Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

CHÂU ĐỐC XƯA NAY


CHÂU ĐỐC XƯA NAY

NGUYỄN VĂN HẦU

Dân cư tại tỉnh ly. – Thành cũ Châu Đốc – Pháp chiếm An Giang – ruộng đất và nhà máy Xay lúa – Xóm Châu Giang – Vài Tục lệ của người Chăm – Đàn Bà Chăm – Gốc tích người Chăm Châu Đốc


 Buổi chiều chúng tôi dạo quanh thành phố Châu Đốc. Phố xá dinh thự nguyên vẹn không bị hư hao, chứng tỏ trong thời đại nhiễu nhương vừa qua, nơi này không có gì là quyết liệt. Khi tới bờ sông, chúng tôi cho xe dừng lại rồi thả bộ hóng mát. Anh Khanh bảo tôi:
            -Châu Đốc phong quang có phần kém vẻ hơn Long Xuyên, nhưng sự sinh hoạt coi mòi cũng phồn thịnh lắm và hình như có nhiều sắc dân hơn ở Long Xuyên.
            -Đúng vậy, Châu Đốc là nơi tứ chính quần cư. Chúng ta đến hôm nay nhằm buổi chiều, nếu gặp buổi sáng, khi chợ nhóm đông, anh sẽ thấy bao nhiêu là sắc dân: Chà có, Chăm có, Miên có và Khách trú thì đông nghẹt. Khách trú ở đây gần đủ các bang, nhưng nhiều nhất là Phúc Kiến và Hải Nam.
            Theo bia Vĩnh Tế Sơn thì khi Châu Đốc bắt đầu được mở mang, ngoài các sắc dân kể trên và dân Việt, người ta thấy có cả người Lào vào cư trú làm ăn nữa. Gần đây vì sự sinh hoạt quan hệ giữa biên giới Việt Miên, dân số bốn phương lại tụ họp về đây trao đổi mua bán. Theo một bản thống kê trước đây hơi lâu, châu thành Châu Đốc có trên 3.000 người ở.
            -Còn có nơi nào liên lạc biên giới quan trọng như Châu Đốc không?
            -Có chứ Tân Châu và Tịnh Biên. Hai nơi nầy tuy chỉ là quận nhỏ, nhưng cũng nằm gần biên thùy. Rồi đây anh sẽ được đến thăm tất cả.

                óóó

Gió chiều hây hẩy từ bờ sông thổi vào mát rượi, chúng tôi khoan khoái càng muốn đi hoài.
Đến một đồn lính gần ngoại ô, bên trong có lính đóng nhưng phía ngoài vách thành rêu phong cũ kỹ, chung quanh thềm đá cỏ dại mọc đầy, trông có vẻ cổ kính, anh Trình dừng lại bảo tôi :
            -Thấy đồn binh nầy tôi liên tưởng tới một thành cổ của tỉnh lỵ An Giang ngày Thoại Ngọc Hầu trọng nhậm. Anh có dịp nào được thấy dấu vết  của đồn cũ của Châu Đốc chưa?
Tôi không hề được thấy, có lẽ những di tích ấy đã mất hết từ lâu rồi. Nghe nói trước đây khoảng năm mươi năm, một viên Tham biện Tây ra lệnh đào đất để xây cất một cơ sở hành chính, người ta đã lấy được nhiều đá ong và một số đá xanh vùi dưới mặt đất. Nhưng đó chắc không phải vách thành mà có lẽ  chỉ là nền móng của dinh thự gì đó thôi, vì cổ thành xưa chỉ được đắp lên bằng đất nạc.
Theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán thì chu vi thành cũ rộng tới 362 trượng, cao 9 thước, bốn mặt đều trồng tre, có 3 cửa ra vào : bên phải, bên trái và phía trước. Vòng ngoài thành có hào sâu và ngoài hào có đắp thêm lớp đê nữa thấp hơn để bảo vệ cho thành thêm chắc chắn.
Vậy thành rộng mênh mông và cao tận đọt cây, giặc nào mà vô được!
Một trượng có 10 thước cổ, mỗi thước cổ là 0m32, vậy 362 trược tức 1.158,4 thước cây, rộng thật, còn bề cao 9 thước thì chỉ non ba thước tây, kể cũng là vừa.

                ššó››

Trời gần tối, đèn điện bật lên một loạt sáng chói ở trong nhà, chúng tôi dắt nhau trở về phía  xe đậu. Anh Hà trong óc như còn lởn vởn câu chuyện vừa rồi, hỏi tôi :
            -Thành quách hẳn hoi dười ấy mà tại sao khi quân Pháp tới, quan quân ta để cho họ chiếm được dễ như trở bàn tay vậy anh?
            -Đó là chuyện khác. Tại Vĩnh Long, thành trì cũng kiên cố và binh sĩ có lẽ đông đảo hơn tại An Giang, thế mà cụ Phan Thanh Giản cũng không chống cự. Cụ đã lượng được sức mình và đã cho các quan Tổng đốc Hà Tiên, An Giang hay biết.
            -Vậy việc Pháp lấy An Giang, chắc anh còn nhớ?
            -Nhớ! Theo cuốn Les Premières anneés de la Cochinchine của Paulin Vial thì ngày 21 tháng 6 năm 1867, hồi 5 giờ sáng, Trung tá Galey từ Vĩnh Long đi lên An Giang bằng chiếc thông báo hạm Biên Hòa, cùng với đoàn tùy tùng gồm có các ông Giám đốc nội vụ, Thiếu tá De Guichermy, Thiếu tá Bovet và Thiếu tá Domange.
            Chiếc Biên Hòa kéo theo đoàn pháo hạm gồm những chiếc La Bourdais, La Fuseé, L’Alarme, Le Fleuret, La Hallebardre, La Flamberge với hơn 1.000 binh võ trang tinh nhuệ.
            Đoàn tàu đến An Giang vào lúc chiều tối. Chiếc Biên Hòa bỏ neo trước thành vừa đúng 8 giờ, các chiến hạm giàn ngay mặt trận và chỉa đại bác vào thành.
            Quan Tổng đốc An Giang bấy giờ là Phan Khắc Thân (?) thấy sự lạ bèn cho người ra hỏi nguyên do. Trung tá Galey cho biết là có lịnh của cụ Phan bảo phải giao thành cho Pháp và buộc quan Tổng đốc phải đích thân ra tàu nhận thư.
            -Thế là ta cứ thủ thành, không theo lời họ, phỏng có sao không?
            -Không được. Họ sẽ nã đại bác vào, và thành đất của ta liệu khó đương nổi. Vả lại còn nguyên nhân khác, ấy là lịnh của cụ Phan.
            -Rồi quan Tổng đốc xử sự cách nào?
            -Đến 11 giờ đêm, sau khi sai hai viên Bố chánh và Án sát thay mặt mình xuống tàu nhận thư mà không được, Tổng đốc Phan Khắc Thân cực chẳng đã phải đến phòng chỉ huy của quân Pháp. Họ trao thư cụ Phan cho xem và ép phải giao thành tức khắc. Mặc dù quan Tổng đốc còn do dự, Thiếu tá Domange cũng được lệnh kéo 100 quân đổ bộ chiếm thành.
Một hành động quá áp bức như vậy không hề có sự phản ứng nào của quân siõ trong thành hay sao?
Vì tuân lệnh, họ không chống trả, nhưng có hai đạo quân rút đi : một của Lãnh binh Lê Văn Sanh và một của Quản cơ Trần Văn Thành. Lãnh Sang sau về ẩn dật, chết gì tại Cù Lao Ông Chưởng; còn Quản Thành thì kéo cờ khởi nghĩa tại rừng Bảy Thưa, cuộc khởi nghĩa khá dai dẳng mà chuyến đi này tôi có mục đích sưu tầm thêm tài liệu như các anh đã biết.

                ššó››


Về đến nhà trọ thì vừa đúng 7 giờ, chủ nhân đã sắm sẵn một bữa tiệc thịnh soạn đãi chúng tôi.
 Ông vốn là một thông phán hồi hưu, tuổi lối thất tuần, nhà ở đường Phủ Cui sau chợ Châu Đốc, tính chất hào hoa và rất hiếu khách. Trong bữa tiệc, chúng tôi hỏi thăm Ông về sinh hoạt của đồng bào tại tỉnh lụy và ở biên thùy, ông vui vẻ trả lời và sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của chúng tôi.
Khi hỏi đến tình hìnhChâu Đốc trong hồi chính biến 1945, ông nói :
            -Tất nhiên phải có những xáo trộn phi thường và những tang thương mà không ai có thể lường được trước. Nhưng nếu so với nhiều tỉnh khác, ở đây cũng tương đối dễ chịu, nhất là về tài sản của nhân dân thì ít bị hư hao.
Hỏi thêm về tình hình chung lúc Pháp tái chiếm, ông có cho biết phần đông đều phải tản cư về thôn quê và không ai làm ăn gì được. Những người nghèo khổ thì thiếu hụt vất vả, còn hạng giàu có lại sợ nạn cướp của giết người, rốt cuộc không một ai được yên tâm.
Cơm nước xong, anh Trình và anh Hà xin phép được đi nằm, chỉ còn Khanh và tôi mê chuyện, ngồi lại với chủ nhân. Khanh có óc kinh doanh, nhân biết chủ nhân là một nghiệp chủ, có một sở ruộng lớn tại Hòa Lạc và một nhà máy xay lúa tại Năng Gù, nên hỏi sang công việc làm ăn, được ông đáp khá cặn kẽ.
            -Tôi chỉ mua toàn đất thuộc và chuyên cho mướn để lấy lúa thuế chớ không tự đứng ra canh tác, cho nên nguồn lợi không được phong phú, nhưng nhờ vậy mà trong hồi lúa bị hạ giá còn vài cắt một giạ, nhiều người bị sạt nghiệp, thì riêng tôi không bị thiệt hại bao nhiêu. Đáng ngại là mấy năm gần đây, chiến tranh đã gây mối nguy lớn cho các điền chủ. Đất bỏ hoang gần hết, thảng như có nơi nào cày sạ được thì tá điền cũng không mấy người chịu đóng lúa thuế cho chủ đất.
Còn nhà máy xay thì buổi đầu phát đạt lắm, lợi tức vô dồi dào ngó thấy, nhưng sau dần dần coi mồi làm ăn được, nhiều người nhảy ra xây cất, nên nguồn lợi cũng giảm đi. Từ khi trong nước có loạn thì phần nhiều bị hư hoại hoặc bị bế tắc.
Kể ra việc lập nhà máy ở xứ ta là một nguồn lợi to tác, vậy mà trong buổi đầu người Việt không mấy ai ngó tới, để cho khách trú nắm trọn cả đi. Theo chỗ tôi được biết thì trong năm 1869 và 1870, hãng Spooner Renard và ông Cahuzac thấy gạo Nam Kỳ có thể bán ra ngoại quốc được, nên dựng thử lên hai nhà máy xay tại Chợ Lớn. Huê Kiều dòm thấy việc làm có lợi nên lập tức hùn vốn kinh doanh. Họ mở được 8 nhà máy kế tiếp và sau đó mua luôn cả hai cái mở trước, tức nhà máy Union và nhà máy Orient, thế là đến năm 1915, tại Chợ Lớn có 10 nhà máy xay mà tất cả đều thuộc về họ.
Người Việt chúng ta mới lập nhà máy mấy năm gần đây, nhưng nhỏ nhoi và phần nhiều ở rải rác tại các tỉnh. Nói chung thì ngành lúa gạo ở Nam Kỳ bị nắm trong tay Huê Kiều: nhà máy xay lúa, xuất cảng gạo, họ chiếm cả!
Đêm đã khuya, đồng hồ trên vách thong thả buông đều 12 tiếng, chủ nhân tạm kết câu chuyện đọan mời chúng tôi đi nghỉ để ngày mai còn phải dậy sớm đi thăm xóm Chăm.

                ššó››

Sáng hôm sau, chúng tôi ra bờ sông, thuê đò đi Châu Giang.
Đứng bên thành phố Châu Đốc đợi đò, một xóm nhà sàn vách ván lợp ngói đỏ tươi hiện ra, nằm dọc ngang, san sát bên kia bờ Hậu giang, nổi bật giữa những hàng cây xanh mượt và những ngôi nhà lá thấp lè tè của đồng bào Việt cất theo kiểu xưa.
Đó là một xã hội nhỏ đồng bào Chăm. Cũng giống như các thôn ấp Chăm tại hữu ngạn Hậu Giang, miệt Kotampong, hoặc ngược dòng Cửu Long, miệt Hà Bao, người ta luôn luôn làm nhà ở ven sông, sống một nếp sống bí mật và riêng biệt hẳn giữa các sắc dân ở đây.
Thuyền ra giữa sông, xóm Châu Giang càng hiện rõ. Sàn nhà cao vọi, nóc nhà đâm thẳng ra nẻo lưu thông, mỗi nhà đều đặt chiếc thang cây nằm kề bên đường.
Những người đàn ông đầu đội mũ trắng, mình vận sa rong kẻ sọc đỏ xanh, da đen cháy, đi lại trên hiên nhà hoặc lui tới bên bờ vệ. Trên sàn nhà, vài thiếu nữ thập thò trong khung cửa sổ nhìn ra sông, áo màu sặc sỡ, tóc huyền bóng, mắt mơ màng. Nhiều trại cưa, trại mộc, thợ thuyền đông đúc; họ bào họ đục, làm văng ra những tiếng động ồ ào chát chúa; năm bảy xuồng chài, xuồng lưới kiểu mình thon, mũi nhọn về bến, người ta xúm nhau bắt cá trong xuồng, cười nói huyên thuyên bằng một thứ tiếng lạ tai.
Đò cặp bến. Tôi vừa trỏ tay lên bờ vừa nói bỡn với anh em:
            -Xóm Châu Giang đây rồi, mời các ngài lên ạ !
Vì có hẹn trước, nên ông Hai, một phụ huynh học sinh chực sẵn để hướng dẫn chúng tôi. Trước hết, chúng tôi được vào viếng một ngôi chùa ở đầu thôn. Chùa cất trệt, không cao sàn như nhà ở, cách trang trí sơ sài. Một ông Seăk (có lẽ như ông từ) ra chào chúng tôi và mời vào trong. Bên trong là một khoảng trống chạy dài tận vách, trên vách chỉ có một lỗ thũng lõm vào, tuyệt nhiên không thấy có hương án và tượng cốt như chùa Phật Việt Nam. Tôi hỏi ông từ:
            -Thưa ông, đây là ngôi chùa duy nhất của xóm hay còn đâu nữa?
            -Dạ, còn nhiều ngôi chùa khác. Chùa nầy nhỏ, gọi là surao dùng để hành lễ trong ngày thường, các ngày thứ sáu hay có thánh lễ, dân chúng phải họp về Masdyid, tức chùa lớn xây bằng gạch, rộng rãi và đủ tiện nghi hơn.
            -Thế ra mỗi ngày đều có hành lễ?
            -Dạ, mỗi ngày phải hành lễ 5 lần, tiếng Mã Lai gọi là Sămbahyăng.
            -Nếu phải bận việc, người ta có thể miễn được không, ông?
            -Không. Họ có thể hành lễ tại nhà bằng cách trải một manh chiếu hoặc một tấm vải rồi bái vọng về phương tây, chớ không được bỏ qua.
Chúng tôi cảm ơn ông Seăk rồi xin kiếu để còn đi xem nhiều nơi khác.

                ššó››

Ra tới đường cái, anh trình hỏi anh Hai:
            -Mỗi ngày 5 lượt hành lễ, còn làm ăn gì được? Họ theo đạo nào vậy ông Hai?
            -Theo Hồi Giáo. Tất cả cuộc sống của họ gằn như gói tròn trong quy điều của đạo, tuy nhiên họ vẫn chăm lo làm ăn nên phần đông đều khá giả.
Đi một đỗi xa, ông Hai đưa chúng tôi xem một ngôi Masdyid ở giữa xóm rồi mời vào thăm một nhà quen của ông.
Sau khi được giới thiệu, chủ nhân mặc áo đội mũ, hết sức niền nỡ tiếp chúng tôi. Ông mời chúng tôi ngồi trên sàn nhà nói chuyện. Chúng tôi hỏi chuyện này kéo sang chuyện khác và sau cùng được ông cho biết ít nhiều về tín ngưỡng và phong tục Châu Giang.
Ông nói, giọng lơ lớ:
            -Như ông Hai đây đã biết, tất cả chúng tôi đều có đạo Hồi, cữ thịt heo và khi có người chết thì chôn xác như người Việt chớ không thiêu như người theo đạo Bà La Môn. Hàng năm mọi người phải Zakat, nghĩa là làm việc bố thí. Những trẻ con chưa làm gì được thì cha mẹ chúng phải xuất tiền hay gạo mà bố thí cho chúng.
Lớn lên khoảng 13,14 tuổi, con trai chịu lễ cắt quy đầu (circoncision), con gái thì khuê môn bất xuất. Do đó mà chúng tôi thỉnh thoảng chỉ thấy có người lấy vợ Việt chứ chưa thấy có ai lấy chồng Việt Nam.
Lại có tháng Ramadan (1) là tháng phải nhịn đói nhịn khát. Người ta không hút thuốc lá và kiêng cả việc chung chạ với đàn bà. Mục đích chịu đói chịu khát như vậy là để hạng giàu sang thông cảm nỗi cơ cực của những người nghèo khổ và nhân đó, người ta sẽ biết ơn trời tức Allah. Thời gian nầy kéo dài đến một tháng mới chấm dứt khi được thấy vành trăng đầu tháng nhô lên. Người ta cử hành đại lễ Roya, tụng kinh Cor’an và đi chúc mừng nhau. Ngày ấy được coi như tết của Việt Nam vậy.
Trời đã trưa, chủ nhân thành thực mời chúng tôi dùng cơm nhưng chúng tôi xin từ vì ông Hai có dự bị sẵn để mời chúng tôi về ăn tại nhà ông ở cách đây vài cây số.

                ššó››

Đi khỏi xóm, anh Khanh hỏi ông Hai :
            -Ngày nào cũng hành lễ nhiều giờ và năm nào cũng nhịn đói cả tháng, còn sinh hoạt thế nào được , ông Hai?
Thế mà họ vẫn làm ăn như thường và lại dư dả hơn người Việt mình nữa mới hay chớ. Tôi cho rằng có lẽ nhờ những lề thói khắc khổ đó mà tập được với vất vả nhọc nhằn. Các ông không trông thấy sự giàu có của họ sao?
À, có một điều lạ là cái xã hội sinh hoạt thinh vượng như vậy lại vắng bóng đàn bà con gái! Đi từ đầu làng tới cuối xóm chỉ thấy mặt được vài bà già, rồi vào nhà chỉ gặp toàn những đàn ông và con nít!
            -Có chớ, không có đàn bà con gái thì làm sao có đàn ông con trai! Chỉ tại tục lệ của họ khi có khách đàn ông đến nhà thì đàn bà rút vào trong, không tiếp, kể cả những người đàn ông trong xóm cũng vậy. Riêng về con gái thì luôn luôn cấm cung, không bao giờ được chuyện vãn với con trai, bất kỳ người con trai kia là bà con dòng họ hay không. Sự liên lạc với bên ngoài chỉ có ban đêm, nhưng mỗi khi cần thiết phải ra ngoài, đều phải có các  bà già hướng dẫn.
            -Thế giới nữ không làm việc gì và cũng không đi hành lễ như giáo điều Hồi Giáo bắt buộc?
            -Không đâu. Họ thêu hoa dệt lụa rất khéo tay và vẫn làm lễ đúng giờ tại nhà khi nghe có một hồi trống lịnh hoặc nghe tiếng vọng từ trên tháp cao của một vị Bilăl (1).
Anh  Khanh lắc đầu:
            -Bó buộc chết đi, ai mà chịu được!

                ššó››

Trên  chuyến đò trở về Châu Đốc, anh Khanh hỏi tôi :
            -Tại sao mọi người đều gọi xóm nầy là xóm Chà, anh ? Họ có phải là người Chà Và thật không ?
            -Không. Họ là người Chăm gốc ở miền Trung, vì ảnh hưởng chiến tranh mà phải lưu lạc vào đây. Người Việt thấy họ giao thiệp với người Mã Lai, sang học đạo ở Pattani thì lầm tưởng họ là người Mã Lai rồi cứ gọi như vậy. Danh xưng Chà Và do tiếng Java mà ra, và đồng bào Chăm coi như đó là một danh xưng đầy vẻ khinh miệt, cũng ví như danh xưng An Nam mà người Hán đã gọi dân mình như vậy.
            -Họ vào đây từ hồi nào và còn ở đâu nữa không hay chỉ bấy nhiêu thôi, anh ?
            -Trong hồi Nguyễn Cư Trinh đánh lui Cao Miên, khỏang 1755, có chiêu dụ được một số dân Chăm – Trước đó đã chạy loạn sang ngụ trên đất Miên – Ông dâng sớ lên chúa Nguyễn hiến kế “tàm thực”, xin được dùng người Chăm để ngăn người Miên. Chúa Nguyễn chấp nhận. Ông bèn cho cất đồn ải tại Tây Ninh, Hồng Ngự và Châu Giang rồi cắt dân Chăm làm quân trấn thủ (2). Họ có bổn phận, ngoài công việc ngăn giặc, lo khai khẩn ruộng vườn ở miền biên tái xa xôi đó (3).
Tuy nhiên cuộc định cư nầy về sau vì hòan cảnh kinh tế và sinh hoạt chính trị, họ lại phải gom về cạnh đồn Châu Giang và lần lượt tản mác chung quanh đó. Hiện nay tòan tỉnh Châu Đốc có bảy thôn ấp có người Chăm ở: Kotampong, Hà Bao, Vĩnh Trường, Phum Soài, Khánh An, Khánh Bình và Châu Giang mà chúng ta vừa quan sát.
________________________________
(1) Danh từ dùng chỉ một chức vụ có phận sự đứng ra đọc những câu đặt sẵn kêu gọi mọi người đến hành lễ.
(2) Hồng Ngự thời xưa thuộc về Châu Đốc tân cương và trước đây cũng còn thuộc về Châu Đốc. Đồn bảo Tây Ninh do người Chăm đóng giữ không biết bãi bỏ thự hồi nào, chứ ở Hồng Ngự, đến năm 1873. Minh Mạng thứ 18 thì giải tán quân sĩ.
(3) Trong sinh hoạt chuyên về du điếu, người Chăm xưa cũng giỏi việc khẩn hoang làm ruộng như người Việt. Theo học giả Antoine Cabaton trong cuốn Nouvelles Recherches sur les Chams, thì thái tử Poklong Garai (tục gọi vua Lác) là người bày ra cách đem nước vào ruộng, đã giúp cho hàng ngàn mẫu ruộng của người Chăm có nước cấy cày và Poklong Garai được thờ làm thần tại một tháp Chăm Ninh Thuận.
Một cuộc sát hại cuối cùng và ghê gớm dành cho những người Chăm theo Lê Văn Khôi chiếm Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết chống lại Minh Mạng năm 1833, khiến họ phải bỏ xứ trốn đi. Một số sang  Cambodge, một số lẩn lút theo đồng bào Thượng còn một số chạy vào Nam và theo vài bô lão Chăm Châu Đốc (!).
Phong trào khủng bố đó đã được vua Thiệu Trị khoan hồng, xuống một sắc chỉ chiêu an (1841) và truy phong Po Klon Kahul, dòng vua Chăm, nhưng phần nhiều những người Chàm từ lâu đã lưu lạc tới Kompong Chăm Châu Đốc, không trở lại, chỉ có nhóm người chạy vào rừng núi miền Trung lục đục trở về Bình Thuận, Ninh Thuận và còn tới ngày nay.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét