Tiếng khóc con điên
LƯU NHƠN NGHĨA
Mùa mưa lạnh lẽo vùng đất Bảy Núi lầy lội, ít ai muốn bước chân ra khỏi nhà, nhưng nắng hành hạ dân không kém, đi suốt cả gần nửa ngày mới gánh được đôi nước Chơn Num, nước màu trắng đục, uống chua chua, dân xứ khác tới thường bị chanh nước, bụng lớn, da vàng mét. Thế mà cũng có nhiều người tới đây lập nghiệp, cái nghiệp nghèo.
Dân quanh chợ hầu hết gốc Triều Châu, buôn bán ở trong năm dãy phố cất từ xưa, mái ngói đỏ. Nghe nói thời đó vùng này còn là rừng dừa, khỉ đu từng đàn, dám chọc phá người đi một mình, nên đặt tên là xứ ”Xà Tón“ (Swaton = khỉ đu). Dân Tàu lập nghiệp gần khoảng 60 năm chen chân cạnh tranh không xuể ở các tỉnh lớn, lui dần về đây, vì dân Miên “chưa biết đi guốc“ dễ làm ăn, thất bại, một số người cùng đường lại bỏ đi nữa, lên Nam Vang, cái xứ “Trai vô bạn biển, gái về Tà Ke“.
Dọc theo chân núi đồi là những sóc Miên, nhà sàn, phần dưới nuôi gia súc, phần trên người ở, họ sống bằng nghề làm rẫy, dệt vải, nặn nồi om, mang ra chợ bán. Họ di chuyển bằng xe ngựa, voi, hay đi bộ. Ẩn hiện trong những hàng dừa, tre, thốt nốt, có những ngôi chùa Miên, mái cong như những ngôi tháp chứa hài cốt thiêu, làm tăng vẻ huyền bí xa xôi.
Mỗi buổi sáng, các sư sãi chậm rãi đi khất thực, len lỏi qua các khóm tre, bọn “Col Sóc“ (chú tiểu) lẽo đẽo theo sau kêu lớn “Lốt chăm bai“ (Sư độ cơm). Các bà Miên quấn xa rông sặc sỡ, đi chân đất, kính cẩn bưng cơm để nhẹ vào bình bát ông Lục, thức ăn giao cho Col Sóc trong gà mên. Đời sống trong Sóc nghèo thong dong và thanh thản, thời gian như ngừng đọng lại.
Con kinh đào như lưởi dao bạc, đêm về lấp lánh đâm thẳng ngang hông chợ có hai vòi rồng trên nóc. Xứ kinh cùn chợ ngang vì vậy thế đất hư không phát thiên tài nhân kiệt. Dọc theo kinh, dân Việt sống bằng nghề giăng câu, hái rau cỏ đồng, bắt rắn dưới bưng, bán đổi gạo. Ruộng bao la nhưng đất phèn dày đặc, lúa tranh không nổi với cỏ ống, không nghe nói năm nào trúng mùa cả.
Xứ nghèo, ba nếp sống văn hóa chủng tộc dị biệt hòa hợp tương đắc, chưa va chạm nhau bao giờ. Rằm tháng Bảy, thí vàng, cúng kiến chùa ông Bổn, ngày tống gió đình Việt Nam, Đôn Tà, He cà thưng rước Phật, đua bò, đều được tất cả tham gia. Dân giàu lòng vị tha mà sao không thấy ai phát quan, phát tài gì cả. Năm 1945 nghe đồn phong trào Cáp duồng, chỉ nghe đồn chứ không xảy ra. Tiếp theo năm 1945, Việt Minh chụp đồn, súng nổ đủ loại, cháy một dãy phố xưa. Sáng hôm sau, người ta dập dìu bó xác người thân đi chôn vội vã, ở Chơn Num, thiếu tiếng trống phèn la đưa tiển như thường lệ.
Xứ nghèo, Trời không thương, người ta khô nước mắt vì đậu mùa giáng xuống năm kế tiếp. Chưa hết đâu, xứ kinh cùn chợ ngang mà ! Ông Đạo núi Tô xuống rao sấm truyền. Lính Commodo Maroc đi bố ráp quanh quẩn, thêm một số người bỏ ra chợ kiếm ăn, làm thuê, gánh mướn.
Nhân vật bỏ sóc núi lang thang ngoài chợ trông quen mặt nhất là con Điên. Điên tuổi khoảng gần 20, da đen bóng. sạm nắng, mũi cao và thẳng, mấy chiếc răng vàng lấp lánh trong miệng, tóc rối bời, áo quần rách bươm, nhớp nhúa, lúc cười ngây dại, lúc khóc trông gớm ghiếc, ít ai biết Điên từ Sóc nào tới, vì bịnh điên, nên người con gái Miên này mang tên Điên. Điên thường ngày đứng dựa cây cột đá cạnh nồi hủ tiếu góc chợ kiếm ăn, lảm nhảm một mình. Có người kể, Điên xưa thuộc con nhà có ăn ở sóc Ô Thôm, biết tiếng Tây từ 1 đến 10, một thanh niên cùng xóm mê theo đuổi thất bại nên bỏ ngải độc hóa điên, mất luôn cha mẹ lưu lạc theo người ra chợ xin ăn qua ngày. Điên hay đứng trước các tiệm quanh chợ, lấm lét nhìn người ta quây quần trên chõng tre, ăn cơm chiều. Thời bình tịnh, cơm lúc bây giờ chưa phải là món xa xí phẩm như ngày nay, người ta cho Điên gói cơm dư đựng trong lá sen, thảo hơn, chan thêm một ít cá kho. Điên vừa đi vừa bóc ăn. Buổi sáng chợ đông, dân sóc đội trái cây ra chợ bán không hết, còn một ít trái héo dành cho Điên, cháo khét đáy nồi cô Xiệu tan buổi chợ đông Điên cũng có phần. Không ai dư dả cho tiền Điên, và Điên không biết xài tiền, cũng không ăn mày thật sự.
Sự có mặt Điên trong chợ Xà Tón góp phần ý nghĩa cho sinh hoạt hàng ngày. Buổi sáng, Điên thưòng trốn ông quét chợ, vì Điên hay bươi những đống rác ông gom sẳn chờ xe đến hốt. Sợ nhất là ông già ăn xin cầm gậy dọa, ngại Điên chia phần. Buổi trưa chợ búa thưa thớt, còn những chị bán quà trưa ngồi trở những gắp chuối nướng trên lò than hồng, trò chuyện với chị bán chè khoai bên cạnh. Điên véo von múa hát điệu “Lam thol“, tạo tiếng cười thoải mái cho giới buôn thúng bán bưng. Họ cười nghiêng ngửa, không khác tiếng cười Điên bao nhiêu.
Điên không phá phách ai bao giờ, vậy mà chính Điên là đối tượng cho đám trẻ con trêu chọc thường lấy cùi bắp ném Điên, người lớn không khuyến khích mà cũng không ngăn cấm. Ông Đạo áo vàng núi Tô, bới tóc cao, râu dài, dáng tiên phong đạo cốt, mỗi lần xuống chợ đưa cây gậy chạm đầu rồng ngậm châu, niệm thần chú làm phép cho Điên, ông dặn “Tu nghe, ăn tương nghe“, nhiều lần làm phép, nhưng Điên vẫn chưa tỉnh.
Những đêm mưa lạnh, gió từ cánh đồng thổi qua con kinh mang theo giá buốt, mưa miền đất núi lồng qua chợ trống. Điên nép mình co ro dưới cột đá khóc sướt mướt. Tiếng khóc gào run rẫy, được gió núi nâng cao hòa với tiếng mưa bão bùng. Điên khóc vì cô đơn hay lạnh lẽo ? Điên không kể lể gì trong tiếng khóc. Dân phố quanh chợ hàng đêm, suốt mùa mưa quen thuộc với tiếng nhạc Điên, giúp họ cảm thấy ấm áp với gia đình hơn.
“Me ơi, Me“ (Má ơi, Má). Trong óc Điên, lởn vởn hiện về những buổi trưa gay gắt nắng, nô đùa với bạn cùng tuổi, tắm nước giếng bên căn Tha la đúc, chia nhau những trái khế chua, uống một ống nước thốt nốt, những buổi cơm gạo đỏ với mắm, với cá xấy khô trộn bông xà đâu, cùng gia đình trong căn nhà sàn, thơm phân voi. Điên nhớ lờ mờ hàng thốt nốt cứng cáp, cao ngất trong sóc xưa. Đám He Cà thưng, đám rước Phật, ngày lễ rước nước lên khi nào kìa ? Nhà Điên xa quá, tăm tăm mù mù, không thấy đường về. Con sóc đuôi dài đu qua cành cây bưởi bên nhà Điên dưới chân núi Ta Pạ, không phải, con cua đồng bò ngang ruộng mạ xanh loang loáng nước dưới chân núi Năm Vi mà ! Ủa ! mà rắn thần Naga biến thành ghe ngo - nhiều người bơi theo tiếng la trên kinh Cây Me đâu rồi ?
Chiều nay, khuya rồi, chờ hoài sao không thấy đàn chim học trò bay về núi ? Điên bật cười sằng sặc, ôm ngực tức tưởi. Chợ trống, áo rách lưng, cột đá lạnh không đủ che mưa gió bốn bề, lạnh quá, “Me ơi ! Me !“
Tiếng gió mưa tầm tã, đệm cho cô ca sĩ Điên đơn độc lạc lõng gào thét van xin được nằm trong tay ấm áp chở che của mẹ như ngày xưa, Điên làm cho các bà mẹ mũi lòng, lo âu, sợ mình mất sớm, con cái sẽ vất vưởng bơ vơ đầu đường xó chợ như Điên.
Một đêm, thằng em tôi đang lúi húi xé giấy đậy cái lồng cho mấy con chim áo già nó nuôi khỏi bị lạnh, nghe tiếng Điên kêu khóc ngoài chợ, nó ngơ ngác hỏi : “Ủa ! sao nó điên mà nó biết kêu má nó vậy ? ! !“
Chú thích :
(1) Câu ca dao thường nghe vùng biên giới Việt Miên
“Nam Vang lên dễ khó về,
Trai vô bạn biển, gái về Tà Ke“
Ngụ ý chỉ những người túng cùng, thắt ngặt đến độ không sống được phải bỏ đi xứ người tìm đường sống. Ở chính quê hương mình không đủ khả năng để sinh sống, tương lai hầu hết của những người tay trắng này bắt đầu nghề làm công (bạn = những người làn công) ở Biển Hồ. Vì thất chí xa nhà, lại khó vươn lên được, họ tìm giải trí bằng rượu và cờ bạc nên thua lỗ, nợ nần, làm công suốt đời.. Phụ nữ càng khốn đốn hơn, dễ bị gạt sống bằng nghề buôn hương bán phấn. “TÀ KE“ : tiếng Miên mượn gốc tiếng Triều Châu “Thào Kê“ (đầu gia = chủ nhà hoặc người chủ nhân) biến nghĩa đi, chỉ các lầu xanh. Mụ Tào Ke dùng như mụ Tú Bà. Tình trạng tuyệt vọng của các nghề này trai gái khó dư dả và hứng khởi trở về quê mình.
(2) Đôn Tà : một cuộc lễ lớn của Miên, vào khoản tháng Tư như Tết Việt Nam
(3) He cà thưng : đám rước tượng Phật. Thường tượng Phật đặt trên giá có người khiêng, theo sau là đám rước có giàn nhạc ngũ âm phụ họa.
(4) Cáp Duồng : Chặt người Việt. Phong trào này xãy ra trước năm 1945, trùng hợp với chính sách chia để trị miền Đông Dương (Việt - Miên - Lào) của Thực dân Pháp.
(5) Chơn num : chân núi.
(6) Lam Thol : một điệu vũ Miên, có khi hát đối đáp.
(7) Xà đâu : một loại cây mọc ở Miên và vùng biên giới, bông và lá ăn đắng nhưng vị ngọt, trộn với cá xấy, dưa leo, rau thơm, thịt luộc, thái mỏng, bóp cho mềm, chấm nước mắm me chín.
(9) Chim học trò : loại chim chiều chiều bay về núi, con nào bị bỏ sau gọi là chim thi rớt.
(10) Chim áo già : bằng chim se sẻ, mỏ xám cứng, đầu lông đen, mình lông màu già, thường có nhiều vào mùa lúa. Ngày nay đã tuyệt chủng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét