Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

CƠM CHÁY

   Cơm Cháy

LƯU NHƠN NGHĨA

Trưa cuối năm, Củ Ướng kéo chiếc xe nước ọc ạch từ Chơn Num về chợ Xà Tón. Gần Tết, trưa nắng chang chang, con đường đất đá nóng bỏng, xe chao đi khó điều khiển làm sao! Hai bên ruộng khô còn trơ lại những gốc rạ xơ xác. Củ Ướng bỏ lại sau lưng ngọn đồi đá cằn cỗi trên sườn đồi và dưới chân đồi rải rác những mồ mả. Núi Chơn Num là nghĩa địa của dân làng,sang giàu hay đói rách cuối cùng ai cũng về đây an nghỉ. Trên núi có ngôi chùa Miên mái cong, thấp thoáng trong những cây đào lộn hột và cụm mai rừng, mấy người đi chặt mai về chưng Tết giơ tay chào Củ Ướng. Chiếc xe đạp đòn vông kéo thùng nước củ kỹ màu xám, thùng nước là phi xăng cũ, trên có nắp vuông, đầy nước. Sau treo hai thùng nhỏ đập vào thùng lèn-xèn thành thứ âm thanh đều đặn quentai.
          Người Củ Ướng vốn dĩ đã nhỏ, chiếc nón chóp bằng tre đan, phết chai dầy, che mưa nắng, tưởng chừng nặng hơn sức chịu đựng của đầu cổ người, nên Củ luôn luôn cúi mặt lầm lũi đi. Xe nước không tương xứng với người Củ Ướng chút nào, khó ai tưởng tượng Củ có thể kéo nổi chiếc xe nặng nề như vậy, vậy mà xe vẫn ngoan ngoãn di chuyển ngả nghiêng theo bước chân lếch thếch. Tay chân và người Củ Ướng lở trắng vì nước ăn từ năm nầy qua năm khác, hai chân gân guốc màu đất xám như hai khúc tre già phải chịu đựng đất khô cháy hay lầy lội bốn mùa hơn 30 năm rồi.
          Ngày 30 Tết, chợ đã tan từ trưa, ai cũng lo về sớm để cúng kiến ông bà. Dân chợ nài nỉ Củ rán đổ vài đôi nước uống, họ yên tâm với lu nước đầy cuối năm để nấu nướng, nên Củ Ướng nể tình cố lặn lội thêm chuyến xe nước cuối cùng nầy, ở nhà Củ đã có vợ con quán xuyến.
          Củ Ướng không lười, nhưng mùa nắng khô hạn nầy cứ phải chờ cả buổi mới múc được một xe, mội nước rỉ ra đần dần mới vét được một gàu. Ngày được 4 xe là phước rồi. Củ nôn nóng kéo xe để về sớm, còn dịp nào nghỉ ngoài 3 ngày Tết đâu.
          Mùa nắng, đất đá phỏng chân. Chuyến vô núi, Củ thong thả đạp xe, thùng nước rỗng nhún nhảy sau lưng.
          Vùng chợ Xà Tón có mấy cái giếng, nhưng nước phèn chỉ dùng để tắm giặt. Nước Chưn Num trắng đục, uống chua chua, có vị mãng cầu xiêm. Dân làng cho rằng nước ngon nhờ xương cốt trên đồi chảy xuống tụ lại mội nước, nói sao cũng được, nhưng ai cũng uống nước giếng Chưn Num mà không bị chanh nước.
          Gần 30 năm nay, Củ Ướng quen thuộc với con đường đá xanh nầy, khoảng 3 cây số từ núi vô chợ. Múc đày thùng nước, cuộn giây gàu treo bên xe, Củ đi vòng qua cây Năm Vồ, (cây năm Vồ lá mát bên bờ giếng, che mát cho người đi lấy nước) xuống con đường mòn dốc ra đường cái. Xa xa những bụi tre tầm vông xơ xác (Củ thường nói: xưa, tr e tầm vông nhiều lắm, nhưng từ ngày Pháp tới, tre bị đốn sạch ...”) mấy cây thốt nốt cao vòi vọi chống trời giữa đồng. Bên trái là núi Năm Vi, bên phải cách cánh đồng, núi Cô Tô cao sừng sững huyền bí. Hai bên đường ruộng cao thay đổi từng mùa. Lâu quá không thấy bóng người phu lục lộ sửa đường cho Củ Nhờ, mà con đường nầy đâu có gì quan trọng, hình như con đường dành riêng cho Củ đi lấy nước Chưn Num và chiếc xe đòn có hai đầu rồng, do bác Sáu Sâm ngồi lái đưa người nằm xuống ở Chưn Num với 3 tiếng trống điểm cho những người đi sau kể lể than khóc, và 3 tiếng phèn la cáo biệt, bà con ơi, tôi nghỉ chơi rồi nghe!. Mỗi lần gặp xe đòn, Củ Ướng phải ngừng khá lâu cho đám người đưa đám theo sau, những cây bàn đưa trắng, cùng bao nhiêu câu: Vĩnh du tiên cảnhnhựt lạc tây thiên, ... Con đường chạy thẳng đụng vào chân núi và mặt trời cũng lặn sau núi, người xưa khéo phóng đường nầy hẵn ngụ ý nhựt lạc tây thiên, và chọn đúng núi nầy làm nơi yên nghỉ cuối cùng. Mỗi chiều, mặt trời đỏ ối trước khi lặn, nắng bảng lảng nhuộm hồng đỉnh núi linh thiêng, một vùng trời tây vàng như lúa chín, ngưòi già chỉ cho con cháu, Kìa, ma phơi lúa đó!”.
Mỗi buổi sáng, dân Miên từ các sóc quanh núi đội trái cây, gà vịt, lúa gạo ra chợ bán, Củ Ướng đạp xe ngược chiều, nên biết mặt từng người. Những bà Miên đội những om đường thốt nốt, thủng thẳng trò chuyện với những ông gánh những ống tre đựng nước thốt nốt, những bà già gánh kẽo kẹt từng thúng gừng, giá.. ra chợ bán. Lâu rồi, Củ không thấy họ gánh khỉ, lọ nồi, chồn và thú rừng như xưa. Người ta đồn rằng khỉ bỏ núi đi rồi. Ðời sắp tới, không cần vô Sóc, Củ Ướng cũng biết mùa nào có loại trái cây nào, người nào dư ăn dư mặc, hay túng thiếu, Củ thường nói: Ngó cái xà-rông là biết rồi.
Chuyến xe nước trưa kéo về, vừa đúng lúc Củ chào những người chợ tan trở về Sóc. Họ thảnh thơi nhẹ gánh trở về với những quà bánh chợ. Ngược lại, Củ Ướng nặng nề đẩy xe ngược chiều, ai cũng lên tiếng chào Xóc xà bai (mạnh giỏi). Chưa bao giờ Củ Ướng ngừng xe nói chuyện phiếm với ai cả, vì ngừng xe phải lấy cây chống cho xe khỏi nghiêng mất công và mất thời giờ, nên mạnh ai đi đường nấy, Củ không buồn nghỉ ngơi, thân thể mệt rã rời từ năm nầy sang năm khác.
Vừa đẩy xe, đếm từng cụm cỏ hai bên đường, mỗi khóm cây dại là mỗi mấu chốt chỉ đường, cây cỏ nhắc Củ khoảng cách từ núi tới chợ, nó cũng nhắc nhở còn bao lâu mới được nghỉ ngơi. Ðám bông mắc cở gai góc, bông tím dễ ghét trêu chọc,  còn xa lắm mới tới chợ! “ Rặng tre tầm vông sau nhà thầy giáo Chấp, làm vơi mệt nhọc, lá tre mát ve vẩy chào đón an ủi, gần tới rồi. Tiệm nước, ở ngả tư chợ, Củ ghé đổ vài đôi, xe nhẹ hẳn đi, túi tiền không nặng hơn dù những tờ giấy bạc thấm nước và đổ mồ hôi, ghé đổ thêm vài nhà là xong. Hai đôi nước cuối cùng dành riêng cho nhà Củ Hòa, lu nước đãi những người Miên ra chợ. Dù mưa hay nắng Củ Hòa cũng đổ đầy nước. Củ Ướng xem lu nước làm phước nầy như của mình, lâu lâu Củ tự tay súc lu cho sạch, xong đâu đấy mới về nghỉ ăn cơm.
Chuyến xe nước chiều, đường thật vắng, chỉ dành riêng cho Củ, trong núi thời nào cũng vậy, sau 4 giờ ít ai dám bén mảng tới gần. Mấy ông không thù oán gì Củ đâu. Ly cà phê đen tiệm Chệt Nghén đủ cầm hơi suốt buổi xế trưa oi nồng. Nắng trời cao phủ xuống, hơi nóng đất đá dưới chân bốc lên, Củ như sống trong lò lửa không lối thoát.
Chuyến xe chiều về, sức hơi kiệt, tưởng chừng Củ có thể xụm bất cứ lúc nào, vậy mà Củ vẫn cặm cụi đi, một tay kềm chắc xe đạp, một tay đẩy xe nước, lắm khi cực quá, Củ Ướng càu nhàu, nói:  chết cho rồi cho khỏe thân! Sống cực như con trâu! “
Mùa nắng, nhiều người bất mãn kêu réo thiếu nước, trách Củ đổ không đủ. Làm cách nào hơn, sức người có hạn, nước giếng có chừng. Thỉnh thoảng, Củ Ướng đổ quạu trước những lời gay gắt của khách hàng.  Trời mưa anh có kêu tôi đổ không? “ Trời nắng cực, trời mưa nước nhiều làm người đổ nước cực khổ hơn. Ít người kêu nước, vì hầu hết dân chợ có lu hứng nước mưa dư dùng hằng ngày, chỉ một ít nhà nghèo không đủ phương tiện mới kêu nước.
Mùa mưa dầm, gió từ núi thổi như thét gào, lạnh từ sáng đến chiều, ruộng úng nước ngập đường, Củ Ướng nhọc nhằn kéo xe đi lỏm bỏm, chiếc nón tre đủ che đầu, áo quần vá loang lở, nước thấm vào người, Củ Ướng run cầm cập. Trời còn thương, Củ chưa bị bịnh hành hà, gia đình cần cơm, dân chợ cần nước.
Năm năm qua, sức khỏe càng suy lụn, căn nhà mướn gần 30 năm trước không thấy thay đổi, chỉ thêm người, con cái lớn dần, ăn nhiều mà chưa giúp đở gì được cho gia đình.
Chiều cuối năm, mâm cơm cúng ông bà, nhang đã tàn, châm thêm ít rượu, Củ cầm giấy vàng mả khấn vái lầm thầm, rồi quẹt lửa đốt, khói bay mịt mù quyện với khói nhà bên cạnh. Mấy đứa con chuẩn bị đón Tết, vui với bộ quần áo mới may. Suốt năm, hôm nay nhẹ nhàng, thảnh thơi nhất. Quanh đây nhiều người khốn khổ hơn, họ gọi nhau ơi ới, cãi cọ nợ nần cuối năm.
Mâm cơm dọn lên, Củ ngồi chồm hổm trên ghế ăn một mình. Củ uể oải gắp dĩa mì xụa nuốt xuống như nuốt nhọc nhằn. Số phận trời cho mình lãnh, biết trách ai bây giờ. Các tiệm buôn bán tính sổ cuối năm, Củ không cần lo nghỉ gì cả, mình không biết chữ, tính toán cũng không trôi. Củ uống chầm chậm ly trà chát chát, nằm gát tay trên trán. Trong đầu hiện lờ mờ hình ảnh hơn 30 năm về trước, Củ bỏ xứ ra đi, theo những người chung xứ cùng quê xuôi nam. Trước khi lên tàu, Củ mơ ước làm ăn khá, giống mơ ước của những người đi chung tàu, dư dả về thăm xóm cũ. Người đồng hương cùng lứa tuổi tới xứ nầy cũng nhiều. Ông Cáng xưa đẩy xe bán nước đá bào, bây giờ có tiệm cà phê lớn, ông Chiệp đẩy xe bán bánh nướng, bây giờ ở phố lầu, tiệm bánh. Tệ nhứt như Tửng Là, cũng có tiệm nhỏ ở góc chợ đỡ dầm mưa dãi nắng. Cửa biển Xua Tháo (Sán đầu) xa quá, mất hết liên lạc với bà con hương lý xưa, người lớn tuổi chắc qui tiên hết rồi. Thấy thiên hạ có năm gởi mỡ heo về cho bà con qua ngả Hồng Kông, bà con mỗi nguời húp một muỗng mỡ heo, thiếu ăn vậy sao? Củ muốn gởI về một thùng quà cho bà con ăn lấy thảo nhưng ngày qua ngày, không tiền nên giả vờ quên mất. Hơn 10 năm nay, giếng nước Chưn Num không còn là nguồn lợi, gia đình càng ngày càng đông, nước càng ngày càng cạn.
Ngày xưa, mỗi đôi nước 5 cắc, bây giờ mỗi đôi nước bảy chục đồng mà không đủ sống. Hàng năm, Củ lên giá vài đồng vào dịp Tết, Củ quên hàng hóa, thực phẩm, giá cả càng càng ngày càng cao. Chành ông Pểnh và mấy người chủ tiệm tốt bụng mướn người vét giếng nước sâu cho nước nhiều hơn, nhưng những ngưòi hão tâm nầythôi không nhờ Củ Ướng nữa, họ dùng máy bơm và xe chở nước về.
Giấc mơ về thăm hương lý, thăm bà con thân thích, Củ không buồn mơ ước, hy vọng đám con cháu khá hơn, ở hiền gặp lành. Câu châm ngôn nầy chưa đủ chứng minh, ít nhất trong thế hệ hiện tại. Cuối năm nay, không dư dả mua sắm thêm gì, trên bàn thờ tổ tiên, một nải chuối xanh, trái dưa hấu nhỏ héo, một đĩa quít đèo. Củ nằm cô đơn, đám con cái bắt đầu ra khỏi nhà, líu lo với bạn bè.

Củ muốn kể cho bọn nó nghe chuyện xưa vào dịp rảnh rỗi cuối năm. Ðể tao kể cho nghe: Tao với thằng Cởn, thằng Xua, ai nữa kìa, lâu quá quên! Bọn tao tối tối rủ nhau đi bẻ cà na trộm. Mấy đứa con gái đứng canh chừng chủ vườn cà naBây giờ chắc tụi nó già hết rồi. Có khi chủ vườn gặp tao, tao chạy mất, hồi nhỏ tao mạnh lắm kìa, không phải lôi thôi như bây giờ đâu! Cà na đen muối mặn, ăn cháo trắng ngon lắm bây ơi!  Củ Ướng lim dim, mấy mươi năm trước, Củ thấy thằng bé chạy vùn vụt qua vườn cà na, lão chủ vườn tru tréo con ai không có cha mẹ sao, bắt được tao bẻ cổ hết! “ Củ phì cười một mình, tiếp tục: Ðể tao kể nữa nghe bây Thằng Xồi con Củ thờ ơ,  Thôi có bao nhiêu Chệt nói cả trăm lần - chuyện năm xưa! “ Nghe con nói, Củ Ướng vấn điếu thuốc, nhấp ly trà nguội từ lâu, cụt hứng than thầm:  Ơi con cái thời nay mà!... Nước trên mái nhà chảy xuống, chớ nuớc có có chảy ngược lên bao giờ đâu! Thương nó mà nó có thương mình đâu, cũng may là chưa nhờ nó gì à!
Gác tay lên trán, lăn lộn, bực bội, Củ âm thầm chịu đựng. Năm nay, đoàn lân Phong Khê Lu mình, bọn võ sĩ tập thuần thục chưa? Còn đụng với xứ khác chớ. Ông Lào, trưởng đoàn lân, vờn chảo mã tấn cảnh cáo lân địch, bộ cước ông không tệ đâu nghe. Lân lão râu bạc mà! Bọn lân râu đen chạm phải xá ba cái, tránh đường nhường bước. Ðoàn lân Phong Khê Lưu, có bộ cước gia truyền, bộ tấn, chảo mã vờn như chân hổ, măt lân liếc trêu ghẹo lân địch, nhắp nháy trước khi leo sào cao đoạt phong pháo đỏ và phong lì xì phơ phất thách đố trên lầu cao. Chung quanh các võ sĩ tới lui nhịp nhàng, quất những đường roi va chạm nhau chan chát. Trống chập chả, phèn la dập dồn như sấm nổ, xác pháo bay, màu hồng hoan hỷ.
Nằm trên bộ ván ngựa một mình, miệng phì phào điếu thuốc vấn, Củ ngước nhìn những tấm liễn mới dán trên mấy cây cột gỗ, ổ mối bò ngòng ngoèo, chằng chịt. Mãy câu liễn mua ở chợ, màu đỏ rực, chữ kỹ xảo có hồn. Củ đọc thầm  Hảo ngữ hảo ngôn hành hảo vận, tân niên tân nguyệt phát tân tài “ Củ mĩm cười chua chát, tuyệt vọng, lẩm bẩm  phát tài cá mốc xì họ .
Củ gác tay che đôi mắt để khỏi thấy miếng vỏ sò trong chữ  tài trên câu liễn. Củ xoay mình oằn oại, những chiều cuối năm như vầy, nhớ cố hương quá, nhớ đến ngột ngạt thời thơ ấu, chép miệng:
           Nhựt mộ hương quan hà xứ thị
          Yên ba giang thượng sử nhân sầu
Bỏ sơn thôn hương lý, tưởng nên vương tướng gì, biết vậy qua đây làm gì. Nghe mấy thằng bạn mắc dịch rủ rê, bây giờ nó khá nó có nhớ mình đâu. Kêu mấy đầu hụi, nó than túng, sợ mình tỏ tịa không đủ trả, vì không có sinh lợi.
Hận nhứt là lão Gia Phong Chành, ngày hàn vi chia ngọt xẻ bùi, bây giờ ngoảnh mặt, xem như người lạ, gả con cưới dâu mà không mời, quên mất chữ kim bằng. Năm nào lão cũng bô bô:  A, cành mai nhà quá nở rộ, năm nào cũng nở mùng một tết lấy hên! Quá mua cành mai nào cũng tốt, cái này, ông trời thương, ông bà độ! Củ Ướng thì gặp vân hạn, cành mai năm nào cũng lép rụng, ít khi nở, Củ tự an ủi:  Nghèo thì mua mai rẻ tiền, làm sao bông nở tốt được, có tiền coi, tui bỏ bạc trăm ra mua, coi mai có nở rộ không? .

Quanh đi quẩn lại cũng chữ nghèo, nghèo ở chợ không ai ngó tới, Củ vừa nghèo vừa khuất trong hẻm cùng nầy, thì ai thèm ghé. Thuốc gồi càng hút càng cay đắng miệng. Quá khứ cũng khổ, hiện tại càng tệ, hy vọng tương lai, mà mua vé số cũng không trúng, số đuôi đánh 47 nó ra 37, đánh 81 nó ra 18.
Muốn kể cho con cái nghe chúng nó lại chê mình lú lẫn chuyện năm xưa. Thèm cà na muối quá, bùi bùi và mặn. Củ chép miệng, lẩm bẩm  Mẹ họ, mấy gánh hát Tiều tới đây, ông Bang Nám không dẫn tới hát nhà mình, chê mình nghèo hớ, trời có mắt mà coi. Lẩm bẩm chán, Củ Ướng than thở như ngưòi bịnh rên rỉ. Mình số phận cùng cực từ nhỏ tới lớn, trời không thương. Củ gõ nhịp, ngón tay gầy guộc như mấy cây lạp xưỏng khô, nhái lại điệu Huỳnh Mai, quanh đi quẩn lại cũng bấy nhiêu, cố nhớ mà không nhớ nổi thêm câu nào. Hay nhất là đoạn Chúc Anh Ðài nhứt quyết đòi cha phải sắm xe tang vào ngày đưa dâu để trọn tình với Lương Sơn Bá, hay quá, hay quá. Củ Ướng la lớn. Ðiệu Huỳnh Mai Củ Ướng nghe cách đây mấy mươi năm, trên bờ hải khẩu Xua Tháo, Củ đang ôm quần áo chờ xuống tàu mệt mỏi, lo âu, nghe tiếng còn, tiếng mất, một cô bé chừng 10 tuổi hát theo tiếng đờn gáo bừng bực bị át bởi tiếng chưn người qua lại. Tiếng cô bé thật áo não, mới 10 tuổi đầu, hát cho ai nghe? Trong cái nón rách mấy đồng tiền, khách qua lại bố thí chưa đủ nuôi thân nên cô bé gầy như que củi. Cô bé hát cho kiếp nghèo vất vưởng. Ông già ăn mày mù vuốt những ngón tay gầy trên sợ dây đờn gáo bén ngót. Ông mù nên không thấy ai thờ ơ qua lại, ông bị chìm trong tiếng đờn thê thiết của kẻ ăn xin. Ông già mù, cô gái bé nhỏ, tiếng đờn còn như văng vẳng đâu đây, mới hồi nãy kìa, Củ nhớ rõ lắm, Củ chìm đắm trong thứ âm thanh quen thuộc bị đánh mất, bây giờ tìm lại được. Củ hát theo, Củ quơ quàu hai tay chơi vơi như Chúc Anh Ðài ôm mộ Lương Sơn Bá. Tiếng hát Chúc Anh Ðài cao vút, tiếng hát Củ Ướng ồ ề vỡ ngực bay lên cao, Củ hát cho kiếp nghèo. Củ tưởng mình còn đang ôm gói quần áo đứng trên bến tàu cửa biển Xua Tháo. Tiếng hát Chúc Anh Ðài động tới Hoàng Thiên. Tiếng hát Củ cũng hòa chung một điệu í i..
Ðiệu Huỳnh Mai, Củ hát chưa dứt, đứa con đi ngang nói, ông già khùng! Củ Ướng càng bực dọc, không giải tỏa được: số phận cực cho tới chết vậy hè! Biết chừng nào có tiền về Tàu thăm bà con nè trời! “ .
Bà vợ tình cờ đang quét dọn, phì cười góp ý: Tại ông ăn CƠM CHÁY làm sao về Tàu được. Củ Ướng giật mình nạt lên như hét:  Chớ có chiều nào mẹ con bây chừa cho tao được chén cơm trắng không?
Viết thêm
Nhớ bao nhiêu viết bấy nhiêu, ngoài tôi ra thế hệ tôi không ai vô công rỗi việc, buồn nhắc và tìm hiểu, dân xứ tôi cũng không ai ưa đọc chuyện bá láp nầy, ai cũng lo chạy gạo. Tôi viết để tự nhớ và cám ơn thế hệ đi qua, hiền hòa, cho tôi kỷ niệm vui buồn thời thơ ấu.
11 tuổi đã xa quê, trí óc còn non nớt. Càng ngày đi càng xa xứ sở, không được gần gủi lâu dài để nghe chuyện cũ.
Ngày nay, lớn tuổi, trôi nổi, lao đao, bầm vập, muốn về quê một lần thăm mồ mả ông cha mà không có cơ hội. Tôi nhớ và bị ám ảnh cái quá khứ chiêm bao đã mất. Ai cũng tốt, chân thật, ai tôi cũng thương và muốn nhắc, vì ai cũng hiền lành, mần ăn ngay ngắn, đất nầy là hốc tì (phước địa) ai gian dối sẽ bị tàn mạt.
Xin kể thêm, dãy phố đầu chợ, từ bờ sông vô là tiệm Ðức Phong (bên ngoại tôi) Vạn Trường Xuân dược phòng(ông thầy thuốc ưa hát dân ca Triều Châu), tiệm bánh ông Chiệp xe (Tập Sanh) vợ chồng hút á phiện tới nghèo. Tiệm Hòa Sanh tạp hóa, ý Tư Lềnh lớn người, nói lớn tiếng, không mất lòng ai. Tiệm Vạn Ðức, Ðức Phước, tiệm bánh mì, tiệm bánh Ðại Ðức Chành, Bảo An Xương dược phòng, phố bác bảy Ðạo Chuối có xe đò (hư không trật ngày, nên On, con bác sửa xe rất giỏi) sau phố đó sang lại cho Ông Cả Lol cất làm phòng ngủ, bên cạnh là lô cốt thời Tây, nay không còn.
Chợ cất năm 1906, có hai vòi rồng trên nóc, cột đá, lợp ngói, cháy năm 1970 vì chiến tranh; Ðình cũng bị phá làm công viên, đầu kinh bị lấp xa thêm cả cây số. Nhắc thêm đau, mà không nhắc thế hệ sau không biết- cha ông mình sống ra sau. Hình ảnh và kỹ niệm đó mất đi thì uổng.
Tôi lại nhớ miên man. Ông Lào Tán (Lão Trần) kể chuyện bên Tàu, ở bên Tàu, đàn ông được ăn cháo đặc, đi làm việc nặng ngoài đồng, đàn bà ăn cháo lỏng làm việc nhẹ ở nhà. Bạn bè ở Nam Việt viết thơ về khuyên qua lập nghiệp. Cơm gạo dư dả, mùa Trung Thu, lượm trứng vịt không hết. Qua đây mới biết, dịp rằm tháng Tám, các tiệm bánh làm bánh Trung thu chỉ lấy tròng đỏ, bỏ tròng trắng, lượm ăn không hết.
Nhớ thương tỉa Xới Chia, hiền hậu, mặc áo Tiều trắng, quần lảnh đen, làm ăn vừa khá, tuổi già, sắp sửa về Tàu thăm vợ lớn và con trai một lần. Vợ lớn và con trai trông ngóng gặp mặt chồng mặt cha một lần sau mấy mươi năm xa cách, chưa được mừng gặp gở thì tỉa mất.
Dân gốc Tàu đến xứ tôi lập nghiệp khá đông. Quận có bốn dãy phố đầu tiên, lợp ngói âm dương, lầu ván, cửa gỗ gài thông hồng, lót gạch tàu. Bên hông chợ có mườI căn tiệm đâu lưng. Tôi nhớ không sót một hiệu tiệm. Năm 1981, tại trại tỵ nạn gần Tuubingen, tôi gặp một thiếu phụ thông dịch viên, gốc tỉnh S. quê nội tôi. Lâu ngày bặt tin Việt Nam, tôi hăm hở hỏi thăm ngay về tỉnh S. Bà chận lại, giọng chan chát, Tôi đi lâu quá rồi Từ 75 đến 81 có 6 năm mà quên quê hương mình, bà đó còn trẻ mà mắc bịnh amnesia, tôi xa quê mấy chục năm mà nhớ như in, bịnh dementia.
Năm 1998, trước tôi một thế hệ đi không còn một người.
Dân Tàu đợt đầu tiên đến lập nghiệp sống quanh chợ, buôn bán, từ đầu thế kỷ 20, nắm trọn vẹn việc thương mại. Có người thuộc từ thế hệ đầu, một số thuộc thế hệ thứ hai, còn trọng giá trị đạo đức cổ truyền. Cơ sở tinh thần là chùa ông Bổn. Người lãnh đạo là ông Bang Ứng Vĩnh Phong Chành, lớn người có ba giòng con. Ai ở Từng Xua (Ðường Sơn) qua dều được ông dắt đến từng tiệm, uống trà, xin vài hột gạo, lấy cái lộc của người đồng hương. Ai đến xứ nầy đều được đồng hương đùm bọc, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, dù là những gánh hát Tiều rả gánh, họp thành nhóm, xế trưa đến các tiệm buôn hát mừng, các tiệm cà phê bao cơm nước cho họ.
Ý Lèn, vợ hai ông bang Ứng mất, làm rúng động dân Hoa kiều. Ý Lèn hiền quá, ai cũng thương, để lại thằng Tỷ. Ông bang Ứng cưới vợ ba, bà nầy lấy dao gạch đứt tay Tỷ. Dàn hát máy hát tuồng Phạm Công Cúc Hoa ra rả, áo nảo nhứt là lúc Cúc Hoa hiện hồn về bắt chí cho Nghi Xuân, như lửa thêm dầu, các bà có cơ hội thổi phồng cảnh mẹ ghẻ con chồng, công khai chửi đàn ông có vợ bé, sợ con mình bị hành hà như Nghi Xuân Tấn Lực bị mụ Tào thị bắt dang nắng dầm mưa chăn vịt. Sự trùng hợp đó làm Tỷ nổi tiếng, đi ngang nhà ai cũng bị kêu vào xem vết đứt trên tay, vừa thương cảm nhắc ý Lèn, phải còn mẹ đâu đến đổi vậy! “ Chuyện nhỏ xé to, dân Tiều họp lại làm áp lực chuyện mới chấm dứt.
Tôi nhắc ông bang Ứng vì ông là người ơn của gia đình tôi. Mỗi lần có tin Việt Minh về gia đình tôi đến ngủ nhờ phố ông, cửa cây, tấn bằng những cà ròn muối, chống đạn. Năm 1945 Thổ dậy, ra Mỹ Ðức lánh nạn, lúc trở về tiệm bị dọn sạch, cái nồi cái chén không còn, trời tối, ý Lèn kêu lại nấu cháo cho ăn. Trưa trưa ý Lèn thường dẫn Tỷ (con ruột) và Hạng (con của vợ lớn của con trai vợ lớn) ra chợ ngồi ăn quà. Ý thương Hạng như con ruột. Hôm đám ma ý Lèn, lúc động quan, Hạng nhào khóc ngất kêu Má, má(bà, bà) bà nội ruột Hạng ở bên Tàu. Ý Lèn mất, đâu còn ai thương Hạng, nó lưu lạc lên Nam Vang mất tăm.
Giới nhà máy xay lúa, xăng dầu, vận tải, lò heo do dân gốc Tàu chủ động. Ðường xe ra Long Xuyên, hảng Tân Nguyền của củ Xụl, đường ra Châu đốc, đổ bao nhiêu máu bộ hiền và tài xế vì mìn đạn làm giàu cho hảng Tân thành của ý Hía.
Ngoài rìa chợ, dọc theo đường ra Châu đốc hoặc ngược vào núi Tô có những ngôi nhà xây đá cổ, hâu hết gốc thầy, thầy ký, thầy giáo, giàu xưa, tiêu biểu là ông Hội đồng Kết, Tàu lai Miên, hiền như đất. Gia đình ông Hội đồng nắm hết quyền hành chánh và giáo dục trong quận, tất cả chưa làm mất lòng đứa con nít, sống rất trong sạch, không quan liêu hống hách, xem dân bổn phố như thân nhân, xưng hô hia, chế củ, kiểm ... “ Tôi vẫn thường gọi ông Hội đồng là ông củ.
Thêm giai cấp công chức gốc người Miên ở quanh chùa Trên tiêu biểu là ông Ðốc Nâu hay nói tiếng Pháp, thầy ký Seyla, thầy Tích, thầy Khách, thầy Hoạnh, thầy Kul, cô giáo Ni, thầy Xét.... gia đình họ lên Nam Vang có người làm Tỉnh trưởng.
Trường Miên tổ chức chặt chẻ, có tới lớp Nhứt, lâu đời, học sinh giỏi tiếp tục lên Nam Vang học rồi ở luôn không về. Trường Tiều khi mở khi đóng bất thường. Trường Phước Kiến ngưng hoạt động, còn lại tòa nhà cũ.
Tôi không quên nhắc những người dân Miên nghèo sống quanh các ngôi chùa trong Sóc dọc theo chân núi, thật thà, sợ tội, ưa làm phước. Bao nhiêu thế hệ đi qua không lưu lại dấu vết gì. Ông Tà Ni đập chó, tiếng là ác, ông đập chó để đổi lấy miếng cơm và ly rượu công xi. Con Ðiên chợ Xà Tón năm 1950, tiếng là điên, sống nhờ miếng cơm dư của thiên hạ. Ác như ông Tà Ni, điên như con Ðiên mà vô hại, không ai ghét. Khôn như quan một Sử, bắt người khảo của, Nội an Bổn cho thuộc hạ vô Sóc lùa bò, hai người nầy gốc gác ở xứ khác.
Tôi không biết nhiều về xóm dọc bờ kinh, nhà nào cũng có bàn Thông Thiên, một lon cặm nhang, một bình bông trang và ba chung nước cúng trời đất. Họ có đạo tâm, giữ gìn giá trị đạo đức tuyệt đối, nhẫn nhục và an phận. Mưu sinh ra sao không rõ.
Có khoảng vài gia đình theo Thiên Chúa Giáo gốc cù lao Ven, sống ở đầu kinh, bắt trăn dưới bưng bán cho người lột da, bán thịt bán mật, đi lễ ở nhà thờ cất sát bên thành lính Tây. Thành lính Tây sau nầy làm Chi khu, rồi bị phá làm rạp hát, một cuộc hí trưòng.
Trước năm 1960, đầu kinh ở sát đường dọc theo hông chợ phía đông, tàu lồng cu, xà lan và ghe chài, ghe nồi đậu nghẹt bờ kinh rộng. Ngày nay (1975) kinh bị lấp dần cả hơn cây số, nhà cửa cất san sát choáng hết đất.
Gia đình tôi bắt đầu ở Sóc, dờI lên chợ, sang lại tiệm tạp hóa của Chệt Chiêu, tiền vay bạc của Khánh An chành, sau chuyển sang thí hụi bán đồ sắt.
Năm 1954, Ngô Ðình Diệm cấm Hoa kiều mấy chục nghề, ông già tôi bỏ giấy Minh hương nhập Việt tịch, cuộc sống không thay đổi gì. Ông là dân tỉnh xa, bỏ xứ đến đây lập nghiệp, ảnh hưởng chút ít văn hóa Pháp.
Ông chăm chỉ làm ăn nuôi con, muốn con đi học hơn là buôn bán, khoảng thời gian đầu với đủ thứ áp lực của Xếp lùn, thằng cha Tây Răng, phú lích Miên, lính kín, Việt Minh, sự nhịn nhục sợ hải ông ảnh hưởng nặng nề nếp sống tâm lý tôi, thấy ai ở quê tôi cũng sợ, nhút nhát đến độ ít dám mở miệng. Ông bảo vệ tôi như đứa bé lên mười ngu ngốc, sợ người gạt gẩm dụ dổ làm khó dễ tôi. Hầu hết bạn bè gốc Tàu đều là lính kiểng, hoặc lo tiền hoãn dịch, ở xa về lén lút tránh tai mắt. Tôi nhịn nhục tới đờ đẩn ngơ ngáo. Hôm đám cưới Nhền, tôi ngồi khép nép với những tên bạn học cũ, cách xa bàn chức sắc và đám giáo lá. Thiếu úy L. gốc địa phương, trưởng ban gì đó của Chi khu bước tới, những đôi mắt lo lắng giùm tôi, hắn vổ vai tôi, cười nửa miệng Hia mới về hả, nhậu đả đi, tôi không khó dễ gì đâu, dân xứ sở mà! “ Tôi chưa phản ứng gì thì hắn đã quay lưng. Bàn tự nhiên mất vui, mấy tên bạn muốn dặn dò tôi điều gì mà ngài ngại. Sau đó nghe nói nhà tôi biếu hắn hai chai Martial (giống tên Martel).
Lâu lắm mới biết hắn nhắc tôi phải biết điều như đám thằng Sóc Khiếm, thằng Tỷ. Rủi cho tôi vì sự ngu dốt không hiểu ngụ ý hắn , làm ở nhà tốn cặp rượu, nếu ngay lúc đó tôi thông minh hiểu ý, thì chắc hắn ăn ghế lên đầu, ông già tôi sẽ điên lên vì sợ.
Việc buôn bán càng phát đạt, tiền vô tiền ra dồi dào, con cái lớn yên ổn, đi xa, có đứa đi nhảy dù, tử trận ở Hạ Lào. Chánh quyền địa phương hết làm khó dễ, nên ông bớt bị áp lực, tinh thần thoải mái hơn, giới thương mại có thể dùng tiền mua chuộc giới cầm quyền. Ông ủng hộ thành lập trường Tiều, cho vài đứa con trở lại học chữ Tàu. Mấy đứa con cười ngửa nghiêng nghe tin ông đắc cử Hội trưởng Hội Phụ huynh Trung học quận. Mỗi tuần ở nhà chừng hai ngày, thời giờ đâu làm việc, ông trả lời tỉnh tao ký tên thôiLớn lên tôi đi làm xa, coi như yên một đứa, sự liên hệ tình cảm cha con lợt lạt, đối thoại khó khăn. Mỗi lần Tết về quê, ông gián tiếp cằn nhằn bà già, ép tôi lập gia đình với con chủ vựa trái cây ở Chợ Lớn, con tiệm vải, tiệm tạp hóa, biết mần ăn, lời một ngày bằng cả tháng lương thầy giáo”.
Sáng sớm mồng hai Tết năm 1975, tôi xách gói đi xe tài nhứt để kịp lên Sài Gòn lo hồ sơ xin thông hành xuất ngoại. Ông nằm ngủ nướng trong mùng, nói vói theo, dặn lên Sài Gòn cần tiền cứ mượn thân nhân rồi ông gởi trả sau. Ðó là lời trăn trối dặn dò cuối cùng. Những ngày khốn đốn vì Cộng Sản, con đi tứ tán, ông đi quanh quẩn ở nhà, hứng chí thì hát Tiều một mình, bạn bè tới ngồi chơi, nhắc tới con cái, ông thở dài than, xa xua, lặt hái chiệt hun tì”, tam sơn lục hải nhứt phần địa, núi ba phần, biển sáu phần, đất chỉ là phần nhỏ. Xa xăm quá. Những ngày cuối cùng, ông chống gậy lên núi Chưn Phnum tìm chỗ nằm theo hướng phong thủy, tec hóc xềnh hun chuối ,đức phước thành phong thủy . Ngày nhắm mắt ước ao thấy mặt con lần cuối. Nhựt lạc Tây thiên, mặt trời lặn ở hướng tây. Bao nhiêu năm nay, nằm bơ vơ trên sườn núi, bầy con lưu lạc chưa đứa nào có ý định xên mến, thanh minh, về dẩy cỏ, lợp mả cúng heo quay, viện lý do bận làm việc nuôi con, trả nợ mua nhà, đứa nầy nạnh đứa kia, kê kía ky xí pể” (con đông đói chết cha). Bạc phước!

                                                          Ðể lại cho con, Lưu Linh Kiwi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét