Để ấm lòng người dân Châu đốc xa xứ
*Phạm Thăng
Để nhớ ơn các Thầy, Cô giáo nhân mùa Vu Lan.
Là người Việt xa xứ, tôi sung sướng theo dõi bài Bốn Năm Với Trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa của tác giả Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa đăng trên Viên Giác 106, 107 và 108 nói về ngôi trường và các thầy giáo, cô giáo thân yêu ở Châu Đốc.
Nơi chôn nhau cất rốn tôi là Vĩnh Long nhưng suốt quảng đường từ niên thiếu đến trưởng thành tôi đã sống tại thị xã Châu Đốc (1940-1952) vì ba tôi làm việc tại đó, thế nên tôi muốn đền ơn nơi nuôi dưỡng mình, đến năm 1954 khi nhảy vào đời báo chí, tôi đã nhiều lần viết về hai vùng đất thương yêu nầy... nhiều hơn nơi khác.
Có lúc cảm thấy thẹn vì mang nặng đầu óc địa phương, nhưng lại nhớ câu:..
"trong lòng ai cũng có dòng sông quê hương.. "nên lâu lâu tôi lại viết về Châu Đốc, Vĩnh Long, cũng như găp bài nói về hai nơi đó là tôi đọc ngấu nghiến. Tôi cám ơn tác giả Phong Hưng nhấc đến ngôi trường của chúng tôi lúc thiếu thời. Tôi cám ơn tác giả đã gợi lại hình bóng các thầy xưa mà suốt hơn 50 năm, tôi vì mãi theo cuộc sống mà chưa lần nào về lại Châu Đốc để bắt chước ông Carnot trong sách Giáo Khoa, khi ông đến thăm thầy học. Hình vẽ ông Carnot đứng trước ông thầy giáo già của mình, tay để trên ngực, đầu hơi cúi, nói: "Thưa thầy tôi là Carnot đây. Thầy còn nhớ tôi không?.. "
Trong số các thầy giáo mà tác giả nhắc đến, tôi đều được học qua, và để mong làm ấm lòng những người đồng hương lớn tuổi ở Châu Đốc đã từng học với các thầy cũng như giúp thêm tài liệu với tác giả Phong Hưng, mà có lẽ vì tác giả học sau tôi khoảng tám năm, nên không hiểu nhiều về ông đốc học Châu Vân Đồng, thầy Phan Cao Nhựt và cô Lê Hữu Thời...
Các học trò già của Châu Đốc ngày xưa khi nhắc đến thầy cô Thời đều nhớ đến " "đôi uyên ương" đẹp đôi, nhỏ nhắn người và dạy học trò ngọt ngào, chưa bao giờ làm phiền lòng bạn bè đồng nghiệp. Tôi là bạn của con thầy, anh Lê Hữu Phương, một cậu trai nhu mì như con gái, ăn nói nhỏ nhẹ như cha mẹ. Tôi mến anh Phương và khi lên Sài Gòn du học, đã cùng đi chung với nhau. Thầy cô lúc nào cũng có nụ cười hiền dịu trên môi, trái lại, ông Đốc Đồng rất ít cười, nghiêm trang đạo mạo nhưng các học trò Châu Đốc những năm 1943 về sau đều nhớ ơn ông dạy dỗ nên học sinh ở Châu Đốc đậu cao hơn các tỉnh khác. Thầy là đốc học, nên được gọi là ông Đốc Đồng. Đầu ông hớt tóc ngắn, miệng không thấy nụ cười nên học sinh ngán lắm, nhưng ông rất thương và lo lắng cho học sinh. Mùa bãi trưòng, ông không nghỉ, hoặc đi chơi, mà tập họp các học sinh bị trượt vỏ chuối kỳ thi vào Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ để dạy thêm lớp Tiếp Liên.
Nếu nói răn dạy học sinh lúc đó bằng cáo bạt tai, thì học sinh ngán ông Đốc Đồng hơn thầy Nhựt. Tại sao? Vì ông đốc không đánh trực diện mà lúc đi tới đi lui trong hàng ghế học sinh, khi thấy đứa nào phạm cái lỗi vô lý quá, ông đánh tạt ngang bằng mu bàn tay. Không quá đau nhưng học sinh lại tá hỏa hết hồn... Vậy là nhớ mãi cái lỗi văn phạm đó để không bao giờ phạm lại. Phải xác nhận là các vị thầy có đánh phạt học sinh nhưng từ đấy đến nay không một vị phụ huynh nào than phiền cũng như học sinh lúc nên người đều nhớ mà mang ơn các thầy.
Tác giả Phong Hưng vì chưa biết rõ thầy Phan Cao Nhựt nên viết không đúng hẳn. Nếu kể lại như tác giả viết (trang 45, Viên giác 108) thì hóa ra thầy Nhựt dữ dằn lắm sao? Xin hỏi lại các anh bạn già ở Châu Đốc. Người thầy trắng trẻo mảnh mai, không có nước da ngăm ngăm, mà da mặt thầy lại có nhiều vết mụn sần sùi nên thường thấy ửng đỏ vào buổi trưa. Miệng thầy rất đẹp lại hay cười cười, khác hơn ông đốc Đồng không cười, nhưng học trò thầy Nhựt biết và thương thầy hơn vì thầy bị đau mắt hột (trachome) mà bịnh nầy buổi trưa nếu thiếu ngủ thì đôi mắt xốn xang khó chịu ...Hãy yên lặng chăm chú lo bài vở, đừng phá phách nói chuyện. Khi học sinh phạm lỗi như không thuộc bài, liếng xáo nói chuyện, thầy kêu lên đứng trước mặt, và cơn giận của thầy cộng với cái xốn của mắt bị cườm, thầy nắm tóc kéo đầu đập vô bảng đen cho đở giận... Vì biết vậy nên học sinh đều thuộc bài cũng như giữ trật tự những buổi đó. Ngoài những buổi trưa bị bệnh mắt cườm hành hạ đó thầy lúc nào cũng tươi cười khuyến khích học sinh. Thầy đã ra ngưòi thiên cổ cách đây bốn năm, và người còn nhớ ơn thầy... Nhấc đến thị xã Châu Đốc, tác giả Phong Hưng có kể vài rạp hát và thắc mắc rạp Tân kiểng bên hông chợ Châu Đốc do tôi viết trong chuyện Gạo Chợ Nước Sông in trong cuốn Xuôi Dòng Cữu Long (Làng Văn xuất bản năm 1990) ở đâu? Không thấy và đã "đi hỏi lung tung mà không ai biết". Tác giả có nhẹ nhàng phê bình: " có lẽ Phạm Thăng thương Vĩnh Long hơn Châu Đốc, nên đến Châu Đốc mà còn vương vấn quê mình! ".
Rất tiếc là bạn Phong Hưng không hỏi tác giả Phạm Thăng(cùng một tòa soạn Viên Giác mà) và mùa Vu Lan tới đây tác giả Phạm Thăng sẽ xuất bản lại cuốn "Những Mảnh Đời Gạo Chợ Nước Sông " để cúng dường Tam Bảo viên Giác. Trong đó sẽ gặp đoạn nói về Tân Kiểng mà bạn Phong Hưng thắc mắc. Trong tập tuyển truyện nầy, tác giả chọn lọc những bài nói về giới cầm ca nghèo ngày trước lồng trong khung cảnh cũng như sự kiện, sự việc có thật mà nếu không nhắc lại thì giới trẻ hôm nay không biết. Với những sự thật đó mà nhiều đọc giả nhận xét như bạn Phong Hưng trích dẫn thì cuốn sách do nhà xuất bản Viên Giác sẽ mất bớt giá trị nên tôi phải nhắc lại nơi đây: "Như đã viết ở trên, tôi theo ba về ở tại thị xã Châu Đốc còn nhiều hơn Vĩnh Long, và khi bạn Phong Hưng đến học ở Châu Đốc, cái hồ nước đày lục bình trước nhà thầy giáo Thời được lấp và xây dựng phố xá mới có rạp hát Tân Việt chuyên hát tuồng Ấn Độ, chớ trước năm 1945, dân chúng thị xã Châu Đốc giải trí nhờ rạp hát Tân Kiểng, nằm ngang đầu chợ trong. Rạp hát tên Tân Kiểng vì ông chủ rạp là ông Phan văn Kiểng, ba của bạn tôi. Dù rạp hát dính liền với dãy phố nhưng vẫn có hàng hiên (veranda) để treo hình tài tử cũng như các bảng quảng cáo tuồng hát. Trước rạp hát không có sân nhưng nhờ cái sân chợ nên mỗi chiều nơi nầy có nhiều người buôn bán cho giới đi xem hát như: kẹo, bánh, hột sen rang, hột dưa, nước đá si-rô vv... Trong rạp cũng có lầu, có dành mấy bao lơn nhỏ riêng biệt (gọi là loge) để dành cho quan khách tai to mặt lớn. Dành riêng cho gia đình chủ rạp cũng có một loge nhỏ mà nơi nầy tác giả Phạm Thăng lúc bấy giờ thường giả bộ đến hỏi bài học với bạn Phan Duy Khiêm nhưng thiệt ra để ra cái loge nầy coi hát cọp.
Giờ đây các bạn học sinh niên thiếu ngày trước đã từng học qua các thầy cô, dầu nghiêm trang hay vui tánh, dầu ở tỉnh nào... cũng không làm sao trả được ơn dạy dỗ vì các vị đã quy tiên... Hôm nay, nhân mùa Vu Lan báo hiếu, chúng tôi thành tâm đốt nến tâm hương để kính dâng các Thầy giáo, Cô giáo tận tụy ngày xưa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét