Hai cuộc Biểu Tình
LƯU NHƠN NGHĨA
Mấy năm nay vùng chợ quê nầy loạn lạc liên miên, không được mấy ngày yên ổn. Vài tiếng súng nổ vu vơ cũng làm thiên hạ cuống cuồng chạy rầm rập, hàng quán đóng cửa vội vã, thúng gánh bỏ ngổn ngang ngoài chợ. Nhiều biến cố dồn dập tiếp diễn sau khi mấy chiếc xà lan sắt chở lính Marốc đổ bộ đầu kinh, bố ráp khắp nơi. Lính phú-lích xách súng chạy vội vả về phía nhà máy xay lúa cháy rực bên bờ sông. Sự lo âu hồi hộp sau những cánh cửa đóng kín mít.
Rồi chú Biện bị bắt đầu tiên, mấy ai dám nhắc nhở, dù thì thầm trong xóm chuồng bò, tin đồn là chú Biện bị đày đi xa lắm, lý do có vẻ bí mật. Mỗi lần Tết đến, chú Biện thủ vai ông Ðịa hay lắm, động tác có thần, người chú thấp gầy, má hóp mặc áo dài xanh độn gối cho bụng lớn ra. Vai trò chú làm hứng khởi cho lân nhờ lối lạy mừng tuyệt kỹ theo tiếng trống linh thiêng của chú Ráng, xem đáng đồng tiền. Mồng mười Tết đoàn lân múa từ biệt, chú hứng chí la “51 hòa bình, 51 hòa bình” theo tiếng la “ghê ghịt” - của người chung quanh.
Mấy tháng sau, chú chết. Tin dữ đưa về, thằng On con chú lên 7 tuổi, mồ côi mẹ, lại thêm mất cha, nằm úp mặt trên chõng tre dẫy dụa khóc sướt mướt kêu “Ba ơi! Ba ơi!” nghe đứt ruột. Cô bác hàng xóm dỗ dành an ủi On. Chuyện On mất cha, người ngoài chóng quên hơn On.
Cách mấy tuần sau, thêm biến cố khác xảy ra tại trường Ðình. Gọi là trường Ðình, vì trường sơ học Việt Nam được đặt ngay trong đình, xét cho cùng, nếu không có ngôi đình rộng rải, thì không biết học trò vùng nầy học ở đâu. Trường không có tên mà cũng không có bảng hiệu, trừ khu thờ Thần Hoàng, trường không có vách, chỉ có những cây cột nhỏ, thưa, chắn chung quanh. Những ngày mưa gió học trò hay bị ướt. Trước trường là cây cột cờ cao ngất, mỗi sáng học trò đứng chung quanh chào cờ, hát quốc thiều “Này dân Nam ơi, sử xưa vẫn còn chưa xóa”. Ba lớp học chỉ có một thầy giáo duy nhứt, thầy giáo Chấp, học trò tha hồ nói chuyện hay ngủ ngày.
Buổi sáng hôm ấy, không ai dẫn học trò chào cờ như thường lệ, quyển sổ điểm mỏng và cây roi mây dài do thằng Ðực thợ bạc giữ nằm trên bàn thầy. Học trò lớn nhỏ ngồi rãi rác trong lớp trống, có nhiều đứa thấy vắng thầy, bỏ ra chợ hoặc kéo ra sân chơi “U ấp”, “Thẩy lổ lạc”, “Bắn tràm”.
“Thầy đâu rồi”? có đứa tò mò hỏi, thằng Quan đứa lớn nhứt, tỏ vẻ sành sỏi, kể: “Chiều hôm qua, tao thấy thầy đương phơi áo ngoài vườn, thì hai ông lính Phú lích “đeo súng mút” vô nhà thầy nói có ông Cò mời. Thầy thay áo đi theo, rồi bị bắt luôn, bửa nay chưa về”.
Bọn học trò bàn tán ồn ào, không chuyện gì ra chuyện gì. Thằng Ðổi đề nghị: “Muốn vô thăm thầy, bây giờ mình cứ đi thẳng vô bót Phú lích, nó khoát tay như chỉ huy đám nhỏ. “Ơ, thì chết thôi mầy ơi”! Quan vuốt theo như sắp sửa thí mạng với đám Phú lích trong đồn. Bổng nghe Quan nói:”Thôi đi quây!”. Bọn nhỏ theo sau mấy đứa lớn, lẻo đẻo lên bót. Bót Phú lích tường xây bằng đá núi dầy, trong lô cốt trước bót có người đeo súng Mitraillette lơ đảng gác, bót nầy xưa là cái villa của ông Ðốc Phủ Cui, ông là chuyên viên họa đồ được Pháp giao cho vẻ họa đồ phóng đường Châu Ðốc Tri Tôn, chủ đồn điền Pháp muốn ông phóng đường ngang đồn điền hắn ta để tiện chuyên chở. Ông cải lại và phóng đường ngang núi Két gần Nhà Bàng ngày nay. Bọn học trò lếch thếch tới gần. Người Phú lích Miên mập, miệng đỏ cốt trầu nạt lớn: “Mấy đứa nhỏ đi đâu đó?”. Hơi rượu bay nực nồng có mãnh lực đe dọa làm lũ nhỏ chạy tán loạn, tấp vô xóm đối diện lẫn trong các khóm tre và chuối, để ý không thấy Quan và Ðổi đâu cả, hai đứa học trò lớn chạy mau quá, bọn học trò như rắn mất đầu, mạnh ai nấy chạy.
***
Sáng hôm sau, không biết ai chỉ bảo, bọn học trò xin tiền cha mẹ vài đồng, món tiền lớn thời đó, mua bánh trái mang cho thầy. Cha mẹ lần nầy cho tiền con mình khá dễ dãi, bọn trẻ con khỏi cần nhằn nhì. Sinh hoạt buổi sáng chợ quê, không có gì thay đổi, chợ vẫn đông, trái cây đầy ắp trong những chiếc thúng, cá lươn đầy rộng. Gánh hát Sơn đông quảng cáo thuốc đau lưng tức ngực đông người coi. Cạnh đó, bầy voi ve vẩy tai như những cánh quạt, chờ chở khách về sóc khi chợ tan. Chuyện thầy giáo Chấp bị giữ ở bót không ảnh hưởng gì.
Trường học đóng cửa đã 2 ngày, sự ngưng trệ thích thú nầy làm học trò được tự do, tha hồ chơi đùa thỏa thích mà không sợ tiếng chuông vào học.
Bọn học trò hôm ấy tụ họp tại trường như hôm trước, lần nầy vắng mặt Quan và Ðổi, có cả đám học trò gái tham gia, tuy mặt mày ngơ ngác. Mỗi đứa đều mang theo quà bánh cẩn thận, mấy đứa nhỏ nầy cứ tuởng mang vào là thầy sẽ ăn hết. Bọn học tròtheo nhau cùng đi. Ai dẫn dắt bọn nó kìa? “Con đường từ trường tới bót và những trái tim chân chất”.
Chúng di chuyển bình thường không gấp gáp, không bê trễ, vừa đi vừa nói chuyện ồn ào, so sánh quà mang cho thầy của bạn mình. Thằng Ngứt trầm trồ: “Mè ơi! Thằng Chùn có 2 cái bánh tào xá, quây!” Thằng Bờ bỏ trong túi mấy cái trứng cò xanh luộc.Thằng Kèo đi tay không, mấy hôm nay nước ròng, ba nó lưới không được cá nên không cho nó cắc nào. Kèo tự an ủi là nó thường mang tới nhà cho thầy dưa ngó sen và dưa điên điển vàng. Thằng Ngứt cầm gói lá sen đầy củ vỏ sù sì đen như đất bùn và mấy củ khoai lùn. Sáng nầy má nó cẩn thận lựa củ lớn gói cho nó. Kèo tinh nghịch thúc vào hông Ngứt “Ê, thằng chết đốt, mầy đem củ co cho thầy ăn đau bụng hả?”
Con đường từ trường đến bót khá xa. Cuộc tuần hành trật tự tối đa, tuy ồn ào. Không có lực lượng, đoàn thể, đảng phái chính trị nào đứng sau lưng xúi dục, bảo trợ, không có biểu ngữ phô trương, không hoan hô đả đảo, không cần thông báo trước, không có tư cách pháp nhân. Con trai nghịch ngợm đi trước, con gái đằm thắm theo sau. Trật tự văn hóa nầy vẫn được duy trì dù chưa đứa nào quá 12 tuổi. Người lớn nhìn đám học trò, “Ði đâu đông quá vậy kìa?”. Không đứa nào trả lời cả. Vả như có cuộc đàn áp biểu tình, thì người đàn áp dựa trên căn bản gì để đối phó hợp lý? Bắt tất cả vào, nếu thẩm vấn viên hỏi lý do chắc chỉ nhận được câu trả lời “đi thăm thầy và mua bánh trái cho thầy ăn”. Ai xúi dục bọn bây? Ðứa nào cầm đầu? Khó quá, chắc không đứa nào đủ ngôn từ diễn đạt văn hóa thấm nhuần vào tim óc bao nhiêu thế hệ rồi. Tình nghĩa trò đối với thầy trong như suối đầu nguồn, không có màu sắc đỏ đen, không có mùi vị cay đắng.
Mà đây có phải là cuộc biểu tình không? Bọn tôi kéo nhau đi thăm thầy mà. Ðây là cuộc biểu dương tình nghĩa, không liên hệ tới ai cả. Cha mẹ không khuyến khích, lại không ngăn cấm, ai nỡ ngăn cấm tình thầy trò. Mấy chú Phú lích đừng nghi ngờ xa hơn, tâm hồn bọn tôi đơn giản lắm, bọn tôi không phản đối ai hết. “Khám xét đi, đâu có vũ khí truyền đơn, chỉ có bánh trái, đâu có khả năng tấn công tự vệ”. Cuộc tuần hành tình nghĩa sư đệ vỏn vẹn có mấy đứa nhỏ, như luồng gió nhẹ buổi sáng trong lành, không xô ngả được thành trì, nhưng nó len qua lòng ngườI, ve vẩy lá cành mát mẻ như nước giếng ban trưa.
Ði ngang qua xóm nào cũng có người tham gia. Qua ngã tư nhà Việc, thằng Tô Phước lúp xúp chạy theo, con đường đá xanh dẹp, lởm chởm đất đá rác rến, nước mưa đọng vũng. Chiếc xe nhà binh Tây nặng nề di chuyển văng nước tung tóe, Tám lấy lưng che tô hủ tiếu. Thằng Nghỉ lo âu nhìn dấu tay nó trên hai cái bánh bao ngọt trắng, giấy gói thấm nước bị rách nó đã cẩn thận chùi tay trên gốc me mà tay vẫn dơ. Nó quay lại nhìn phía sau, lén nhìn, Cà Tâm hôm nay mặc áo trắng, tóc chải gọn, cầm chai xá xị lóng lánh. Con đường đá không rẽ ngang dọc, học trò cũng ngay thẳng như con đường duy nhất. Ngang lò rèn, thằng Phước lễ mễ thụt cái ống bể thùm thụp, thợ rèn đập chan chát. Thấy đám bạn đi qua, nó nhảy tót xuống nhập bọn. Ba nó ngơ ngác, hỏi: “Ðâu đó thằng cốt đột?” “Thăm thầy!” Nó trả lời gọn lỏn. Qua xóm chùa Miên, đám ở vùng nầy đón sẵn, bọn nó đang tập tuồng “Bàng Quyên Tôn Tẩn” dưới gốc cây Năm Vồ chuẩn bị lập gánh “Vạn Huê Lầu”. Thằng Huỳnh lủi thủi ôm bình cà rem cây theo, ba nó vừa mất, nên nghỉ học bán cà rem, mặt Huỳnh thiểu nảo ngượng ngùng.
“Tới bót rồi!” có đứa nói. Cửa bót hôm nay mở rộng như đón đám học trò vô hại, lính gác im lặng nhìn. Sân bót rộng, thằng Kèo lôi một nùi rắn bông súng để ở góc sân, nó dặn bầy rắn:”Nằm yên ở đây nghe, bò bậy mấy con gà mổ đui mắt à!” Bày rắn có vẻ ngoan ngoãn vâng lời ngo ngoe.
Trong lớp, chính nhũng con rắn nầy làm đám học trò gái la hét, Kèo chịu đòn mấy lần.
Học trò xô đẩy vô phòng thầy, rồi yên lặng. Thầy mặc áo quần lảnh đen, ngồi trên chiếc chiếu trải trên giường tre. Nhìn thấy đám học trò mình, thầy ngạc nhiên, “Hà!” Ròi im lặng. Lũ trẻ rón rén tuần tự đặt quà bánh trên giường bày biện như một mâm cúng cơm.
Thầy trầm ngâm khá lâu, rồi nói nhỏ nhẹ: “Mua chi dữ vậy, thầy ăn sao cho hết, bửa nào ở nhà cũng mua vô cho thầy ăn, no rồi, thôi của đứa nào đứa đó đem về ăn đi, thầy biết, thầy biết...”.
Bọn học trò im thin thít, sự yên lặng khác với sự yên lặng giả tạo lúc thầy cầm roi xâm xâm đi tới trong lớp. Những đôi mắt đen len lén nhìn thầy, nhìn lên trần nhà, liếc nhau chờ đợi vẫn vơ. Ngôn ngữ dù phức tạp và tế nhị tới đâu cũng khó diễn đạt được thờI gian yên lặng ngắn ngủi nầy.
Thầy thở dài thật lâu, miệng ngậm, cố tránh cơn ngáp trước mắt học trò, không che dấu được cơn mệt mỏi, thức khuya đêm trước. Thầy với tay lấy ly cà phê sữa, khuấy nhẹ cho sữa tan - ly cà phê đã nguội lạnh lâu rồi, uống một ngụm đã thấy lợm giọng mùi sữa tanh. Ðặt ly cà phê xuống, thầy chậm rãi hỏi: “Sao? Mấy bửa rày nghỉ, bây ở nhà làm gì?” Thầy thở phào trút bỏ bực bội ngao ngán, tiếp tục...
“Nghỉ học ở nhà thì coi lại bài vở, rảnh thì lo giúp đỡ ba má, mai mốt thầy về, đi học lại, không lâu đâu!”. Thầy muốn nói thêm, nhưng nhìn đám học trò quần áo lôi thôi lếch thếch đứng im lìm lơ đảng, thầy nói thêm cũng vô ích, không hy vọng chúng nghe hiểu và cảm thông. Bất ngờ có tiếng dế gáy rét rét, kích thích, giải toả bầu không khí lơ mơ. Con dế gáy quả thật đúng lúc, chính nó gây hứng khởi khơi mào cho câu chuyện. Thằng Ký nhỏ thó làm ra vẻ thản nhiên, trong bụng thầm trách con dế quái ác không đúng lúc chút nào. Dế tiếp tục gáy trêu chọc sự lo âu của Ký, nó từng bị đòn không biết bao nhiêu lần vì mang dế vào lớp, những con dế ốc tiêu nó bắt trong những bãi phân bò ngoài ruộng.
Thầy nhìn Ký, thở phào:”Cũng mầy nữa nghe Ký, suốt ngày dang nắng ngoài đồng, bắt dế, ba mầy thì xúc tép ngoài kinh, cực khổ nuôi mầy đi học”. Ký nuốt nước bọt, nhè nhẹ rút cái hộp quẹt đựng dế liệng ra ngoài cửa. Thầy chắc lưỡi, nhìn từng đứa, rồi kéo cổ áo thằng Bờ đứng bên cạnh, những quầng đất phèn đóng trên cổ, trên lưng nó. Thầy mệt mỏi chép miệng:”Bờ à! Tao dặn dò mầy mấy trăm lần rồi Bờ? Cũng cái ống bộng ngoài cầu Giáo Sự mầy lặn qua lặn lại gặp hôm mùa nước, có nhánh cây trong đó, rồi mầy kẹt chết nghe Bờ”. Thầy ngưng nói, vấn điếu thuốc chậm chạp mắt hiền từ nhìn Phấn, “Phấn nè, con bán chuối nướng trời tối, lo dọn dẹp về sớm đừng ngồi nán nghe con, thời buổi bây giờ, rũi ro khổ thân! A, thằng Hương nữa, trưa nắng chang chang, mầy tùng tam tụ ngũ đi bắt bướm ở sau nhà ông Hội Ðồng Kết, bà Hội Ðồng mắng vốn tao nhiều lần rồi nghe Hương! Thầy trừng thằng No, “No, nghe nói đêm nào mầy cũng leo bẻ khế trộm nhà ông Quản Nghét, khế chua lét mà ăn nổi gì? Gặp đêm lính Marốc đi tuần, nó bắn chết nghe!”
Tiếng Thầy nhỏ dần, chán chường, lúc khuyên lơn, lúc hăm dọa, học trò đứng trơ trơ, tay vò chéo áo ra vẻ chăm chú nghe. Thầy dặn từng đứa, những đứa khó dạy nhứt. “Thằng Kèo mầy vạch lục bình, bắt rắn bông súng, có ngày gặp rắn hổ, nó mổ bỏ mạng nghe Kèo! Dặn dò bây như nước đổ lá môn, bây có chịu nghe đâu. Ðám thằng Thành, thằng Có, thằng Ân tụi bây nghỉ học rồi lội xuống bàu sen hớt cá lia thia, đám coi sóc trong chùa Miên nó liệng chết nghe! Thằng Ðực nghe nói chọc phá con Ðiên bị nó vác đá liệng trúng lưng có sao không? Chọc phá nó chi vậy không biết, để bây giờ mang bịnh hậu. Thiệt là khổ, dạy khan cổ tụi bây có nghe đâu, chắc chờ roi mây mới nghe, phải không?”
Thầy ngước nhìn Huỳnh ôm bình cà rem cây, đứng co ro trong góc, Huỳnh bán khá không con? Bây thấy chưa, “Huỳnh nó có hiếu, ba nó mới chết phải đi bán cà rem nuôi má nó, bọn bây có cha mẹ lo cho đi học, sao không biết lo? Còn thằng Nghỉ nữa, mầy nghe tiếng trống Sơn Ðông như lân nghe pháo, vạch đám đông chun vô, mê coi, có ngày lựu đạn nổ chúng chạy đạp chết nghe Nghỉ, mấy cái đó sao mầy giỏi quá vậy? Còn vô tới lớp là mầy được cái tài ngủ gục và copier! Nghỉ học có mấy ngày, chắc bọn bây lộng hành dữ rồi há! Ráng học, giọng thầy trầm trầm, học cho bây chớ cho ai, biết chữ bây nhờ. Ông Châu Trí xưa, nhà nghèo phải ở chùa, tối quét lá đa đốt lửa ngồi học mà người ta đậu Trạng nguyên, còn như bây, nhà có đèn dầu lửa, đèn khí đá, đèn măng xông, sao không chịu học hả?”
Thầy kiệt sức rồi, tiếng nói nhẹ dần, uống ngụm cà phê lạnh thấy lợm giọng, ly cà phê nguội lạnh lẻo như tình đời. Ở đây, ai cũng nể trọng thầy, gởi gấm con em cho thầy, Tết nhứt, phụ huynh biếu gà vịt, mùa nào thức ấy. Thầy ký, thầy thông thích giao du với thầy, nhưng bây giờ không thấy ai ghé tạt vào thăm, sợ liên lụy. Mà thầy có tham gia quốc sự bao giờ đâu, ngày hai buổi dạy học, ngày nghỉ chỉ lanh quanh ở trường gà, đá cá, hoặc vô núi gác cu tiêu khiển qua ngày tháng. Có lẽ họ nghi ngờ, vì trước khi bị bắt, chú Biện có ghé thăm thầy vào buổi tối. Ông cò Tây có hỏi mấy câu, Việt Minh về chụp đồn núp quanh vùng thầy ở có chừng bao nhiêu người, sao nhà thầy có treo hình Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể, lại không có hình Quốc Trưởng Bảo Ðại.
Ông cò Tây sắp xếp cho thầy nghỉ ngơi tử tế, chung với lính trong đồn, không phải ở khám như những người khác. Thầy tự do đi bách bộ quanh đồn. Mấy người lính Phú lích Miên quen mặt nể nang thầy, lúc ra vào đều chào hỏi lễ phép:”Thầy giáo!”
Bây giờ thầy chán ngán nhân tình, miên man nghỉ ngợi biết ai thương thầy. Bánh trái la liệt trên giường, bọn học trò xuôi tay đứng bơ phờ, không đứa nào lên tiếng nói “thương thầy”, một sự yên lặng thoải mái len trong lòng thầy, ngọt lịm như trái xoài thanh ca đông ken; thầy cảm thấy an ủi vì sự hiện diện của lũ học trò đơn sơ chơn chất và tầm thường như những củ khoai từ núi, những trái mít đất thầy thường nhận được, biết lấy gì so sánh đây.
Thầy miên man mơ ước, sẽ có đứa học trò nên danh như ông Carnot, làm quan to, bước vô lớp chào hỏi:”Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?” Học trò thầy chắc không đứa nào làm nên như ông Carnot, vì sau lớp sơ đẳng, bọn nó sẽ nghỉ học theocha mẹ làm ăn rồi. Thầy muốn nói thêm điều thầm kín, nhưng ngại ngùng, học trò có hiểu đâu. Những lời răn dạy chúng cho có lệ, thầy biết sau khi ra khỏi bót, chúng sẽ quên tất cả. Thầy nói nhẹ như hơi thở, thì thầm như chỉ để riêng mình nghe. “Ráng học nghe bây, học cho giỏi để sau nầy không bị ai đè đầu đè cổ!” Thầy nhắp thêm chút cà phê, cà phê đục nhơn nhớt màu đất phèn, cà phê đắng lạnh như tình đời, mấy con ruồi bu quanh miệng ly đuổi không buồn bay. Má hóp, miệng hóm đi sau mấy đêm lo nghĩ, gương mặt hiền hòa, khác lúc ngồi trong lúc dạy học.
Trưa rồi, giữ chúng lại cũng không có lợi, thầy đứng dậy:”Thôi, đồ ăn đem về đi, thăm vậy đủ rồi, lần sau vô thăm khỏi mua gì theo, gia đình đã đem đủ cho thầy rồi. Ra khỏi bót coi chừng xe nghe, lúc nầy xe nhà binh chạy nhiều lắm. Về thẳng nhà nghe, hay là ghé phá xóm phá làng nữa đi!”
Học trò lẳng lặng mang đồ ăn về, chen lẫn nhau lí nhí trong miệng:”Thầy tui dì,thầy tui dìa! Thầy tiễn ra cửa, giữ trật tự đến lúc bọn nó ra khỏi bót.
Ra khỏi bót, không khí ồn ào trở lại, sau khi bị bó chân đứng như khúc gỗ trong bót nghe thầy nói. Thằng Tám sừng sộ: “Ê, hồi nảy, đứa nào lấy tóc vấy tai tao đó, đá mầy thấy mẹ bây giờ!” Ðực cầm ly cà phê giơ lên cao hãnh diện reo: “Ê! Thầy uống cà phê tao quây. Thằng Kèo hốt mấy con rắn bông súng vuốt ve, Ừ, được, tao hớt cá lia thia cho ăn.”
Trên đường về, ghé sân chùa Miên, Tám ngốn ngáo tô hủ tiếu, “Ừ, ổng hổng ăn, tao ăn”. Ngứt lột vỏ khoai nhai ngồm ngoàm. Chùn ăn vội bánh tào xa, chùi tay trên cát, lấy đồng xu khoét lỗ trên mặt đất để chơi thẫy lỗ lạc. Ðám con gái về nhà hết rồi. Văng vẳng tiếng trống nhịp kêu lô tô của gánh quảng cáo thuốc của Lê văn Bảy, Nghỉ co chân chạy gấp về phía chợ. Ðực la với theo:”Ê Nghỉ, mầy chạy đi coi hát Sơn Ðông nghe, thầy về tao mét”. “Kệ cha mầy,!” Nghỉ đáp gọn lỏn, nó đang nghĩ tới kêu lô tô có duyên, vừa chạy vừa kêu “lô tô”, tháng này là tháng 2, bước sang tháng 3; mưa sa lác đác, cảm thương mấy cô chưa chồng, lạnh cong xương sống; lạnh cóng xương sườn, lạnh nằm trên giường, lạnh lăn xuống đất, hai tay quơ chiếu, hai chân quơ mền, đắp lại vẫn còn lạnh run (cắt cắt tùng) cô nào còn lạnh, mượn tôi ôm giùm, không tính tiền công, là con số ứ... ba mươi lăm.
Tiếng trống cắc tùng lô tô dồn dập, thằng Nghỉ nao nức chạy mau hơn, vừa chạy vừa kêu “Con hai nó thương con ba, thì nó ra con mấy?”
Thầy giáo già trở lại giường, đặt mình trên chiếu, gác tay lên trán nghĩ ngợi, dù mới 10 giờ sáng, thầy mệt mõi nên không muốn di chuyển nhiều.
Lũ học trò đã về hết, thầy nhẹ nhàng nghĩ ngợi vẫn vơ. Bao nhiêu năm dạy học trong ngôi trường đình, biết mấy thế hệ qua không thể nhớ hết, chưa đứa nào lừng lẫy để thầy hãnh diện. Giỏi lắm như Hol đi lính mấy năm chưa lên được cai, to xác như Hường không đậu nổi bằng lái xe, để bây giờ đi làm lơ xe đò, đám học trò nầy tệ thiệt. Thầy hy vọng Huỳnh hơn ai hết, nhưng khi ba nó chết, nghe tiếng rao cà rem cây của Huỳnh giờ chơi nghe xót dạ. Lúc còn trẻ đổi về đây, xứ đầy sơn lam chướng khí, rắn lục bò từng bầy trên nóc chợ, rít có con dài gần bốn tấc tây trong các đống củi, ngoài chợ nghe tiếng Miên nhiều hơn tiếng Việt. Mấy mươi năm, cảnh vật không mấy đổi thay, con kinh cùng chợ ngang còn đó, ông cò Tây cũ đi, thì có ông cò Tây mới khác tới. Thầy ngước mắt nhìn trần nhà ám khói đen, lẩm bẩm:”Biết chừng nào lúa thôi mọc trên chì, voi thôi đi trên giấy! “ Bạn bè đâu hết rồi, hai ngày rồi sao chưa ai vô thăm, hay họ đã khám phá việc thầy làm cũng không chừng.
Cái xứ kinh cùng chợ ngang, tận gốc núi, ruộng phèn cỏ cú nhiều hơn lúa, mùa nước bao la như biển, mặt hậu những dãy núi xanh thẩm hùng vĩ huyền bí che chở bao bọc cho cây trái thú rừng nuôi dân. Những dãy núi như những con rồng thiêng, con hổ phục, sấu thần nằm yên chờ thiên lịnh quẫy đuôi làm ngựa cho tiên thánh hạ phàm nổi bão, diệt trừ yêu quỷ.
Mặt tiền là con kinh xanh màu cỏ, xa xa là chiếc xáng chìm nằm chơ vơ trên bờ kinh, ý chừng bọn Tây đào kinh phá thế phong thủy. Con kinh như con dao bạc, đâm thẳng vào hông núi, phá thế đất long bàng hổ phục. Ðám Việt gian diện đồ Tây, đội nón cối, nón nỉ, mang giày san-dal theo thông ngôn cho ông Cò, ông Quận, coi mòi tân tiến văn minh, vợ con được lên chức “bà, cô”.
Thầy lẩm bẩm hát đủ mình nghe “Mi nghe chăng? Hởi ai quên nhà quên nước quên non sông, hãy nghe đây lời ta vấn muôn năm, sao nở đành theo loài ngoại quốc ác tâm dày xéo non sông nhà”. Giọng hát thầy càng căm hờn, “Ðồ bán nước, đồ buôn dân. “
Càng thấm thía, thầy buồn ngao ngán. Mỗi đêm Việt Minh kéo về bắn lạch tạch là hôm sau có người bị còng dẫn ngang qua trường, mặt người bị còng ngơ ngác khốn khổ đi giữa đám lính kín, thầy thấy lo lắng xao xuyến như chính mình bị còng. Sức thầy không thể xoay sở thơì cuộc được. Thương nhứt là dân sống bám dọc theo bờ kinh. Việt Minh kéo về, họ bị còng. Tây kéo tới, họ bị lùa đi đốn tre cho nhà nước , run rẫy khi nghe tớI tên đội Sữ, xếp Lùn, hai con chó săn lẩn quẩn quanh vùng, chờ chủ huýt gió nhảy tơí táp.
Anh em trách thầy viện lẽ nặng gánh gia đình, lánh nặng tìm nhẹ, cầu an, lảng quên thời cuộc, khi họ tầm vông vạt nhọn lên đường chống Tây.
Ðâu đây, còn văng vẳng tiếng hát, kêu gọi, thúc dục, “Ra đi, ra đi, muôn phần ra đi, nào có sá chi đâu ngày trở về. Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi, ra đi ra đi thà chết chớ lui. Cờ bay phất phới gọi giống Lạc Hồng ... “
Thầy ngồi phịch xuống bực tức. Cái chõng tre kèn kẹt, đay nghiến. Nhìn lên, con thằn lằn chắt lưởi, nằm vật xuống, gối ẩm làm ngứa cổ. Thầy ngáp dài cho những uẩn uất trào ra.
Ngay chiều hôm đó, thầy được thả về, ông cò Tây đưa tận nhà, khách đến hỏi thăm đầy nhà. Một tai nạn nho nhỏ đã qua.
Hôm sau học trò trở lại, vẫn chưa đi học. Bàn ghế được dẹp sang hai bên nhường chỗ cho những tấm đệm trải dài trên nền gạch. Học trò ngồi hai bên đệm, trước mặt là những dĩa thịt quay bánh hỏi và nước ngọt thầy đãi, chờ đợi nôn nóng.
Chợt có tiếng vỗ bàn, thầy cười và bắt đầu nói: “Hôm nay thầy kể cho bây nghe câu chuyện, chuyện con gà mẹ và bầy gà con. Khi con gà mẹ bị bắt, bầy gà con ở nhà đi bắt con trùn con dế cho gà mẹ ăn, cũng như lúc thầy bị bắt, bây đem bánh đem nước vô cho thầy ăn. Bây hiểu không bây? “
Câu chuyện gà mẹ gà con chưa dứt, dù ngắn ngủi, bọn học trò chỉ nghe tiếng chập chập và tiếng nhai rào rạo thịt quay bánh hỏi, câu chuyện chấm dứt sau khi thức ăn đã sạch. Thầy dặn thêm, “ à, mai mốt đứa nào thi đău Certificat nhớ đãi thầy nghe! “
Chỉ mấy ngày sau, đời sống học đường trở lại bình thường. Thời gian qua, học hết lớp ba, ít ai ra tỉnh tiếp tục để đậu bằng Certificat đãi thầy, hầu hết bỏ ngang đi làm ăn theo ông bà cha mẹ. Học trò trường đình lớn lên theo thời gian, mang theo chuỗi biến cố buồn vui theo chợ nghèo, rồi một đêm, các chú về đốt cho sập chợ. Thằng Ðổi bịnh đi trước, thằng Huỳnh theo kế, Chùn bị pháo kích chết, nó đánh mất giấc mơ đi cours đội xếp ngày xưa.
Thầy về hưu không bao lâu, thêm đám biểu tình đông đảo, thành phần tham gia vẫn lây lất như xưa, có điều tóc cháy trán nhăn, tim khô óc héo, theo sau những cây bàn đưa và tiếng trống phèn la điểm ba tiếng một rời rạc. Họ đưa thầy về chân núi Chơn Num nghỉ ngơi vĩnh viễn.
Hai cuộc biểu tình duy nhứt chan hòa tình nghĩa xảy ra tại chợ quê Xà Tón năm 1951, và năm 1969 bây giờ ai còn nhớ?!
Lúc đọc lại sửa chửa lỗi chánh tả thì nhớ tới On con chú Biện. On mồ côi mẹ, rồi cha, từ nhỏ, sống nhờ cơm bà con cô bác xóm chuồng bò. Lớn lên làm công hảng nước mắm, lơ xe hàng. Hỏi thăm, mới biết On đã mất để lại bầy con đói rách mồ côi. Không ai nghèo ba họ, không ai khó ba đời, ngoài On.
Lại nhớ tới già Quan, lớn hơn tôi chừng bốn năm tuổi, xưng là “chú” (bà con ở đâu tôi không biết) loại ami protecteur, bảo vệ tôi bằng miệng. Quan thường làm đồ chơi bán cho tôi. Có lần, tôi gói cho hắn một gói hột é, lười ươi, cả nhà ngồi húp xùm xụp, nuốt luôn cả vỏ lười ươi, hỏi của ai, giả trả lời của thằng khùng. Ngày phát thưởng ở trường Chùa Trên, tôi đánh tay đôi với thằng Miên mạnh hơn tôi, giả làm lơ, phân trần “tụi nó đông quá làm sao tao đánh lại “. Lần tôi bị thằng Kèo lớn hơn đánh, tưởng giả nhảy vào, giả lại đi mét, làm tôi về nhà ăn đòn thêm. Giả nghỉ học mà vẫn tìm cách theo làm tiền tôi, hăm dọa việc tôi hối lộ bạn bè làm toán giùm. Mỗi lần giả lẽo đẽo sau nhà, bản mặt muốn nằm vạ, tôi phải thí cô hồn cho giả nắm tiền cho yên. Sau năm lớp ba, tôi ra tỉnh học, giả mất nguồn tài trợ, đói dài. Lớn lên, gặp lại, giả ốm như cò ma lái quân xa, giả gạ bán chiếc xe Bridgestone cho tôi. Gần đây có nhắn gởi lời thăm tôi. Thôi, hết nợ rồi nghe cha! Ðiện thoại về Việt Nam mới biết tin giả vừa mất, thôi xù bài!
Tôi muốn nhắc thêm thằng Phước ngoài kinh, ngồi sau tôi hai bàn, lớp ba năm 1951. Không biết vợ chồng nó làm gì sống. Cuối năm 1974, nó mặc quần dài đen, lưng quấn khăn đỏ theo đoàn lân lèo tèo múa tết, tôi theo tiếp đánh trống cho lân múa vài tiệm. Sau nầy, nó hỏi thăm tôi và than thở, “Cũng một tuổi, học một thầy mà có đứa sướng đứa cực”. Phước mất vì bịnh bán thân bất toại, hậu quả của rượu pha thuốc rầy.
Thằng Ðực hủ tiếu to xác cũng mất, em nó thằng Thạnh chết vì rượu. Thằng Chau Chót hiền ít nói, gốc Miên, cựu Ðại úy, sau 75, về lại quê cũ, vợ nó giựt hội, lại dẫn vợ con bỏ xứ lần nữa. Thằng Ngứt lên Nam Vang học Ðốc công Trường Tiền, cũng mất tích như Xà Phớp, Til.
Rồi thằng No, lớp học trong đình, mấy đứa con gái vô chỗ thờ thần, bọn tôi đóng cửa nhác ma. Bọn con gái thấy No, bị đòn tơi tả một mình mà không khai những tên khác trong đó có tôi. Tôi còn nhớ No bị đòn, vừa khóc vừa nói, “không có ai hết thầy, có mình tui hà”. Sau nầy, No bị sét đánh chết ở ngoài ruộng.
Già Long, học trước tôi mấy năm, rất thông minh, học đâu nhớ đó, vì nghèo nên ra Châu Ðốc học trễ hơn tôi hai năm. Tôi ỷ thế học trên lớp, cà xốc, liệng rác lên xe đạp giả, giả giận lắm nói, mầy đồng hương, tao không đánh mầy! Giả trưởng thành sớm, học vài năm thì dắt một chị tóc dài về quê thôi học, làm ăn. Xin lỗi anh Long.
Viết tặng bạn học đồng lứa sống cũng như chết năm 1948 - 1951
U ấp: lối chơi mạnh bạo của trẻ con.
Thẩy lỗ lạc: trò chơi ném những đồng xu vào lỗ khoét nhỏ, ai thẩy xu vào lỗ sẽ thắng cuộc.
Bắn tràm: những hột của cây tràm, bằng viên bánh xôi nước, được dựng đứng, trẻ con đặt hột tràm trên gối, ngồi bắn.
Cái rộng: cái lu thấp, đựng cá lươn.
“Mè ơi”: tiếng tán thán của dân Miên, có nghĩa: Má ơi! Người Miên không kêu trời ơi
Dưa điên điển: thức ăn làm bằng bông điên điển, màu vàng, mọc nhiều ở vùng đất bưng
Củ co : loại củ nhỏ hơn trứng gà, vỏ có xơ, màu nâu đen, ruột ăn như khoai cao, có vị hơi đắng.
Rắn bông súng: loại rắn nước, nhỏ bằng ngón tay cái, dài chừng vài tấc tây.
Bàu: ao nước
Col Sóc: chú tiểu theo hầu sư sãi Miên.
Xoài đông ken: xoài lúc giữa mùa, trái nhiều
Mít đất: loại mít có trái dưới đất như củ
Khoai từ: loại khoai bột, trắng, vỏ dai và mỏng có rễ
Chết đốt: người Miên chết thiêu xác chứ ít khi chôn bị gọi đùa là “dân chết đốt”
Khoai lùn: loại khoai bằng ngón cái, dài hơn một tấc, có xơ, màu xanh lục nhạt, không có bột như khoai lang
Thằng cốt đột: “thằng khỉ”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét