Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

CHUYẾN XE CUỐI NĂM

    Chuyến Xe Cuối Năm


LƯU NHƠN NGHĨA

Thân tặng Trương văn Tấn . Scheidegg .Tây Ðức .

Bóng cây thốt nốt ngả dài trên cánh đồng,  vơ giữa đám khói đốt đồng mờ như mây trắng, sót lại những gốc mạ màu xám tro. Mãy chiếc xe bò đủng đỉnh từ xóm hai bên đường chở đầy những bao lúa cùng mấy người bạn hàng chờ xe. Mãy con bò cui cựa quậy, quẩy đuôi đuổi muỗi mòng, thở phì phò, tiếng lục lạc leng keng. Gần ba giờ chiều cuối năm, chuyến xe trên đường về bỏ lại sau đám bụi mịt mù. Chú bảy Tề bớt ga tắp xe vô lề, bơ phờ, lơ đãng nhìn mấy người lơ xe đở những bao gạo từ xe bò lên xe hàng. Chú bảy Tề nghe thoang thoáng tiếng trả giá giữa người tài phú và bạn hàng, đám người này không làm chú quan tâm. Trong xe nóng như lò thiêu, ‘chạy’ anh lơ xe la lớn, chú bảy sang số xe cọc cạch, xe lăn bánh chậm chạp. Con đường vô núi lồi lỏm, đá xanh lởm chởm, thùng xe nghiêng ngửa nhảy nhún kèn kẹt than thở, cứ như sắp sửa rớt ra từng mảnh một. Những cụm tre già bên đường dương lá quét xoàn xoạt trên cửa sổ xe. Bạn hàng chen chúc lắc lư trong xe hay ngất ngưởng trên mui quen thuộc với thứ âm thanh khó chịu này, nhứt là tiếng cười nói xô bồ pha lẫn tiếng heo kêu en ét và gà vịt trong giỏ tre. Quần áo lam , sáng sớm họ theo xe vào Sóc Miên bắt heo, mua gà vịt, lúa thóc chở về chợ bán. Chiếc xe ọp ẹp, con đường gập ghềnh bụi bặm mùa nắng, lầy lội vào mùa mưa là phương tiện và sinh lộ cuối cùng của họ, dù con đường đã trở thành cấm địa lâu rồi, sau năm Mậu Thân. Họ cười nói hay cằn nhằn tùy mức độ lời lỗ trong ngày.

‘Trái cây bây giờ mắc quá, mắc hơn hồi đó, đánh hoài ai dám lên núi mua’, một bà than thở, tay vịn trên thúng trái thanh trà và mấy trái sa kê. Chệt Bá cũng góp chuyện ‘Heo bây giờ lên xuống hổng chừng hổng đổi!’. Sinh hoạt trên xe giống sinh hoạt chợ búa. Chợt dì Tam ngưỡng cổ ra trước hỏi: ‘Nghe nói ra giêng anh Bảy nghỉ hả?’ Giọng thờ ơ của dì Tam, hỏi cho có hỏi, chú bảy Tề trả lời theo tiếng thở ra ‘Dà’. Dì Tam an ủi lấy lệ ‘Thôi già rồi, nghỉ cho khỏe, tui ráng đi tại bầy con đông quá’.

Chú bảy Tề im lặng, tay giữ cần số lụp cụp. Hôm nay là ngày cuối cùng đời tài xế, bằng lái xe hết hạn mấy tuần rồi, chủ xe giữ chú lại đến cuối năm để tìm người khác thay thế. Mệt mỏi rã rời trước sự thay đổi chú chưa nghĩ tới hay không dám nghĩ đến có ngày như hôm nay. Chú cầm tay lái, nhìn bơ phờ về phía trước, con đường xám bên trái là núi đồi xanh, bên phải đám ruộng xám rải rác những túp nhà lá xa xa. ‘Mau quá’ chú lẩm bẩm.

Dì Tam nhắc đúng lúc, chú Bảy cười gượng gạo một mình, uể oải chuyện trò. Chú quên mất mình đang lái chiếc xe cũ kỷ ọp ẹp. Trên đường này, mỗi hòn đá xanh, mỗi gốc me già với bước thăng trầm qua mấy mươi năm. Xa lúc chú về đây, chỉ vỏn vẹn mấy chiếcxe đò cũ của hãng Tân Thành và xe ông Bảy Ðạo Chuối. Chú hân hạnh lái chiếc xe Renault mới kéo về, hiệu Lợi Thành. Chức ‘Sớp phơ’ chú mang không cao trọng như thầy ký thầy thông ngôn, nhưng không tầm thường như dân lao động khác. Hơn nữa, chú hãnh diện cầm xe mới chạy, dễ gì tìm được tài xế xe hàng bốn dấu xứ này.

***

Mỗi buổi sáng, dù mưa hay nắng, chú bảy Tề trong bộ pyjama lụa lèo ủi thẳng, đầu đội nón nhung Fletcher đỏ, thong dong tới tiệm nước ngồi cà phê hủ tiếu, bình tỉnh hút thuốc nhìn chiếc xe màu xám đậu trước chợ. Mấy anh lơ xe hì hục chất chồng những bao gạo lên xe. Hàng hóa ngổn ngang, bạn hàng và bộ hiền lào xào tìm chỗ ngồi, ngong ngóng nhìn chú Bảy. Họ thích đi xe mới, ít nằm đường, chạy mau kịp buổi chợ đông, rau trái không hư hao, về nghỉ ngơi sớm.

Chú bảy Tề thong thả hút thuốc, ai nôn nóng mặc ai, chú là người quan trọng trên xe này. Mãy người lơ nghe lời chú răm rắp, chú lại được dân phố và thầy chú tin cẩn nhờ chuyển thư tay ra tỉnh. Ðến giờ chạy, chú sửa lại áo, nghiêm trang ngồi trước tay lái, anh lơ xách tay quay, quay mấy vòng cho máy nổ dòn. Sau xe, bộ hiền chen chúc, xóc xẩy, rộng chỗ hơn. Xe đi ngang thành Phú lích, chú vẩy tay chào anh lính đứng gác, quen mặt hết. Ngay đến cò Hiến Binh đầu đỏ nể nang chủ xe, ít phạt vạ khó dễ chú. Ðến qua chợ Cây me, chiếc cầu bắc ngang kinh Tám Ngàn, cầu run rẩy đáng sợ, tài xế tay yếu dễ để xe va vào lô cốt bên cầu lấn ra lộ. Quá quen thuộc đường, chú không cần chú ý đến những ổ gà trước tha la chùa Tà đét; đổ dốc núi ‘Bà đội om’, qua cầu lỏng lẻo, hố sâu thăm thẳm, chú thường ghé chở những cà ròn khoai núi, những quày chuối xanh. Tới chợ Phong Chưng, bộ hiền Miên xuống trống xe, chú thản nhiên nghỉ ngơi nửa giờ giải khát, mặc mấy người lơ xe ơi ới gọi nhau lên xuống hàng hóa. Dốc Nhà Bàng nghiêng cao ngất xuyên qua hẻm núi, trên đỉnh cao, tảng đá chất chồng chênh vênh hình mỏ két làm nhân chứng thời gian. Chú thích ngâm nga hai câu thơ quen thuộc:
‘Ðèn nào cao bằng đèn Châu Ðốc?
Dốc nào đứng bằng dốc Nhà Bàng?’
Qua khỏi dốc, ghé chở những cần xé mảng cầu, củ sắn, tùy mùa. Xe đến chợ Nhà Bàng, đậu chờ khách từ Tịnh Biên đổ sang, chú Bảy ngong ngóng người bộ hiền đặc biệt thường mang cho chú phút giây nhẹ nhỏm. Cô Út, người bạn hàng buôn bán hàng nhảy dù Nam Vang xuống. Cứ nhìn kiếng chiếu hậu, chú Bảy luôn luôn cảm tưởng cô Út cười riêng với mình, bốn mắt gặp nhau trao đổi lặng lẽ nhờ khung kiếng chiếu hậu mối mai.

Hàng hóa cô Út không cồng kềnh được xếp cẩn thận, thường khi cô Út được ngồi ngay trong cabine bên chú Bảy. Cô Út luôn luôn bắt đầu, ‘Anh Bảy à’, giọng nói cô Út chơn chất, nhỏ nhẹ chan hòa tình cảm. Câu chuyện đơn  của người thiếu nữ vất vả ngược xuôi, chuyện lời lỗ khó đoán trước, quanh đi quẩn lại được kéo dài suốt khoảng đường Nhà Bàng - Châu Ðốc. Mùa mưa, trời lành lạnh, quạt nước quét xành xạch trên kính mờ, trong cabine là thế giới yên tỉnh ấm cúng dành cho hai người. Chú Bảy chắc lưỡi, ‘nghe cô Út cực khổ, qua thấy thương, chờ qua khá, qua kiếm xe hàng đường Sàigòn gởi gắm!’. Cô Út cúi đầu, tóc nâu sẩm, da sạm nắng mưa hai mùa, làm sao so sánh với mấy cô giáo làng, bà thông bà ký. Chú Bảy và cô Út gần gủi nhau nhờ cùng chia quảng đường này, để ý chi màu da đen trắng. Trắng da vì bởi phấn dồi; Em đen vì bởi em ngồi chợ trưa mà! Cô Út bôn ba, quên mất da mặt càng ngày càng đen, có lần chú Bảy lả lơi:
‘Trắng như bông, lòng qua đây không chuộng;
Ðen như cục than hầm mà lòng muốn dạ ưa!’
Cô thấm thía tình nghĩa nồng nàn, xe nhúng nhảy trên đường lồi lõm đưa đẩy cô Út ngồi ép vào chú Bảy.

Hai bên đường, ruộng lúa mạ dợn sóng như biển xanh man mác. Cô Út man man trong lòng, mắt lim dim thèm ngả đầu trên vai chú Bảy để nghe chú kể chuyện. Tháng mười tình cảm cô Út nồng nàn theo màu lúa chín vàng hực cánh đồng. Nghe chú Bảy trầm trầm: ‘Em à, lúa xanh quá hả em Út? Út à! Lúa vàng thơm quá hả em?’

Con đường hẹp gồ ghề, chú Bảy rất tự tin. ‘Ðường này tay lái yếu dễ sụp ổ gà, có khi lủi xuống ruộng nữa nghe em! Qua kinh nghiệm, đi xe qua, em đừng sợ.’

Cô Út im lìm nghe chú. Trong cabine, tiếng máy nổ rì rầm, tiếng thùng xe lắc lư kèn kẹt, tiếng bánh xe cán rào rào. Cô không nghe gì ngoài giọng nói của người ‘sớp phơ’, cô tin tưởng và thán phục nhìn chú sang số tay lụp cụp, hai chân chú đạp ga và thắng nhẹ nhàng trông thật dễ dàng, hay nhứt là chú ‘de’ xe vào chỗ đậu chật hẹp, tay bẻ lái mạnh coi thật oai.

Xe chạy đến núi Sam, chú Bảy kể: ‘Hồi mười mấy năm trước, chân núi Sam ăn ra tới bờ lộ này. Sau đó, Tây cho thầu hầm đá, lấy đá chở đi, bây giờ núi cứ lùi xa đường lộ. Lâu lâu em nghe tiếng súng bắn đá nổ ầm ầm đó!’

Xe chạy gần tới Miểu Bà Chúa Xứ, chú bớt ga cho xe chậm lại dặn dò:

‘Bên mặt mình là Lăng Ông Thoại Ngọc Hầu đó, xưa ông khai phá vùng này, mà không biết mả mồ ông ở đâu bây giờ? Chỉ còn cổng sơn trắng và những bực làm bằng đá ong đó. Ðiêu tàn quá hả em?’

Chú tiếp tục thành kính giở nón:

‘Tới Miểu Bà rồi, ngày vía Bà năm nào cũng đông và vui lắm. Tới ngày đó qua ngừng cho em tới cúng kiến và vay tiền Bà, để làm ăn cho khá. Tiền Bà hên lắm em à! Còn bên kia kìa, em thấy tượng chú Tiểu Kỉnh Tâm bồng đứa con Thị Mầu, đó là Chùa của Phật thầy Tây An đó. Ðiêu tàn rồi, ở trong không còn gì hết, xưa, người dẫn dắt dân ăn hiền ở lành!’

Mỗi địa danh là một câu chuyện, thời gian trên xe vì vậy ngắn ngủi. Chạy khỏi chợ Ðầu Bờ một đổi là Bar Thanh Ðạm. Hôm nào từ Châu Ðốc về trễ, mưa gió tối trời khi chạy ngang qua Bar Thanh Ðạm vắng vẻ, chú Bảy kể nghe rợn người:

‘Hồi đó lúc qua mới chạy đường này, bữa nào về trễ thấy mấy cái bóng người đứng đón xe, họ trèo lên mui ngồi cười hăng hắc. Chạy chừng một đổi đường thì họ đâu mất hết. Hồi đó, Bar Thanh Ðạm sung lắm. Chiều, dân thầy chú ở chợ Châu Ðốc ưa rủ nhau vô Bar Thanh Ðạm ăn nhậu hứng gió mát. Hôm đó xe về trễ vì phải lòi hàng Sàigòn về, vừa qua khỏi Bar chừng vài cây số tới Ðầu Bờ Núi Sam thì nghe tiếng súng. Qua sợ quá, chạy trối chết, không dám rước khách dọc đường. Bữa sau mới có tin nhiều người bị bắn chết tại đó. Quán bị dẹp luôn. Em thấy Miếu Cô Hồn đó không? Linh lắm à! Lâu lâu họ hiện lên đón xe quá giang.’

Cô Út ngài ngại, nép sát vào chú Bảy, lén nhìn gương mặt trầm tỉnh, cô thấy yên ổn được che chở, một cảm giác vừa thú vị, vừa lo sợ không nói được lời nào, chỉ ước được ngồi bên chú mãi mãi ...

Xe đến trạm Control tỉnh, anh cảnh sát quen mặt bước ra bắt tay ‘mạnh giỏi anh Bảy!’. Tấm giấy mười đồng trong lòng tay chú kín đáo dính vào tay anh cảnh sát. Nhờ sự trao đổi ngắn ngủi này nên những món hàng Nam Vang qua lọt, số bộ hiền quá hạn được trạm Control lờ đi. Nét mặt tươi tỉnh cô Út là niềm vui lây của chú Bảy. Hôm nào bố ráp lỗ lả, nhìn gương mặt xuôi xị lo âu cô Út, chú Bảy ái ngại buồn lòng, hai người san sẻ nỗi vui buồn trên chuyến xe này. Ðể đền bồi, cô Út săn sóc chú Bảy kín đáo, dành gói thuốc lá và trái cây ngon, ‘Ðể cho anh Bảy à nghe’.

Xe đến bến, chú mở cửa xuống bên cô Út, mấy anh lơ biết ý, lựa đồ đạc Cô xuống trước để kịp buổi chợ đông, chú Bảy gật đầu vừa ý, thong thả chờ ra quán ăn cơm trưa, rồi ngồi nghỉ uống cà phê đá, hút thuốc thản nhiên nhìn lơ xe quần quật lo hàng hóa cho chuyến xe về. Bộ hiền than phiền mặc lòng, chú Bảy là sớp phơ, vua trên xe, chỉ có cô Út dám hối chú chạy nhanh chậm hơn thôi.

Chuyến về nặng nề không kém chuyến ra, thích nhứt là mùa mưa, xe đi chậm, cố ý hơn cẩn thận, về trễ có lý do, miễn là cô Út còn ngồi lâu bên chú, lột quít ‘Ăn quít nè anh Bảy’, rồi cô ghé trạm Nhà Bàng, đón xe về biên giới Tịnh Biên, chú ngồi quán bên chợ, nhìn cô Út thoăn thoắt lên xe lôi, ly la ve lạnh mát cổ và điếu thuốc tỏa khói thơm khoan khoái vơi hết mệt nhọc, yên chí vài ngày sau người bạn hàng ‘mặt rổ hoa mè ăn nói có duyên’ trở lại.



Năm này sang năm khác, chủ xe rất biết điều, cung cấp vật chất đầy đủ, chưa lần nào dám phật lòng chú Bảy. Cà phê hủ tiếu sớm, cơm trưa, món ăn tuỳ ý chú chọn, mỗi ngày một gói thuốc hút đương nhiên. Chai la ve ở quán Nhà Bàng chủ lắc đầu, nhưng chú Bảy thản nhiên tiếp tục, người tài phú phải trả tiền chai la ve. Gặp chuyện trái ý, chú Bảy nghiêm mặt ‘hứ’, bỏ về, chủ hấp tấp chạy theo hỏi han, ‘chuyện gì vậy, đâu còn có đó mà anh Bảy!’. Sau mỗi lần như vậy, chủ chìu chuộng chú Bảy hơn, dịp cho chủ hãng xe khác đánh tiếng mướn chú.

Giao xe là giao cả gia tài chủ xe cho chú Bảy. Chú Bảy thường nói ‘Dễ quá mà, muốn xe uống xăng như uống nước hông? Muốn xe sụp ổ gà cong nhíp hông? Muốn vỏ xe bị đá chém hông? ...’ Những câu hỏi cảnh cáo thường nghe khi uống say. Ðối với bọn lơ xe, ‘thơm thảo, ta ngừng cho bây rước thêm khách dọc đường kiếm chút cháo; nếu buồn ta bỏ chạy luôn, ai đói cho biết’. Say thì nói vậy, chủ xe phải dịu ngọt, hậu đãi sớp phơ, nhớ lì xì tết hậu hỉ, vợ con sớp phơ đau yếu chủ đùm bọc. Chú Bảy vì vậy lái xe khéo léo.Tùy lúc mau, lúc chậm. Nhờ xe mới, chú có thể luôn luôn vượt qua những xe cũ kỹ chậm chạp khác. Chú chạy trước xe địch thủ chừng năm cây số, hốt hết khách dọc đường, xe sau chỉ lãnh bụi, đói dài. Nhờ vậy, mấy năm sau, chú lại được giao xe mới khác, và dĩ nhiên cô Út tiếp tục đón xe theo chú.

Có dạo, tình cảm cô Út đối với chú lợt lạt, vì hoàn cảnh, xa mặt cách lòng. Cô buôn bán khá hơn, lên tận Nam Vang, mỗi tháng về hai lần là nhiều. Hàng cô cẩn mật che đậy, mắt cô lanh lợi, và nhứt là gương mặt khó dấu sự căng thẳng mỗi lần gần đến trạm Control. Quà cô dành cho chú Bảy không phải là những chục quít ngọt đậm đà như trước, cô thường lựa lúc vắng người đưa riêng cho chú Bảy những gói thuốc thơm đầu lọc gói giấy báo, tránh tai mắt.

Vắng cô Út lâu, chú Bảy lầm lì ít nói, thỉnh thoảng nhìn lên kiếng chiếu hậu hy vọng tìm đôi mắt cô Út, chú chỉ bắt gặp đôi mắt  phờ của chính mình.

Lần đó, cô Út đột ngột xuất hiện, chiếc nón lá che mặt cố ý như muốn tránh giấu điều gì, đi xăm xăm đến xe chú Bảy cô mở miệng chào ấp úng. Chờ xe chạy, cô Út thở phào, nỗi sung sướng dạt dào hiện lên mặt chú Bảy. ‘ Cả tháng nay mới gặp à, khá không em?Gặp mặt em đây mới biết em còn, hồi năm Thìn bảo lụt anh khóc mòn con ngươi’.

Cô Út lại kể chuyện, ‘khi lời khi lỗ anh Bảy à, lần này bị gạt, đường lên Nam Vang mất an ninh, qua lại sợ lắm, bửa hôm, ấp Vĩnh Lạc bị đốt, bò bị lùa mấy chục con, em tính về Xà Tón mua bán hàng bông, lời ít mà đỡ sợ’. Cô Út im lìm, lần đầu tiên chú Bảy thỏa lòng vì sự thất bại của cô Út, chú nghĩ, từ đây, cô sẽ đi lại hàng ngày trên chuyến xe này. Mưa gió mịt mù, dốc Nhà Bàng nghiêng, chú lái thật chậm, lách tránh những vũng nước và chỗ đường lở vì nước trên núi đổ xuống, xe càng sóc xẩy, cô Út càng ngồi sát chú hơn, tâm trạng người ‘giả đò, mua khế, bán chanh’. Hai người lại nhìn lên kiếng chiếu hậu, hai gương mặt như mất hồn, buồn bả.

***

Cuộc đời thăng trầm chú Bảy gắn liền với cô Út. Cô đi thêm mấy chuyến Nam Vang, mạo hiểm vì tiếc của rồi bặt tin luôn. Chú Bảy buồn nản, một chai la ve ở quán Nhà Bàng bị chủ nhắc khéo, chú tăng thêm hai chai cho vơi nỗi nhớ thương cô Út. Chủ xe bớt tin tưởng khả năng chú như trước nên có vài sự thay đổi gây bực mình cho chú, lơi mời cà phê sáng, bận quá thường quên đưa gói thuốc hút hàng ngày, sau khi chú lái va thùng xe vô lan can cầu Tà Ðét, lủi vô hàng rào nhọn làm nổ vỏ xe. Họa vô đơn chí, chú đụng chiếc xe lôi chạy cùng chiều làm vài người bị thương nhẹ; từ đó mỗi lần uống la ve ở quán Nhà Bàng, người tài phú bận rộn giao hàng không có thời giờ, quên ghé quán trả tiền. Chú Bảy bớt thấy ngượng ngùng hẹn nợ la ve đến cuối tháng khi bà chủ quán dặn đứa ở nói, ‘mười bốn chai rồi nghe cha nội!’

Ðiều ngạc nhiên và đáng giận là chủ xe lại sắm thêm chiếc Ford chở hàng đường Sàigòn, giao luôn cho tên tài xế non nớt trẻ lái. Trong buổi nhậu chiều, rượu vào lời ra, chú Bảy ngất ngưỡng vỗ đùi gay gắt, ‘sắm xe mới hổng hỏi tôi một tiếng, giao cho thằng con nít cầm lái, nó là đệ tử tui mà, hứ!’ Chú gằn mạnh tiếng ‘hứ’ cốt cho đám lơ xe ngồi nhậu chung nhắn lại chủ xe, khôn hồn thì tới phân trần xin lỗi, chú sẵn sàng bỏ qua không chấp nhứt. Tiếng ‘hứ’ nặng nề, chú cảm thấy hình như mất cả uy lực, mỗi sáng chờ đợi chủ xe vỗ vai mời cà phê, chú Bảy đều thất vọng. ‘Ôi! Nghỉ lúc nào cũng được, hãng Tân Thành kêu tui cầm chiếc Fargot mới, tui còn chưa chịu mà, tui bỏ là đám Lợi Thành này tỏ tịa, đừng nói chơi!’ Mỗi chiều về, đi ngang nhà bà chủ hãng Tân Thành, chú Bảy cố ý chào, bà chủ ngồi gật đầu cho có lệ, ‘Ừ, để coi ai đủ tài lái chiếc Fargot mới’. Ðám đệ tử lái xe đường Sàigòn, mỗi chuyến về mập tiền cà phê nhờ chở thêm hàng dọc đường, mà đám này sao lái xe cứng hơn chú? Chú Bảy có lái tạm vài chuyến Sàigòn, đua chen qua phà Vàm Cống - Mỹ Thuận, tranh ưu tiên qua cầu Bến Lức - Long An, về đến nhà mệt rã rời, vợ con nheo nhóc, hạn chế la ve, vợ chú chỉ đủ khả năng cung cấp rượu trắng. Chủ xe sắm thêm mấy chiếc xe hàng, mở nhà máy xay lúa, trạm xăng, hãng nước mắm, chú Bảy nghèo thêm, cuộc đời chú tưởng đã cơ cực tận cùng, chưa đâu! Xe chú lái đổi chủ. Mấy mươi năm, xe bắt đầu hư hỏng, chú phải sửa chữa hàng ngày. Chiều nào cũng về trễ, áo quần tay chân bê bết dầu mỡ, mệt nhoài, cái áo thun trắng thành màu xám, ẩm mùi mồ hôi, lương tháng khi thiếu khi trễ.

***

Chiếc xe lao chao khập khễnh trên đường, đầu chú lơ mơ nằng nặng sau ly rượu tiệm tạp hóa, ‘tội nghiệp chú Xi, rót rượu thuốc mời’, từ chối sao đành, ‘dù đầy ly chú cũng uống cạn, nói gì có nửa ly’. Rượu thuốc như luồng điện nhẹ len qua máu thêm sinh lực, chú cảm thấy mạnh mẽ hơn. Chú lẩm bẩm một mình, ‘phải chi con Út nói nghe lời, theo xe mình buôn bán hàng bông thì đâu đến đổi, đua tranh làm chi vậy! Út ơi, em đi biệt tăm biệt tích bỏ qua một mình vậy em!’

Xe củ kỹ chậm quá, chú Bảy nôn nóng, đáng lẽ giờ này về tới rồi, nhưng từ sáng tới giờ xe trục trặc, cạo vít lửa mấy lần, rồi đợi xe nhà binh vô phá mô. Gương mặt chú Bảy đen gầy guộc, nổi mấy đường gân xanh hai bên thái dương, mặt đỏ lừ đừ mất hết vẻ linh hoạt. Mặt trời sắp lặn sau núi, đợt nắng chiều cuối năm bảng lảng vấn vương trên những ngọn thốt nốt, vài tiếng pháo đì đẹt từ xa. Tay chú dã dượi, thấy đau nhói ngực, ngước mắt nhìn tấm kiếng chiếu hậu tìm cô Út, chú bắt gặp gương mặt hóp, màu da vàng nghệ đáng sợ của chính mình.

Chú vẩn vơ thương nhớ, trong óc lãng vãng hình bóng thời niên thiếu ẩn hiện đứt đoạn. Chú đang lái chiếc xe Renault Lợi Thành nghiêng ngữa trên dốc Nhà Bàng, Chú nhận hết ga, máy xe nổ dòn dã, xe đổ dốc vùn vụt, mặt cô Út ngồi bên đầy vẻ thán phục, cô ngả đầu trên vai chú tìm sự che chở, chú nuốt múi quít ngọt lịm, nghe cô Út nhẹ nhàng ‘Ăn quít đi anh Bảy’.

Hai cánh tay run rẩy vuột khỏi tay lái sứt mẻ sần sùi, chú chưa kịp phản ứng, xe đã va vào gốc me già bên lộ, ngực chú đập nhẹ vào tay lái. Nghẹt thở, chú lảo đảo bước xuống xe ngồi bệt trên vệ đường, nhướng mắt nhìn, chú nghe thoang thoáng trong cơn mơ tỉnh tiếng người nôn náo la ó lẫn tiếng gà heo inh ỏi, hai tay chú quơ quào tìm điểm tựa đứng lên, rồi ngồi xuống.

Anh lơ kéo cần số, xe lui lại, kiếng xe vở rơi lẻng xẻng, anh đở chú Bảy lên xe đóng sầm cửa lại, khinh khỉnh nhìn chú, chửi thề, ‘mẹ họ, permit hết hạn mà đụng đâu nhậu đó bất kể hà!’

Chú Bảy Tề dựa nghiêng trên ghế, miệng há hốc ngô nghê, cố gắng nhướng đôi mắt ngờ nghệch nhìn chăm chăm kiếng chiếu hậu. Kìa! Em Út! Phải rồi! Cô Út bạn hàng ẩn hiện dật vờ, mắt cô man mác buồn nhìn chú, cô lắc đầu theo khung kiếng run rẩy. Sao em đi lâu quá, không tin tức gì cho qua vậy, Út? Ðầu óc chú Bảy Tề nóng ran, tai chú lùng bùng nghe tiếng cô Út thì thào, miên man lạnh lẽo từ xa xăm vọng lại:
‘Giả đò, mua khế bán chanh,
Giả đi đòi nợ, thăm anh kẻo buồn’.

CHÚ THÍCH:
(1)   Bò cui: loại bò mạnh, lớn, dùng kéo xe.
(2)   Tài phú: người lo giấy tờ sổ sách.
(3)   Lơ xe: công nhân phụ theo xe.
(4)   Hỏng chừng hỏng đổi: bất thường.
(5)   Ra giêng: sau Tết.
(6)   Bằng lái xe bốn dấu: bằng chuyên chở chung.
(7)   Lụa lèo: lụa mịn, mỏng, mặc mát.
(8)   Bộ hiền: hành khách.
(9)   Cà ròn: bao đan bằng đệm dùng như bao bố.
(10)         Cabine: phòng chỗ tài xế ngồi lái.
(11)         Qua: tiếng xưng hô ‘tôi’.
(12)         Trạm Control: trạm kiểm soát.
(13)         Tỏ tịa: phá sản.
(14)         Permit: bằng lái xe.
(15)         Lòi hàng: sang hàng từ xe này sang xe khác.

Pforzheim, 2 - 1987


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét