Ðôi lời phân trần ...
Phạm Thăng nhân huynh,
Khi đọc bài "Gạo Chợ Nước Sông" trong "Xuôi Dòng Cửu Long", em tìm hỏi dân gốc Châu Ðốc và Vĩnh Long về rạp Tân-Kiểng. Một nhân sĩ uy tín gốc Vĩnh Long trả lời không cần suy nghĩ "Rạp Tân Kiểng ở Vĩnh Long" (nhân sĩ đó là ông N.L, bạn của nhân huynh). Từ đó em hấp tấp, đinh ninh nhân huynh gốc Vĩnh Long ắt "thương Vĩnh Long hơn Châu Ðốc".
Em gởi lời xin lỗi muộn màng đến nhân huynh. Khi đọc bài "Ðể ấm lòng người dân Châu Ðốc xa xứ" và nhận được bức thư nhân huynh, em hỏi lại chính nhân sĩ đó, ông trả lời, "hình như vậy, lâu quá tôi quên, không nhớ rõ". Sau nhiều lần điện thoại, hẹn gặp một cựu "Trung Tá an ninh" Tiểu Khu Vĩnh Long, ông tự hào "chỗ nào ở Vĩnh Long tôi cũng biết". Ông kể hàng giờ về Vĩnh Long, lúc hỏi về rạp Tân Kiểng ở Vĩnh Long, ông trả lời "ừ, tôi nhớ hình như là, cái... cái... à, ở miệt...". Cám ơn hai ông, đủ rồi!
Ðiện thoại viễn liên bao nhiêu lần mới liên lạc được một cựu học sinh Châu Ðốc (thế hệ 1948), anh chỉ biết rạp Lạc Thanh ở đầu chợ Châu Ðốc, anh gốc Bình Di Bắc Nam, đến Châu Ðốc trễ nên trước đó không biết.
Cách đây nửa giờ, tình cờ khám phá ở Melbourne có một nhà giáo trên 80 tuổi đã từng dạy học ở Châu Ðốc, điện thoại hỏi thăm, thầy có cho biết về rạp Tân Kiểng đúng như nhân huynh đã viết trong bài "Gạo Chợ Nước Sông" và bài "Ðể ấm lòng người dân ChâuÐốc". Nhưng sau năm 1945, rạp Tân Kiểng đổi chủ nên có tên mới là Lạc Thanh.
Em ra Châu Ðốc năm 1952. Nếu nói rạp đầu chợ Châu Ðốc là rạp Tân Kiểng năm 1945 thì nhân huynh đúng, em sai. Nhưng nói rạp đó là rạp Lạc Thanh năm 1952 về sau thì em đúng.
Lại kể tiếp, nếu nói năm 1997, đầu chợ Châu Ðốc có rạp Tân Kiểng hay rạp Lạc Thanh thì nhân huynh và em đều sai. Chợ Châu Ðốc được cơi lên cao hơn một thước rưỡi, rạp hát bị san bằng, nền rạp được chia lô bán cho bạn hàng cất sạp buôn bán. Từ đây, nếuvề thăm Châu Ðốc nhân huynh sẽ không tìm thấy rạp Tân Kiểng, em cũng mất rạp Lạc Thanh.
Thế hệ sau, nếu tình cờ đọc chuyện chúng ta, cũng sẽ như em "hỏi lung tung mà không biết rạp Tân Kiểng - Lạc Thanh ở đâu", mà có ai lẩm cẩm như chúng ta tốn giấy tốn mực về rạp Tân Kiểng - Lạc Thanh, người ta bận chạy mánh, "miếng đất đó mấy cây", "tiền Mỹ lớn hơn tiền Úc". Riêng rạp Tân Việt đứng cô đơn, cũ kỹ, buồn nản, thường làm chỗ hội họp, đại nhạc hội, người đi lèo tèo, trước sau cũng dẹp, ai cũng có "đầu máy" xem phim tập ở nhà. Cuộc hý trường dâu bể, ai buồn hơn ai! Ở Châu Ðốc 6 năm, em coihát chưa tới 20 lần. Xem ciné Chủ Nhật, sợ ông già ở quê ra bất tử thì no đòn. Ban đêm coi hát về trễ, ngại ngủ hàng ba muỗi cắn thành ghẻ ngứa. 4 năm Trung Học thường đội sổ, chơi quanh quẩn nhà ở khu phố Ông Ðốc Công Cường đường Bảo Hộ Thoại (phố số46 Bảo Hộ Thoại ngày nay là nhà ông Ðốc Ðồng), chưa qua ngang thành lính tới tiệm rượu hay đất Thánh Tây. Chỗ xa nhứt là Xóm Nhà Thờ, mỗi năm chỉ dám theo bọn nó đến đó vào dịp Noel, ngó những gian hàng bán thịt chó và xem lồng đèn ngôi sao. Em chưadám bước chân vào Ðình Thần Châu Phú, vì gốc Tàu, chưa quen hội hè Việt Nam . Ngược lại, cũng không dám léo hánh tới chùa Ông Bổn, sợ gặp mấy cha Chủ Tiệm quen với ông già thì "can khấu" (gian khổ).
Em nghe rất nhiều địa danh thuộc Châu Ðốc như Cồn Tiên, Tân Châu, Châu Giang, Bình Di v.v... (những địa danh nhân huynh thường nhắc) nhưng chưa dám bước xuống đò qua Châu Giang, chưa biết mua vé đò, sợ đòn và sợ đò chìm mùa nước, sợ Chà-và thưda trâu vô bụng.
Các Thầy, Cô, thời nhân huynh, dạy Tiểu Học, thời em, hầu hết đều lên Trung Học dạy. Em quên nhắc Bà Ðốc Mót, trên 95 tuổi rồi, hiện ở Paris, là Sư Cô Trí-Tâm. Thầy Nhựt thời nhân huynh "trắng trẻo" (1940), thời em (1958), 18 năm sau, thầy đã già ,sức khoẻkém, da thầy ngâm đi. Ngày ấy, em sợ các thầy như sợ cọp, bây giờ, sợ học trò như sợ quỷ.
Trở lên là chuyện trường xưa, thầy bạn cũ. Ngoài duyên văn nghệ và tình đồng hương, nhân huynh đã tặng em một món quà vô giá. Xin chia sẻ với nhân huynh và độc giả.
*
* *
Cuối tuần nghỉ lễ mùa xuân, thứ sáu 24.9.99 đúng ngày Rằm tháng Tám, Trung Thu, chúng tôi tổ chức buổi họp mặt ở nhà một người bạn vùng quê ăn bánh thưởng trăng.
Khoảng 12 giờ trưa, bà già tôi bỗng lên cơn, bị bịnh dằn vặt, mắt mất thần, cứng miệng, mê mẩn không uống thuốc được. Thường thì bà nói lảm nhảm, tiếng Miên, như nói chuyện với ma, có khi nói tiếng Tiều hoặc tiếng Việt. Tình trạng càng lúc càng tệ, tronglòng không thấy yên tâm để bà ở nhà cho thằng con tôi giữ. Chán quá, tôi nằm uể oải, bực bội, nếu tệ hơn, sẽ phải gọi Ambulance đưa vào nhà thương, lại phải ngủ nhà thương như những lần trước, nghĩ đến mà chán chường. Thằng con tôi xuống mở thùng thư,mang lên cho tôi một bưu kiện, liếc thấy tên nhà văn Phạm Thăng, mừng quá, lay hoay tìm không thấy cây kéo, nên xé toạc bao giấy cho nhanh. Mở ra thấy quyển "Tiền Tệ Việt Nam" (đang định đặt mua mà anh gởi tặng), một cuốn kinh Quan-Thế-Âm, một láthư và bức ảnh Quan-Thế-Âm. Trong thư, anh căn dặn "lộng kiếng để trên đầu giường cho Má nhìn, may ra Bồ Tát phò hộ bớt bịnh...".
Lúc đó bà già đã mê rồi, hơi thở đứt đoạn. Nghe lời anh, tôi đặt quyển kinh và bức ảnh Quan-Thế-Âm trên ngực bà, la lới dặn bà niệm Phật. Bà vẫn lảm nhảm, ú ớ, nhưng hơi thở nhẹ dần, niệm tiếng còn tiếng mất. Lúc đó đã 3 giờ hơn. Tôi để bà dựa vào ghế, gọiđiện thoại hồi buổi tiệc Trung Thu. Ðang ba điều bốn chuyện, liếc mắt thấy bà tỉnh lại thấy rõ, hơi thở đều, mở mắt tỉnh táo, tiếng niệm Phật rõ hơn. Tôi la lớn "Xiếm niệm Phật mau lên, mau lên!". Tôi đổi ý ngay trên điện thoại, dặn bạn bè chờ tôi đi cùng. 3 giờ 40 bà tỉnh hẳn, cho bà ăn cái bánh ngọt, uống thêm viên thuốc trợ tim. Tôi dặn bà tiếp tục niệm Phật, ôm bức ảnh Quan Thế Âm Bồ Tát, rồi thay đồ xuống xe chạy đi, quá trễ rồi. Ðể lại bà cho Ðức Quan Thế Âm phò hộ và thằng con tôi săn sóc cơm tối cho bà. Gần 2 giờ sáng, về nhà thấy bà ngủ bình yên.
Ðây là một ứng nghiệm thiêng liêng mà tôi từng trải qua nhiều lần niệm Hồng Danh Quan Thế Âm.
Nghe lời anh Thiện-Lộc PH[1][1]M THĂNG, tôi lộng kính bức ảnh Quan Thế Âm để trên bàn Phật.
Anh Thiện-Lộc đã đúng lúc tặng phước đức cho mẹ tôi. Món quà phước đức vô giá, rất cám ơn anh. Mong ngày nào anh ghé Brisbane, em quét sân tiếp đón, àn cơi pệt chíu, rượu trắng gà vàng.
Phong-Hưng LƯU NHƠN NGHĨA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét