Mười giờ Ông Chánh về Tây
· Kính tặng Bác Trần Viết Chương, Muhlheim / Main - Tây Ðức
LƯU NHƠN NGHĨA
Tiếng bằm thịt làm bánh bao rầm rập đều đặn từ các tiệm nước đánh thức buổi chợ mai. Tiếng kéo thông hồng ken két ê răng của các tiệm tạp hóa quanh chợ giục giã người buôn gánh bán bưng chuẩn bị cho ngày.
Người rời chợ sớm vào Sóc phải qua góc chợ phía Tây mua quà sáng mang theo, những gói bánh tằm, bánh hỏi, bắp hầm ... được gói trong lá sen gọn ghẽ, rồi ghé tiệm nước uống cà phê. Họ quây quần dưới ánh sáng chói chan của mấy cây đèn khí đá, đổ ly cà phê đen ra dĩa húp xùm xụp, vừa trao đổi câu chuyện giá cả thường nhựt.
Sáng hôm ấy, bỗng xảy ra câu chuyện hơi lạ, khó ai đoán nổi những gì sẽ xảy ra: Thầy đội Sử trong đồn dẫn toán lính phú lích đi ruồng qua chợ sớm, điều chưa xảy ra lần nào, vì bổn phố đang dọn hàng, trẻ con còn ngủ. Gương mặt những người phú lích cũng khác lạ hơn thường ngày, lắng dịu hơn khi giữ trật tự. Súng mút trên vai lỏng lẻo, họ kiên nhẫn len lỏi chậm chạp qua các thùng trứng cút, trứng chim cò luộc chín bày ngổn ngang gần hết lối đi.
Toán lính Ma-rốc, độ nửa giờ sau, cũng di chuyển từ trên thành xuống, xốc vác túi quân trang cồng kềnh vừa đi vừa hút thuốc, cười nói ồn ào vui vẻ, thiếu vẻ dữ dằn đe doạ như khi trước. Ông Cò Tây mặc quân phục vàng, đội kết bi đi sau cùng, nếu để ý, sẽ thấy ông hết sức hiền lành. Ðám người gồng gánh vùn vụt đi qua, chó cắn ăng ẳng chát tai ông không để ý, lầm lũi đi.
Ðoàn quân viễn chinh da đen, khăn quấn đầu, tập họp ngoài đầu kinh trước cửa chợ
Dưới kinh, tiếng mấy chiếc tàu xà lan sắt nổ bình bình tức tửi, đèn tàu sáng rực đầu kinh, mấy chiếc ghe nồi, xuồng trầu bị đuổi giạt về phía hai bên bờ đậu khép nép giữa đám lục bình dầy đặc. Tiếng tàu nổ dồn, lính thủy trên tàu loay hoay làm việc, thả bửng tàu xuống, chờ.
Ông Cò vội vã bắt tay từng người, nhăn miệng cười, đầu gục gặc, lưu luyến. Sau cùng ông đi thẳng đến một thiếu phụ mặc áo tay phùng đỏ, ngập ngừng, mặt dàu dàu. Ông vỗ về, an ủi cô, ông hôn chùn chụt trên má cô làm cô ngượng ngùng đẩy ông ra. Ông nhắn nhủ cô khá lâu, bịn rịn như người sắp đi xa vĩnh viễn.
Ông Cò bước thẳng đến toán lính Ma-rốc hô dõng dạc, ‘Garde-à-vous!’
En avant,
Un-deux, Un-deux ...
Tiếng giày đinh dẫm rào rạo trên đường lộ đá xanh, đoàn quân vác túi dết, lếch thếch xuống tàu. Ông Cò quay lại vẫy tay, rồi bước xuống tàu sau cùng. Tàu lui chầm chậm, quay đầu khó khăn vì đầu kinh hẹp, ghe xuồng đậu tấp nập. Không ai bảo ai, mọi người đứng trên bờ đi thẳng đến đầu kinh, vẫy tay chào, rồi lại vẫy tay chào vĩnh biệt ... Tàu quay đầu, chuẩn bị, xình xịch di chuyển nặng nề, nưóc kinh bị xoáy đục ngầu, sóng vỗ ghe xuồng nghiêng ngửa, tàu đi khó khăn hơn lúc tàu đến.
Ông Quận, thầy Thông, thầy Ký, ông Cả, ông Quản, lính phú lích, thầy Ðội ... đứng nhìn chăm chăm, tàu càng trôi đi xa, nhỏ dần, kẻ ở, đứng đầu bờ kinh, người đi, còn lại những cái chấm đen của ống khói tàu ngoài xa. Cái cảnh chia tay giống hình trong cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Chấm đen rồi cũng khuất dần sau lùm cây xa, nước đầu kinh phẳng lặng trở lại, những lượn sóng lăn tăn tiếp tục đuổi nhau nô đùa, mặt nước hiền hòa thanh bình như cũ.
Sinh hoạt chợ Xà Tón bình thường ít thay đổi dù kẻ ở người đi, dù mưa dầm nắng hạn. Những người khách mắt xanh da trắng từ bên Tây, hoặc da đen từ Bắc Phi có tới rồi đi, mặc họ. ‘Mình lo mần ăn, hơi đâu để ý’. Chuyện bên Tây, bên Tàu chỉ dành riêng cho mấy cha vô công rỗi việc, ngồi xếp bằng trên chõng, tay chống trên đùi, nhún nhún, gật gật, nhậu vô ba sợi bàn chuyện bá-láp. Mấy bà ghét nhứt các ông chồng hạng này. ‘Kêu gánh đôi nước, cái là nói mệt, a đau bụng, đau đầu, còn ngồi cả buổi đánh cờ uống rượu nói chuyện năm trên, bàn chuyện bá vơ thì giỏi, chuyện bên Tây bên Tàu mắc mớ gì mình, thứ đàn ông vô tích sự đó đem câu sấu mới vừa’.
Các tay nhậu chính trị cũng có lý do. ‘Ôi, đàn bà nói, hơi đâu nghe anh Ba, làm ly rồi tôi nói anh nghe. Nè! Tây thua trận Ðiện Biên Phủ, ký hiệp định ‘Giơ Neo’ đó. Tôi nói hồi trước đó, anh có nghe đâu, bây giờ rõ ràng đó, anh hổng nghe sấm giảng nói sao?’
‘Bao giờ lúa mọc trên chì
Voi đi trên giấy, Tây thì về Tây.’
‘Ðó anh coi, bó lúa trên đồng bạc chì, hình voi trên tờ giấy bạc đó. Tui nói đâu có đó, để rồi anh coi!’
***
Thiếu phụ mặc áo tay phùng đỏ, mặt buồn rười rượi, đi nép dọc theo vỉa hè phố, tránh chung đụng với các thầy thông thầy ký đi đường hoàng trên lộ cái. Cây dù hồng ngượng nghịu xếp lại, kẹp chung với bóp đầm. Cô bước luống cuống sợ chạm mặt người quen, ‘họ chào mất công trả lời!’
Cô đi một mạch về nhà, nằm vật vả trên giường nệm, quên cả mái tóc mới ‘phi-dê’ tuần trước bị hư. Cô đưa mắt mơ màng nhìn cái đồng hồ đờn treo trên vách, bên cạnh là bức ảnh bán thân cô chụp chung với ông Cò. Ảnh chụp lúc mới cưới, tóc cô lúc đó chưa ‘điển’, bới xệ trên vai giống vợ thầy Ðội Sử, môi son, lông mày nhổ sạch như hai sợi chỉ nằm vắt ngang đôi mắt mơ màng. Chú thợ chụp hình phải sửa đổi điệu ngồi cho cô nghiêng bên vai ông Cò, tình tứ. Bức ảnh trắng đen do chính tay thợ ở Long Xuyên tô màu mới được vậy. Cô chép miệng, thở dài thườn thượt, đứng dậy đi tới đi lui như người quẩn trí.
Ðứa ở trong bếp lên, rụt rè hỏi:
- Cô Marie ăn gì, tui đi mua?
Ðang bực bội mệt mỏi, cô trả lời bằng cái ngáp dài, ‘Thôi!’
Sáng này cô chưa thấy đói. Mọi khi, chú Tư Sen đã dọn sẵn điểm tâm cho cô rồi. Tư Sen nấu bửa tiệc của ông Cò đãi ông Quận và viên chức tuần trước, về nghỉ mấy ngày để sắp xếp việc nhà. Căn phố ông Cò mướn riêng cho cô hiu quạnh hơn, đứa ở là cháu xa bên gia đình cô, sợ cô như cọp, nên chỉ lui cui dưới bếp suốt ngày.
Ðầu óc cô lờ đờ, đú đẩn, không nghĩ ngợi tính toán gì được sau khi ông Cò lên tàu về nước sáng này.
Con chó ‘bẹt-giê’ nhảy chồm lên mình cô rậm rật, bấu víu, sủa chát tai, cô ôm chó hôn trìu mến, vuốt ve quay xuống bếp gọi: ‘Sáu a! Cho chó ăn!’
***
‘Hồi đó nghe mấy bà, hổng phải tôi nói gian, chớ nhà tôi giòng dõi lắm, chớ phải chơi sao? Dượng Bảy tôi, bà con bên vợ của quan Tổng Ðốc Trần Bá Lộc à! Từ Cù lao Giêng tới Cái Bè, ai mà không nghe tiếng quan Tổng đốc Lộc? Mấy bà biết hông, mỗi lần ông về thăm Cù lao Giêng, bà con lối xóm thiên hạ bu đông nghẹt vậy đó!’
- ‘Ðôi, ngựa trắng!’
Bà Bang Lạm cắt đứt câu chuyện, ném con bài về phía cô Marie, cô lơ đãng lật lá bài mới nhìn, rồi ném về bà Ký Lành:- ‘Pháo trắng’, cô cằn nhằn, ‘Mẹ cha nó, bài rác không hà!’Cô kẹp điếu thuốc Cotab thành thạo giữa hai ngón tay, tỏ vẻ sành đìệu thuốc lá, hít một hơi, nhả khói như khoe khoang cái thói quen của người văn minh, vừa cho các bà Ký, bà Bang thấy mấy ngón tay móng sơn đỏ choét.Cô Marie tiếp tục:‘Tôi nói mấy bà nghe, nhà tôi ở Cù lao Giêng nghe, nghĩa là lớn không thể tưởng tượng’, cô lắc đầu và nhăn mặt phô mấy cái răng vàng chói lọi, ‘mỗi cây cột mấy người ôm không giáp. Mỗi lần má tôi đi chợ hả, mua cá lớn, chớ cá nhỏ hổng ăn đâu à nghe!’
- ‘Ăn, xe đỏ!’
Bà Ký Lành cắt đứt câu chuyện ngang xương. Mấy bà mê ông tướng xanh tướng đỏ này chỉ để ý thưởng thức cái thú xòe xấp bài trên bàn tay dễ dàng như mở cây quạt, dù là bằng ngón cái của bàn tay trái.- ‘Ăn, xe xanh!’Bà Ký Lành thật bất lịch sự, cô Marie nghĩ thầm, mấy lần làm cô cụt hứng khi câu chuyện đang trôi chảy!‘Ừ, anh của mợ chín tôi nghe, ổng làm cai xếp gì đó, lớn lắm, ghe xuồng đi ngang, ổng kêu lại ai cũng sợ. Còn bà dì tôi ăn trầu, cau chẻ mặt chứ hổng ăn cau khô như ở xứ này à!’-’Pháo vàng, tới, một, ba, bốn ...’Bà Bang Lạm đếm lệnh, vừa xỉa thuốc, sau khi nhổ bã trầu đỏ lòm vô ống nhổ khoe mấy ngón tay đeo cà rá vàng hực trêu chọc cô Marie.Bà Ký Lành xào bài thì cô Marie lại lải nhải:- ‘Mẹ cha nó, đứt bốn chếnh từ sáng đến giờ. Quần lãnh mỹ a nhà tôi nghe, mỗi lần ăn Tết đem phơi ...’
Cô Marie đang kéo dài câu chuyện thì cô Ký Bê đứng dậy vươn vai ngáp, ‘thôi nghỉ, dìa, chiều rồi, còn lo cơm nước cho ổng.’
- ‘Bà bé đâu, sao không nấu cơm?’
- ‘Ôi, nó làm biếng như quỉ, chỉ tôi làm thôi, tiền thì nó giữ, nói gì ổng cũng nghe. Mình vợ lớn mà ổng coi như người dưng nước lã, ổng mê cái nhan sắc vợ bé.’
Cô Marie thua đậm mấy chếnh bài vừa muốn gỡ, vừa muốn giết thời giờ từ khi ông Cò Tây về nước, đành đứng dậy thất thỉu ra về, chủ chứa không buồn mời ở lại ‘dùng cơm’ như mọi khi.
***
Thời gian nặng chịch trôi qua; mấy tháng đầu cô Marie còn chờ đợi kiên nhẫn, chờ thư từ và ‘măn-đa’ bên Pháp gởi về. Mấy bà ký bà thông xấu miệng đồn đủ thứ, nào là ‘Ông Cò có vợ lớn ở Pháp, con cái đùm đề, hơi đâu viết thơ cho cô.’ Cô Marie không tin nhảm được, ‘ông Cò về bằng tàu, mất mấy tháng, thư đi phải mấy tháng nữa mới tới chớ!’
Cô tự nhủ lòng, tự an ủi, ngoài con chó bẹt-giê bầu bạn, có ai tới nhà cô an ủi cô bao giờ đâu. Mấy ông thầy ký lục, thông ngôn lúc trước đến nhà cô hàng tuần, nếu không nói hàng ngày, uống xâm-banh, ăn bít-tết, hút thuốc Cotab, nút chuồn với ông Cò, luôn luôn lễ phép, ‘Cô Marie mạnh giỏi!’ Nhứt là Ký Lành, mỗi lần có dịp đi Sài Gòn về mang cho cô dầu thơm ‘ô-đờ-cô-lôn’, viết máy 303, ... bây giờ lánh mặt cô, dân có học mà ‘phản chủ.’
Suốt gần hai năm nay, cô Marie giải trí bằng tứ sắc, có khi cô đánh đề 40 con, để giết thì giờ, lúc ở nhà bà Hội Ðồng, lúc ở nhà bà Bang Lạm.
Cô Marie nằm trằn trọc, gác tay lên trán nghĩ ngợi, chờ các bà tới kêu đi đậu chếnh. Từ ngày ông cò Hiến Binh đầu đỏ đổi về, cô Marie bị mất chức ‘Cô Cò’, danh xưng đó dành cho vợ ông cò Hiến Binh mới. Họ gọi cô trỏng ‘Cô Marie’ nghe phát ghét. Tệ hơn nữa, các bà mời lơi cô đậu chếnh như mọi khi. Cô sống với cái dĩ vãng huy hoàng, vung tiền như thời còn ông Cò. Mỗi lần bà con ở Cù lao Giêng lên thăm, cô lo cơm nước đầy đủ, cho tiền họ về xe, trái cây làm quà nên ai cũng khen cô rộng rãi và hể hả mỗi lần lên thăm cô.
Mấy năm qua như giấc chiêm bao, cô chưa tỉnh, vẫn xem mình là bà Cò chánh thức. Cô Marie bán dần tư trang ông Cò sắm cho lúc trước để làm vừa ý thói quen ‘văn minh.’ Cô quên là các bà thông bà ký còn có tiền ra tiền vô, cô thì ngồi ăn núi cũng lở. Dấu hiệu cô suy sụp bắt đầu lúc chú Tư Sen, bồi cho ông Cò nghỉ làm có mấy ngày sau khi ông Cò về Tây, kế đến là cha mẹ đứa ở cho cô lặn lội lên bắt con về vì họ chờ đợi tiền công cô hẹn tháng này qua tháng khác. Chủ phố cố ý cứng đầu hoặc ngu dốt không tin cô, nên cứ nằng nặc sai người tới đòi tiền nhà. Cô tức mình, ‘sao lúc còn ông Cò không giỏi vác mặt tới?’ Cô giận dữ hét the thé như bà bóng bị nhập, tiếc là chủ phố vắng mặt lúc đó. Bà Bang Lạm nữa, lúc trước năn nỉ đưa tiền cho cô xài, bây giờ tới mượn thì nhăn mặt than túng, tiệm rượu công-xi mà túng à? Ai xin giùm môn bài hạng nhì cho bà, bây giờ vong ân bội nghĩa. Chỉ có bà Tư xóm ngoài kinh thỉnh thoảng ghé chơi, chuyện vãn với cô, chịu khó ngồi nghe cô Marie kể chuyện quan Tổng Ðốc, ôi, nội ngoại gì cũng được, miễn bà con là được rồi. Cô Marie kể đầu giây mối nhợ, hàng giờ chưa chán.
- ‘Quan Tổng Ðốc nghe bà, người nghiêm là nghiêm à, tốt tướng lắm. Tui nhớ, ông mặc áo dài xanh, có tấm vải quàng ngang ngực, mề đai lóng lánh đầy ngực, đi đâu cũng có lính đeo súng ‘Mút’ đi hộ vệ, ‘gạt-đờ-co’ đó bà hiểu không?’ Bà Tư ngồi im nghe thán phục cô Marie và câu chuyện tưởng tượng phong phú của cô hết bực.
Chuyện gì đến phải đến. Tàu chở thơ của Pháp và bưu điện làm chậm như rùa, hơn hai năm rồi mà vẫn chưa được tin ông Cò. Cô định khi được thơ sẽ không trả lời liền để dằn mặt ông, trả thù cho bỏ ghét, chưa kịp trả thù thì bị đuổi nhà, cô Marie dọn ‘tạm’ ở bên chái nhà bà Tư tốt bụng hủ hỉ qua ngày chờ đợi, cô hứa với bà Tư là khi ông Cò trở lại, cô đem bà Tư về nuôi. Từ đó về sau, cô Marie thành khách hàng quen thuộc của tiệm cầm đồ ngoài chợ. Mỗi lần ghé tiệm, cô ngồi lê lết kể chuyện, hy vọng chủ tiệm trả giá cao. Cô kỳ kèo:
‘Từ đó tới giờ tôi mới túng lần đầu, chiếc neo này ông Cò cho tôi, ông năn nỉ lắm tôi mới chịu đeo à. Nói thiệt nghe bà, hồi xưa, tôi lịch sự lịch sàng lắm à! Ở Cù lao Giêng, mỗi lần đi nhà thờ, tôi bận áo tay phùng, mang guốc cao gót, tụi đàn ông ngó tui lấm lét chớ không dám chọc ghẹo tới tôi đâu!’
Khách hàng ra vào tiệm thường xuyên, bà chủ bận tiếp khách nên cô Marie cụt hứng, bực tức luôn đám khách hàng.
Chiếc neo nằm vĩnh viễn trong tiệm cầm đồ, rồi đôi bông tai, cây kiềng. Câu chuyện thêm bớt chút đỉnh, tựu trung vẫn giống như lúc cô kể lần đầu, con chó bẹt-giê cô nuôi cũng bỏ nhà đi mất, có thể nằm trong bụng các tay bợm nhậu rồi!
Người cuối cùng cô ít nhắc nhở là Tư Sen, dù cô từng là người ơn của chú bồi này. Tư Sen sống lấp láp qua ngày nhờ thầu nấu ăn đám cưới, đám giỗ, buổi sáng bán bánh mì ba-tê, thịt nguội. Tư Sen đổi tính rõ rệt. Cô nhớ lúc còn ông Cò, Tư Sen mỗi sáng xách giỏ đi chợ tự ý mua, tự ý định ‘mơ-nu’ hàng ngày cho cô và ông Cò. Tư Sen là bếp sành sỏi nấu ăn, nấu món nào cũng vừa miệng cô và ông Cò, cả món cho con chó bẹt-giê. Cà-rốt, bo-rô, cải trắng, xà-lách, lê-ghim phải thật tươi, chú xắt khéo léo, món ‘la-gu’, xúp khoai tây, thỏ nấu rượu chát, bò bít-tết với rượu xâm-banh, rượu chát đỏ. Cô Marie thường tâm sự:
- ‘Buổi sáng, tôi không ăn hủ tiếu, cháo lòng được, bao tử tôi yếu, tôi ăn bánh mì trét bơ, phô-mai. Mình làm bà Cò mà ngồi tiệm nước, chỏng tre, ăn uống như đám đàn bà đàng Thổ coi sao được?’ Ở tiệm nước, mấy người hút thuốc bao xanh hôi chịu không nổi, tôi ưa thuốc nút chuồn, Cotab. Tư Sen chiều chuộng cô qua những món ăn hợp ‘gu’. À, mà chính cô đặt tên cho Tư Sen chứ ai vào đây. Tư Sen tên thiệt là Cát, ông Cò Tây kêu lơ lớ dễ bị hiểu lầm, nên cô sửa tên cho Tư Cát thành ‘Mi Sen’, rồi quen gọi là Sen chogọn.
Mỗi sáng chủ nhật đi lễ gặp nhau ở nhà thờ quả là cực hình cho cả hai. Cô Marie thương hại Tư Sen, sợ chú mặc cảm, mắc cỡ vì lúc trước làm bồi cho cô. Tư Sen ngược lại thổ lộ với bạn bè, ‘Tội nghiệp cô Marie, lúc trước ăn tiệc ngồi chung với ông Quận, bây giờ gặp tôi cổ cúi đầu tránh mặt, tui đâu ghét bỏ cổ đâu, thương còn không hết.’ Tư Sen vừa nói vừa cười ruồi đú đởn. Câu chuyện tới tai cô Marie, cô giận dữ: ‘Hừ, lúc trước làm bồi cho tôi, kêu đâu dạ đó, bây giờ lên mặt làm phách!’ Tư Sen cũng đâu vừa, trả đủa: ‘Cô làm bé ông Cò Tây đẹp đẽ gì đó, sao không theo ổng đi luôn, lại ở nhà bà Tư ăn chực, ở xóm đó, xin lỗi, tôi nghi lắm!’
Cô Marie sống nhờ quá khứ ở Cù lao Giêng, với ông Cò, người dễ tin và nể nang cô còn quá ít. Các bà ký, bà thông tránh mặt khinh thường cô vì thói ăn vùa thua giựt, nên mỗi lần gầy sòng tứ sắc tên cô bị gạt ra. Ðến mấy tiệm bán tạp hóa, lúc còn ông Cò, chủ tiệm niềm nở mời mọc mỗi lần cô ghé tiệm. ‘Cô Marie cần gì cứ lấy, chừng nào trả cũng được, bà con xín xái ù lái ù khự mà!’ Bây giờ mua đồ, mấy ông chủ lại ‘nói thách’, làm như cô thiếu là giựt luôn. Mấy đầu hụi thảo cô làm chủ chưa kịp trả họ tới réo, ‘để cho ông Cò gởi măn-đa qua, tao lấy tiền đập vô mặt bây!’ Năm này qua năm khác, hơn 40 tuổi, son phấn rẻ tiền khó che giấu cái nhan sắc ủ dột héo xèo, gương mặt trơ trẽn ngồi lê lết vay mượn nhờ vào ảo ảnh của thời quá khứ huy hoàng. Có nhiều lần cô Marie nhắm mắt đưa chân, nghe lời bà Tư gắt gỏng, để kiếm thêm ít tiền sống lây lất. Áo quần cô bắt đầu sờn rách, giày dép bèo nhèo. Cô Marie bắt đầu kể chuyện quá khứ cho chính cô Marie nghe, kể thầm, cười thầm.
Bà Tư trở mặt, dám xẳng giọng:
- ‘Ôi! Mầy nói mười, tao chưa tin một.’
Dám gọi cô Marie bằng ‘mầy’. Cô không chấp nhứt người ngu dốt, vì cô là giòng dõi quan quyền, dượng Bảy cô bà con bên vợ quan Tổng đốc Lộc mà! Vả lại, cô từng chạy xe máy đầm có đủ chuông, đèn, ông Cò mua cho, đám trẻ con thèm thuồng vỗ tay ầm ỉ. Mái tóc ‘phi-dê’, cô là điều mơ ước ganh tị của đám gái trong quận này.
Ðang nằm mơ tưỏng miên man chuyện xưa, chợt có tiếng ồn ào ngoài cửa làm cô giựt mình. Tiếng bà già quen quen mè nheo với anh xe lôi. Cô thò đầu qua cánh cửa phên tre nhìn, ngạc nhiên:
- ‘Ủa, má. Bà đi đâu vậy?’
Bà già mặc áo dài the, khăn gói xuống xe ngơ ngác nhìn cô hỏi:
- ‘Ủa, Gáo! Sao mầy ở đây? Tao tới căn phố cũ, họ chỉ lại chỗ này. Sao bây giờ tệ quá vậy Gáo?’
Cô Marie kéo vội bà già vào nhà.
- ‘Thôi bà, tôi tên Marie Loan, kêu tên Gáo người ta cười chết!’
- ‘Ôi! Lon gáo gì cũng vậy, đổi tên làm tao hỏi tùm lum bắt mệt!’
Cô Marie sượng sùng vì đám em út ngồi đầy nhà bà Tư. Bà già bắt đầu tía lia cái miệng, làm như nhà chỉ có hai mẹ con.
- ‘Gáo à!’
- ‘Nữa, con tên Marie Loan!’ Cô nhắc nhỏ.
- ‘Ủa, quen miệng rồi! Tía mầy biểu mầy đem tiền bạc về làm ăn, cất nhà lại, cái nhà cũ mình ọp ẹp muốn sập rồi. Ở nhà tao với tía mầy làm mắm sặc, mắm trèn, dưa đìên điển rồi bơi xuồng đi bán. Thằng Cò Tây có trở lại chưa? Nó gởi tiền cho con nhiều ít? Chín Bèo nhắc mầy hoài, nó có vợ con rồi!’
Cô Marie lạnh người, nhổm dậy, sợ bà già vui miệng kể dài dòng khó nghe, đám em út cười khúc khích, cô chận ngang, vội vã dẫn bà già ra cửa.
- ‘Thôi má dìa trước, để tui liệu dìa sau’. Ðây đâu phải là chỗ cho người danh giá trú ngụ, nên cô dẫn mẹ ra thẳng bến xe mua vé cho bà lên ngồi mới yên lòng.
Trên đường về, cô thấy buồn bực, bụng đói cồn cào, bèn nấu nồi cơm, kho nồi mắm sặc, ngồi ăn một mình. Sẵn dưa điên điển mẹ vừa đem lên, cô nhai rào rạo. Dưa đìên điển chấm mắm sặc kho mặn, lâu lắm rồi cô mới được ăn. Mắm dưa điên điển chua, cộng với cơn đói dằn vặt, phảng phất mùi đất cồn phù sa. Cô buông đũa bước ra sau nhà, cánh đồng khô nứt nẻ, cô cố nhìn tìm màu vàng bông điên điển như ở quê cô. Cô đi thất thểu trên con đê dài, nhìn con kinh trắng bạc, nhớ ông Cò Tây, nhớ Cù lao Giêng, quê hương thời thơ ấu, cô bùi ngùi.
***
Sinh làm con nhà nghèo, cha mẹ cô phải làm việc quần quật mới đủ ăn. Thuở lên 10, cô đã giúp đỡ cha mẹ muối cá làm mắm. Cô hái lá sen bó từng bó, có khi móc củ co, củ ấu, luộc xong, bơi xuồng đi bán, quần xắn tới gối, phèn đóng vàng ngón chân, mình mẩy cô tanh mùi mắm.
Những buổi chiều mưa gió mịt mù trên sông, gia đình cô ngồi ăn cơm trên chỏng tre quanh ngọn đèn bánh ú ấm cúng. Trước nhà, sông sâu nước bạc chảy quanh Cù lao Giêng xanh mướt, dừa tre, cây ăn trái ...
Cù lao Giêng dễ thương hiện lờ mờ trong óc cô Marie. Mỗi sáng chủ nhật, Gáo theo cha mẹ, áo quần tươm tất đi lễ nhà thờ cổ, xây lâu lắm rồi, nghe ông bà kể, từ lúc Tây đổ bộ. Cô còn nhớ, như mới xảy ra chiều qua nầy.
Hôm ấy, ông đội Tây dẫn lính đi ruồng kiểm soát cù lao và sông rạch, ghé Cù lao Giêng. Ông đội Tây được Cha Xứ dẫn đi thăm dân tình. Ông đội mặc quân phục vàng, đeo súng lục vừa đi vừa chuyện trò với Cha Xứ.
Duyên nợ sao đó, mắt xanh ông đội bất ngờ chiếu thẳng vào đôi mắt cô Gáo đang đứng cầm cây cờ tam sắc vẫy chào trong đám đông đi đón.
Ông đội tươi cười, bỗng nghiêm nghị nói nhỏ với Cha Xứ. Mấy tháng sau, cô Gáo lột xác thành cô Marie dễ dàng, chỉ cần phi-dê tóc, mặc quần lãnh mỹ-a, áo tay phùng, lên chức bà Ðội, gia đình cô Marie được trọng vọng, sống khá giả hơn xưa.
Người đáng thương là chín Bèo, để ý Gáo từ lâu, thường cầu thân với gia đình Gáo bằng cách đươn thúng rổ giùm, hoặc làm những công việc lặt vặt.
Ngày cô Marie cặp tay ông Cò từ trong nhà thờ bước ra, chín Bèo thường lầm lì, hát lông bông:
‘Uổng công xúc tép nuôi cò,
Nuôi cho cò lớn, co giò cò bay.’
Cô Marie theo ông đội đổi về quận này làm Cò mi, chân cô đã rửa sạch phèn Cù lao Giêng. Ở quận này, cô ngang nhiên bước ngang hàng với bà Quận, bà Thông, bà Ký, ai đâu bươi móc đời tư cô, mà ai dám làm chuyện tày trời đó? Cuộc đời cô như diều gặp gió và ông Cò về nước, đứt giây, diều băng rơi xuống bất ngờ.
Muốn nhờ thầy thông viết giùm bức thơ bằng tiếng Tây cho ông Cò, dặn gởi măn-đa gấp, vậy mà con mụ vợ thầy, lúc trước từng đánh tứ sắc chung chiếu, trở mặt kéo đám vợ lính của đội Sử đi tìm cô đánh ghen. Cô hăm he một mình, ông Cò Tây trở lại quận nầy ‘tao cho mấy mụ biết tay.’ Vì cô âm thầm hăm dọa nên họ làm tới khinh khỉnh. Ðám con mười Ngỡi, thằng Thơm, thằng Tho, chắc nghe lời bọn bà con nó theo Việt Minh, dám nghêu ngao hát, cốt trêu gan cô: ‘Bắt Việt gian lên núi cho mò tôm!’
Nắng chiều gay gắt, cô ngồi thơ thẩn dưới hàng cây me nước, cô ngồi lẩm bẩm như người mất trí. Cô đi lang thang qua xóm kinh, hướng về chùa ông Bổn, lên xóm lò rèn. Tiếng ru em đúng lúc đúng thời, véo von vô tình hay hữu ý nhắc nhở cô Marie cuộc sống chông chênh bèo bọt:
‘Mười giờ ông Chánh dìa Tây,
Cô Ba ở lại lấy thầy thông ngôn.’
Cô lẩm bẩm, ‘vô lý’, dại gì lấy thầy thông thầy ký lương bạc chục, cô tiếp tục hát một mình:
‘Thông ngôn ký lục bạc chục không màng.’
Hát đến đây, cô bất giác ngửa hai bàn tay, dang hai bên, đầu ngoẹo qua, miệng tròn như khu tô, phân bua từ chối thẳng vào mặt đám thông ngôn ký lục, miệng trề như con cá trèn bầu.
Tiếng ru con từ xa vọng lại như bổ sung cho ý nghĩ cô, đề nghị:
‘Lấy chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay.’
Cô giựt mình, ai lại lấy đám thợ bạc, dù đeo vàng đỏ tay cô cũng không thèm mấy người thợ sồn sồn, con cái chật nhà, ngồi còng lưng đạp con cóc phùm phụp.
Từ ngày mẹ cô đến thăm, tai tiếng dập dồn đến với cô Marie, họ châm biếm mĩa mai cô gốc nhà quê, cóc đòi trèo thang, đổi tên đổi tuổi. Bà Tư lại đuổi thẳng cô ra khỏi nhà, còn nhục nhã nào hơn. Bà Tư mắng cô ‘gái già bấm hổng vô, chứa cô lỗ chớ có lời lóm gì đó, uổng cơm thì có.’
Cùng cực, cô Marie mới chợt nhớ chín Bèo, người thanh niên cục mịch nhà quê ăn nói lắp bắp. Hình ảnh đêm trăng sáng trước nhà thờ Cù lao Giêng, cô là một trong những đứa bé vòng tay xếp hàng chơi trò Thiên đàng địa ngục, vừa đi vừa hát:
‘Thiên đàng địa ngục hai bên,
Ai khôn thì nhờ, ai dại thì sa,
Ðêm nằm, tưởng Chúa nhớ Cha,
Ðọc kinh cầu Mẹ kẻo sa linh hồn!’
Cô quả là dại, đã lỡ sa vào địa ngục mà không hay, cô đánh mất thiên đàng ở Cù lao Giêng, cô luyến tiếc bãi phù sa, nước ròng để lại nghêu hến lởm chởm, nghe chín Bèo trêu ghẹo:
‘Nước ròng bỏ bãi sa cừ,
Mặt em có thẹo anh trừ đôi bông.’
và chính cô cũng lả lơi:
‘Người hiền lại gặp người hiền,
Cái quần chín núm nó liền như xưa.’
‘Anh chín Bèo ơi!’ Thân tàn ma dại, mặt mũi nào trở về Cù lao Giêng gặp lại anh, mắc cỡ chị em bạn, ngày đi huy hoàng như hoa nở sớm, ngày về tiêu điều như lá rụng mùa thu. ‘Lúc còn ông Cò’ (lại lúc còn ông Cò) mỗi lần xuồng cặp bến, bà con đón tiếp đầy nhà.Ai cũng mừng rỡ, hài lòng nhận đồ hộp, sô-cô-la, kẹo ... cô mang về cho ăn lấy thảo; bom nho được cha cô khen là ngon hơn ổi, cóc nhiều. Nhớ đến thấy não lòng, càng nhớ càng thương. Sóng nước quanh Cù lao Giêng rạt rào, tim cô Marie nhún nhẩy theo sóng lăn tăn trên sông bao la màu phù sa đục ngầu, nhứt là hình ảnh chín Bèo ngồi lập lờ trên xuồng ba lá vào buổi xế trưa đưa đẩy:
‘Ngó lên Châu Ðốc
Ngó xuống Vàm Nao
Sóng vỗ lao xao’
‘Anh thương em mà ruột thắt gan bào,
Biết em có thương lại chút nào hay không?’
Càng nhớ càng thấm thía, nhớ hôm đám cưới cô, nhà cô đang nhóm họ, chín Bèo say rượu, ngồi ngất ngưỡng trên xuồng chòng chành dưới bến, mắt ngờ nghệch dại khờ, tay quơ cây dầm căm tức đập xành xạch đám lục bình vô tội, nghêu ngao hát như cuồng sĩ:
‘Gió đẩy gió đưa cho vừa lòng bạn,
Khúc sông giang hà,chỗ cạn chỗ sâu.’
Ừ, anh chín Bèo ơi, cũng vì gió đẩy gió đưa cho nên thân em mới ra nông nỗi nầy, em cũng là chiếc xuồng trên sóng nước, khúc sông giang hà còn chỗ cạn chỗ sâu, trách chi lòng em khi vơi khi đầy? Ðừng trách chi em nghe anh Chín, sông sâu vẫn chảy, em là cánh lục bình trôi theo dòng ra biển. Sông nước bao la, chảy xuôi dòng, khi bồi bên này cù lao, khi khuyết bên kia cù lao, làm cây đa trốc gốc, chờ em làm gì hở anh?
‘Cây đa trốc gốc trôi rồi,
Ðò đưa bến khác, bậu ngồi đợi ai?’
Giờ đây em nhớ anh, dù xán nọ bung vành, dù tàu Tây kia liệt máy, dù đá nổi rong chìm, dù muối chua chanh mặn, khó tìm đặng em nghe anh Chín!
‘Cô Marie’
Tiếng gọi bất thần kéo cô từ giấc mộng Cù lao Giêng về thực tế. Tư Sen đứng trước cửa nhà, xách hai chùm gà, ôn tồn mời mọc:
- ‘Cô Marie vô đây chơi, uống nước!’
Cô riu ríu bước vô, đi đâu bây giờ. Tư Sen vui vẽ mời cô ngồi, rồi nhanh tay dọn dẹp đống bắp cải, cà-rốt, rau đậu vào góc nhà, lấy lon cô-ca mở mời cô:
- ‘Cô Marie uống cô-ca cho mát.’
Cô Marie tự nhiên uống hết lon nước ngọt, cổ mát rượi khoan khoái tỉnh táo phần nào, lâu quá mới được uống nước ngọt. Tư Sen lại mở thuốc lá mời:
- ‘Cô Marie hút thuốc!’
Hơi thuốc the the mùi bạc hà thật tuyệt có khả năng thông cổ, ngon hơn Cotab và nút chuồn, nhờ có đầu lọc. Cô phì phà hết điếu Salem, nhìn lên trần nhà, tưởng tượng thời còn ông Cò, Tư Sen đang hầu hạ cô. Trên vách những tấm hình thiếu nữ lõa thể da trắng ngần, cắt từ các tờ báo ngoại quốc che đậy phần nào tấm vách ám khói đen. Trong tủ mấy chai rượu mạnh, la-ve lon, cô-ca, radio cassette lớn, những món xa hoa trong căn nhà tôn vách ván của Tư Sen.
Cô Marie chưa hết ngạc nhiên, làm sao Tư Sen mau khá quá vậy kìa. Tư Sen ngồi cạnh cô, tư thế thoải mái, hai tay đặt trên đùi, cười hể hả:
- ‘Cô Marie sao ốm vậy, lúc nầy làm ăn sao rồi?’
Giọng Tư Sen coi mòi nuông chiều an ủi che chở cô lúc thất thế sa cơ.
- ‘Uống thử lon beer, cô!’
Cô Marie không nỡ lòng từ chối lòng tốt, tiếp lấy lon bia, mở uống từng ngụm, bọt bia xì hơi tràn trên miệng lon. Bia thơm và dịu hơn la-ve 33, cô thưởng thức lon bia để nhớ thời Tư Sen châm rượu xâm banh cho cô.
Tư Sen tiếp tục nói:
- ‘Tui làm ăn xa, mới về có vài tháng, gặp cô tui mừng lắm!’
Tư Sen khép cánh cửa lại che nắng. Hai người hàn huyên tâm sự kín đáo suốt buổi chiều.
***
Từ ngày dọn về đây tạm trú với Tư Sen, mặt mày cô Marie tươi tắn, hớn hở khởi sắc hơn, cô đi chợ thường hơn, tuy sự hiện diện của cô trong chợ quận Xà Tón không làm ai bận lòng.
Tư Sen được người thông dịch viên giới thiệu nấu ăn cho lính ‘Mai-phọt’ trong trại Châu Lăng, sau khi đồng ý trả tháng lương đầu cho anh chàng thông ngôn viên.
Mỗi sáng, cô Marie theo Tư Sen ra chợ mua rau cải, thịt thà, rồi xe lính Mỹ ra rước vào đồn nấu ăn. Tài năng nấu các món Tây được trọng trở lại, cô Marie bây giờ hết dám coi thường Tư Sen, mà nể nang tâng bốc chú là khác. Cô nhìn Tư Sen thoăn thoắt gọt cà-rốt, miếng nào miếng nấy vừa ăn, gà rô-ti da dòn rụm, xúp khoai tây béo ngậy. Lính Mỹ khen ngợi Tư Sen tặng nào cô-ca, bia lon, nhờ Tư Sen biết sở thích khẩu vị từng người, bỉm môi chê mấy tay đầu bếp Tàu nấu món nhà quê.
Cô Marie cũng được chiều chuộng ưu đãi đặc biệt, cô có thể ra vô đồn bất cứ lúc nào, có quyền ở lại đêm nếu thấy về trễ nguy hiểm, trời tối đường đi mất an ninh. Cuộc sống cô ổn định trở lại, ví dù ông Cò có trở lại, cô cũng bỏ mặc ông. Tiền bạc dồi dào, số phận sướng thì sao cũng sướng. Lính Mỹ không hách dịch như lính Tây, họ bình dân, thân thiện sẵn sàng đưa rước cô đi sớm về trưa bằng xe Jeep, nhờ cô giới thiệu mấy cô gái trẻ muốn vào làm việc trong đồn Châu Lăng.
Các cô gái nầy rất biết ơn, xem cô Marie như người chị cả tốt bụng. Cô thường tự hào:
‘Mình đỡ đầu cho em út vào đây làm việc, giúp ai được thì giúp, cần gì họ trả ơn!’
Cô lại giúp đỡ các cô gái trang đìểm, son phấn, áo quần cho đúng kiểu, để khỏi ‘mất thể diện.’ Các cô gái rất biết điều, hậu hỉ đền ơn, cô phải nhận cho họ vui, để khỏi phụ lòng em út.
Cô tốt bụng thương người vậy mà vẫn mắc oán, mang tiếng dụ dỗ con gái nhà nghèo vì đồng tiền, ưa phấn son hào nhoáng, hành nghề không lương thiện làm điếm nhục gia phong. ‘Ôi! Hơi đâu nghe mấy ông bà già hủ lậu, tui để ngoài tai.’ Cô thường nói: ‘Miễn có tiền được rồi!’
Mà thật vậy, cô kiếm tiền gấp mấy lần lương thầy ký lục, đây là thời của cô, chớ thời của đám ký lục qua rồi. Các bà ký than vật giá càng ngày càng tăng, cô Marie mặc kệ, mắc mỏ gì cô cũng mua. Mỗi lần đi chợ, cô mua con cá ngon nhứt, lớn nhứt, khỏi cần trả giá như đám vợ công chức keo kiệt.
Lâu lâu, cô bố thí cho bà Tư già cây thuốc Salem, bịt cái miệng thúi của bà cứ đem cái chuyện đời tư cô Gáo nói đi nói lại. Bà mẹ cô, thỉnh thoảng ghé thăm, hài lòng hết sức, lơ là chuyện khuyên cô về Cù lao Giêng bán mắm.
Hoa nở rồi tàn, trăng tròn rồi khuyết, đời cô Marie khó thoát vòng lẩn quẩn. Chưa đầy năm, lính Mỹ rút đi, giao đồn lại cho lính Việt Nam đóng.
Cuộc đời cô Marie như quả bong bóng nổ bụp theo sự sắp xếp ở bên Tây bên Mỹ, đúng theo mấy tay bợm nhậu chánh trị quán cốc. Tư Sen và cô Marie nương tựa nhau sống chờ thời, như cô Marie chờ măn đa ông Cò hơn 10 năm, từ 1953 đến 1964, rồi đời ‘Mai-phọt’ trở lại từ 1964 đến 1975, cũng hơn 10 năm chờ đợi.
Cô Marie chờ đợi, đợi chờ đến mặt cô đanh đá lại như mặt đàn ông vì tuổi càng cao, thời cuộc oái oăm, tình đời éo le, cây muốn lặng gió không ngừng. Cuộc đời cô tả tơi như chiếc áo vá vai cô mặc, chồn chân mỏi gối, lực bất tòng tâm, cô cố phấn đấu lội giòng nước ngược, cuối cùng buông tay bỏ mặc.
Cái tuổi sồn sồn, muốn bước thêm bước nữa cũng khó khăn chắp nối. Dù sống với Tư Sen, cô Marie vẫn cảm thấy cô đơn tâm tình. Tư Sen ăn nói cộc lốc, vướng nghề cờ bạc nghiện ngập. Ðêm đêm, cô thèm không khí đầm ấm của gia đình nghèo bên cạnh, thèm bầy con phá phách. Vợ chồng họ nghèo, đầu tắt mặt tối, đêm về hay cải vã, la hét lũ trẻ, mắng đứa lớn, chửi đứa nhỏ, vậy mà sao cô thấy thèm như họ quá. Cô trách trời than đất một mình ‘giờ nầy chắc Tư Sen ngồi sòng me với đám mười Ngỡi rồi đa!’
Cô bất giác ấm ứ tiếng còn tiếng mất bài vè ‘Bậu lỡ thời’:
‘Bậu lỡ thời, như ớt chín cây
Ớt chín cây, người ta còn hái
Bậu lỡ thời, như nhái lột da
Nhái lột da, người ta còn bận
Bậu lỡ thời, như rận cắn lưng
Rận cắn lưng, người ta còn bắt
Bậu lỡ thời, như giặc Hà Tiên
Giặc Hà Tiên, người ta còn đánh
Bậu lỡ thời, như cánh chim bay
Cánh chim bay, người ta còn bắn
Bậu lỡ thời, như rắn lột da ...’
Cô ư ứ ngâm nga, hát đi hát lại giải khuây, bài vè đánh đúng tâm sự, cô xót lòng, ‘Anh chín Bèo ơi!’
- ‘Lầm thầm gì đó con làm biếng?’
Câu hỏi và tiếng vỗ cửa làm cô Marie giựt nẩy mình. Tư Sen độ nầy thất nghiệp, dù cách mạng vào đã khoan hồng tha cho mà vẫn say sưa bài bạc, đủ thói hư tật xấu, ăn nói lảm nhảm, dám gọi cô Marie là ‘con’.
Từ ‘bà’ xuống ‘cô’ rồi xuống ‘con’. Ôi! Chúa ơi! Chịu sao nổi nè! Cô Marie càng dằn cơn thịnh nộ, nhưng cơn tam bành lục tặc dồn nén từ thời ông Cò Tây 20 năm trước, qua thời Mỹ ở Châu Lăng, rồi cách mạng làm cô nát bươm. Cơn giận bốc trào lên cổ, mặt cô đỏ rần, tóc tai dựng đứng, tay run bây bẩy, nộ khí chạy rần rần trong mạch máu khắp châu thân, từ đầu đến chân. Cô xử dụng tất cả từ ngữ cô nhớ được qua những đêm học tập chính trị của ‘Hội phụ nữ yêu nước’, cô chửi oang oác:
- ‘A, cái thằng phản cách mạng, thằng phản động, thằng phồn vinh giả tạo, thằng Việt Cộng, thằng Mỹ ngụy, thằng mắc dịch, thằng nợ máu nhân dân, mầy giỏi ra đây!’ (Chửi đến đây cô đã hết chữ).
Cô sừng sỏ mặt, nhảy ton ton, cổ giương cao như con gà gáy, vỗ ngực phành phạch như gà vỗ cánh sau khi cho nước vô nghệ. Sân nhà chung quanh rào tre giống trường gà, cô là con gà nòi với khí thế hung hăng mới được ‘xổ’ lần đầu, đang xòe cánh, xòe lông cổ, vờn cựa xáp tới địch thủ.
Tư Sen hầm hầm ném phăng cái áo xuống đất, bước sồng sộc về phía cô Marie. Hàng xóm cuống cuồng can gián, khuyên giải, đẩy Tư Sen vô nhà. Tư Sen miễn cưỡng lùi bước, vì nể chòm xóm bà con, hoặc vì lấy rượu làm nư, chạm nhằm nữ kê tác quái. Tư Sen chợt ớn lạnh theo xương sống, dù đang trưa nắng, khi nghe từ ngữ cô Marie chửi bới, mớ chữ tuy hỗn độn, tạp nhạp của con mẹ dốt, có thể đưa Tư Sen đi học tập cải tạo như chơi. Mặt Tư Sen vì vậy dịu lại, tuy vẫn nói cứng: ‘Lần nầy, vị lòng bà con lối xóm, tao tha nghe!’
Sự cứng cỏi bề ngoài của Tư Sen lại trùng hợp với cô Marie.
Cô lùi dần về góc sân, vì chợt thấy mặt Tư Sen đáng sợ, cũng cái mặt nầy mà nó thượng tay hạ chân như trước thì đau mình, nhứt là có rượu vào, Tư Sen coi trời bằng hột tiêu, coi cách mạng như giun dế.
May cho cả hai là Tư Sen khó vượt khỏi đám đông, và thêm mấy tên cách mạng 30 xách súng lẩn quẩn như kên kên rình xác chết.
Ðược thể, cô Marie hăng tiết, dẫy đành đạch, khuỳnh hai cánh tay ra, áo quần màu bay phất phới, giống hệt cô đào vai Tôn phu nhân múa võ trước khi theo Lưu Bị về đất Thục, ong óng hét giống con gà mái nồi kêu ổ, cục tác:
‘Bà con đừng can, gà tui nuôi, tui biết!’
Mọi người bật cười, trong đó có Tư Sen, bỗng họ thấy cô Marie mặt đổi sắc, thân thể run rẩy mềm nhũn khuỵu xuống, quằn quại, thảm não, miệng mếu máo, tức tưởi khóc như chưa bao giờ được khóc:
‘Anh chín Bèo ơi!’
‘Gió đẩy gió đưa cho vừa lòng bạn,
Khúc sông giang hà chỗ cạn chỗ sâu’
CHÚ THÍCH:
* điển tóc: uốn tóc.
* đậu chếnh: đánh tứ sắc.
* chiếc neo: vòng đeo tay bằng vàng y cuốn lại đeo ở cổ tay.
* lịch sự lịch sàng: đẹp đẽ.
* ù lái ù khự: hữu lai hữu khứ, có đi có lại.
* áo tay phùn: loại áo ngắn, tay phùn.
* đàng Thổ: người Miên.
* đèn bánh ú: đèn nhỏ, bằng thiếc, hình thức giống bánh ú.
* cờ tam sắc: cờ Pháp.
* ông Chánh: tỉnh trưởng thời Pháp.
* ‘xổ gà’: thả cho đá thử.
* gà nồi: gà đen như lọ nồi.
* cái quần chín núm: Xưa, có người đàn bà nghèo, hàng ngày đi làm ruộng, quần rách từng lỗ. Mỗi lần bị rách thì buộc chỗ rách lại thành một núm. Mẹ chồng ở nhà, thấy quần con dâu phơi có chín núm, bèn vá lại và đem phơi trên sào. Lúc nàng dâu về, tìm quần không có, bèn hát:
‘Từ bi ba lá từ bi
Cái quần chín núm nó đi đàng nào?’
Người mẹ chồng trả lời:
‘Cái quần mẹ giắt trên sào
Con hãy bước tới lấy vào mà thay.’
Người con dâu thấy quần được vá lành lặn, bèn hát:
‘Người hiền lại gặp người hiền
Cái quần chín núm nó liền như xưa.’
(Câu ca dao tôi nghe bà ngoại tôi hát, ru, chắc phải có trên trăm năm, tính đến năm 1995).
|
Trở lại trang trước Trở Lại Trang Chính |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét