ăn  nói làm sao. Chau Rết lo tới ngơ ngẩn.
*
*     *
Trái với sự lo âu tưởng tượng, khi Chau Rết mặt nửa nhăn nửa cười bước vào tiệm may, gãi đầu chưa kịp mở miệng thì Lài linh cảm, đoán được ý nghĩ của anh chàng si tình dại gái nầy. Nàng vui vẻ hỏi trước: "Nghe nói năm nay, Sóc Nam Vi sẽ tổ chức Chô Snăm Mây lớn lắm hả anh Rết? Không biết người Việt Nam vô coi được không?".
Chau Rết như được vàng, mừng cuống cuồng, lắp bắp: "Ừ, ừ, Lài vô chơi nghe, tui bao xe lôi cho Lài vô, mua nước cam xá-xị cho Lài uống, má tôi kho thịt nhiều lắm, múa Lâm Thol đông lắm...".
Lài đặt cái áo nhà binh trên bàn máy, vừa đạp máy vừa hỏi: "Lài muốn vô Sóc buổi trưa đi coi vườn trái cây nhà anh Rết!".
-"Dớ, mấy giờ cũng được, tôi kêu anh Bi chạy xe lôi rước Lài, chiều tối đưa Lài về, tối có múa Lâm Thol vui lắm".

Chiếc xe lôi đưa Lài và Rết tới Sóc vào xế trưa. Lài mặc đồ bộ màu vàng, đội nón lá quai vàng. Lài xuất hiện như nàng tiên trong bộ lạc cổ sơ. Chau Rết đưa Lài đi qua khu vườn trồng cây ăn trái. Vài người trong Sóc đi qua tò mò nhìn Lài và Rết, chiêm ngưỡng.

Lài cúi chào Pù Sul: "Thưa bác".
Pù Sul cười cười ngỏn ngoẻn không nói được tiếng nào. Ì O đon đả hỏi thăm Lài, tiếng việt lỏm bỏm, Í nói liên tục, năm nay lúa trúng, có nếp mới làm cốm giẹp sẽ gởi cho má Lài ăn lấy thảo.

Chau Rết bắt chước cung cách của giáo sư chắp tay sau lưng đi chầm chậm nói chuyện với Lài, thân mình hắn cao lớn hẳn, bên Lài nhỏ bé xinh xắn. Rết tự tin hơn khi cùng nhau đi trong vườn sa-bô-chê vắng, thỉnh thoảng hắn kéo cành cây có nhiều trái lớn xuống cho Lài nâng niu.

Ngọn gió từ núi Tô thổi qua cánh đồng ruộng trên, cỏ héo, chờ mưa đổ xuống để bắt đầu mùa ruộng. Gió càng mạnh thổi lào xào các khóm tre, tóc Lài bay vướng vào vai Chau Rết, thơm tho làm sao. Chau Rết sung sướng cứng người, hạnh phúc hơn lúc thi đậu vô Đệ Thất, "bây giờ học Đệ Tứ, có bạn gái Việt Nam đẹp" Chau Rết lẩm bẩm. Lài tha hồ hít không khí trong mát, thoát cảnh nhà cửa chật chội, đường sá bốc bụi mỗi lần xe chạy qua, Lài tận hưởng cái êm ả quê mùa, xa xã hội bon chen tranh giành ở chợ. Lài thích vườn cây xanh, nhìn lên cây thị hết mùa, muốn có trái thị chín để ngửi. Chau Rết tinh mắt thấy trái thị sót lại nằm lẫn trên đám lá, hắn nhanh nhẹn leo lên hái cho Lài, Rết to lớn leo cây như con dã nhân. Trong khung cảnh khu vườn mát, êm đềm, chỉ có hai đứa, Lài chợt chú ý tới mùi khét khét thơm thơm của Chau Rết, da nâu, ăn nói bộp chộp không ăn nhập vào đâu, nói chuyện không đầu không đuôi. Lài khám phá cái dễ thương của Chau rết, như cá trở về nước, tuy ra chợ thì lạc lõng. Rết rất tháo vát ở quê mình, tiếng Việt của Chau Rết ngồ ngộ, lộn xộn, hay hay, nghe vừa tức cười mà không làm ai giận. Lài nhớ Thiếu úy Tiên, và vụ tai tiếng vừa qua ở chợ, ai cũng biết ngoại trừ Chau Rết. Thiếu úy Tiên hằng ngày ghé tiệm may nhờ Lài vá cái túi áo, đơm cái nút quần vì Thiếu úy liên tục đi hành quân buổi tối, nên "áo anh sứt chỉ đường tà, mẹ anh chưa vá, vợ già chưa khâu", rằng "mắt Lài đẹp như mắt nai tơ". Thiếu úy Tiên ăn nói văn chương và chững chạc. Chau Rết thì "Dớ, dớ, Mè oi!". Rồi ông Thiếu úy đi nhậu trong ấp, trên đường về bị bắn sẻ. Vợ con ông ở Hố Nai tới lấy xác, lãnh tiền tử. Lúc ông được thăng  Trung úy mới có gia đình.

Lài cầm trái thị màu vàng đưa lên mũi, mùi thơm thoang thoảng tầm thường của trái thị, mùi khét nắng của da Chau Rết làm Lài cảm được cái chân thật của ruộng vườn. Thiếu úy Tiên hào hoa, đường mật, Chau Rết thật thà chất phác. Ý nghĩ so sánh thoáng qua nở thành nụ cười dành riêng cho Chau Rết.
*
*     *
Tiếng mấy ông Lục xếp mon tụng kinh trong chùa vừa xong thì dàn nhạc ngũ âm bắt đầu đánh cồn cồn, thanh niên thanh nữ người lớn bắt đầu uốn éo tay chân thì cơn gió bắt đầu thổi mạnh. Chau Rết đưa Lài lên nhà Pù Keo. Sàm Nơn lảo đảo bỏ ra khỏi chùa. Mưa bắt đầu nặng hột, dàn nhạc dọn nhanh, mọi người giải tán vô chùa đụt mưa. Chau Rết lo âu, thất vọng, giận ông trời làm lỡ dở cuộc vui, Lài chưa được múa Lâm Thol, nhiều người chưa thấy mặt Lài, niềm hãnh diện Chau Rết chưa tròn vẹn. Phải cho tất cả bà con lối xóm thấy Chau Rết nầy có bạn gái Việt Nam trắng trẻo theo về Sóc chơi Chô Snăm Mây.

Ì O và Pù Sul đã lo xong cơm nước cho hai đứa rồi qua chùa xếp mon. Mưa đổ xuống xối xả, nước bắt đầu ngập sân chuồng bò, đường đất Xà Lôn - Nam Vi ngập, bùn tới mắt cá, xe Folis của anh Bi chắc chắn vô rước Lài không được, dì Bảy sẽ rầy la Lài cấm không cho Lài vô Sóc từ đây. Rết buồn bực, thất vọng, chắt lưỡi tiếc rẻ. Đêm nay làm sao đây! Nghẹp hoi! (Chết rồi).

Lài nhìn mưa, thỏ thẻ hỏi: "Anh Rết lo gì vậy?".
-"Dớ, mưa lớn quá, không được múa Lâm Thol, làm sao anh Bi vô rước Lài về, dì Bảy chắc rầy Lài dữ lắm".

Lài mỉm cười: "Lài đã xin má ở lại chơi tối nay với em anh rồi, không sao đâu, mưa lớn, má biết mà".

Chau Rết nhảy lên reo mừng, thấy càng lúc càng được may mắn. Rết lấy dĩa bánh bò, bánh men mời Lài.
Lài hỏi: "Sao anh mua bánh chợ cho Lài ăn, bánh nầy Lài ăn thường ngày, phải có bánh thốt nốt, bánh gói ăn ngon hơn".
-"Dớ! Tôi sợ Lài chê bánh thốt nốt nhà quê, màu đen, nên tôi mua bánh ở chợ cho Lài ăn!".
-"Không phải đâu anh Rết, bánh thốt nốt Ì O làm có mùi thơm thốt nốt. Bánh chợ để đường mía và để màu bánh mới đẹp".
Mâm cơm Ì O dọn có dưa giá, thịt kho trứng vịt, như ở chợ. Chau Rết cười thỏa mãn, tin là Lài sẽ vui, tránh được các món mắm mặn. Lài lại hỏi: "Món nầy Lài ăn hoài, sao má không cho Lài ăn canh xiêm lo, canh thốt nốt, canh mít ?
-"Dớ, má tôi sợ Lài không biết ăn canh Miên, nên nhờ người ta ở chợ nấu cho Lài ăn cho vừa miệng.
*
*     *
Buổi trưa đó, Sàm Nơn trang điểm, áo cánh đỏ, chăn xà-rông đen, dây nịt bạc, đeo tất cả nữ trang của gia đình. Cây kiềng, dây chuyền trên cổ, hoa tai, chiếc neo trên cổ tay, cây kiềng trên cổ chưn, tất cả làm bằng vàng y, màu vàng hực khá nặng trên người Sàm Nơn. Đêm nay Sàm Nơn sẽ sánh vai Chau Rết múa tới thật khuya, cho con nhỏ Ni Bồ Rum con ông Xã Nol hết dám đón đường chào Chau Rết.

Vừa trong chùa bước ra, Sàm Nơn thấy Chau Rết đưa Lài công khai lên nhà Pù Keo, rồi đi dạo vườn cây, mọi người bắt đầu xầm xì rồi đồn ầm lên như thiệt là Chau Rết học Đệ Tứ, lại được cưới gái Việt Nam da trắng cũng học Đệ Tứ. Cơn mưa bất ngờ đổ xuống làm Sàm Nơn muốn chết ngất theo. Sàm Nơn con nhà danh giá trong Sóc, nhà có bốn đôi bò, chưa kể mấy con bò con, hơn năm mươi công ruộng, nhà sàn làm bằng cây sao. Nước da Sàm Nơn đâu có đen lắm như da Ni Bồ Rum. Ở Xà Lôn hết gái rồi sao? "Chau Rết ngu ơi là ngu! Ngu hết bực, mới đi cưới vợ Việt Nam".

Sàm Nơn càu nhàu, lảo đảo bỏ chạy về nhà. Cơn mưa tầm tã phũ phàng chụp xuống Sóc Xà Lôn. Áo quần nàng ướt sũng, nước mắt nàng nhiều hơn nước mưa đêm nay.

Bốn năm qua, ông Quản Tén đã gật đầu cho phép Sàm Nơn mang trái cây ngon, bánh ngọt cho Rết, bây giờ Chau Rết mê gái Việt Nam ở chợ, da trắng, quên bạn Sóc nghèo "ăn nước da trắng đó được không?". Sàm Nơn khóc sướt mướt, tức tưởi đập cây me nước, gai đâm máu đỏ bàn tay. Me oi! Nuôi con bò cho lớn, con bò đi cày ruộng người ta. Sàm Nơn sẽ tìm ông Tà Ngứt làm phép bỏ bùa cho Rết trở lại. Cơn mưa gió vỗ trên mái nhà, xô cây cối ngã nghiêng không át được tiếng gào thét tru tréo như bà bóng gọi hồn của Sàm Nơn, "Me âu oi! à Ret xà lanh col srậy Duông hoi!" (Má ba ơi, chàng Rết thương con gái Việt Nam rồi).
*
*     *
Đã quá nửa đêm, gió luồn qua khe cửa, ngọn đèn dầu lập lòe in hai chiếc bóng lao chao trên vách ván. Chau Rết rót xá-xị cho Lài, im lìm thưởng thức cái ấm cúng tràn đầy trong phòng. "Anh Rết, cuối năm thôi học, anh tính làm gì?"
-"Dớ, tôi theo chú tôi làm sổ sách cho máy xay lúa. Chú tôi có xe chở máy chà lúa (18) ở Sóc. Sáng vô Sóc, chiều về, rồi tôi ra chợ ở". Chau Rết nhấn mạnh "ra chợ ở", đắc ý câu nói nầy lắm, hắn sẽ nhập vào dân chợ, ở gần nhà Lài, xa cái Sóc buồn hiu vắng vẻ nầy. Giọng nói Chau Rết vẫn còn run run. ミch nhái ngoài đồng tấu nhạc huềnh hoang buồn chán. Chau Rết thở mạnh, ráng hết sức, khi nhớ tới dì Bảy, mẹ Lài, lúng túng một lúc rồi hỏi thật nhanh theo hơi thở ra: "Lài à, người Việt Nam có gả con cho người Miên không?".

Lài chậm rãi trả lời: "Có chớ anh, nếu hai đứa thương nhau, không rượu chè, cờ bạc, hút sách, chắc cha mẹ không ngăn cản đâu".
-"Ừ, tôi không biết uống rượu, không đánh bầu cua ở chợ, không đánh bài cào, không hốt me (19), không hút thuốc, có ăn chè thôi, được không? Má tôi ưa nấu chè khoai lang ăn ngọt lắm".
Lài đang nhìn lên vách, bóng Chau Rết che mất bóng Lài, cả thân mình Chau Rết với mùi khen khét nắng nồng nực đã phủ lên mình Lài. Lài đang ngượng ngùng, nhưng khi nghe Chau Rết nói tới "ăn chè", Lài bật cười, gian phòng vắng, gió mưa đồng lõa khuyến khích, Lài ngã đầu gần đụng ngực Chau Rết, thì thầm: "Phải chiều nay không có mưa, chắc múa Lâm Thol vui lắm". Giọng nói nhẹ nhàng như hơi thở làm Rết nao lòng: "Sau nầy về, em sẽ dạy anh nói tiếng Việt giỏi hơn".

Chau Rết vuốt theo: "Ừ, trời mưa không có múa Lâm Thol, năm tới chắc không có mưa, Chô Snăm Mây năm tới nhằm ngày khác.

Chau Rết hiểu lờ mờ "sau nầy về", Lài nói ngọt ngào quá, về đâu? Hắn khoái trá nịnh Lài: "Dớ! Ông giáo sư dạy anh bốn năm, dạy giảng văn Nguyễn Công Trứ, ổng chê anh học dở, ổng hết biết cách gì dạy cho anh giỏi. Vậy mà em nói dạy cho anh tiếng Việt giỏi. Em hơn ông giáo sư ở trong trường rồi".

Chau Rết đã đủ can đảm xưng hô "anh", "em" với Lài. Hắn sướng quá, được gọi Lài là "em", xưng "anh", nghe tình quá. Chau Rết bớt dần mặc cảm với Lài, mặc cảm tự ti đối với người bạn gái Việt Nam. Nếu Lài không cởi mở, Rết sẽ ôm mối tình câm lặng tới bao giờ. Rết mân mê bàn tay xinh xinh thon thon của Lài. Cái gì Lài cũng đẹp, tiếng Việt của Lài đã thấm sâu vào lòng Chau Rết.

Lài cũng có cảm giác như Chau Rết, nhưng ngược lại. Chau Rết nói tiếng Việt ngộ ngộ, hay hay, nghe nửa sống nửa chín, nghe tức cười nhưng không làm ai giận. Chau Rết thích làn da trắng, lối ăn nói dịu dàng và là người Việt ở chợ. Lài thích Chau Rết ở nét thô thô, mạnh bạo và chân thật, không giả trá lỗi phải của dân chợ như Thiếu úy Tiên, Lài sợ kinh nghiệm đó rồi.

Chau Rết "vô cà tha" (vô bùa) (20) bạo dạn bất ngờ ôm chặt Lài trong vòng tay, hắn không kềm được sức mạnh muốn bóp nghẹt người hắn thầm thương trộm nhớ "Đào tiên đã bén tay phàm". Hắn nhớ đâu câu đó học với ông giáo sư giờ giảng văn. Lài thấy ngộp thở, cựa quậy, rồi ngồi yên trong lòng Chau Rết.

Máu huê tình hát nói, (21) hát Là Khol (22) nổi dậy, Chau Rết vô tình trở về với Sóc Mẹt (23) của mình, hắn đã trở về với chính mình. Chau Rết ôm Lài đưa đẩy tới lui, ngã nghiêng như đang ngồi trên ghe chồng chành: "Dợ, dớ, dơ, cà mum Sóc flơ, mơ bòn ùm túc" (Hò hò ơi, con gái xóm trên, coi anh bơi xuồng) "Hát vậy mà tưởng hay lắm", Lài nhăn mặt nũng nịu. Được dịp càng làm già, Chau Rết dám hôn tóc Lài tới tấp vừa vỗ sàn nhà gỗ, vừa hát: "cóp, cóp, cóp, Cà mum flết đóp, colpot xom mơ" (Cóp cóp cóp, Con gái hở ngực, con trai xin coi).
-"É, quỷ, hát bậy bạ nè!".

Tiếng hét Lài làm Chau Rết bừng tỉnh, cuống cuồng, sợ Lài đổi ý từ chối. Hắn tìm cách đánh trống lảng, vừa khen vừa nịnh Lài, định đọc mấy câu thơ "Buồn trông cửa bể chiều hôm!, nhưng quên mất mấy câu sau. Chau Rết đành nói một hơi "Dớ, người Miên ngu quá, lựa tháng mưa ăn Chô Snăm Mây". Mưa ướt làm sao múa Lâm Thol. Dớ, ăn Tết Việt Nam trời nắng vui quá. Dớ! Việt Nam khôn quá, dì Bảy khôn quá, Lài đẹp quá...Ễ

=========

"Viết tặng ông Nguyễn Văn Tố, Brisbane, một người racist có hạng! Ông cấm con trai Miên không được cưới gái Việt, vì theo ông, gái Việt là "lá ngọc cành vàng".
Tôi cho Lài lấy Chau Rết, ông làm gì được tôi`".


Chú thích:
(1) Nhà việc: Trụ sở Ban Hành Chánh Quận sau nầy.
(2) Ấp Vĩnh Lạc: Khoảng năm 1960, dân Miên sống dọc theo biên giới kéo qua lãnh thổ Việt Nam, đốt phá ấp Vĩnh Lạc, gây sự căng thẳng ngoại giao sau vụ án Đáp Chùl (người của ông Ngô Đình Nhu sắp xếp đảo chánh vua (Sihanouk). Nghe nói (?) Dân Vệ Việt Nam hay qua  lùa bò bên biên giới Miên đem về chợ Trâu Bò Núi Sam bán, nên dân Miên bực  tức trả thù. Nghe sao viết vậy.
(3) lớp Nhì on: Cours Moyen Un, lớp Nhì một, sau đó lên lớp Nhì 2 (Moyen deux) mới lên lớp Nhứt.
(4) Nen Srey: Con gái.
(5) Nhóm Khăn Trắng: Trước 1965 là một đảng cướp ô hợp, sau được chiêu hồi thành một Đại Đội, do Đại úy Chau Uốt chỉ huy, cùng thời với Thiếu tá Bảy Đởm, hoạt động tại địa phương.
(6) mú: miếng vỏ cứng trên đầu trái thốt nốt.
(7) bánh thuẫn: bằng bột mì, trứng vịt, nướng trong chén kim loại, nướng bằng cát từng cái, nở ra như bông.
(8) Mè oi: Mẹ ơi, tán thán tự.
(9) nhạc Ngũ âm (Miên): Dàn nhạc gồm trên 6 loại nhạc khí, không thấy đờn, sử dụng trong các buổi lễ như He (đám rước), hôn lễ, tang lễ hay các cuộc vui công cộng, hơi giống nhạc Thái Lan. Người xứ tôi, gốc Việt Nam, không hiểu sao gọi đó là "dàn Nhạc Ngũ Âm", tiếng Miên tên Flein boral (nhạc xưa).
Nhạc Ngũ Âm Miên không liên hệ gì đến Nhạc Ngũ Âm trong cổ nhạc Trung Hoa (Cung Thương làu bậc Ngũ âm), cũng khác hẳn với Ngũ Âm trong cung đình triều Nguyễn ở Huế. Đây chỉ là sự trùng tên của ba loại nhạc khác nhau.
(10) Xà bai chơn: giày dép.
(11) Dớ: Tán thán tự.
(12) mì xụa: mì trắng, nhỏ như sợi bún, món ăn Triều Châu.
(13) trái trâm: bằng đầu ngón tay út, có trái lớn dài khoảng 4 cm, màu tím, chỉ có vỏ, ít thịt, hột lớn, ăn bỏ hột, chát chát, chua chua, ngọt ngọt, hột phơi khô, sao khử thổ, xay thành bột, nấu nước uống. nghe nói hạ lượng đường trong máu, trị tiểu đường. Cây nầy đã tuyệt chủng.
(14) nhăm bai: dùng bữa (tiếng lịch sự).
(15) đông ken: rộ, lúc nhiều trái nhứt.
(16) cất chòi. Trước ngày đám cưới, người ta cất cái chòi đơn sơ trước nhà cô dâu cho chú rể tới đó nghỉ đêm. Sáng hôm sau, sau khi được cô dâu rửa chân, chú rể mới được vào nhà ở rể.
(17) Áo tầm dông: áo dài tới gối, màu đen, hao hao giống áo người Mã Lai
(18) Chà lúa: Xay lúa.
(19) hốt me: loại cờ bạc có 4 cửa: 1, 2, 3, 4; đầu tiên dùng hột me để đếm, sau dùng nút áo.
(20) vô cà-tha: vô bùa, miếng chì quấn lại, xỏ chỉ bùa đeo. Tiếng lóng: gan dạ lên như được vô bùa.
(21) hát nói: loại hát kể chuyện, vừa đờn vừa hát.
(22) Là Khol: loại vũ khúc cổ điển, mang mặt nạ.
(23) Sóc Mẹt: xứ quê mùa.
... hát đối: giống Việt Nam, bên nữ hát, bên nam hát đối lại.
(25) bánh ống: loại bánh bình dân ở Sóc xứ tôi.

Cách làm Bánh Ống:
Nấu đậu xanh cho mềm sẵn. Dừa nạo sẵn. Ngâm gạo độ 1 giờ cho mềm, để gạo vô rổ cho rút hết nước. Sau đó để gạo vô cối, đâm nát, nhưng không nát như bột.
Trộn bột, đậu, dừa nạo, muối, đường thốt nốt cho đều. Để vật liệu vào ống tre, đường kính ống tre khoảng gần 10 cm, cao độ 30 cm. Lấy cái om đổ nước để hấp. Đặt cái miểng dừa lật ngửa dưới đáy om. Để ống đựng bột đứng trong miểng dừa. Cắm cây đũa vô giữa bột trong ống tre. Đậy nắp om lại, hấp chừng một lát sẽ chín. Kéo cây đũa lên, bánh dính theo cây đũa. Tiếp tục dồn bột vào ống tre để làm cái bánh khác. Bánh chín khá nhanh. Bánh ống làm bán tại chợ, độ vài phút bánh chín nên người ăn có thể ngồi đợi được. Ngày nay không thấy ai bán bánh này ở chợ nữa, người ta ăn bánh Buiscuit đựng trong bao plastic sạch sẽ và sang trọng hơn. Bánh ống coi như "tuyệt chủng". Lúc về quê, tôi hỏi những người trẻ, họ không biết bánh ống là gì, người xồn xồn còn nhớ nhưng không muốn nhắc, hầu hết thích ăn bánh vẽ.

     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét