Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

NHƯ CÁNH CHUỒN CHUỒN

    Như Cánh Chuồn Chuồn

          * Riêng tặng Nguyễn Long - Bài cuối cùng từ giả Tây Ðức, 11-1988

LƯU NHƠN NGHĨA

Chợ sáng vừa tan, ông quét chợ lui cui hốt rác bỏ lên xe đẩy ra đồng đổ. Trưa đứng bóng, chợ quận vắng người hơn.
Giờ nầy ông thân tôi bắt đầu dọn dẹp tháo những khoanh dây chì, bưng những thùng đinh chất gọn vô tiệm, chồng chất những bó mây cho gọn ghẽ, đẩy thùng lưỡi cày xuống bộ ván ngựa, xếp chồng chảo bể vô góc hàng ba. Xong xuôi, ông lau tủ kiếng có những chai rượu con cọp, mấy chai nước xá xị, những hộp phấn thoa con nít và hộp thuốc tiêu mặn, soạn lại xấp giấy san đầm cho thứ tự.

Sáng dọn ra, trưa dọn vô, rồi quét xành xạch hai cái chỏng trước hàng ba. Ông thân tôi có khả năng làm công việc lủ khủ đó. Thế giới của ông là tiệm tạp hóa, ông nhớ từng chi tiết giá hàng lên xuống hàng ngày rành mạch.

Quanh chợ quận, các hiệu tiệm hay chành đều sống thoải mái với nhau, mỗi cửa tiệm một lại patent riêng, nên ít khi va chạm nghề nghiệp, trừ các tiệm cà phê, thớt thịt, chợ cá, tiệm thuốc Bắc phải cạnh tranh nên khó tránh khỏi sự xung đột ngầm. Người ngoài khó nhận ra nếu không lê lết tiệm nước, nào tiệm cà phê nầy pha bắp rang, thớt thịt kia bán thịt heo cũ, tiệm rượu nọ bán rượu không đủ chữ.

Ðối diện tiệm ông thân tôi, là tiệm Thoại Ký, ông chủ tiệm cũng làm việc cùng nhịp điệu với ông thân tôi, đồ đạc thuộc loại khác nên tình láng giềng chưa bị sứt mẻ. Ông Thoại Ký dọn những thùng bún tàu, tàu hủ ky, các loại đậu xanh đỏ trắng đen, gạo, tương chao v.v...

Cơm trưa xong, ông Thoại Ký và ông thân tôi đều giữ đúng giờ ở tiệm cà phê cùng các chủ tiệm khác bàn luận hàng hóa giá cả thị trường, vừa đổ ly cà phê nóng ra dĩa thổi uống xùm xụp, chắp chắp miệng lấy khẩu hứng vấn đề sinh lợi. Trong khi các bà ở nhà lo giặt quần áo, lo nhà cửa con cái ...

Hiệu Thoại Ký có con gái duy nhứt lúc bấy giờ tên Sóc Lếnh (Thục Linh) lớn tháng hơn tôi, tóc ngắn, ưa nhảy cò cò quanh quẩn trước sân, hoặc thơ thẫn kéo cái ống chỉ quanh nhà, có khi nói tiếng Việt, có khi nói tiếng Hẹ với bạn đồng lứa. Thục Linh là gái nên gia đình ít nuông chiều, tuy áo quần tươm tất lành lặn.

Tôi không ưa chơi gần nhà, trước nhà là con đường bên hông chợ chật hẹp, buổi sáng khó len qua lối đi, thường ẩm ướt vì rau cải trái cây đổ ngỗn ngang. Hơn nữa, nếu quanh quẩn gần nhà thế nào cũng bị ông thân tôi la rầy bắt về tắm, ngủ trưa. Bọn xóm tôi kéo ra sau đình, dưới bóng mát mấy cây me, có ông Tà bằng đá dựa gốc cây, ít đứa nào dám chơi ăn gian sợ thề thốt gặp giờ linh ông Tà bẻ cổ. Có đứa kéo diều chạy quanh đình, mệt thì buộc dây diều vào cây điệp đỏ bông, ngồi nhìn diều bay vẫy đuôi theo gió trên nền trời xanh mây trắng.

Chiều chiều, bữa cơm dọn ra trên chỏng trước nhà, tôi ngồi quay lưng ra ngoài để khỏi thấy đôi mắt của đám chó vện đói ngồi chờ xương. Hai gia đình thường có chung khẩu vị, thường là canh dưa cải, canh măng le, mì xụa xào, tàu hủ chiên.

***

Bỗng một ngày, ông thân tôi lôi tôi ra tiệm hớt tóc, may cho mấy bộ đồng phục. Ông ra tỉnh mua một số tập vỡ ô vuông, bút lông và cái giỏ mây vuông vắn. Tôi ưa đồ chơi hơn, nên lơ là những món quà vô vị.

Chuẩn bị cho con đi học, ông thân tôi sắp xếp như việc sinh lợi buôn bán.

Ðêm đó, sau khi thanh toán sổ sách, dẹp cái bàn toán lách cách vô tủ kéo, ông gọi tôi ra vừa dặn dò, vừa hăm dọa:
-‘ Mầy nghe, tối ngày chơi bời lêu lổng, tối ngày hổng thấy mầy ở nhà, sáu tuổi rồi mà chưa biết chữ, mai mốt làm sao ra toa, làm sao sinh lợi, sổ sách không thông.’

Lúc ông nhẹ nhàng khuyên nhủ:
- ‘Ráng học, biết chữ để lo mấy cái xe hàng, biết đi Nam Vang bổ hàng, coi đồ đạc giá cả lên xuống, tập mần ăn với người ta, tao hổng có sống già lột nuôi mầy đâu!’

Sáng hôm ấy, mưa lành lạnh, ông thân tôi nghiêm trang lắc bàn toán xành xạch cầu bán đắt như thường lệ; tôi ngồi ăn chén cháo trắng với cà na muối, bên kia Thục Linh cũng nhai cà na muối húp cháo trắng.

Tôi mặc đồng phục, xách cái giỏ mây vuông, theo ông thân tôi lên trường Tân Huê Học Hiệu. Ông thân tôi và ông Thoại Ký đi sánh đôi, cả hai đều che dù đen, mang guốc vông lộp cộp, bùn đất văng dính đầy gót chân. Thục Linh khép nép dưới tàng dù đen, tim tôi đập theo tiếng guốc.

Ðến trường, tôi lơ đãng nhìn thế giới chung quanh, những tấm tranh viết chữ thảo, bức ảnh Tôn Trung Sơn và Tưởng Giới Thạch treo trên tường, một người nghiêm trang, một người mỉm cười.

Thục Linh khóc ré lên khi ông Thoại Ký rời trường. Thời giờ trong lớp học qua lâu chình chịch, tôi vòng tay cúi xuống bàn ngủ lúc nào không nhớ, ông thầy trẻ dùng roi gõ nhẹ trên vai, tôi tỉnh dậy bị cuốn theo tiếng đọc bài của học trò vang dội:
‘Rễn, rễn, rễn’ (người, người, người)
‘Wò xứ Chung Kwõ rễn’ (tôi là người Trung Quốc)
‘Wò mễn tá chia, táo xứ Chung Kwõ rễn’ (chúng ta tất cả đều là người Trung Quốc).

Tôi và Thục Linh nhìn nhau cầu cứu, gần nhà, hai đứa biết mặt nhau, gần gũi nhau, đồng chép miệng vội vàng:
‘Kwõ chì, Kwõ chì ’ (quốc kỳ, quốc kỳ)
‘Wò ái nì, wò chính nì’ (tôi thương anh, tôi trọng anh).

Ðêm đêm, sau bữa cơm chiều, khi ngọn đèn ống khói thắp lên, bên kia ông Thoại Ký gõ bàn toán, bên này ông thân tôi ghi chép sổ sách, ánh đèn vàng vọt len qua khe cửa ra ngoài, Thục Linh và tôi cùng đọc vang vang đêm vắng:
‘Lãi lãi lãi ’ (đến đây, đến đây)
‘Lãi tủ shu ’ (đến đọc sách)
‘Tá chia lãi tủ shin shu ’ (chúng ta cùng đọc sách mới).

Tiếng học bài hai đứa ấm cúng hai cửa tiệm, có khi Thục Linh đọc trước, tôi tiếp theo sau, khi hai đứa cùng đọc, âm thanh quyện vào nhau thành bản nhạc ngây thơ trầm trầm nhịp nhàng như mưa rơi trên mái ngói.

Ngày ngày đi học về, bọn tôi đi dọc theo con đường đất sau dãy phố Vĩnh Phong Chành, Thục Linh đi phía bên có dòng nước, tôi đi bên có hàng trứng cá, để ý tìm cây trứng cá nào trái chín nhiều, tay tôi thọc sâu trong túi, giữ chặt mấy viên đạn cu li.

Mấy tháng sau, quen nước quen cái, tôi dự cuộc chiến bằng nạng dàn thung, giữa học sinh trường Tiều và trường Phước Kiến, có mấy đứa lỗ đầu suýt đui mắt, tôi bị đuổi oan vì bọn lớn đầu xúi giục.

Ông thân tôi trấn tôi vào chùa Miên học tiếng Miên, đầu cạo trọc, để chòm tóc dài trên mỏ ác vắt bên tai, nhìn tấm ảnh vua Norodom trên tường, vừa lải nhải:
‘Ko Ka Ket Kai ’
hoặc những câu Kinh Phạn viết trên lá thốt nốt: Namo tasa, bhagavato, arahato, Sama sam Bhudda sa!

Chiều về, tôi quơ quào viết ngoằn ngoèo các mẫu tự Miên như mấy con trùng bò, khác với tôi, Thục Linh nắn nót bằng viết lông trong các ô vuông, nét chữ kỷ xão, có hồn như vết chân chim.

Ông Thoại Ký ngứa ngáy khoe khoang xách qua cho ông thân tôi xem chữ Qui Thục Linh viết:
-‘ À! Hon hên hia à, coi con Sóc Lếnh tiểu nữ nhà tôi viết chữ “ Qui” nè, giống hệt con rùa sống à!’

Ông thân tôi đâu có gì khoe khoang hoặc hãnh diện, ông càng chán ngấy những tấm hình chằn tinh trong tập vở tôi, các trang sách lem nhem số để chơi lật hình. Rồi hai biến cố làm ông thân tôi đổi hướng suy nghĩ.

***

Năm đó, Commandos Maroc đổ bộ, say rượu phá phách xóm làng dữ quá, ông Quận ra lệnh cấm bán rượu cho Maroc, nhưng nó vào tiệm mua không bán, nó phá tan hoang cửa tiệm. Ông thân tôi bị bắt buộc bán nên bị phạt nặng.

Sau nhà tôi, tiệm sách sạch sẽ ngăn nắp của ông Trịnh tự nhiên dẹp, ông ta có bằng cấp Sơ học, nhờ biết tiếng Tây chạy được chân giáo viên nên sang hẳn người ra. Ông họ Trịnh mặc áo trắng quần tây, mang sandal đi dạy, bầy con dọn về phố, ở không ăn, sung sướng quá.

Ðang lúc loạn lạc, ổng giao tôi cho bên ngoại vùng Mỹ Ðức an toàn hơn, xa cái nạn Cáp duồng. Tôi lại học với ông thầy giáo Việt Nam đầu tiên - tên thầy giáo Lọ.

Yên giặc trở về, Thục Linh đã học đệ tam niên tiểu học, tôi tò mò lắng nghe Thục Linh đọc bài đêm thanh:
‘Wãn wãn chu chiu’ (Quan quan thư cựu)
‘tá hở chi chou ’ (tại hà chi châu)
‘Miễu thiễu sũ nũ ’ (yểu điệu thục nữ)
‘Kwan tzù hão chìu ’ (quân tử hảo cầu)

Thục Linh đang đọc bài thơ trong Kinh thi, hai con le le đang kêu oang oang, tại cồn cát trên sông, người thục nữ yểu điệu, người quân tử thích cầu thân!

Tiếng đọc câu Kinh thi, thiên Quốc phong thật tao nhã, tôi lép nhép theo phụ họa:
‘Xâm xi hành thái ’
‘Tả hữu lưu chi ’
‘Yểu điệu thục nữ ’
‘Ngộ mị cầu chi ’
‘Cầu chi bất đắc ’
‘Ngộ mị tư bặc ’
‘Du tai du tai! ’

Hứng chí, tôi đọc bài ám đọc mới học với thầy giá Lọ:
Rừng một dãy, cây chen vạn gốc
Gốc cây rừng, một nóc nhà tranh
Trong nhà một ngọn đèn xanh
Ngọn đèn mờ tỏ bức tranh ba người
Con thì khóc, vợ lại miệng dỗ
Chồng lui cui đươn rỗ đựng than
Thú vui mấy lúc thanh nhàn
Thoảng như câu hát cung đàn gió bay.

Hai bài thơ, hai niềm vui ấm cùng tuổi thơ quyện vào nhau thắm thía còn văng vẳng đâu đây, thứ hạnh phúc đơn sơ như cái cười hể hả của tiều phu gánh củi bán chợ chiều, gặp ngư ông, rủ nhau nướng cá, cạn bầu rượu đục vui tao ngộ bên bờ suối sâu, hạnh phúc nầy đâu cần tìm đâu xa?

Hạnh phúc nầy tiêu tán khi Tây đổ bộ ngoài kinh, cái áo sơ mi trắng của thầy giáo Trịnh, làm ông thân tôi đổi ý, lệch lạc cuộc đời sau nầy.

Ông bàn với bà mẫu tôi: ‘Thằng nầy thả lỏng không được đâu, để của cho nó phá hết cũng vậy, bắt nó học tiếng Tây, chừng nào đậu Certificat đi cours cò, cours đội cho đỡ cực thân nó.’

Sau quyết định, ông ném tôi vào lớp học Pháp. Ðêm đêm, Thục Linh vẫn thủy chung đọc bài trường Tiều:
‘Sứ Sù Sữ Sù ’ (Thạc thử thạc thử)
‘Wu Sứ wò mew ’(Vô thực ngã miêu)
‘Sán xuễ kwan nù ’ (Tam tuế quán nhữ)
‘Mõ wò Khỡn lào ’ (Mạc ngã Khẳng lao)

Con chuột lớn ơi, mầy đừng ăn mạ tao, đã bao năm tao đối phó với mầy, mầy không biết công lao đó.

Bên nầy, tôi mơ ước ngồi bên Thục Linh đọc tiếp bài Kinh thi:
‘Thệ tương khứ nhữ ’ (quyết bỏ mầy đi)
‘Thích bỉ lạc giao ’ (đến nơi an vui)
‘Lạc giao, lạc giao ’ (lạc giao lạc giao)
‘Thùy chi vĩnh hào ’ (mầy than gào ai?)

Tôi bị đuổi khỏi vùng an vui, tôi gào con chuột đừng ăn mạ non mơn mởn như tóc tơ Thục Linh ngồi đọc bài bên ngọn đèn khuya, hơn là đọc những bài récitation vô hồn của Tây:
Maintenant, je vais à lécole
Japprend chaque jour ma leçon
Le sac qui pend sur mon épaule
dit, que je suis un grand garçon.

Ngày nay tôi đi học, tôi học bài vở mỗi ngày. Bài vở làm tôi luống cuống, xa cội xa nguồn. Cái túi đeo trên vai tôi là một gánh nặng rằng tôi đã lớn, lớn để làm gì, để xa dần thứ hạnh phúc ngây thơ, có nước sông gạo chợ, có người bạn gái xinh xinh sớm chiều cùng nhau đọc bài ám đọc.



Hai tiệm buôn vẫn đối diện sừng sững, hai đứa bé bên trong bắt đầu đi ngược hướng nhau - vì hoàn cảnh lúc nào không biết. Nhứt là những lần lễ lạc, lễ Tây có nhảy bao, cạp chảo, đập nồi, chúng tôi đứng nghiêm chào lá cờ tam sắc xanh trắng đỏ ngạo nghễ bay, rống cổ hát không biết nhục:
Étudiants! Du sol lappel tenace
Présent et fort, relentit dans lespace
Des côtes dAnnam aux ruines dAngkor
A travers les monts, du Sud jusquau Nord
Bọn tôi phục vụ tổ quốc ai?
Servir la chère patrie?

Tôi thèm thuồng đứng chào lá cờ thanh thiên bạch nhựt mãn địa hồng hát chung với Thục Linh ‘Sán Mìn chủ jí (Tam dân chủ nghĩa).

Ai làm hai chúng tôi đổi giọng đổi lời đổi tiếng thay tâm? Tiếng súng và tiếng giầy đinh commando từ Âu Châu làm tắt ngọn đèn dầu ấm cúng, làm uất nghẹn âm thanh học đêm, làm nồi cháo trắng với cà na muối thay bằng bánh mì thịt.

Hàng me dọc theo chợ bị đốn sạch, rừng cây sao dưới chân núi Cấm thưa dần.

Ông thân tôi nuôi hy vọng cours cò, cours đội, thầy thông thầy ký, nhưng tôi ngồi lì lại lớp ít nhứt hai năm, ngủ ngày suốt buổi học, chung tiền cho bạn bè lo bài vở giùm. Việc làm ăn trong lớp trôi chảy, đến khi thày khám phá tôi 6 năm học mà chưa làm nổi bài toán cộng đơn giản. Trận đòn tơi tả ở trường cũng như ở nhà ít làm tôi đau hơn cái nhục bị con nhỏ Xà Phớt xách tai làm gương. Tôi trốn học cả tuần, đi về ngả sau tránh gặp Thục Linh.

Ông thân tôi đánh bàn toán tìm câu trả lời cho tương lai tôi, chuyển tôi ra tỉnh học, vì trường quận chỉ có tới lớp Sơ đẳng (cours élémentaire).

Ðêm đó, ông nói với bà mẫu tôi, vừa nói vừa gõ bàn toán lách cách sau mỗi câu nói thiệt hơn.

‘Cho nó đi học xa cho yên, ở nhà lấy tiền nuôi thiên hạ để copier cũng vô đó. Ở tỉnh mình đóng tiền cơm tháng, tiền xài bao nhiêu là bao nhiêu, rẻ hơn cho nó ở nhà.’

Chưa thỏa mãn, ông quay sang tôi mặt vừa nhăn vừa trừng như đầu con cọp cười,
- ‘Còn mầy nữa, ra tỉnh phải học cho nên, học cho sướng thân mầy, ai cần mầy nuôi lại. Nước trên mái nhà chảy xuống, nước đâu có chảy ngược lên, làm sao thì làm coi cho được, đừng tùng tam tụ ngũ, xa hia xí tỉ à nghe!’

Lời ông nói như nước đổ lá môn, tôi ngồi trơ trơ, nhớ và lo cho bầy cá lia thia giấu trên nóc nhà, ai hớt lăng quăng cho cá ăn, ai lo kiếm cào cào cho con sáo, con gà tre và hết được nghe tiếng học bài Thục Linh đêm thanh rồi.

***

Thục Linh may mắn hơn tôi, sống trọn vẹn với tuổi thơ êm ái bên cạnh cha mẹ, hàng xóm quen thuộc. Ðứa bé non nớt chưa chuẩn bị tinh thần bị ném bất ngờ vào thế giới thành thị, chưa quen với kỷ luật trường tỉnh, roi vọt trường tỉnh thành nặng nề hơn trường xưa, bạn bè hiếp đáp chửi Ba Tàu, mặc cảm làm chai lì tình cảm. Ðêm đêm nằm trằn trọc lo sợ, mơ được nghe tiếng Thục Linh đọc bài, nước mắt ướt dầm ghế bố. Bài vở càng vô vị hơn, nào analyse gramaticale, logique, nào ladjectif démonstratif, nào subjonctif passé du verbe apercevoir. Ông thầy nghiêm khắc, tôi mất hết cơ hội ngủ ngày trong lớp.

Vào Trung Học, kỷ luật càng khắt khe, ít về quê, nhứt là vào những buổi sáng chủ nhựt bị consigné, phải vô trường ngồi viết hai trăm chữ silence discipline. Dần dần nếp sống quê, trong tiệm tạp hóa thiếu đèn điện, thiếu nước máy đẩy tôi gần nếp sống thị thành.

Thục Linh học xong Tiểu học Hoa ngữ, ở nhà tiếp giúp bán buôn. Mỗi lần về, đi ngang qua tiệm, tôi luôn luôn lễ phép chào ông bà Thoại Ký, được khen thằng Phong Hưng con thật là lão thức. Thục Linh càng lớn càng duyên dáng dù không phấn son. Hai đứa gặp nhau đều lúng túng, ngượng nghịu mỗi lần mang quà biếu nhau. Bà Thoại Ký thân thiết với bà mẫu tôi hơn, và hai ông ngồi uống cà phê với nhau lâu hơn.

                                                                             ***

Năm tôi học Ðệ Tứ, đầu năm, Thục Linh mặc áo xẩm, cánh tay trắng ngần, môi hồng tự nhiên, má chín như trái đào, nét hao hao giống nữ tài tử Lâm Ðại, qua nhà tôi ấp úng:
-‘Bề úm, tân niên phát tài.’

Bà mẫu tôi bắt tôi qua nhà Thục Linh mừng trả lễ. Thục Linh trốn sau nhà, mãi đến khi tôi về mới dám ra ngoài.

Thỉnh thoảng ông thân tôi và bà mẫu tôi xầm xì bằng tiếng Tiều, nhìn tôi vừa nghiêm trọng, cười chúm chím hài lòng. Tôi thoáng nghe tiếng còn tiếng mất, tiền chợ, tiền rửa đít, mấy tạ bánh đặt tiệm nào?

Bà mẫu tôi lo âu nhắc:
-‘ Ông nhắc chừng nó, coi chừng nó mê nhan sắc gái ở chợ.’

Ông thân tôi rất tự tin:
-‘ Hừ, nó không nghe lời, tôi vặn họng nó, đừng tưởng văn minh rồi qua mặt tôi. Bà chờ nó đậu Brevet đi cours quan một hay là làm thầy ký ở quận rồi tính tới cũng kịp.’

Bà mẫu tôi gạt ngang:
- ‘Thôi về xứ mình làm thầy giáo, tiếp nhà buôn bán, hai tiệm nhập lại nghiêng chợ nầy.’

Tôi vô tình không tìm hiểu, mỗi năm về quê có mấy lần ngắn ngủi, rồi ra đi. Việc buôn bán phát đạt làm Thục Linh vất vả nhanh nhẹn hơn. Tôi may mắn mỗi lần về, bị say xe ói mửa, xong nằm ngủ vùi, gia đình nội ngoại cưng chiều, ‘tội nghiệp thằng nhỏ, ép quá cũng không nên, học quá thành ra vậy.’

Hai gia đình đang âm ỉ chờ đợi cái gì đó, Thục Linh lánh mặt tôi cố ý.

Năm đó, tôi khăn gói dự thi, hàng xóm xôn xao như tin quan trọng chờ tôi xênh xang áo gấm, ‘chờ uống rượu hai tiệm a!’

Sau khi nghe kết quả, bị rớt không được vào vấn đáp, tôi buồn bực ra về. Vừa bước xuống bến xe, hai gia đình lẫn lộn đứng chờ, mặt mày ai nấy hớn hở. Thấy mặt tôi buồn thiu, ông thân tôi xuống sắc, chạy theo hỏi:
- Sao, thế nào?

Tôi trả lời gọn lỏn:
- Có Résultat rồi, rớt.

Rồi đi xăm xăm một mạch về nhà. Ðêm đó, bầu không khí buồn tẻ cho hai tiệm buôn. Ông Thoại Ký và ông thân tôi ngồi uống trà, yên lặng. Chợt ông thân tôi hỏi thật vô duyên không phải chỗ:
- ‘Bây giờ làm sao?’

Tôi đổ quạu, cộc lốc:
-‘ Chờ deuxième session.’

Rồi bước vùn vụt ra ngoài. Thục Linh đứng trước cửa khép hờ, mắt lo âu, nhìn theo tôi im lìm.

Năm đó, tôi rớt luôn kỳ hai. Bà mẫu tôi an ủi suông:
- ‘Năm tới chắc đậu phải không?’

Chẳng những năm tới, mà liên tiếp ba năm tôi rớt luôn 6 keo. Cuộc khủng hoảng gia đình tôi lan ra tới hàng xóm. Bà Kim Seng vốn ganh tị, vì đám con bà ở nhà làm ăn, nghe tôi thi rớt, làm bộ vô tình ghé nhà tôi hỏi cho được, rồi vừa đi hai tay quơ sai sải, vừa cưòi hể hả nghe ứa gan.

Một số bà con tôi bắt đầu bàn ra tán vào, xem bói, xem tướng, xem địa lý, đất chôn ông nội tôi phát phú chớ không phát quan. Một số tám tàng như già Chóng bô bô cái miệng:
-‘ Hia đưa tui mười lăm ngàn, tôi lấy cái Diplôme cho nó liền cho hia coi.’

Tôi bỏ lên Sài Gòn học cho có, gia đình tôi tấn thối lưỡng nan, lở khóc lở cười với xóm làng.

Lâu dần, tôi quên mất hình ảnh cô bạn gái láng giềng, chưa lần nào đối thoại trực tiếp, họa chăng vài lần bằng đôi mắt buồn tênh. Ý định chờ tôi đi cours cò, nhập hai tiệm thành một làm nghiêng chợ tan dần như vệt mây mù trên bầu trời xanh.

Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí. Trước Tết, vô công rỗi việc, tôi ngồi trước cửa nhà thơ thẩn, chợt có thiếu nữ mặc đồng phục xanh, đeo dây biểu chương vàng xinh đẹp đi ngang nhìn tôi, thấy quen quen, sau đó mới biết đồng học đồng cấp, chung trường ngày xưa, tuy khác lớp.

Cô đổi về quê tôi làm việc trong phong trào liên đới gì đó. Cô nhìn bạn cũ, nên tự nhiên ghé thăm thường xuyên nhà tôi, xứ lạ đâu có ai quen. Bọn tôi vui vẻ nhắc chuyện xưa, chuyện mấy ông Prof. khó tính, chuyện những bài algèbre, chuyện ông Hiệu Trưởng mặc veston trắng, đội nón cối trắng, ngồi xe lôi, mặt hắc ám như sắp gây gổ, chuyện mấy bài Lý Hóa kỳ thi Trung Học. Chuyện các cha xe đò lợi dụng thí sinh đổ về tỉnh thi, bắt chẹt lên giá, rồi ngày có kết quả đậu dài dài chờ rước đám thí sinh thi hỏng về, thêm nạn bị cha mẹ mắng nhiếc như Bùi Ông nhún trề Bùi Kiệm. Bọn tôi vô tình có cơ hội xả hơi bực bội, lâu nay biết tâm sự cùng ai. Thủy, cô bạn, cũng tự nhiên vui tánh, ăn nói sang sảng lớn tiếng. Mặt Thủy luôn cười, bên kia bà Thoại Ký la đám người làm:
- ‘Cái đầu chó nấu không chín.’

Cũng may Thủy không hiểu câu ngạn ngữ nầy.

Ông thân bà mẫu tôi điên đầu vì chuyện Thủy ghé thăm tôi thường xuyên, ông cằn nhằn:
-‘ Biết vậy cho nó lên Nam Vang học trường Tàu cho khỏi văn minh, tối ngày trai gái. Nói chuyện như chó nhai giẻ rách, quen cái thứ xa câu lặt má đó, đem về nhà cho xui xẻo.’

Thúc phụ tôi, dốt ưa nói chữ, lửa cháy thêm dầu, muốn dạy con cháu:
‘Học hành ba chữ lem nhem’
‘Thấy gái mà thèm, bỏ chữ trôi sông. Bởi vậy nó có học hành làm vương làm tướng gì được, tui đã nói rồi mà!’

Bà cô họ tôi được dịp khoe tài ngồi lê đôi mách:
‘Văn minh thái quá văn minh tệ’
‘Hủ lậu vừa vừa hủ lậu hay!’

Ông Thoại Ký trách ông thân tôi ăn nói có đầu không có đuôi, sinh giờ thứ 11. Sinh con nuôi không dạy là lỗi cha:
-‘ Học chữ Tàu yên rồi, ham làm ông cò, bây giờ buôn bán cũng không biết, làm cò cũng không xong, lỡ thầy lỡ thợ lỡ cu li.’

Ông thân tôi bực quá:
- ‘Ðẻ con bò con trâu, chớ đâu đẻ cái sừng, mình sanh con ai có sanh lòng, mà hia nói vậy,’ rồi ông quạu với bà mẫu:
- ‘Lứ, có nghe không? Con trai quý của Lứ đó.’

Bà Thoại Ký trách bà mẫu tôi:
- ‘Hồi đó lứ nói sao? Mấy tạ bánh, tiền rửa đít, tiền chợ quá không lấy mà, quá đâu có ham giàu, tiền như đất cát, nhơn nghĩa mới là vàng! Sao lứ không dạy nó.’

Bà mẫu tôi khốn đốn vì con, nhưng mấy ngày Tết phải im lặng, qua Tết tôi xách gói đi. Chuyện đâu vẫn còn đó.

Tôi không buồn tìm hiểu, lối suy tưởng của hai gia đình xa lạ đối với tôi quá, khác hẳn hoặc không liên hệ điều gì tôi học ở trường, dù những thùng đinh, những tấm lưới cá, những khoanh dây chì, cưa, bào, đục, đã góp phần nuôi nấng tôi nên vóc nên hình.

Chỉ vì vô tình, Thủy ghé nhà chơi, chuyện nhỏ xé to, làng xóm than van, mặt Thục Linh rầu rầu như cỏ úa, tóc dài hơn, mím miệng giả vờ bận rộn khi tôi đi qua.

                                                                             ***

Cuộc chiến bắt đầu khi ông Thoại Ký cất nhà trước thêm một từng, dành riêng phòng rộng màn che trướng rủ cho Thục Linh. Bà Thoại Ký nói với chòm xóm:
-‘ Mình ở trên cao gió mát, ngó quanh thấy mấy cái nhà lợp ngói đóng rong xanh (ám chỉ nhà tôi thấp) khó coi quá.’

Ân tình đã cạn, ông thân tôi cất thêm từng lầu trước, bà Thoại Ký rêu rao:
- ‘Ôi, bắt chước!’

Tiệm Thoại Ký lại cất thêm nhà sau, đào thêm giếng nước trong nhà, khoe khoang:
-‘ Khỏi mướn người gánh nước.’

Ông thân tôi điên tiết cất lên nhà sau, cẩn thận hơn, ông để dành sẵn mấy cột thép để cần cất thêm - trưa ngồi tiệm cà phê, vừa cười thỏa mãn:
- ‘Tới đâu thì tới, tôi chừa sẵn mấy cây cột sắt đó, lên từng nữa cho mát.’

Từ đó hai ông uống cà phê trái giờ, người tới sớm người tới trễ. Mỗi ngày là câu chuyện mỉa mai:
- ‘Ôi, có cái vỏ bề ngoài, tiệm tôi bán không hở tay!’

Ông thân tôi ngược ngạo:
-‘ Phú! Bán tạ gạo lời không bằng cây cưa, tạ than thua hộp bản lề tui.’

Muốn qua mặt ông Thoại Ký, ông thân tôi mua cái máy điện để kéo bà con gần đó về phía mình, có thể xem vô tuyến cải lương tới vãng tuồng, vì điện quận tắt lúc 10 giờ đêm.

Ông Thoại Ký chưởi đổng:
-‘ Máy kêu ầm ầm, tiếng An Nam không rành mà đòi coi cải lương.’

Cuộc chạy đua ráo riết, ông Thoại Ký lót gạch hàng ba, cười nói:
-‘Gạch bông sạch hơn xi măng.’

Ông thân tôi xây luôn hàng ba liền với nhà trước, trả lời:
-‘ Ðồ đạc để sẵn, tôi già rồi, dọn ra vô không nổi!’

Ông Thoại Ký tìm rước ông thầy Tàu nổi danh viết bảng hiệu lại để yểm tiệm đối diện. Ông thân tôi lật đật tìm rước tay hay chữ khác viết bảng hiệu:
- ‘Ðể coi ai phát, có đứa con gái, mai mốt thằng rễ hưởng chớ ai!’

Cuộc đua tranh hơn thiệt khó ảnh hưỏng tôi. Ngồi lì mãi nhà trường, thi rớt mãi cũng có ngày đậu.

Ông Thoại Ký không nhắc nhở, ông thân tôi lo về quê muốn làm xuôi với người bà con, ruộng đất hai bên nhập lại ăn mấy đời không hết, sợ người ngoài lọt vô ăn của. Lần này ông cũng ê mặt vì tôi cải bướng. Chỉ thương Thục Linh, mặt buồn, đẹp như tranh tố nữ, bị tai tiếng khó lấy chồng, hồng nhan đa truân, cao duyên, nhưng vô duyên đối diện bất tương phùng.

Ông Thoại Ký càng ngày càng khó chịu, có lúc tôi tưởng mình là Don Rodrige thách ông đấu kiếm, đâm ông một kiếm rồi tìm Chimène Thục Linh ném kiếm tạ tội.

                                                                             ***

Việc thương mại càng phồn thịnh, tiệm Thoại Ký càng ngày càng chật chội. Ngày ngày Thục Linh vui vẻ, nhanh nhẹn đi len qua những bao đậu xanh, gạo, đường, cá khô chất cao gần đụng trần nhà. Chưa kể những hủ rượu công xi, tương tàu, nhang đèn, hù ky, bún tàu. Dáng dấp Thục Linh mảnh mai, xinh xắn, làm khung cảnh tiệm chạp phô chồng chất hàng hóa ngổn ngang sinh động. Vắng Thục Linh, chắc tiệm Thoại Ký sẽ buồn tẻ, dù có hai cái cười hể hả cầu tài của ông bà chủ tiệm.

Lâu lâu, ông Thoại Ký ngồi tiệm cà phê, một chân chống trên ghế, tay vuốt cái ống quần lảnh đen mướt rồi hạ ly cà phê xuống nói vói qua bàn bên kia, cho người cười hùn:
- ‘Tiệm tôi bảo đảm không thiếu món gì. Ai sắm đồ đám cưới, đám hỏi, tôi chỉ thiếu có đôi bông. Còn ai mua đồ làm đám ma, chỉ thiếu có cái hòm.’

Tiệm Phong Hưng cũng thay đổi nhiều, mỗi lần về quê, tôi bực bội vì chật chội. Tôi tự hỏi, không biết ai tiêu thụ cho hết thực phẩm tiệm Lợi Ký và những khoanh giây chì, những chồng tôn lạnh, bành lưới cá, bù lon, cưa, bào, đục của tiệm Phong Hưng.

Hai bên tuy không cạnh tranh vì hai loại hàng hóa khác nhau, lại luôn luôn tìm cách hạ uy tín nhau.

Cuối năm đó, cuộc hỏa hoạn thiêu rụi gần mười căn nhà ngoài kinh. Ông Thoại Ký được dịp khoe khoang lòng hào hiệp. Ông kêu nạn nhân đến cho mỗi gia đình một táo gạo, một tỉn nước mắm và vài ký cá khô. Khi mọi người lo xúc gạo đổ vô thùng mang về, họ cám ơn nức nở. Ông bô bô cái miệng, lớn tiếng cốt cho nhà tôi nghe:
- ‘Bà con gặp nạn lửa củi, ơn nghĩa gì. Cứ xúc gạo về nấu. Người ăn thì còn, con ăn thì hết.’ (Ông mỉa mai, vì cách đó mấy tháng, ông thân tôi giao cho tôi bó tiền lên Sài Gòn trả cho Chành, tôi lại mang tiền sửa mũi cho người bạn gái, rồi về rầu rĩ nói bị mất). Ông thân tôi bị vố khá đau, bao nhiêu hy vọng đặt vào tôi như muối bỏ biển. Ông thân tôi giấu nhẹm, mà không hiểu vì sao ông Thoại Ký lại biết? Ông Thoại Ký lừng lẫy tiếng tăm là người phước đức, nhân từ. Dân ngoài kinh nghe tiếng rủ nhau ghé tiệm ông mua càng đông.

Ông thân tôi bị chê là ganh tị khi đồn đải: ‘Ðó! Người ta thả con tép, bắt con tôm, thả con cá rô, cá sặt, bắt cá bông cá lóc. Thí mấy bao gạo mốc, bán lời cả chục bao gạo tốt. Khôn quá là khôn.’

Trận chiến vẫn tiếp tục. Cũng năm đó, vào dịp tháng bảy cúng cô hồn, cúng Chùa Ông Bổn, dân bổn phố góp tiền để cúng kiến. Người thủ bổn tới từng nhà để ghi danh sách phần đóng của các tiệm, mỗi phần trả bằng tiền, tùy theo giá sinh hoạt. Tiệm nhỏ đóng một phần, tiệm lớn đóng từ hai đến bốn phần, cũng có tiệm cúng nguyên con heo trắng. Sau khi cúng kiến xong, người đóng sẽ được lảnh số phần mình đóng. Ai đóng nhiều sẽ có tiếng đã đành, lại được ông Bổn phù hộ làm ăn phát tài. Năm đó, ông Thoại Ký đóng năm phần, ông thân tôi nghĩ ra cách chơi gác, đóng mười phần, dặn ông Thủ Bổn giữ kín.

Sau khi thí vàng, ban tổ chức chia thịt. Ông Thoại Ký biểu Thục Linh xách hui ná đi lảnh thịt. Bên này, ông thân tôi cũng giao cho tôi đem hai cái hui ná đi lảnh. Tôi nói ‘Một cái đủ rồi.’ Ông thân tôi cười hóm hỉnh: ‘Ừ! Thì xách hai cái, một cái đựng thịt, một cái đựng bánh trái riêng cho khỏi dơ.’

Vừa ra khỏi tiệm, tôi gặp Thục Linh hai tay xách hai hui ná có vẻ nặng lắm. Mà nặng thật, nàng phải để xuống từ đầu đưòng để nghỉ. Tôi ái ngại nhìn nàng để hui ná trước cửa, vừa nhăn mặt, tay lau mồ hôi than nặng quá.

Ông Thoại Ký la lớn: ‘Chèng ơi! Tội nghiệp ái nữ của tôi xách mõi tay quá, năm phần mà!’

Tiếng ông Thoại Ký nghe ngứa tai. Ông thân tôi giục: ‘Mầy đi lảnh mau rồi về.’

Lảnh xong, hai hui ná đầy thịt và bánh trái, tôi nghỉ dọc đường hai lần mới về tới nhà, ngạc nhiên thấy ông thân tôi làm mặt giận trách lớn Mầy đi lâu quá vậy?

- ‘Nặng thấy mồ tổ.’
Tôi hơi quạu trả lời. Ông thân tôi hướng về phía ông Thoại Ký nói lớn:
- ‘Nặng quá hả? Có mười phần mà mầy than nặng (Ông nhấn mạnh chữ mười phần). Phải rồi, mầy là học trò, học cao, không quen làm nặng’ (Ông lại kéo dài chữ ‘học cao’).

Tôi hơi hiểu ý, hình như Thục Linh cũng đoán ra phần nào, nàng dựa bao gạo, mắt buồn man mác, yên phận không dám trách cha, tự xoa, bóp hai cánh tay. Tôi bực tức đá cái hui ná rồi bỏ vào nhà kho ngả mình trên chồng tôl lạnh.

Bà mẫu nhìn hai giỏ thịt, lắc đầu: ‘Ông giỏi hơn thua thì ráng ăn cho hết a!’

Bên kia, bà Thoại Ký nói: ‘Ăn không hết mà làm tài khôn.’

Ông thân tôi khoái trá đội nón ra tiệm cà phê để kể chuyện. Ông Thoại Ký cũng đội nón hầm hầm ra tiệm cà phê ngược hướng.

Tôi nằm lăn lộn, vai ê ẩm, càng bóp càng đau, thấy thương thương Thục Linh. Hai đứa đều là nạn nhân, nàng là thế nữ, tôi là tên quân chạy hiệu của hai ông vua chơi ác.

Năm nào cũng có chuyện gây hấn, khi có cơ hội, hoặc bên này hoặc bên kia.

Nguyên trước chợ tôi có con kinh cắt ruộng lúa làm hai. Từ bờ kinh bên này sang bên kia phải đi vòng ngỏ chợ, rất mất thì giờ cho dân lam lủ nhọc nhằn, gánh gồng, dù họ chưa than phiền. Những buổi trưa gay gắt nắng, họ múc từng ngụm nước trong lu nước trước nhà tôi để uống, trước nhà tôi có để cái lu nước đải khách qua đường. Ðó là đề tài cho ông Thoại Ký: ‘Uống nước rồi phải mua đồ của chủ lu nước à nghen! Móc con nhái nhắp con cá lóc, lợi hại lắm à!’

Trong buổi tiệc cưới dâu con ông chủ tiệm bánh, ông Năm Lụa trong Ban Hội Tề tình cờ được xếp ngồi bên mấy ông chủ có máu mặt. Ông Năm ước mơ bắt cầu ngang kinh cho dân gánh lúa qua, đỡ phải đi vòng qua chợ (trong đó có nhiều bà con ông). Ban Hội Tề không có quyền, công nho thiếu hụt. Rượu ngà ngà ông than thở: ‘Tội nghiệp! Trưa nắng mà họ gánh lúa đi vòng qua chợ, thấy thương hết sức. Trời mưa họ lội bùn lỏm bỏm, đá nhọn đứt chưn, thiệt là khổ à!’

May mắn làm sao! Ông chủ trại cưa, đầu lắc lư, quá chén, vỗ bàn:
- ‘Cây ván để tui, tui bao. Tui nói một tiếng như đinh đóng cột’ (Ông dư thừa một kho gỗ vụn).

Ông chủ nhà máy xay lúa, ngất ngưỡng, đôi mắt lim dim gật gù:
- ‘Ờ! Ờ! Ban Hội Tề ... Ờ! Ờ! Làm cái đi. Tiền công thợ tui chịu’ (Ông này đem nhân công nhà máy ra làm cầu).

Ông Năm Lụa không bỏ lở cơ hội, đứng dậy vỗ bàn lớn tiếng:
- ‘Bà con chú ý! Chú ý! Ông chủ trại cưa hứa cung cấp xây cầu bắc ngang qua kinh. Ông chủ nhà máy xay lúa bao tiền nhân công. Hoan hô hai ông chủ này!’

Khách cười vỗ tay ầm ĩ, dù cây cầu đâu có dính dáng gì tới họ.

Ông thân tôi cử rượu, không bị ma men hành (đang tím mật bầm gan thấy bàn kế bên, ông Thoại Ký, lắc đầu khiêm nhường, không dấu được sự kiêu hảnh trước lời khen về số gạo ông tiếp tế cho nạn nhân hỏa hoạn). Nghe vậy, nổi hứng, cương bất ngờ:
- ‘Còn tui, tui chịu đồ sắt, bù lon, dây chì.’

Ông ngồi xuống, nháy mắt nhìn ông Thoại Ký, không để ý tiếng hoan hô, vỗ tay của Ban Hội Tề.

Chiều đó, khi nghe người thuật chuyện lại, bà mẫu tôi hỏi, ông thân tôi nhăn nhó:
- ‘Làm phước mà! Lỡ hứa gồi á!’

Ông bét bét đi ra. Bà mẫu tôi nghe vậy, ngồi xuống ghế ôm bụng nhăn như đau đớn lắm, sau đó mới biết bả cười, bà không nói lý do.

                                                                             ***

Dòng đời trôi, tôi vất vả ngược xuôi ở Sài Gòn, lặn ngụp trong ao tù ảo vọng hư danh.

Năm đó, tôi nhận được giấy gọi nhập ngũ, tình cờ ghé vào quán ăn trước rạp hát Hảo Huê ăn trưa, chợt có tên bạn quen, cũng gốc trường xưa, dẫn theo một thiếu nữ, sà đến bàn tôi, tay bắt mặt mừng. Lâu ngày gặp bạn cũ, hàn huyên tâm sự - giới thiệu Fiancée tao đây. Ðang nhắc nhở những chiều bỏ học tắm sông, hắn bỗng hơ hãi đi ra, hẹn trở lại vài phút sau. Tôi nghĩ chắc hắn có việc cấp bách, nên vừa ăn vừa có ý nán chờ. Tôi nể tình bạn cũ, ngồi lơ mơ trước mặt cô Fiancée phấn son đầy mặt, hở hang ưỡn ẹo trêu chọc.

Tôi ngồi thơ thẩn, nhấp ly cà phê đá, một thiếu nữ thắt bính quen quen đi qua, mím miệng nhìn, tôi sững sờ, Thục Linh tiểu thư. Tôi chết lặng nhìn theo. Cô Fiancée tên bạn vỗ vai tôi sỗ sàng:
- ‘Ơ kìa!!! Nhìn người đẹp như thế không sợ người đẹp ngượng sao?’

Tôi suýt tát vô mặt cô ta vì câu nói rẻ tiền, nhất là nhìn đôi mi xanh đen như người mất ngủ. (Sau mới biết là bà hai của ông bạn quý, hắn ta tránh mặt người bà con bên vợ).

Tôi đứng dậy vội vã ra cửa, nhìn tứ phía mong thấy Thục Linh đến để phân trần.

Sau đó tôi nhận được thư đầu tiên, hết sức ngạc nhiên vui sướng như tìm lại được viên ngọc quý đánh mất. Bức thư ngắn ngủi, lời thư nghiêm túc và trang trọng. Thư bắt đầu với từ ngữ xa cách, Lưu nhân huynh nhả giám!. Kể chuyện quê nhà, xưng là tiểu muội. Lưu huynh có nhớ Linh (Linh bộ Ngọc hay bộ Kim? Lưu là cái xẻng đào đất hay Lưu là giết?).

Suốt bức thư, Thục Linh dùng lối chiết tự, hai cây đao trong họ Lưu tôi sắc bén cắt nát lòng tôi.

Cuối thư Thục Linh chép hai câu thơ của Ðỗ Mục:
‘Thập niên nhất giác Dương Châu Mộng’
‘Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh.’
(Mười năm tỉnh giấc Dương Châu
Ngả nghiêng tai tiếng thanh lâu bạc tình.)

Bức thư đầu tiên và cuối cùng, ông bà Thoại Ký đã gã Thục Linh cho con trai một tiệm trà ở tỉnh khác, họ Triệu.

Hai hiệu tiệm Phong Hưng-Thoại Ký còn đó nghênh ngang. Chuyện xưa bị lãng quên dần, chỉ có em gái tôi và em gái Thục Linh qua lại, người lớn thờ ơ.

Bầm dập cuộc đời nên thấm thía câu vô duyên đối diện bất tương phùng, gặp nhau chỉ trong hoàn cảnh trái ngang, hiểu lầm rồi cay đắng, bận tâm làm gì Thái tiểu thư, tiểu huynh đâu phải tên bạc hảnh.

                                                                             ***

Tôi chen lấn ra khỏi khu đất tiếp tân Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung sau khi suốt buổi sáng tìm thằng em họ bị động viên để đưa tiền cho nó xài. Con đường nhựa bị chảy dưới cơn nắng thiêu đốt cộng với hơi người nồng nực của đám đông đi thăm thân nhân. Tôi đi uể oải trong đám người, chợt chú ý đến một thiếu phụ đội nón vải lụp xụp, hai tay bồng hai đứa bé, xách thêm một cái giỏ, thằng bé thứ ba đeo cánh tay của mẹ nó. Bị lôi lếch thếch, đứa bé nắm tay mẹ nó như đu rễ cây đa.

Tôi phản ứng tự nhiên, tiện tay bồng đứa bé và nói:
- ‘Chị để tôi bồng một đứa cho!’

Thiếu phụ cúi đầu, thụ động mệt mỏi đến độ không buồn trả lời đồng ý hay phản đối. Tôi cõng đứa bé đi trước đến bến xe Lam, đặt đứa nhỏ trên xe, xách cái giỏ để lên giùm thiếu phụ rồi quay đi về phía quán giải khát.

Thiếu phụ ấp úng:
- ‘Cám ơn Trung Úy.’ Chợt há hốc:
- ‘A! Nghĩ hia.’

Tôi ngạc nhiên không kém:
- ‘Xái xiểu chể (Thái tiểu thư ), a, a, Chạo xải (Triệu thái).’

Câu chuyện ngắn ngủi trao đổi, tôi biết Thục Linh thăm chồng bị bắt quân dịch. Gương mặt Thục Linh héo hắt xác xơ. Khách bộ hành chen lấn xô đẩy ba mẹ con Thục Linh vào trong xe nổ máy ầm ầm chạy khỏi bến. Thục Linh ôm ba con cúi đầu chào, tôi bất giác cúi chào lại, cả hai cúi chào duyên số hẩm hiu. Bấy giờ thấy nhẹ hẳn người đi, tôi đã chứng minh tôi vô tội, tiểu huynh không phải bạc hãnh danh nghe Thục Linh hiền muội.

                                                                             ***

Người chồng Thục Linh đổi ra Trung, ông Thoại Ký vận động kéo anh ta về xứ làm lính kiểng, giúp việc buôn bán, ông tốn kém cũng bộn. Trên đe, dưới búa, anh Triệu phải trốn tránh trong nhà, gặp Quân Cảnh, An Ninh hay Cảnh Sát là như gà thấy cáo. Ông Thoại Ký phải bao che, đãi đằng, biếu xén hậu hỉ. Ông mang cả một gánh nặng lâu dài, năm này sang năm khác.

Ông thân tôi bắt đầu thương ông Thoại Ký hơn, sau khi cả mấy tháng mất ăn mất ngủ, bẽ bàng vì tôi từ chối theo ông ra tỉnh coi mắt con ông chủ tiệm vải. Hoàn cảnh không còn cho phép hai ông chủ quan như trước, nên phải xích lại gần nhau hơn, cùng chia xẻ gánh nặng tinh thần, than thở cho sự bất lực đối với con cái thời nay. Có lần, ông bắt gặp trong ví tiền của tôi, tấm ảnh cô thợ may tóc dài tặng. Ông tức lồng lộng, vấp ngạch cửa chúi nhủi đưa cho bà mẫu tôi xem. Bà mẫu tôi chưa kịp phản ứng, mãi tò mò ngắm nghía bức ảnh, bị ông nạt:
-         ‘Bà muốn nó dẫn đồ chằn rây về làm tán gia bại sản hả? Mình nhà buôn bán không chứa thứ vẽ lông mày như hát bội.’

                                                                             ***

Ngoài tiệm cà phê, hai ông cúi đầu nhịn nhục, hết mỉa mai nhau, vì cả hai đồng hội đồng thuyền, nỗi lòng biết tỏ cùng ai, mà có ai liên can gì để cảm thông? Ông Thoại Ký giọng buồn buồn, nói đủ cho ông thân tôi nghe:
- ‘Hia coi đó, mỗi lần ông Trưởng Chi Cảnh Sát mới đổi lại, mình phải tốn một mớ, rồi ông Thiếu Úy Quân Cảnh, Trưởng Ban Nhân Dân Tự Vệ, ... đủ thứ. Khi đãi người này, phải mời người khác, ăn ngập mặt mà cứ dọa đòi thêm. Nuôi thằng rể này có ngày tỏ tịa! Ðóng hụi chết, không biết chừng nào hết.’

Ông lắc đầu, uống ngụm cà phê đen, nhìn ông thân tôi, nuốt cà phê như nuốt hận vào lòng:
-‘ Phải mình là xin kê, tôi đâu có lo lính tráng cho thằng Dìn Nghĩ?’

Nếu nghe câu này trước đó một năm, chắc ông thân tôi vồ lấy cơ hội tốt, hạ ông Thoại Ký cho sướng miệng. Nghĩ tới tôi, ông hầm hầm như sắp gây gỗ:
- ‘Tui đâu có hơn gì hia? Hồi đó tại hia nổi chứng. Con Sóc Lếnh làm dâu tôi phải rồi.’

Ông hớp cà phê, nuốt không trôi thở hổn hển:
-         ‘San dịch thằng con tôi, lâu lâu nó về rút tiền đem nuôi con thợ may chằn rây. Tui chửi gì thì chửi, vợ tui, nó cũng đưa tiền.’

                                                                             ***

Ngày được biệt phái về nhiệm sở cũ, tôi đi một mạch về quê, thấy nhớ quê quá, nhớ tiệm Phong Hưng hay tiệm Thoại Ký? Suốt ngày nhảy nhún trên xe đò, mệt lả, lại say xe, tôi vội vã vào kho hàng cởi vội bộ đồ nhà binh đẫm mồ hôi và đôi vớ hôi hám ném một góc, ngã lưng trên khoanh dây chì mát lạnh.

Trong giấc ngủ trưa mê mệt, nghe thoang thoảng trong không gian trong vắt tiếng ru con thanh thanh bên nhà hàng xóm vang qua.

Cô họ tôi, đúng là cô ba bà sáu, nghe tôi mới về, ghé thăm, lay tôi thức dậy:
- ‘Thức dậy đi, thức dậy nghe người ta chửi kìa.’

Bên kia lầu, Thục Linh ru con, lời ru Việt Nam, tiếng ầu ơ vời vợi, hòa với tiếng kẽo kẹt theo võng đong đưa, an phận mà còn hờn trách vu vơ:
‘À ơi! mãn coi hạc tắm suối vàng
Cây cao vội ngả lấp đàng ngỡi nhơn
Ngỡi nhơn sao mỏng vánh như cánh chuồn chuồn
Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay.’

CHÚ THÍCH:

(1)   Sinh lợi: Việc buôn bán.
(2)   Ðầu con cọp cưỡi: Mặt người sừng sộ sắp sửa gây sự như cọp nhe răng.
(3)   Xa hia xí tỉ: Anh ba em tư, tam huynh tứ đệ. Ý nói bạn bè ăn chơi như bạn thịt chó (cẩu nhục bằng hữu).
(4)   Consigne: Bị phạt cấm túc sáng chủ nhật.
(5)   Lão thức: Biết điều.
(6)   Résultat: Kết quả.
(7)   Deuxième session: Kỳ thi thứ hai.
(8)   Ðầu chó nấu không chín: Ðầu chó nấu mãi cũng hả miệng nhe răng giống như mặt người nhe răng cười hoài.
(9)   Xa câu lặt má: Cô ba bà sáu, tam cô lục bà. Chỉ mấy người nhiều chuyện hoặc bà làm mai.
(10)         Có đầu không có cuối: Hữu thủy vô chung.
(11)         Lứ: nhữ, ngôi thứ hai.
(12)         Quá: ngã, tôi.
(13)         Tiền rửa đít: Tiền trả cho mẹ cô dâu, phải đúng số từ 444 đồng, tiền vô định miễn là số 4.
(14)         Lưu bộ đao: vừa là họ, vừa nghĩa là giết, vừa nghĩa là cây xẻng.
(15)         Linh bộ Ngọc: tên loài ngọc.
(16)         Linh bộ Kim: Tiếng leng keng.
(17)         Tiếng Hẹ: Thổ ngữ Hoa Nam, giống như thổ ngữ Triều Châu/Phúc Kiến.
(18)         Sinh giờ thứ 11: Tục truyền dân Tiều chính cống sinh lúc 12 giờ. Ai sinh lúc 11 giò không phài chính tông, xử sự khác.
(19)         Tiểu thư: Cô, danh xưng người thiếu nữ.
(20)         Thái thái: Bà, danh xưng người đã có chồng.
(21)         Chơi lật hình: Quyển sách tập đọc, có trang có hình người, nhiều người hoặc ít người. Ðứa nào lật trang có hình nhiều người nhất sẽ thắng.
(22)         Chảo bể: Chảo bị bể không dùng nấu nướng được, người ta mua về vá các bộ phận cày bừa.
(23)         Cours cò, cours quan một: Nếu có Trung học có thể được đi huấn luyện thành quan một (thiếu úy), hoặc cò (cảnh sát trưởng).
(24)         Nhảy bao: Ðứng trong bao bố nhảy, ai đến mức trước sẽ thắng.
(25)         Cạp chảo: Ðồng tiền xu, cắc, gắn vào đít chảo, người thi cạp tiền bị lọ nghẹ dính miệng, không đưọc dùng tay.
(26)         Ðập nồi: Cái nồi đựng nước, treo giữa hai cây cột. Người thì bị bịt mắt quay mấy vòng, cầm cây nhắm hướng tìm nồi, đập bể nồi sẽ được thưởng.
* Ðại để đây là những trò chơi trong ngày lễ Quốc Khánh Pháp (14-7).
(27)         Nước trên mái nhà chảy xuống: Ý nói cha mẹ thương con và lo cho con chứ con đâu thương và lo ngược lại cho cha mẹ: Nước đâu có chảy ngược lên.
(28)         Công nho: Tiền quỹ của làng xã.
(29)         Hui ná: Cái giỏ hoa tròn.
(30)         Tỏ tịa: Phá sản.
(31)         Xin kê: Thông gia.

PforzheimWest Germany 8 - 1988




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét