TÂN CHÂU
BIÊN THÙY
NGUYỄN VĂN HẦU
Trên dòng Sông Sâu –
Vĩnh An Hà – Tân Châu Đạo – Tiền Giang và nguồn lợi cá – Biển Hồ và bạn biển –
Ngành tàm tang – Nẻo biên thùy – Núi Nổi và giồng Trà Giênh – Thánh Địa Hòa Hảo
– Đạo Tưởng, người cuồng tín – Cụ Tú Thường và vài danh nhân
khác
Trời đã muộn,
ánh vàng còn lại yếu ớt trên các ngọn
cây cao, le lói trên mặt sông, thì cũng đúng là lúc chuyến đò đưa chúng tôi về
Châu Đốc.
Ngày sau,
chúng tôi dậy sớm ra chợ mua ít vật dụng cùng xem chợ nhóm, rồi cho xe qua bắc
để đi Tân Châu theo chương trình đã định.
ó
Đường trải đá
nhưng vì không tráng nhựa và cũ quá nên gồ ghề, làm chiếc xe lắc lư, không chạy
nhanh được. Qua khỏi xóm Châu Phong, nhà cửa vẫn sầm uất đều đều. Cạnh đường xe
là một con kinh, lúc nầy nhầm mùa nắng, lạch nước không sâu nên lưa thưa đây đó
chỉ có một vài chiếc thuyền con lui tới. Khanh nhìn xuống dòng kinh, hỏi
tôi:
-Đây là rạch trời xanh hay kinh đào
mà trông ngay thẳng thế anh?
-Kinh đào! Tên nó là Vĩnh An Hà. Đầu
bên kia kinh, chỗ mà chúng ta sắp đi tới, có dựng bia kỷ
niệm.
-Anh có thể cho anh em biết lai lịch
con kinh nầy chứ?
-Có thể. Đây là con kinh được đào
tay từ năm Thiệu Trị thứ ba, dương lịch 1843 và cho đến năm Thiệu Trị thứ năm
1845, mới xong. Công tác nầy do lệnh của Nguyễn Tri Phương. Tuần phủ Vĩnh Long
và sự điều động trực tiếp của Nguyễn Công Nhàn, Đốc bộ Châu Đốc. Mục đích của
việc đào kinh là để có đường thủy lưu thông nhanh chóng giữa Tiền Giang và Hậu
Giang, giữa Tân Châu Đạo và Châu Đốc Đạo. Bề dài của nó dài được mười bảy ngàn
thước tây.
-Vậy nếu không có kinh nầy thì hồi
xưa người ta di chuyển bằng đường nào?
-Đường Vàm Nao, Sử gọi Vàm Nao là
Hồi Oa, cách Tân Châu bốn mươi cây số. Người đương thời ở miền Sở Thượng, Hồng
Ngự, Tân Châu muốn đi đường thủy đến Châu Đốc, phải thẳng xuống vàm Nao, qua Hậu
Giang, rồi đi vòng trở lên cộng cả thảy khoảng trên bảy mươi cây số mới
tới.
* *
*
Anh Hà ngồi
phía sau xe, nãy giờ chăm chú nghe, đến bây giờ mới hỏi
tôi:
-Hồi nãy có nghe anh nói tới Tân
Châu Đạo và Châu Đốc Đạo tôi chẳng rõ gì cả. Vậy xin anh cho biết luôn nó là
gì?
-Đó là những nơi trú quân dùng án
ngữ chỗ biên thùy ngày xưa, được thành lập từ năm 1759 theo mệnh lệnh của Vũ
Vương.
Đường bộ, một
đạo (binh Côn Man) đóng ở Tây Ninh và một đạo đóng ở Hồng Ngự, liên lạc do đường
tắc vùng biên giới và một đạo đóng ở Tịnh Biên để ngữ Thất Sơn, liên lạc với hà
Tiên và An Giang (tức Châu Đốc). Còn đường thủy, lập đồn hai bên bờ Cửu Long
Giang, gần biên thùy:
1/ - Tân Châu Đạo ở Tiền Giang,
(quân hậu cứ ở Cù Lao Giêng).
2/ - Châu Đốc Đạo ở Hậu Giang (quân
đóng tại bến An Giang).
3/ - Đông Khẩu Đạo ở Sa Đéc (làm hậu
thuẫn cho hai đạo tiền phong).
Anh Hà cười:
-Thì ra đó là đạo quân trấn thủ, vậy
mà khi mới nghe anh nói, tôi cứ ngỡ Tân Châu Đạo là một tôn giáo như Đạo Phật,
Đạo Trời…
* *
*
Ngồi trên xe vừa nhìn phong cảnh,
vừa nói chuyện, không mấy chốc mà đã đến Tân Châu. Tôi cho xe qua cầu, rảo một
vòng quanh chợ rồi ghé vào dinh quận. Ông Quận trưởng là bạn thân của tôi, đã
được thông báo trước về cuộc hành trình nầy nên sẵn sáng đón
đợi.
Dinh quận ở sát vàm kinh. Tiền đình
trông thẳng ra Tiền Giang. Gió sớm từ phương đông thổi về chan hòa trong nắng ấm
làm chúng tôi mỗi người đều thấy sảng khoái tinh thần, ai nấy đua nhau hít thở
không khí thơm lành đầy phổi.
Buổi cơm trưa hôm ấy dùng toàn thức
ăn địa phương: cá bông tả bí lù, tôm càng kho tàu, cá chẽm nấu canh chua… vậy mà
chủ nhân còn tỏ ý tiếc:
-Ước gì các anh đến vào tháng ba trở
đi thì sẽ còn một món ăn đặc biệt hơn nữa: đó là món cá thu nước
ngọt.
Thuở nhỏ tôi có đến xứ nầy một lần
trong dịp theo người thân thăm bà con. Tôi được biết cá là cá. Nguồn lợi cá ở
đây to lắm. Cá linh, cá sặc, cá rô, cá lóc, cá bông, cá tra, cá cóc, cá hô, cá
vồ… Nhưng nhiều nhất là cá linh. Bạn đọc có thể tưởng tựơng được một đóng chà
rộng khoảng vài chục thước vuông mà mỗi đêm người ta bắt được vài chục giạ cá
trong đó không? Một miệng đáy, cứ hễ năm phút là kéo lên, phải nói là trục lên
mới đúng, là đã bắt được hàng trăm kí cá. Người ta đã dùng thứ cá đó để làm mắm
và làm nước mắm mà vẫn không hết được, nên phải đổ đóng cao như núi, đợi cá sình
lên lên rồi trộn với tro mà làm phân bón rẫy. Rẫy ưa phân cá nhất là rẫy cải
xanh và rẫy thuốc lá.
Nhưng một thứ cá quí nhất phải kể là
cá thu. Thịt rất thơm, xương mềm, mùi ngon bỏ xa cá thu nước mặn. Theo cụ Hồ
Viết long, Thông phán tòa án Châu Đốc hồi hưu, thì vào khoảng 1944, sở ngư
nghiệp Nhật Bản có đến Tân Châu để nghiên cứu về nguồn lợi cá, nhất là cá thu.
Họ dự định một chương trình canh tân ngư nghiệp ở vùng nầy với kỹ thuật làm cá
hộp. Nhưng lật bật rồi bị giải giới, quân đội Nhật về nước, thiếu thế lực đỡ đầu
nên chương trình đó bị xếp.
* *
*
Cơm xong, tôi hỏi chủ
nhân:
-Tôi đã có dịp biết cá ở đây dồi
dào, nhưng không rõ tại sao các thứ ấy chỉ dồi dào từ biên giới dẫn xuống tới
một phần tỉnh Long Xuyên thôi, còn chặng dưới nữa thì không. Anh có thể giải
thích cho chúng tôi nghe?
-Hồi mới về ngồi tại quận nầy, tôi
cũng có cái thắc mắc như anh. Một người “bạn biển” đã cho tôi hiểu, sở dĩ nguồn
lợi cá phong phú nhất chỉ ở miệt nầy thôi, là vì cá ở Biển Hồ
xuống.
Mỗi năm cứ hễ sông Cửu Long bắt đầu
đổ (1), thì trứng cá nở thành
con.
Chúng bị nước
làm “giang hồ phiêu bạt”, lênh đênh vượt biên thùy. Ven Đồng Tháp Mười về phía
Tiền Giang cũng như các vùng đồng bằng
Cỏ Lau, Bắc Đai, Láng Linh, miền Hậu Giang, là những nơi trú ẩn cho chúng. Vì
khi chúng vừa trôi giạt đến miền nầy, thì cũng đúng vào tháng nước lụt tràn
đồng. Rồi khi nước giựt, chúng theo kinh gạch mà ra sông cái, lại ngựoc dòng trở
lên, ý chừng muốn trở về quê mẹ. Cá bây giờ lớn mạnh, nước bây giờ ngừng đổ, cho
nên lúc nào miền dưới cá cũng ít hơn miền trên.
Nhưng bạn biển
là gì anh?
Bạn biển là
những người làm công ở biển Hồ. Đó là một hồ nước rộng mênh mông ở Cao Miên.
Nhìn vào bản đồ ta thấy nó như hình con số 8 nằm giữa đất liền. Biển Hồ bề dài
trên 160 cây số, bề ngang, nơi rộng nhất 36 cây số. Đầu nó ở Siêm Reáp, đuôi
thòng đến Kompong Chehnang, phía mặt là Pursat, phía trái là Kompong Thom. “Hải
phận” của nó gắn liền trên bốn tỉnh vừa kể. Đứng bờ bên nầy ngó sang bên kia,
chỉ thấy trời với nước, rồi mịt mù, tăm tăm. Người Cao Miên gọi Biển Hồ là Bưng
Tonlésap, nghĩa là hồ nước ngọt. Danh xưng Biển Hồ do người Việt đặt ra; còn
người Hoa kiều thì dịch âm tiếng Tonlé thành Thôn Lôi và gọi Biển Hồ là thôn Lôi
Hồ.
Hằng năm hồ chỉ đầy nước trong sáu
tháng do dòng sông Cửu Long cung cấp, và sau đó rút lần hồi, làm khô cạn như một
bãi cát hoang. Người Việt ta thất nghiệp thường lên đây làm bạn biển. Họ neo ghe
trên mặt hồ, sống bằng nghề đánh cá thuê, việc làm rất cực khổ. Họ phải làm quần
quật suốt đêm ngày: lưới cá, bắt cá, rồi chặt đầu, mổ bụng, ướp muối, làm mắm…
Những người bạn biển từ ngày nào đã than:
Biển hồ cực lắm em
ơi!
Ban đêm xẻ cá, ban ngày
phơi khô.
Nhưng cực thì cực chớ chủ nhân luôn
luôn trọng đãi, nên họ kiếm tiền được dễ dàng. Mỗi năm chỉ cực với “biển trần
khổ vơi vơi trần nước” đó chừng sáu tháng. Những ngày còn lại thì tha hồ ăn
chơi. Ăn chơi có lỡ tay thua thiếu thì chủ nhân cho mượn trước. Tiền bạc rộng
rãi như vậy nhưng họ khó mà có dư để giải nghệ về làng, rứt tha phương cầu thực.
Họ cứ giẫm chưng nợ nần với chủ. Cha rồi con, con rồi cháu, đời đời làm biển
không thôi chỉ vì tiền dễ kiếm mà nợ mãi lút đầu. Người dân miền biên tái cũng
như Việt kiều ở Cao Miên còn ai mà không nằm lòng câu hát lịch
sử:
Nam Vang lên dễ khó
về,
Trai vô bạn biển, gái về
tào kê.
* *
*
Chiều hôm đó
chúng tôi được đưa đi bằng thuyền máy ngược dòng Tiền Giang đến Tân An. Đây là
một làng nhỏ chỉ cách Cambodge chừng nửa giờ đi bộ. Nơi đây cũng là chỗ chôn
chân cuối cùng của nhà cách mạng Nguyễn Quang Diêu. Tôi đến để tìm gặp một nhà
nho nghèo, có khí tiết mà cũng có dồi dào tài liệu quí.
Thuyền chạy
thật nhanh, bỏ lại đàng sau từng đợt sóng làm tròng trành chiếc xuồng be của mấy
cô thôn nữ đi hái dâu. Họ đưa mắt nhìn chúng tôi, nở nụ cười duyên. Người lái
thuyền không bỏ lỡ cơ hội, cho bớt máy lại, đưa mắt về phía các cô thôn nữ, cất
tiếng hát trêu:
Ngó lên Nam Vang thấy
cây nằm nước,
Ngó xuống Thường Phước
thấy sóng bủa lao xao.
Anh thương em ruột thắt
gan bào.
Biết em có thương lại
chút nào hay chăng ?
Các cô bên
xuồng bẽn lẽn, đôi má ửng hồng, quay nhìn vào bờ không chịu buông câu hát
đối.
Mấy con chim
tu hú kêu rơi cuối mùa trong lùm cây mặc nưa xanh mượt ở ven sông, chúng nghe
tiếng động và thấy bóng người, vội cất cánh bay; cánh đen huyền trong ngàn mây
trắng, giống như một bức tranh thủy mặc tiêu sơ.
Tôi nói với
người lái thuyền :
-Ở đây nhà ít người thưa, hèn chi
các nhà làm cách mạng đến ẩn tích cũng phải !
-Dạ, trước kia thì đúng thế, nhưng
ngày nay thì khác hẳn. Lát nữa vào trong làng, ông sẽ được thấy sự sung túc của
vùng nầy.
Đến Tân An,
chúng tôi phải lên bải để đi bộ vào xóm. Thì ra người ta đã dành những nơi có
phù sa nhiều để làm ruộng dâu và rẫy thuốc lá; còn nhà cửa thì cất san sát ở
trong rạch, trên giồng, đúng như lời người lái thuyền đã
nói:
Sau khi thăm
qua các xưởng dệt, các lò nhuộm và ngắm xem mút mắt những ngàn dâu xanh, chúng
tôi nghỉ đêm tại Tân An.
Tôi làm sao
quên được sự niềm nỡ tử tế của bà con trong vùng. Họ nghe chúng tôi đến, xúm lại
thăm chơi trò chuyện đến khuya. Nhà nho có, thợ dệt, thợ nhuộm có mà những tay
doanh thương chuyên nghiệp “nhảy dù” hàng hóa trên đất Miên cũng
có.
Trong cuộc
tiếp xúc nầy chúng tôi được biết Tân Châu là nơi nổi tiếng tầm tang không đâu
bằng. Chợ Thủ cũng một thời vang bóng, nhưng vẫn không theo kịp chợ Tân Châu.
Giữa hồi nghề ươm tơ thịnh vượng, ở đây ngày chí tối vang động tiếng chày nện
lụa. Tiếng cót két của trục quay tơ cùng với tiếng lách cách của những con thoi
như thi nhau qua những bàn tay nõn nà của các cô gái dệt.
Việc sáng khởi
kỹ nghệ nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ở đâyđược bắt đầu từ hồi đầu thế kỷ (2). Năm 1910, người ta đã thấy dựng lên được
mấy cơ sở họat động cho ngành, nhưng đó là của tư. Đến 1937 trở đi, chính quyền
mới chánh thức nhúng tay khai thác. Từ ấy nghề tàm tang phát đạt. Những người
trước kia không vốn, chuyên nện hàng mướn, bây giờ nhờ hom dâu, trứng bườm mà
giàu sụ. Họ vãi tiền ra mua đất, sắm nhà, vãi tiền ra ăn chơi như các đại phú
gia.
Nghề nào cũng
nhờ kinh nghiệm, nhờ cải tiến mọi mặt mới được hoàn hảo. Nhưng nghề lãnh lụa Tân
Châu mà được phát đạt bền, phải kể trước nhất là kỹ thuật nhuộm. Hàng có tốt mà
nhuộm kém cũng không bán được. Người ta nhuộm hàng bằng vỏ dà, bằng lá chàm, rồi
sau tiến dần đến cách nhuộm bằng thuốc nhuộm. Nhưng thứ nào cũng không bền, mặc
ít lâu thì ngã màu thành xanh hoặc đỏ, tiếng địa phương gọi là trỗ. Người ta đã
tìm ra một thứ trái cây có mủ đen để
nhuộm thay cho các thứ trên. Trái mặc nưa. Cách nhuộm cũng đổi mới, công phu và
tế nhị. Nó hoàn toàn bảo đảm: đen huyền, bóng lộng và nhất là thêm chắc và thêm
bền. Càng giặt chừng nào hàng càng đen, càng láng. Kỹ thuật nhuộm nầy đã bỏ xa
cách nhuộm bằng thuốc nhuộm của ngoại bang.
Mặc nưa là một
thứ cây mọc nhiều trên đất Miên, có tàn cao, nhiều nhánh, lá nhỏ. Mỗi năm chỉ có
trái một lần vào mùa mưa. Trái có hình tròn, da láng như trái vú sữa nhưng chỉ
nhỏ bằng đầu ngón tay cỡ trái chùm vuột. Từ khi biết nhuộm mặc nưa, các lò nhuộm
Tân Châu mỗi năm phải mua của Miên tổng cộng khoảng trên 1000 tấn. Người ta đã
và đang nghĩ cách trồng cho được nhiều vườn cây mặc nưa để tự cung ứng
lấy.
óóó
Ngày hôm sau,
chúng tôi vẫn ở lại Tân An. Các bạn tôi thì được một vị Trung úy tại đồn binh
địa phương đưa đi thăm vài di tích trong làng; còn riêng tôi cả ngày bận rộn
chép chép ghi ghi, vừa phỏng vấn ông bạn vong niên nhà nho và vừa đọc vọi một mớ
tài liệu mà chủ nhân đã dày công chép tàng trữ.
Theo sự sắp
đặt trước, bữa sau chúng tôi đến biên thùy bằng thuyền máy của chi quan thuế.
Thuyền rộng rãi, máy mạnh lắm, người thuyền trưởng tỏ ra rất lịch thiệp hướng
dẫn chúng tôi xem khắp thuyền và chỉ cho tôi các món ăn mà bà Quận trưởng đã có
nhả ý làm sẵn biếu chúng tôi.
Trời bây giờ
xanh, nước xanh, lơ thơ mấy cánh buồm trắng nghiêng mình no gió giữa hai bờ cây
xanh, làm tôi nhớ tài thuật ký của Phạm Quỳnh về cảnh đẹp sông Cửu Long trong
tác phẩm Một tháng ở Nam Kỳ hồi 1919. Anh Khanh hứng quá, ngâm thơ; còn anh Hà
thì luôn tay bấm máy ảnh.
Một đồn lính
đứng dưới một kỳ đài cao vút phấp phới màu đỏ xanh in dấu chùa tháp báo hiệu kia
là lãnh thổ Khmer. Rồi thuyền đỗ.
Qua một con
đường mòn giữa những chòm cây rậm, chúng tôi đến một con đường khác rộng hơn,
giao thông giữa Việt Miên. Xe lôi, xe đạp thỉnh thỏang tới lui. Người Việt,
người Miên xúm nhau mua bán tựa như một cảnh chợ nhỏ. Đây là một trong những nơi
mậu dịch biên cương. Những cuộc buôn lậu nhỏ lớn, những sự đổi chác bất hợp pháp thường xảy ra nơi
nầy.
Còn nhớ ngay
dưới thời Pháp thuộc, người Việt ở Bắc muốn vào miền Trung hay miền Nam hoặc
ngược lại, phải có giấy “thông hành” (gần như thẻ xuất ngoại) mới được đi; còn
muốn sang Miên hay Lào, tất nhiên phải có những thủ tục hợp lệ. Người dân quê ở
gần ranh giới, vì nhu cầu sinh hoạt, đã bất chấp thủ tục. Những tay buôn lậu
chuyên nghiệp tuy có đủ hồ sơ cá nhân, nhưng chuyện vận chuyển hàng hóa còn là
một chuyện khác. Họ muốn có lời nhiều, phải “nhảy dù” những hàng hóa đó. Chính
hạng sau nầy mới tạo khó khăn cho nhà nước hơn hạng trước. Họ có vốn lớn, có tổ
chức hẳn hoi, đôi khi có cả môn bài chiếu lệ. Họ dựa vào những thế lực, đút lót
hoặc chia hùn với những “cây thế lực” đó. Nhà cầm quyền địa phương như các Chánh
phó tham biện trước kia và Quận trưởng, Tỉnh trưởng sau nầy chẳng hạn, nếu “dự
phần” với họ cũng tốt, bằng muốn chống họ, họ chẳng ngại gì; mà đôi khi các ông
ấy còn bị hại là đàng khác!
Tôi đã được
đọc một bản báo cáo về các tổ chức buôn lậu giữa Châu Đốc – Kandal, thấy mưu mô
của bọn gian thương mà ngán. Giấy tờ gì họ cũng lo được, đường nẻo nào họ cũng
biết. Họ có cả một lũ em út có võ nghệ. Rồi cấp tiền cho những “thằng em út” đó
học gồng, học phù phép, học ngải Chà, ngải Chàm, ngải Xiêm, học cả món thư nữa.
Không rõ công dụng của những thứ đó ra sao, nhưng trước sau họ cũng qua mặt
chánh quyền trót lọt.
Bò trâu từ đất
Miên lùa về, mua mắc mua rẻ có mà đánh cắp cũng có. Người miên mất trâu mất bò
thì tức, có lúc phải tủ nhau vượt biên lùa về. Nhưng phải sanh tử mà lắm khi
không lùa được. Mánh khóe của các tay buôn lậu và đầu trộm đuôi cướp ở biên thùy
nầy là vậy.
* *
*
Đi giáp một
vòng rộng để xem sinh hoạt của đồng bào thì nắng đã gắt, ai cũng nhễ nhại mồ
hôi. Chúng tôi ghé vào một quán nước bên đường để giải khát. Người thuyền trưởng
nói với chúng tôi:
- Thấy các ông mệt nên tôi không dám
mời đi thêm nữa. Nếu có rộng thì giờ, các ông nán lại chơi, chiều mát chúng ta
đi ngắm giồng và núi.
Anh Khanh
hỏi:
- Ở đây mà có
núi?
- Thưa, chỉ là núi đất thôi, nhưng
người địa phương tin là linh thiêng lắm! Họ đặt tên là núi Nổi và truyền rằng
núi tuy thấp nhưng không bao giờ bị ngập vì nước lụt. Cứ hễ lụt lên tới đâu thì
núi theo tới đó, như là bè nổi vậy. Tại núi có giếng nước trong, nước múc hoài
không cạn; có nhà tu nuôi một bầy rắn hỗ, mà rắn hiền không cắn
ai!
Anh Trình
cười:
- Điều ấy chưa chắc được. Nhưng còn
giồng nào nữa ở đâu anh?
- Giồng Trà Giênh, một cái giồng lớn
chạy dài hàng chục cây số, trong đó chằng chịt toàn thứ tre rừng, gòn rừng. Chen
lẫn nhau trong tre và gòn, còn có vô số bói, sậy, lau, đưng. Xưa kia nó là sào
huyệt của bọn ăn cướp và gần đây, quân đội Pháp rất khiếp sợ mỗi khi phải vào
đánh nhau với quân kháng chiến.
Anh Khanh nghe
nói muốn ở lại để đi xem, nhưng tôi thấy công việc phải làm còn nhiều, nên
khuyên để dịp khác.
Buổi trưa hôm
ấy chúng tôi ăn cơm ở trên thuyền. Không rõ nhờ nội tướng của ông Quận trưởng
khéo tay hay tại chúng tôi đói bụng mà bao nhiêu gà quay, bánh hỏi, thịt kho
nước dừa tươi đều hết sạch.
* *
*
Sau một đêm
ngủ ngon lành tại quận lỵ Tân Châu, sáng ra chúng tôi cảm tạ hậu tình của vợ
chồng chủ nhân rồi xin cáo biệt để đi núi Sam.
Anh Ba mấy hôm
nay được nghỉ nên trông khỏe ra mặt, đã sẵn sàng từ lờ mờ sáng với chiếc xe díp
no đầy xăng. Anh đã rù máy khi người thứ nhất bắt đầu bước
lên.
Xe vừa ra khỏi
cổng, Khanh nhìn lại con đường thẳng bên phải, rồi xoay sang đập vai
tôi:
-Con đường nầy về đâu anh
?
-Về Thánh Địa Hòa Hảo, cách đây 38
cây số.
-Sao chúng ta không ghé qua đó cho
biết ?
-Anh em đều đã biết, duy còn anh,
chẳng muộn gì đâu, rồi anh sẽ được đưa đến sau.
-Vậy bây giờ anh giảng cho tôi nghe
trước những gì đã xảy ra nơi đó.
Tôi nói giọng
hơi to để át tiếng động của xe:
-Hồi đó, khi đó khi đệ nhị thế chiến
sắp bùng nổ, tại làng Hòa Hảo thuộc quận
nầy, một thanh niên vừa đúng 21 tuổi tên là Huỳnh Phú Sổ, đứng ra lập một nền
đạo. Bởi đạo lấy căn cốt từ Phật Giáo và xuất phát tại làng Hòa Hảo, cho nên có
tên là Phật Giáo Hòa Hảo và người sáng lập được suy tôn lên hàng Giáo
Chủ.
Quần chúng
theo Phật Giáo Hòa Hảo đông quá, khiến thực dân Pháp sợ hãi. Ban đầu câu lưu vị
Giáo Chủ của đạo rồi đem an trí hết nơi nầy đế nơi khác. Nhưng càng dời đi chừng
nào thì số tín đồ của đạo càng tăng.
Khi quân đội
Nhật đến Đông Dương, họ muốn đắc nhân tâm, nên can thiệp với Pháp để trả tự do
cho vị Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo.
Hiện nay làng
Hòa Hảo đã trở thành Thánh Địa Hòa Hảo, dân số đông lắm. Các ngoại giao đoàn,
các phái đoàn Chánh Phủ, các du khách quốc tế cũng như các tín đồ từ tứ phương,
thường về đó để hành hương.
-Có một điều làm tôi thắc mắc là đạo
Phật ở nước ta sẵn có, các ông thầy truyền đạo ở nước ta không thiếu, thế mà
thầy nào trò nấy, chỉ giới hạn trong một phạm vi, một phân số nào đó thôi, Phật
Giáo Hòa Hảo có đặc điểm gì để thu hút được một đại đa số trong một thời lượng
ngắn như thế ?
-Đó là do phương pháp truyền đạo, do
giáo lý thích hợp với căn cơ quần chúng và do tư cách của vị giáo chủ. Những yếu
tố này là điều kiện đủ để thành tựu điều mà anh muốn biết.
-Phương pháp truyền đạo kha hấp dẫn:
chữa bệnh, thuyết pháp và viết kinh. Chữa bịnh là một công đức bố thí, cứu người
trong cơn nguy; có chữa bịnh quần chúng mới có cơ hội đến gần để nhân đó thuyết
pháp truyền đạo; nhưng thuyết pháp chỉ cảm hóa được người hiện diện chớ không độ
rỗi được kẻ vắng mặt, vậy vấn đề viết kinh là cần thiết để lan rộng đi xa. Nó là một công thức
mà người ta gọi là “tam độ nhứt như” đó. Về giáo lý thì chuộng điều giản dị,
người tu được dạy niệm Phật, ăn chay kỳ, sửa mình, làm lành và sống lương thiện
trong nghề nghiệp mình, không buộc phải thế phát vào chùa. Những mê tính dị
đoan, đồng cốt, cúng bói, vàng mã, cùng với những nghi lễ bề bộn như thầy cúng,
thầy lễ, gõ mõ, tụng kinh đều được khuyên đừng làm. Cúng Phật chỉ cúng hoa tươi
nước lã chớ không cúng chè xôi hoặc sát sanh. Thờ lạy chỉ được thờ tổ tiên cha
mẹ, các anh hùng dân tộc và Phật trời, không thờ những tà thần nào khác mà cũng
không nên bày bố tượng cốt hình tướng cho thêm hao tốn và làm trái tinh thần vô
vi thanh tĩnh. Còn đặc biệt nhất là tư cách của người chủ xướng. Nếu người xướng
xuất công việc kể trên không có phong thái đạo đức cao, không đủ tài năng để thi
thố cho mỗi công việc, thì chắc chắn không ai tin theo.
-Tôi đã suy nghĩ và thấy như vậy, để
rồi anh nghiên cứu xem có hợp lý chăng!.
ó
Xe qua một cây
cầu ván, cầu bị đốt cháy mấy chặng lan can và ván cũng tróc đinh nhiều chỗ, nên
khua lên thành tiếng động ầm ầm đinh tai, làm câu chuyện bị đứt quãng. Qua khỏi
cầu, anh Khanh nói :
-Tín ngưỡng là một điều tốt trên
phương diện cải tạo xã hội, nhưng trong tín ngưỡng thường thấy chen lẫn những mê
tín hoang đường thành ra có lúc tác hại cho xã hội không ít. Vì những mê tín mà
xã hội Ấn Độ tiến chậm, chánh phủ Ấn khó thực hiện được những sáng kiến. Dân
chúng ở miền Nam mình tín ngưỡng mạnh, tôi mong rằng những tín ngưỡng đó luôn
luôn là chánh tín để xã hội mình tốt đẹp.
Tôi đáp lời
anh Khanh :
-Bên cạnh những đồng bào có lương
tri, ham làm việc thiện, ưa tìm cho mình một đức tín chơn chánh để nương tựa
tinh thần, chắc không sao tránh được một số người mê tín. Tôi dẫn cho anh một
bằng chứng xác thực là tại xã Long Phú, nơi mà chúng ta đang đi qua đây, vào năm
1939, một cuộc nổi lọan làm chết người cũng chỉ vì mê tín.
-Gớm nhỉ! Nhưng ai là người dựng lên
phong trào đó anh ?
-Không là một phong trào gì cả, chỉ
có một số người trong một sớm một chiều tin bướng nghe càn một tên phù thủy
cuồng tín rồi dẫn xác nhau đến chỗ chết, rồi hết. Nhưng trước khi cho anh biết
chuyện, tôi muốn hỏi xem anh còn nhớ Nguyễn Chánh Sắt là ai không
đã?
-Nhớ lờ mờ; có phải Nguyễn Chánh
Sắt, chủ bút Nông cổ mín đàm và tác giả tiểu thuyết Chăng cà mum đó
không?
-Đúng vậy. Tên phù thủy ấy là “đứa
ở” của nhà văn Nguyễn Chánh Sắt, tên là Ba Quốc, bỏ việc của chủ ngang xương để
đi “làm trời”. Mới đầu cất am ngồi mơ tưởng đâu đâu, nên có tên là Đạo Tưởng. Y
tuyên bố rằng có đạo thuật làm súng câm họng và chính y sau nầy sẽ là Minh
Hoàng. Vậy mà cũng có người tin được. Họ góp tiền dựng chùa, cung phụng y như
ông vua thật. Em cũa y được tôn xưng là ngự đệ, những người thân tín của y thì
được đặt chức ngươn soái, tiên phuông… như một triều đình
thật.
Khanh thở dài
:
-Tôi nghĩ vấn đề giáo dục cần được
đẩy mạnh và chăm nom chu đáo thì những việc như vậy mới không còn. Trách nhiệm
không riêng ở chánh phủ mà còn do ý thức giác ngộ của tập
thể.
ó
Con đường Châu
Đốc – Tân Châu tuy không dài nhưng vì xấu nên xe chạy chậm, làm câu chuyện không
đề vẫn được tiếp tục. Anh Trình nói :
-Vừa rồi vẫn nghe nhắc đến Nguyễn
Chánh Sắt, tôi mới biết nhà văn nầy người gốc Tân Châu. Thì ra Tân Châu cũng là
một nơi văn vật đấy chứ!
Tôi cười :
-Phải nói là “trăm năm văn vật” mới
đúng! Vì Tân Châu không chỉ mỗi một Nguyễn Chánh Sắt gần đây mà
thôi.
-Còn ai nữa vậy
anh?
-Còn Huấn đạo Nguyễn Văn Khuê, Tú
tài Trần Hữu Thường, thi sĩ trào phúng Trần Thới Hanh … Nhà cách mạng Nguyễn
Quang Diêu tuy không sanh trưởng tại đây chứ cũng sống ở đây một thời gian dài
và đem thêm ánh sáng tới đây chẳng ít.
-Có lẽ vì tôi là một vãn sinh, nên
chẳng rõ gì mấy về các nhân vật nầy!
-Nguyễn Văn Khuê đỗ cử nhân, quen
gọi cử Khuê, làm tới chức Huấn đạo thời nho học còn thịnh; đã dạy được nhiều học
trò và còn để lại hằng trăm bài thơ Hán văn. Còn cụ Tú Thường thì là bạn đồng
thời với Thủ Khoa Huân. Hông chịu làm quan cho Pháp, ở ẩn dạy học. Học trò cụ
đông hàng ngàn, danh cụ vang khắp miền Tây. Học trò Võ Trường Toản kính cụ Võ
bao nhiêu thì học trò cụ Tú Thường cũng thờ thầy mình cỡ đó, có điều học trò cụ
Võ thuộc về thời trước, có cơ hội tiến thân hơn học trò cụ Nguyễn, lớp sau, sanh
nhằm thời nho học đã tàn. Nguyễn Quang Diêu, Nguyễn Chánh Sắt, Trần thới Hanh và
một số nhà nho tên tuổi khác đều là môn sinh của bậc thầy họ Trần
nầy.
Xe qua khúc quanh rồi chạy thẳng một
chút nữa thì đến bến phà. Chúng tôi xuống mé nước rửa mặt, luân phiên phủi bụi
trên quần áo cho nhau, rồi lên xe ngồi đụt mát trong lúc chiếc phà rẽ nước bung
khơi…
_________________________
(1) Gọi là “nước đổ” vì nước chỉ từ
nguồn xuống biển, không chảy lên. Thường năm cứ vào Tết Đoan Ngọ thì nước quay;
màu nước trong trở thành đục ngầu và rồi chảy xiết để thành lụt vào những tháng
mùa thu.
(2) Ttheo truyền thuyết thì nghề nuôi
tằm, ươm tơ, dệt lụa xuất phát tại Trung Hoa khỏang 4.500 năm trước đây. Tiên
khởi, một nàng công chúa bắt gặp một thứ sâu từ trên trời rơi xuống mái tóc
trong khi nàng ngọan cảnh trong vườn vua. Sâu nhả tơ óng ả rồi làm tổ, hóa bướm.
Nhân đó mệnh danh là tàm. Chữ tàm do chữ thiên và chữ trùng họp lại, có nghĩa là
sâu của trời. Nghề tằm tơ chỉ độc hữu ở Trung Hoa hằng nhiều thế kỷ rồi mới được
đưa sang Việt Nam, Nhật Bản, Ba Tư. Đầu thế kỷ thứ sáu có vài giáo sĩ giấu trứng
bướm vào gậy trúc mang về Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đó tằm mới được đưa sang Hi Lạp.Ý Đại
Lợi và Y Pha Nho. Đến cuối thế kỷ thứ 12, nước Pháp mới biết trồng dâu nuôi
tằm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét